Lúc ta tỉnh dậy thì thấy kí chủ đã đưa ta trở về chỗ ban đầu, nhưng trước mặt lại xuất hiện một vị công tử áo xanh xưa nay chưa từng gặp bao giờ đang đứng, áo bào hắn bay bay, dáng vẻ thần tiên thanh nhã.
“Bỏ lỡ?” Kí chủ của ta chậm rãi mở miệng, “Không, huynh cũng không phải là sai, mà ta cũng chưa bao giờ tính toán. Lẽ nào hôm nay huynh còn chưa hiểu ra, hai chữ ‘tính toán ’ chính là điều đại kỵ trong tình yêu. Ta cũng chưa từng bỏ lỡ, ta không tin vào bỏ lỡ. Ta chỉ tin vào sai lầm.”
Thanh sam công tử kia tựa như bị đâm vào chỗ hiểm, trong nhất thời không nói thêm được lời nào. Mất một lúc lâu, mới lên tiếng: “Tuệ Hòa đã bị ta giam vào tí bà lao ngục.”
Nghe vậy, kí chủ của ta chỉ khẽ “ừ” một tiếng, tỏ ý biết rồi, nhưng tâm tư hình như không còn ở đó nữa. Ta thuận theo ánh mắt hắn, thấy trong ống tay áo thanh sam công tử lộ ra một góc giấy Tuyên Thành.
Thanh sam công tử trước khi đi rút từ trong tay áo ra một xấp giấy, đưa cho kí chủ của ta, “Ta nghĩ, có vài thứ nàng muốn đưa cho đệ, tuy rằng ta có trăm ngàn lần không muốn, chỉ một mực muốn chiếm làm của riêng, thế nhưng, chúng không phải của ta, chung quy không phải…”
Kí chủ của ta nhận lấy xấp giấy đã ố vàng, nhìn theo bóng áo xanh sắp sửa rời đi, phun ra mấy chữ: “Vĩnh viễn không còn chiến tranh!”
Thanh sam công tử kia quay đầu lại, nhìn thẳng kí chủ của ta nói: “Vĩnh viễn không còn chiến tranh!” Sau đó, nhanh chóng rời khỏi.
Mấy chữ xóa hết ân oán hận thù.
Nhưng mà, sao ta cứ cảm thấy cái xấp giấy bỏ đi kia trông hơi quen quen? Nhìn chúng bị lật sang từng trang từng trang, ta càng lúc càng cảm thấy quen mắt.
Mỗi một trang giấy đều được dùng để vẽ tranh, chỉ có điều kỹ thuật vẽ của người này quả thực vụng về không chịu nổi. Không nói đâu xa, ngay như trang giấy trước mắt này thôi, ta nhìn cả nửa ngày mới nhìn ra là vẽ một con chim, nhưng mà, đây rốt cuộc là loại chim gì, thì không thể nói tên… vừa giống một con quạ-đen-dị-dạng-bị-nhuộm-màu đằng sau có một cái đuôi dài lê thê, lại vừa giống một con Phượng Hoàng rụng hết lông bị gắn lộn đầu loài chim khác, không biết nói thế nào, quả thực không biết nói thế nào.
Ta đang tặc lưỡi tán thưởng cái kỹ thuật vẽ tranh kinh thiên địa khiếp quỷ thần này, trong lúc lơ đãng lại nhìn sang một tờ giấy khác, trên đó vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng của một người, chỉ lơ thơ vài nét bút, một công tử thanh ngạo tuyệt diễm kinh người hiện rõ trên mặt giấy, mắt phượng môi mỏng, trông tựa vô tình, lại tựa ẩn tình, khiến người ta đem lòng tương tư, khiến người ta muốn bước ngay vào trong tranh để nhìn rõ khuôn mặt chính diện của y.
Cả xấp giấy bị kí chủ của ta lật xem từng trang một, ta phát hiện phần lớn hình vẽ trong đó đều là hình vị công tử thanh ngạo kia, hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc giận hoặc nộ, tuy rằng đều chỉ là hình một bên mặt hoặc bóng lưng, nhưng đều sinh động đến vô cùng, mỗi nụ cười hay cái nhíu mày đều như thể y đang ở gần ngay trước mắt.
