Hơn Cả Tuyệt Vời

Chương 12: Chương 12




LONDON.

Bà Công tước đi tới đi lui trong phòng khách, người mặc chiếc áo satin màu bạc, lên tiếng hỏi Anthony:

- Anthony, cháu có cho bà đã sai lầm vì không thuê một thiếu nữ để dạy cho Alexandra cách ứng xử trong xã hội thượng lưu không?

Tony đang đứng trước tấm gương sửa tới sửa lui chiếc cravat trên cổ, anh quay lui, cười với bà nội, vì thấy bà đang lo sợ cho việc Alexandra ra mắt xã hội thượng lưu đêm này, anh đáp:

- Bây giờ quá trễ rồi, không thay đổi gì được nữa.

- Phải, mà ai có thể qua mặt được bà trong việc này, phải không? - bà Công tước hỏi, nhắc cho anh nhớ điều này, ý kiến trái ngược với ý kiến ban đầu. - Bà được xã hội thượng lưu xem là mẫu mực trog phép ứng xử, không phải vậy sao?

- Phải, rất đúng - Tony đáp, anh kiềm chế để mình khỏi nhắc lại cho bà nhớ rằng ngay từ khi mới bắt đầu huấn luyện cho Alexandra anh đã nói với bà rằng không nên để cho nàng học tập theo phong cách của bà già 71 tuổi.

- Chắc bà không thực hiện công việc này - bỗng bà Công tước nói rồi ngồi phịch xuống ghế, vẻ mặt rầu rĩ.

Tony cười khi thấy bà hoang mang lo sợ, thiếu tự tin. Bà bèn quay mắt nhìn anh rồi nói:

- Vài giờ nữa, chắc cháu sẽ không cười được nữa. Tối nay, bà phải ra sức thuyết phục thành phần ưu tú cũa xã hội thượng lưu chấp nhận một phụ nữ không có tiền bạc, không có gia đình tiếng tăm, lại là có tổ tiên danh tiếng để giới thiệu. Nguy cơ thất bại là rất lớn! bà sợ sẽ mang tai tiếng là người lừa bịp.

Anthony bước đến gần bà già đang hoảng sợ, người đàn bà có cặp mắt gay gắt, có miệng lưỡi chua cay và tính tình lạnh lùng đã làm cho xã hội thượng lưu nể trọng và làm cho cả gia đình lo sợ suốt mười mấy năm qua, ngoại trừ Jordan. Lần đầu tiên, anh hôn phớt lên trán bà.

- Không ai dám chống bà mà tẩy chay Alexandra đâu, ngay cả khi họ nghi ngờ nguồn gốc của chị ấy. Bà sẽ thực hiện được việc này mà không gặp một khó khăn nào đâu. Người khác có thể thất bại, nhưng bà thì không, bà nội à, một người có tiếng tăm như bà không thất bại đâu.

Bà Công tước suy nghĩ một lát rồi gật đầu trang trọng và nói:

- Chắc cháu nói đúng.

- Dĩ nhiên cháu nói đúng - Anthony đáp, cố nín cười - bà đừng lo Alexandra sẽ làm hỏng việc.

- Bà hy vọng như thế. Bà mong cô ta sẽ không tin vào lời dạy dỗ của ông ngoại cô ấy. Bà muốn cô ấy đạt được kết quả tốt trong Hội mùa kỳ diệu này. Bà muốn cô ta được mọi người mến mộ để có một người hẳn hoi thương mến. Bà ước chi Galverston chưa cầu hôn cô Waverly. Galverston là huân tước duy nhất chưa có vợ của nước Anh, nghĩa là Alexandra phải có chồng là bá tước hay huân tước.

- Nếu bà mơ ước như thế thì chắc bà sẽ thất vọng, bà nội à! - Anthony thở dài nói - Alexandra không quan tâm đến việc vui chơi ở Hội Mùa hay muốn những chàng trai thành phố mến mộ đâu.

- Đừng nói chuyện phi lý như thế. Cô ấy làm việc và học tập là để chờ cơ hội này!

- Nhưng không phải với lý do như bà nghĩ đâu - Anthony rầu rĩ đáp - Chị ấy đến đây là vì bà đã nói với chị ấy rằng Jordan muốn vợ anh trở thành người có địa vị khả kính trong xã hội thượng lưu. Chị ấy làm việc và học tập lâu nay là để hoàn thành ước muốn của chồng. Chị ấy không có ý định lấy chồng lại. Đêm qua chị ấy nói với cháu như thế. Cháu nghĩ là chị ấy tin Jordan đã yêu chị ấy, và chị có ý định “... đời mình” cho linh hồn anh ấy.

