Huyền Thoại Nhị Thần

Chương 1: Q.1 - Chương 1: Đương đầu yêu nghiệt






Tiết trời mát mẻ. Đó là một buổi sáng mùa thu năm 2865 trước Công nguyên. Chuyện xảy ra tại làng Vỹ Phong, một làng nhỏ ven sông, thuộc nước Xích Quỷ[1] dưới triều Kinh Dương Vương. Sự việc bắt đầu với thái độ bất bình của một chàng tiều phu trẻ tuổi:

“Ai lại trồng cái cây ở giữa đường đi thế này? Điên thật!” – Chàng tiều phu gắt lên.

“Làm sao tôi biết được? Sáng tinh mơ vừa mở cửa quán tôi đã thấy nó ở đấy rồi. Anh hỏi cái cây ấy xem ai trồng nó, tôi có trồng đâu mà lớn tiếng với tôi chứ.” – Chị hàng nước phản đòn và ném cho chàng trai cái liếc mắt sắc lẹm.

“Trời! Tôi có nói gì chị đâu. Chị muốn gây sự à?”

“Thôi! Thôi được rồi.” – Một giọng nói trầm trầm cất lên – “Chỉ là một sinh linh bé nhỏ mưu cầu sự sống, chẳng có gì to tát. Đáng để lời qua tiếng lại sao?”

Bị ông cụ nhắc nhở, hai người nuốt giận lùi lũi lảng đi. Họ hết thảy đều không thể hình dung đại họa gì sắp giáng xuống làng Vỹ Phong.

Làng Vỹ Phong là một ngôi làng trù phú thuộc hữu ngạn sông Phú Lương[2], ứng với vị trí bộ Giao Chỉ[3] của Văn Lang sau này. Làng Vỹ Phong tuy nhỏ nhưng được sự bao dung ưu ái của tự nhiên. Nhờ vậy mà bá tánh chỉ cần siêng năng là an cư lạc nghiệp. Con đường làng nâu vàng màu đất, uốn mình quanh co qua những lều tranh, quán nước. Đoạn đường nối với cổng làng là hẹp nhất, chỉ rộng chưa tới bốn sải tay người. Đây lại là nơi hưởng bóng mát lũy tre làng nên người ta hay họp chợ, khiến đoạn đường vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Vậy mà nay lại có một cái cây mọc gần như chường ra giữa đường thì quả là không còn gì chướng mắt hơn. Khó trách người ta phát cáu vì điều ấy. Lẽ ra đã có ai đó bứng phăng cái cây vô phép vô tắc kia. Nhưng dân làng này vốn đôn hậu. Cái đôn hậu khiến người ta ghê tay khi phải kết thúc một cuộc đời, dù đó chỉ là cuộc đời của một cái cây. Người ta chỉ tặc lưỡi tự nhủ rằng cứ kệ đi rồi lượng người xe lưu thông nhộn nhịp qua cổng làng mỗi ngày ắt sẽ vô tình xéo chết cái cây non yếu kia.

Khi những ánh nắng cuối ngày dần trở nên mong manh, chàng tiều phu bước về làng với bó củi to trên vai. Vẻ mặt hân hoan cho thấy anh chàng khá hài lòng với thành quả ấy. Vậy nhưng niềm phấn khởi đó ngay lập tức phải nhường chỗ cho nỗi sửng sốt khi chàng nhìn thấy cái cây ban sáng.

“Trời ơi! Phải nó không vậy?” – Chàng tiều phu tròn mắt thốt lên.

“Nó đấy.” – Chị hàng nước đáp.

“Sao... sao... có thể như vậy được? Chuyện này... không bình thường chút nào.” – Chàng trai há hốc mồm kinh ngạc.

“Tôi cũng thấy chuyện này không hề bình thường.” – Chị hàng nước gật đầu.

“Sáng nay nó chỉ mới cao chưa đến gối tôi kia mà, sao giờ đã...”

“Thật ra đầu ngày tôi cũng không để ý gì thêm đến nó. Nhưng trưa nay tôi không tin vào mắt mình khi vô tình nhìn đến thấy nó đã cao ngang vai người đi đường.”

“Ngang vai đâu mà ngang vai, cao hơn đầu tôi rồi nè!” – Anh chàng vừa nói vừa lia lia bàn tay bên trên búi tóc.

“Thì tôi đang nói về lúc trưa mà. Còn bây giờ thì nó cao hơn đầu người rồi.” – Chị hàng nước trả lời.

Những người xung quanh thấy họ bàn tán sôi nổi cũng xúm lại góp lời, khiến cho đám đông càng lúc càng nhốn nháo. Kích thước nhóm người gia tăng có lẽ còn nhanh hơn sự tăng trưởng của cái cây kia. Một phụ nữ trung niên thì thào với giọng nghiêm trọng :

“Không ổn đâu, tôi thấy không ổn chút nào.”

“Phải đó, sáng nay thân cây chỉ ốm như cáique, giờ đã to gần bằng cổ tay tôi rồi nè.” – Một bác thợ săn góp lời.

“Làm sao mà trên đời lại có thứ cây lớn nhanh như thổi thế này được! Rõ ràng có gì đó quái lạ ẩn sau hiện tượng này.” – Một người khác nắn cằm đăm chiêu.

Bầu không khí lo âu nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ đám đông. Người ta cứ xì xầm bàn tán, một đôi vợ chồng quả quyết :

“Phải bứng nó đi thôi!”

“Đúng vậy, để lại sao được?” – Bác thợ săn gật gù

“Vậy anh mau bứng nó đi!” – Chị hàng nước thúc giục.

“Sao lại là tôi? Đốn cây chẳng phải việc của chú em này sao? Đốn nó đi chú em!” – Bác thợ săn vỗ vỗ vai chàng tiều phu ra chiều thân thiện. Đám đông lại nhao nhao lên: “Phải đó” – “Đúng rồi, cậu làm đi.” – “Sẵn rìu trong tay đốn nó là tiện quá rồi” – “Còn chờ gì nữa, chàng trai?”

“Ơ! Tự dưng mọi người đẩy việc này cho tôi là sao?” – Chàng trai ngơ ngác.

“Thì anh đốn nó như khi anh đốn củi mỗi ngày ấy, có ai giỏi việc ấy hơn anh chứ!” – Một thiếu phụ động viên.

“Anh phẩy tay một cái là... xong mà, giúp được... mọi người... đấy, không thôi... qua một đêm chắc nó... bít hết cổng làng mình cho xem.” – Bà lão bán rau nói đứt quãng trong tiếng ho khù khụ.

Người tiều phu đắn đo liếc nhìn cái cây. Chàng linh cảm nhiệm vụ này chỉ đơn giản khi nói suông, còn thực hiện thì... Mà cũng thật khó hiểu, chàng đốn củi bao năm qua có khi nào run tay, sao giờ đây lại rùng mình trước cái cây cỏn con này. Người tiều phu không lý giải được linh cảm lạ trong chàng. Chỉ biết là nghĩ đến việc vung rìu đốn cái cây kia là tim chàng không tránh khỏi đập liên hồi thình thịch. Thế nhưng mấy mươi cặp mắt đang nhìn chàng, xoáy vào chàng với vẻ cậy nhờ tha thiết, làm sao chàng còn đường thoái thác.

Chàng trai vác rìu bước đến bên cái cây, mắt đăm đăm nhìn nó. Thân cây khẳng khiu, không quá láng cũng chẳng quá xù xì. Nói chung cây này chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ phần lá. Lá của nó khá dày và hình thù rất cổ quái, tựa như lát cắt dọc một quả lê mà ai đó ăn dở để lại những vết cắn nham nhở. Chàng tiều phu tiến lên ba bước và bắt đầu cảm thấy trống ngực thúc từng hồi thình thịch. Anh chàng liên tục tự nhủ: “Vớ vẩn, run cái gì, có gì mà phải run chứ?” Phía sau chàng, dân làng dõi trông không chớp mắt. Có vẻ linh cảm đáng sợ đã không dừng lại ở chàng tiều phu, nó lan rộng ra mọi người. Có người kìm hơi thở, có người vò đuôi tóc, có người nắn ngón tay, có người cắn đầu móng... Tất cả chìm trong một bầu không khí căng như dây đàn.

Chàng trai khom người ướm ướm lưỡi rìu ngang thân cây. Bất chợt chàng cảm nhận một luồng khí lạnh buốt chạy dọc sống lưng, miệng chàng cứng đơ và hai mắt trợn trắng. Chàng tiều phu thấy đôi tay mình bỗng dưng như tay ai. Và đôi chân chàng cũng thế, mọi thứ tê rần. Ngay cả cổ chàng cũng không thể quay sang hướng khác. Chỉ còn thần trí chàng là tỉnh táo. Thần trí ấy mách bảo rằng chắc chắn có một thế lực siêu linh nào đó đang khóa chặt toàn thân chàng trong tư thế này, tư thế khom người như hạ nhân vái chào bề trên. Trước mặt chàng, cái cây kỳ lạ kia đứng thẳng sừng sững kiêu hãnh. Vị trí gương mặt chàng hiện giờ hướng thẳng vào thân cây, đôi mắt chàng giương lên nhìn nó. Có âm thanh thì thầm văng vẳng trong thớ vỏ. Chàng tiều phu nghe thấyrất rõ ràng. Âm thanh ấy đến với chàng không phải qua tai mà qua một giác quan nào đó nằm ngoài năm giác quan thông thường. Đó là tiếng khóc ư? Cũng không hẳn. Tiếng cười ư? Chưa chắc. Hay phải chăng đó là tiếng gầm gừ đe dọa? Không rõ. Tất cả đều mơ hồ nhưng có một điều chàng trai biết rõ đó là tiếng người phát ra từ thân cây. Hơn nữa, rất nhiều người.

Phía sau chàng đám đông bắt đầu sốt ruột. Những lời thúc giục lại vang lên: “Nhắm gì mà nhắm lâu thế?” – “Đốn nó đi, anh còn chờ gì nữa?” – “Mau lên đi chàng trai!... Nhưng cũng có vài người nhận thấy sự chẳng lành: “Hay... hay là anh ấy bị làm sao.” – “Ừ, sao đơ ra vậy kìa?” – “Liệu có bị... trúng gió không nhỉ?”...

Tất cả những lời ấy chàng tiều phu đều không nghe thấy gì. Vì tiếng xầm xì văng vẳng kỳ lạ đã choáng ngợp quanh chàng, xoáy vào tâm trí chàng. Như thể có cả một quân đoàn những âm binh đang hợp xướng vào tai chàng bao ca từ ma mị. Tuy vậy thần trí tỉnh táo của chàng tiều phu vẫn luôn nhắc rằng phải chấm dứt chuyện này, phải lấy lại quyền làm chủ cơ thể, phải phá tan lớp băng lạnh vô hình đang đóng cứng quanh chàng, phải thôi ngay dáng đứng đớn hèn như bái lạy cái cây láo xược kia.

Chàng trai nghiến răng, huy động toàn bộ sức mạnh lý trí, vận hành mọi nguồn năng lượng trong cơ thể nhằm lay tỉnh từng khớp xương, từng búi cơ đang mê man vô giác. Cơ thể chàng bắt đầu cựa quậy được. Hông chàng nhích nhẹ, cột sống dần thẳng lên, những ngón chân bấm lún xuống mặt đất, và các ngón tay chàng bấu chặt cán rìu. Chàng trai hét lên một tiếng lớn xé toạc bầu không khí tĩnh lặng trì đọng, vận hết sức bình sinh vung rìu bổ mạnh vào thân cây. Đám đông sau cú giật nảy mình bởi tiếng hét bất ngờ đã được phen vui mừng khi thấy chàng tiều phu thực sự hành động. Có ai ngờ cả nhóm người lẫn chàng trai đều đánh giá quá thấp vị khách không mời kia.

