If I Stay (Nếu Em Ở Lại)

Chương 14: Chương 14




[14] 2:48 A.M

Cơ thể tôi được chuyển trở về nơi khởi đầu, trở về ICU. Tôi đã ngồi đây một lúc lâu, quá mệt mỏi để di chuyển. Tôi ước rằng mình có thể ngủ, tôi ước rằng có một loại thuốc gây mê nào đó cho tôi, hoặc chí ít cũng là thứ khiến thế giới này câm lặng. Tôi muốn giống như thân thể của mình, im lìm và bất động, như đất nặn trong bàn tay những người khác. Tôi không có sức lực cho quyết định này. Tôi không muốn nó nữa. Tôi gào lên. Tôi không muốn nó. Tôi nhìn quanh ICU, cảm thấy thật lố bịch. Tôi ngờ rằng những người khác hôn mê trong phòng này cũng đang rùng mình khiếp sợ khi phải ở đây.

Cơ thể tôi không rời khỏi ICU quá lâu. Vài tiếng cho ca phẫu thuật. Một khoảng thời gian ngắn trong phòng hồi sức. Tôi không biết chính xác chuyện gì đã xảy đến với mình, và lần đầu tiên trong ngày hôm nay, tôi thật sự không quan tâm. Tôi chẳng cần quan tâm, tôi chẳng cần dồn sức vào nó. Giờ đây tôi đã nhận ra chết dễ như thế nào. Sống mới khó.

Tôi quay lại với chiếc máy thở, và một lần nữa lại có miếng băng dán trên mắt tôi. Tôi vẫn không hiểu tác dụng của miếng băng đó, phải chăng các bác sĩ sợ rằng tôi sẽ tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật và phát hoảng vì đống dao kéo hay máu me? Như thể những thứ đó có thể khiến tôi bối rối vậy. Hai y tá, người được phân công chăm sóc tôi và cô Ramirez, tiến đến giường tôi để kiểm tra tất cả chỗ máy móc. Họ liệt kê từng đoạn điệp khúc số đã quen thuộc với tôi như chính tên của tôi vậy: Áp huyết, lượng oxi trong máu, tần số hô hấp. Cô y tá Ramirez trông như một con người hoàn toàn khác so với người đến đây buổi chiều hôm qua. Lớp trang điểm bị nhòe đi và tóc cô ấy duỗi hơn, tưởng như cô ấy có thể ngủ đứng được. Chắc ca làm của cô ấy sắp kết thúc. Tôi sẽ nhớ cô ấy, nhưng tôi cũng mừng rằng cô ấy có thể rời khỏi tôi, tránh xa nơi này. Tôi cũng thích được rời đi. Tôi nghĩ tôi sẽ rời đi. Tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian để tìm cách ra khỏi đây.

Tôi trở lại chiếc giường của mình chưa đến mười lăm phút thì Willow xuất hiện. Cô ấy bước qua cánh cửa đôi và tiến đến nói chuyện với y tá phía sau bàn trực. Tôi không nghe thấy cô nói gì, nhưng tôi nghe được giọng điệu của cô: Lịch sự, nhẹ nhàng, nhưng không khoan nhượng. Vài phút sau khi cô rời khỏi phòng, có sự thay đổi trong ca trực. Giờ Willow sẽ phụ trách. Bà y tá gắt gỏng lúc đầu sửng cồ lên, như muốn nói người cô ả này là ai mà dám sai bảo tôi? Nhưng rồi bà ta có vẻ từ bỏ, giơ tay lên đầu hàng. Đúng là một buổi tối điên khùng. Ca làm việc sắp kết thúc.

Sao phải băn khoăn chứ? Sớm thôi, tôi và tất cả sự ồn ã của tôi, những vị khách quá khích sẽ là mối lo của một người khác.

Năm phút sau, Willow trở lại, dẫn Gran và Gramps theo sau. Willow đã làm việc cả ngày và giờ cô ở đây suốt đêm. Tôi biết cô thường không có đủ giấc ngủ cho một ngày. Tôi từng nghe mẹ chia sẻ cho cô ấy vài kinh nghiệm để dỗ đứa bé ngủ suốt đêm.