- Lạy Chúa lòng lành! - bà Công tước hoảng hốt thốt lên - cô ấy chưa tròn 19 tuổi! Đương nhiên cô ta phải lấy chồng. Cháu nói với cô ta như thế nào?

- Cháu không nói gì hết - Anthony đáp, giọng mỉa mai - làm sao cháu khuyên chị ấy nên học cách ve vãn chứ đừng học cách nói chuyện trong phòng khách hay là chỉ học cuốn Giới thượng lưu của Debrett.

- Thôi, cút đi Anthony - Đức bà thở dài - cháu làm bà chán thêm. Đi xem Alexandra làm gì, sắp đến giờ rồi.

Trong hành lang ngoài phòng ngủ của Alexandra, nàng đứng trước bức chân dugn nhỏ của Jordan, bức này nàng tìm thấy trong căn phòng không ai ở khi họ mới đến London, và nàng đem treo ở đây, nơi mỗi khi nàng đi qua nàng có thể thấy dễ dàng. Bức tranh được vẽ vào năm kia, trong tranh, Jordan ngồi dựa lưng vào gốc cây, một chân co lên, cổ tay gác trên đầu gối mắt nhìn người họa sĩ. Alexandra thích bức tranh, vì bố cục tự nhiên, không kiểu cách, nhưng chính vẻ mặt tự nhiên của chàng mới làm cho nàng thích nhất, vì thái độ Jordan nhìn nàng như thái độ của chàng khi chàng hôn nàng. cặp mắt xanh của chàng có vẻ trầm ngâm với nụ cười uể oải, hiền hòa. Alexandra đưa tay lên sờ vào môi chàng, nàng thì thào nói:

- Đêm nay là đêm của chúng ta, anh yêu à. Em biết anh sẽ không hổ thẹn vì em đâu.

Nàng liếc thấy bóng Anthony đang đi về phía nàng, nàng liền cất tay khỏi bức tranh. Không rời mắt khỏi nét đẹp hấp dẫn của Jordan, nàng nói:

- Người họa sĩ vẽ bức tranh này thật là một thiên tài, nhưng không thể đoán được ai. Vậy ông ta là ai thế?

- Allison Whitmore - Anthony đáp cộc lốc.

Ngạc nhiên khi nghe tên người họa sĩ là phụ nữ hơn nghe giọng cộc cằn của Anthony, Alexandra ngần ngừ một lát rồi nhún vai cố quên vấn đề này, nàng quay nhìn thẳng vào mặt Anthony.

- Này Anthony, chú nhìn tôi cho kỹ, chú có nghĩ rằng nếu bây giờ anh ấy nhìn tôi, ảnh có hài lòng không?

Anh không muốn nói thật cho Alexandra biết là bà Allison Whitmore vẽ bức tranh này khi Jordan đang gian díu với bà ta, nên anh quay mắt khỏi bức tranh để làm theo lời yêu cầu của nàng. Anh nín thở khi nhìn thẳng vào Alexandra.

Trước mắt anh là người đẹp tóc đen mặc chiếc áo dài cắt may thật đẹp bằng vải có màu ngọc bích như màu mắt nàng. Chiếc áo cắt kiểu hai vạt chéo nhau trên bộ ngực đầy đặn, rồi bó sát vào cái eo thon và ôm sát cặp mông tròn trịa. Mái tóc màu gỗ mun láng bóng chải ra sau khỏi trán, xõa gợn sóng trên hai vai, rồi xòa ra sau lưng. Kim cương cài trong sóng tóc láng mướt, lấp lánh như sao trên nền xanh lóng lánh. Nhưng chính khuôn mặt của nàng mới làm cho Anthony nín thở.

Mặc dù Alexandra Lawrence Townsende không đẹp theo truyền thống cổ điển, vì tóc nàng không đúng tiêu chuẩn và da nàng không trắng tái, nhưng anh thấy nàng là một trong những phụ nữ có sức quyến rũ rất lớn. Dưới hai hàng lông mi đen bóng, cặp mắt nàng tưoi vui, có sức thu hút kỳ lạ, khiến người nhìn vào phải mê mẩn. Đôi môi hồng, đầy đặn, mời gọi nhưng nụ cười trên đôi môi ấy lại cảnh cáo người ta đừng đến gần. Alexandra vừa quyến rũ lại vừa không muốn người ta đụng đến, vừa thanh cao lại vừa gợi dục, và chính sự tương phản này đã làm cho nàng có vẻ quyến rũ thêm, vẻ quyến rũ mà nàng không biết.