Ngay khi lưỡi rìu được vung lên vị trí cao nhất, chàng tiều phu xám hồn khi bất chợt đôi tay chàng lại mất hết cảm giác. Chàng quyết định lập tức hạ rìu xuống nhưng mọi việc đã quá muộn. Vẫn là cái tê bại ban nãy, nhưng thay vì đơ cứng như vừa rồi thì lần này hai tay chàng trai lại mềm nhũn tựa bún. Các ngón tay chàng chẳng khác nào mười khúc dồi nhũn nhão chẳng thể nào nắm giữ cán rìu. Nguyên cây rìu to nặng bị buông lơi rơi thẳng xuống đỉnh đầu chàng tiều phu. Vài chục cặp mắt kinh hãi đành bất lực chứng kiến chàng trai trẻ thọ nạn. Thần thánh còn không đỡ nỗi pha đột biến trong chớp mắt của sự việc, nói chi đến những con người phàm trần kia. Nhóm người lao tới đỡ lấy chàng trai vừa khuỵu ngã. Chàng tiều phu không còn nhìn thấy gì ngoài một màu đỏ ối. Máu từ trên đầu chảy đầm đìa xuống hốc mắt chàng. Rồi màu đỏ kia cũng dần đen sẫm lại và chàng trai mất dần tri giác. Trong một khoảnh khắc trước khi ngất lịm, chàng còn nghe thấy một tiếng cười ma quái đắc thắng cứ khanh khách văng vẳng bên tai. May cho chàng trai là sống rìu quay xuống nên chỉ là trọng thương, nếu lưỡi rìu quay xuống hẳn đầu chàng đã bị bổ đôi sâu đến gáy.

***

Đêm đã khuya mà mọi người còn thao thức. Không ai ngủ được. Một cảm giác bất an bao trùm lên ngôi làng bé nhỏ. Nhà nhà đèn thắp sáng, người ta muốn bám víu vào ánh lửa hòng chống lại kẻ thù mơ hồ nào đấy mà họ không biết rõ. Thỉnh thoảng có người lại ra cửa nhìn sang những nhà khác để thấy mọi gia đình vẫn thức, để thấy mình có đồng minh, để thấy chút yên tâm khi người người còn sát cánh bên nhau. Cánh cửa nhà chàng tiều phu hé mở, một ông cụ bước ra. Vài người quan tâm chạy tới.

“Sao rồi cụ? Anh ấy ổn chứ ạ?” – Người ta hỏi tới tấp.

“Bị thương nặng lắm, nhưng giờ ổn rồi, lão đã đắp thuốc. Cậu ấy cần nghỉ ngơi.” – Ông cụ chậm rãi đáp.

“Ơn trời, vẫn còn phúc đức lắm.” – Người ta thở phào nhẹ nhõm.

“Sự tình của anh ấy mọi người cũng chứng kiến cả rồi, ma quỷ, hẳn là ma quỷ chứ chẳng chơi.” – Một người tỏ ra tức giận khi nghĩ về việc ban chiều.

“Bây giờ tính sao cụ, vụ... cái cây quỷ quái kia... kìa?” – Một người ấp úng hỏi, nỗi lo lắng ứ nghẹn trong cuống họng.

“Cô hỏi lão thì lão biết hỏi ai? Lão là thầy thuốc chứ nào phải thầy pháp.”

“Cụ là cây đa cây đề của làng này, tụi cháu nghĩ cụ có nhiều vốn sống nên...” – Một người khác nói khéo.

“Lão cũng như các cô các chú thôi,…” – Ông cụ đáp – “…cũng đang rối tung đầu óc lên đây này. Chẳng biết phải làm sao.”

“Thôi mọi người đừng hoang mang nữa!” – Một giọng nói trầm ấm từ xa vọng lại – “Chuyện gì cũng có giải pháp của nó.”

“Ôi, Bồ chính[4]. Bồ chính đến kìa.” – Nhóm người mừng rỡ.

“Bồ chính, ông có cao kiến gì không?” – Ông cụ thầy thuốc bước đến hỏi ngay.

“Tôi cũng có vài ý.” – Bồ chính đáp – “Nhưng để ngày mai mời cả làng đến miếu Thành Hoàng[5], tôi sẽ trình bày xem mọi người có tán thành không. Bây giờ mọi người hãy về nhà, dẫu không ngủ được cũng hãy ráng nghỉ ngơi đôi chút.”

Sáng sớm hôm sau, khi nắng còn chưa đủ sức làm hồng mây, dân làng đã lũ lượt kéo đến miếu Thành Hoàng. Đến đoạn cổng làng ai nấy không tránh khỏi rùng mình ớn lạnh. Người ta lấm lét liếc nhìn cái cây kia theo cách mà những nô lệ liếc nhìn bậc quý tộc. Chỉ sau một đêm thứ quỷ quái ấy đã cao gấp đôi lũy tre làng. Thân cây có lẽ đã vừa một người ôm và nổi gân vằn vện. Rễ cây như xé toạc đoạn đường làng, mở ra những vết nứt rộng chằng chịt tối đen.Không một ai dám bước đến nhìn xuống các vết nứt ấy xem có gì bên dưới.

Dù ban ngày mà miếu Thành Hoàng vẫn đèn đuốc sáng trưng. Bồ chính đứng trên tam cấp giơ hai tay vỗ vỗ ra hiệu cho mọi người chú ý. Rồi ông chậm rãi trình bày:

“Dân làng bình tĩnh nghe lão nói nhé. Mình sống ở đời nên lấy hòa hảo làm đầu. Có an mới có lạc. Cho nên việc gì cũng vậy, giải pháp hòa bình luôn là lựa chọn hàng đầu. Dân làng thấy có đúng không?”

“Đúng ạ.” – “Bồ chính nói rất phải” – “Cháu cũng nghĩ thế”... – Người ta nhất loạt đồng ý. Nhưng rồi một người chợt hỏi như vừa sực tỉnh: “Nhưng điều ấy thì liên quan gì đến chuyện cái cây thưa Bồ chính?”

“Hôm qua dân làng đã tuyên chiến với cái cây ấy.” – Bồ chính đáp – “Hậu quả là một người bị trọng thương. Chúng ta đã làm ngược lại với tinh thần hòa hảo, không may gặp phải cái cây có tính linh nên mới ra cớ sự.”

“Ý Bồ chính là chúng ta nên nhượng bộ cái cây ấy sao?” – Một người lên tiếng.

“Đúng vậy! Xét cho cùng nó chỉ muốn mưu cầu sự sống. Con trâu con bò ta nuôi đôi khi còn nằm ì ra giữa đường, huống hồ gì cây xanh chỉ là loài vô tri vô giác.” – Bồ chính ôn tồn.

“Nhưng nó lớn lên sẽ lấp hết cổng làng, làm sao để như vậy được?” – Một người trung niên hỏi vặn.

“Mình đừng nên hẹp lượng.” – Bồ chính giải thích – “Ta có cả ngôi làng. Cái cây ấy chỉ cần một chỗ đứng. Mình cần gì hơn thua với nó. Khu vực cổng làng đất rộng nhà thưa, thiếu gì khoảng trống.”

“À, ý Bồ chính là chúng ta dời cổng làng né khỏi cái cây ấy?” – Người nọ vừa nói vừa nhìn quanh thăm dò ý đám đông.

“Không sai.” – Bồ chính khẳng định – “Chỉ cần các thanh niên trong làng bỏ ra vài ngày lao động, xây lại cổng làng dời sang bên trái khoảng bốn mươi sải tay người là ổn thôi.”

“Bốn mươi sải tay người! Ôi Bồ chính, ông liệu có còn tỉnh táo?” – Một bà lão thốt lên.

“Tôi hoàn toàn tỉnh táo.” – Bồ chính bình tĩnh đáp – “Bốn mươi sải tay không có gì là quá nhiều. Hãy nhìn tốc độ tăng trưởng của cái cây. Tôi chỉ dự trù kích thước phi thường mà nó có thể đạt đến sau này. Hẳn chúng ta không muốn phải dời cổng làng nhiều lần. Mọi người thấy sao?”

Đám đông xôn xao hồi lâu, nhưng nhìn chung đa số tán thành. Họ đều công nhận đất ở cổng làng quá thênh thang, lâu nay bỏ phí cho lau sậy mọc tràn. Giờ chỉ cần dốc sức phát quang thì họ xây hai ba cái cổng làng cũng đủ chứ nói chi một cái. Đừng nói là bốn mươi sải tay, tám mươi sải tay cũng thừa chỗ. Hơn nữa ai ai cũng khiếp sợ điều đã xảy ra với chàng tiều phu. Nên họ chẳng dại gì liều lĩnh chống lại cái cây kia. Có những người còn lạc quan: “Cái cây mọc khỏe thế, biết đâu sau này cho ta cả đoạn đường rợp bóng mát còn đáng kể hơn lũy tre hiện nay ấy chứ. Tha hồ mà họp chợ!” Thậm chí có người hí hửng: “Đất lành chim đậu, cây kia đầy linh khí, nó đã chọn làng ta để nảy mầm chắc làng này là đất phúc đấy bà con ơi!” Những ý kiến trái chiều tuy thưa thớt nhưng không phải là không có: “Có câu mềm nắn rắn buông, ta nhượng bộ nhỡ nó được nước làm tới thì sao?” Nhưng quan điểm ấy lập tức bị số đông phản bác: “Ôi trời, sao mà anh nói về cái cây như nói về một con người thế?”, rồi thì “Vậy bác đốn nó đi giúp, chúng tôi biết ơn nhiều.”, hoặc là “Hiếu sinh chút đi, nó cũng chỉ muốn sống thôi mà!” Thế là cuối cùng mọi người nhất trí dời cổng làng. Họ không bao giờ ngờ được rằng chỉ ít lâu sau đó, không ai còn có thể nói về cái cây kia bằng câu: “Nó cũng chỉ muốn sống thôi mà!” Câu ấy hoàn toàn sai, nó muốn nhiều hơn thế.

***

Cổng làng mau chóng được xây lại, nhích sang bên trái bốn mươi sải tay người. Cuộc sống bình yên của bá tánh làng Vỹ Phong, và có lẽ là của rất nhiều ngôi làng khác nữa, duy trì thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tai ương dồn dập kéo đến.

Những tai ương này giáng xuống không phải là không có điềm báo trước. Dân làng Vỹ Phong đã sớm nhận được những thông điệp mơ hồ mà rõ ràng. Mơ hồ vì không ai lý giải được chúng, nhưng rõ ràng vì nỗi hoang mang chúng đem lại thì thật sự ngự trị sắc nét trong tâm trí mỗi người dân, đủ để khiến họ mất ăn mất ngủ.

Điều đầu tiên phải kể đến là hình thù cái cây kia. Nó vẫn lớn nhanh như thổi, và vì người ta đã chừa cho nó khá nhiều khoảng trống nên nó tăng trưởng không làm phiền ai. Tuy vậy càng lớn nhìn nó càng đáng sợ. Sẽ chính xác hơn nếu gọi nó là “đại thụ” thay vì “cái cây” như trước đó. Nó to lớn hơn bất kỳ gốc đa cội đề nào. Một người phải mất trên dưới trăm bước để đi giáp một vòng quanh thân cây. Không hề ngoa khi ví đại thụ này như một công trình điêu khắc cổ quái trồi lên từ địa ngục.Thân cây đồ sộ không phải một khối liền lạc, nó như được bó lại từ muôn vàn con trăn khổng lồ. Những khúc cuộn to khỏe cứ quấn quít lấy nhau theo một nhịp điệu kỳ dị. Bất cứ ai nhìn thấy thân cây này đều liên tưởng ngay đến bộ ruột lòng thòng của một con quái thú bị mổ bụng. Điều khiến người ta lạnh sống lưng là lớp vỏ cây đằng sau những khúc cuộn. Lớp vỏ cây này xù xì hằn rõ nhiều đường gân nổi cộm như họa tiết phù điêu, một bức phù điêu chạm trổnhững hình nhân trần truồng kêu gào đau đớn trong tiếng rú câm lặng.

