Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 253: Chương 253: Tiễu phỉ (7)




Quyển III: Cao Nguyên Sắc Máu

C 19: Tiễu phỉ (7)

Ngày nghỉ ngơi thứ 3, Kiệt dùng để thông báo cho toàn quân về những khoản thu nhập. Các thương nhân kia đã trả bằng tiền tươi thóc thật, Kiệt lập tức đem ra để thực hiện trả lương thưởng cho lính. Giữ tiền nhiều trong tay, Kiệt cũng e rằng có người của mình sẽ nổi lòng tham mà làm điều gì ngu ngốc. Con người là loài động vật thích tự hủy nhất mà.

Kiệt đem sổ sách giao cho các tướng lĩnh, thông báo cho các chỉ huy để họ biết về việc phân chia tài vật. Theo đó tài vật chia làm 3 phần, phần thứ nhất để chi trả cho toàn bộ binh sĩ, phần thứ hai để chi trả cho thương binh, tử sĩ, và phần cuối là khoản để chi tiêu chung: mua sắm vũ khí, lương thực,… Binh sĩ cả cũ lẫn mới, trước phương thức phân chia và sự công khai, minh bạch, rất khoái.

3 ngày nghỉ ngơi đã kết thúc, toàn quân bắt đầu đi lên Tây Bình. Các quan viên Tây Bình đã được thông báo, nên cho người mở đường và dẫn đường cẩn thận, bởi đây là lực lượng sẽ hỗ trợ họ nếu có nạn bọn man trên Nam Bàn đánh xuống. Chưa kể thắng lợi của đội quân này trước Động Hổ Vằn cũng làm đất Tây Bình phải nể. Sẵn rủng rỉnh tiền sau vụ thu hoạch ở Động Hổ Vằn, lại thêm quân pháp quy định, đám lính thường dùng tiền tươi thóc thật trao đổi nếu muốn mua đồ, không thèm ăn chặn gì, khác hẳn đám quan quân bình thường ở Tây Bình. Thế nên người dân cũng đáp lại bằng thân tình, thường xuyên mang đồ tốt ra bán, vì bán đồ xấu thì lính không mua nhiều.

Những lời khen ngợi quân viện trợ làm lính bản địa không vui lắm, nhiều lúc nóng máu đi cà khịa quân viện trợ. Những điều này khiến kế hoạch ban đầu là để quân viện trợ tới doanh trại ở chung phải bỏ qua. Hơn nữa khi Kiệt đi tiền trạm, thấy trong các doanh trại này lính tráng quá vô kỷ luật, mà mình không có quyền can thiệp, rất có thể đám lính bản địa sẽ làm hư quân mình.

Thế là nhân cớ sự, Kiệt đề nghị cho quân viện trợ được ở đất khác. Các quan viên cũng ngại do bên mình gây sự trước, nên đồng thuận. Họ bố trí quân lính của Kiệt đóng ở đất của địa chủ Kha Lương. Vùng đất này khá trù phú, có đủ lương thực tại chỗ để 2000 con người sử dụng trong tầm 2 tháng, còn sau 2 tháng cũng tới vụ gặt, không lo thiếu lương hoặc phải vận lương từ xa tới mà giá quá cao hoặc nhiễu dân. Hơn nữa từ đất này có thể nhanh chóng cơ động qua khu vực đóng quân phòng thủ giữa đất Tây Bình và Nam Bàn.

Kha Lương là một người đàn ông trung niên, tóc mới hoa râm, trông vô cùng phong độ. Bản thân ông ta cũng luyện võ. Đất này là ông cha của Kha Lương khai hoang, cũng từng nhiều lần bị thổ phỉ ghé thăm, nhưng cuối cùng tới đời Kha Lương và con cháu, vẫn đứng vững ở đất này. Kiệt đứng ra thỏa thuận với Kha Lương rằng quân lính sẽ dùng một phần đất làm doanh trại, phải xây hào, công sự, có thể ảnh hưởng việc sản xuất, chăn nuôi. Để đổi lại, họ sẽ hỗ trợ tối đa cho Kha Lương nếu nơi này có nguy hiểm, và thời bình thì sẽ sang giúp đỡ việc nặng.

Kha Lương từ chối vì quan quân mà nhiệt tình là dễ sinh chuyện, nhưng Kiệt không để ông ta từ chối. Sau khi trại đã hoàn thành, cậu liền yêu cầu lính ngoài giờ tập, phải ra hỗ trợ người của Kha Lương những việc như gánh nước, đào thủy lợi hoặc việc đồng áng. Chưa tới lúc chiến và họ cũng ăn uống ở đây, giúp dân thì sẽ cực kỳ có lợi. Hai cuộc kháng chiến lớn của Việt Nam thế kỷ 20 đã minh chứng rõ ràng vấn đề dân vận.