Khi đợi Tony nói cho nàng biết đêm nay Jordan có bằng lòng về vẻ ngoài của nàng không, đôi gò má cao như tạc của nàng hơi biến sắc khi thấy Tony trầm ngâm nhìn. Nàng liền hỏi lại để che giấu nỗi thất vọng của mình:

- Tệ phải không?

Anthony cười, nắm hai bàn tay mang găng của nàng trong tay mình, rồi thành thật nói:

- Nếu hôm nay Jordan mà thấy chị, anh ấy sẽ chết ngất vì sung sướng và chắc giới thượng lưu tối nay cũng sẽ bàng hoàng khi thấy chị. Tối nay chị đành cho tôi một bản khiêu vũ chứ? một bản valse chứ? - Anh nói thêm vừa nhìn vào cặp mắt to của nàng.

Khi ngồi trên xe để đến dự buổi khiêu vũ, bà Công tước đưa ra lời răn dạy Alexandra cuối cùng:

- Cháu khỏi cần lo lắng về việc khiêu vũ, cháu gái, cũng đừng lo về các thú vui mà cháu sẽ được hưởng tối hôm nay. Tuy nhiên - giọng bà cố vẻ cảnh cáo - Bà phải nhắc cho cháu nhớ rằng đừng để cho Anthony, - bà ta dừng lại, nhìn anh với ánh mắt nghiêm khắc - Đề cao trí thông minh của cháu để dẫn cháu đi lạc hướng khiến cháu nói năng như mọt sách và tỏ ra quá thông minh. Bà cam đoan với cháu rằng nếu cháu làm thế, cháu sẽ không thành công. Như bà đã nhiều lần nói với cháu, đàn ông quý phái không ưa phụ nữ học nhiều,.

Khi họ bước xuống xe, Tony bóp tay Alex động viên:

- Chị đừng quên cho tôi một bản đấy nhé, - Anh nói, cười với nàng.

- Nếu chú muốn, chú sẽ có tất cả các bản - nàng cười, rồi móc bàn tay vào khuỷu tay của anh, thái độ rất tự nhiên.

- Tôi phải đứng xếp hàng theo thứ tự chứ - Anthony cười khúc khích - Nhưng dù sao, tối nay là đêm vui nhất trong đời tôi.

Suốt nửa giờ đầu tại buổi dạ vũ của ông bà Huân tước Wilmer, sự tiên đoán của Tony hình như đã đúng sự thật. Tony đã đi vào trong phòng khiêu vũ trước bà nội và Alexandra, để có thể nhìn cảnh họ tiến vào. Anh thấy cảnh họ đi vào thật tuyệt vời. Bà Công tước thừa kế Hawthorne đi vào phòng dạ vũ như con gà mẹ bảo vệ che chở cho gà con - ngực bà ưỡn ra, lưng thẳng băng, cằm hếch tới trước với tư thế gây hấn, thách thức bất cứ ai hoài nghi công lao to lớn của bà đối với Alexandra, hay là thách thức bất kỳ ai dám từ chối nàng.

Cảnh tượng ấy làm “ngưng cuộc vui”. 500 nhân vật có tiếng tăm nhất, thạo đời nhất đều ngừng nói trong một phút để nhìn người phụ nữ cao quí, có thế lực, đáng kính nhất nước Anh đang đi kèm theo một cô gái mà không ai biết đến. Rồi nhiều tiếng thì thào nổi lên trong đám khách, nhiều chiếc kính một mắt được đưa lên và sự chú ý được chuyển từ bà Công tước sang cô gái xinh đẹp đi bên cạnh bà, người không giống một chút nào cô gái xanh xao hốc hác xuất hiện trong nháy mắt ở buổi lễ tưởng niệm Jordan.

Đứng bên cạnh Anthony, hầu tước Roderick Carstairs cau mày, lề rề nói:

- Hawthorne, anh cho tôi biết người đẹp đi bên cạnh bà nội anh là ai, được không?

Anthony nhìn Carstairs với vẻ thản nhiên:

- Góa phụ của người anh họ tôi, hiện là nữ Công tước Hawthorne.

- Anh nói đùa phải không? - Carstairs nói với vẻ ngạc nhiên tột độ, chưa bao giờ Anthony thấy thế - Anh muốn nói đây là cô gái nhếch nhác, tầm thường đáng thương mà tôi đã thấy vào buổi lễ cầu hồn cho Hawk, phải không?

