“Xin thắt dây lưng lại.”
“Thế là chúng ta đã lên đường!” Dana vui vẻ nghĩ. Nàng nhìn Benn Alberson và Wally Newman, hai đồng sự của nàng trong chuyến đi này. Benn Alberson, phụ trách sản xuất băng cho Dana, là một người đàn ông râu ria đầy mồm, cực kỳ năng động, khoảng 40 tuổi. Anh đã làm một vài chương trình tin tức được xếp hạng nhất và rất được vị nể. Wally Newman, phụ trách quay camera, mới qua tuổi 50, vừa có tài, vừa rất nhiệt tình, luôn hăm hở đón nhận những công việc được giao.
Dana nghĩ về sự mạo hiểm mà họ sắp đối đầu. Họ sẽ hạ cánh xuống Paris rồi bay đi Zagreg, Croatia và cuối cùng là Sarajevo.
Trong tuần cuối ở Washington, Dana đã có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Shelley McGuire, trưởng ban biên tập phần tin nước ngoài.
“Cô cần có một chiếc xe phát sóng ở Sarajevo để chuyển bài của mình lên vệ tinh.” Mc Guire nói. “Chúng ta không có trạm vệ tinh tại đó nên sẽ phải thuê của công ty Yugoslavi. Nếu mọi việc xuôn sẻ, chúng tôi sẽ gửi một xe đến sau. Sẽ có nhửng cảnh cô phải trực tiếp có mặt ở trận địa đấy. Benn Alberson sẽ nói với cô anh ấy muốn gì. Cô sẽ chọn cảnh để quay và sau đó dựng phim, làm tiếng tại một phòng thu địa phương. Tôi tặng cô hai chuyên gia sản xuất và quay phim giỏi nhất của công ty đấy. Yên tâm, không có chuyện gì đâu.”
Dana sẽ nhớ như in những lời nói lạc quan đó.
Mười ngày trước khi Dana lên đường, Matt Baker gọi điện tới và bảo nàng đến văn phòng gặp ông ta ngay.
“Mình sẽ phải đến đó.” Dana gác máy với một linh cảm kỳ lạ, “ông ta đã thay đổi ý định và sẽ không cho mình đi nữa. Sao ông ấy lại có thể làm thế với mình? Mình sẽ bắn chết ông ta ngay.”
Mười phút sau, Dana bước vào văn phòng của Matt.
“Tôi biết ông sắp nói gì rồi”, nàng phủ đầu, “nhưng như thế là không hay đâu. Tôi sẽ đi! Tôi đã chờ đợi ngày này từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi hy vọng mình có thể làm được một việc gì có ý nghĩa ở đó. Ông đã cho tôi cơ hội để thử thách.” Nàng hít một hơi thật sâu. “ Thôi được, ông muốn nói gì đây?”
Matt Baker nhìn nàng và nói với vẻ trìu mến, “Bon voyage”.
Dana nhìn ông ta một cách ngạc nhiên. “Cái gì kia?”
“Bon voyage, tiếng Pháp có nghĩa là chúc chuyến đi tốt lành.”
“Tôi biết nó có ý nghĩa gì chứ. Nhưng tôi... không ngờ ông lại chúc tôi...”
“Tôi chúc cô điều đó vì tôi đã trò chuyện với một số phóng viên thường trú ở những nước có hoàn cảnh tương tự. Họ cho tôi một số lời khuyên để tôi chuyển đến cô...”
Dana không tin nổi vào tai mình nữa. Người đàn ông khô khan và thô lỗ này lại chịu mất thời gian và công sức đi hỏi kinh nghiệm của những phóng viên thường trú ở nước ngoài để mách bảo cho nàng ư?
“Tôi... Tôi không biết cám ơn ông...”
“Đừng có làm vậy”, ông nói nhanh, “cô sắp đi vào một nơi chiến sự. Không có nổi 1% đảm bảo là có thể tự bảo vệ được mình, bởi vì bom đạn thì không có mắt để tránh những người vô tội. Nhưng khi cô đang ở giữa một khung cảnh ác liệt, lượng adrenaline trong cô sẽ dâng cao. Cô có thể bị kích động, làm những điều ngu ngốc mà cô không bao giờ lường trước được. Cô phải chú ý đến điều này. Đừng lang thang ở những đường phố vắng lặng. Không có một tin tức giật gân nào giá trị bằng mạng sống của cô cả. Một điều nữa là...”
