Thiếu nữ thấy Du Hữu Lượng đứng ngẩn người ra hồi lâu không nói gì, cô không nhịn được lại hỏi:
- Sao? Công tử có quen biết kiếm khách họ Lương ư?
Du Hữu Lượng trầm ngâm rồi đáp:
- Nếu có họ Lương đến đây thì vụ này khó khăn lắm. Chúng ta phải bàn định kế hoạch rồi mới thực hiện được.
Thiếu nữ nói:
- Tiểu muội nghe đồn kiếm pháp của họ Lương trước nay không ai bằng. Một hôm nhân lúc tửu hứng, hắn nghe trên cành cây có đàn chim thước kêu lên oang oác, liền rút kiếm phóng ra, không một ai nhìn thấy. Khi thanh kiếm rớt xuống thì mũi kiếm còn dắt theo năm con chim, con nào cũng bị xuyên qua trước ngực, bộ vị không sai một ly.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm:
- Sao cô này lại biết rõ hắn như vậy? À phải rồi. Chắc bọn bốn người đó đều bị Cửu ca của cô thu dụng.
Chàng nghĩ tới đây bất giác sinh lòng úy kỵ gã thiếu niên Đa Nhĩ Cổn, vì bốn người võ công cực cao kia mà gã thu được làm tẩu cẩu thì chẳng những thủ đoạn rất cao minh mà lòng dạ tất có chỗ hơn người.
Thiếu nữ ngẫm nghĩ rồi hỏi:
- Vậy thì làm thế nào?
Du Hữu Lượng hỏi lại:
- Chúng ta cứ đi đường theo dõi chờ cho người kia bỏ đi là ta hạ thủ nên chăng?
Thiếu nữ đáp:
- Cũng đành làm thế vậy.
Hai người trò chuyện một lúc nữa rồi Du Hữu Lượng nói:
- Chúng ta phải bồi dưỡng tinh thần, không nên nóng nảy.
Thiếu nữ cười đáp:
- Công tử biết cách bảo dưỡng thân thể. Còn tiểu muội khi trong lòng có việc chưa giải quyết xong thì thường khi mấy ngày đêm liền không ngủ được.
Du Hữu Lượng cười nói:
- Trước khi chạm trán địch nhân sao mình đã tự rối loạn? Phía trước dường như có một khu rừng. Chúng ta qua đó nghỉ ngơi.
Thiếu nữ đáp:
- Tiểu muội không thích ngủ ngoài trời. Ở đây đi chừng nửa dặm có một sơn động sạch sẽ, tiểu muội muốn đến đó. Còn công tử có đi hay không xin tùy ý.
Du Hữu Lượng gật đầu rồi đi theo thiếu nữ. Chàng tự hỏi:
- Tại sao Vô ảnh kiếm lại xuất hiện đột ngột? Theo địa vị gã thì chỉ khi nào xảy đại sự sẽ tới nơi xử lý mới phải. Ở đây có điều chi khẩn yếu?
Chàng còn đang ngẫm nghĩ thì đột nhiên phía sau lưng có tiếng bước chân nhẹ nhàng. Hiển nhiên bốn năm người đang đi tới.
Du Hữu Lượng vội kéo thiếu nữ lánh vào trong rừng, ẩn ở phía sau một gốc cây lớn.
Thiếu nữ bị chàng cầm tay, trống ngực đánh thình thình. Cô vừa cao hứng vừa thẹn thùng. Sau một lúc cô mới nhẹ nhàng rụt lại.
Du Hữu Lượng vẫn chưa phát giác. Chàng ghé tai cô nói nhỏ:
Bọn người tới đây là bốn tay cao thủ. Chúng ta phải cẩn thận đừng để phát ra tiếng động.
Thiếu nữ đang mê ly trong cảnh ngộ huyền ảo, lát sau cô mới hiểu rõ câu nói liền quay lại dịu dàng đáp:
- Công tử cứ yên tâm. Tiểu muội xin nghe lời.