Tony cố kềm chế sự bực tức trong lòng, anh nói:

- Lúc anh thấy chị ấy vào lúc đó, chị đang ở trong tình trạng kinh hoàng và còn rất trẻ.

Roddy đưa kính nhìn Alexandra, anh ta châm biếm nói:

- Cô ấy như rượu vang, để càng lâu càng ngon. Ông anh họ của anh là người rất sành rượu vang và phụ nữ. Cô ấy sẽ trường tồn với danh tiếng của ảnh. Anh có biết - Anh ta nói tiếp, vẫn nhắm chiếc kính về phía Alexandra - cô vũ công ba lê xinh đẹp của Hawk lâu nay vẫn không chịu ngủ với ai hết không? Nếu bây giờ mà anh ấy vẫn mê cô vũ công hơn vợ mình, thì cũng là điều đáng ngạc nhiên đấy.

- Anh nói thế là có hàm ý gì? - Anthony hỏi:

- Hàm ý à? - Rody hỏi, quay mắt nhìn Tony - À không có hàm ý gì hết. Nếu anh không muốn xã hội thượng lưu có cùng ý kiến như tôi, thì lời đề nghị anh đừng nhìn người vợ góa của Jordan với ánh mắt ích kỷ như thế. Cô ta đang ở với anh, phải không?

- Câm mồm đi - Anthony nạt lớn.

Hầu tước Rodderick Carstairs cười toe toét, không câu nệ, chấp trách, anh ta nói tiếp:

- Họ sắp khiêu vũ rồi. Nhờ anh giới thiệu để tôi khiêu vũ với cô ấy đi. Tôi muốn được nhảy với cô ấy ngay bản đầu tiên.

Anthony ngần ngừ, lòng tức tối. Anh không có lý do gì để từ chối việc giới thiệu này, ngoài ra, nếu anh không giới thiệu, anh biết thế nào Carstairs cũng trả đũa bằng cách quấy phá Alexandra, hay tệ hơn - lặp lại những lời nói bóng gió như gã vừa nói. Và Roddy là phần tử quan trọng nhất trong giới của Tony.

Tony thừa hưởng chức tước của Jordan, nhưng anh biết anh không có được đức tính cao ngạo và tự tin như Jordan, và chính Jordan nhờ có những đức tính này mà chàng mới có ảnh hưởng lớn nhất trong giới thượng lưu. Anthony biết bà Công tước có thể buộc giới thượng lưu không được quấy rầy Alexandra và bà có thể buộc nhóm lớn tuổi như bà chấp nhận Alexandra, nhưng bà không thể buộc hết thế hệ của Tony phải hoàn toàn chấp nhận nàng. Tony cũng không thể. Nhóm trẻ rất sợ miệng lưỡi của Roddy, những người trong nhóm trẻ của Tony đều không muốn trở thành đầu đề cho Carstairs đem ra nhạo báng. cuối cùng Tony cũng phải nói:

- Dĩ nhiên tôi sẽ giới thiệu anh.

Tony giới thiệu Carstairs với Alexandra, rồi đứng đó nhìn Roddy cúi chào nàng rất lịch sự và yêu cầu được hân hạnh khiêu vũ cùng nàng,.

Alexandra phải để tâm nhảy hết cả bản valse mới được thư giãn và thôi nhẩm tính bước đi trong óc. Thực vậy, nàng đã tự nhủ đừng bước sai nhịp để giẫm lên giày láng bóng của người đang nhảy với mình, anh chàng rất lịch sự nhưng có bộ mặt thật đáng chán. Khi gần kết thúc anh ta đã nói với nàng với một giọng lề rề, châm biếm:

- Xin cô cho biết làm cách nào mà cô xinh đẹp như thế này được, khi phải sống trong cảnh gay gắt với bà Công tước thừa kế Hawthorne?

Khi bản valse gần kết thúc, âm nhạc bỗng to lên nên Alexandra nghĩ là nàng đã nghe lầm, nàng bèn hỏi:

- Tôi... xin lỗi ông nói gì?

- Tôi bày tỏ lòng khâm phục của tôi đối với sự can đảm của cô khi phải sống trọn một năm trời với bà Công tước lạnh lùng như băng. Tôi rất cảm thương nỗi khổ mà cô đã chịu đựng trong suốt năm qua.

