Quyển II: Học Phủ Phong Vân
C 65: Biến đổi ở thành Đại Định (4)
Kiệt đang gặp gỡ một vài người bạn hàng quan trọng, đó là các thương nhân đến từ những hải đạo. Kiệt muốn mua lưu huỳnh từ chỗ họ. Các hòn đảo đó nằm trên những miệng núi lửa, cho nên lưu huỳnh có chất lượng rất cao mà khai thác lại dễ nữa chứ. Lưu huỳnh là một trong những thứ quan trọng để làm thuốc súng đen, tất nhiên Kiệt phải tìm cách tích lũy và đặt hàng được dài hạn.
Còn đang nói chuyện, chợt có người báo với Kiệt rằng Phu nhân Amusi của Hiên Giáo gửi thiếp tới mời Kiệt gặp mặt. Nhìn thấy điều này, Kiệt chau mày, không biết thế là sao? Hai bên vốn có quen thân gì đâu. Amira với Amusi thì càng là quan hệ đối địch mà nhỉ?
Nghĩ nhiều mà không ra, Kiệt quyết định tới ngày hẹn sẽ đi gặp mặt vị phu nhân này, xem chuyện ra làm sao. Có điều, cậu cũng thủ sẵn cao thủ đi bảo vệ lại thủ cả một cái nỏ sát thủ trong tay áo, phòng chuyện bất trắc thì có thể phản ứng kịp như Minh khi bị bọn cướp động Hổ Vằn ám sát.
Tới nơi, phu nhân Amusi tổ chức đón tiếp cẩn thận, mời những đầu bếp giỏi nhất của Hiên Giáo ra để tiếp đãi những món ăn lạ miệng từ Chiêm Thành, rồi mang cả những vũ công Chiêm tới múa hát hầu hạ. Kiệt phải công nhận bản thân thấy cực kỳ thoải mái.
- Có câu vô công bất thọ lộc, Kiệt hôm nay đã được phu nhân chiêu đãi thịnh soạn thế này, không biết có thể báo đáp phu nhân ra làm sao?
- Cậu Kiệt nói làm tôi thấy xấu hổ, những thứ cậu làm ra còn hơn thế này nhiều. Phòng tắm nước nóng hay là những đấm bóp mà cậu chỉ đạo, chắc chắn làm tốt hơn đám ngốc này ấy chứ. Tiếc thay, tôi không kịp làm thân với cậu.
Amusi cũng không giấu ý đồ, bà ta muốn cùng Kiệt chia sẻ phương thức kinh doanh ngành nghề thư giãn mát xa... Ở vùng đất Chiêm Thành cũ, nghề vũ nữ không quá bị kỳ thị, số lượng vũ nữ cực đông, Hiên Giáo cũng có một lượng lớn tín đồ xuất thân là vũ nữ, làm ngành nghề nhạy cảm này càng lợi.
Nhớ ngày xưa Khương Tiểu Bạch (Tề Hoàn Công) hỏi Quản Di Ngô ( Quản Trọng) rằng làm sao để nước giàu, Quản Di Ngô nói: “Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợt dịp cao mà bán ra lấy lãi, lập 330 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ tập… “Nữ lư”chính là thanh lâu kỹ viện. Những nữ lư này trở thành một nguồn thu nhập không nhỏ cho nước Tề. Từ đó Quản Trọng được coi là ông tổ của “ngành“.
- Nếu phu nhân có lòng, tôi cũng sẽ hỗ trợ phần nào...- Kiệt tính toán một hồi rồi đáp. Amira không có nhân lực làm vụ làm ăn này, cho nên Kiệt có thể hợp tác với Amusi.
Sau đó, Amusi cũng đề đạt một số vụ làm ăn khác, vài vụ thì có liên quan tới Amira, nên Kiệt chối từ thẳng thắn. Bữa tiệc kéo dài cũng khá lâu, tới đêm khuya, để tỏ lòng hiếu khách, Amusi mời Kiệt qua đêm tại tổng đàn Hiên Giáo, có chăn ấm nệm êm. Trót uống kha khá, với cả tin rằng đối phương không có dám làm hại mình do hai bên đã bàn việc làm ăn rất hợp, Kiệt nhận lời ngủ lại.
Đang nửa đêm, ngủ đang ngon, Kiệt chợt thức tỉnh khi có tiếng động trong phòng, cậu tỉnh táo ngay, ngưng thần chờ đợi xem có chuyện gì, rồi cửa tủ trong phòng mở ra, hai bóng người một lớn một nhỏ hơn đi ra.