Du Hữu Lượng bỗng thấy hai tia mắt bắn tới. Ở trong rừng giữa lúc đêm tối, hai tia mục quang này khác nào hai tia chớp soi thấu tâm can. Chàng khích động trong lòng khẽ nói:
- Như vậy mới là một vị hảo cô nương.
Thiếu nữ bẽn lẽn toan trả lời thì tiếng bước chân bốn người đã gần tới.
Cô ngưng thần nhìn ra giật mình kinh hãi. Nguyên bốn người này chính là bọn thị vệ của cô và Vô ảnh kiếm Lương Luân.
Bốn người này đi vào chỗ trống trong rừng. Vô ảnh kiếm Lương Luân khoát tay lạnh lùng nói:
- Cửu vương gia muốn mời ba vị để mượn một vật làm đồ dùng được chăng?
Lão đại là Lôi thiên vương Lôi Tây Chương đáp:
- Lương đại hiệp khéo nói giỡn. Bọn tại hạ là ba tên thị vệ của quận chúa thì Cửu vương gia sai bảo điều gì cũng phải vâng mệnh. Đâu dám phiền đại hiệp dời gót ngọc tới đây.
Lương Luân cất tiếng lạnh như băng thủng thẳng nói:
- Cửu vương gia muốn mượn thủ cấp của ba vị.
Gã nói câu này khiến ba người kia giật mình kinh hãi.
Du Hữu Lượng bỗng thấy bàn tay nhỏ bé lạnh toát như băng nắm lấy tay chàng. Chàng cúi xuống nhìn thấy nét mặt thiếu nữ đầy vẻ hoảng hốt, đôi môi phát run, coi chẳng khác con thỏ non sợ chết.
Người cô đã xinh đẹp lúc này lại càng đáng thương hại. Dù là kẻ có lòng như sắt đá cũng không nỡ phiền trách.
Du Hữu Lượng không thể lên tiếng an ủi, đành nắm chặt tay cô. Sau một lúc bàn tay đó mới dần dần nóng lại.
Thiếu nữ chúi đầu vào lòng Du Hữu Lượng khóc thầm.
Du Hữu Lượng nghĩ bụng:
- Chắc cô này sợ ba người kia nói rõ thân thế, nhất định ta phải căm hân cô.
Thực ra ta đã biết thân thế của cô từ trước rồi.
Giữa lúc ấy Vô ảnh kiếm Lương Luân lại nói:
- Xin ba bị hãy coi đây xem là cái gì?
Gã thò tay vào bọc lấy ra một tờ giấy. Ba vị thiên vương phái Trường Bạch vừa ngó thấy liền sắc mặt tái mét, bất giác lùi lại mấy bước.
Lương Luân lại hỏi:
- Ba vị tự kết quả đời mình chứ?
Lôi Pháp Vương gắng gượng trấn tĩnh đáp:
- Bọn tại hạ xin đến ra mắt Cửu vương gia.
Lương Luân lạnh lùng gạt đi:
- Các vị bất tất phải đi nữa.
Lôi Pháp Vương gầm lên:
- Họ Lương kia. Ba anh tem ta tận trung với Cửu vương gia, tấm lòng sơn sắt nhật nguyệt chứng minh. Thế mà người xúi bẩy Cửu vương gia trừ diệt người tâm phúc, lại khép bọn ta vào tội vu vơ. Chính người đã gây nên vụ tốt đẹp này.
Lương Luân ngắt lời:
- Tại hạ không rảnh để đấu khẩu với ba vị. Nếu ba vị không chịu thì cứ hỏi thanh kiếm của tại hạ sẽ rõ.
Lôi, Đông, Chu ba lão biết đến lúc tuyệt tình rồi, ngửng mặt trông trời miệng lẩm bẩm:
- Hết chim muông cây cũng biến thành vô dụng. Họ Lương kia. Cuộc tao ngộ của bọn ta bữa nay cũng là kết quả của đời người sau này ...