Tôi không biết trông ai tệ hơn, tôi hay ông Gramps. Má của ông tái lại, nước da trông xám xịt và mỏng như giấy, mắt ông đầy tơ máu. Gran, hoàn toàn trái ngược, trông vẫn như Gran của bình thường. Không có dấu hiệu của suy sụp hay nước mắt trên gương mặt bà. Giống như sự kiệt sức chẳng dám trêu vào bà vậy. Bà hối hả tiến đến giường tôi.”Chắc chắn hôm nay cháu đã cho ông bà leo lên một chuyến tàu lượn siêu tốc,“ Gran khẽ khàng nói. “Mẹ cháu luôn bảo rằng thật khó tin khi cháu là một cô bé ngoan ngoãn như thế, bà vẫn nhớ mình đã đáp lại, 'Cứ chờ đến lúc con bé dậy thì xem.' Nhưng cháu đã chứng minh rằng bà sai. Kể cả khi đó cháu cũng hời hợt như gió ấy. Chưa bao giờ gây phiền phức cho chúng ta. Chưa bao giờ là kiểu thiếu nữ khiến trái tim bà chạy đua vì sợ hãi. Nhưng hôm nay cháu đã làm một cú để đời rồi.”

“Nào, nào,“ Gramps nói, đặt một tay lên vai bà.

“Ồ, tôi chỉ đùa thôi. Mia sẽ hưởng ứng nó. Con bé có khiếu hài hước, mặc dù bình thường trông con bé khá nghiêm túc. Một trò hài hước tinh quái, lần này thôi.”

Gran kéo cái ghế sang cạnh giường tôi và bắt đầu chải tóc tôi bằng những ngón tay của mình. Ai đó đã gội đầu cho tôi, vì thế, dù nó không sạch hoàn toàn, nó cũng không dính bết máu. Gran gỡ những đoạn rối trên phần tóc mái của tôi, nó đã dài đến cằm. Tôi luôn để mái bằng, rồi lại nuôi dài. Đó là cách làm đẹp cơ bản nhất tôi có thể thực hiện cho bản thân. Bà vẫn chăm chú, kéo tóc tôi khỏi bị gối đè và để nó rủ xuống ngực, che khuất một vài dây ống đang cắm vào người tôi. “Đấy, tốt hơn nhiều rồi,“ bà bảo. “Cháu biết không, hôm nay bà ra ngoài đi dạo, cháu sẽ không bao giờ đoán được bà đã thấy gì đâu. Một con chim sẻ mỏ chéo. Ở Portland vào tháng hai. Kể ra, nó thật kỳ lạ. Bà nghĩ đó là Glo. Bà ấy luôn dành một tình cảm âu yếm dành cho cháu. Bà ấy nói rằng cháu gợi nhắc bà ấy về bố cháu, bà ấy rất quý cậu chàng. Lần đầu tiên bố cháu cắt kiểu đầu mào gà điên rồ, bà ấy đã ném bố cháu vào một đám tiệc tùng. Bà ấy yêu sự nổi loạn của bố cháu, thật phá cách. Bà ấy không biết rằng bố cháu không thể chịu nổi mình. Bà ấy đến thăm chúng ta một lần khi bố cháu khoảng năm sáu tuổi, mặc một cái áo lông chuột. Đó là trước khi bà ấy sa đà vào quyền lợi của động vật, pha lê và những thứ đại loại thế. Cái áo bốc mùi kinh khủng, như băng phiến, hay tấm vải lanh cũ kĩ chúng ta cất trong cái rương trên gác mái, và bố cháu gọi bà ấy là Bác-Mùi-Rương. Bà ấy không bao giờ biết chuyện đó. Nhưng bà ấy thích mê chuyện bố cháu chống đối bọn ta, hoặc bà ấy tự cho là thế, và bà ấy nghĩ cháu cũng phần nào nổi loạn khi trở thành một nghệ sĩ nhạc cổ điển. Mặc dù bà đã cố giải thích với bà ấy rằng không phải như thế, nhưng bà ấy chẳng thèm đếm xỉa. Bà ấy có phán đoán riêng của bản thân về mọi thứ, bà tin rằng chúng ta ai cũng vậy.”

