Tần Khả Khanh chết được phong long cẩm túy
Vương Hy Phượng sang giúp việc bên phủ Ninh
Từ ngày Giả Liễn đưa Đại Ngọc đi Dương Châu, Phượng Thư trong lòng buồn bã, cứ đến tối là cười đùa qua loa với Bình Nhi một lúc rồi đi ngủ ngaỵ Một đêm, Phượng Thư cùng Bình Nhi ngồi dưới đèn, ôm lồng ấp, sai a hoàn hơ ấm chăn đệm, rồi hai người đi nằm. Phượng Thư bấm đốt tay, tính đường đi xem chừng đã đến đâu. Hai người nói chuyện, bất giác sang canh bạ Bình Nhi ngủ lúc nào không biết. Phượng Thư thì đang mơ mơ màng màng. Chợt thấy Tần thị Ở ngoài bước vào, mỉm cười nói:
- Thím ngủ ngon thế! Hôm nay cháu về, sao thím không đi tiễn chân cháu một quãng! Chỗ thím cháu ta ngày thường thân mật với nhau, cháu không dứt ra được, nên lại đây từ biệt. Có một điều áy náy trong lòng, cháu chỉ nói với thím, chứ nói với người khác chưa chắc đã ăn thua gì.
Phượng Thư nghe nói, hoảng hốt hỏi:
- Cháu có việc gì, nói cho ta biết.
Tần thị nói:
- Thím ơi! Thím là bực anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được. Câu tục ngữ “Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn”, và “Trèo cao tất ngã đau”, chắc thím cũng đã hiểu. Nhà ta giàu sang lừng lẫy non trăm năm nay, một ngày kia “Hết vui đến buồn”, đúng như câu tục ngữ: “Cây đổ khỉ vượn tan”, chẳng hóa ra phụ cái tiếng dòng họ thi thư lâu đời hay sao?
Phượng Thư nghe nói, lòng đầy vui vẻ, kinh sợ bội phần, vội hỏi:
- Cháu nghĩ thế rất phải. Nhưng có cách gì giữ lại để sau này khỏi lo không?
Tần thị cười nhạt:
- Thím thế mà cũng ngớ ngẩn! Bĩ chán thì phải thái, vinh chán thì phải nhục, xưa nay vẫn quanh quẩn như thế, sức người có giữ được mãi đâu! Nhưng đang lúc thịnh, ta nghĩ cách đề phòng lúc suy, thì cũng có thể giữ lâu được. Hiện giờ mọi sự điều ổn, chỉ có hai việc là chưa xuôi, nếu biết xếp đặt ngay thì sau này sẽ không phải lo.
- Những việc gì?
- Một là, hiện nay mộ tổ vẫn bốn mùa tế lễ, nhưng không có món tiền chi tiêu nhất định; hai là, trường học của họ cũng không có món nào cung cấp nhất định. Bây giờ đương lúc thịnh, hai món ấy không đến nỗi thiếu thốn. Sau này không may sa sút, thì lấy tiền đâu ra mà chị Theo ý cháu, chi bằng đang lúc phú quý, nên đặt nhiều trang trại, nhà cửa, ruộng đất bên cạnh một tổ, để chi phí việc tế tự và cung cấp. Trường học của họ cũng đặt ở đấy. Họp cả lớn bé trong họ, đặt một điều lệ, phàm việc ruộng đất, tiền nong, tế lễ, cung cấp, mỗi nhà trông nom một năm. Cứ lần lượt như thế, có thể tránh được cái tệ tranh giành nhau, hay mang đi cầm bán. Nếu người nào có tội, chỉ tịch thu riêng của người ấy, còn sản nghiệp hương hỏa thì ngay quan cũng không lấy được. Như vậy dù khi sa sút, con cháu vẫn có thể lui về nhà đọc sách, làm ruộng, giữ trọn được tế tự. Nếu chỉ nhìn trước mắt cho là vinh hoa mãi mãi mà không tính đến mai sau, thì không phải là kế lâu dài. Rồi đây chẳng bao lâu nữa sẽ có một sự vui mừng khác thường, thực là: “lửa nóng sôi dầu, hoa tươi cài gấm!” Nhưng đó chỉ là cuộc phồn hoa nháy mắt, vui sướng một thời, đừng nên quên câu: “tiệc vui cũng tàn!” Nếu không lo xa từ giờ, sau này hối cũng vô ích!
- Việc gì đáng mừng thế?