Không ai ngờ được trên đời lại có thể xuất hiện một lớp vỏ cây hiện rõ bao hình nhân như vậy. Hơn nữa lại là những hình nhân cong vẹoghê rợn với bộ mặt chằn chịt nếp nhăn như xác khô ngàn năm trong hầm mộ. Những bộ mặt ấy có cặp mắt hõm sâu nhắm nghiền như trẻ sơ sinh chưa biết hé mi, nhưng lại hằn sâu vẻcằn cỗi già nua của cụ già xa trời gần đất. Lũ hình nhân mỗi đứa một tư thế, há hốc khoang miệng móm mém và oằn mình khít rịt sau những khúc cuộn thân cây, như thể các tội đồ chen chúc nhau dưới hố chôn tập thể. Dân làng qua lại đoạn đường này luôn sải bước thật nhanh, họ kinh sợ đến mức luôn bị ám ảnh rằng những hình nhân bất động và câm lặng kia có thể đột nhiên chui qua các khúc cuộn để nhảy bổ vào người họ bất cứ lúc nào. Càng lên cao mớ khúc cuộn chằn chịt trên thân cây càng thưa dần. Và lớp vỏ xù xì với vô vàn hình nhân kỳ dị

nhờ đó càng lộ ra rõ nét. Lên đến độ mười trượng thì không còn khúc cuộn nào, lớp vỏ cây được phơi bày hoàn toàn. Những người thận trọng khi đi ngang đều không ngừng ngước mắt quan sát trên cao vì lo sợ các hình nhân có thể bất ngờ buông mình đáp xuống đầu họ.

Đại thụ này có một chiều cao ấn tượng. Nó cao đến nỗi thị lực một con diều hâu cũng không thể nhìn thấy mặt đất khi đậu tại ngọn cây. Vì đặc điểm khác thường mọi mặt như vậy nên đại thụ này bị người ta gọi là thứ dị mộc. Nhìn từ dưới lên dị mộc này như một trụ đá chống trời, vút cao đâm thẳng vào mây xanh. Rồi từ mây xanh nó lại buông xuống những búi rễ dài rậm rạp quăn tít xen lẫn từng chùm quả dị hợm, quả nào quả nấy đỏ ối đậm nhạt loang lổ. Trên nền đỏ ối ấy là những phần lõm đen khoét sâu, tựa hồ khoang miệng, hốc mắt hay hố mũi của những chiếc sọ người lột da bê bết máu. Mặc dù dân làng đã cố gắng làm chủ ánh mắt của mình sao cho không nhìn vào những chùm quả ấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài người tò mò liếc thử để rồi ba ngày ba đêm không ăn được một chén cơm nào vì bị ám ảnh bởi hình ảnh tởm lợm kia.

Hình hài đã vậy, thán khí[6] của đại thụ ấy càng ghê gớm hơn. Không phải khi nào cây này cũng hôi thối, nhưng một khi nó đã bốc mùi thì con ruồi bay ngang cũng phải sùi bọt mép rồi rớt ngay xuống đất. May thay thời gian “tỏa hương” của dị mộc này là nửa đêm gần sáng nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bá tánh. Riêng những nhà sống gần cổng làng thì phải che chắn cửa nẻo kín đáo cẩn thận mỗi đêm nhằm ngăn chặn thán khí bay vào. Người ta đoán rằng đấy là mùi hoa của nó. Có rất nhiều loài cây chỉ nở hoa phong nhụy vào ban đêm, như dạ lý hương hay thiên lý chẳng hạn. Dị mộc này có lẽ cũng vậy, khổ nỗi mùi hoa của nó là thứ thán khí độc địa nhất đẳng, hôi thối vô song. Vào lần đầu tiên nó nở hoa, vài chục bá tánh suýt chết ngạt vì chưa hề biết trước để phòng bị. Người ta kể lại rằng đêm ấy dân làng đang say giấc, tự dưng cảm thấy lồng ngực nặng trĩu, khó thở đến mức phải choàng thức. Mắt chưa mở hẳn thì mũi họ đã như bị khoan xoáy vào bởi một luồng khí hôi thối cực độ. Tựa hồ có hàng trăm chiếc xe chở đầy ruột trâu lòng bò trương sình diễu hành qua ngõ. Không ai biết hoa của dị mộc này tròn méo ra sao vì chúng luôn nằm khuất trong làn mây. Sáng ra người ta thường thấy đám mây xung quanh ngọn cây ố vàng như vùng vải dưới nách của tấm áo quanh năm lười giặt. Rõ ràng thán khí đại thụ này tiết ra là loại cặn bã hàng đầu trong danh mục những thứ ô uế nhất. Và kể từ khi biết ra hoa, dị mộc ấy bắt đầu thực sự gây phiền nhiễu cho đời sống của bá tánh làng Vỹ Phong. Tuy nhiên người ta vẫn còn có thể xoay sở để chung sống hòa bình với nó.

Cuộc chung sống hòa bình ấy kết thúc khi một thợ săn phát hiện có gì chuyển động dưới lớp đất quanh gốc đại thụ.

“Bà con ơi, mọi người có cảm thấy gì không? Dưới đất đây này!” – Người thợ săn kêu to.

Dân chúng quanh đấy nghe kêu liền kéo đến, xôn xao hỏi: “Có chuyện gì vậy?” – “Anh ấy nói dưới đất có gì ấy.” – “Tôi có cảm thấy gì đâu!” – “Bình thường mà, đây này chỗ tôi đứng này, hoàn toàn bình thường.” – “Xem nào, chỗ tôi đứng cũng vậy, không có gì.”

“Bà con yên lặng giùm!” – Người thợ săn giơ hai tay làm hiệu – “Mọi người huyên náo thế sao nghe được gì. Bây giờ mọi người tập trung cảm nhận xem tôi nói đúng không.”

Thế là đám đông im lặng, có người còn nhắm nghiền đôi mắt, có người nghiêng cả đầu để hướng vành tai về phía mặt đất. Nhóm người tập trung hồi lâu, không ai nói gì. Sau một lúc có người hết kiên nhẫn liền lên tiếng:

“Thôi đủ rồi, anh tưởng tượng giỏi quá đấy, chẳng nghe thấy gì cả.”

“Đúng vậy, có gì đâu!” – “Ừ, làm gì có.” – Đám đông lập tức huyên náo trở lại.

“Thôi thôi, chúng ta đi thôi. Tự dưng lại đứng đây lâu như vậy, thích ngắm lũ hình nhân kia lắm sao, chúng nhảy ra thì miễn có chạy kịp đấy.” – Một người nóng lòng muốn giải tán.

Người thợ săn thấy không ai tin mình đành lầm lũi quay đi. Nhưng vừa bước được ba bước người này lại giật nảy mình, kêu lên: “Ối, nó lại thế, dưới đất, lại là cái sự động đậy ấy.” – Nhóm người vừa tản ra lập tức quay đầu nhìn lại khi nghe tiếng kêu.

“Chắc phải mời thầy lang khám bệnh cho anh ấy. Hoang tưởng nặng rồi!” – Một phụ nữ tỏ vẻ thương hại người thợ săn.

“Không, tôi không bệnh. Rõ ràng dưới đất có gì đó. Mọi người đừng tìm kiếm kiểu dao động nhô lên hụp xuống, không phải vậy đâu.” – Người thợ săn cau mày phân trần.

“Chứ anh nói kiểu dao động gì?” – Một cụ già hỏi.

“Là sự cọ sát, hình như có gì đó trườn ngang dưới lòng đất, mài thân vào lớp đất đá nên tạo tiếng lạo xạo của sự cọ sát. Mọi người để ý kỹ mà xem.” – Người thợ săn mô tả.

Đám đông lại tập trung nghe ngóng. Nhưng lần này họ không thể chế giễu người thợ săn nữa. Tất cả đều cảm nhận được chuyển động ấy. Nó quá nhẹ nhàng và quá lặng lẽ, có thể người thợ săn kia có giác quan đặc biệt nhạy cảm nên phát hiện trước nhất. Kể từ thời khắc đó, dân chúng qua lại cổng làng không chỉ lo sợ những hình nhân nhảy ra hay đáp xuống, hoặc các chùm quả man di kinh rợn. Giờ đây họ còn ái ngại thứ gì đó có thể bất ngờ trồi lên từ lòng đất. Và với chừng ấy nỗi ám ảnh thì còn đâu một cuộc sống an lạc.

Chỉ một ngày sau khi người ta phát hiện tiếng sột soạt kỳ lạ dưới mặt đất quanh gốc cây, lũy tre làng gần đó không biết vì lý do gì ngã nhào như thể vừa lãnh một cú đấm thôi sơn. Dân chúng chưa hết bàng hoàng về tình cảnh của lũy tre thì chỉ nửa ngày kế tiếp, cây đa ngàn tuổi bên bờ giếng làng cũng đổ rạp xuống. Đến buổi tối cùng ngày sân miếu Thành Hoàng xuất hiện một tiếng động vang dội. Khi người ta kéo đến thì thấy cội bồ đề cổ thụ trước miếu đã tróc gốc. Sáng hôm sau, cây si bao năm xanh mướt cũng bật ngã đè nát cả lò nấu rượu gần đấy. Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc cây gạo đỏ rực ven ruộng lúa cùng cây dầu to khỏe bên kia cổng làng không hẹn mà cùng nhau đổ sấp. Dân chúng chưa kịp họp mặt bàn cách đối phó hiện tượng kỳ lạ này thì chiều hôm ấy hàng cau thẳng tắp ven ao cá cùng tổng cộng bảy cây cổ thụ còn lại trong làng Vỹ Phong và năm cây cổ thụ khác thuộc làng Phúc Nghiệp lân cận đồng loạt chịu chung số phận. Vì phạm vi địa lý của sự việc quá rộng lớn nên trong cuộc họp của hai làng Vỹ Phong cùng Phúc Nghiệp đêm ấy không ai nghi ngờ thứ dị mộc kia. Bởi lẽ giang sơn của nó cũng chỉ vỏn vẹn có mẩu đất nơi cổng làng. Cho đến khi có người thợ săn đề cập một chi tiết trùng hợp kỳ lạ:

“Bà con hai làng có để ý điều gì không?” – Người thợ săn ấy hỏi – “Tất cả cây đổ đều hướng ngọn về phía cổng làng Vỹ Phong.”

“Tôi đã thấy cách mà lũy tre và cây bồ đề trong sân miếu Thành Hoàng bị đổ, quả đúng như anh nói” – Một người khác lên tiếng – “Nhưng các trường hợp cây đổ còn lại thì tôi không rõ.”

“Với hàng cau và cây gạo thì cũng đúng như vậy, ngọn cây ngã thẳng về phía cổng làng” – Một phụ nữ khẳng định.

“Cây si gần nhà tôi cũng vậy. Tôi đã thấy rõ, đúng là đổ về phía cổng làng.” – Chàng tiều phu góp lời.

“Nhà tôi ở gần bờ giếng, cây đa quả là cũng đổ về phía cổng làng.” – Chị hàng tơ cũng đồng ý.

“Cây dầu và năm đại thụ khác trong làng chúng tôi đúng là cũng ngã về phía cổng làng Vỹ Phong của các vị.” – Các đại diện của làng Phúc Nghiệp khẳng định.

“Thông tin của các vị đều không sai.” – Người thợ săn lên tiếng – “Tôi dám đặt vấn đề này ra vì nguyên ngày nay tôi đã đi khảo sát tất cả vị trí có cây đổ. Trăm lần như một, cây đổ đều hướng ngọn về phía cổng làng Vỹ Phong.”

“Chi tiết này nói lên điều gì?” – Bồ chính làng Vỹ Phong hỏi.

“Nghĩa là các luồng lực xô đổ những cây này đều đồng quy về cổng làng của các vị.” – Bồ chính làng Phúc Nghiệp nhận xét.

“Vậy phải chăng mục tiêu tấn công của các luồng lực ấy là thứ dị mộc mọc tại cổng làng?” – Ông cụ thầy thuốc hỏi lại.

“Có thể lắm, có thể lắm chứ. Có lẽ thần linh muốn tru diệt thứ quái gở đó. Các cây bị đổ chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ trên đường di chuyển của các luồng lực này.” – Bồ chính làng Vỹ Phong đáp.

“Vậy thì vì sao dị mộc ấyvẫn đứng sừng sững kia kìa, không rụng đi dù chỉ một cái lá?” – Chị hàng nước thắc mắc.

“Về điểm này quả là khó lý giải. Khó lý giải thật!” – Chàng tiều phu nhận xét.

“Có lẽ nó quá mạnh, nó là đại thụ có tính linh mà, chúng ta đều biết.” – Một ông lão nói – “Nó không như những cây xanh thông thường kia, các luồng lực hẳn đã thất bại.”

