Ném chuột sợ vỡ đồ, Bảo Ngọc đành phải nhận lỗi
Xét việc thấy oan uổng, Bình Nhi khéo tòng quyền
Thím Liễu nghe đứa bé nói thế, cười bảo:
- Đồ khỉ con này! Thím mày đi kiếm một ông chồng nữa thì mày chẳng được thêm một ông chú hay sao? Có gì mà đáng ngờ! Đừng để cho tao phải túm chỏm mày dúi xuống! Còn không mở cửa cho tao vào à!
Đứa bé vẫn không mở cửa, kéo thím lại cười nói:
- Thím ơi! Thím có vào, thế nào cũng ăn cắp cho cháu mấy quả mận. Cháu sẽ chờ mãi ở đây. Thím quên thì sau này đêm khuya có đi mua rượu mua dầu, cháu không mở cửa cho đâu, tha hồ thím gọi.
Thím Liễu mắng:
- Mày mê rồi! Năm nay có được như năm ngoái nữa đâu? Bao nhiêu cây cối ở đây đã chia cho các bà già cả. Người nào người ấy mặt cứ sưng lên. Hễ có ai đi qua gốc cây là mắt cứ nhìn hau háu như cú vọ ấy. Thế thì còn ai dám động đến hoa quả của họ. Hôm qua tao đi qua gốc mận, gặp phải con ong mật bay qua mặt, tao lấy tay đập, không ngờ mợ mày ở đằng xa đi lại nhìn không rõ, lại cho tao trẩy mận, thế là cứ mồm năm miệng mười, tru tréo lên. Nào là “còn chưa cúng Phật; cụ và bà Hai không có nhà, chưa biếu của mới, đợi biếu bậc trên xong, các chị em sẽ đều có phần cả“. Cứ như người mắc bệnh lao, đợi có quả mận mới ra được mồ hôi ấy, làm cho tao không giữ được lời, cãi nhau với bà ấy một trận. Mợ mày và dì mày cũng đều trông nom trong vườn đấy, sao mày không xin, lại cứ đi xin tao? Thật không khác gì “chuột ở trong kho lại hỏi vay thức ăn của quạ“. Cái giống ở liền trong kho không có thức ăn lại còn đi hỏi cái giống bay trên trời à?
Đứa bé cười nói:
- Úi chà! Không có thì thôi, thím cứ nói dài dòng mãi! Liệu từ nay trở đi thím không cần đến cháu nữa hay sao? Chị Năm có việc làm thì sau này còn phải sai khiến đến chúng cháu nhiều. Chỉ cần chúng cháu ngoan một tý là được.
Thím Liễu cười nói:
- Con khỉ con này lại giở lối ranh mãnh ra! Chị mày có việc làm ở đâu?
Đứa bé cười nói:
- Cháu biết rồi, đừng nói đối nữa. Chỉ thím có tay trong, chứ chúng cháu không có tay trong hay sao? Tuy cháu ở ngoài này nhưng có hai chị là người hầu có thể diện ở trong ấy, còn giấu cháu sao được!
Chợt có tiếng bà già ở trong gọi ra:
- Đồ khỉ con, đi gọi ngay thím Liễu mày về đây, nếu không thì nhỡ việc đấy.
Thím Liễu không nói chuyện với đứa bé nữa, vội đẩy cửa đi vào, cười nói:
- Vội gì thế, tôi đã về đây.
Nói rồi đi vào bếp. Trong bếp cũng có mấy người cùng làm, nhưng họ không dám tự tiện, cứ phải đợi thím về đề cắt đặt.
Thím Liễu hỏi:
- Con Năm đi đâu?
Mọi người đều nói:
- Nó vừa sang phòng trà tìm chị em.
Thím Liễu nghe nói, cất gói bột phục linh rồi đi chia thức ăn cho các phòng. Chợt thấy Liên Hoa là hầu nhỏ ở buồng Nghênh Xuân đến nói:
- Chị Tư Kỳ bảo muốn ăn trứng gà luộc lòng đào.
