Huyết Thiếp Vong Hồn Ký

Chương 74: Chương 74: Lúc Chia Tay Người Ngọc Lộ Tâm Tình




Cam Đường nắm chặt hai tay, trán toát mồ hôi. Tôn Quỳnh Giao cũng khích động, giục:

- Ngươi thuật hết đi!

Tiếng ả nữ tỳ lại vang lên:

- Các phái võ Trung Nguyên cộng đồng quyết nghị tôn Ngọc Điệp Bảo Chúa lên làm Võ Thánh giữ ngôi minh chủ võ lâm. Các bang phái đều cho đại biểu đến Ngọc Điệp Bảo để tham dự đại hội võ lâm và đặt trụ sở ở đó...

Từ đây trở đi Cam Đường không cần nghe nữa. Tư tưởng chàng bị đưa vào chỗ chia rẽ. Tử Thần tức Bạch Bào quái nhân chết rồi mà lại do tay Tây Môn Tung hạ sát thì thật là một việc kinh thế hãi tục. Nếu đúng như lời Tây Môn Tung đã nói, Bạch Bào quái nhân là hung thủ vụ huyết án Thánh Thành thì mối thù sâu tựa bể này chàng không còn cách nào tự ra tay trả oán được nữa. Tây Môn Tung được tôn làm Võ Thánh tức là cái vinh dự thay vào chỗ của phụ thân chàng. Mới trong mười năm mà xảy cuộc bể dâu biến ảo phi thường.

Cam Đường nghĩ mình là con Võ Thánh đã không rửa được thù nhà, lại không giữ được gia thanh thì đối với vong phụ cùng hàng trăm gia nhân, đệ tử bị uổng mạng, chàng chẳng cam tâm chút nào. Tây Môn Tung đối phó với chàng và với Lục Tú Trinh là người đồng môn của hắn, như vậy đủ tỏ bề ngoài hắn đeo mặt nạ đạo đức mà bề trong ti tiện bỉ ổi vô cùng. Tư cách hắn đã thế mà dám mạo hiểm hiến thân cho sự an nguy võ lâm thì sự thực, chàng không thể phủ nhận được.

Tây Môn Tung đã làm minh chủ võ lâm thì trong tay nắm toàn quyền sinh sát.

Bạch Bào quái nhân không phải là Tử Thần chân chính, hắn chỉ là người mà Âm Ty Công Chúa Tôn Tiểu Hoa, vợ Tử Thần, tạo nên để báo thù võ lâm. Nay Bạch Bào quái nhân chết rồi thì vụ bí mật này không bao giờ phanh phui ra được nữa.

Bạch Bào quái nhân bị đánh chết trước mặt mọi người, chẳng lẽ không ai phát giác ra chân tướng hắn ư?

Bỗng chàng nghe tiếng gọi:

- Thiếu hiệp!

Cam Đường giật mình quay lại thì thấy Tôn Quỳnh Giao đã đứng trước mặt, nàng nói:

- Bạch Bào quái nhân chết rồi!

- Tại hạ đã được nghe tin này.

- Thật là một chuyện bất ngờ ra ngoài ý nghĩ của mọi người.

- Chẳng lẽ toàn trường không ai phát hiện được chân tướng của hắn ư?

Tôn Quỳnh Giao nghi hoặc lắc đầu đáp:

- Hắn chết rồi, lại bị Tây Môn Tung ném xác từ trên đỉnh Điệp Thạch Phong xuống, nên thi thể tan nát không còn nhìn rõ mặt nữa.

- Cô nương có ý kiến về vụ này?

- Ta chỉ thấy đây là một chuyện bất ngờ.

- Cô nương đã định quay về Đông Hải chưa?

- Khi nào ta lại về ngay?

- Bạch Bào quái nhân chết rồi thì pho “Thượng Nguyên Bảo Lục” của quý môn tưởng không còn cách nào điều tra ra được nữa.

- Không! Ta tin rằng sẽ điều tra được.

- Sao? Cô nương tưởng còn điều tra ra được ư?

- Phải rồi! Vì Cô Tổ Mẫu ta là Âm Ty Công Chúa Tôn Tiểu Hoa có thể hãy còn sống.