Sau một thời gian, Kha Lương thấy Kiệt là người tính tình dễ gần, trị quân nghiêm minh, không cậy chức quyền bắt nạt dân, quyết định liều một phen. Kha Lương nhân một ngày trời đẹp, mời Kiệt cùng bản thân ra ngoài săn bắn chơi. Kiệt tinh ý, biết là Kha Lương quan sát mình đã lâu, giờ lại mời mình đi riêng thì tất nhiên là có việc muốn nói riêng.

Cả hai người cùng đi một hồi, Kha Lương dẫn Kiệt tới một vùng núi. Lúc này ông ta mới nói ra mục đích muốn gặp Kiệt. Hóa ra ngày xưa, trong lúc ông nội Kha Lương từng đi đào thủy lợi từng phát hiện ở nơi đây có một mỏ sắt. Nhưng lúc đó ông nội của Kha Lương thế lực quá nhỏ, chỉ dám giấu trong lòng, không dám để lộ. Tới đời Kha Lương bây giờ, cảm thấy thế lực đã đủ, quyết định khai thác mỏ sắt này.

- Nếu vậy sao ông anh lại tới tìm tôi. Việc khai mỏ xưa nay khó khăn gian khổ vô cùng, vốn cần lớn, nhân lực cần nhiều, phải liên hệ với quan lại, rồi nếu muốn có vốn thì nên hợp tác với người giàu có khác chứ. Tôi chỉ là một viên tiên phong nhỏ nhoi, cầm quân lên đây cốt để đánh giặc rồi lại về thôi.

- Tôi đã nghe về cậu qua đám binh lính và những viên chỉ huy cấp thấp, biết cậu giao thiệp rộng, lại nghe họ kể cậu có tài năng chế tạo những thứ máy móc phi thường, và tôi cũng đã dùng qua chúng. Nhưng quan trọng nhất, tôi cũng tìm hiểu từ ông bạn Vũ Đa, một trong những người từng mua bán đám tù nhân và hàng hóa mà cậu thu từ Động Hổ Vằn, cậu luôn làm ăn sòng phẳng và biết nhìn xa, tính cái lợi lớn, đó là thứ tôi cần nhất.

Kiệt nhìn lại Kha Lương, gãi gãi cằm. Mỏ sắt là một tài nguyên quan trọng, đặc biệt là một mỏ sắt mới được phát hiện, nó sẽ cung cấp cho Kiệt lượng quặng rất giá trị, phục vụ việc chế tạo các loại máy móc, khí giới,…

Còn về tiền vốn, đám người Hoàng Văn Thành, Bùi Khả Ái chẳng phải đang muốn đầu tư gì đó hay sao, giới thiệu họ lên là xong. Kiệt gãi cằm, rồi hỏi thêm về mỏ sắt và rời đi. Kha Lương thấy Kiệt hỏi kỹ càng, thậm chí hỏi cả những thông tin không liên quan như các tuyến đường vận chuyển hay nguồn nước lớn ở gần, tuy không hiểu nhưng biết là Kiệt đã động lòng, có thể hợp tác. Không ai tự dựng tập trung nhiều nếu chỉ hỏi rồi để đấy.

Nhưng việc hợp tác mới chỉ có tính toán tới, thì binh tình đã biến đổi. Từ đất Nam Bàn, có một đạo quân tiến tới, nhân số tầm vài trăm, nai nịt gọn gàng, khí giới đầy đủ. Quân lính Tây Bình vội vàng khí giới, sẵn sàng xung trận. Nhưng đội quân kia dừng lại ngay khi thấy thám báo, rồi cử những toán người mặc quần áo lính và giáp tướng lĩnh giống người miền xuôi đi từng toán nhỏ, không mang khí giới,

Quân lính bắt lại, tra hỏi thì đám người kia khai rằng mình là lính miền xuôi đóng quân trên Nam Bàn, là quân trấn thủ ở đấy. Dân Thượng trên Nam Bàn khởi loạn, họ chống cự không nổi, nên phải bỏ chạy. Có điều, quân Thượng giờ tập trung hết ở vùng giáp ranh Bắc Bình, các buôn làng ít quân, bỏ trống nhiều, nên họ đi qua dễ dàng và đồng thời cũng đủ sức đánh hạ những kẻ chống đối với binh lực trội hơn một chút.