Lôi Pháp Vương vừa nói vừa đề tụ chân khí, đột nhiên phóng chưởng đánh ra.
Du Hữu Lượng bỗng nghe bốn mặt ầm ầm như sấm nổ, bụng bảo dạ:
- Phong lôi thiên vương quả nhiên danh bất hư truyền.
Lương Luân đã chú ý đến thái độ của địch nhân từ trước, gã ung dung nghiêng mình né tránh. Đồng thời rút kiếm ra đánh soạt một tiếng. Gã rung tay một cái, làn ngân quang lấp loáng đầy trời. Kiếm hoa vọt ra như mưa.
Bọn Lưu, Đông, Chu cũng rút kiếm chờ đợi.
Lương Luân lạnh lùng nói:
- Ba vị tự mình hạ thủ thì còn được chết toàn thây. Bằng để tại hạ phải ra tay, đao kiếm không mắt thì khó nói lắm.
Lôi Pháp Vương lạnh lùng đáp:
- Chúng ta chỉ biết tài cao thấp ở trên lưỡi kiếm, hà tất phải nói nhiều.
Lương Luân trầm giọng:
- Phát chiêu đi.
Phong Lôi pháp vương lạnh lùng đáp:
- Tên tặc tử này xúi bẩy Cửu vương gia muốn đập tan bọn vệ sĩ tâm phúc.
Người tưởng quỷ kế của người che mắt được lão phu chăng? Bữa nay lão phu cũng muốn chặt cái đầu trên cổ người rồi sẽ bẩm báo rõ với Vương gia.
Lương Luân không nói gì nữa, rung tay một cái cho thanh kiếm vọt ra những điểm hàn tinh tập kích ba người. Trong một chiêu này bao hàm nhiều thế công kích.
Ba đại pháp vương ở phái Trường bạch tới tấp vung kiếm lên nghinh địch.
Bốn thanh trường kiếm vọt ra những tia hàn quang lấp loáng đầy trời. Lương Luân vẫn đứng vững như núi. Thế kiếm của hắn không chùn nhụt chút nào.
Lương Luân vận kình lực lại từ từ phát chiêu. Ba đại pháp vương phái Trường bạch vung kiếm kháng cự. Đối phương chỉ phóng ra một chiêu mà tiềm lực kinh người. Bốn mặt tám phương đều bị làn kiếm quang bao phủ.
Lôi Pháp vương hít một hơi chân khí, cùng hai đồng bạn liên thủ tấn công.
Kiếm phong rít lên ầm ầm.
Ba thanh kiếm đâm thẳng rồi lại đột nhiên vạch thành một vòng tròn lớn ở trên không.
Ba tiếng choang choảng khẽ vang lên. Ba thanh trường kiếm bên này đụng vào trường kiếm của đối phương.
Ba người đều phải lùi lại hai bước mới thoát ra ngoài làn kiếm quang của Lương Luân.
Bọn pháp vương bất giác đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Cách phối hợp rất xảo diệu, kín đáo không một kẽ hở.
Lương Luân lạnh lùng lên tiếng:
- Tứ tượng kiếm pháp quả nhiên phi thường, những bữa nay tứ tượng lạ khuyết mất một mặt khiến cho tại hạ chẳng thể phá tan toàn thể Tứ tượng kiếm pháp của phái Trường Bạch. Đáng tiếc ôi là đáng tiếc.
Phong Lôi pháp vương đáp:
- Muốn giết tên gian tặc này hà tất phải cần cả ba anh em đồng thời xuất trận. Đừng rườm lời nữa. Bữa nay chúng ta quyết đấu sinh tử cho biết rõ chân tướng.