Alexandra không có kinh nghiệm trong loại đối đáp phức tạp như thế này, nàng không xem đây là chuyện đứng đắn, nên nàng đã phản ứng để bênh vực cho người phụ nữ nàng đã bắt đầu thương mến:

- Rõ ràng ông không rõ Đức bà rồi!

- Ồ, tôi không biết. tôi rất thương cảm cho hoàn cảnh của cô.

- Tôi không cần sự thương cảm của ông, thưa ngài, và ông không biết gì nhiều về bà ấy cho nên ông đã nói sai về bà.

Roddy Carstairs nhìn nàng với vẻ bất bình tức tối:

- Tôi xin nói cho cô hay rằng tôi biết rõ bà ấy, đã nhiều lần tôi khổ sở về tính tình khắc nghiệt của bà. Bà ấy là một người hung dữ.

- Bà rất độ lượng và tốt.

- Cô - Anh ta nói với nụ cười chế giễu - hoặc là sợ nói sự thật, hoặc cô là người ngây thơ nhất trên đời.

- Còn ông - Alexandra đáp với ánh mắt lạnh lùng, có thể nói là nàng đã học được ánh mắt của bà Công tước - hoặc là quá mù không thấy được sự thật, hoặc là ông quá ác tâm - vừa nói xong, bản valse cũng vừa chấm dứt, nàng liền quay lưng bỏ đi, thái độ thật không thể tha thứ được.

Không biết mọi người đang nhìn họ, nàng quay lại với bà Công tước và Tony, nhưng phản ứng của nàng đã được nhiều người khách chú ý đến, nhiều người không bỏ lỡ cơ hội để chê bai nhà hiệp sĩ hãnh diện vì đã thất bại với nàng Công tước Hawthorne. Để đáp lại, Roderick trả đũa bằng cách nói xấu nàng ngay trong đêm đó, anh ta nói cho những người quen biết sự khám phá của mình, trong thời gian khiêu vũ ngắn ngủi, rằng nàng Công tước Hawthorne là người vô duyên, nhạt nhẽo, điên khùng và nói chuyện rất chán, không lịch thiệp, thiếu tính hài hước.

Trong vòng một giờ, Alexandra đã thơ ngây chứng tỏ cho khách khứa thấy rằng nàng rất điên khùng. Nàng đang đứng giữa đám đông ăn mặc rất đẹp, tuổi từ 20 đến trên 30 một chút, nhiều người đang say sưa bàn về buổi vũ ba lê mà họ đã đến tham dự vào tối hôm trước, và có sự tham gia góp mặt của người vũ công ba lê nổi tiếng có tên là Elise Grandeaux. Alexandra quay sang Anthony, nàng cất cao giọng để cho anh nghe được, vì mọi người đang nói ồn ào, nàng ngây thơ hỏi có phải Jordan thích vũ ba lê không. 20 người hình như không ngừng nói, há hốc mồm nhìn nàng với vẻ mặt từ bối rối sang cười cợt chế giễu.

Việc thứ hai xảy ra sau đó một lát. Anthony để nàng ở lại với một nhóm người, kể cả hai anh chàng công tử bột chỉ biết bàn thảo về chuyện áo quần. bỗng khi ấy Alexandra; chú ý đến hai người phụ nữ đẹp nhất nàng chưa từng thấy. hai người đứng quay lưng với nhau, và cả hai đều tìm cách để nhìn Alexandra. Một người tóc vàng rất đẹp tuổi gần 30, còn người kia có da ngăm đen duyên dáng trẻ hơn cô kia vài tuổi.

Alexandra nhớ rằng có lần Jordan nói nàng làm cho chàng nhớ đến bức tranh của Gainsborough, nhìn hai người phụ nữ này đáng giá như một kiệt tác không thua gì tranh của Rembrandt. Nàng nhận ra Warren đang nói với nàng, nàng liền xin lỗi vì không chú ý đến lời ông nói, rồi nghiêng đầu về phía hai người phụ nữ đã làm cho nàng lơ đãng.

- Ông có thấy hai người phụ nữ kia đẹp tuyệt vời không? - nàng hỏi với nụ cười khâm phục trên môi và không có vẻ gì ganh tỵ.