- Cơ trời không thể tiết lộ được, chỉ vì thím cháu ta thân nhau, nay cháu sắp đi, xin tặng lại hai câu này, thím nên nhớ kỹ:
Ba xuân khi đã qua rồi.
Hoa tàn, thơm hết, mọi người chia tay!
Phượng Thư còn muốn hỏi nữa, chợt thấy ở cửa ngoài vang lên bốn hồi mõ sắt, báo tin có tang. Phượng Thư giật mình tỉnh dậy. Có người vào báo:
- Mợ Dung bên phủ Đông mất rồi!
Phượng Thư thất kinh, toát mồ hôi, ngẩn người ra một lúc, vội mặc quần áo, đến chỗ Vương phu nhân. Bấy giờ cả nhà đều biết, ai nấy buồn rầu, vẫn chưa tin là thật. Khắp họ, bậc trên thì thương nàng là người nết na; hàng dưới thì thương nàng hiền hậu. Cả những người nhà, từ già chí trẻ, nghĩ đến nàng ngày thường thương kẻ nghèo hèn, kính nể người già, yêu mến trẻ con. nên ai cũng khóc lóc đau xót. Nói về Bảo Ngọc, gần đây vì Đại Ngọc đi vắng, một mình lẻ loi, cũng không chơi đùa với ai. Cứ tối đến là buồn thiu, đi ngủ ngaỵ Đang lúc mơ màng, chợt nghe tin Tần thị chết, Bảo Ngọc vội vùng trở dậy, ruột đau như cắt, không ngờ ọe một cái, khạc ra một cục máu. Bọn Tập Nhân vội vàng đến đỡ hỏi tại làm sao và định đi trình Giả mẫu, mời thầy thuốc đến. Bảo Ngọc nói:
- Đừng làm rộn lên, ta không sao đâu. Đó là do tâm hỏa bốc mạnh, huyết không đi theo đường đấy thôi.
Nói xong vùng dậy, thay quần áo, đến thăm Giả mẫu, rồi xin đi ngay.
Tập Nhân thấy thế, trong bụng không đành, nhưng không dám ngăn; mặc cho Bảo Ngọc đi.
Giả mẫu thấy vậy, bảo:
- Người mới tắt thở, không được sạch sẽ, vả lại đêm hôm gió to, sáng mai cháu đến cũng chưa muộn.
Bảo Ngọc nhất định xin đi. Giả mẫu đành bảo sắp xe, sai nhiều người đi theo. Đến phủ Ninh, Bảo Ngọc thấy cửa phủ mở toang, đèn đuốc sáng như ban ngày, người đi lại tấp nập. Trong nhà tiếng khóc ầm lên, tưởng như rung động cả rừng núi, Bảo Ngọc xuống xe, vội vàng đến ngay chỗ người chết, gào khóc một hồi, rồi đến thăm Vưu thị. Lúc này Vưu thị đang bị chứng dạ dày phát lại, nằm ở trên giường. Bảo Ngọc lại đến gặp Giả Trân.
Giả Đại Nho cũng dẫn bọn Giả Sắc, Giả Hiệu, Giả Đôn, Giả Xá, Giả Chính, Giả Tông, Giả Biển, Giả Hanh, Giả Quang, Giả Thâm, Giả Quỳnh, Giả Lân, Giả Tường, Giả Xương, Giả Lăng, Giả Vân, Giả Cần, Giả Trăn, Giả Bình, Giả Tảo, Giả Hanh, Giả Phân, Giả Phương, Giả Lan, Giả Huân, Giả Chi đến. Giả Trân khóc sướt mướt, nói với bọn Giả Đại Nho:
- Tất cả lớn bé trong nhà, bè bạn gần xa, ai cũng khen con dâu tôi khôn ngoan hơn con trai nhiều. Nay nó mất đi, đủ biết nhành trưởng này lụn bại mất!
Nói xong lại khóc, mọi người khuyên giải:
- Người đã chết rồi, khóc cũng vô ích, ông nên lo liệu ngay việc ma chay là hơn.
Giả Trân đập tay, nói:
- Lo liệu gì! Chẳng qua có bao nhiêu tiền làm hết bấy nhiêu thì thôi!