“Trong một trận chiến dù thắng dù bại thì đôi bên khó tránh khỏi những thương tổn.” – Người thợ săn lên tiếng – “Theo cái cách mà những đại thụ của hai làng bị bật gốc thì rõ ràng lực tác động không hề tầm thường. Nếu tất cả những luồng lực mạnh như ngăn sông dốc biển liên tiếp hội tụ về thì dị mộc kia dù vững vàng cách mấy cũng khó tránh một phen điêu đứng. Lẽ nào một cái lá cũng không rụng.”

“Anh ấy nói đúng lắm.” – Chàng tiều phu tán thành.

“Vậy là chúng ta lý giải vấn đề lạc hướng rồi sao?” – Một bà cụ lo lắng.

“Vâng ạ, cháu nghĩ vậy.” – Người thợ săn đáp. Rồi bất chợt chàng rút ra một lưỡi dao dài, vận lực cắm phập mũi dao xuyên qua chiếc bàn gỗ, trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

“Anh... anh... làm gì thế?” – Một phụ nữ hỏi, giọng run run.

“Tôi muốn mời mọi người đoán thử.” – Người thợ săn nói dõng dạc – “Nếu bây giờ tôi đẩy mũi dao ra xa tôi, thì chuôi dao sẽ nghiêng về phía nào?”

Ai ai đều thấy rõ, con dao cắm xuyên qua mặt bàn. Phần giữa con dao bị mặt bàn giữ chặt. Mặt bàn này chỉ dày độ một phân, nên dù toàn bộ chuôi dao nằm lại bên trên nhưng toàn bộ lưỡi dao đã thòi xuống bên dưới. Trẻ con cũng đoán được nếu đẩy mũi dao bên dưới nghiêng ra xa thì chuôi dao bên trên sẽ nghiêng vào gần. Tựa như hai đĩa cân của một cán cân, đĩa này hạ xuống thì đĩa kia hẳn phải nâng lên. Câu đố của người thợ săn quá dễ trả lời.

Nhưng dân làng không ai trả lời.Chẳng phải vì họ ngốc nghếch đến mức không đáp được, mà vì môi miệng họ đã cứng đờ vì câu trả lời vừa xuất hiện trong đầu khiến họ lạnh toát toàn thân. Người thợ săn đảo mắt nhìn quanh, chàng đọc được nỗi sợ hãi trong mắt người dân hai làng, đoạn chàng chậm rãi nói:

“Dị mộc kia không hề hấn gì vì nó không phải mục tiêu của các luồng lực, mà nó là nguồn gốc.” – Người thợ săn đi thẳng vào vấn đề – “Những thân cây đổ đều không có thương tích, nếu chịu lực tác động hẳn phải có vết dập nát. Trong khi đó rễ cây lại nát nhừ. Điều này cho thấy những luồng lực xô đổ các cổ thụ không nằm trên mặt đất. Cũng như chuôi dao nghiêng đi không phải vì một cú đẩy trên mặt bàn, nó nghiêng đi vì cú đẩy dưới mặt bàn.”

“Ý anh... ý anh là...” – Đám đông ấp úng run rẩy.

“Không sai.” – Người thợ săn đáp một cách cực kỳ nghiêm túc –“Rễ của các cổ thụ đâm sâu xuống mặt đất, như lưỡi dao lún ngập xuống mặt bàn. Có gì đó đã tung những cú đánh cực mạnh vào các bộ rễ này. Và vì mọi cổ thụ đều đổ ngọn về phía cổng làng, nên hẳn mọi cú đánh đều phát ra từ phía cổng làng.”

Người thợ săn nói đến đây, dân chúng hai làng thinh lặng nhìn nhau, mặt mày tái mét. Họ đã mơ hồ nhìn ra vấn đề, một vấn đề nghiêm trọng ngàn lần hơn mức họ có thể dự trù. Người nào người nấy lo lắng đến quên cả nuốt nước bọt, không hẹn mà cùng nhau tháo mồ hôi lạnh. Bầu không khí yên ắng kéo dài hồi lâu, cho đến khi một chàng trai run run hỏi khẽ.

“Nhưng... nhưng các cổ thụ bị đổ nằm khá xa nhau, phạm vi có cây đổ phủ rộng trên cả hai làng, trong khi dị mộc kia chỉ đứng một chỗ. Lẽ nào khả dĩ...”

“Tôi và vài người nữa đã nghe được những tiếng sột soạt kỳ lạ dưới mặt đất quanh gốc dị mộc.” – Người thợ săn trả lời – “Và vì phạm vi có cây đổ là rất rộng lớn, nên ta có thể đoán rằng thế giới ngầm của dị mộc kia còn ghê gớm hơn bội lần so với những phần chúng ta thấy trên mặt đất.”

“Vậy bây giờ ta phải làm sao?” – Chàng tiều phu hỏi.

“Phải chiến đấu hoặc để nó thôn tính toàn vùng này.” – Người thợ săn đáp.

Chị hàng nước nói: “Có đến nỗi như vậy không? Chỉ là vài cây đổ...”

“Không thể nói như vậy được.” – Người thợ săn lập tức cướp lời – “Cách đây ít lâu chúng ta cũng đã chủ quan nói rằng nó chỉ muốn sống mà thôi. Giờ đây thì thế nào, và sau này sẽ thế nào, liệu chuyện này sẽ còn đi đến đâu?”

Toàn miếu Thành Hoàng mọi người im lặng nhìn nhau, ắt hẳn ai ai cũng đều hiểu rằng khoanh tay đứng nhìn không phải cách tốt. Nhưng cách thức chiến đấu sao cho thắng lợi vẫn như vầng trăng đêm mưa, chẳng thể nào trông thấy được. Người thợ săn lại tiếp:

“Phải đốn đổ nó, trước khi nó đốn đổ chúng ta. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ chờ ngay tại miếu này. Thanh niên trai tráng hai làng Vỹ Phong và Phúc Nghiệp ai muốn cùng tôi thảo phạt dị mộc xin cứ đến đây. Khi bóng lá cờ trước miếu che đúng vào miệng giếng, dù đã tập hợp được bao nhiêu chàng trai, chúng tôi cũng sẽ rời miếu tiến thẳng đến cổng làng.”

***

Như đã định, sáng hôm sau người thợ săn đến đợi từ sớm tại miếu Thành Hoàng, trên tay chàng lăm lăm một lưỡi giáo dài và cây rìu to. Khi bóng lá cờ treo trên chiếc cột trước miếu Thành Hoàng dịch chuyển đến miệng giếng, đã có hai mươi lăm tráng sĩ làng Vỹ Phong và hai mươi bốn tráng sĩ làng Phúc Nghiệp đến hưởng ứng. Tính cả người thợ săn thủ lĩnh thì đoàn người có tròn năm mươi thành viên. Năm mươi tráng sĩ căng tràn sức trai, hừng hực dũng khí, lăm lăm rìu rựa tiến thẳng đến cổng làng Vỹ Phong. Họ đã lựa chọn tự mình chiến đấu thay vì cầu việnhoàng triều. Sự lựa chọn ấy là đúng hay sai? Chỉ có kết quả trận chiến mới cho ta câu trả lời chính xác.

HẾT HỒI 1

[1] Quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, hàm ý nói đến ngôi sao đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú.

[2] Ngày nay là sông Hồng.

[3] Một bộ tương đương một quận ngày nay.

[4] Người đứng đầu một làng thời công xã nguyên thủy, tương đương già làng.

[5] Ông tổ sáng lập nên một ngôi làng.

[6] Hơi độc

Toàn bộ dân chúng quanh cổng làng được khuyên tạm lánh đến nơi an toàn. Vì vậy trong vòng tám mẫu[1] đất quanh cổng làng chỉ còn lại năm mươi tráng sĩ và một cây cổ thụ, chính là dị mộc kia. Sau một tiếng hô vang như sấm của người thủ lĩnh, toàn bộ nhóm trai làng nhất loạt vung rìu lao tới gốc cây. Khi còn cách gốc cây chừng hai quang gánh, các chàng trai bỗng cảm nhận một áp lực khủng khiếp phà vào mặt. Họ thấy như có bức vách vô hình vững chãi ngăn cản họ chạm đến gốc cây. Hơn thế nữa, bức vách này có xu hướng đẩy họ lùi ngược lại. Không chịu khuất phục, nhóm tráng sĩ vận hết sức bình sinh, chỉa thẳng rìu rựa về phía trước, bấu chặt bàn chân xuống mặt đất dần dần bước tới hòng chọc thủng vách ngăn vô hình kia. Năm mươi chàng trai sát cánh bên nhau, tay phải cầm chắc vũ khí, tay trái choàng chặt vào vai người bên cạnh, tạo nên thế liên hoàn như chiếc thòng lọng dần thắt lấy gốc cây. Họ cứ thế vận lực tiến tới, một bước, hai bước, rồi ba bước. Khi nhóm người chớm mừng vì bức vách vô hình dường như đang bị khuất phục, thì không gian bỗng dưng sầm tối và bầu trời vần vũ dữ dội. Từ trong đám mây trên cao vọng xuống tiếng sột soạt khó hiểu. Và rồi bộp bộp bộp, các xác chim, xác dơi,con to con nhỏ liên tục rơi xuống mặt đất, miệng chúng sùi bọt trắng. Người thủ lĩnh hô to:

“Dị mộc tung thán khí, mau hành động theo kế hoạch!”

Lập tức các chàng trai kéo ngay lớp khăn vấn trên đầu xuống che kín mũi miệng, chỉ chừa lại đôi mắt để quan sát. Cần biết người thủ lĩnh là tay săn lão luyện có nhiều năm kinh nghiệm. Chàng đã từng đối mặt với muôn vàn chim quý thú lạ ở chốn rừng thiêng nước độc. Trong số ấy có loài chồn Trúc Đào. Loài chồn này được đặt tên theo cây trúc đào, một loài cây có hoa mỹ miều và quả hấp dẫn, thế nhưng lại cực độc. Hầu như bộ phận nào của cây trúc đào cũng có độc. Người ăn phải quả của cây này thì xem như đã đi hai phần ba đoạn đường xuống âm ty. Ngay cả khi lấy thân cây này làm củi đốt thì khói tỏa ra cũng sẽ khiến người ta tắt tiếng và khó thở. Chồn Trúc Đào thường tự vệ bằng một thứ mùi hôi có tác dụng tương tự khói từ củi trúc đào. Vì thế nó được đặt tên theo loài cây này. Khi kẻ thù đối mặt với cơn khó thở là lúc để con chồn thoát thân. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Người thợ săn là con cháu của một gia đình có truyền thống săn bắn. Một kho kinh nghiệm gia truyền giúp ông thừa sức đối phó chồn Trúc Đào. Người thợ săn chỉ cần thoa tinh dầu cây Tuyết Liên phương Nam lên tấm khăn che mũi là hóa giải được khí độc của chồn Trúc Đào, hay bất thứ khí độc nào khác. Nguyên ủy của hiệu ứng này là do đặc tính kỳ diệu của tinh dầu Tuyết Liên phương Nam. Tuyết Liên vốn dĩ chỉ mọc trên các đỉnh núi phương Bắc quanh năm tuyết phủ. Hạt giống của loài cây này có thể bay theo gió phát tán đến những vùng đất xa xôi. Tuy nhiên nếu đáp xuống những nơi khí hậu nóng ấm thì hầu như Tuyết Liên không thể nảy mầm. Vậy nhưng trong vũ trụ bao la chẳng quy luật nào là không có ngoại lệ. Một số hạt Tuyết Liên ít ỏi nhờ những đột biến trong vật chất di truyền mà nảy mầm và sinh trưởng được trên vùng đất phương Nam ấm áp, từ đó tạo nên giống Tuyết Liên phương Nam mầu nhiệm. Sự mầu nhiệm thể hiện ở tính chất đặc biệt trong tinh dầu ép ra từ loài hoa này mà Tuyết Liên nguyên thủy phương Bắc không bao giờ có được: Tính khử độc. Tinh dầu Tuyết Liên phương Nam là thứ chất lỏng có thể vô hiệu hóa bất kỳ độc tố nào khuếch tán trong nó. Hơi độc chồn Trúc Đào đi qua tấm khăn bịt mặt có thoa tinh dầu tuyết liên phương Nam sẽ bị hóa giải hoàn toàn, vì đó mất đi độc tính.