Cam Đường nghe nói lại run lên, chàng kinh hãi hỏi:

- Cô nương căn cứ vào đâu mà đoán như vậy?

- Ta đã điều tra trong thạch động trên núi Điệp Thạch thì không thấy gì hết.

- Ủa!

Cam Đường kinh hãi vô cùng. Chàng không ngờ Âm Ty Công Chúa còn chưa chết, thế thì mối lo của võ lâm vẫn còn...

Tôn Quỳnh Giao lại nói:

- Vì trong thạch động không có thi thể, nên ta mới theo dõi hành tung lên miền Bắc. Bất ngờ lại gặp thiếu hiệp đang bị họ đuổi đánh nguy cấp...

Cam Đường không giấu giếm gì thuật lại hết câu chuyện chàng đã gặp trong Thấu Ngọc Biệt Phủ. Chàng chỉ bỏ tấm kịch Lục Tú Trinh mà thôi.

Tôn Quỳnh Giao chăm chú để ý nghe. Nàng chau mày run lên hỏi:

- Thiếu hiệp bị phát chưởng của Tây Môn Tung phong tỏa công lực phải không?

- Đúng thế!

- Sao... lại thế được?

- Cô nương nói gì tại hạ không hiểu.

- Đó là một môn tuyệt học của bản phái không truyền thụ ra ngoài. Môn này chia ra làm hai bộ phận:

chưởng và chỉ, chuyên để phong tỏa công lực địch nhân. Về chỉ pháp gọi là “Đoạn Nguyên Thần Chỉ”. Chỉ pháp này dùng chỉ phong điểm lên không công kích địch nhân. Người nào trúng phải lập tức ngã lăn ra mất hết công lực.

Cam Đường ngấm ngầm gật đầu. Chàng đã trúng phải phép “Đoạn Nguyên Thần Chỉ” của Âm Ty Công Chúa. Nhớ tới đây chàng không khỏi bẽ bàng.

Tôn Quỳnh Giao lại nói tiếp:

- Chưởng pháp gọi là “Đoạt Nguyên Pháp Chưởng”, “Đoạt Nguyên Pháp Chưởng” còn lợi hại hơn “Đoạt Nguyên Thần Chỉ”. Ta ít lịch duyệt giang hồ nên chẳng hiểu trong võ lâm còn có môn phái nào dùng chưởng pháp này để phong tỏa công lực địch nhân nữa không? Chưởng pháp mà Tây Môn Tung sử dụng đó phải chăng đúng là “Đoạt Nguyên Pháp Chưởng”? Nếu đúng thì hắn đã học môn bí truyền này ở đâu?...

Cam Đường sực nhớ đến lúc chàng đang trị thương ở trong tòa miếu thì gặp Bạch Bào quái nhân tra hỏi một tên đệ tử phái Kỳ Môn về chiếc thủ cấp của chưởng môn phái Thiếu Lâm. Sau cuộc giao thụ, Bạch Bào quái nhân bị trọng thương. Gã không chịu thố lộ chân tướng, tự tử mà chết. Bàn Cửu Nương lột tấm da mặt đưa cho Thiên Oai viện chúa giám định thì biết y là con trai của Tây Môn Tung tên gọi là Tây Môn Khánh Vân.

Chàng liền nói:

- Hay là...

Tôn Quỳnh Giao nhíu cặp lông mày hỏi:

- Hay là làm sao?

Cam Đường cũng chau mày nói:

- Đây là tại hạ phỏng đoán, có khi sự thực không phải như vậy. Con cả Tây Môn Tung là Tây Môn Khánh Vân đã giả trang Bạch Bào quái nhân, lại tự xưng là Tử Thần.

Song kết quả không địch nổi tại hạ, tự tử mà chết. Vụ bí mật này vẫn chưa phanh phui ra được. Theo sự phỏng đoán của tại hạ thì Tây Môn Khánh Vân có thể là thủ hạ Bạch Bào quái nhân. Tây Môn Khánh Vân học được môn “Đoạt Nguyên Chưởng Pháp” rồi gã truyền lại cho cha nên Tây Môn Tung mới biết tuyệt kỷ này.