Gran nói liến thoắng thêm khoảng năm phút nữa, cung cấp cho tôi vài thông tin hiện thời: Heather đã quyết định chị ấy muốn trở thành một thủ thư. Anh họ Matthew của tôi mua một cái mô-tô và cô Patricia không hài lòng về điều đó. Tôi từng nghe bà kể lể dài dòng như thế này trong khoảng vài giờ khi bà đang nấu bữa tối hoặc trồng hoa lan. Lắng nghe bà nói ngay lúc này, tôi gần như có thể hình dung ra cảnh tượng chúng tôi ngồi trong căn nhà kính của bà, nơi dù vào mùa đông vẫn có bầu không khí luôn luôn ấm áp, ẩm ướt, tỏa ra mùi mốc và ngai ngái như đất bồi với vài tia thoang thoảng mùi phân bón. Gran tự lấy phân bò, bà gọi chúng là kẹo bò, và trộn chúng với bổi để tạo ra loại phân bón của riêng mình. Gramps nghĩ rằng bà nên lấy bằng sáng chế công thức và bán nó, bởi vì bà bón nó cho đám hoa lan của mình, những chậu lan luôn giành được giải thưởng.Tôi cố đắm chìm vào âm điệu của Gran, để được thổi bay trong tiếng rủ rỉ hạnh phúc của bà. Đã có lúc tôi gần như thiếp ngủ khi ngồi trên chiếc ghế đẩu chân cao nơi quầy bếp lắng nghe bà nói, và tôi tự hỏi liệu hôm nay mình có thể làm như thế ở đây không. Giấc ngủ thật sự được ngóng đợi. Một chiếc chăm ấm áp để xóa nhòa tất cả mọi thứ. Ngủ không mộng mị. Tôi từng nghe mọi người nói về giấc ngủ ngàn thu. Liệu đó có phải cảm giác của cái chết không? Giấc ngủ vĩnh hằng tuyệt vời nhất, ấm áp nhất, say sưa nhất. Nếu cái chết là như vậy, tôi không chê đâu.

Tôi nhỏm người dậy, sự hoảng loạn đã hủy hoại bất kỳ sự xoa dịu nào mà Gran truyền cho tôi. Tôi vẫn chưa tường tận hoàn toàn về tình hình ở đây, nhưng tôi biết rằng một khi tôi cam kết rời đi, tôi sẽ đi. Nhưng tôi chưa sẵn sàng. Vẫn chưa. Tôi không biết vì sao, nhưng thật sự là vậy. Tôi hơi e sợ rằng nếu tôi suy ngẫm qua loa, tôi sẽ không ngại có một giấc ngủ vĩnh hằng, nó sẽ xảy đến và không thể thay đổi, giống cách ông bà từng cảnh báo tôi là nếu tôi làm mặt hề khi đồng hồ điểm giữa trưa, gương mặt tôi sẽ vĩnh viễn giữ trạng thái như vậy.

Tôi không biết liệu tất cả những người chết có được quyết định ở lại hay ra đi không. Có vẻ là không. Dù sao đi chăng nữa, bệnh biện này có đầy người bị bơm chất hóa học độc hại vào mạch máu hoặc trải qua những cuộc phẫu thuật kinh khủng để có thể ở lại, nhưng một số người kiểu gì cũng vẫn chết.

Bố và mẹ có quyết định không? Khó có khả năng họ đủ thời gian cho một quyết định quan trọng, và tôi không thể tưởng tượng việc họ lựa chọn bỏ lại tôi. Còn Teddy thì sao? Thằng bé có muốn theo bố và mẹ? Nó có biết tôi vẫn còn ở đây không? Kể cả nó biết, tôi cũng không trách nó đã lựa chọn rời đi và bỏ tôi lại. Nó còn bé. Nó hẳn rất sợ hãi. Hốt nhiên tôi hình dung ra cảnh thằng bé đơn độc và khiếp đảm, rồi lần đầu tiên trong đời, tôi hy vọng rằng Gran đã đúng về những thiên thần. Tôi ước nguyện họ đang quá bận rộn vỗ về Teddy nên không đến đây lo cho tôi.