Tuy ngoài miệng lão nói một cách hời hợt mà trong lòng không khỏi kinh hãi nghĩ thầm:
- Kiếm pháp của thằng cha này thật là quỷ khốc thần sầu. Vừa rồi nếu bọn mình không thi triển Tứ tượng kiếm pháp, dùng tuyệt chiêu để cứu mạng thì e rằng đối phương chỉ đánh một đòn đã giết hết bọn ta rồi.
Lương Luân không trả lời. Hắn vung trường kiếm quét ngang lưng đối phương.
Ba pháp vương phái Trường bạch hai người đánh, một người đỡ gạt từ ba mặt công kích.
Chỉ trong nháy mắt đã thi triển liền bảy chiêu liên miên không ngớt. Bóng kiếm trùng điệp và toàn là những chiêu phúc tạp.
Lương Luân lặng lẽ đối phó, trong lúc nhất thời hắn không dám lơ là.
Tam đại pháp vương thi triển kiếm thức mỗi lúc một mau, chuyển đến mé sau Lương Luân.
Lương Luân cứ gặp chiêu nào là phá chiêu ấy. Hắn chiến đấu rất hăng và vẫn cứ chiếm thế thượng phong.
Ba vị pháp vương phái Trường bạch biết đối thủ ghê gớm, vừa vào đã bày ra Tứ tượng trận pháp và phóng ra những chiêu thức kinh diệu. Nhưng khuyết một phương vị không có người thế công dĩ nhiên giảm đi mấy phần.
Đang đánh nhau giở chừng, Lương Luân ra chiêu mỗi lúc một chậm chạp.
Thanh kiếm của hắn dường như trì trệ không muốn phát chiêu. Hắn chuyển động thân hình xuyên vào làn hàn quang của đối phương. Những kiếm chiêu chỉ khẽ không đầy sợ tóc mà thủy chung vẫn chẳng làm gì được hắn.
Du Hữu Lượng ẩn trong bóng tối càng coi càng kinh tâm động phách. Chàng biết nhiều hiểu rộng, nhận thấy kiếm pháp của Lương Luân trên đời ít kẻ bì kịp.
Chàng tự nhủ:
- Kiếm thuật của Lương Luân nguyên tự đời xưa. Thanh kiếm trì trệ nhưng càng lâu càng mãnh liệt. Hắn có ý định đánh ra một chiêu khiến cho ba người tử thương.
Chàng quay lại ngó thiếu nữ thấy cô cũng ngưng thần theo dõi, nét mặt lộ vẻ rất khâm phục, chàng nghĩ thầm:
- Cô này là giòng sang ở Mãn tộc tuy còn nhỏ tuổi mà võ học đã thông hiểu đến chỗ tinh vi, thật là hiếm có.
Lúc này kiếm khí tung hoành của ba vị đại pháp vương vây bọc, Lương Luân tựa hồ đoạt được thượng phong. Còn chiêu thức của Lương Luân lại giản dị chất phác coi rất tầm thường như người tự luyện lấy.
Đột nhiên Phong Lôi pháp vương quát lên một tiếng thật to. Ba thanh trường kiếm chụp xuống đầu hắn.
Đây chính là tuyệt chiêu Bát phương mai phục trong Tứ tượng kiếm pháp.
Lương Luân thấp thoáng thân hình tránh khỏi chỉ khe chừng sợ tóc. Người hắn đứng về phía đông nam, đưa thanh kiếm quét ngang ra.
Choang một tiếng. Trường kiếm của ba vị pháp vương đều bị chặt đứt.
Phong Lôi pháp vương sắc mặt lợt lạt. La hán pháp vương mặt lại đỏ bừng.
Thần lực pháp vương sắc diện tím bầm. Cả ba Du Hữu Lượng đều loạng choạng lùi lại đến năm sáu bước mới đứng vững.
Phong Lôi pháp vương hít một hơn chân khí cảm thấy trước ngực ngấm ngầm đau. Trong lòng thê thảm, lão than thầm:
- Giả tỷ nhị đệ cũng ở đây thì tên tặc tử này dễ gì phá được tuyệt chiêu của Tứ tượng kiếm pháp.