- Có thể như vậy.

- Cứ theo sự phỏng đoán này mà suy luận thêm thì Tây Môn Khánh Vân chui vào làm môn hạ Bạch Bào quái nhân có khi cũng là một mưu kế của Tây Môn Tung. Mục đích của hắn là để con học võ công của Bạch Bào quái nhân. Tây Môn Tung đã có một bản lãnh hơn người, hắn chỉ cần hiểu yếu quyết thì bất cứ công phu gì cũng tu luyện được. Và đây cũng là căn bản để bữa nay hắn đánh chết Bạch Bào quái nhân.

- Có lý! Nhưng nên dùng cách nào để tra nghiệm vụ này?

- Nếu sự thực không hoàn toàn như vậy thì sao?

- Dù không hoàn toàn thì cũng có một phần đúng.

Cam Đường lại nói:

- Tại hạ cần phải tra xét cho ra gốc ngọn.

Tôn Quỳnh Giao nhìn chàng bằng con mắt tha thiết, nói:

- Thiếu hiệp! Ta coi thần sắc thiếu hiệp dường như đã phục nguyên rồi.

- Đúng thế! Tại hạ hoàn toàn khôi phục công lực. Kính tạ cô nương có lòng chiếu cố.

- Thiếu hiệp nói thế thì khi quá. Bây giờ ta sai người thu dọn cho thiếu hiệp một căn phòng khác...

- Cô nương bất tất phải nhọc lòng. Tại hạ muốn cáo từ ngay bây giờ.

- Sao? Thiếu hiệp muốn đi ngay ư?

Tôn Quỳnh Giao vừa hỏi vừa trố mắt ra nhìn Cam Đường. Nàng lộ vẻ u oán mà Cam Đường cũng trống ngực đập mạnh. Chàng nói:

- Cô nương! Tại hạ có nhiều việc cấp bách phải làm ngay. Mong rằng cô nương lượng thứ cho.

- Thiếu hiệp không thể... lưu lại ít ngày sao?

- Hậu hội còn nhiều hơn.

Tôn Quỳnh Giao buồn rầu hỏi:

- Cam thiếu hiệp! Chúng ta liệu còn cơ hội nào gặp nhau nữa không?

Nàng đứng gần chàng trong gang tấc. Mùi hương thoang thoảng, nhất là vẻ u oán của nàng khiến cho Cam Đường không khỏi bần thần. Chàng cúi đầu nhìn xuống miễn cưỡng đáp:

- Thế nào cũng còn nhiều cơ hội.

- Thiếu hiệp... không muốn ở lại đây nữa hay sao?

- Không phải là tại hạ không muốn, mà không thể lưu lại được.

- Vậy ta bày tiệc tiễn hành.

- Cái đó... không cần.

- Chẳng lẽ thiếu hiệp cũng cự tuyệt nốt?

- Không phải thế... tại hạ xin thọ lĩnh.

Tôn Quỳnh Giao thoăn thoắt ra khỏi phòng, nàng đi mà vẫn còn để lại một mùi hương thoang thoảng.

Tiệc rượu bày trong quán lương đình ngoài vườn hoa. Chỉ có Tôn Quỳnh Giao và Tư Đồ Sương bồi tiệc. Bữa tiệc thì bao phủ một làn không khí trầm mặc thê lương. Tuy là một yến tiệc sang trọng nhưng trong lòng mỗi người đều có mối tâm tình nên ai cũng lặng lẽ ít nói.

Tôn Quỳnh Giao thỉnh thoảng lại giương cặp mắt ai oán lên nhìn Cam Đường, khiến chàng băn khoăn vô cùng.

Đột nhiên Tư Đồ Sương đứng dậy, tay cầm chén ngọc nói:

- Thiếu hiệp! Công chúa! Tỳ tử xin kính mời hai vị một chén.

Tiếng hai vị nàng nói rất thâm thúy. Tôn Quỳnh Giao mặt phấn ửng hồng, nàng nguýt Tư Đồ Sương một cái rồi cúi đầu xuống. Cam Đường cũng đỏ mặt lên. Chàng tưởng dự tiệc cho xong chuyện để cáo từ, ngờ đâu Tư Đồ Sương lại bày trò thế này.