Hoa của dị mộc nở trong những đám mây, thán khí tung ra trên cao khiến lũ chim chóc bay ngang lập tức ngộ độc chết rơi lả tả. Dấu hiệu này giúp năm mươi tráng sĩ kịp thời hành động. Họ nhanh chóng che mặt bằng khăn tẩm tinh dầu Tuyết Liên phương Nam trước khi thán khí dị mộc lan tỏa xuống mặt đất. Quyền năng Tuyết Liên phương Nam mầu nhiệm đến mức dù thán khí dị mộc đã nhuộm vàng cả một vùng trời mây nhưng các chàng trai vẫn thản nhiên khép chặt vòng vây quanh gốc cây. Đột nhiên họ nghe từ thân cây phát ra tiếng gì đó răng rắc, như thể có ai đó dùng dao lóc đi từng lớp vỏ cây. Các tráng sĩ căng mắt quan sát gốc cây, họ tin chắc dị mộc này đang tung ra chiêu tiếp theo của nó. Nhưng nếu quả thật tiếng răng rắc kia là âm thanh của vỏ cây bị lóc đi, lẽ nào thứ quỷ quái này lại tự lột da chính mình?

Thắc mắc này lập tức được làm sáng tỏ. Trong làn sương mờ ảo, các chàng trai trông thấy những dáng người siêu vẹo bước ra từ phía thân cây. Chúng mỗi lúc một tiến gần và diện mạo dần lộ rõ. Nhóm tráng sĩ trố mắt nhìn thứ sinh vật đang tiến lại phía họ. Bộ mặt chúng nhăn nheo, khoang miệng móm xọm ngoác ra, quai hàm cong vênh và hốc mắt lõm sâu nhắm nghiền. Người thợ săn thủ lĩnh hô to:

“Hình nhân bong ra từ vỏ cây, vững tay rìu mà chiến đấu anh em ơiiiiii!”

Thế là năm mươi chàng trai nhất loạt hô to một tiếng, vung rìu chém túi bụi vào đám hình nhân đang tiếp cận. Kỳ lạ một điều, lũ hình nhân bước đi siêu vẹo, chân nam đá chân chiêu như kẻ say rượu, vậy mà ứng biến nhanh nhẹn cực kỳ. Ai cũng biết các khớp xương conngười đều có giới hạn của chúng. Ai ngoan cố vượt qua những giới hạn ấy sẽ chuốc lấy chấn thương. Thế nhưng các hình nhân này dường như không bị ràng buộc bởi một giới hạn nào. Chúng có thể xoay vai, lắc hông, khom mình... theo những tư thế vạn phần quái dị. Người thường nếu làm thế hẳn phải đứt gân lìa khớp. Vì đó các tráng sĩ chiến đấu vô cùng vất vả vẫn không hạ được lũ âm binh này. Họ chém ngang thì chúng né dọc, họ bổ dọc thì chúng lách ngang, họ vạt xiên thì chúng tránh xéo. Nói chung không đòn nào khiến chúng thọ thương. Tình cảnh các chàng trai thì hoàn toàn ngược lại, nhiều người đã trầy da rách thịt. Lũ hình nhân không chỉ thủ mà còn công. Mỗi bàn tay chúng có năm ngón dài như năm cành cây vót nhọn, vô cùng sắc bén. Những cú vả của chúng tung ra có thể hủy hoại diện mạo đối phương, khiến nạn nhân chịu một lúc năm vết cứa dài. Nhóm tráng sĩ hầu hết là những tay săn thiện nghệ. Họ không ít phen phải đương đầu với sói hung hổ dữ trong rừng sâu nên phòng vệ kín như bưng, hình nhân khó mà sát thương được họ. Tuy nhiên cũng có những chàng chỉ là nông phu hoặc thợ thủ công. Ngoài sức trẻ ra họ không còn ưu thế gì. Những thành viên này nhanh chóng lãnh chịu những đòn tấn công hiểm độc của đối thủ. Người thủ lĩnh thấy rõ điều đó, chàng lập tức ra lệnh:

“Các tay săn, lập tức hỗ trợ những người bị thương!”

Nhóm tráng sĩ mau chóng thay đổi đội hình, mỗi người nông phu hoặc thợ thủ công được kèm bởi hai tay săn. Họ đâu lưng tạo thế tam diện vừa công vừa thủ, nhờ vậy người ta không thọ thương thêm mà còn lác đác chém gục được vài hình nhân. Hai phe giằng co với nhau hồi lâu không phân thắng bại. Sức người có hạn, dù dẻo dai cường tráng đến đâu cũng phải đến khi thấm mệt. Trong khi bọn quái vật kia đã nằm ngoài quy luật của tự nhiên, chúng càng đánh càng điên cuồng hăng máu. Người thủ lĩnh thấy cứ tiếp tục thế này không phải cách tốt, tay chàng không ngừng vung rìu nhưng não chàng bắt đầu suy nghĩ. Hẳn phải có cách gì đó trị được lũ hình nhân này. Mắt chàng sáng lên khi nhìn thấy chiếc đó trên ao. Người thủ lĩnh lao nhanh đến bờ ao và không quên vỗ vai một tráng sĩ nói:

“Chú em tách nhóm chạy về miếu Thành Hoàng lấy cây đuốc và chum dầu thắp đèn lại đây ngay nhe.”

Trong chớp mắt người thủ lĩnh đã tháo được tấm lưới to trên chiếc đó ở bờ ao. Chàng chạy như bay về nơi đôi bên đang giao đấu và phát lệnh: “Tất cả nghe đây, mau chóng dàn hàng ngang, chúng ta phải dùng tấm lưới này tóm gọn bọn chúng.” Chưa đầy một khắc[2], toàn bộ bốn mươi tám chàng trai dàn thành hàng ngang, lưỡi rìu không ngừng khua vù vù như cánh ong trước mặt. Đội hình thay đổi khiến lũ hình nhân thoáng khựng lại vì ngạc nhiên. Trong một thoáng quý báu đó, tấm lưới đã nhanh chóng được truyền dọc theo hàng ngũ các tráng sĩ. Người thủ lĩnh lại phát lệnh, giọng chàng vang như sấm:

“Hàng ngang lập tức uốn thành hình cánh cung, vây lũ quái vật lại!”

Các chàng trai răm rắp tiến bước, tay trái nắm chặt mép lưới, tay phải không ngừng khua rìu khiến lũ hình nhân không cách gì chạm đến họ. Lũ hình nhân cứ gầm gừ tức giận, xồ tới xồ lui nhưng không thể tiếp cận các chàng trai. Đội hình cánh cung nhanh chóng hình thành, vây lấy lũ hình nhân. Phía sau là gốc cây to và một vách đất cao, phía trước là các tráng sĩ đang hừng hực khí thế, đám quái vật vì thế không lách được đi đâu. Khi chúng còn đang ngơ ngác thì một mệnh lệnh tiếp theo được phát ra chắc nịch:

“Một, hai, ba, quăng lưới!”

Bốn mươi tám cánh tay phải thu rìu, bốn mươi tám cánh tay trái vung ra, tấm lưới to lập tức được tung lên. Lũ hình nhân còn chưa hiểu chuyện gì thì tấm lưới đã trùm xuống đầu chúng. Nhanh như chớp, nhóm tráng sĩ tách ra làm đôi. Một nửa giữ chặt mép lưới bên này, một nửa bắt ngay lấy mép lưới bên kia. Đôi bên đồng loạt ghì mạnh hai mép lưới xuống mặt đất. Lũ hình nhân bị tấm lưới ràng mạnh, khuỵu gối quỳ cả xuống. Thừa thắng xông lên, các tráng sĩ kéo lê mép lưới bên kia về phía mép lưới bên này. Lũ hình nhân bị động tác ấy giật cho ngã chúi mũi. Hai mép lưới khép vào nhau tóm gọn lũ quái vật như ngư nhân thu hoạch một mẻ cá. Vừa khi ấy, chàng trai nhận lệnh chạy về miếu Thành Hoàng đã quay lại, kịp thời mang đến một bó đuốc lớn có ngọn lửa cháy phừng phừng và một chum dầu thắp đèn to tròn. Người thủ lĩnh đón lấy chum dầu hắt ngay lên lũ hình nhân đang nhung nhúc ngọ nguậy trong tấm lưới. Ngay sau đó là ngọn đuốc to đáp xuống đầu chúng. Nhóm tráng sĩ nghe phừng một tiếng lớn và cảm nhận luồng khí nóng rát phà ra. Lũ hình nhân quằn quại trong biển lửa. Tiếng gỗ cháy đượm nổ tanh tách. Nhóm tráng sĩ phải lùi lại để tránh những đốm lửa văng ra khi đám quái vật giãy giụa đau đớn. Lũ hình nhân mau chóng hóa thành những tác phẩm điêu khắc kinh dị được tạo nên từ than hồng. Chỉ một lúc sau chúng không còn cựa quậy, ngọn lửa cháy dịu dàng báo hiệu chúng đã chết hẳn. Thừa thắng xông lên, các tráng sĩ người thì dùng rìu, người thì dùng giáo hất văng những xác hình nhân đang cháy vào gốc dị mộc. Người thủ lĩnh ném chiếc chum dầu vào gốc cây. Chiếc chum vỡ tan và phần dầu còn lại bắn tung tóe. Dầu này bắt lửa từ các xác hình nhân bùng lên phừng phừng. Trong chớp mắt gốc dị mộc chìm trong khói lửa.

Nhóm tráng sĩ ôm chầm lấy nhau mừng rỡ, khúc khải hoàn dường như đã ngân nga bên tai. Riêng người thủ lĩnh chưa vội nói cười, chàng vẫn chăm chú quan sát gốc cây. Chàng muốn đợi đến khi dị mộc kia chỉ còn là khúc củi khô rồi vui mừng cũng chưa muộn. Bất chợt chàng nghe có tiếng gì lép nhép phát ra từ gốc cây. Giống như tiếng chân người bước đi trên đường đất trong ngày mưa lầy lội. Các tráng sĩ cũng nghe thấy âm thanh này sau chàng không lâu. Tiếng cười nói dần dần biến mất. Có một linh cảm bao trùm rằng chuyện này chưa kết thúc tại đây. Linh cảm ấy càng rõ ràng hơn khi lửa đỏ quanh gốc cây cứ yếu dần, yếu dần. Từ một đám cháy mãnh liệt hóa thành ngọn lửa tầm thường, rồi từ ngọn lửa tầm thường hóa thành ngọn đèn leo lét. Và cuối cùng chỉ còn lại khói. Khi làn khói dần tan, các chàng trai thấy rõ quanh gốc gây nhầy nhụa một chất nhớt xanh nhờn. Hẳn chính thứ nhớt này chảy ra đã tạo nên âm nhanh lép nhép ban nãy và dập tắt ngọn lửa. Các tráng sĩ ngơ ngác nhìn nhau, chưa biết sự tình lành dữ ra sao. Rồi hết thảy họ quay đầu nhìn về người thủ lĩnh. Người thủ lĩnh không để ý điều đó, mặt chàng đăm chiêu, đôi chân mày chau lại và ánh mắt nhìn chăm chăm vào dị mộc. Các chàng trai đều có thể đoán được trong não người thủ lĩnh của họ đang có muôn vàn luồng suy nghĩ nhằm tìm ra lời giải cho nhiệm vụ gian nan này. Đột nhiên chàng hét to:

“Các chàng trai! Cẩn thận trên cao!”