Sao không để ai đó quyết định thay cho tôi? Sao tôi không được ủy quyền chết? Hoặc làm những gì một đội bóng chày làm khi trận đấu gần kết thúc, lúc họ cần một tay đập đáng tin để đưa các chàng trai về gôn nhà? Tôi không thể có một tay đập thay thế để đưa tôi về nhà sao?

Gran đã đi rồi. Willow đã đi rồi. ICU đang yên lặng. Tôi khép mắt. Khi tôi mở ra lần nữa, Gramps đã ở đây. Ông đang khóc. Ông không tạo ra bất kỳ âm thanh nào, nhưng những giọt nước mắt chảy xuống gò má ông, làm ướt cả khuôn mặt. Tôi chưa từng thấy ai khóc như thế này. Lặng lẽ mà thảm thiết, một cái vòi dưới mắt ông bất thình lình vặn ra. Nước mắt rơi xuống chăn của tôi, xuống mái tóc đã được chải mượt của tôi. Tách. Tách. Tách.

Gramps không lau mặt hay xì mũi. Ông cứ mặc cho những giọt nước mắt chảy xuống tự do. Rồi khi dòng chảy đau thương tạm thời khô cạn, ông tiến lên và hôn lên trán tôi. Trông ông giống như định rời đi, nhưng sau đó ông lại bất ngờ quay về mép giường tôi, cúi người kề mặt sát tai tôi, rồi thì thầm.

“Không sao cả,“ ông nói với tôi. “Nếu cháu muốn đi. Mọi người đều muốn cháu ở lại. Ông muốn cháu ở lại hơn mọi thứ ông từng mong ước trên đời này.” Giọng nói của ông rạn vỡ vì xúc cảm. Ông ngừng lại, hắng giọng, thở một hơi rồi tiếp tục. “Nhưng đó là những gì ông muốn và ông có thể hiểu vì sao đó có lẽ không phải những gì cháu muốn. Vì thế ông chỉ muốn nói với cháu là ông hiểu nếu cháu đi. Không sao cả nếu cháu muốn rời chúng ta. Không sao cả nếu cháu muốn ngừng chiến đấu.”Khoảnh khắc ban đầu khi nhận ra Teddy cũng đã rời đi, tôi cảm thấy điều gì đó như giải thoát. Tôi cảm thấy bản thân đang thở. Tôi biết Gramps không thể là tay đập thay thế được đưa vào phút cuối mà tôi mong đợi. Ông sẽ không rút ống thở của tôi hay cho tôi quá liều Moc-phin hay bất cứ điều gì tương tự. Nhưng đây là lần đầu tiên trong ngày có ai đó thừa nhận nỗi mất mát của tôi. Tôi biết cô nhân viên xã hội đã cảnh báo Gran và Gramps đừng làm tôi buồn, nhưng sự thừa nhận của Gramps và sự cho phép mà ông vừa đưa ra giống như một món quà vậy.

Gramps không rời khỏi tôi. Ông quay về chỗ ngồi trên ghế. Xung quanh rất yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức bạn gần như có thể nghe thấy giấc mơ của những người khác. Yên tĩnh đến mức bạn gần như có thể nghe thấy tôi nói với Gramps, “Cảm ơn ông.”

***

Khi mẹ đã sinh Teddy, bố vẫn chơi trống trong cùng ban nhạc ông đã gia nhập từ cao đẳng. Họ phát hành vài đĩa CD, đi tour mỗi mùa hè. Ban nhạc không nổi tiếng lắm, nhưng họ có người hâm mộ ở vùng Tây Bắc và vài trường cao đẳng tại thành phố từ đây đến Chicago. Và, thật khó hiểu, họ có một nhóm fan ở Nhật Bản. Ban nhạc thường xuyên nhận được thư từ những thiếu niên Nhật Bản, nằn nì họ đến đó diễn, còn đề nghị lấy nhà bọn họ làm 'tụ điểm'. Bố luôn nói rằng nếu họ đi, ông sẽ đưa cả tôi và mẹ theo. Mẹ và tôi thậm chí còn học vài từ tiếng Nhật để đề phòng. Konnichiwa. Arigatou. Tuy thế, nó chưa bao giờ thành sự thật.