Thím Liễu nói:
- Thứ ấy đắt lắm, không biết vì sao năm nay hiếm trứng gà thế! Mười đồng một quả trứng cũng không mua được. Hôm nọ Ở nhà trên muốn cho bà con ít trứng để ăn cháo, bốn, năm người đi mua mãi mới được hai nghìn quả. Bây giờ bảo tôi tìm đâu rả Về nói với chị ấy, hôm khác hãy ăn vậy.
Liên Hoa nói:
- Bữa ăn đậu phụ hôm nọ, thím cho đậu thiu, làm tôi bị mắng một trận. Hôm nay muốn ăn trứng gà, thím lại bảo không có. Thế thì còn ăn món gì? Tôi không tin được, đến cả trứng gà cũng không có nữa kiả Thím đừng để tôi phải đi lục!- Vừa nói nó vừa đến chạn lục, thấy có độ mười quả trứng gà để đó, liền nói:
- Không phải trứng đây à? Sao thím ghê gớm thế? Chúng tôi ăn vào phần của chủ cho, sao thím cũng tiếc đứt ruột ra thế? Có phải trứng của thím đẻ ra đâu mà sợ người ta ăn đi?
Thím Liễu chạy lại nói:
- Mày đừng có mở mồm nói láo! Mẹ mày mới đẻ ra trứng ấy. Tất cả còn mấy quả trứng để bày trên món ăn, các cô chưa ăn, nên chưa làm vội, sắp sẵn đấy để chờ khi cần. Bây giờ cho các người ăn, lỡ khi hỏi đến, món gì không có thì thôi, chứ quả trứng cũng không có à? Các người ở nơi nhà cao cửa rộng, cơm bưng tận miệng, nước rót tận tay, nên mới coi thường quả trứng, chứ có biết đâu ngoài chợ mua bán khó khăn? Không nói đến trứng làm gì, có khi rễ cỏ cũng chẳng có mà ăn nữa kia! Ta bảo cho mà biết, ngày nào cũng ăn cơm trắng gạo ngon, gà béo, vịt to, thì có sút đi một chút cũng được. Ăn lắm cho đầy ruột rồi đi bới chuyện: nào là trứng gà, đậu phụ rồi miến, củ cải xào, muốn ăn gì là tự ý thay đổi. Ta không thể chiều các người được. Mỗi nơi đòi một thứ, đến hàng chục thứ ấy, thì ra ta không còn hầu chủ nhất, mà chỉ sắp sẵn để hầu chủ nhì thôi!
Liên Hoa đỏ mặt lên, nói to:
- Ai là người ngày ngày đến đòi, thím phải kể ra hàng tràng thế! Không phải để trên sai bảo thì cho thím đến đây làm gì? Hôm nọ Xuân Yến đến bảo chị Tình Văn muốn ăn rau ngải, tại sao thím lại còn hỏi xào với thịt gà hay thịt lợn? Xuân Yến bảo món ấy xào mặn không ngon, phải xào riêng một món miến, cho ít mỡ mới ngon, thím lại bảo là thím đâm mê, vội rửa tay đi xào, rồi tự mình bưng ngay lên, thím cứ xoăn xoe như con chó vẫy đuôi ấy! Thế mà hôm nay thím lại lấy tôi ra làm bung xung, rêu rao trước mặt mọi người!