Mọi người nhất loạt ngước lên. Họ chỉ kịp trông thấy những bóng mờ nửa đen nửa đỏ lao vụt xuống như các bóng ma. Năm mươi tráng sĩ lập tức gom lại sát bên nhau, tất cả mở to mắt quan sát xem thứ ma quỷ gì vừa lao xuống. Trước mặt họ, các bóng mờ nửa đen nửa đỏ dừng lại, lơ lơ lửng lửng, run lên bần bật. Nhóm người chợt lạnh toát cả sống lưng khi họ cảm nhận được có tiếng cười khanh khách văng vẳng đâu đây. Rồi những tạo vật kia định hình rõ nét dần dù chúng vẫn không ngừng run lên từng đợt. Tiếng cười khanh khách vẫn khi gần khi xa. Các tráng sĩ thấy rõ chúng là những chùm rễ đen quăn tít rối bời của dị mộc, thường ngày vẫn buông thõng xuống từ mây cao. Dường như bộ phận nào của đại thụ này cũng chứa đầy cô hồn dã quỷ và có khả năng tách rời vật chủ để chiến đấu độc lập. Các chùm rễ cứ lòa xòa lơ lửng, dài đến mức kéo lê từng búi trên mặt đất. Trông chúng rù rợp đen đúa và dơ bẩn như tấm áo choàng của các phù thủy trong một bộ lạc ăn lông ở lỗ. Nhóm người căng thẳng quan sát, cảnh giác cao độ, lưỡi rìu giơ ngang, chưa dám manh động. Các chùm rễ ngừng run, tiếng cười khanh khách vừa lúc đó cũng im bặt. Những chùm rễ này mấy chục cái như một, đồng loạt xoay tròn, quay về phía các chàng trai phần mà nãy giờ họ chưa được thấy. Và khi chúng đã quay lại hoàn toàn thì hỡi ôi, những người vững tinh thần nhất cũng không kìm được một tiếng kêu trời. Còn những ai yếu đuối hơn thì hoảng hốt đánh rơi cả rìu, thậm chí có người nôn thốc nôn tháo như ăn phải cơm thiu.

Thứ mà họ vừa phải chứng kiến chính là chùm quả của dị mộc treo lủng lẳng trên búi rễ. Thứ này khi lơ lửng trên cao ai nhìn cũng đã khiếp đảm. Nay nhóm tráng sĩ phải đối mặt trực diện với chúng thì quả là không còn gì kinh tởm hơn. Nhìn chúng chẳng khác nào đầu người bị lột da lóc thịt, mọi thứ còn bầy nhầy tươi rói. Người thũ lĩnh biết tâm lý các tráng sĩ đang chấn động mạnh, chàng lập tức hô to:

“Mọi người bình tĩnh, nó chỉ là quả trên cây, không phải đầu người đâu. Lập tức nhặt vũ khí lên trước khi địch tấn công chúng ta!” – Rồi chàng quay sang các chàng trai đang nôn thốc nôn tháo – “Này các chàng trai, dừng lại ngay! Phải ráng dừng lại ngay để kéo khăn che mặt lên trước khi cáccậu chết ngạt vì thán khí!”

Những lời chỉ huy ấy vô cùng chính xác và cần thiết. Các tráng sĩ vận dụng hết sức mạnh tinh thần để ổn định đội ngũ trong mức nhanh nhất có thể. Nhưng các chùm rễ còn nhanh hơn. Ngay khi nhóm người còn đang hỗn loạn, những chùm rễ đã lao vụt về phía họ thần tốc như tia chớp khiến ai nấy ngỡ ngàng. Lạ thay chúng không đụng đến một sợi tóc của họ mà chỉ di chuyển lòng vòng len lỏi vào giữa các chàng trai. Các chàng trai đang cố gắng trấn tĩnh trước diện mạo kinh tởm của những chùm quả thì chúng lại tiến gần hơn và len lỏi vào giữa đoàn người khiến họ thêm một phen giật nảy mình. Người thủ lĩnh thấy gương mặt các chiến binh của mình vẫn chưa hết vẻ thất thần nên chàng hô lên một tiếng van rền rồi vung rìu nhắm thẳng một chùm rễ gần nhất mà bổ xuống. Rìu của chàng chưa kịp chạm đến chùm rễ thì nó đã vụt đi, và ngay lập tức tất cả các chùm rễ còn lại cũng vụt đi. Chúng chuyển động nhanh đến mức nhóm người chỉ còn biết ngơ ngác đứng nhìn. Các chùm rễ bay vùn vụt len lỏi giữa nhóm người, cứ từ trước mặt người này lách qua hông người kia rồi luồn sau lưng người nọ. Chúng nhanh và hỗn loạn gấp trăm lần một đàn nai bị sư tử đuổi bắt. Trong tình cảnh con người và rễ cây lẫn lộn thế này, bất cứ chàng trai nào dám vung rìu chém địch thì rất có thể sẽ chém trúng đồng đội của mình. Vì vậy không ai trong số họ, kể cả người thủ lĩnh, dám manh động tấn công.

Phen này người thủ lĩnh bối rối thực sự, chàng chưa bao giờ gặp phải một tình thế quái gở như vậy. Tất cả những gì chàng có thể chỉ đạo bây giờ là một giải pháp tình thế vô cùng thụ động:

“Anh em ơi, chúng ta phải tự dãn đội hình ra, đủ để mỗi người có thể múa rìu tự vệ quanh mình mà không chạm đến người khác. Đúng rồi! Đúng rồi! Cứ thế! Được rồi, mọi người hãy tích cực múa rìu bảo vệ chính mình.”

Người thủ lĩnh hiểu rõ các chùm rễ kia không thể cứ mãi di chuyển mà không làm trò gì khác. Chúng như bầy chó hoang đang chạy rông, chỉ đợi khi con người lơ là sẽ bất ngờ tung chiêu cắn lén. Điều người thủ lĩnh cần nhất lúc này là đồng đội có thể tự bảo vệ kín kẽ chính mình trong khi chàng suy nghĩ kế sách.

Dị mộc kia và người thủ lĩnh không biết ai mưu trí hơn ai. Bản thân dị mộc cũng đã mất đi mấy chục hình nhân bị thiêu rụi. Có lẽ nó đã hiểu giao đấu trực tiếp không phải cách tốt. Giờ đây nó bày ra một thế trận kỳ lạ có một không hai, chưa từng được nhắc đến trong bất kỳ binh thư nào. Các chùm rễ chạy rông liên tục không ngừng nghỉ. Ai nấy đều tưởng rằng trước sau gì chúng cũng sẽ dừng lại để giở trò gì đấy, nào ngờ chúng di chuyển càng lúc càng nhanh, nhanh đến mức nhạt nhòa hình ảnh. Những gì người ta còn có thể thấy về chúng chỉ còn là những vệt đen đen đỏ đỏ, mờ như một làn sương. Làn sương này len lỏi giữa đám người khiến mỗi cá nhân hoàn toàn bị cô lập, không tài nào nhìn rõ đồng đội xung quanh. Người thủ lĩnh cố gắng lắm cũng không đoán ra chúng đang mưu tính điều gì, chỉ thấy quanh chàng vù vù tiếng gió và tràn ngập hai màu đen đỏ. Mỗi chàng trai cảm thấy mình như đang đứng tại tâm của một cơn lốc. Luồng di chuyển thần tốc của những chùm rễ dài thượt đan chéo lẫn nhau đã hoàn toàn cắt đứt tầm quan sát của các tráng sĩ. Điều này khiến mỗi người thấy như mình bị cô lập vào một ngục thất riêng biệt, bất giác không tránh được cảm giác hoảng hốt.

“Các anh ơi, các anh đâu rồi?” – Một người kêu thất thanh.

“Tôi ở bên đây” – Một tiếng người đáp lại.

“Còn tôi ở bên này, có ai thấy tôi không?” – Một người khác kêu lớn.

“Tôi thì ở bên đây, các anh ở đâu, có nghe tiếng tôi không?”

“Có, có nghe tiếng anh, nhưng không nhìn thấy gì.”

“Tôi không biết mình đang ở đâu nữa, không thấy gì xung quanh hết. Thủ lĩnh ơi, giờ phải làm sao đây thủ lĩnh?”

“Thủ lĩnh, anh còn ở đó không?” – Nhóm người hỏi dồn.

“Tôi vẫn ở đây.” – Người thủ lĩnh đáp – “Nhưng tôi không thấy các chú em. Mọi người bình tĩnh, quan trọng nhất là phòng thủ cẩn trọng đừng để chúng đánh lén.”

Được sự trấn an của thủ lĩnh, các chàng trai vững dạ hơn. Họ bình tĩnh và liên tục quan sát trước sau, múa rìu trên dưới, lòng thầm mong đợi lớp sương mù kia sớm tan đi. Thực tế lớp sương mù kia sẽ tan nhanh theo ước nguyện các chàng trai. Có điều khi nó tan rồi, họ lại không mừng rỡ được như họ tưởng. Bởi lúc ấy họ phải đối mặt với sự kích động mạnh chưa từng có. Một sự kích động mà không phải ai trong đời mình cũng từng một lần bắt gặp.

Khi cánh tay các tráng sĩ còn chưa quá mỏi vì múa rìu, lớp sương mù kia dần tan. Điều này lẽ ra là do lũ rễ cây di chuyển chậm dần, và lúc sương mù tan hết ắt phải là khi các chùm rễ lại hiện rõ. Nhưng không, các chàng trai không nhìn thấy một chùm rễ nào. Trong tầm mắt của mỗi tráng sĩ, cùng với sự mỏng dần của lớp sương mù đang giam cầm họ, là sự xuất hiện của những dáng người. Các chàng trai thật sự mừng rỡ vì điều đó, đồng đội vẫn luôn ở quanh họ. Không được nhìn thấy nhau không có nghĩa là chẳng còn sát cánh bên nhau. Giờ đây sương mù tan và họ lại được thấy bạn bè. Không phải là hình nhân cong vẹo hay chùm rễ lòa xòa, đó là vóc dáng con người, những vóc dáng thân quen. Các chàng trai cười rạng rỡ giơ tay chào đồng đội, nhưng nụ cười chưa kịp tươi đã vội tắt ngấm, thay vào đó là những đôi mắt to tròn vì kinh ngạc.

***

Cách đó hơn chục dặm về phương Nam, gia đình những người dân tị nạn sống thấp thỏm trong nỗi chờ mong khắc khoải. Họ chờ mong chút tin lành, chờ mong các chàng trai khải hoàn trở về từ chiến địa. Có bà cụ thẫn thờ tựa cửa, mái tóc bạc phất phơ trong ngọn gió hắt hiu. Đôi mắt mờ đục của bà như đang cố vận chút sức mòn ban chiều, phóng tầm nhìn mệt mỏi về chốn xa xôi, nơi năm mươi tráng sĩ phải đương đầu yêu nghiệt. Chợt có ai đó bất ngờ ùa đến ôm lấy chân bà. Bà cụ giật mình như sực tỉnh, cúi nhìn hai đứa trẻ đang giật giật gấu váy mình. Bà ôn tồn hỏi:

“Gì vậy các cháu ngoan?”

“Chừng nào cha về vậy bà?” – Đứa trẻ bé hơn hồn nhiên hỏi.

“Sắp rồi cháu ạ.” – Bà cụ đáp, cố nén tiếng thở dài.

“Cha có giết được ma cây chưa bà?” – Đứa trẻ lớn hơn tỏ ra rất lo lắng.

“Bà cũng chưa biết nữa.” – Bà cụ trả lời mệt mỏi.

“Cháu muốn đi giúp cha. Cháu phải cùng cha đánh ma cây!” – Hai đứa trẻ bỗng nhao nhao lên.

“Không được đâu. Các cháu còn nhỏ.” – Bà cụ ngồi xuống xoa đầu hai đứa trẻ – “Hãy ngoan ngoãn ở đây để cha các cháu yên tâm chiến đấu nhé.”

Hai đứa trẻ phụng phịu quay đi. Chúng tấp tễnh bước ra hiên nhà, cố rướn đôi chân nhỏ ngẩng đầu ngóng về phía chiến địa xa xôi. Đứa trẻ lớn hơn thì thầm: “Cha ơi! Con mong cha chiến thắng!”

***

Những dáng người hiện rõ quanh mỗi chàng trai khiến họ sốc nặng đến không nói nên lời. Chẳng phải vì họ không quen biết những con người vừa hiện ra từ làn sương, mà ngược lại, vì chúng quá quen thuộc. Chúng... chính là họ.

Những tráng sĩ đã nhầm khi tưởng rằng đồng đội sắp gặp nhau. Chẳng có đồng đội nào và màn sương vẫn giăng dày. Chỉ một lớp sương mỏng tan đi, đủ để lộ các bản sao của từng tráng sĩ. Mỗi chàng trai ngơ ngác nhìn năm con người lạnh lùng bước về phía họ. Diện mạo chúng giống họ đến nỗi tưởng chừng đó là bóng phản chiếu qua năm tấm gương đang tiến gần. Không còn cách nào khác là phải bảo vệ chính mình. Bản chính vung rìu lên, hồi hộp chờ đón bất kỳ đòn tấn công nào của những bản sao. Và rồi cuộc hỗn chiến diễn ra trong năm mươi phân khu riêng biệt của năm mươi tráng sĩ. Trong chưa đầy ba khắc toàn bộ lớp sương mù tan hẳn, đây mới là lúc các chàng trai được thực sự nhìn thấy đồng đội. Nhưng hỡi ôi, mỗi đồng đội có đến sáu phiên bản giống hệt nhau,giống cả về diện mạo lẫn thần sắc, đều kinh ngạc và hoang mang. Cuộc chiến giữa năm mươi tráng sĩ và một đại thụ giờ đây biến thành cuộc hỗn chiến giữa ba trăm con người. Nói cho chính xác là năm mươi con người và hai trăm năm mươi thứ gì đó mang hình dáng giống họ.

