Kẻ Đầu Tiên Phải Chết

Chương 3: Chương 3




Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi trước 8:30 phút một buổi sáng thứ hai vào tháng 6, một trong những buổi sáng mùa hè xám xịt và lạnh lẽo của thành phố San Francisco. Tôi bắt đầu một tuần tồi tệ, lướt qua những trang tạp chí Người New York cũ trong khi đợi bác sĩ tâm lý của tôi, Tiến sĩ Roy Orenthler, có thời gian tiếp tôi.

Tôi thường gặp Tiến sĩ Roy, như tôi vẫn thi thoảng gọi ông, ngay từ khi còn học chuyên ngành xã hội học tại trường Đại học San Francisco và tới nhờ ông kiểm tra mỗi năm một lần. Đó là thứ ba tuần trước. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông gọi tôi và yêu cầu tôi rẽ vào trước giờ làm việc ngày hôm nay.

Một ngày làm việc bận rộn đang chờ đón tôi: hai vụ kiện đang để ngỏ và một vụ cung tại tòa án quận. Tôi hy vọng có thể tới văn phòng lúc 9 giờ.

Cuối cùng, nhân viên lễ tân cũng gọi đến tôi:

- Cô Boxer, tiến sĩ muốn gặp cô.

Tôi theo chân cô nhân viên vào văn phòng của tiến sĩ.

Như lệ thường, Orenthler chào đón tôi với những câu chọc ngoáy cố ý về tính hài hước của cảnh sát đại loại như: “Nếu cô ở đây thì ai sẽ ở ngoài đường để đuổi bắt tội phạm?”

Tôi đã 34 tuổi, là trưởng thanh tra về nhóm tội phạm giết người của Phòng Tư pháp đã hai năm.

Tuy nhiên hôm nay ông có vẻ cứng rắn và chỉ nói một từ rất nghiêm trang: “Lindsay”. Ông ra hiệu cho tôi ngồi xuống cái ghế đặt chéo bàn làm việc của ông.

Cho tới lúc này, triết lý của tôi về các ngài tiến sĩ khá đơn giản: Khi họ nhìn bạn một cách bí hiểm, âu lo và bảo bạn ngồi xuống ghế thì có ba điều. Và chỉ một trong số đó là tin xấu. Họ sẽ yêu cầu bạn ra ngoài, chuẩn bị sẵn sàng để thông báo một vài tin xấu, hoặc vừa mới bỏ ra cả đống tiền để bọc lại đồ đạc trong phòng.

- Tôi muốn cho cô xem cái này – Orenthler bắt đầu. Ông cầm một tấm phim chiếu lên ánh sáng.

Ông chỉ vào một vài vết bẩn như những khối cầu ma quỷ nhỏ xíu theo dòng những cục tròn nổi nhỏ hơn.

- Đây là ảnh phóng to vết máu tôi lấy từ cô. Những cục to hơn là hồng cầu. Các tế bào máu đỏ.

- Chúng có vẻ rất hạnh phúc – Tôi lo lắng bông đùa.

- Đúng thế, Lindsay. Vấn đề ở chỗ, cô không có nhiều hồng cầu – Tiến sĩ nói mà chẳng nở một nụ cười.

Tôi nhìn chằm chằm vào mắt ông, hy vọng nó sẽ giãn ra và chúng tôi sẽ chuyển sang vấn đề gì đó kém quan trọng hơn, như “Tốt hơn là cô nên giảm thời gian làm việc đi Lindsay”.

Nhưng ông vẫn tiếp tục:

- Lindsay, đấy là một loại bệnh. Thiếu hồng cầu Negli. Rất hiếm gặp. Về cơ bản, nó có nghĩa là cơ thể cô không sản sinh ra hồng cầu nữa.

Ông cầm một bức ảnh lên:

- Hoạt động của máu bình thường sẽ như thế này.

Trong bức ảnh này, phần nền đen trông giống như điểm giao nhau giữa phố Market và Powel lúc 5 giờ chiều, cảnh tắc nghẽn thực sự của các khối cầu mãnh liệt và bị dồn nén. Những sứ giả tốc độ, đưa ôxy tới mọi bộ phận nuôi cơ thể.

Ngược lại, các khối cầu trong tôi trông đông đúc như một trụ sở chính trị sau hai giờ khi các ứng cử viên thừa nhận rằng mình thua.

- Bệnh này có thể chữa được phải không? – Tôi hỏi ông, đúng hơn là đang nói với ông.

- Có thể chữa được, Lindsay. Orenthler ngừng một lát rồi tiếp – Nhưng rất nghiêm trọng.

Một tuần trước tôi đến đây chỉ đơn giản bởi mắt tôi cứ gờn gợn và chảy nước mắt và tôi phát hiện thấy mình ra máu, rồi ngày nào cũng thế, đến ba giờ tôi đột nhiên cảm thấy như thể có vài gã quỷ lùn thiếu sắt trong người hút hết sinh lực của tôi. Tôi – một người của công việc ca kíp và 1 tiếng làm việc một ngày, nghỉ phép đổ dồn vào sáu tuần.

- Nghiêm trọng đến mức nào? – Giọng tôi như nghẹn lại.

- Hồng cầu có tầm quan trọng sống còn đối với quá trình hình thành hồng cầu trong tủy xương.

- Tiến sĩ Roy, đây không phải là sự tham chiếu về mặt y học. Tôi muốn hỏi chúng ta đang nói đến mức độ nghiêm trọng nào?

- Cô muốn biết điều gì, Lindsay? Chẩn đoán hay khả năng?

- Tôi muốn biết sự thật.

Orenthler gật đầu. Ông đứng dậy, đi vòng qua cái bàn và cầm tay tôi.

- Vậy đây là sự thật, Lindsay. Bệnh của cô rất hiểm nghèo.

- Hiểm nghèo ư? – Tim tôi ngừng đập. Cổ họng khô như một miếng da.

- Vấn đề sống còn đấy Lindsay.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.