Nếu hai người đón lấy chén rượu tức là biểu lộ mối tình cảm với nhau.

Dĩ nhiên Tôn Quỳnh Giao muốn lắm, nhưng vì giữ thói tự tôn của người thiếu nữ, nàng vẫn ngồi yên. Còn Cam Đường thì hoàn toàn có cảm giác tương phản, vì trong lòng chàng đã có Lâm Vân, nên chàng cũng ngồi ngẩn mặt ra không nhúc nhích.

Thế này mới thật khó cho Tư Đồ Sương. Nàng đã đứng lên rồi thì khó mà ngồi xuống.

Cam Đường ngẫm nghĩ một lúc rồi nâng chén rượu lên nói:

- Tại hạ mấy lần chịu ơn cô nương tiếp tay, thịnh đức đã ghi sâu vào phế phủ.

Rượu kính của cô nương tại hạ phải mời cô nương trước. Vậy chúng ta cùng cạn chén.

Chàng nói xong ngửa cổ lên uống cạn chén rượu rồi ngồi xuống.

Tư Đồ Sương không sao được cũng đành uống chén rượu đó.

Cam Đường lại đón lấy hồ rượu trong tay ả thị tỳ, tự rót một chén rồi giơ lên nói:

- Tôn cô nương! Tại hạ không dám dùng lời nói của kẻ phàm tục tiết mạn tai cô nương, chỉ muốn mượn hoa dâng kính Phật, mời cô nương một chén để tỏ lòng thành.

Chàng không chờ đối phương phản ứng, uống một hơi cạn sạch chén rượu và ngồi ngay xuống.

Tôn Quỳnh Giao lặng lẽ thở dài, nàng cũng đứng lên uống rượu rồi ngồi xuống.

Tiệc rượu chỉ qua loa một chút là xong. Cam Đường đứng lên cáo từ:

- Tôn cô nương! Tại hạ chịu ơn nặng đã nhiều, nhưng mong có ngày báo đáp. Bây giờ tại hạ xin tạm biệt.

Tôn Quỳnh Giao hai mắt đỏ hoe, cố nở một nụ cười nói:

- Thiếu hiệp! Bèo mây chưa biết đến ngày nào gặp gỡ. Nhưng mong hậu hội hữu kỳ.

Cam Đường vái chào rồi lật đật trở về phòng. Chàng biết rằng nếu không mau mau rời khỏi nơi đây thì khó lòng giữ mối tình cảm khỏi phát sinh. Chàng soi gương xốc áo, cất bình thuốc cùng gói châu báu của mẫu thân tặng cho vào bọc.

Cam Đường toan ra đi thì bóng người thấp thoáng. Tư Đồ Sương đã xuất hiện trong phòng. Nàng vẫn giữ vẻ mặt lạnh như tiền.

Cam Đường miễn cưỡng nói:

- Tư Đồ cô nương! Cảm phiền cô nương dẫn đường cho.

Tư Đồ Sương lạnh lùng đáp:

- Thiếu hiệp vội đến đâu thì vội, nhưng cũng không phải vội vàng trong một chốc lát. Trời sắp tối rồi.

- Tại hạ lòng nóng như lửa đốt.

- Sáng mai hãy đăng trình được không?

- Cái đó... tại hạ xin tuân mệnh cô nương.

- Vậy thiếu hiệp hãy ngồi xuống đây để tiểu tỳ nói câu này.

Hai người ngồi xuống rồi, ả tiểu tỳ thắp đèn lên, Cam Đường nóng nảy:

- Cô nương còn muốn dạy điều chi?

Tư Đồ Sương ngưng thần nhìn Cam Đường một lúc, hỏi:

- Có lẽ thiếu hiệp chưa hiểu tâm ý công chúa?

Cam Đường nhăn nhó cười đáp:

- Tại hạ không dám giấu gì cô nương. Tại hạ lấy làm vinh hạnh được lọt vào mắt xanh của Tôn cô nương, trong lòng cảm kích vô cùng. Nhưng...