Ta không khỏi tự nhủ, người vẽ những bức tranh này khi vẽ hoa lá chim muông cá cảnh đều tạp nham không chịu nổi, nhưng sao độc nhất vẽ nam tử kia lại xuất quỷ nhập thần đến vậy, linh khí thần vận đều hiện rõ ràng dưới nét bút?
“Cẩm Mịch…”
Sao đang yên đang lành xem tranh hắn lại gọi cái tên này nữa rồi?
“Sao nàng lại ngu ngốc như thế… Quá ngu ngốc… Ta tưởng rằng ta đã rất ngốc… Thật không ngờ, nàng lại còn ngốc hơn ta!”
“Vì sao nàng ngốc như vậy chứ? Ta dạy dỗ nàng suốt một trăm năm, sao cái gì không học, lại chỉ học được mỗi cái ngu ngốc này? Đồ xoàng xĩnh!”
“Một mình ta ngu ngốc được rồi, vì sao nàng cũng ngu như vậy? … nàng biết… ta không nỡ…”
Hắn bàn luận một loạt vấn đề kẻ ngốc khiến ta nghe mà đầu váng mắt hoa, có điều hắn sỉ nhục kẻ ngốc như vậy, khiến ta không hiểu sao bỗng sinh ra một cảm giác oán giận, kẻ ngốc thì có chỗ nào không tốt chứ? Không nghe người ta nói kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc hay sao?
“Ngay từ đầu, ta đã biết nàng là người cứu ta… con thỏ đó, lần đầu tiên ta nhìn thấy, liếc mắt liền biết đó là nàng, nhưng mà, ta chỉ xem như không biết… Bởi vì ta biết gặp lại chính là giết chóc, thế nhưng ta không xuống tay được. Mặc dù nàng lừa gạt ta, giết ta, mặc dù mỗi thời mỗi khắc ta đều nhắc nhở bản thân phải hận nàng, phải tự tay giết chết nàng, thế nhưng chỉ cần đối diện với nàng, cho dù phòng ngự hay tính toán tốt đến thế nào đi nữa cũng đều thất bại, không thể nhấc nổi tay. Ta không những không hạ thủ, mà còn thường âm thầm chờ mong được gặp nàng, như kẻ bị trúng độc, ngay cả bản thân ta cũng xem thường chính mình…
“Đêm đó, ta không hề say… ta chỉ xem mình như kẻ say, ôm nàng, ôm chặt lấy nàng, cũng chỉ có nàng khiến ta say thực sự. Ta thầm thỏa mãn, chỉ mong thiên hoang địa lão. Như thể bất cứ ân oán gì cũng đều là phù vân, suy nghĩ như vậy làm ta hoảng hốt, khiến ta thống hận bản thân, thống hận bản thân chỉ vì nàng mà mềm lòng đến cả tính mạng lẫn tôn nghiêm đều vứt bỏ.
“Ta cố ý gọi tên Tuệ Hòa, chỉ vì muốn nhắc nhở bản thân không được để cho nàng mê hoặc. Thế nhưng, khi nhìn thấy vẻ cô đơn suy sụp của nàng, thấy nàng rời đi bước chân vô định, lòng ta đau lắm, ngay cả hô hấp mà cũng nhói đau, ta hận không thể đuổi theo để nói với nàng rằng, không phải như nàng nghĩ.
“Hôm đó, nàng một mình đến U Minh, không ngờ nàng lại nói nàng yêu ta. Trong khoảnh khắc, tim ta như ngừng đập, tuy rằng ngay một sợi tóc trên đầu cũng biết đây là lời nói dối, thế nhưng ta lại tin, tin không cưỡng lại được như một kẻ uống rượu độc để giải khát. Miệng ta tuy nói lời châm chọc. Nhưng tận đáy lòng lại trở nên ấm áp chỉ vì một câu nói này của nàng.