Nhóm người đứng quanh nàng thoạt tiên đưa mắt nhìn hai người phụ nữ, rồi nhìn nàng. Họ cau mày tròn xoe mắt, lấy quạt để che nụ cười thích thú trong buổi dạ vũ, 400 người nghe nói bà quả phụ của Hawk khâm phục hai người tình cũ của chàng là Allison Whitmore và bà Elizabeth Grangerfield. Câu chuyện buồn cười đến nỗi bà Grangerfield và bà Whitmore - hai người đã thù hằn nhau từ lâu vì cùng yêu một người đàn ông - đã nghe được. Và lần đầu tiên trong nhiều năm, họ cùng cười khoái trá với nhau, như những người bạn thân thiết.

May cho Alexandra là nàng không biết những chuyện không hay vừa qua, nhưng nàng biết hình như người ta bịt miệng sau lưng nàng.

Khi ngồi trên xe về nhà, nàng hỏi Anthony phải chăng nàng đã thất bại, nhưng anh chỉ vỗ vai nàng, rằng nàng: “đã thành công rực rỡ”, còn bà Công tước đã nói nàng đã gặt hái “kết quả tuyệt vời”.

Mặc dù thế, Alexandra biết việc diễn ra không được tốt đẹp. Trong các buổi dạ vũ, tiệc tùng nghe ca nhạc sau đó, nàng thấy nhiều ánh mắt đổ về nàng. Đau khổ và bối rối, nàng tìm nơi ẩn nấp trong những quen biết của bà Công tước, những người này lớn tuổi hơn nàng rất nhiều, nhưng họ không nhìn nàng như nhìn một kẻ đáng thương, như người để mua vui. Ngoài ra, ngồi với các người lớn tuổi này, nàng có thể kể lại những câu chuyện kỳ diệu về tài khéo léo, và can đảm của Jordan, những chuyện mà ng đã nghe người phục vụ trưởng và người chỉ huy chăm sóc ngựa ở Hawthorne kể, như chuyện chàng cứu người chỉ huy đám chăn ngựa khỏi bị chết đuối.

Alexandra cảm thấy hình như những người lớn tuổi lịch sự này sau khi nghe nàng kể chuyện của mình xong, họ nghĩ là nàng đã mê mẩn Hawthorne một cách rồ dại, lố lăng - hay là cũng chính những người này có thể kể lại chuyện này có thể cho con cháu nghe, rồi những người trẻ tuổi này đem chuyện họ nghe được kể lại cho bạn bè họ biết.

Họa hoằn lắm mới có vài người mời nàng khiêu vũ, nhưng có nhiều người đàn ông quan tâm đến món hồi môn khổng lồ mà bà Công tước và Anthony đã dành cho nàng, hay là những người đàn ông muốn thưởng thức cơ thể của người thiếu nữ đã lấy người đàn ông có tiếng phóng đãng nhất nước Anh. Không ai biết tại sao mà Alexandra nghĩ rằng những ông này không có ai thực sự thích nàng, và nàng chỉ còn một cách duy nhất phải làm để che dấu sự bối rối và khổ sở của mình: đó là hếch cằm lên, và với vẻ lịch sự xã giao, nàng cho họ biết rằng nàng thích ngồi với nhóm của bà Công tước.

Kết quả là nàng được người ta đặt cho cái tên nàng Công tước Nước đá, và cái biệt danh không hay này trở thành phổ biến. Trong giới thượng lưu, người ta thường nói đùa với nhau rằng Jordan Townsende có thể đã nghĩ rằng chết đuối còn sướng hơn là chết cóng trên giường vợ. Họ còn vui sướng kháo cho nhau nghe rằng người ta thấy Jordan từ trong ngôi nhà sang trọng của cô vũ công ba lê, ngôi nhà được chàng cung cấp, đi ra ngay vào buổi chiều có tin đám cưới của chàng xuất hiện trên tờ Times.

Ngoài ra người ta còn kể cho nhau nghe rằng tình nhân của Jordan đã cười hả hê nói với người bạn ngay tối hôm đó rằng hôn nhân của Jordan là điều bất đắc dĩ, chàng không có ý định cắt đứt mối liên hệ với họ.

Trong thời gian hai tuần, Alexandra đau đớn nghĩ rằng nàng là kẻ bị xã hội ruồng rẫy, nhưng vì nàng không nghe ai nói, nên nàng không biết làm sao tìm được nguyên nhân. Nàng chỉ biết một điều là xã hội thượng lưu đối xử với nàng hoặc là với tinh thần trịnh thượng, bỡn cợt hoặc là với sự khinh miệt ra mặt. Và chính đây là điều khiến nàng cảm thấy nàng đã làm cho Jordan thất vọng hoàn toàn. Nàng đứng hàng giờ ở hành lang trước bức ảnh giống chàng nhất, cố gắng để khỏi khóc, âm thầm xin lỗi chàng vì đã làm chàng thất vọng, xin chàng tha thứ.