Đang nói chuyện thì Tần Nghiệp, Tần Chung và họ hàng chị em Vưu thị đều đến cả. Giả Trân sai Giả Quỳnh, Giả Thâm, Giả Lân, Giả Tường, bốn người đi tiếp khách. Một mặt sai mời quan giữ ty âm dương 1 ở tòa Khâm Thiên Giám đến chọn ngày. Linh cữu đặt ở trong nhà bốn mươi chín ngày, ba ngày sau thì phát tang và gửi cáo phó. Trong bốn mươi chín ngày ấy, đặc biệt mời một trăm linh tám vị sư làm lễ “Đại bi sám” ở nhà đại sảnh để siêu độ vong hồn. Lại đặt riêng một đàn ở lầu Thiên Hương, mời chín mươi chín vị đạo sĩ, làm lễ giải oan rửa tội mười chín ngày. Rồi rước linh cữu ra vườn Hội Phương. Trước bàn thờ có năm mươi vị cao tăng, năm mươi vị cao đạo lập đàn đối nhau, cứ bảy ngày làm lễ một lần.
Giả Kính nghe thấy cháu dâu trưởng chết, nhưng cứ tự cho mình sớm muộn sẽ thành tiên, không chịu về nhà nhuốm vào bụi trần, mất hết công tu luyện, nên không để ý đến, mặc cho Giả Trân lo liệu.
Giả Trân thấy cha không nhìn đến thì tha hồ phung phí. Nói đến áo quan, thì thứ gỗ nào cũng không vừa ý. Vừa lúc Tiết Bàn đến viếng thấy Giả Trân muốn tìm gỗ tốt, bèn nói:
- Cửa hàng gỗ nhà tôi có một cỗ ván gọi là gỗ đường, lấy ở núi Thiết Võng, đem làm quan tài thì muôn năm cũng không nát. Trước đây cha tôi lấy về, là vì Trung Nghĩa Thân Vương muốn dùng, nhưng sau Thân Vương bị mất chức, nên không dùng nữa. Hiện vẫn cất kỹ ở đó, không ai đủ sức mua nổi. Nếu anh cần, thì cho khiêng về mà dùng.
Giả Trân nghe nói rất mừng, sai khiêng ngay về. Cỗ ván dày tám tấc, vân như vân hạt cau, thơm như mùi bạch đàn, xạ hương, lấy tay gõ kêu “keng, keng” như tiếng vàng tiếng ngọc. Mọi người đều khen lạ. Giả Trân cười hỏi:
- Giá bao nhiêu?
Tiết Bàn nói:
- Dù có một nghìn lạng cũng chẳng mua đâu được. Nói giá làm gì. Chỉ cho chúng nó mấy lạng bạc tiền công là đủ rồi.
Giả Trân nghe nói, cảm tạ luôn mồm, sai cưa ra và gắn sơn ngaỵ Giả Kính khuyên:
- Người thường thì không nên dùng thứ này, tìm thứ gỗ tốt là được.
Giả Trân không thể chết thay cho Tần thị, khi nào lại chịu nghe.
Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết theo, câu chuyện hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi. Giả Trân cho làm ma theo lễ “cháu gái”, cũng rước linh vào gác Đăng Tiên trong vườn Hội Phương. Lại có một a hoàn tên là Bảo Châu, thấy Tần thị không có con, xin làm con nuôi giữ tang lễ như con đẻ. Giả Trân mừng lắm, cho gọi là tiểu thự Bảo Châu theo lễ con gái chưa gả chồng ngồi bên linh cữu khóc than thảm thiết.
Cả người trong họ và người nhà, đều theo đúng nghi lễ, không chút nhầm lẫn. Giả Trân nghĩ: “Giả Dung chẳng qua là một giám sinh ở huỳnh môn 2, viết trên minh tinh không đẹp lăm, số chấp sự 3 cũng không được nhiều, vì thế trong bụng rất là áy náy.
May sao hôm ấy là ngày thứ tư trong tuần thất đầu, có quan nội giám ở cung Đại Minh, tên là Đái Quyền sai người mang lễ đến, hắn ngồi trên kiệu lớn, có quân hầu đánh thanh la dẹp đường, thân hành đến viếng. Giả Trân vội ra tiếp đón, mời ngồi uống nước ở Đậu Phong hiên 4 Giả Trân đã có ý định trước, nhân dịp xin với Đái Quyền cho Giả Dung được quyên hàm. Đái Quyền hiểu ý cười nói:
- Chắc là ông muốn cho tang lễ được trọng thể hơn phải không?
Giả Trân vội nói:
- Ngài đoán thực không sai.