Những lời dặn dò kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói. “Thế đấy, bảo trọng lấy mình. Nếu có rủi ro gì xảy ra với cô, tôi sẽkhông thể tự than thứ cho mình được.”
Dana bước đến hôn lên má ông.
“Đừng có làm cái trò đó lần nữa đấy”, ông nạt nộ rồi đứng đậy. “Sẽ khốc liệt đấy, Dana ạ. Bất kỳ lúc nào muốn trở về, hãy báo tôi biết, tôi sẽ lo cho.”
“Tôi sẽ không đâu,” Dana nói với vẻ tự tin.
Sau này, nàng mới biết là mình nhầm.
Chuyến bay tới Paris không xảy ra chuyện gì. Họ hạ cánh ở sân bay Charles de Gaulle, rồi một chiếc xe nhỏ chở họ đến phòng chờ của hãng Hàng Không Croatia Airlines, trễ mất 3 tiếng đồng hồ. 10 giờ tối hôm đó, máy bay đáp xuống sân bay Butmir tại Sarajevo. Hành khách được đưa vào khu nhà bảo vệ, nơi họ bị những ngươì gác mặc quân phục kiểm tra hộ chiếu. Khi Dana đi ra gần đến cửa, một người đàn ông lùn tịt vẻ rất khó chịu, mặc đồ dân sự, chặn nàng lại. “Hộ chiếu đâu?”
“Tôi đã trình họ hộ...”
“Tôi là đại tá Gordan Divjak. Hộ chiếu của cô đâu?”
Dana đưa cho ông ta hộ chiếu cùng với tấm thẻ ưu tiên dành cho nhà báo.
Ông nhìn lướt qua. “Nhà Báo hả?” rồi ngửng lên nhìn nàng, cái nhìn sắc như dao cạo. “Cô đứng về phía nào?”
“Tôi chẳng ở bên nào cả”, Dana bật lên tự nhiên.
“Thế thì ghi chép phải cẩn thận đấy, chúng tôi không nhẹ tay với gián diệp đâu.” Đại tá Gordan Divjak răn đe trước.
ĐÓN CHÀO BẠN ĐẾN SARAJEVO!
Chiếc xe Land Rover lỗ chỗ vết đạn đang chờ họ ở sân bay. Lái xe là một chàng chỉ mới qua tuổi 20 một chút, khá vui tính. “Tôi là Jovan Tolj, tôi sẽ làm tài xế cho các vị ở Sarajevo này.”
Jovan nhấn nút ga, cho xe rẽ vào qua các khúc cua và phi như bay trên những phố vắng như thể đang bị săn đuổi.
“Xin lỗi”, Dana thấy lo lắng, “tại sao chúng ta phải vội vàng thế?”
“Là vì nếu chị muốn còn sống sót để đến khách sạn.”
“Nhưng...”
Đúng lúc đó, Dana nghe thấy những âm thanh rền vang như tiếng sấn từ xa, và có vẻ như đang tiến đến gần.
Tiếng động mà nàng nghe thấy đó không phải là sấm.
Trong bóng tối, Dana vẫn thấy được những tòa nhà sạt hết mặt tiền, những căn hộ không mái, những nhà hàng không còn cửa kính... Nàng đã thấy khách sạn Holiday Inn ở trước mặt. Phía trước khách sạn chỉ còn là một đống đổ nát. Một cái hô sâu, đen sì nằn chình ình trên đường vào. Chiếc xe lao qua cửa.
“Chờ chút, đây là khách sạn của chúng tôi”, Dana kêu lên, “Anh còn phóng đi đâu nữa?”
“Cửa trước nguy hiểm lắn,” Jovan nói. Anh cho xe rẽ vào một con đường nhỏ, “mọi người đều ra vào bằng cửa hậu.”
Môi Dana khô lại. “Ồ, ra thế à?”