Thím Liễu nói:
- A di đà phật, ai cũng trông thấy cả đấy! Không nói hôm nọ làm gì, ngay từ năm ngoái đến nay, trong các phòng, bất cứ cô nào, chị nào, thỉnh thoảng muốn thêm thức ăn gì, ai chẳng đưa tiền trước để mua riêng. Dù có hay không, cũng phải giữ tiếng chứ! Nếu tôi nấu riêng cho các cô, sẽ lại được thừa nữa. Khi tính sổ càng làm người ta ghét thêm. Tất cả các cô với bọn chị em hàng bốn, năm mươi người, mỗi ngày chỉ có hai con gà, hai con vịt, non chục cân thịt, một quan tiền rau, các chị thử tính xem, như thế có đủ vào đâu. Ngay hai bữa cơm cũng còn chưa xoay nổi, lại người này đòi thứ này, người kia đòi thứ kia. Thứ mua về thì không thèm ăn, lại còn ăn thứ khác! Chi bằng trình với bà, cho thêm phần ăn rồi cũng như nhà bếp của cụ, thiên hạ có bao nhiêu thứ ăn cứ viết lên bảng, mỗi ngày thay món ăn một lần, đến cuối tháng tính tiền, thế là xong chuyện. Ngày hôm nọ cô Ba và cô Bảo tình cờ bàn với nhau muốn ăn đậu xào mỡ, sai cô bé đưa cho tôi năm trăm đồng tiền. Tôi cười nói: “Bụng hai cô có to bằng bụng phật Di Lặc cũng chả ăn hết năm trăm đồng. Món ấy chỉ đáng độ vài ba chục đồng, tôi có thể mua được.” Sau tôi trả lại tiền, các cô ấy cũng không chịu nhận, bảo là thưởng cho tôi để uống rượu. Các cô lại bảo: “Hiện giờ bếp dọn vào trong này, không tránh khỏi mọi người đến quấy rầy. Một tí tương, một tí muối, cái gì mà chẳng phải muả Không cho thì không đành lòng, nếu cho thì thím lấy tiền đâu mà mua bù. Thím cứ giữ lấy món tiền ấy coi như để bù những thứ trước quấy rầy“. Hai cô thực là biết thương kẻ dưới, trong bụng tôi luôn luôn cầu khấn cho hai cô được khỏe mạnh. Không ngờ dì Triệu biết việc này, tức mà không nói ra, cho là hai cô ấy dễ dãi với tôi quá, chưa đầy mười hôm đã sai đứa hầu nhỏ đến đòi thứ nọ, đòi thứ kia, thực đáng buồn cười. Các chị lại coi như có lệ sẵn rồi, người nọ đòi, người kia đòi, tôi lấy đâu mà bù được.
Đang lúc ồn ào, thấy Tư Kỳ sai người đến giục Liên Hoa, bảo:
- Mày chết ở đây à? Sao không đi về?
Liên Hoa hậm hực trở về lại bày thêm chuyện mách với Tư Kỳ. Tư Kỳ nghe vậy nổi giận, hầu cơm Nghênh Xuân xong, liền mang mấy đứa hầu nhỏ chạy đến. Lúc ấy mọi người đương ăn cơm, thấy Tư Kỳ đến với vẻ mặt hầm hầm, đều đứng dậy đon đả mời ngồi.
Tư Kỳ thét bảo bọn hầu nhỏ:
- Mang hết cả thức ăn ở trong rương, trong chạn ra cho chó ăn, chẳng ai được ăn nữa.
Bọn hầu nhỏ ba chân bốn cẳng chạy ùa cả vào lục lọi bừa bãi, quăng vứt lung tung. Mọi người sợ quá, vừa ngăn lại, vừa van xin:
- Xin cô đừng nghe trẻ con nói nhảm! Dù thím Liễu có ba đầu sáu tay cũng chả dám hỗn với cộ Thím ấy có nói trứng gà khó mua thực. Chúng tôi vừa mới trách thím ấy không biết điều, dù là thứ gì cũng phải cố tháo vát tìm cách mà mua chứ. Thím ấy đã biết lỗi và đi luộc rồi. Cô không tin, vào bếp mà xem.
Mọi người khuyên răn mãi, Tư Kỳ mới bớt giận. Bọn hầu nhỏ cũng thôi không vứt thức ăn nữa. Tư Kỳ mắng ầm lên một lúc mới về. Thím Liễu vùng vằng quăng mâm quăng bát, lủng bủng một lúc, rồi luộc một bát trứng cho người mang đi. Tư Kỳ hắt cả xuống đất. Người kia trở về không dám nói, sợ lại sinh chuyện.