Đái Quyền nói:
- Cũng may vừa có một chỗ khuyết. Trong số ba trăm long cẩm úy còn thiếu hai viên. Vừa rồi em Tương Dương hầu là Lão Tam đến xin, và đưa ngay đến nhà tôi một nghìn năm trăm lạng. Ông cũng biết đấy, chỗ chúng tôi chơi thân với nhau đã lâu, bất kỳ thế nào cũng nể mặt cha nó, nên tôi cứ nhận bừa. Còn một chân nữa thì Tiết độ sứ Vĩnh Hưng sai lão Phùng béo đến xin cho con, nhưng tôi không nhận lời. Nay cậu nhà ta muốn quyên, cứ viết ngay lý lịch đưa cho tôi.
Giả Trân vội sai người viết lý lịch vào một tờ giấy đỏ. Bọn người nhà không dám trì trệ, lập tức viết ngay vào tờ giấy đỏ đưa đến. Giả Trân xem xong, liền đưa cho Đái Quyền. Thấy viết như sau:
Giám sinh ở huyện Giang Ninh, phủ ứng Thiên, tỉnh Giang Nam, tên là Giả Dung, hai mươi tuổi. Cụ là Giả Đại Hóa, nguyên là Tiết độ sứ Kinh Doanh, tập tước nhất đẳng Thần uy tướng quân. Ông là Giả Kính, đỗ tiến sĩ khoa ất mão. Cha là Giả Trân tập tước tam phẩm Uy liệt tướng quân.
Đái Quyền xem xong quay lại đưa cho lính hầu cận, bảo:
- Mang về đưa cho quan bộ Hộ họ Triệu, nhờ ông ta cấp văn bằng cho một chức ngũ phẩm Long Cẩm úy, và phát giấy chấp chiếu điền lý lịch này vào. Ngày mai ta sẽ đem tiền đến nộp.
Lính hầu vâng lời. Đái Quyền cáo từ ra về. Giả Trân cố giữ lại không được, đành phải tiễn ra cửa phủ. Khi sắp lên kiệu, Giả Trân hỏi:
- Món tiền tôi mang đến bộ hay nộp ở phủ ngài?
Đái Quyền nói:
- Nếu mang đến bộ nộp, còn phải cân kẹo lôi thôi, ông sẽ bị thiệt; chi bằng khoán trắng một nghìn hai trăm lạng, đem đến nhà tôi là xong.
Giả Trân cảm ơn mãi, nói:
- Khi hết tang, sẽ đưa cháu đến phủ tạ Ơn ngài.
Hai người chia tay nhau.
Tiếp đó lại có tiếng dẹp đường, bà Trung Tĩnh hầu Sử Đỉnh đến viếng. Bọn Vương phu nhân, Hình phu nhân, Phượng Thư vừa đón vào phòng giữa, lại thấy lễ viếng của Cẩm Hương hầu, Xuyên Ninh hầu, và Thọ Sơn bá bày ở bàn thờ; một lúc ba người xuống kiệu, bọn Giả Chính ra tiếp ở nhà khách.
Bạn bè đến viếng lũ lượt không biết bao nhiêu mà kể. Suốt trong bốn ngươi chín ngày, người nhà thì mũ áo tang trắng xóa một màu, quan khách thì sắc áo gấm vóc như hoa sặc sỡ, đi đi lại lại chật ních cả quãng đường vào phủ Vinh.
Giả Trân bảo Giả Dung ngày hôm sau mặc cát phục đi lĩnh bằng. Nhưng đồ thờ đều theo thể lệ ngũ phẩm, trên linh bài viết: “Thiên triều cáo thụ Giả môn Tần thị nghi nhân chi linh vị” 5. Cửa vườn Hội Phương mở rộng, hai bên có phòng âm nhạc, hai ban nhạc công mặc áo xanh tấu nhạc; đồ chấp sự bày từng đôi một rất là nghiêm trang. Hai cái biển lớn sơn đỏ chữ vàng dựng ở ngoài cửa, viết: “Phòng Hộ nội đình tử cấm đạo ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy” 6. Đằng trước có một cái đàn tụng kinh rất cao, hai bên có tăng đàn và đạo đàn đối nhau. Trên bảng đề những chữ lớn: “Tang lễ của nghi nhân họ Tần, nàng dâu cháu trưởng họ Giả thế tập tước Ninh Quốc công, hiện giữ chức Phòng Hộ nội đình Ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy; ở đất chính giữa của bốn đại châu, là nước vâng mệnh trời thái bình lâu đời, có Tổng 1ý ty hư vô tịch tĩnh giáo môn tăng lục họ Vạn, Tổng lý ty nguyên thủy tam nhất giáo môn đạo lục họ Diệp, kính sửa đàn chay, cầu trời khấn phật... “ và: “kính thỉnh các vị Dà Lam, Yết đế, Công Tào, ơn thánh rộng ban, oai thần xa khắp, bốn mươi chín ngày thủy lục đạo tràng tiêu tai rửa tội... “
Giả Trân lòng tuy đã thỏa, nhưng vì bệnh Vưu thị lại phát, không lo liệu được công việc, sợ các bà mệnh phụ đến, lỡ có sơ suất đều gì, sẽ bị người ta chê cười. Đương lúc lo nghĩ, Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, hỏi:
- Mọi việc đều ổn thỏa cả, anh còn buồn cái gì?