Các chàng trai đều biết thứ gì đó ấy chính là những búi rễ cây ban nãy. Với trí thông minh của mình, trong đầu người thủ lĩnh lập tức nảy sinh muôn vàn dòng suy nghĩ. Chúng bày ra thế trận này để tung hỏa mù, gây nên tình cảnh hỗn loạn. Hỗn loạn vì mỗi chiến binh đều không thể biết đâu là bạn, đâu là thù. Chiêu ấycũng cho thấy bản lĩnh các chùm rễ quỷ quái kia không cao nên phải bày quỷ kế thay vì giao đấu trực diện công khai. Nhưng quỷ kế này của chúng thì quá thâm hiểm khiến người thủ lĩnh cũng phải thầm thán phục.

Thâm hiểm ra sao? Về khía cạnh tâm lý, bất kỳ chàng trai nào cũng nóng lòng hạ gục các bản sao để chứng minh mình là bản chính. Bởi một khi chết đi các bản sao sẽ hiện rõ nguyên hình. Khi đó đồng đội họ sẽ thấy rõ trắng đen đặng dễ bề chiến đấu. Mặt khác các chàng trai cũng không dám tấn công ai ngoại trừ các bản sao của chính mình.Họ sợ giết nhầm đồng đội. Do đó chắc chắn mỗi tráng sĩ sẽ dốc sức tấn công năm kẻ đang mạo danh mình, khi đó ắt hẳn họ lơ là đề phòng những kẻ khác. Việc các chùm rễ giao đấu với bản chính của chúng thực chất chỉ là động tác giả. Với bản lĩnh có hạn dù lấy năm chọi một thì chúng vẫn khó hạ được bản chính. Nhưng việc đánh lén để lấy mạng một bản chính khác thì lại quá dễ dàng, vì họ chỉ lo đối phó các bản sao của mình. Đây mới thực sự là điều các chùm rễ mong muốn: Mỗi tráng sĩ tập trung tấn công năm bản sao của chính mình để rồi bị hạ sát bất ngờ bởi cú đánh lén từ bản sao của một tráng sĩ khác. Và các chàng trai còn lại vì quá bận rộn với năm bản sao của chính họ nên không nhận biết đồng đội mình hy sinh dưới tay ai. Theo lẽ tự nhiên họ sẽ nghĩ đồng đội mình bị giết bởi năm bản sao của anh ta. Chỉ có người chết mới biết rõ mình bị giết bởi ai, nhưng người chết thì không còn nói được để mách bảo cho người sống. Năm bản sao không đủ nhiều để hạ gục một bản chính. Nhưng năm bản sao là đủ nhiều để một trong số chúng có thể tranh thủ làm điều mờ ám gì đó mà bản chính không kịp để ý. Cứ nhờ vậy âm mưu ấy không bị bại lộ cho đến khi đoàn tráng sĩ năm mươi người mau chóng bị tỉa gọn. Thâm kế nham hiểm của lũ quái vật chính là điểm này. Bắt mạch được thâm kế ấy, người thủ lĩnh lập tức hô to khiến các chàng trai như thức tỉnh:

“Hãy đề phòng cả những bản sao của người khác!”

Dứt lời, chàng quăng ngay cây rìu của mình ra. Bản lĩnh người đứng đầu có khác. Cây rìu rời tay chàng như mũi tên rời nỏ, vút đi với tốc độ kinh hồn. Ba tiếng phập phập phập liên tục vang lên, đầu của ba trong số năm bản sao của chàng đã lìa khỏi cổ. Đồng thời chiếc rìu lượn hết một chu kỳ lại quay về điểm xuất phát theo quỹ đạo mà người thủ lĩnh đã tính trước. Chàng khom mình đưa tay bắt lấy cán rìu không sai một ly. Ba bản sao mất đầu ngã lăn ra đất, co giật liên hồi rồi hiện nguyên hình là ba búi rễ dài thườn thượt đã bị tiện ngang, nhựa tuôn nhầy nhụa. Hai bản sao còn lại thấy vậy thất kinh hồn vía, toan quay lưng tháo chạy. Nhưng quá muộn, mũi giáo của người thủ lĩnh đã phóng tới. Sau hai tiếng xực xực, hai bản sao còn lại cũng bị xuyên tâm như món thịt xiên que. Người thủ lĩnh nhặt cây giáo của mình lên, hất văng đi hai chùm rễ cây rũ rượi xiên trên đó. Về phần chàng thế là đã giải quyết gọn gàng. Nhưng các chàng trai không phải ai cũng thiện nghệ đến vậy. Đa số họ chiến đấu thật vất vả, vừa phải đối phó các bản sao của chính mình, vừa phải đề phòng những bản sao khác ám toán, vừa phải nương tay sao cho không sát thương nhầm đồng đội. Lần này họ đối mặt với một thử thách về kỹ năng quán xuyến bao quát lẫn nghệ thuật phối hợp cương nhu nhịp nhàng. Nét bơ phờ hằn rõ trên gương mặt mỗi tráng sĩ. Bản thân người thủ lĩnh cũng thấy mình thấm mệt. Chàng nhớ rằng thường nhật mình có thể chiến đấu với hổ sói cả ngày dài còn chẳng hụt hơi. Vậy mà giờ chiến đấu với dị mộc này chưa hết buổi sáng đã thở hổn hển. Các chàng trai cũng có vẻ không đạt đến phong độ tối đa của họ, ai nấy thấm mệt quá nhanh. Họ không hiểu vì sao lại vậy. Hầu hết cho rằng sự căng thẳng và sợ hãi đã hút bớt sinh lực họ. Có người thì cho rằng ma thuật nào đó từ dị mộc kia đã hạ phong độ đối phương. Nhưng riêng điều này dị mộc bị nghi oan. Nguyên nhân nằm ở tấm khăn che mặt. Tấm khăn này thật hữu ích khi dùng để giải độc, nhưng hoàn toàn không phù hợp khi sử dụng quá lâu. Tấm khăn che mặt không những làm cho các tráng sĩ khó hít thở khí trời mà còn giữ lại một lượng lớn hơi thở. Cần biết hơi thở cũng là một thứ thán khí mà con người phải đào thải ra môi trường. Một lượng lớn chất khí này, vốn là thứ cơ thể phải thải hồi, lại được mũi hít trở vào khiến các chàng trai mau chóng kiệt sức. Ngay cả người thủ lĩnh khôn ngoan cũng không ý thức được điều này, nhưng chàng ý thức rất rõ một điều khác: Cần chấm dứt trò chơi này trước khi các tráng sĩ kiệt sức đến mức lũ súc sinh kia có thể hạ gục họ.

Ánh mắt người đứng đầu chợt sáng lên sau hồi lâu suy nghĩ. Chàng vụt chạy như bay thẳng đến một cánh rừng cách đó không xa. Chỉ ít lâu sau chàng đã quay lại, tay kéo lê một vật màu nâu hình hài méo mó to bằng đống rơm, hình như tổ của con gì đó. Chàng đẩy ngay khối màu nâu này vào giữa vùng hỗn chiến và hô to:

“Cái gì cũng có khắc tinh của nó, các chàng trai hãy chào đón viện binh của chúng ta!”

Các chàng trai không hiểu thủ lĩnh của họ làm vậy là có ý gì, chỉ thấy nét mặt các bản sao đột nhiên hoang mang thất sắc. Từ khối màu nâu méo mó có thứ gì ngọ nguậy chui ra. Chúng rất nhỏ, nhưng rất nhiều, và hình như có cánh mỏng. Một số chàng nông phu và thợ thủ công thì hẳn không hiểu gì, nhưng những chàng thợ săn thì lập tức nhớ ra một mảnh kiến thức mà hẳn ít nhất một lần họ đã nghe cha ông nhắc đến. Những sinh linh bé nhỏ có cánh đang túa ra chính là bọ Độc Dưỡng. Tên gọi của loài bọ này bắt nguồn từ đặc tính giống loài hết sức dị thường của chúng: Chúng sống nhờ chất độc. Bất cứ thứ gì các loài khác ăn vào chết tươi thì bọ Độc Dưỡng lại xem là món ngon. Chất nào càng độc thì đối với bọ Độc Dưỡng càng là cao lương mỹ vị. Đôi cánh dẻo dai giúp chúng bay đến bất cứ nơi đâu, và bộ hàm chắc khỏe giúp chúng nhai nát bất cứ chướng ngại vật nào, chỉ cốt sao tiếp cận được hoa độc, quả độc, nấm độc, hay bất cứ thì gì khác có độc.

Người thủ lĩnh phỏng đoán rằng thán khí từ hoa của dị mộc này đã độc đến vậy thì chắc chắn thứ quả gớm ghiếc của nó cũng là loại kịch độc. Lũ bản sao kia bản chất là những búi rễ mang theo chùm quả, hẳn là món mồi ngon của bọ Độc Dưỡng. Các chùm rễ có thể biến hình để che mắt con người. Nhưng không thể tẩy đi mùi độc tố để qua mặt khứu giác vô cùng nhạy bén của bọ Độc Dưỡng. Nhìn vẻ hoảng sợ của chúng khi thấy lũ bọ cũng đủ biết người thủ lĩnh đã đoán đúng. Chiêu chàng vận dụng lần này gọi là “tiêu diệt chọn lọc”, các bản chính hiển nhiên sẽ vô sự, còn những bản sao hẳn sẽ bị bọ Độc Dưỡng chọn lọc và xơi tái.

Không cần chờ quá lâu để thấy điều ấy xảy ra. Những tiếng ù ù mau chóng vang lên khi đàn bọ cất cánh khỏi mặt đất. Chúng nhiều đến mức bay dày đặc cả một khoảng không. Người ta có thể thấy rõ các kẻ giả mạo xám mặt đi vì sợ hãi, tựa hồ những tử tù trông thấy giá treo cổ. Đàn bọ tạo thành những cơn lốc đen di chuyển vù vù trên chiến địa, len lỏi giữa đám người. Đến khi này trắng đen đã phân định rõ ràng: Một ít người thản nhiên đứng nhìn, đó là các bản chính. Phần đông lại nháo nhác bỏ chạy tán loạn, chính là lũ bản sao. Bất kể chúng chạy nhanh cỡ nào, những cơn lốc đen vẫn đuổi kịp và vây xoáy lấy chúng. Lũ bản sao nhanh chóng hiện nguyên hình là những chùm rễ đứt gãy chỉ còn trơ lại chút vỏ quả bèo nhèo cùng những cái hột nhầy nhụa. Có những bản sao toan phóng mình lên mây xanh hòng trốn về với dị mộc. Nhưng chúng vừa bay đến lưng chừng đã có năm sáu cơn lốc đen vượt lên trên chúng rồi bất ngờ bẻ quặt quỹ đạo phóng thẳng xuống đầu chúng. Khi ấy con mồi lập tức bị đàn bọ đè xuống sát đất, chỉ còn kịp giãy giãy vài cái trước khi bị xơi tái. Trong chớp mắt, đàn bọ Độc Dưỡng đã tiêu diệt toàn bộ lũ quái vật trong tiếng cổ vũ hân hoan của các tráng sĩ:

“Hoan hô! Những người bạn nhỏ thật tuyệt vời” – Đó là cách họ nói về đàn bọ Độc Dưỡng.

“Chưa hết đâu!” – Người thủ lĩnh cười mỉm – “Đàn bọ vẫn còn đói lắm. Hẳn chúng sẽ viếng thăm cả mớ hoa độc trên kia.”