Sau khi mẹ tuyên bố bà có mang Teddy, dấu hiệu thay đổi đầu tiên là bố lên đường và lấy một cái bằng lái xe. Ở tuổi ba-mươi-ba. Ông đã cố nài mẹ dạy mình lái, nhưng bà quá thiếu kiên nhẫn, ông bảo thế. Bố quá nhạy cảm với lời chỉ trích, mẹ chỉ ra. Vì vậy Gramps kéo bố đi suốt các ngõ hẻm vắng người trong cái xe tải cỡ nhỏ của ông, như ông từng làm với những người anh em khác của bố, trừ việc tất cả bọn họ đã học lái xe từ thuở mười sáu.

Tiếp theo là sự thay đổi trong tủ quần áo, nhưng đó không phải điều mà bất kỳ ai trong chúng tôi nhận ra ngay tức khắc. Không phải là bỗng dưng một ngày ông lột chiếc quần bò đen ống côn và những chiếc áo phông in hình ban nhạc thay bằng bộ com lê. Nó tinh vi hơn. Đầu tiên là áo phông in hình ban nhạc bay qua cửa sổ để nhường chỗ cho một đống áo thun vải Rayon có khuy phong cách thập niên 50, những cái áo ông đã để mắt trên Goodwill cho tới khi chúng bắt đầu thành trào lưu và ông mua về từ những cửa hàng thời trang phục cổ hoa hoét. Sau đó là những chiếc quần bò được nhét vào thùng, trừ một cái đẹp hoàn hảo, màu xanh đen của hãng Levis, cái bố là lượt và mặc vào dịp cuối tuần. Những ngày khác ông ăn mặc gọn gàng, những chiếc quần âu ống đứng. Nhưng vài tuần sau khi Teddy ra đời, bố quẳng chiếc áo khoác da của mình đi - chiếc áo khoác mô-tô cũ kỹ quý giá có kèm chiếc thắt lưng da báo bị sờn - cuối cùng chúng tôi cũng nhận ra một sự lột xác toàn diện đang được thực thi.

“Này, cậu không thể nghiêm túc thế được,“ chú Henry nói khi bố đưa cho chú cái áo khoác. “Cậu đã mặc cái này từ hồi còn bé tí. Thậm chí nó còn bốc mùi của cậu.”

Bố nhún vai, kết thúc cuộc trò chuyện. Sau đó ông quay đi bế Teddy, thằng bé đang gào khóc trong cái nôi đẩy của mình.Vài tháng sau, ông tuyên bố mình sẽ rời ban nhạc. Mẹ bảo ông không cần làm thế vì bà. Bà nói rằng sẽ chẳng sao nếu ông vẫn chơi nhạc nhưng không đi tour liền tù tì vài tháng, để mặc bà một mình với hai đứa nhỏ. Bố khuyên bà đừng lo, ông không rời ban nhạc vì bà.

Những người bạn cùng nhóm nhạc của bố dễ dàng chấp nhận quyết định của ông, nhưng chú Henry thì làm rối lên. Chú cố gắng thuyết phục bố ở lại. Hứa hẹn rằng họ sẽ chỉ chơi nhạc trong thành phố, không đi tour nữa. Cùng lắm chỉ chơi qua đêm. “Chúng ta thậm chí có thể mặc com lê chơi nhạc. Chúng ta sẽ trông như Rat Pack. Diện kiểu Sinatra. Thôi nào anh bạn,“ Henry viện lý lẽ.

Khi bố từ chối suy nghĩ lại, giữa bố và chú Henry có một vụ xung đột lớn. Henry quá bực tức bởi bố đơn phương rời ban nhạc, đặc biệt là khi mẹ nói rằng ông vẫn có thể biểu diễn. Bố xin lỗi chú Henry, nhưng ông đã quyết định. Trong khoảng thời gian đó, ông đã điền xong đơn xin nhập học vào một trường chính quy. Ông dự định trở thành giáo viên. Không lang thang vơ vẩn nữa. “Rồi một ngày cậu sẽ hiểu,“ bố nói với Henry.