***

- Hawthorne, anh có nghe tôi không? thức dậy đi!

Jordan cố sức nhướng mắt mở ra để đáp lại lời yêu cầu nho nhỏ vừa thốt ra. Ánh sáng từ các cửa sổ ở trên tường cao chiếu xuống làm cho chàng chói mắt, đầu đau như búa bổ khiến cho chàng không nhớ gì về những chuyện đã xảy ra hết.

Khi chàng tỉnh lại thì trời đã tối, chàng thấy khuôn mặt cau có của George Morgan, người tù khác trên chiếc Lancaster mà chàng đã không gặp từ khi chàng bị đưa ra khỏi tàu cách đây ba tháng.

- Tôi ở đâu thế này? - chàng hỏi, cảm thấy máu từ đôi môi bị rách ứa ra.

- Ở địa ngục - người Mỹ cau có đáp - Nói đúng hơn là ở trong hầm ngục của Pháp.

Jordan cố đưa tay lên, nhưng sợi dây xích níu chàng xuống. Chàng đưa mắt nhìn theo sợi dây và thấy xích được gắn vào vòng sắt chôn trên tường. Chàng thấy hoang mang, phân vân tự hỏi tại sao chàng lại bị xích, còn George Morgan thì không.

Hiểu được sự phân vân của chàng, người bạn tù nói tiếp:

- Anh không nhớ à? Anh bị xích là vì anh đã đánh dập mũi người lính gác nếu không muốn nói gần cắt đứt cổ hắn với lưỡi dao của hắn khi họ mang anh vào đây sáng nay.

Jordan nhắm mắt, nhưng chàng không nhớ cảnh đánh nhau với lính gác ra sao. Chàng hỏi:

- Phần thưởng dành cho tôi còn gì nữa? - giọng chàng khàn khàn, nghe rất xa lạ với tai chàng:

- Ba hay bốn cái xương sườn bị gãy, cái mặt bầm tím, còn sau lưng thì bị rách nát.

- Tuyệt - Jordan nghiến răng - tại sao chúng không giết tôi mà hành hạ như thế này?

George cười khi nghe giọng nói thê thảm của chàng.

- Mẹ kiếp, người Anh thuộc dòng dõi quí tộc không bao giờ chịu khuất phục, phải không? lạnh như đá đúng như lời người ta thường nói - George đưa tay lấy bình nuớc, rót vào cốc đầy thứ nước nhầy nhụa nghiêng miệng cốc vào môi Jordan.

Jordan uống vào rồi nhổ ra hết với phản ứng giận dữ.

Không để ý đến phản ứng của chàng, George đưa cốc áp vào môi chàng lại và nói:

- Chắc anh biết ở đây không có nước sạch mà cùng không có bình và cốc sạch đẹp. Nhưng nếu anh không uống, anh sẽ tự giết mình, rồi bọn lính gác sẽ đổ lên đầu tôi.

Jordan cau mày nhìn người bạn tù, rồi uống vài ngụm nước dơ bẩn.

- Thế là tốt, chắc anh rất thích bị trừng phạt - Anh ta nói tiếp, vừa lấy những mảnh vải xé ở áo anh ta ra để băng ngực cho Jordan - nếu mẹ anh ở đây thì anh phải lễ phép khi nói với hai người mang súng và dao ác ôn, thì chắc anh đã tránh khỏi trận đòn này rồi.

- Anh đang làm gì đấy?

- Đang cố sửa lại mấy cái xương sườn cho đúng vị trí của chúng đây. Bây giờ tôi trả lời câu hỏi vừa rồi của anh, là tại sao chúng không giết anh cho anh chết. Bọn Pháp cố giữ anh còn sống để phòng trường hợp người anh có bắt người của họ. tôi nghe bọn sĩ quan nói rằng họ giữ anh để phòng khi trao đổi tù binh. Dĩ nhiên nếu anh cứ tiếp tục chửi bới bọn lính gác, và quyết chí cướp vũ khí của họ, thì chắc anh không được dự phần vào việc này. Nếu khi thấy anh nổi trên biển mà như thế này, chắc tôi không lôi anh lên khỏi biển cùng tôi vào hạm đội Pháp để đưa chúng ta đến đây.

- Trông tôi thê thảm lắm sao? - Jordan thờ ơ hỏi.