Giả Trân nói cho Bảo Ngọc biết là do không có người trông nom nhà trong, Bảo Ngọc cười nói:
- Có khó gì, tôi cử một người trông nom giúp một tháng, thì ổn thỏa hết.
Giả Trân vội hỏi là ai. Bảo Ngọc thấy có nhiều người ngồi đấy không tiện nói, bèn chạy đến ghé vào tai Giả Trân nói nhỏ mấy câu. Giả Trân mừng lắm, cười nói:
- Được thế thì ổn lắm. Bây giờ chúng ta đi nói chuyện ngay đi.
Liền cáo từ mọi người, kéo Bảo Ngọc đi lên nhà trên.
Cũng may hôm ấy không phải là ngày lễ chính, ít bạn bè đến, nhà trong chỉ có Hình phu nhân, Vương phu nhân, Phượng Thư và mấy người trong họ ngồi đấy. Nghe người báo: “Ông vào!”, các bà các chị nhớn nhác lẩn vào phía sau, chỉ có Phượng Thư thong thả đứng dậy.
Bây giờ Giả Trân đang ốm, lại vì quá thương xót, nên chống gậy bước vào. Bọn Hình phu nhân nói:
- Anh đã yếu lại nhiều việc, nên nghỉ là phải, đến đây làm gì?
Giả Trân chống gậy, chực khom lưng quỳ xuống chào và xin lỗi. Bọn Hình phu nhân vội sai Bảo Ngọc ngăn lại, sai lấy ghế, bảo ngồi, Giả Trân không chịu ngồi, gượng cười, nói:
- Cháu đến đây có một việc nhờ hai thím và cô em. Hình phu nhân hỏi: “Việc gì?” Giả Trân nói:
- Hai thím chắc cũng biết: Bây giờ vợ thằng cháu mất đi, nhà cháu lại ốm, công việc lộn xộn, chẳng còn ra thể thống gì. Cháu muốn nhờ cô em đến trông nom hộ một tháng, cháu mới yên lòng.
Hình phu nhân cười nói:
- Té ra vì việc ấy. Em Phượng hiện ở với thím Hai, anh cứ nói với thím ấy.
Vương phu nhân vội nói:.
- Em nó còn ít tuổi, đã quen đâu những việc này. Nếu lo liệu không ổn, chỉ tổ cho người ta cười. Nên nhờ người khác thì hơn.
Giả Trân cười nói:
- Cháu đã đoán được ý thím rồi. Thím chỉ sợ cô em khó nhọc đấy thôi. Nếu nói rằng lo liệu không nổi, cháu tin chắc là cô em lo liệu nổi. Dù có sai, thì ai mà chả có chỗ làm sai. Hồi cô em còn bé, từ lời nói tiếng cười đã có tính quyết đoán. Bây giờ đi lấy chồng, cáng đáng mọi việc bên nhà, chắc đã thành thạo lắm rồi. Cháu nghĩ mãi mấy hôm nay, ngoài cô em ra, không còn ai nữa. Nếu thím không thương đến vợ chồng cháu, thì xin thương đến vong hồn kẻ đã chết vậy!
Nói xong, nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Vương phu nhân nghĩ Phượng Thư chưa từng trải việc tang bao giờ, sợ trông nom không nổi, người ta chê cười chăng; nay thấy Giả Trân nằn nì mãi thì cũng động tâm, cứ nhìn Phượng Thư rồi lặng lẽ ngồi yên. Phượng Thư xưa nay hay mua việc để tỏ ra mình là người thạo, thấy Giả Trân vật nài, trong bụng cũng đã thuận rồi, lại thấy Vương phu nhân có ý bằng lòng bèn nói:
- Anh đã nói thiết tha như thế, mẹ cũng nên chuẩn y cho là phải.
