Hữu Phỉ

Chương 12: Chương 12: Tú Sơn




Có câu “Chốn núi non không ngày không tháng, Rét qua rồi chẳng biết năm sang”. (1)

(1) Trích “Tây du ký”.

Chuyến đi này, đi những ba năm.

Lý Nghiên một tay xách giỏ lớn, một tay nắm sào trúc, nhắm mắt lại cho người ta nắm thân trúc dẫn nàng đi từng bước từng bước bên bờ sông Tẩy Mặc, vừa đi vừa lải nhải hỏi:

- Còn xa lắm không? Ta nghe thấy tiếng nước, đến bờ sông rồi sao?

Người nắm thân trúc dẫn nàng đi không rõ là đệ tử của môn phái nào trong trại, là một tiểu thiếu niên xấp xỉ tuổi Lý Nghiên, hễ nói chuyện với nàng là đỏ mặt, nói như muỗi kêu. Nhưng chưa đợi cậu ấy mở miệng vo ve thì Lý Nghiên cảm thấy thân trúc trong tay bị ai đó kéo, nàng “ui da” ra tiếng, mở mắt thì thấy Lý Thịnh vẻ mặt không kiên nhẫn đứng trước mặt nàng.

Lý Nghiên gào lên:

- Huynh làm gì thế? Dọa chết muội rồi!

Lý Thịnh không thèm nhìn nàng, gật đầu với đệ tử tay chân luống cuống kia, nhẹ nhàng nói:

- Muội ấy nhiều tật lắm, đừng chiều muội ấy được đằng chân lân đằng đầu, cứ bắt nạt các đệ hoài.

Đệ tử kia càng đỏ mặt hơn, lúng túng hồi lâu không nói nên lời, nhanh chóng chào Lý Thịnh rồi chạy như bay.

Lý Nghiên cũng rất muốn chạy, nhưng đang ở bên bờ sông nàng không dám___nàng sợ độ cao, từ trên vách núi nhìn xuống, nàng có thể tưởng tượng ra bảy tám loại tư thế ngã chết nên mới không dám mở mắt mà nhờ người cầm sào tre dẫn nàng đi.

Lúc bắp chân nàng hơi bị chuột rút thì Lý Thịnh túm lấy cổ áo sau của nàng, xách nàng bay vút lên không.

Lý Nghiên bị dọa ngay tại chỗ:

- Ca! Đại ca! Ca ca! Tha mạng! Giết người!

Lý Thịnh mắt điếc tai ngơ, trực tiếp xách nàng đến bên vách núi, ban ngày hơi nước trên sông Tẩy Mặc đã tan hết, nước sông cực kỳ hung mãnh, hai bên bờ sông là vách đá cao cao hiểm trở, tiếng ong ong của dây trận và tiếng nước ầm ầm xen lẫn vào nhau tạo nên tiếng gầm gừ hùng vĩ, vỗ vào hai bên bờ.

Lý Nghiên:

- …

Lý Thịnh hơi buông tay ném nàng qua một bên, bực bội nói:

- La gì mà la, có gì đâu mà sợ? Huynh cũng đâu có ném muội xuống.

Lời hắn chưa dứt thì muội muội vinh quang của hắn đầu gối mềm nhũn, ngồi bệt xuống. Lý Nghiên tùy tiện đặt cái giỏ lớn trong tay qua bên cạnh, sau đó một tay túm lấy nhánh cỏ trên đất, một tay ôm bắp đùi Lý Thịnh, run rẩy hít vào hai ngụm không khí, chuẩn bị tốt tâm trạng rồi òa lên khóc lớn.

Lý Thịnh cảm thấy bụng mẹ mà mình từng ở bị sỉ nhục sâu sắc, hận không thể đạp nàng một cước xuống.

Đúng lúc này mặt đất hơi chấn động, dây trận trong sông Tẩy Mặc có động tĩnh khác thường, Lý Nghiên sợ hết hồn, liều mạng bám lấy đùi Lý Thịnh, mở một mắt nhắm một mắt với ý định len lén nhìn xuống.