Phòng chính của khách sạn Holiday Inn đầy những người đang túm tụm trò chuyện. Một người đàn ông Pháp còn trẻ trông khá hấp dẫn, tiến lại phía Dana.
“A, chúng tôi đang chờ chị đây. Chị là Dana Evans, đúng không?”
“Vâng.”
“Tôi là Jean Paul Hubert, phóng viên của M6 Métropole Télévision.”
“Rất vui được gặp anh. Đây là Benn Albertson và Wally Newman.” Mấy người đàn ông bắt tay nhau.
“Chào mừng các bạn đến với những gì còn sót lại của một thành phố đang nhanh chóng biến mất.”
Những người khác cũng tiến đến chào họ. Từng người một giới thiệu mình.
“Steffan Mueller, phóng viên Kabel Network.”
“Roderick Munn, BBC 2.”
“Marco Benelli, Italia I.”
“Akihiro Ishihara, TV Tokyo.”
“Juan Santos, Kênh 6, Guadalajara.”
“Chun Qian, Truyền Hình Thượng Hải.”
Dana cảm tưởng như tất cả các nước trên thế giới đều gửi phóng viên của mình đến đây. Màn giới thiệu tưởng như không bao giờ hết. Cuối cùng là một người đàn ông Nga, béo lùn, miệng nở nụ cười, để hởp lấp lánh mấy cái răng vàng.
“Nikolai Petrovich, Gorizont 22.”
“Có bao nhiêu phóng viên ở đây?” Dana hỏi Jean Paul.
“Khoảng hơn 250 người. Không có mấy trận chiến lại tập trung nhiều màu cờ sắc như thế này đâu. Đây là chuyến công tác đầu tiên của chị à?”
Giọng anh ta như kiểu đang bình luận về một trận tennis.
“Vâng.”
Jean Paul nói. “Nếu tôi giúp được gì thì cứ cho biết nhé.”
“Cám ơn,” nàng ngập ngừng, “thế cái gã đại tá Gordan Divjak ấy là ai vậy?”
“Chị không cần phải biết làm gì. Tất cả chúng tôi đều thấy hắn như một dạng Gestapo của phía Séc, nhưng không chắc lắm. Tôi khuyên chị nên tránh xa con người đó ra.”
“Tôi sẽ nhớ.”
Một lúc sau, khi Dana đã lên giường, bỗng có một tiếng nổ dữ dội ở gần ngay đó, rồi lại một tiếng nữa. Căn phòng rung lên bần bật. Có cái gì đó, như không thể hình dung được, nằm ngoài cả phim ảnh. Dana thức cả đêm, nằm nghe tiếng động của những cỗ máy giết người khủng khiếp và nhìn qua cửa sổ những luồng sáng vụt lóe ngang bầu trời.
Buổi sáng, Dana trở dậy, mặc vào người quần bò, ủng lính, áo jacket chống đạn. Nàng cảm thấy khá yên tâm, nhưng bỗng có tiếng của Matt vang lên trong đầu, “đừng coi thường những khu phố không người. Không tin tức giật nào bằng mạng sống của cô đâu.”
Dana, Benn và Wally gặp nhau tại phòng lớn của khách sạn, họ nói chuyện về gia đình. “Tôi quên chưa thông báo cho hai bạn một tin mừng của tôi.” Wally nói. “Tôi sẽ có cháu ngoại vào tháng tới.”
“Thật tuyệt vời.” Dana reo lên, rồi nàng nghĩ, “Không biết mình còn sống được đến lúc có con rồi có cháu không nhỉ? Thôi cái gì phải đén sẽ đến.”
“Tôi có một ý tưởng đây,” Benn nói, “Chúng ta sẽ làm chương trình đầu tiên về ngay những gì xảy ra ở đây, cho thấy cuộc sống của con ngườibị ảnh hưởng như thế nào. Tôi và Wally sẽ đi trinh sát địa điểm để ghi hình. Còn cô thì đi thuê giờ vệ tinh, được không Dana?”
“Được.”
Jovan đã đợi ở cửa, trong chiếc xe Land Rover, “Doboro Jutro, chúc buổi sáng tốt lành.”