Lương Luân lạnh lùng hỏi:
- Tại hạ đã phá Tứ tượng kiếm pháp mà ba vị pháp vương nhất định không phục thì tại hạ đành phải mượn thủ cấp của ba vị đem về phục mệnh Cửu vương gia.
Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình thình miệng lẩm bẩm:
- Cương khí. Cương khí.
Tam đại pháp vương trợn mắt lên không đáp. Cả ba người đều bị nội thương khá nặng, toan liều một trận tử chiến thì Lương Luân lại nói tiếp:
- Đã chết đến gáy rồi mà còn toan mở cuộc đấu của con khốn thú. Ha ha. Tại hạ nói cho ba vị biết âm mưu của ba vị chính là người cùng phe Bách thú pháp vương Trịnh Đại Tường đã cáo giác.
Phong Lôi pháp vương dắng dặng một tiếng. Lão thấy hai người bái đệ lộ vẻ căm phẫn thì lòng càng đau khổ hơn, lão hằn học đáp:
- Lão nhị thật là lòng lang dạ thú. Trước nay ta vẫn không tin như vậy. Hỡi ơi.
Đa Nhĩ Cổn thật là tàn độc. Kế liên hoàn của hắn quăng một mẻ lưới trừ diệt hết cả môn phái ta.
Nhưng việc đã đến lúc tối hậu quan đầu, chẳng thể bó tay chịu trói. Lão đưa mắt ra hiệu cho hai người bái đệ, chống thanh kiếm gãy tiến lên một bước.
Lương Luân nổi lên tràng cười hô hố một hồi lâu rồi mới dằng từng tiếng:
- Các vị muốn trốn chăng? Nhưng bữa nay đã bổ vây Thiên la địa võng, thì dù đại la thần tiên cũng khó lòng tránh khỏi họa sát thân.
Phong Lôi pháp vương đảo mắt nhìn quanh thấy hai vị bái đệ vẫn đứng sững, nét mặt tuyệt không chút sợ hãi. Họ chẳng hy vọng gì còn sống sót nên trở lại thản nhiên. Lão liền hô lớn:
- Lão Tam. Lão Tứ. Ngày trước chúng ta kết nghĩa chi lan đã minh thệ điều gì?
La hán pháp vương và Thần lực pháp vương đồng thanh đáp:
- Đồng sinh đồng tử, quyết không thay đổi.
Phong Lôi pháp vương nói:
- Bữa nay chúng ta cùng chết với nhau là đúng với lời thề ngày trước. Bậc đại trượng phu dù chết cũng cam tâm, nhưng chẳng để kẻ khác khinh nhờn. Hỡi ơi.
Lão nói cây này bằng một giọng khẳng khái, lại cảm thấy trước ngực đau nhói. Lão nghĩ tới nhị đệ phản nghịch càng thêm thống khổ.
Lương Luân không nhẫn nại được nữa lên tiếng:
- Ba vị chưa thấy quan tài nên không sa lệ. Hãy tiến lên đi.
Ba vị pháp vương phái Trường bạch lại giơ thanh kiếm gãy lên tấn công. Ba người bị chém gãy kiếm, lại bị luồng cương khí của Lương Luân làm chấn động nội tạng. Phen này quyết sinh tử đều ra chiêu thí mạng cho hai bên cùng chết. Thật là kinh khủng vô cùng.
Lương Luân ngưng thần tiếp chiêu, bụng bảo dạ:
- Phái Trường bạch quả nhiên không phải tầm thường. Ba lão này đã bị luồng cương khí có thể đánh tan vật cứng rắn mà còn kịch chiến được như vậy. Ta phải kết liễu vụ này cho chóng là hơn.
Hắn liền biến chiên tấn công ráo riết.
Ba vị pháp vương phái Trường bạch khác nào cung cứng dương đến độ chót, đều động thủ phóng ra những chiêu thức liều mạng chống đỡ được trong khoảnh khắc.