Nghe tin này, quan quân Tây Bình bán tín bán nghi, bọn lính bị bắt liền xin dàn quân, để quân tướng Tây Bình gặp mặt trực tiếp tướng chỉ huy của họ. Bên này thấy quân mình đông, mà bên kia thì bảo sẽ tay không tới, nên vững dạ, đồng ý.

Bọn Lý Tuấn cũng mang quân ra dàn trận, phòng bất chắc. Nhưng những gì bọn kia khai là thật. Đội lính này, chính là đạo quân hỗn hợp của Minh, Dương Quốc Lộ đi ra châu Tây Bình. Dẫn đoàn là Dương Quốc Lộ và Đan Quốc Hùng. Hai người có quan ấn, lại có thông tin khá đầy đủ, tra một hồi là ra. Khi đã rõ thân phận, người ta mới tạm tin, và hỏi chuyện hai người.

Dương Quốc Lộ, Đan Quốc Hùng không giấu gì, kể tuốt, tất nhiên, lão Dương Quốc Lộ cũng không quên tâng bốc bản thân lên kha khá. Đó là họ tuy bị quân Thượng gây khó dễ, vẫn tụ tập được quân binh, bảo vệ một số phú thương, dẫn được những Thái Học Sinh ở Học Phủ Nam Bàn về, rồi còn lôi kéo được nhiều người Thượng về phe mình,…

- Vậy bọn người Thượng kia đâu?

- Biết là các ông nghi ngờ, nên tôi nào dám dẫn theo, để lại hết trên đó rồi.

- Nhỡ như có chuyện thì sao?

- Khỏi lo, khỏi lo, có người trị được bọn chúng. Hắn là Hoàng Anh Minh, một tay Thái Học Sinh rất giỏi.- Dương Quốc Lộ nói hàm hồ một phen, nhiều người nghe qua thì tưởng là Minh có đối tốt với dân man nên có chút uy tín, vẫn tỏ vẻ không an tâm lắm. Dương Quốc Lộ liên tục nói yên tâm, lại tiết lộ thêm rằng họ đã đánh dẹp được mấy thế lực lớn án ngữ đường từ Tây Bình vào Nam Bàn, đường đi thông suốt, quân Tây Bình có thể tiến vào Nam Bàn đóng quân.

Quân tướng Tây Bình nghe thế ngạc nhiên, họ chỉ mong giữ đất Tây Bình chứ tiến vào Nam Bàn làm cái gì. Đan Quốc Hùng liền giải thích ngay, dân Thượng làm loạn, tất nhiên sẽ đánh phá khắp nơi, hiện tại chúng đang đánh Bắc Bình, ai biết được nếu không phá được phòng tuyến tại Bắc Bình, chúng có chuyển hướng qua Tây Bình hay không. Tiến quân lên Nam Bàn, thì chiến trường là ở Nam Bàn, còn để quân man vào Tây Bình, thì chiến trường sẽ là Tây Bình. Một nơi là bãi chiến trường thì nơi ấy không chỉ là chết người mà sẽ còn là tan hoang, là đình đốn sản xuất,…

Quan lại Tây Bình cũng thấy lời của Đan Quốc Hùng là hợp lý, nhưng họ thì ngại liệu đây có thể là bẫy hay không. Có thể dân Thượng bắt người nhà để ép quân lính và tướng lĩnh như Dương Quốc Lộ, Đan Quốc Hùng nói dối thì sao. Rồi tiến quân lên, chẳng may không thạo địa hình địa lợi, tác chiến thất bại thì lại làm sao… Nói chung là họ ngại đánh ở chiến trường xa lạ.

Hoàng Anh Kiệt nghe tin về anh trai, quyết định gặp lại anh trai sớm, đề xuất với hội Lý Tuấn để quân của họ đi trước tiên phong, nếu có biến sẽ cho người về báo, còn không đại quân Tây Bình sẽ lên hội quân như kế hoạch. Quân họ đã có thời gian rèn luyện tác chiến gần đây, kinh nghiệm đầy đủ hơn lính Tây Bình, có biến vẫn có thể tiến lui với tổn thất nhỏ, quân Tây Bình đi sau, chuẩn bị đầy đủ khí giới lương thực sẽ là hậu viện quan trọng. Đổi lại, quan quân và người dân Tây Bình phải hỗ trợ lương tiền cho quân của họ. Phương án trao đổi khá hợp lý, người Tây Bình thuận luôn, mà đã có ủng hộ tiền tài, tụi Lý Tuấn chả ngu gì chối. Bọn nó cũng là quân nhân, thích đánh nhau, rồi lấy chiến công mà lập nghiệp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.