- Kiệt ơi!- Cái bóng đen nhỏ hơn cất tiếng, và Kiệt biết là ai rồi, Amira. Cậu ngồi dậy, nheo mắt một hồi để quen với bóng tối, rồi nhận ra cái bóng thứ hai, phu nhân Amusi.
- Hai người...- Kiệt bắt đầu cảm thấy không hay khi hai người này tới đây, và rồi phu nhân Amusi xác nhận việc Amira đã nói cho bà ta biết thông tin mật vụ Lữ Liêm.
- Có điều cậu yên tâm, tôi tuyệt đối không hề định làm lộ chuyện ra ngoài. Hôm nay làm thế này, là cùng với cậu thương nghị đại sự.
Kiệt nhìn Amira, ánh mắt đầy giận dữ. Cậu thật sự không nên mềm lòng mà nói chuyện cho cô ta biết. Phu nhân Amusi ngồi chặn ngang giữa hai người, nói rằng bà hiểu Kiệt giận vụ này, nhưng chuyện đã rồi, tốt nhất cùng hướng về tương lai.
- Bà muốn gì?
- Tôi nghe cậu quy hoạch cho Amira cách phân đàn của nó hoạt động, cơ bản là dần bỏ các ngành nghề làm đồ xa xỉ, tốc độ hốt bạc nhanh, thay vào đó những ngành làm việc nặng nhọc, tốn nhiều sức người,... như thủ công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp...
- Đúng, không có nhà tắm nước nóng, không có mĩ nữ mát xa, không có xe ngựa đi, không ăn lẩu gà, lẩu cá,... thì không sao, nhưng không có cơm ăn, áo mặc, đồ dùng hàng ngày, rồi những thực phẩm như cá biển, gà, lợn... thì sẽ chết. Cho dù Lữ Liêm có điên tới thế nào, cũng phải để những ngành nghề kia phát triển.
- Nếu lão tận thu thì sao?
- Thì sẽ có nổi loạn. Người dân không sống nổi nữa thì còn sợ gì cái chết.- Kiệt nói vậy, phu nhân Amusi gật đầu.
Kiệt nói tiếp, trong thời gian 1 năm này, bao nhiêu tiền của tích góp, hãy dùng để làm vốn đầu tư như mua ruộng, xây nhà xưởng, đóng thuyền,... Lấy danh nghĩa ủng hộ các tín đồ Hiên Giáo làm ăn là tốt nhất. Như thế sẽ che mắt được thiên hạ, tránh người ta nghi việc mình biết trước. Hơn nữa làm thế nhất cử lưỡng tiện, các tín đồ nhất định sẽ nhớ tới hành vi của phu nhân, sau này bà có chuyện họ sẽ bênh vực.
Kiệt cũng lấy tích Mạnh Thương Quân ra kể.
Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn làm Tướng quốc nước Tề vào thời Chiến Quốc với phong địa ở đất Tiết nên còn gọi là Tiết Công và là một trong Chiến Quốc tứ công tử. Ông là một người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách.
Thực khách của ông ngày càng nhiều, có hơn 3000 người danh tiếng. Ông chia môn khách làm mấy bậc; Loại thứ nhất đi đâu cũng có xe ngựa, loại thứ hai ăn cơm có thịt cá, còn loại thứ ba chỉ có gạo thô và rau dưa mà thôi.
Một hôm, có người tên là Phùng Hoan yết kiến ông. Mạnh Thường Quân hỏi: “Khách có điểm gì hay”, Phùng Hoan bảo: “Tôi không có gì hay cả“. Lại hỏi: “Khách có tài gì“. Phùng Hoan lại trả lời không. Mạnh Thường Quân cho vào hạng khách thấp nhất.
Phùng Hoan từ khi vào nhà ông, suốt ngày cầm kiếm hát: “Kiếm ơi, về thôi, ăn cơm mà không có cá“. Có người nói với Mạnh Thường Quân, ông bèn cho Phùng Hoan vào hàng khách được ăn cá. Nhưng Phùng Hoan vẫn chưa hài lòng, hát rằng: “Kiếm à, về thôi, đi ra ngoài mà không có xe!“. Mạnh Thường Quân bèn cho Hoan vào hàng khách được ngồi xe. Phùng Hoan lại hát: “Kiếm ơi! về đi thôi! chẳng có gì gửi về nhà giúp đỡ!“. Mạnh Thường Quân hỏi nhà Phùng Hoan có thân nhân không, Phùng Hoan nói có mẹ già, Mạnh Thường Quân bèn chu cấp cho mẹ Hoan.