Lương Luân hú lên một tiếng dài, vọt mình lên không trung, thanh trường kiếm phóng ra toàn nhằm đâm vào những đại huyệt trước ngực ba người.
Ba người lục tục té xuống đất.
Thiếu nữ cùng Du Hữu Lượng đưa mắt nhìn nhau.
Lương Luân lại rảo bước tiến về phía trước toan chặt đầu ba người.
Thiếu nữ thấy Du Hữu Lượng trầm ngâm chẳng nói gì, cô không nhẫn nại được nữa, chí đầu ngón chân vọt ra, vung song chưởng đánh Lương Luân.
Lương Luân thấy kình phong xô tới sau lưng, biết là bị cao thủ tập kích. Hắn không rảnh để giết địch nhân, vội xoay kiếm quét ngang một cái.
Thiếu nữ vội rụt tay về vừa vặn tránh khỏi. Lương Luân quay đầu nhìn lại không khỏi giật mình kinh hãi vì phản thủ kiếm pháp của lão trước nay chưa đánh sểnh bao giờ. Thế mà hắn phát kiếm một cách đột ngột cũng bị đối phương tránh khỏi và đối thủ là quận chúa ở Mãn châu.
Thiếu nữ hỏi:
- Ô hay. Các hạ định giết bọn thị vệ tùy thân của ta?
Lương Luân kính cẩn đáp:
- Bẩm quận chúa. Ba tên này đều là những yếu phạm mà Cửu vương gia hàng ngày muốn bắt để giết đi.
Thiếu nữ hắng dặng một tiếng rồi nói:
- Ta không bằng lòng thì không thể giết được. Các hạ về nói với Cửu gia là Huyền Hồ quận chúa bảo thế.
Lương Luân trầm ngâm một chút rồi lấy trong bọc ra một thanh lệnh kiếm nhỏ bé trên khắc con rồng và con cọp giơ lên cho thiếu nữ coi, đoạn lùi lại đứng sang một bên không nói gì nữa.
Huyền Hồ quận chúa lạnh lùng nói:
- Cây Long hổ lệnh kiếm này không hăm dọa được bản quận chúa. Người không còn việc gì ở đây nữa, vậy hãy lui ra.
Cô biết Lương Luân công lực kinh người và là cánh tay đắc lực của Cửu ca nên giọng nói của cô còn đôi chút lịch sự.
Lương Luân lẳng lặng không nói gì nữa nhưng vẫn đứng yên.
Huyền Hồ quận chúa tức giận hỏi:
- Người càng ngày càng lớn mật, chẳng lẽ không đếm xỉa đến lời nói của bản quận chúa?
Lương Luân kính cẩn đáp:
- Bẩm quận chúa. Tiểu nhân không dám chống lại tướng lệnh của vương gia.
Huyền Hồ quận chúa trong lòng bồn chồn, nóng nảy, nhưng cô biết Long hổ lệnh đã đưa ra thì kẻ lãnh mang không thể lùi bước, dù gặp rừng đao núi kiếm cũng phải liều mạng để hoàn thành nhiệm vụ. Trong lúc nhất thời cô trầm ngâm chưa biết làm thế nào.
Lương Luân tiến lên một bước nói:
- Trước hết tiểu nhân hãy kết quả ba tên gian tế rồi hãy chịu tội với quận chúa.
Huyền Hồ quận chúa tức giận đáp:
- Lương Luân. Người muốn giết ba người này thì hãy hỏi thanh bảo kiếm ở trong tay bản quận chúa xem nó có chịu không đã.
Lương Luân nói:
- Tiểu nhân không dám.
Giọng nói vẫn cứng cỏi.