Thím Liễu cho con gái ăn một bát canh, nửa bát cháo, rồi nói đến việc mợ nó gửi cho bột phục linh. Con Năm nghe nói, muốn cho Phương Quan một ít, liền lấy giấy sẻ ra một nửa gói, nhân buổi chiều tối vắng người, lẻn lút dưới khóm hoa, rặng liễu đi tìm Phương Quan. May sao đến tận cửa viện Di Hồng cũng không có ai hỏi. Con Năm không tiện đi vào, đành đứng xa xa trước rặng hoa hồng nghe ngóng. Độ uống xong một chén nước, thấy Xuân Yến ra, con Năm cất tiếng gọi, Xuân Yến không biết là ai, đến gần mới rõ, liền hỏi:
- Chị đến làm gì đây?
- Chị bảo hộ Phương Quan ra đây, tôi có câu chuyện muốn nói với chị ấy.
- Chị nóng nảy quá. Chẳng qua chỉ chờ độ mươi ngày nữa thì vào, cứ đến tìm chị ấy làm gì? Vừa rồi chị ấy có việc đi ra đằng kia, chị hãy chờ một lúc; hay là có việc gì cứ nói, tôi sẽ nói lại với chị ấy chọ Chị chờ không được đâu, sợ cửa vườn lại đóng.
Con Năm đưa gói bột phục linh cho Xuân Yến, nói:
- Đây là bột phục linh. Ăn bổ lắm. Tôi có một ít biếu chị ấy, nhờ chị đưa hộ.
Nói xong quay về. Khi ra đến bến Lục Tự, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn mấy bà già đi tới, con Năm không kịp tránh, đành phải đứng lại chào. Vợ Lâm Chi Hiếu hỏi:
- Tao nghe nói mày ốm, sao lại ra được đây?
- Mấy hôm nay đã khá, tôi theo mẹ tôi đi chơi cho đỡ buồn. Vừa rồi mẹ tôi sai tôi đưa mấy thứ đồ dùng đến viện Di Hồng.
- Mày nói dối rồi, vừa nãy thấy mẹ mày đi ra, tao mới đóng cửa. Nếu mẹ mày sai mày đi, tại sao không bảo cho tao biết? Lại cứ để cho tao đóng cửa, thế là nghĩa làm sao?
Con Năm không biết trả lời thế nào, chỉ nói:
- Mẹ tôi bảo tôi đi lấy đồ từ sớm. Tôi quên mất, đến bây giờ mới nhớ ra. Có nhẽ mẹ tôi tưởng tôi đi từ trước rồi, nên không nói gì với bà.
Thấy nó vẻ mặt hoảng hốt, ăn nói lúng túng, lại vì gần đây Ngọc Xuyến nói ở buồng bên ấy mất đồ đạc, mấy a hoàn đổ lẫn cho nhau, chưa tìm ra manh mối, vợ Lâm Chi Hiếu đâm ra ngờ vực. Vừa lúc ấy Tiểu Thiền, Liên Hoa cùng mấy bà già đi đến, thấy vậy liền nói:
- Bà Lâm nên tra hỏi nó. Hai ngày nay nó cứ thậm thụt đi vào đây không biết làm việc gì?
Tiểu Thiền lại nói:
- Phải đấy. Hôm nọ chị Ngọc Xuyến đã nói: Cái hòm của bà để ở buồng bên cạnh bị mở, mất khá nhiều đồ vật. Mợ Hai sai cô Bình đến nói với chị Ngọc Xuyến để lấy ít rượu mai quế lộ thấy mất một chai. Nếu không lục đến, có nhẽ cũng không biết.
Liên Hoa cười nói:
- Việc ấy tôi không nghe thấy. Nhưng tôi lại trông thấy cái chai đựng rượu mai quế lộ.
Vợ Lâm Chi Hiếu vì chưa tra ra việc này, ngày nào Phượng Thư cũng sai Bình Nhi đến giục, nên hỏi ngay:
- Trông thấy ở đâu?
- Ở trong bếp nhà nó ấy.
Vợ Lâm Chi Hiếu liền sai thắp đèn lồng dẫn người đi tìm.
Con Năm vội nói:
- Đó là chị Phương Quan ở nhà cậu Bảo cho tôi đấy.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói:
- Phương Quan hay “viên quan” 1 cũng mặc kệ! Hiện bắt được tang chứng, tao phải đi trình! Mày cứ đến chỗ chủ mà nói!