“Xin chào, Jovan, tôi muốn đến nơi người ta cho thuê thời gian sử dụng vệ tinh.”
Xe lăn bánh, lần đầu tiên Dana có thể thoải mái ngắm nghía Sarajevo. Nàng có cảm tưởng rằng thành phố này không còn một ngôi nhà nào gọi được là lành lặn. Tiếng súng như không bao giờ ngớt.
“Họ không bao giờ dừng à?” Dana hỏi.
“Họ sẽ dừng khi nào hết đạn.” Jovan nói với vẻ tức giận, “mà họ thì không bao giờ hết đạn cả.”
Đường phố vắng tanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy một vài gã đồng tính dập dờ. Tất cả các hiệu cà phê đều đóng cửa. Vỉa hè bị cày xớikỹ kưỡng. Họ đi qua tòa nhà Oslobodjenje.
Jovan tự hào giới thiệu. “Đây là tòa báo của chúng tôi, bọn Séc cố phá hủy nó, nhưng không được.”
Vài phút sau, họ đến trung tâm vệ tinh, Jovan nói. “Tôi sẽ đợi chị.”
Đằng sau chiếc bàn đón tiếp ở cửa ra vào là một ông già chừng 80 tuổi. “Ông có nói được tiếng Anh không ạ?” Dana hỏi.
Ông già ngước nhìn nàng, khinh khỉnh. “Tối nói được 9 thứ tiếng, thưa cô, cô cần gì và thích nói bằng tiếng nước nào?”
“Tôi là phóng viên của WTE, tôi muốn thuê thời gian sử dụng vệ tinh và thương lượng về...”
“Lên tầng 3.”
Tấm bảng trên cửa viết “Trạm phân phối vệ tinh Yugoslavia.” Phòng chờ chật người, lố nhố đứng ngồi trên những thanh gỗ dài chống vào tường như ghế.
Dana len vào gặp cô gái trẻ tại bàn đón tiếp. “Tôi là Dana Evans, phóng viên của WTE, tôi muốn thuê thời gian sử dụng vệ tinh.”
“Xin mời chị ngồi, và đợi đến lượt mình.”
Dana nhìn quanh căn phòng. “Tất cả những người này là đều đến thuê thời gian sử dụng vệ tinh đấy ư?”
Cô gái ngửng lên nhìn Dana, đáp. “Đúng thế đấy.”
Phải đến gần 2 giờ sau Dana mới lê đến được phòng của người quản lý. Đó là một người đàn ông béo lùn, phì phèo điếu xì gà trên môi, trông rất giống những ông bầu phim ảnh Holywood khoảng giữa thế kỷ. Giọng nói của ông ta nghe rất nặng. “Tôi giúp được cô cái gì đây?”
“Tôi là Dana Evans, phóng viên truyền hình WTE. Tôi muốn thuê một trong những chiếc xe của ông và đặt trước thời gian để sử dụng vệ tinh, khoảng 30 phút thôi. Vào 6 giờ sáng, giờ ở Washington, liên tục tất cả mọi ngày.” Nàng dò xét thái độ của ông ta. “Có vấn đề gì không ạ?”
“Một thôi. Không có chiếc xe nào dành cho cô bây giờ cả. Tất cả đều đã được trước rồi. Tôi sẽ gọi điện cho cô nếu có ai hủy.”
Dana như không tin vào tai mình. “Không ư...? Nhưng tôi cần phải truyền về vệ tinh, tôi...”
“Những người khác cũng vậy, thưa cô. Trừ những người đã có xe riêng của họ.”
Dana quay lại phòng đón tiếp. Nó còn đông hơn ban nãy, chật kín người.
“Mình phải làm gì chứ nhỉ.” Nàng nghĩ.
Ngồi vào xe, Dana nói với Jovan. “Tôi muốn anh đưa tôi đi quanh thành phố.”
Chàng trai quay lại nhìn nàng rồi gật gù. “Nếu chị muốn.”
Chiếc xe lao đi như bay. “Làm ơn đi chậm lại được không, tôi muốn có một chút cảm nhận về nơi này.”