Mạnh Thường Quân để có tiền nuôi khách nên cho dân ấp Tiết vay, nhiều người trốn nợ. Phùng Hoan xin ông cho mình thay mặt đòi. Khi thu tiền, Phùng Hoan cho thiêu huỷ hết giấy nợ, dân chúng tung hô rất nhiều. Khi về phủ, Mạnh Thường Quân hỏi về việc thu nợ, Hoan nói rằng đã thu lòng dân rồi. Mạnh Thường Quân trách móc mãi. Sau này, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân ngày càng vang dội.
Mạnh Thường Quân sau bị cách chức, đành phải trở về đất phong của mình là đất Tiết. Mạnh Thường Quân từ đó mới hiểu ý Phùng Hoan. Lúc đó, hơn ba ngàn môn khách phần nhiều bỏ đi, chỉ còn Phùng Hoan và một số người đi theo đánh xe đưa ông về đất Tiết. Khi xe còn cách đất Tiết hàng trăm dặm, đã thấy dân chúng đất Tiết, già trẻ dắt díu nhau ra đón. Trước tình hình đó, Mạnh Thường Quân rất xúc động, nói với Phùng Hoan: “Tình nghĩa trước kia ông mua cho tôi, bây giờ mới thấy“.
Từ đó thuật ngữ Mạnh Thường Quân dùng để chỉ những người hay giúp đỡ kẻ hoạn nạn. Tề Vương sợ Mạnh Thường Quân được Ngụy Vương bái làm Tướng quốc thì nguy cho Tề, đành sai sứ đến tạ tội với Mạnh Thường Quân, phục chức Tướng quốc. Tân khách trước kia bỏ ông đi lại kéo về, Phùng Hoan khuyên ông bỏ hiềm khích mà thu dụng lại.
- Cậu nói rất có lý!- Phu nhân Amusi cảm ơn, hẹn sáng mai cùng Kiệt bàn chuyện về những việc làm ăn mới, sau đó liền rời đi, để Kiệt và Amira nói chuyện riêng.
- Xin lỗi cậu, tôi lựa chọn nói với phu nhân chứ không giữ kín.
- Tôi cũng đã phản bội lời hứa với Nguyễn Ninh rồi, cũng chả có tư cách gì nói cô cả!- Kiệt tỏ ý không muốn nói thêm gì nữa, nhưng Amira không chịu từ bỏ, cô ta một mực xin lỗi cậu, và nói lý do cô ta chọn nói với phu nhân Amusi.
Kiệt đã khiến cô ta càng lúc càng bất an, nhất là sau câu chuyện về Hội hiệp sĩ dòng Đền nọ, Amira sợ rằng Hiên Giáo cũng sẽ bị Lữ Liêm diệt giáo để cướp tiền, và là một phân tử của Hiên Giáo, cô phải bảo vệ nó. Cha cô hay giáo chủ đều là những kẻ tầm thường, chỉ có phu nhân Amusi là đặc biệt, và bà đã chứng tỏ bản thân trong cuộc gặp hôm nay đấy. Sẽ không ai biết gì hay có nghi ngờ việc bà ta đã thông đồng với Kiệt.
- Hừ!- Kiệt còn tỏ ra giận dỗi, nhưng giờ cũng chỉ còn biết tự trách mình. Câu chuyện vua Pháp diệt hội hiệp sĩ dòng Đền là cậu kể, biết làm sao được nữa.
Ngày hôm sau, Amusi và Kiệt bàn chuyện hợp tác. Để vụ này qua mắt được Nguyễn Ninh, tiện thể kiếm thêm ít tiền, Kiệt bắt Amusi phải mua máy móc mà cậu chế ra, vụ bán máy này giúp Kiệt rất nhanh thu về rất nhiều tiền bạc, đủ để chi tiêu mọi sự. Kiệt lấy khoản đó đưa cho Nguyễn Ninh nhờ hắn mua ngay cho cha cậu chức quan.
Nguyễn Ninh cầm đống tiền trong tay, vỗ vai Kiệt mà bảo là cậu kiếm tiền thật giỏi, cứ thế này, nhất định có ngày nhà họ Hoàng nhờ cậu mà đổi đời. Nguyễn Ninh có tiền trong tay, lập tức ra sức, chưa đầy hai tháng, cha Kiệt được bổ nhiệm làm quan vận lương của Phủ Tân Bình. Chức quan vận lương chính là đảm nhiệm việc thu nhận lương thảo các nơi, chuyển tới các kho lương.