Một ông lão tóc bạc trắng ngồi xếp bằng trong tiểu đình ở lòng sông, tay cầm một cành liễu, quát lên:

- Chu nha đầu, hôm nay mở toàn bộ dây trận, con cẩn thận nhé!

Cành liễu của ông chỉ vào một thiếu nữ đang đứng, nước quá đen, từ bên trên không nhìn rõ cột đá và dây trận bên dưới, nàng giống như là đứng trên mặt nước vậy.

Trong tay Chu Phỉ cũng cầm một cành liễu, nàng không hề động đậy mà nhắm mắt đứng đó.

Lý Nghiên kinh ngạc nói:

- A Phỉ muốn làm gì thế?

Lời Lý Nghiên còn chưa dứt thì nghe “vút” một tiếng, Chu Phỉ chợt nhảy lên, nhưng lưới dây trận hiện lên còn nhanh hơn nàng, trụ đá dưới chân nàng nhất định đã chìm xuống, đồng thời một mạng lưới to lớn phản quang chi chít từ dưới bọc lên trên.

Lý Nghiên kinh hãi hô ra tiếng, Chu Phỉ run cổ tay, cành liễu mềm mại bị nội lực ép vào chợt thẳng băng, cứ như một sợi dây thừng cứng móc vào một sợi dây trong dây trận, vậy mà lại không bị dây trận cắt đứt!

Chu Phỉ mượn lực xoay người, chui qua khe hở trong dây trận một cách tinh chuẩn, những sợi dây chết người ngưng tụ ánh nắng và ánh nước thành một đường, dồn dập sượt qua mặt nàng nhưng Chu Phỉ không hề liếc nhìn một cái, dường như đã quen rồi.

Cành liễu mềm dẻo lập tức bắn ra, lá non vừa mới nhú bị xước mất một nửa, Chu Phỉ nhẹ nhàng rơi xuống một tảng đá khác.

Tảng đá này không có nền móng, hoàn toàn dựa vào hai sợi dây kéo, trôi nổi bồng bềnh trên sông, khiến Chu Phỉ cũng nhấp nhô lên xuống theo. Dây trận trong nước dệt thành một tấm lưới lớn rợp trời xòe ra bốn phía trên đỉnh đầu nàng, lúc này nước chậm rãi đọng thành một giọt rơi trên hàng mi Chu Phỉ, nàng nhanh chóng chớp mắt, giũ đi giọt nước ấy, đồng thời cúi đầu rút trường đao bên hông, tảng đá dưới chân nàng chợt chìm xuống, bắn lên bọt nước cao quá đầu người, cả lưới dây trận co lại không báo trước, muốn cuộn nàng vào giữa.

Lý Nghiên sợ đến mức hét to một tiếng, suýt kéo tuột quần ca ca, Lý Thịnh cũng không quan tâm đến việc đánh nàng.

Tiếng “ong ong” trong sông đột nhiên trở nên sắc bén, Chu Phỉ bất ngờ bổ ra một đao, Lý Thịnh vô thức lùi về sau tránh, phảng phất như cách mặt sông rộng lớn cũng có thể cảm giác được sự ngạo nghễ vô song trong nhát đao ấy.

Lưỡi đao của nàng cách sợi dây một góc độ cực nhỏ thì xẹt qua dây như chớp lóe, bổ vào chỗ hai dây giao nhau, nàng từ lâu đã không còn ra chiêu Chấn Nam Sơn bừa bãi như mấy năm trước nữa, vết đao của nàng gần như im hơi lặng tiếng, lưỡi đao mỏng như cắt vào một miếng đậu phụ, nhẹ nhàng móc hai dây ra, kế đó thình lình tăng tốc, kéo đao thành hình trăng tròn, toàn bộ lưới dây trận rung động, chỉ một đao ấy nàng đã đánh ra một lỗ đủ một người chui qua.