“Thấy nàng hóa thành một đóa hoa sương bốc hơi đi mất… Ta nghĩ mình đã chết. Đã từng bị nàng một đao xuyên tim cũng không đau đớn đến như vậy… Thế nhưng, ta lại không chết… Vì sao lần nào nàng cũng đều nhẫn tâm như thế?”
Nghe hắn độc thoại một mình, ta không thể nói rõ cảm giác của mình ra sao, chỉ cảm thấy hận không thể lập tức liền thành một trái bồ đào để làm hắn vui lên.
Nhưng mà sao có thể biến được đây? Đang lúc ta khó xử, không biết phải làm sao, thì bỗng dưng chung quanh có sự biến hóa, hơi nước từ từ tích tụ về phía ta, dần dần từng chút ngưng đọng quanh thân ta, cuối cùng vây chặt khiến ta không thể nhúc nhích.
Một ý nghĩ lóe lên trong lòng, không hay rồi!
Nhưng mà, mọi chuyện đã quá muộn. Ta chỉ có thể trơ mắt nhìn bản thân giờ như một con bướm bay bị mắc kẹt ở bên trong lớp nhựa thông đặc sệt, bị hơi nước bao bọc trượt ra khỏi mi mắt hắn.
Hóa ra, ta lại là một giọt lệ tá túc trong đồng tử của hắn, ngay từ đầu, vốn đã định trước phải phân ly…
Lúc này, ta bỗng cảm thấy tiếc nuối, trong khoảnh khắc rơi xuống, ta quay đầu lại nhìn hắn. Hình ảnh ta nhìn thấy hoàn toàn không phải là một con yêu quái xấu xí không chịu được, mà là một vị công tử cực kỳ tuấn tú.
Ngoài ý liệu, nhưng tựa như tất cả đều ở trong ý liệu.
Mệnh số đã định trước là chấm dứt… Ta thở dài, rơi xuống.
ĐOẠN KẾT: ĐOÀN TỤ SUM VẦY
Vũ miếu Ngư Lương khẩu, phù chu lạc nhật quá.
Bộc thanh trùng tuấn bích, kinh ảnh dạng tằng hà.
Lâu môi thanh sơn lang, luật đình cẩm thụ bỉ.
(Bài thơ của họa sĩ tranh sơn thủy Trình Gia Toại sống ở đời Minh. Miêu tả cảnh chiều tà trên sông Ngư Lương, cụ thể là cái cảnh này, chỉ thiếu ánh chiều tà thoy)
Ở thành nam Huy Châu có một trị trấn nhỏ, tên gọi Hấp huyện. Trong Hấp huyện, có một cửa hàng nhỏ tên gọi Đường Việt Cư, chuyên bán văn phòng tứ bảo.
Chuyện này vốn cũng chẳng có gì ngạc nhiên, nơi này thừa thãi “kỳ thạch cổ tùng”. Đá ở đây tính chất rắn chắc, nhám nhưng không dính bút, trơn nhưng vẫn giữ được mực, tạo nghiên mực thật tốt, được xưng là Hấp Nghiên. Còn mực thì dùng cổ tùng để chế tạo, đặt bút như sơn, màu mực đen bóng, được xưng tụng là mực Huy Châu nổi tiếng khắp thiên hạ. Người địa phương sử dụng nguồn tài nguyên ngay tại chỗ, vì vậy trong vòng mười bộ quanh Hấp Huyện, không phải tác phường sản xuất văn phòng tứ trong bảo, thì chính là cửa hàng bán văn phòng tứ bảo, Đường Việt Cư vốn là một trong số đó, trông có vẻ như chẳng có gì nổi bật.
Nhưng mà, Đường Việt Cư tại địa phương ai ai cũng biết, danh tiếng từ các con phố lớn của Hấp Huyện lưu truyền khắp toàn bộ thị trấn. Rồi truyền tới thành Huy Châu, cuối cùng truyền tới cả kinh thành cách xa ngàn dặm, tất nhiên chuyện có duyên do của nó.
Nói đến cũng lạ, phụ nhân này gả vào Cẩm gia Đường Việt Cư đã gần sáu năm, nhưng trước giờ vẫn không thấy hỉ mạch, không ngờ một đêm sương giá nhập mộng lại được tin hỉ. Chuyện này khiến Cẩm lão gia vui mừng khôn siết.