Vương phu nhân khẽ hỏi:
- Liệu cháu có làm nổi không?
- Làm gì mà chẳng nổi! Những việc lớn bên ngoài đã có anh lo liệu, chỉ còn phải trông nom bên trong thôi. Nếu có điều gì con không biết, sẽ hỏi mẹ là được.
Vương phu nhân nghe nói có lý cũng ngồi lặng yên.
Giả Trân thấy Phượng Thư bằng lòng, cười nói:
- Bây giờ tôi cũng không nghĩ hết được, thôi thì phiền cô em khó nhọc ít lâu. Tôi xin chào cô em trước, khi nào xong việc, tôi sẽ sang bên phủ tạ Ơn.
Nói xong vái một cái, Phượng Thư vội vái lại.
Giả Trân liền lấy đối bài 7 của phủ Ninh trong tay áo ra, nhờ Bảo Ngọc đưa cho Phượng Thư và nói:
- Cô em muốn làm gì cứ làm, muốn lấy gì cứ lấy không phải hỏi tôi. Tốn kém bao nhiêu cũng không cần, cốt làm thế nào cho trọng thể; đối với người bên này cũng như bên nhà, đừng sợ ai oán trách. Ngoài hai việc này, tôi chẳng còn gì đáng lo nữa.
Phượng Thư chưa dám nhận đối bài, chỉ nhìn Vương phu nhân. Vương phu nhân bảo:
- Anh đã nói thế, cháu cứ nhận. Nhưng không nên tự tiện, có việc gì phải sai người đến hỏi anh chị đã, rồi hãy làm.
Bảo Ngọc cầm lấy đối bài ở tay Giả Trân dúi vào tận tay Phượng Thư.
Giả Trân lại hỏi:
- Cô em ở luôn bên này, hay hàng ngày đi về? Nếu cứ đi về như thế thì vất vả lắm, để tôi cho dọn một cái buồng, cô em ở luôn bên này cho tiện.
Phượng Thư cười nói:
- Không cần, bên kia rời em ra cũng không được. Thôi để ngày mai em sang là hơn.
Giả Trân cũng bằng lòng, nói mấy câu chuyện phiếm rồi đi ra.
Một lúc họ hàng về cả, Vương phu nhân hỏi Phượng Thư:
- Bây giờ cháu định thế nào?
Phượng Thư nói:
- Xin mẹ cứ về trước, con phải ở lại hỏi cho ra đầu mối các việc, xong rồi hãy về.
Vương phu nhân bèn cùng Hình phu nhân về trước.
Phượng Thư vào ngồi trong cái phòng ba gian bên cạnh, suy nghĩ: một là số người lộn xộn, đồ đạc mất mát; hai là không có người chuyên trách công việc hay đùn lẫn cho nhau; ba là tiêu dùng phí phạm, cài bừa lĩnh bậy; bốn là trách nhiệm không phân biệt lớn nhỏ, người thì vất vả, người thì nhàn rỗi không đều; năm là người nhà ngông ngược, ai mạnh vế thì khó kiềm thúc, ai lép vế thì chịu ép một bề. Năm điều này là thói quen ở trong phủ Ninh xưa nay, ta cần phải chỉnh đốn lại. Thực là:
Trị nước khó giao phường mũ áo;
Tầy nhà đành mặc bọn quần thoa.
1 Một ty chuyên môn suy tính theo thuyết âm dương sinh khắc chọn ngày tốt cho việc hiếu, hỷ…
2 Nghĩa chung: trường học; nghĩa riêng: trường Quốc tử giám dưới triều đại phong kiến).
3 Những nghi trượng như cờ, lọng, bài quan hàm; của bọn quan thời phong kiến.
4 Gọi con ong đến, ý nói có nhiều hoa.
5 Linh vị của nhgi nhân họ Tần; nàng dâu họ Giả được triều đình phong hàm.
6 Tên quan hàm.
7 Bài làm bằng gỗ, hoặc bằng tre, có dấu hiệu và có số riêng của các gia đình quý tộc phong kiến, dùng để cấp phát tiền lương và các dụng cụ.
_________________