Sarajevo như một thành phố của thời kỳ đồ đá, không có điện, nước và cứ mỗi giờ trôi qua lại có thêm vài ngôi nhà bị bom phá hủy. Tiếng bom đạn thường xuyên đến nỗi người ta không buồn để ý đến nữa. Không khí tang tóc như bao trùm lấy toàn thành phố.
Hầu như góc phố nào cũng có những tốp người; đàn ông, đàn bà, và trẻ con, đủ cả, đang chia nhau nhúm thức ăn ít ỏi còn giữ được.
“Họ là những người chạy trốn khỏi Bosnia và Croatia,” Jovan giải thích, “đang cố kiếm lấy ít tiền để mua thức ăn.”
Lữa cháy ở khắp nơi. Không có bóng dáng của bất kỳ người chữa cháy nào.
“Không có đội xe cứu hỏa ở đây à?” Dana hỏi.
Jovan lắc đầu. “Có, nhưng không dám đến. Họ sẽ là những mục tiêu ngon lành đối phương.”
Lúc đầu, Dana cho rằng cuộc chiến Bosnia và Herzegovina cũng có một chút ý nghĩa nào đó. Nhưng chỉ sau một tuần ở Sarajevo, nàng đã nhận thấy rằng nó thật vô nghĩa, cái cuộc chiến tranh tương tàn này. Không ai có thể giải thích được nguyên do. Ai đó đã nhắc tới một giáo sư đại học, vốn là một sử gia nổi tiếng. Ông bị thương và đang nằm diều trị tại nhà. Dana quyết định tới gặp ông ta.
Jovan đưa nàng tới một trong những khu phố lâu đời nhất của thành phố. Giáo sư Mladic Staka người nhỏ bé, tóc đã bạc, vẻ hiểu biết hiện rõ trên gương mặt. Ông bị thương vào sống lưng và phải nằm bất động trên giường.
“Cám ơn cô đến thăm tôi,” ông nói, “những ngày này không mấy ai còn nghĩ tới chuyện thăm viếng nhau. Cô nói là cần nói chuyện gì với tôi?”
“Vâng, tôi đang làm một chương trình truyền hình về cuộc chiến này.” Dana trả lời. “Nhưng để nói lên sự thật, tôi cần phải hiểu nó đã.”
“Lý do rất đơn giản, cô gái ạ. Cuộc chiến này đã là điều không thể hiểu được rồi. Từ hàng thập kỷ nay, người Séc, người Croatia, người Bosnia và Hồi giáo từng sống hòa bình bên nhau, dưới thời Tito. Họ là bạn bè, là hàng xóm của nhau. Họ cùng lớn lên, cùng làm việc, cùng tới trường và lấy nhau.”
“Thế còn bây giờ?”
“Những người anh em ấy đang bắn giết nhau. Họ đã làm với nhau những việc mà tôi không thể nói ra được nữa.”
“Tôi có được nghe một vài chuyện,” Dana nói. Những chuyện nàng nghe được đó tưởngnhư không thể tin nổi: những hố chôn người tập thể, những đứa trẻ và bóp cổ, những người dân vô tội bị lùa vào nhà thờ rồi bị thiêu sống. “Bên nào bắt đầu trước?”
Vị giáo sư lắc đầu. “Điều này còn tùy thuộc vào việc cô hỏi người nào. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, hàng trăm nghìn người Séc, ở bên phía Allies, đã bị người Croatia giết, ở phía Nazis. Giờ đây, người Séc đang đòi nợ máu. Họ bắt giữ con tin và rất tàn bạo. Hàng trăm bức tường ở Sarajevo đã sập xuống. Ít nhất đã có 10 000 người bị chết và hơn 60 000 bị thương. Những người Bosnia và Hồi giáo cũng phải chịu trách nhiệm vì họ đã tham gia vào việc tra tấn và bắn giết. Rồi tất cả những người căm ghét chiến tranh cũng buộc phài lao vào cuộc. Người ta không còn biết tin vào cái gì nữa. Điều duy nhất mà họ còn là lòng hận thù, là những đám lửa lớn đang liên tục cháy, mà nhiên liệu của nó là xác những người dân vô tội.”