Người thủ lĩnh đoán không sai. Khứu giác bọ Độc Dưỡng cực nhạy với độc tố. Chỉ một làn khói mỏng cũng đủ để chúng phát hiện ra chất độc. Huống chi nơi này đang nồng nặc thán khí.Mà khả năng rất cao dòng nhựa sống của đại thụ ma mị này cũng độc không kém. Nếu thế thì thật tốt, lũ bọ sẽ khoét rỗng cả dị mộc đáng ghét, các tráng sĩ chỉ cần nhàn hạ khoanh tay đứng nhìn. Nghĩ vậy ai nấy hân hoan quá đỗi. Đàn bọ vút thẳng lên ngọn dị mộc, thần tốc như chim ưng tung cánh. Các chàng trai khoái chí nhìn theo, lòng hả hê khôn tả.

Chốc lát sau, từ đám mây trên ngọn dị mộc có những vật nhỏ lả tả rơi xuống. Trước giờ hoa độc của thứ quỷ quái này luôn ẩn mình trên cao, chưa ai một lần được thấy chúng tròn méo ra sao. Bây giờ chúng bị bọ Độc Dưỡng xơi tái, những mảnh vụn rơi xuống hẳn cũng chẳng còn hình hài, nhưng ít nhất cũng cho người ta thấy được màu sắc của loài hoa độc địa này. Chỉ cần vậy thôi cũng đủ thỏa mãn trí tò mò lắm rồi. Các chàng trai hào hứng chờ đợi những mảnh vụn rơi xuống, mong thấy rõ màu sắc của chúng. Họ thầm nghĩ thứ hoa hôi thối đến vậy có khi màu sắc cũng khá bẩn mắt.

Các mảnh vụn phấp phới thấp dần và rõ dần. Đoàn người đang vui mừng bỗng sa sầm nét mặt. Hỡi ôi, những gì đang rơi xuống hoàn toàn không phải cánh hoa độc, mà lại là xác bọ Độc Dưỡng, những con bọ chết còng queo co quắp đến đáng thương. Nỗi thất vọng phen này khiến người thủ lĩnh kích động thật sự:

“Tại sao? Tại sao lại thế này?” – Chàng gào lên – “Chuyện quái quỷ gì xảy ra trên kia chứ?”

Điều gì đã xảy đến với đàn bọ? Đây là một câu hỏi vĩnh viễn không có lời đáp. Các chàng trai không còn nhiều thời gian để nghĩ về câu hỏi ấy, cũng không còn nhiều thời gian để thương tiếc những người bạn nhỏ của mình. Bởi họ lập tức nhận ra một điều bất ổn đáng sợ: Mặt đất đang dần rung chuyển.

***

“Cha ơi! Không! Cha!!!” – Đứa trẻ gào lên, ngồi bật dậy khỏi mặt giường.

“Bà đây! Bà đây!” – Bà cụ vội vàng chạy đến – “Không sao! Không sao rồi! Có chuyện gì vậy cháu?”

“Cháu…cháu gặp…ác mộng!” – Đứa trẻ quệt mồ hôi trên trán. Em trai nó cũng bị tiếng gào đánh thức, đang dụi mắt lồm cồm bò dậy.

“Anh mơ cái gì mà hét om sòm?” – Thằng bé phụng phịu trách móc – “Em chỉ vừa mới ngủ được có chút xíu hà.”

“Cháu mơ thấy gì mà hoảng hốt quá vậy?” – Bà cụ hỏi. Nhưng đứa trẻ không trả lời. Chẳng rõ vì nó không nghe bà cụ hỏi hay vì chưa hoàn hồn. Chỉ thấy ánh mắt nó thất thần trợn trừng đỏ ửng. Một hồi lâu đôi môi đứa trẻ mấp máy run run:

“Cháu thấy cha…cha…bị…”

Giọng đứa trẻ lại tắc nghẹn. Nó ngước nhìn bà cụ, hỏi một cách tuyệt vọng:

“Cha…vẫn chưa về sao ạ?”

Bà cụ gật đầu chua xót. Đứa trẻ không nói nữa, đầu nó cúi gục, đôi môi mím chặt, nước mắt trào ra. Bà cụ chẳng hỏi gì thêm, giờ đây trong lòng bà chỉ đau đáu một ước nguyện, ước cho giấc mơ của đứa trẻ không trở thành sự thật.

***

Những tiếng động ầm ầm dội lên từ lòng đất. Khi các tráng sĩ chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra thì mặt đất đã nứt toác, để lộ thế giới ngầm hãi hùng của đại thụ kia. Từ trong lòng đất, hàng trăm con trăn khổng lồ gồng mình trồi lên. Những con trăn to ngang ngửa loài rồng lửa mà các truyền thuyết vẫn mô tả. Nhưng thật quái lạ, loài trăn nào mà lại dính vào nhau từng chùm thế này, con nhỏ gắn vào con to, con to gắn vào con to hơn, tạo nên hình hài thập phần cổ quái. Trong nỗi kinh hoàng, các tráng sĩ nhận ra lũ quái vật ấy thực tế là hệ thống rễ chằng chịt của đại thụ kỳ dị kia. Những chiếc rễ, mà có lẽ phải gọi là những khối rễ, cứ ầm ầm chuyển mình. Vùng đất mà chúng xé nát rộng gấp chục lần chiến địa nơi đoàn người giao tranh cùng dị mộc từ đầu đến giờ.Điều đó có nghĩa là các tráng sĩ lọt thỏm trong vòng vây tứ phía của những khúc rễ cuồn cuộn di chuyển như hàng trăm dòng lũ quét hung hãn. Chỉ cần một trong số chúng nện xuống cũng đủ tiễn một đàn voi từ cõi dương sang cõi âm, huống chi nhóm tráng sĩ chỉ là những con người nhỏ bé. Trong tình thế hung hiểm ấy, các chàng trai nghĩ gì? Họ nghĩ về gia đình...

***

Gia đình họ, theo tinh thần di tản ban đầu của trận đấu, đang cùng những người dân khác nương náu ở một nơi khá xa vùng chiến địa. Nơi ấy có những ông bố cố gạt đi niềm dự cảm chẳng lành về tiếng sét dữ chuẩn bị đánh ngang tai, và có những bà mẹ cố che giấu nỗi dằn vặt khôn nguôi về bữa ăn ngon cho con chưa kịp nấu. Đây đó vài cô gái tựa cửa thẫn thờ nhớ về nụ hôn đầu trao nhau đêm hội làng, và bao thiếu phụ bồn chồn không yên mong chờ tiếng gọi quen thường nghe khi tỉnh giấc.Tất cả dân làng, dù cứng rắn hay yếu mềm, dù tự tại hay nôn nóng, đều không khỏi bàng hoàng thất thần khi nghe thấy tiếng động kinh người trưa hôm ấy, tiếng động vang dội đến từ phía cổng làng Vỹ Phong, tiếng động ngay khi dị mộc kia vung rễ giương oai xé toạc đất. Người ta đổ xô ra khỏi nhà, hàng trăm cặp mắt hướng thẳng về chốn xa tít, nơi có khói bụi mù mịt và mây đen vần vũ.

“Tiếng gì... tiếng gì...” – Một bà mẹ già run run, và rồi bà gào lên:

“Trời ơi tiếng gì vậy?” – Bà lao đầu chạy thẳng về phía chiến địa – “Trời ơi con trai tôi!”

Tiếng kêu lạc giọng của bà lão như chén dầu đổ vào ngọn lửa lo âu vẫn âm ỉ trong lòng mỗi người thân tráng sĩ. Họ hết thảy hoảng loạn cực độ, kêu thét thất thanh, quên hết hiểm nguy, đâm bổ về hướng cổng làng Vỹ Phong. Kể cả những người khuỵu ngã trong hoảng loạn cũng cuống cuồng bò dậy rồi lập tức loạng choạng lao đi. Thế nhưng dân làng đã kịp chạy theo, những ai tỉnh táo đều hiểu rằng các gia đình này đến đó chỉ là nạp mạng vô ích. Cứ hai ba người ghì chặt lấy một người, dân làng bằng mọi giá quyết giữ chân các người thân tráng sĩ. Những lời khuyên can, những câu la lối, những tiếng gào thét, những cú giãy giụa, những cơn ngất lịm... tất cả tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có. Suốt chiều hôm ấy dân làng trông chừng các gia đình tráng sĩ như thể coi sóc trẻ nhỏ. Coi sóc để không cho họ đâm đầu vào hiểm nguy, ngăn cản họ làm điều chi dại dột, và thắp lên chút hy vọng xoa dịu nỗi hoang mang. Bất chấp người ta cố gắng thế nào thì ngọn lửa hy vọng ấy cứ yếu dần theo tia nắng. Một buổi chiều dài như hàng thế kỷ. Và hy vọng vụt tắt cùng tia nắng cuối ngày khi đêm xuống các anh vẫn chưa về. Những người thân tráng sĩ giờ đây không nói gì, họ kẻ nằm bẹp, người ngồi rũ, nhưng hết thảy đều chỉ còn là những cái xác không hồn. Đôi tay họ buông thõng tựa tàu dừa héo khô và ánh mắt vô hồn như con ngươi tượng gốm.

Phía xa xa nơi cổng làng Vỹ Phong là một sự thinh lặng chết chóc, không tiếng nổ, không khói bụi, không mây gió, không trăng sao, không động tĩnh. Dân làng nhận thấy đã đến lúc phải tìm câu trả lời về số phận các chàng trai. Họ thắp đuốc sáng rực và dìu những gia đình đau khổ lũ lượt kéo nhau tiến về nơi chiến địa. Tại đoạn cuối con đường, trong ánh lửa mập mờ, cảnh tượng mở ra trước mắt họ là mặt đất nứt toác và rìu rựa ngổn ngang. Mấy mươi ngọn đuốc lướt dọc lia ngang cũng không thấy các chàng trai. Sự vắng mặt của xác người nhóm lên cho đám đông tia hy vọng. Bất chợt có ai đó kêu lên, ngọn đuốc trên tay người này chĩa thẳng vào một khe nứt trên mặt đất. Mọi người xúm lại và thấy rõ trên mép khe nứt có bốn vết hằn sâu. Rõ ràng là dấu tay người bám víu tuyệt vọng trước khi bị những khối rễ ác quỷ kéo sâu vào lòng đất.

Một câu hỏi có thể được đặt ra: Nếu thế giới ngầm của dị mộc ghê gớm đến vậy, vì sao nó lại đợi đến khi đã tổn hao vô vàn hình nhân bị thiêu rụi và hàng trăm chùm quả bị ăn nát mới chịu dùng đến thế giới ngầm ấy? Nếu rễ dị mộc xé đất vung lên ngay từ đầu hẳn các tráng sĩ đã lập tức hy sinh mà không kịp gây cho nó một tổn thất nhỏ nào. Nguyên nhân nằm ở mặt đất vùng này.

Năm xưa khi Viêm Đế Thần Nông[3] ban phát những sợi nắng lóng lánh đầu tiên trên giang sơn Xích Quỷ, ngài đã ban lời chúc cho đất này nhu thuận dưới lưỡi cày người lương dân nhưng cương kháng trước bước chân quân bạo tặc. Đất mẹ tuân thủ lời Viêm Đế đã ra sức kìm giữ bộ rễ chết người của dị mộc để bảo vệ con dân Xích Quỷ. Nào ngờ yêu nghiệt kia quá dũng mãnh nên chung cuộc mặt đất chỉ có thể trì hoãn chứ không ngăn chặn được thảm kịch xảy ra.

Càng rọi đuốc tìm kiếm, người ta càng liên tục tìm ra những dấu tay hằn bên các khe nứt khác. Ở đây một dấu, ở kia một dấu, lúc thì tập trung, khi lại tản mác. Có người lỡ miệng lầm bầm:

“Lẽ nào họ...chết mất xác?”

Ngay tức khắc có tiếng thân người ngã phịch ngất lịm trên mặt đất, rồi những lời khóc thương vang lên nỉ non như oán thư than trong đêm khuya u tịch. Từ đó miếu Thành Hoàng có thêm một linh đường trang trọng, nơi ghi tạc trang sử thi bi tráng của năm mươi tráng sĩ trẻ đã anh dũng hy sinh.

HẾT CHƯƠNG 1

[1] Một mẫu tương đương một héc-ta đất

[2] Một khắc = 15 phút.

[3] Vị thần Mặt trời trong truyền thuyết, được xem là thần bảo hộ cho nhà nông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.