Lý Thịnh bỗng siết chặt nắm đấm, tuy chỉ một đao nhưng ánh mắt nàng phải vô cùng nhạy mới có thể tìm được dây mấu chốt trong hàng trăm hàng ngàn dây, đồng thời xuất đao phải chuẩn, chuẩn đến mức chém cánh trái của ruồi mà không làm tổn thương đến cánh phải của ruồi mới có thể tách hai dây giao nhau, kế đó là nội tức không được ngắt quãng mới có thể dốc sức đẩy ra xúc tu khổng lồ của con thủy quái dưới sông này____ba năm trước nàng nhắm mắt tìm vận may, hai tay cầm đao, dốc hết toàn lực, đánh liên tiếp mấy chiêu “Chấn Nam Sơn” mới có thể làm lung lay dây trận, còn bây giờ nàng đã có thể tỉnh bơ mặt không đổi sắc.

Chu Phỉ đẩy ra dây trận, lập tức xoay người nhảy ra ngoài, nàng vừa mới thoát vây thì dây trận chi chít liền co lại, xoắn nát tảng đá nàng mới đặt chân kia, Chu Phỉ ở không trung nhanh nhẹn như một “con rồng vẫy đuôi”, cành liễu trong tay hệt sợi roi cuốn lấy dây trận, đưa Chu Phỉ lên cao khoảng một trượng, sau đó nàng quyết đoán buông tay, cành liễu mất đi sức chống đỡ, tức thì bị cắt thành ba đoạn.

Chu Phỉ túm lấy một sợi dây thừng rủ bên vách đá, phóng người lên nóc tiểu đình giữa sông, rồi từ trên nóc lật người xuống, thu lại trường đao, không thèm chào hỏi liền đưa tay duỗi về phía khay trái cây trước mặt Ngư lão, chọn một quả màu đỏ không sống không chín chà chà trong lòng bàn tay, cắn một cái rồi thảy vòng vòng nói với Ngư lão:

- Ôi… chua quá, thái sư thúc, thấy sao hả, con không bị rách chỗ nào hết.

- Con con con…

Ngư lão nhìn chằm chằm khay trái cây đỏ bị khuyết một góc khiến ông vô cùng khó chịu, hận không thể lấy đầu Chu Phỉ xuống bù vào chỗ khuyết kia, ông tức thì nổi giận mắng:

- Hỗn láo!

Chu Phỉ không hiểu gì cả:

- Sao con lại hỗn láo?

Ngư lão nổi giận nói:

- Ai cho con lấy nó?

- Chậc, có gì quý chứ, đâu có ngọt.

Chu Phỉ chê bai lườm quả đỏ bị nàng cắn một miếng,:

- Vậy con trả lại.

Nói rồi không đợi Ngư lão phản ứng, nàng ném quả bị cắn một góc ấy về trong khay, quả đó đã bị nàng gặm, bề ngoài vốn xấu xí lại không chịu ở yên vị trí mà lăn đi, xoay lỗ hõm lên trời, hiện rõ cả dấu răng.

Ngư lão:

- …

Liền sau đó, Chu Phỉ nhảy ra khỏi tiểu đình giữa sông như chim én, tránh một chưởng phẫn nộ của thái sư thúc nàng, nầng lên xuống hai lần lại túm lấy sợi dây thừng buông xuống bên vách núi, đong đưa hai ba cái đã trèo lên trên, còn phát ngôn bừa bãi với Ngư lão tức giận giậm chân bên dưới:

- Ông keo kiệt quá, con không chơi với ông nữa!

Tiếng gầm của Ngư lão vang vọng khắp sông Tẩy Mặc:

- Ranh con, ông sẽ bảo mẹ con đánh chết con!

Lý Thịnh thấy nàng lên thì lập tức mạnh mẽ gỡ tay Lý Nghiên ra khỏi đùi mình, xoay người muốn rời đi, Lý Nghiên vô thức đưa mắt nhìn sông Tẩy Mặc, đứng dậy thất bại lần thứ ba, đành phải nằm bò xuống đất như con sâu bự mắt to:

- Ca, sao A Phỉ vừa lên là huynh bỏ đi? Huynh đi thì đi, cũng phải kéo muội một cái chứ!

Lý Thịnh không quay đầu lại, dùng khinh công chuồn đi rất nhanh.