- Sao?

- Tại hạ không thể phụ lòng biểu thư Lâm Vân được.

- Thiếu hiệp đã nói là không yêu y kia mà?

- Cái đó thiệt khó mà giải thích được. Trước kia giữa tại hạ và biểu thư có sự hiểu lầm, sau tại hạ lại bị Tây Môn Tung lừa bịp, nên lòng đã nguôi lạnh như tro tàn. Nhưng bây giờ tình thế không giống trước nữa.

- Tình yêu giữa nam nữ không thể miễn cưỡng được. Nhưng có điều cần nói rõ cho thiếu hiệp biết là sau khi thiếu hiệp bị trọng thương, chính công chúa đã ẵm thiếu hiệp về đây, lại đặt thiếu hiệp vào trong khuê phòng. Tâm ý y như vậy thiếu hiệp có biết chăng? Đã đành thân gái võ lâm không câu nệ tiểu tiết, nhưng địa vị của công chúa khác người thường. Vậy đó là một hy sinh rất lớn.

Cam Đường toát mồ hôi lạnh, không biết nói thế nào.

Tư Đồ Sương vẻ mặt nghiêm trọng lạnh lùng, nàng buồn rầu nói tiếp:

- Tệ công chúa là người rất hiểu biết, y không muốn có hành động vô ý thức để tranh thủ lấy mối tình của thiếu hiệp.

- Tại hạ... thật lấy làm hối hận với Tôn cô nương.

- Nhưng...

- Nhưng làm sao?

- Tệ công chúa bề ngoài rất nhu thuận mà bề trong lại rất cương quyết. Kiếp này y nhất định không thờ người khác nữa rồi. Mối hạnh phúc của y thế là đành bỏ tại Trung Nguyên.

Cam Đường run lên bần bật, chàng biết là tình hình nghiêm trọng lắm rồi, không phải chỉ mấy câu xin lỗi mà xong. Chàng đâm ra sợ hãi luống cuống. Trước là Lâm Vân, bây giờ là Tôn Quỳnh Giao cũng một tấm tình si và chàng đều đã chịu ơn nghĩa rất nặng. Cả hai nàng cùng đi vào một bánh xe. Mồ hôi trán chàng nhỏ xuống, tâm thần chàng rối loạn.

Tình trạng này không qua mắt Tư Đồ Sương, nàng lạnh lùng nói:

- Thiếu hiệp bất tất phải bận tâm. Sau này cơ hội còn nhiều, thiếu hiệp sẽ bình tĩnh mà nghĩ kỹ lại. Tiểu tỳ nói đến đây là hết. Xin mời thiếu hiệp đi nghỉ.

Cam Đường thở phào một cái. Chàng nghĩ thầm:

- Tôn Quỳnh Giao vào Trung Nguyên là để dò la hành tung Cô Tổ Mẫu nàng tức là Âm Ty Công Chúa, đồng thời để tìm kiếm pho “Thượng Nguyên Bảo Lục” của phái Đông Hải bị mất cắp. Giả tỷ mình hoàn thành được tâm nguyện cho nàng thì cũng là một cách đền ơn.

Nhưng chàng chỉ nghĩ trong bụng chứ không nói ra vì chàng không chắc mình sẽ làm được.

Cam Đường chợt nhớ tới di thể Thập Ngũ muội, chàng cần phải làm đúng theo di ngôn của nàng mà an táng cho xong việc, không thể quàn ở đây mãi được.

Nghĩ vậy chàng liền nói:

- Tại hạ muốn nhờ cô nương phái người giúp cho một việc.

Tư Đồ Sương đã trở gót, nghe chàng nói vậy liền quay lại hỏi:

- Việc gì? Xin thiếu hiệp cứ cho hay.

- Tại hạ hy vọng cô nương cho người mua giùm một cỗ xe song mã lớn.

- Thiếu hiệp mua xe ngựa làm chi?

- Tại hạ đưa di thể vị ân nhân đi mai táng ở một nơi mà người đã chỉ định.

- Ồ! Tiểu tỳ tưởng mướn xe cũng được rồi.