Vừa nói vừa đi vào trong bếp. Liên Hoa đi theo lấy chai rượu ra. Vợ Lâm Chi Hiếu vẫn ngờ nó còn ăn trộm thứ khác, lại khám kỹ một lượt, bắt được một gói phục linh, liền cầm cả lấy rồi dẫn nó đến trình Lý Hoàn và Thám Xuân.
Vì Giả Lan ốm, Lý Hoàn không trông nom công việc, bảo đến trình Thám Xuân.
Thám Xuân lúc này đã về buồng và đang tắm rửa trong nhà, bọn a hoàn thì đứng hóng mát ở ngoài sân. Thị Thư vào trình, một lúc ra nói:
- Cô đã biết rồi, bảo các người đến nói với chị Bình để trình lên mợ Hai.
Vợ Lâm Chi Hiếu đành phải dẫn sang bên nhà Phượng Thư, nhờ Bình Nhi vào trình. Phượng Thư vừa mới đi ngủ, nghe vậy liền bảo:
- Đánh cho mẹ nó bốn mươi roi rồi đuổi đi, từ nay không được vào đến cửa thứ hai; đánh cho con Năm bốn mươi roi, rồi mang trả ngay lên trại, hoặc bán hay gả cho người ta.
Bình Nhi theo thế bảo vợ Lâm Chi Hiếu. Con Năm sợ quá khóc ầm lên, quỳ xuống trước mặt Bình Nhi kể lại việc Phương Quan cho nó.
Bình Nhi nói:
- Việc ấy cũng không khó. Ngày mai hỏi lại Phương Quan sẽ biết thực hay dối. Nhưng gói bột phục linh, hôm nọ người ta đem biếu, còn phải chờ cụ và bà về xem mới dám động đến, sao đã lấy trộm trước.
Con Năm kể lại việc ông cậu nó cho nó. Bình Nhi cười nói:
- Nếu thế thì mày là đứa thẳng thắn, không có tội gì, người ta mang mày ra để thế mạng đấy thôi. Bây giờ tối rồi, mợ vừa uống thuốc đi nghỉ, việc nhỏ không nên làm phiền. Hãy giao nó cho người gác giữ một đêm, ngày mai ta trình với mợ, sẽ liệu sau.
Vợ Lâm Chi Hiếu không dám trái lời, đành phải mang nó ra giao cho các bà già canh đêm rồi mới về.
Con Năm bị người ta giam lỏng ở đấy, không dám đi đâu một bước. Bọn bà già có người khuyên nó: “Không nên làm những việc xấu xa như thế!” Cũng có người ghét nó, nói: “Canh đêm không xong, lại còn đưa con ăn cắp này đến đây cho chúng mình giữ, nếu không cẩn thận, lỡ nó tự tử hoặc trốn đi, lại rầy rà đến mình đây!” Lại có một bọn xưa nay không ưa thím Liễu, thấy thế lấy làm thích thú, chạy đến đùa cợt chế giễu nó. Con Năm trong bụng vừa tức vừa oan, không biết kêu vào đâu. Vả xưa nay người nó hay ốm yếu, bây giờ muốn uống chè không có, nước cũng không, muốn ngủ không có chăn gối, nên cứ khóc nức nở suốt đêm.
Những người xưa nay có thù hằn với mẹ con nó, chỉ mong sao đuổi ngay được nó đi, kẻo mai sự việc lại thay đổi chăng, nên họ dậy thật sớm đưa quà đến mua chuộc Bình Nhi, vừa ton hót cô ta làm việc dứt khoát, vừa kể tội mẹ con Năm xưa nay làm nhiều điều không tốt. Bình Nhi gật đầu bảo họ về, còn mình đến đằng Tập Nhân hỏi xem có thực Phương Quan cho nó rượu mai quế lộ không. Tập Nhân nói:
- Có cho Phương Quan rượu mai quế lộ, nhưng sau Phương Quan cho ai thì không biết.