Khi Dana quay về khách sạn, chiều hôm đó, Benn Alberson đang chờ nàng, nói rằng họ đã có một chiếc xe phát sóng và thời gian là 6 giờ chiều mai.
“Tôi đã tìm được một chỗ lý tưởng để chúng ta ghi hình.” Wally Newman nói. “Đó là khu quảng trường với một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một nhà thờ Hồi giáo, một nhà thờ Tin Lành và một giáo đường Do Thái. Tất nhiên, riêng biệt nhau. Tất cả đều đã bị đánh bom. Cô có thể viết rằng ngay cơ bị hủy diệt là như nhau, và đó cũng là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với những người dân sống ở đây, những người không hề đón chào chiến tranh nhưng đang phải chịu đựng nó.”
Dana gật đầu, vui mừng “Tuyệt vời. Sẽ gặp lại nhau vào buổi tối. Tôi phải đi làm việc đây,” rồi nàng chạy về phòng.
Đúng 6 giờ tối hôm sau, Dana, Wally và Benn tụ họp tại quảng trường Benn đã nói đến hôm trước. Wally đặt camera trên chiếc giá 3 chân, còn Benn thì đang đợi tín hiệu nhận từ Washington. Tiếng súng ở đâu đó vẫn dội tới. Dana mừng vì trên mình đang khoác chiếc áo chống đạn. “Chẳng việc gì phải sợ. Họ sẽ không bắn chúng ta. Họ đang bắn nhau cơ mà. Họ cần chúng ta để nói cho thế giới biết về câu chuyện của họ.”
Dana nhìn thấy wally vẫy tay. Nàng hít một hơi thật sâu, nhìn vào ống kính camera, và bắt đầu. “Những ngôi nhà thờ bị trúng bom mà các bạn nhìn thấy ở sau lưng tôi là hình ảnh tiêu biểu cho những gì đang diễn ra tại đất nước này. Không còn một bức tường nào nguyên vẹn để che chở cho con người ở đây, không còn một chốn an toàn. Chỉ mới đây thôi, họ còn đến xưng tội tại nhà thờ của tôn giáo mình. Nhưng giờ đây, quá khứ, hiện tại và tương lai như đang hòa quyện vào nhau và...” Đúng lúc đó, Dana nghe thấy tiếng rít của một viên đạn. Nàng ngửng lên và thấy đầu của Wally vỡ ra, loang loáng đỏ, chắc là một thủ thuật của ánh sáng đây mà, nhưng khi nhìn lại, nàng thấy thân hình to lớn của ông đổ sập xuống vỉa hè. Dana lạnh toát người, không thể tin vào mặt mình. Tiếng la ầm ĩ vang lên.
Tiếng súng mỗi lúc càng nổ gần hơn và Dana bắt đầu run rẩy như không thể kiểm soát được bản thân. Có những cánh tay túm lấy nàng và đẩy nàng nằm xuống. Nàng giãy dụa, đấm đạp họ, cố gắng giải thoát mình. Không, phải về thôi. Chúng ta không cần phải tốn dù chỉ 10 phút nữa ở đây... Cũng chẳng cần gì nữa. Thật là sai lầm khi cứ phải lãng phí sức lực, tinh thần và cả tính mạng nữa ở đây. Đừng mơ nữa, cô bé ngốc nghếch ạ. Những đứa trẻ ở Trung Quốc đang chết đói kìa. Mày nghĩ mày là Chúa Trời chắc. Này, để ta nói cho mày biết điều này. Mày là một con dở hơi. Một Chúa Trời không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ để cho đầu của Wally vỡ toang ra thế kia. Wally đang chờ đứa cháu ngoại cuả ông ấy ra đời. Mày có nghe thấy gì không? Hả? Có nghe thấy gì không?
Dana đang trong 1 cú sốc khủng khiếp. Nàng không hề biết rằng mình đã được đưa qua đường để trở lại xe.
Khi mở mắt, nàng thấy mình nằm trên giường. Benn và Jean Paul đang bên.
Dana nhìn họ. “Đã xảy ra rồi phải không?” Nàng nhắm chặt mắt lại.