“Chết tiệt đi nếu tôi hiểu,“ Henry phản pháo.

Vài tháng sau đó Henry không nói chuyện với bố. Cô Willow thỉnh thoảng sẽ xuất hiện, đóng vai trò người hòa giải. Cô giải thích với bố rằng Henry chỉ đang thu xếp một vài thứ. “Cho anh ấy thời gian,“ cô nói, còn bố giả đò như mình không hề tổn thương. Rồi cô ấy và mẹ sẽ uống cà phê trong bếp và trao nhau nụ cười thấu hiểu như muốn nói: Đàn ông thật đúng là trẻ con.

Rốt cuộc chú Henry cũng xuất hiện trở lại, nhưng chú không xin lỗi bố, dù sao đi nữa không phải ngay lập tức. Nhiều năm sau, một thời gian ngắn sau khi con gái của chú ra đời, Henry rưng rưng nước mắt tới nhà tôi vào một buổi tối. “Tớ hiểu rồi,“ chú bảo bố.

Khá là kỳ quặc, theo vài cách nào đó Gramps có vẻ khó chịu với sự lột xác của bố cũng như chú Henry. Có lẽ bạn sẽ nghĩ ông thích con người mới của bố. Về mặt ngoài, ông và Gran có vẻ cổ hủ, như sự bồi đắp của thời gian. Họ không dùng máy tính hay truyền hình cáp, họ không bao giờ chửi thề và có điều gì đó ở họ khiến bạn muốn trở nên lịch thiệp. Mẹ, người thường chửi rủa như một gã gác tù, chưa bao giờ chửi thề trước mặt Gran và Gramps. Dường như không ai muốn khiến họ thất vọng.

Gran choáng váng về sự thay đổi về phong cách của bố. Nếu mẹ biết rằng mấy thứ này sẽ quay về thành mốt, mẹ sẽ giữ lại đống com lê cũ của Gramps, Gran nói vào một chiều chủ nhật khi chúng tôi ghé qua ăn trưa, bố cởi áo choàng ngoài ra và để lộ cái quần sợi len cừu và chiếc áo cardigan thập niên 50.

“Nó không quay về thành mốt. Punk đã trở thành mốt, nên con nghĩ đây lại là kiểu nổi loạn riêng của con trai mẹ,“ Mẹ nói với một nụ cười mỉa. “Bố của ai là kẻ nổi loạn ấy nhỉ? Có phải bố con là kẻ nổi loạn không?” Mẹ ê a nói khiến Teddy rúc rích vui sướng.

“Chà, chắc chắn là trông nó bảnh bao hơn,“ Gran nhận xét. “Anh có nghĩ thế không?” bà hỏi, quay sang Gramps.

Gramps nhún vai. “Với anh thì trông nó lúc nào cũng ổn. Tất cả con cháu đều thế.” Nhưng trông ông hơi buồn khi nói vậy.Vào buổi chiều muộn, tôi ra ngoài với Gramps để giúp ông nhặt củi. Ông cần chẻ thêm củi, thế nên tôi ngắm ông cầm một cái rìu đến chặt một cây tổng quán sủi khô quắt.

“Gramps, ông không thích quần áo mới của bố cháu ạ?” tôi hỏi.

Gramps dừng tay bổ rìu. Sau đó ông nhẹ nhàng đặt nó xuống chiếc ghế dài tôi đang ngồi. “Ông thấy quần áo mới của bố cháu khá được, Mia,“ ông đáp.

“Nhưng nhìn ông buồn bã khi Gran nói về nó.”

Gramps lắc đầu. “Cháu không bỏ lỡ điều gì phải không? Kể cả khi cháu chỉ có mười tuổi.”

“Không dễ dàng bỏ lỡ điều đó đâu ạ. Khi ông cảm thấy buồn, ông tỏ ra buồn.”

“Ông không buồn. Bố cháu có vẻ vui mừng và ông nghĩ bố cháu sẽ trở thành giáo viên tốt. Sẽ có những đứa trẻ may mắn được học Đại gia Gastby với bố cháu. Chỉ là ông sẽ nhớ âm nhạc thôi.”