Tập Nhân lại hỏi Phương Quan. Phương Quan giật mình, nhận là có cho con Năm thực. Phương Quan lại nói với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cũng cuống lên nói:
- Rượu mai quế lộ thì đúng là có cho rồi. Bột phục linh nó khai cũng đúng đấy. Nhưng nếu người ta biết là cậu nó khi gác cửa nhận được, tất có lỗi. Thế chẳng hóa ra người ta có bụng tốt lại bị chúng ta làm hại hay hao?
Liền bàn với Bình Nhi:
- Việc rượu thì xong rồi, nhưng việc bột phục linh cũng có lỗi đấy. Chị cứ bảo nó nói của Phương Quan cho là xong cả.
Bình Nhi cười nói:
- Dù thế, nhưng hôm qua nó đã nói với mọi người là cậu nó cho nó rồi. Sao bây giờ lại bảo là Phương Quan chỏ Vả lại, bên ấy mất bột phục linh chưa tìm ra manh mối, bây giờ có tang chứng rõ ràng, lại tha trắng đi, thế thì còn đi bắt ai? Ai còn chịu nhận? Xử thế chắc người ta không phục đâu.
Tình Văn chạy lại cười nói:
- Rượu mai quế lộ Ở bên bà không ai lấy đâu, rõ ràng là Thái Vân ăn cắp cho cậu Hoàn đấy thôi, các chị đừng có nhắm mắt nói liều.
Bình Nhi cười nói:
- Ai chẳng biết nguyên do như vậy? Bấy giờ Ngọc Xuyến tức quá phát khóc lên. Lẽ ra khẽ hỏi nó, nó nhận đi thì Ngọc Xuyến cũng thôi, mà cả nhà cũng lờ đi, ai hơi đâu còn bôi chuyện ra nữa. Nhưng đáng giận là Thái Vân không những không nhận, còn đổ cho Ngọc Xuyến ăn cắp! Hai đứa trong một nhà lại cứ hục hặc cãi cọ nhau, cả phủ đều biết, chúng ta làm ngơ đi sao được? Thế nào cũng phải tra hỏi. Biết đâu đứa kêu mất trộm lại chả là đứa ăn trộm. Nhưng không có tang chứng thì làm gì được nó?
Bảo Ngọc nói:
- Thôi việc này tôi lại đứng ra nhận cho, cứ nói là tôi lẻn sang ăn cắp của bà để dọa họ chơi đấy. Như thế là hai việc đều xong cả.
Tập Nhân nói:
- Cũng là việc làm phúc đấy, đỡ cho người ta khỏi mang tiếng ăn cắp, nhưng nếu bà nghe thấy lại bảo cậu là trẻ con, không biết hay dở gì cả.
Bình Nhi cười nói:
- Chỉ là việc nhỏ thôi. Bây giờ nếu vào tìm tang vật ở nhà dì Triệu thì cũng dễ đấy, nhưng tôi sợ lại làm mất thể diện của một người tốt. Người khác không sao chứ người ấy thì thế nào mà không tức giận? Người ấy thực đáng thương, không nên vì việc “ném chuột làm vỡ mất bình ngọc“.
Nói xong giơ ba ngón tay lên.
Bọn Tập Nhân nghe nói, biết ngay là chỉ vào Thám Xuân. Mọi người liền nói:
- Thực đúng như chị nói. Nếu thế, chúng ta ở đây nhận cho là được rồi.
Bình Nhi lại cười nói:
- Nhưng cũng phải gọi hai con ranh Thái Vân và Ngọc Xuyến đến đây, hỏi cho rõ nhẽ mới được; nếu không, chúng nó lại được thể, có nghĩ thế đâu, lại cho mình không có tài tra xét nên lấp liếm cho xong chuyện. Sau này đứa ăn trộm cứ ăn trộm, đứa không trông nom vẫn không chịu trông nom.
Tập Nhân cười nói:
- Đúng đấy, cũng nên để lại đường đất sau này.
Bình Nhi sai gọi hai người đến, nói:
- Đừng sợ, đã bắt được kẻ trộm rồi.
Ngọc Xuyến hỏi trước:
- Kẻ trộm ở đâu?