Năm sau, Cẩm phu nhân sinh hạ một nữ nhi, da trắng như tuyết mạo tựa pha lê, ai thấy cũng yêu, bèn lấy hai chữ “Cẩm Mịch” trong bài thơ mà Cẩm phu nhân nằm mộng đặt tên cho nàng.
Nhưng mà, phu phụ họ Cẩm này diện mạo không có gì xuất chúng, mọi người tuy luôn miệng khen đứa bé dễ thương xinh xắn, nhưng trong bụng thầm than vắn thở dài: con gái giống cha, đứa bé này tương lai diện mạo chưa chắc đã xinh đẹp. Ai ngờ đứa bé này không những không giống cha nó như mọi người dự đoán, mà càng lớn càng xinh đẹp. Năm đến tuổi cập kê, nàng trông như Cửu Thiên Tiên Nữ hạ phàm, à không, có lẽ ngay cả Cửu Thiên Tiên Nữ cũng không xinh đẹp được như vậy.
Một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, nam tử ở Huy Châu đều xem việc có thể nhìn thấy mặt nữ tử này là một chuyện quang vinh, thế nhưng không một người nào dám đến cửa cầu thân. Có vợ đẹp như vậy, tất dụ tai họa đến. Điều này khiến phu phụ họ Cẩm hoảng sợ không thôi, Cẩm lão gia biết rõ câu “hồng nhan hoạ thủy”, chỉ sợ vẻ đẹp của nữ nhi là họa không phải phúc, thể nào cũng đem tai họa tới cửa, cho nên cả ngày nhốt nữ nhi trong phòng, khiến người ngoài không nhìn thấy được, giấu giếm vô cùng kín kẽ, giống như đang giấu một món tiền phi nghĩa vậy.
Càng kỳ quái chính là, trưởng nữ nhà họ Cẩm này không những sắc đẹp không hợp thói thường, mà lời nói cử chỉ càng không hợp thói thường. Nữ tử này từ nhỏ đã luôn thích thú đối với mấy chuyện quỷ quái yêu ma, Cẩm lão gia cho rằng tiểu hài tử đứa nào chẳng thích nghe loại chuyện ly kỳ này, nên không để ý. Không ngờ, sau khi lớn lên, nữ tử này lại một lòng một dạ chuyên tâm nghiên cứu đạo tu luyện. Tu luyện cũng không nói làm gì, người thường tu luyện đều mong mình tu luyện thành Tiên, nhưng nàng cả ngày cứ nghĩ cách làm sao tu luyện nhập Ma, dọa cho Cẩm lão gia tức đến mức đấm ngực giậm chân. Sau nhiều lần khuyên can vô hiệu, phu phụ họ Cẩm chỉ mong sao sớm tìm được một gia đình tốt gả “kẻ họa thủy” này đi cho xong.
Cẩm gia đang lo không ai cầu thân, đang lúc băn khoăn không biết có cần tìm một nữ tế (con rể) thật thà chất phác tới ở rể hay không, thì trùng hợp bức họa chân dung của Cẩm Mịch lại bị người ta truyền tới tay Tể Tướng ở kinh thành. Tể Tướng nhất thời kinh ngạc vô cùng, không dám giấu diếm, lập tức đem bức họa trình lên Hoàng Đế. Ngay đêm hôm đó, một tờ chiếu thư từ kinh thành tám trăm dặm khẩn cấp ban ra, triệu Cẩm Mịch vào cung, phong làm Cẩm phi.
Lại là một năm xuân đến sớm, hoa đào thắm đỏ, hoa cải rực vàng.
Đội ngũ rước dâu trùng trùng điệp điệp cờ hoa lộng lẫy từ kinh thành tới đón trưởng nữ Cẩm gia, đi theo hướng bắc quay về kinh thành.