Huyền Hồ quận chúa rút trường kiếm ra đánh xoạt một cái, vung lên hỏi:
- Lương Luân. Kiếm pháp của người quả nhiên tuyệt diệu. Vừa rồi người thi triển những chiêu thuật mà bản quận chúa không hiểu là kiếm pháp nào. Lại đây, bản quận chúa muốn lãnh giáo mấy cao chiêu.
Lương Luân đáp:
- Xin quận chúa biết cho rằng Long hổ lệnh cực kỳ nghiêm minh. Tiểu nhân đành phải mạo phạm.
Huyền Hồ quận chúa xẵng giọng nói:
- Bản quận chúa chẳng thể không cứu ba người này được. Lương Luân. Người đã mang trách nhiệm Long hổ lệnh thì bữa nay người có chết mới giả được được ba người này phải không?
Lương Luân liên thanh đáp:
- Tiểu nhân không dám. Tiểu nhân không dám. Thành tích phản loạn của ba người này đã rõ rệt. Hà tất cô nương vì ba tên phản tặc mà làm khó dễ với bọn thuộc hạ? Nếu cô nương còn luyến tiếc bản lãnh của chúng thì tiểu nhân xin đưa ba người anh em này tuy chưa thành tài nhưng cô nương cũng có thể tạm thu nạp làm thị vệ được.
Huyền Hồ quận chúa gạt đi:
- Bản quận chúa không nuôi nổi Kiến châu tứ kiếm. Bản quận chú đã nói ra lời là không thể canh cải được nữa rồi.
Ban đầu cô chỉ vì Du Hữu Lượng mà muốn cứu ba người. Bây giờ cô thẳng thắn đứng ra hành động đối nghịch với huynh trưởng là một điều trước kia cô chưa từng nghĩ tới. Cô thấy Lương Luân dám chống cự lại mình, bất giác nổi tính quật cường của một thiếu nữ. Dù cho phụ vương tới đây, cô cũng phản kháng.
Thiếu nữ sinh trưởng ở nơi quyền quý, bình nhật muốn làm gì đều theo ý mình. Cô lại còn nhỏ tuổi nên quên cả đâu là bạn đâu là thù. Cô chỉ biết ai không nể mình là không chịu.
Lương Luân trầm giọng hỏi:
- Long hổ lệnh của Cửu vương gia đã ban ra thì trời cũng không ngăn cản được.
Huyền Hồ quận chúa toan trả lời thì Du Hữu Lượng đứng ở phía sau gốc cây bỗng lên tiếng:
- Cái đó chưa chắc đâu.
Lương Luân chấn động tâm thần. Hắn thấy người này ẩn nấp ở gần bên mà không phát giác, chẳng khỏi có điều nón giận.
Thanh âm chưa dứt, một chàng thanh niên lối , tuổi nước da trắng trẻo, tướng mạo anh tuấn khác thường đã nhảy ra.
Lương Luân đang bực bội trong lòng không nơi phát tác liền lạnh lùng nhìn Du Hữu Lượng xẵng giọng:
- Tiểu tử. Người đến đây vừa đúng lúc. Trường bạch pháp vương lừng lẫy tiếng tăm ngoài quan ải trong lúc lâm tử đang thiếu người bầu bạn.
Du Hữu Lượng cười khà khà đáp:
- Tại hạ ngẫu nhiên qua đây, toan kiếm chỗ ngủ một giấc, chẳng ngờ một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi cũng không có. Khắp rừng đều có tiếng chó sủa. Tại hạ đã tưởng là loài dã cẩu tranh xác chết mà sủa bậy, không ngờ lại là tiếng người. Chó săn hỡi chó săn. Người làm chó săn cho người đã lâu không ngờ thốt ra lời toàn là tiếng chó sủa.
Chàng nói những cây này liền một hơi lại nói rất mau, nhưng rất rõ ràng.
Lương Luân không có chỗ nào xen vào được.
Huyền Hồ quận chúa nghe chàng nói vậy lấy làm thích thú, bất giác bật cười, cô quên không nghĩ tới mình là một quận chúa ở Mãn Châu.