- Hiện nó ở nhà mợ Hai này, hỏi gì nó nhận nấy. Tôi đã biết rõ: không phải nó ăn trộm, nhưng nó sợ quá, đều nhận cả. Cậu Bảo không nỡ lòng, muốn nhận hộ nó một nửa. Tôi muốn nói ra, nhưng đứa ăn trộm ấy ngày thường lại là chị em thân thiết với ta, người chủ chứa chỉ là một người thường thôi, nếu xét ra, sợ mất thể diện một người tốt trong nhà. Vì thế mới khó xử, đành phải nhờ cậu Bảo đứng lên nhận cho thì cả nhà đều được yên. Nhưng bây giờ phải hỏi hai chị xem thế nào? Từ nay trở đi, ai cũng giữ gìn thể diện, tôi sẽ nhờ cậu Bảo nhận; nếu không thì tôi sẽ trình mợ Hai xét cho ra, chứ không nên đổ oan cho người khác.
Thái Vân nghe nói, đỏ ửng mặt lên, trong lòng rộn rực, tỏ vẻ xấu hổ, liền nói:
- Xin chị cứ yên tâm. Không nên đổ oan cho người ngay, tôi xin nói thực: làm việc mất thể diện, ăn cắp đồ vật, là do dì Triệu cả. Dì ấy nằn nì tôi mấy lần, tôi có lấy cho cậu Hoàn một ít, tình thực như thế. Ngay khi bà ở nhà, tôi vẫn thường lấy cho người khác. Tôi cứ tưởng, dù có ai biết cũng chỉ rêu rao vài ngày là xong. Bây giờ lại đổ oan cho người, thì bụng tôi không nỡ. Chị cứ mang tôi đến trình mợ Hai, tôi xin nhận hết.
Mọi người nghe nói, ai cũng lấy làm lạ, sao nó có can đảm như thế.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị Thái Vân thực là người đứng đắn. Nay không cần chị phải nhận, tôi cứ nói là tôi lấy trộm để dọa các chị. Bây giờ việc xảy ra, tôi tất phải nhận. Tôi chỉ mong từ nay các chị bớt việc đi, thì mọi người mới được yên ổn.
Thái Vân nói:
- Việc tôi làm, tại sao lại để cho cậu phải nhận? Sống chết tôi cũng phải chịu lấy.
Tập Nhân và Bình Nhi vội nói:
- Không phải thế đâu. Nếu chị nhận, không khéo lại kéo cả dì Triệu vào. Cô Ba nghe thấy, lại chẳng tức sao? Để cậu Bảo nhận thì chẳng ai vướng víu gì cả. Vả lại trừ mấy người này ra không còn ai biết, như thế thì rảnh rang biết nhường nào! Nhưng từ nay mọi người nhất thiết phải cẩn thận mới được. Muốn lấy cái gì phải chờ bà về hãy haỵ Khi đó đem cả cái nhà cho người ta, cũng chẳng can hệ gì đến chúng tôi.
Thái Vân cúi đầu nghĩ một lúc, đành phải nghe lời.
Mọi người bàn định xong rồi. Bình Nhi dẫn hai người cùng Phương Quan đến buồng canh đêm, gọi con Năm ra, khẽ bảo nó cứ nói là bột phục linh cũng của Phương Quan chọ Con Năm cám ơn mãi. Bình Nhi đem bọn này về nhà, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn mấy người đàn bà, áp giải bọn thím Liễu đến chờ đấy đã lâu.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói với Bình Nhi:
- Sớm nay giải họ đến đây, sợ trong vườn không có người hầu cơm sáng, tôi đã tạm cắt vợ Tần Hiển đến sắm sửa cơm các cô rồi.
Bình Nhi hỏi:
- Vợ Tần Hiển là ai? Tôi không biết rõ.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói:
- Chị ta là người trực đêm ở phía nam trong vườn, ban ngày không đến làm việc, nên cô không biết. Chị ta có gò má cao, mắt to, sạch sẽ và nhanh nhẹn.
Ngọc Xuyến nói:
- Phải đấy. Chị quên rồi à? Chị ta là thím của Tư Kỳ hầu cô Hai ấy. Bố Tư Kỳ là người hầu ở phủ bên kia, nhưng chú nó thì lại hầu ở bên này.