“Tôi xin lỗi,” Jean Paul nói. “Thật khủng khiếp khi phải tận mắt chứng kiến. Cô thật may mắn vì đã sống sót.
Chuông điện thoại vang lên. Benn cầm máy. “Xin Chào.” Anh nghe một lát. “Vâng có đây.” Anh quay sang Dana. “Matt Baker đấy. Cô có nói chuyện được với ông ta không?”
“Được,” Dana bước xuống, đi về phía điện thoại. “Xin chào,” cổ họng nàng khô khốc, rất khó phát âm.
Giọng Matt Baker đầy vẻ lo lắng. “Tôi muốn cô về ngay, Dana.”
Tiếng Dana giờ chỉ như những lời thì thầm. “Vâng tôi muốn về nhà.”
“Tôi sẽ sắp đặt cho cô chuyến bay đầu tiên rời khỏi đó.”
“Xin cám ơn.” Nàng nói rồi đặt máy.
Jean Paul và Benn giúp nàng ngồi xuống giường.
“Tôi xin lỗi,” Jean Paul nói, “mọi người đều không biết nói gì...”
Nước mắt trào ra, lăn xuống má Dana. “Tại sao họ lại giết Wally? Ông ấy có bao giờ hại ai đâu. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Con người bị bắn giết như súc vật mà không ai quan tâm. Không ai quan tâm!”
Benn nói, “Dana, chúng ta không thể làm gì lúc này về việc...”
“Phải có chứ,” giọng Dana chợt trào lên nỗi tức giận. “Cháung ta phải làm cho họ quan tâm. Cuộc chiến này không chỉ phá hủy nhà thờ, phố xá, trường học... mà nó còn giết hại bao nhiêu con người, những con người hoàn toàn vô tội. Chúng ta cần phải kể lại câu chuyện này. Đó là cách tố cáo duy nhất để thế giới biết và lên án nó.” Nàng quay về phía Benn và hít một hơi thật sâu. “Tôi sẽ ở lại, Benn ạ. Tôi sẽ không để bất kỳ ai nghĩ rằng tôi chạy trốn.”
Anh nhìn nàng, vẻ lo lắng. “Dana, cô có chắc là mình...”
“Tôi chắc. Tôi biết bây giờ mình phải làm gì rồi. Anh có thể gọi điện cho Matt và bảo ông ấy đừng sắp lịch bay cho tôi nữa.”
“Nếu như đó là điều cô thực sự muốn.”
“Đó là điều thực sự tôi muốn.” Nàng nhìn Benn rời khỏi phòng.
Jean Paul nói. “Có lẽ tôi nên đi để chị...”
“Không,” trong phút chốc, Dana lại nhớ tới cái đầu của Wally vỡ ra đầy máu và thân hình ông đổ xuống đất. “Không,” nàng nói, nhìn Jean Paul “làm ơn ở lại, tôi cần có anh.”
Jean Paul ngồi bên giường, và Dana kéo Anh lại gần mình hơn.
Sáng hôm sau, Dana nói với Benn. “Anh có thể kiến được một người quay camera không? Jean Paul nói với tôi về một cô nhi viện ở Kosovo vừa mới bị ném bom. Tôi muốn đến đó làm chương trình.”
“Tôi sẽ cố tìm ra ai đó.”
“Cám ơn anh. Tôi sẽ đến trước và gặp anh ở đó.”
“Cẩn thận đấy.”
“Đừng lo.”
Jovan đợi nàng ở cửa. “Chúng ta sẽ đến Kosovo.” Dana nói với anh chàng lái xe.
Jovan quay hẳn lại nhìn nàng. “Nguy hiểm lắm, thưa cô. Con đường duy nhất đến đó phải qua một cánh rừng và...”
“Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ rủi ro, Jovan. Sẽ ổn thôi.”
“Nếu cô muốn.”
Họ băng qua thành phố, và khoảng 15 phút sau thì đến một cánh rừng khá rậm.
“Còn khoảng bao xa nữa?”
“Không xa nữa đâu. Chúng ta chỉ nên ở đó trong...”
Đúng lúc đó, chiếc Land Rover rơi vào bãi mìn.