HƯỚNG ĐÔNG LƯU - CHƯƠNG 23
Tác giả: Giang Nhất Thủy
Edit: Alex
_____________
Tại đất nước tôn thờ Đông Hoàng, tín đồ Thái Nhất Môn đông đảo này, hiến tế và tán ca là một chuyện vô cùng thiêng liêng. Ngoài lễ tế Đông Hoàng vào Tiết Sương giáng hàng năm thì mỗi khi có dịp quan trọng, người của Giám Thiên Ty và Thái Nhất Môn đều sẽ biểu diễn khúc mục “Đông Hoàng“.
Khác với vẻ thần thánh, trang nghiêm khi hiến tế, khúc “Đông Hoàng” truyền lưu trong dân gian lại mang đậm sắc thái lãng mạn truyền kỳ. Truyền thuyết kể rằng Đông Hoàng có ba nghìn hóa thân, sẽ đến thế gian khi quốc gia lâm nạn, cứu vớt bá tánh thoát khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng. Tương truyền Thủy Đế, Hoàng đế khai quốc nhà Sở, chính là một trong những hóa thân của Đông Hoàng, đã suất lĩnh Sở Quốc từ Lê Châu đánh sang đông khi chiến hỏa lan tràn, sau đó dẹp yên chư quốc, nhất thống thiên hạ. Căn cứ vào “Đông Hoàng” của Thái Nhất Môn, kết hợp với sự tích cuộc đời Thủy Đế, một soạn giả lớn của Sở Quốc đã sáng tác ra khúc “Đông Hoàng đạp Nguyên tiêu” vô cùng lãng mạn.
Đông Hoàng hóa thân thành Thủy Đế như ngôi sao băng vụt lóe qua bầu trời Cửu Châu, lại khắc sâu vào lòng một vu nữ. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Đông Hoàng vứt bỏ thân xác, theo gió mà đi. Vu nữ luyến mộ Đông Hoàng nhảy những bước nhảy linh tê hiến tế của Thái Nhất, bi thiết biểu đạt tình ý của bản thân. Nàng bắt đầu nhảy từ ngày Đông Hoàng rời đi, nhảy điệu hiến tế suốt bảy ngày đêm. Bị tấm chân tình của vu nữ làm cảm động, Đông Hoàng mở cửa Thần Quốc. Đêm ấy, tất cả những ngôi sao ở Cửu Châu đồng loạt tỏa sáng, lửa trại chiếu rọi khắp muôn nơi. Đông Hoàng dang rộng vòng tay với vu nữ, đón nhận tình ý của nàng, ôm nàng vào lòng, cùng nhau sống trên Thần Quốc.
Ngày Thần Quốc mở ra cũng chính là ngày Nguyên tiêu mà bá tánh Sở Quốc đang chúc mừng.
Câu chuyện truyền kỳ ấy, không biết tại sao lại được Giám Thiên Ty cùng Thái Nhất Môn tiếp nhận. Giám Thiên Ty biến đổi nó thành một khúc mục lãng mạn, diễn tấu trong lễ Nguyên tiêu. Dần dà, nó biến thành khúc mục tất yếu của Đông Hoàng.
Vì trong truyền thuyết, Đông Hoàng tuấn mỹ đến độ bất phân nam nữ, mà giới tính của Thủy Đế qua những lời kể lại cũng vừa là nam, vừa là nữ, thế nên bất luận vào dịp nào, người sắm vai Đông Hoàng luôn phải là thiếu niên hoặc thiếu nữ cực kì xinh đẹp. Bọn họ mặc vũ y có thể bay lên Thần Quốc, nhẹ nhàng giáng xuống nhân gian. Dung mạo mỹ lệ đến mức khiến người ta cảm thấy thần thánh, trang trọng ấy thỏa mãn ảo tưởng của thế nhân về Đông Hoàng.
Thuở thiếu thời, Chung Ly Sóc đã từng vì dung mạo mẫu thân ban cho mà được chọn làm thiếu niên đóng vai Đông Hoàng trong buổi tế. Bởi Vân Châu vốn thơ mộng, trữ tình nên dù là lễ hiến tế trang nghiêm thì họ cũng dùng khúc “Đông Hoàng đạp Nguyên tiêu” này. Phần lớn chư thần mà Sở Quốc thờ phụng đều lãng mạn mà tự do, thế nên rất nhiều buổi hiến tế vừa có thể thần thánh, trang nghiêm mà cũng vừa có thể chứa chan, tình cảm.
Chung Ly Sóc thiên tính thoáng đãng cố ý phổ riêng cho “Đông Hoàng đạp Nguyên tiêu” một khúc xích bát, dùng tiếng xích bát thay lời hiến tế, kết hợp với tế từ do thiếu nữ sắm vai vu nữ xướng lên, triền miên đau đớn, uyển chuyển đắm say.
Khúc này, chính là khúc Đông Hoàng khiến Kiến Lộc công tử nổi danh khắp Vân Châu.
Dù đã nhiều năm không thổi nhưng giai điệu ấy vẫn ghi khắc tại nơi sâu thẳm trong tâm hồn, chỉ cần cầm xích bát lên thì bên tai lại vang giai điệu quen thuộc.
Âm điệu các nhạc sư tấu nên đã bắt đầu biến hóa, khúc nhạc hùng tráng, hoa lệ mở màn cho Đông Hoàng. Thiếu nữ vào vai vu nữ mặc tế phục đỏ trắng, đáp dải lụa dài đặt chân trần lên đài diễn dựng bằng gỗ. Nàng nằm sấp trên đài, nhìn đám đông bên dưới, rồi chậm rãi nâng chiếc cổ thanh tú, lộ ra đôi mắt nhu tình như nước. Trang phục vu nữ xõa tung tựa đóa anh đào nở rộ, dần khép lại khi vu nữ đứng lên. Vu nữ đong đưa vòng eo thướt tha như rắn nước, chậm rãi vươn những ngón tay thon dài, trắng nõn hướng về phía bầu trời đêm đầy sao, rồi bắt đầu ngâm xướng với vẻ thiết tha mà quyến rũ:
“Gió lành chừ ngày tốt, hớn hở chừ đón ngài*~”
*Trích từ bài “Đông Hoàng Thái Nhất”, là bài mở đầu trong chùm thơ “Cửu Ca” gồm 11 bài ca tế thần do Khuất Nguyên cải biên từ các bài dân ca nước Sở. Bản dịch câu trên của Đào Duy Anh. Ngồi quắn não dịch câu thơ cả buổi xong phát hiện có bản dịch sẵn