Bình Nhi nghĩ ra, cười nói:
- À! Nếu chị nói ra từ trước thì tôi hiểu ngaỵ- Lại cười nói: Cắt thế e vội quá. Hiện nay việc đã hai năm rõ mười, rành rành ra đấy rồi. Cả những thứ bên nhà bà Hai mất hôm nọ cũng ra manh mối cả. Hôm ấy không biết cậu Bảo đến nhà bà Hai bảo hai con ranh này lấy cái gì, nhưng chúng nó lại nói trêu chọc là “Bà đi vắng, không dám lấy“. Nhân lúc chúng không để ý, cậu Bảo tự mình đi vào lấy mấy thứ ra. Hai đứa không biết ai lấy, sợ hoảng lên. Nay cậu Bảo thấy mình làm liên lụy đến người khác, mới kể rõ ràng với tôi, có mang những thứ ấy ra cho tôi xem, thì không sai một tý gì. Còn bột phục linh, cậu Bảo nhận được ở bên ngoài, đem thưởng cho nhiều người. Không chỉ cứ người ở trong vườn mới có đâu, ngay bọn bà già cũng có, đem ra chia cho bọn Phương Quan. Tình riêng của họ, có đi có lại biếu xén nhau, cũng là việc thường. Hai giỏ bột phục linh hôm nọ đương để trên nhà khách vẫn còn nguyên, không ai động đến, sao lại vu vạ cho người tả Để tôi vào trình mợ Hai xem đã.
Nói xong, liền đi vào buồng đem đầu đuôi câu chuyện kể lại cho Phượng Thư nghe.
Phương Thư nói:
- Mặc dù thế, nhưng Bảo Ngọc là người bất chấp hay dở, việc gì cũng thích dây vào. Ai đến nhờ việc gì, hễ nói vài câu tử tế là nó cũng nể lời. Ai tâng bốc mấy câu thì việc gì mà nó chẳng nhận? Nếu chúng ta cứ vội tin, sau này có việc gì quan trong hơn, làm thế nào mà trừng trị được người khác? Cần phải dò xét cẩn thận mới được. Cứ ý ta, phải gọi tất cả bọn a hoàn ở nhà bà đến, tuy không tiện tra khảo, nhưng cũng bắt chúng nó quỳ lên mảnh sành ở ngoài nắng, cơm không cho ăn, nước không cho uống, không thú thực, cứ quỳ mãi, dù gan sắt cũng chỉ một ngày là chúng nó thú ra hết.
Lại nói:
- “Thớt có tanh ruồi mới đỗ”, mặc dầu vợ họ Liễu không lấy trộm, nhưng cũng dính dáng ít nhiều, người ta mới đổ cho nó. Không bắt phạt nó, nhưng cũng phải đuổi nó đi, không dùng nữa. Triều đình cũng còn trị kẻ sai nữa là, như thế cũng chẳng phải oan ức cho nó.
Bình Nhi nói:
- Tội gì nghĩ lắm cho bận lòng? Có thể nới tay được thì cứ nới, việc có to tát gì, cũng nên ra ơn thì hơn. Cứ như tôi, dù bên này có lo lắng trăm phần đi nữa, rút cục chúng ta vẫn phải về bên kia, đừng nên gây thù gây hằn với bọn tiểu nhân để họ Oán ghét. Vả chăng mợ lại gặp năm xung tháng hạn, vất vả mãi mới có mang được em trai thì sau bảy tháng, lại bị sẩy, biết đâu chẳng phải ngày thường mợ quá vất vả hay tức giận mới đến nỗi thế? Bây giờ nhân lúc còn mập mờ chưa rõ lẽ, cũng nên bỏ qua cho xong chuyện là hơn.
Phượng Thư bật cười, nói:
- Tùy chị đấy! Nhưng đừng làm cho tôi bực mình.
- Tôi nói thế không đúng à?
Nói xong quay ra, tha cả cho mọi người về.
1 Phương là vuông, viên là tròn; đây là dùng chữ trái nghĩa để đối chọi lại.