Hấp Huyện thì nhỏ, đường xá thì khó đi, đội ngũ đón dâu vừa mới ra khỏi thị trấn thì đã sắp hoàng hôn. Mắt thấy tịch dương sắp lặn minh nguyệt sắp lên, mọi người đang định dừng kiệu nghỉ ngơi, bỗng dưng ở phía chân trời nơi mặt trời lặn xuống lại có một vầng mây hồng rực lửa nhú lên, trong phút chốc ánh lửa chiếu sáng cả nửa bầu trời. Thấy cảnh tượng này, những người có mặt đều là trừng mắt cứng lưỡi, ngây ra như phỗng.
Chợt nghe ở giữa đám mây hồng có một tiếng chim hót véo von trầm bổng, một con chim bảy màu sinh động dang cánh bay ra từ nơi giao nhau giữa đất và trời, đuôi dài tám xích, hào quang lộng lẫy, rực rỡ khiến người ta không thể nhìn chăm chú.
Nhưng mà, mặc kệ đám người đón dâu kích động gào thét thế nào, nữ tử trong kiệu kia vẫn không hề nhúc nhích, tua rua bên rìa khăn trùm đầu cũng chưa từng lay động một lần, giống như tất cả đều ở trong dự tính, ổn tọa như Thái Sơn, không có nửa chút hiếu kỳ của người bình thường.
Rồi thấy Hỏa Phượng Hoàng kia chao mình bay tới, chớp mắt đã bay đến phía bên trên đội ngũ đón dâu, chúng phàm nhân trong khoảnh khắc đều vừa kính vừa sợ, ngay cả thở cũng không biết phải thở làm sao cho đúng.
Phượng Hoàng kéo theo bộ lông đuôi lộng lẫy, sau khi xoay tròn một vòng trên đầu mọi người liền bổ nhào lao xuống, vững vàng ngậm lấy chiếc loan kiệu đỏ thẫm lên nhấc lên, trước sự ngưỡng mộ trợn mắt há mồm của mọi người nghênh ngang bay đi…
“Không xong rồi, Phượng Hoàng cướp tân nương đi rồi!”
Ánh trăng sáng tỏ, phía bên kia dãy núi hiểm trở, một biển hoa cải vàng rực trải rộng ngút ngàn không thấy điểm kết thúc. Trong biển hoa vàng đó, nổi lên màu đỏ rực tươi đẹp của một chiếc hỉ kiệu nằm thờ ơ lăn lóc, cực kỳ bắt mắt nhưng lại có vẻ tĩnh mịch an tường, tựa như đã đứng ở chỗ này đợi rất lâu, rất lâu rồi…
Có đến năm ngàn năm…
Thì ra là chờ một vụ đoạt hôn oanh oanh liệt liệt này đây.
Xa xa, một chiếc cầu bằng đá cong cong, bắc ngang qua khe suối.
Một vị công tử tuấn tú nhanh nhẹn từ giữa biển hoa đi tới, những bông hoa cải vàng rực tự động tách ra một đường thẳng tắp bên dưới chân y.
Một cơn gió nhẹ thổi qua, thổi tung một trận mưa hoa, thổi tung bức rèm kiệu đỏ chói, thổi tung chiếc khăn trùm đầu của tân nương…
Công tử tuấn tú kia một tay bung dù, che cơn mưa hoa đang rải khắp bầu trời, khom người đưa tay kia ra, “Cẩm Mịch, ta tới rồi.”
Nữ tử trong kiệu khẽ mỉm cười, đặt tay mình vào lòng bàn tay y, chớp mắt một cái, rồi nói: “Thế nhưng, ta đã nhận sính lễ của Hoàng Đế tiểu nhi kia rồi.”
Lòng bàn tay của nữ tử bị ai đó siết chặt, chỉ nghe công tử kia nói: “Aizzz, đáng tiếc cho sáu ngàn năm linh lực mà ta đã cất công chuẩn bị.”
Nữ tử kia nghe vậy, khóe miệng cong lên thành một nụ cười giảo hoạt, nắm chặt tay y, từ trong kiệu vội vã vươn người bước ra, “Thế thì, ta đành miễn cưỡng chấp nhận vậy.”
…
Mọi âm thanh đều yên tĩnh, chỉ còn lại tiếng côn trùng và hoa cỏ thì thầm.