Năm đó Lý Thịnh trải qua nguy hiểm trong sông Tẩy Mặc trở về, hầu như bị ác mộng hơn ba tháng, hễ nghe thấy ba chữ “sông Tẩy Mặc” là giật mình, lần đầu tiên nghe Lý Nghiên nói Chu Phỉ hễ rảnh rỗi sẽ chạy tới sông Tẩy Mặc, hắn cảm thấy Chu Phỉ chắc chắn là điên rồi.

Mới bắt đầu, Chu Phỉ chạy tới nói với Ngư lão là nàng muốn vượt qua dây trận, Ngư lão không biết lấy từ đâu ra một cái mặt nạ bảo vệ bằng sắt ném cho nàng, nói thẳng trước mặt nàng là nàng “tư chất kém, công phu nát, khinh công như quả cân, tâm thô hơn cả eo, trừ có chút thành tựu ở khoản đi tìm chết thì chỉ còn lại cái mặt miễn cưỡng có chút ưa nhìn, tuyệt đối không thể làm mất ưu điểm duy nhất này nên phải bảo vệ cho tốt, không được để hủy dung.”

Chu Phỉ xấu tính không sửa được, Lý Thịnh cảm thấy nàng chắc chắn sẽ trở mặt ngay tại chỗ, ngờ đâu nàng lại không nói tiếng nào mà nhận lấy mặt nạ đeo vào, từ đó ba năm như một, lễ tết cũng không ngừng nghỉ.

Lúc bắt đầu, dây trận chỉ có thể mở ra một phần nhỏ dưới sự khống chế của Ngư lão, nhưng dù là vậy, ngày nào nàng cũng mang thương tích máu me đầy mình rời đi, đợi hơi hơi thích ứng được thì Ngư lão lại thêm dây vào cho nàng.

Từng có một dạo Lý Thịnh không chịu thua, nếu Chu Phỉ có thể làm được thì tại sao hắn không làm được?

Hắn thậm chí còn theo xuống hai lần… kết quả phát hiện chính là hắn không làm được. Khi dây trận khắp sông nổi lên, cơn ác mộng khó khăn lắm mới quên được của hắn dường như tái hiện, lần thứ nhất hắn rơi xuống sông, luống cuống tay chân, suýt bị cắt đầu, Chu Phỉ nhìn không nổi nữa mới xách hắn ra ngoài.

Lần thứ hai hắn lấy hết dũng khí, thề sẽ không đứng ngốc tại chỗ nhưng kết quả trong lúc lúng túng hắn lại rơi xuống nước, nếu không nhờ Ngư lão kịp thời thu lại dây trận thì đại khái hắn đã bị cắt thành một đống thịt vụn rồi.

Lý Thịnh mãi mãi cũng không quên cảm giác trong làn nước sông lạnh lẽo, từng sợi từng sợi dây đằng đằng sát khí bơi qua bơi lại, từ đó về sau, hắn không còn xuống sông Tẩy Mặc nữa.

Lý Thịnh không muốn gặp Chu Phỉ, cúi đầu đi về, hắn đi đường tắt, lúc quẹo vào một mảnh rừng trúc nhỏ mọc hoang, bước chân hắn hơi khựng lại:

- Cô cô?

Lý Cẩn Dung khoanh tay đứng trong rừng, trên vai có hai chiếc lá, đại khái là đã đợi một lúc lâu rồi, bà gật đầu với hắn, căn dặn:

- Đi gọi A Phỉ rồi hai đứa cùng tới tìm ta.

- Dạ.

Lý Thịnh đáp một tiếng, sau đó lại hỏi:

- Đi đâu tìm cô cô?

- Tú Sơn Đường.

Lý Cẩn Dung nói xong liền rời đi.

Lý Thịnh sững sờ tại chỗ một lát, suýt thì nhảy dựng lên____Tú Sơn Đường là nơi lĩnh bảng tên, trong trại có rất nhiều đệ tử được sư phụ trực tiếp lĩnh cho, thi đấu tại chỗ, nếu có thể xuất sư thì thi đấu xong là có thể trực tiếp đi lấy bảng tên!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.