“Âm nhạc ạ? Ông chưa bao giờ xem bố cháu biểu diễn mà.”

“Tai không ông tốt lắm. Từ chiến tranh. Tiếng ồn sẽ gây đau đớn.”

“Ông nên đeo tai nghe ôm đầu. Mẹ cháu bảo cháu làm như vậy. Tai nghe dạng nút sẽ rơi ra.”

“Có lẽ ông sẽ thử. Nhưng ông luôn nghe nhạc của bố cháu. Bật âm lượng nhỏ. Ông thừa nhận mình không quan tâm đến mấy thứ ghita điện đó. Không phải sở thích của ông. Nhưng ông vẫn ca tụng âm nhạc, đặc biệt là ngôn từ. Khi còn ở tuổi cháu, bố cháu từng viết nên những câu chuyện tuyệt vời. Bố cháu ngồi xuống chiếc bàn nhỏ của mình để viết, rồi đưa nó cho Gran đánh máy, sau đó bố cháu sẽ vẽ tranh. Những mẩu chuyện vui về động vật, nhưng thực tế và thông thái. Luôn gợi ông nhớ đến một quyển sách về một con nhện và một con heo - tên nó là gì nhỉ?”

“Mạng nhện của Charlotte ạ?”

“Đúng thế. Ông luôn nghĩ lớn lên bố cháu sẽ trở thành một nhà văn. Và theo một cách nào đó, ông luôn cảm thấy bố cháu đã như vậy. Những ngôn từ bố cháu viết trong âm nhạc của mình, đó là những vần thơ. Cháu đã bao giờ tỉ mỉ lắng nghe những gì bố cháu hát chưa?”

Tôi lắc đầu, đột nhiên cảm thấy xấu hổ. Tôi còn không biết rằng bố viết lời bài hát. Bố không hát nên tôi cứ tưởng rằng người hát chính mới viết lời. Nhưng tôi từng thấy ông ngồi trên bàn bếp với một cái ghita và quyển tập hàng trăm lần. Tôi chỉ chưa bao giờ kết nối chúng lại với nhau.

Tối đó khi chúng tôi về đến nhà, tôi vào phòng mình với CD của bố và một cái Discman. Tôi kiểm tra phần ghi chú của đĩa nhạc để xem bài nào do bố viết rồi cẩn thận sao chép lại lời bài hát. Chỉ sau khi nhìn thấy những dòng viết tháu trên quyển sách khoa học của mình, tôi mới hiểu ý của Gramps. Lời bài hát của bố không chỉ là thơ. Chúng còn là những thứ khác. Có một bài hát tên là 'Chờ đợi sự báo thù' mà tôi đã nghe hết lần này tới lần khác cho tới khi thuộc lòng. Nó nằm trong album thứ hai và là bài hát nhịp chậm duy nhất họ từng diễn, nó nghe như nhạc đồng quê, có lẽ khởi nguồn từ sự mê đắm ngắn ngủi của chú Henry với dòng nhạc punk đồng quê. Tôi nghe nó nhiều tới mức cất tiếng hát theo mà bản thân không tự hay biết.Ồ, cái gì đây?

Tôi đang đương đầu với cái gì?

Và hơn thế, tôi sẽ làm gì?

Giờ đây chỉ còn sự trống rỗng

Ở nơi đáy mắt bạn đã từng níu giữ ánh sáng

Nhưng đó đã từ rất lâu rồi

Từ đêm qua

Ồ, cái gì đây?

Tôi đang nghe thấy âm thanh gì vậy?

Nó là quãng đời của tôi, nó đang rít qua tai tôi

Khi tôi nhìn lại

Mọi thứ dường như nhỏ hơn cả sự sống

Con đường đã quá dài

Từ đêm qua

Giờ đây tôi đang rời bỏ

Bất kể thời khắc nào tôi cũng sẽ bước đi

Tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra

Tôi nghĩ bạn sẽ tự nhủ điều gì đã chệch hướng

Tôi không lựa chọn

Tôi chạy ra khỏi vòng chiến

Điều này đã được định đoạt từ rất lâu trước kia

Từ đêm qua...