- Giang hồ phong vũ bất thường. Tại hạ không muốn để ân nhân chết rồi di thể còn bị lôi thôi, nên muốn tự mình làm lấy hết.

- Được rồi... cái đó dễ lắm, tại hạ bảo người mua ngay.

- Tại hạ lại nhờ cô nương từ tạ Tôn cô nương giùm cho. Sáng sớm mai tại hạ đi ngay, không đến cáo biệt nữa.

Tư Đồ Sương nhìn Cam Đường một lát rồi gật đầu nói:

- Được rồi! Tiểu tỳ sẽ nói lại, nhưng hy vọng thiếu hiệp ra đi mà tình hữu nghị không phai lạt. Xin thiếu hiệp nghĩ kỹ.

Cam Đường đáp bằng một giọng buồn thảm:

- Tại hạ xin ghi nhớ.

* * * Hôm ấy trời chưa quá ngọ, một cỗ xe song mã đi thẳng vào quãng rừng thưa đối diện với hang Đại Phật rồi dừng lại. Cỗ xe bao phủ bụi cát vàng, tỏ ra vừa trải qua một phen dong ruổi đường trường.

Mui xe hạ xuống, một bộ mặt phong trần lộ ra, chính là Cam Đường. Chàng chẳng quản ngàn dặm xa xôi đưa linh cửu ân nhân là Thập Ngũ muội về đây mai táng.

Bốn bề cảnh vật vẫn như xưa, này hoang dã, này rừng thưa, này khói mờ, này cỏ rậm. Xa xa nhìn sang hang Đại Phật vẫn y nguyên. Chỗ cửa hang nổ sập hãy còn in dấu vết. Ngay bên mình chàng, ngôi mả Thập Ngũ muội tự đào ra ngay đã cỏ mọc xanh om. Tấm bia mộ còn nguyên những dòng chữ viết. Thế mà tên họ cùng lai lịch Thập Ngũ muội vẫn ở trong vòng bí mật.

Trước kia tại sao nàng chọn nơi đây để tự sát? Tấm bia mộ nàng tự khắc chữ vào bao hàm một chuyện thê thảm kinh người. Câu chuyện ấy thế nào?

Cam Đường nhớ tại lúc đó có một gã võ sĩ trung niên mà Thập Ngũ muội kêu bằng tứ ca. Muốn hiểu biết vụ bí mật này phải tìm đến “tứ ca”, và gã dĩ nhiên là một đệ tử của Ngọc Điệp Bảo. Nhớ tới Ngọc Điệp Bảo chàng lại căm hận Tây Môn Tung.

Cam Đường tạm thời dẹp lửa giận xuống mở rèm xe ra...

- Úi chao!

Chàng la hoảng một tiếng thất thanh rồi lùi lại luôn mấy bước.

Trong xe, một người nằm trên quan tài Thập Ngũ muội. Bản lãnh của Cam Đường mà không phát giác ra có người chui vào trong xe lúc nào thì người đó thật là nhân vật phi thường.

Chàng cất tiếng hỏi:

- Ông bạn trong xe là cao nhân phương nào?

- Bản tòa đây mà!

Cam Đường nghe thanh âm rất quen. Một người to sù vén màn bước ra. Cam Đường nhìn thấy cười dở mếu dở. Người đó chính là thủ tòa trưởng lão Nam Cung Do, biệt hiệu là Vô Danh lão nhân.

Cam Đường nói:

- Tưởng ai té ra là Nam Cung trưởng lão.

- Thiếu chủ kinh hãi lắm phải không?

- Trưởng lão lên xe từ hồi nào?

Nam Cung Do cười đáp:

- Từ tối hôm qua, lúc thiếu chủ đi ăn cơm.

- Ồ! Trưởng lão đến đây có điều chi dạy bảo?

- Thái phu nhân rất lo lắng, không hiểu vì sao thiếu chủ không tham dự Sinh Tử đại hội.

Cam Đường hậm hực kể lại những chuyện đã qua.

Nam Cung Do chăm chú nghe Cam Đường thuật chuyện rồi nói:

- Hành động này của Tây Môn Tung thật là ác độc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.