- Tôi cam đoan với anh là nếu anh bị thêm một trận đòn như thế này nữa, chắc anh sẽ không gặp được hai người phụ nữ yêu thương anh nữa đâu.

Đầu óc chàng vẫn chìm đắm trong cõi vô thức nên chàng không nhớ gì hết. Jordan cố gắng để chế ngự sự đau đớn trong cơ thể, chàng hỏi:

- Hai người phụ nữ nào?

- Tôi nghĩ là anh hiểu rõ hơn tôi. Một người là Elise. Cô ta là vợ anh phải không?

- Tình nhân.

- Còn Alexandra?

Jordan nhấp nháy mắt, cố nhớ. Alexandra, Alexandra.

- Một đứa bé - chàng nói, trước mắt chàng đang hiện ra hình ảnh lờ mờ một cô gái tóc đen đang vung vẫy cái gươm giả - Không! - Chàng nói nho nhỏ, vẻ ân hận đau khổ vì chàng bỗng nhớ lại quá khứ đời mình, cuộc đời phí phạm trong việc săn đuổi theo phụ nữ, trong cuộc sống trác táng và cuộc sống vô nghĩa phải kết thúc trong cuộc hôn nhân bốc đồng với một cô gái có sức làm cho chàng mê mẩn, và mới ngủ với chàng chỉ có một đêm thôi - vợ tôi.

- Thật không? - George hỏi, vẻ kinh ngạc - Anh có người tình, người vợ và đứa bé à? Cái gì cũng chỉ một mà thôi à?

- Không... - Jordan thẫn thở chỉnh lại - Không phải đứa bé: một vợ, nhiều tình nhân.

George cười, chùi tay trên bộ râu dơ bẩn.

- Tôi không muốn chỉ trích ai. Tôi khâm phục người nào biết sống ở đời. Nhưng nhiều tình nhân là sao? - Anh ta hỏi vẻ ngạc nhiên.

- Không phải - Jordan chỉnh lại, nghiến răng để khỏi đau cùng một lúc.

- Lâu nay chúng nhốt anh ở đâu? Từ khi bọn Pháp đưa chúng ta lên khỏi tàu cách đây ba tháng, tôi không thấy anh.

- Tôi có chỗ ở riêng, và được chăm sóc chu đáo, - Jordan mỉa mai đáp, chàng muốn nói đến cái hầm tối nằm dưới ngục thất này, nơi chàng bị nhốt riêng để tra tấn, khiến cho chàng gần mất trí vì đau đớn.

Người bạn tù lo lắng nhìn thân thể tiều tụy của Jordan, nhưng anh ta cố giữ giọng nhẹ nhàng để nói với chàng.

- Anh đã nói với bọn Pháp cái gì mà khiến chúng ghét anh nhiều hơn tôi thế?

Jordan ho và nghiến răng vì ngực đau như dao cắt.

- Tôi nói tên tôi cho chúng biết.

- Tại sao chúng ghét?

- Chúng nhớ cái tên ấy - chàng thở hổn hển, phấn đấu để được tỉnh táo -... Ở Tây Ban Nha.

George cau mày kinh ngạc.

- Chúng đối xử với anh như thế này vì chuyện anh đã gây cho chúng ở Tây Ban Nha à?

Chàng gật đầu, trí óc nửa tỉnh nửa ê mắt nhắm nghiền.

- Và vì... chúng tưởng tôi còn... biết tin tức về quân sự.

- Này Hawthorne, nghe tôi nói đây - George nói - hồi nãy khi mới tỉnh dậy, anh có nói về kế hoạc đào thoát, có phải anh định trốn thoát không?

Chàng gật nhẹ đầu.

- Tôi muốn đi với anh. Nhưng Hawthorne này, anh không thể qua khỏi trận tra tấn như thế này nữa đâu. Tôi nói thật đấy, anh bạn ạ. Đừng chọc tức bọn lính gác nữa.

Jordan gục đầu sang một bên, chàng đã mê man trở lại.

Ngồi chồm hổm trên nền nhà, George lắc đầu thất vọng. Chiếc Versailles đã mất rất nhiều binh sĩ trong trận đánh nhau đẫm máu với chiếc Lancaster khiến cho viên thuyền trưởng Pháp đã vớt ba người lên khỏi mặt nước, dùng họ để bổ sung vào nhân số bị hao tổn nhiều của ông ta. Một người đã chết vì thương tích trầm trọng. George tự hỏi không biết người bạn tù này có sắp trở thành người thứ hai tử vong hay không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.