“Con đang hát gì vậy, Mia?” Bố hỏi tôi, bắt gặp tôi đang ru Teddy khi tôi đặt thằng bé trong chiếc xe đẩy và đi quanh bếp, vẫy vùng trong tuyệt vọng để ru nó ngủ.

“Bài hát của bố ạ,“ tôi ngượng ngùng đáp, đột nhiên cảm thấy mình đã xâm phạm bất hợp pháp vào địa phận riêng tư của bố. Liệu có sai trái khi đi vòng quanh và ngâm nga bài hát của người khác mà chưa được cho phép không?

Nhưng bố trông rạng rỡ. “Mia của bố hát bài 'Chờ đợi sự báo thù' cho Teddy của bố. Con nghĩ gì về nó hả?” Bố nghiêng người tới để xoa đầu tôi và chọc vào cặp má phúng phính của Teddy. “Chà, đừng để bố hãm con lại. Cứ tiếp tục đi. Bố sẽ lo phần này,“ ông nói, tiếp nhận chiếc xe đẩy.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải hát trước mặt ông, vì thế tôi chỉ tiếp tục lẩm bẩm, nhưng rồi bố góp giọng và chúng tôi khe khẽ hát cùng nhau cho tới đi Teddy thiếp đi. Ông đặt một ngón tay lên môi nó và ra hiệu cho tôi theo ông vào phòng khách.

“Con có muốn chơi cờ vua không?” ông hỏi. Ông luôn cố gắng dạy tôi chơi, nhưng tôi nghĩ nó quá lao lực cho một trò chơi giả định.

“Cờ đam thì sao ạ?” Tôi hỏi.

“Được thôi.”

Chúng tôi chơi trong yên lặng. Khi đến lượt bố đi, tôi lén nhìn chiếc áo sơ mi cài khuy của ông, cố gắng nắm bắt hình ảnh đã phôi pha của một người đàn ông tóc vuốt keo và mặc áo khoác da.

“Bố?”

“Hmm.”

“Con có thể hỏi một câu không?”

“Luôn luôn.”

“Bố có buồn vì không chơi trong ban nhạc nữa không?”

“Không,“ ông đáp.

“Không một chút nào ạ?”

Cặp mắt xám của bố liếc nhìn tôi. “Chuyện này là sao nhỉ?”

“Con đã nói chuyện với ông Gramps.”

“Ồ, bố hiểu.”

“Bố hiểu?”

Bố gật đầu. “Gramps cho là bằng cách nào đó ông đã đặt sức ép lên bố để bố phải thay đổi cuộc đời mình.”

“Ồ, ông đã làm thế ạ?”

“Bố tin rằng ông đã gián tiếp làm vậy. Bằng chính con người ông, bằng cách để bố thấy thế nào là một người bố chân chính.”

“Nhưng bố là người một bố tốt khi chơi trong ban nhạc. Người bố tốt nhất. Con không muốn bố bỏ cuộc vì con,“ tôi nói, bỗng nhiên cảm thấy nghẹt thở. “Con cũng không nghĩ là Teddy muốn.”

Bố mỉm cười và vỗ tay tôi. “Mia Ú-Òa, bố không từ bỏ gì hết. Đó không phải là một mệnh đề có-và-cũng có. Dạy học hoặc âm nhạc. Quần bò hoặc com lê. Âm nhạc sẽ mãi mãi là một phần của cuộc đời bố.”

“Nhưng bố đã rời ban nhạc! Từ bỏ phong cách punk!”

Bố thở dài. “Không khó để thực hiện. Bố đã tiễn đưa phần đời đó rồi. Đã đến lúc. Bố còn không thèm nghĩ hai lần về chuyện đó, không như những gì Gramps và Henry phỏng đoán đâu. Trên cuộc đời này, đôi lúc con được quyền lựa chọn và đôi lúc những lựa chọn sẽ chọn con. Con có hiểu không?”

Tôi nghĩ về cello. Nhiều lúc tôi không hiểu vì sao mình lại say mê nó, như thể bất chợt một ngày nhạc cụ ấy đã lựa chọn tôi. Tôi gật đầu, mỉm cười, quay lại tập trung vào bàn cờ. “Lên vua,“ tôi nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.