MỘT SỰ VIỆC NHO NHỎ ĐỂ DẬP TẮT TÂM TRẠNG NHẸ NHÕM ẤY
Con bé chẳng thoát được cái gì cả.
Vợ của ngài thị trưởng đã chứng kiến mọi việc.
Bà ta chỉ đang đợi thời điểm phù hợp mà thôi.
Vài tuần lễ trôi qua.
Bóng đá trên phố Thiên Đàng.
Đọc quyển Cái nhún vai từ hai đến ba giờ sáng mỗi ngày, sau cơn ác mộng, hay vào buổi chiều, trong tầng hầm.
Một chuyến ghé thăm nhẹ nhõm khác đến nhà ngài thị trưởng.
Tất cả đều tốt đẹp.
Cho đến khi.
Trong chuyến ghé thăm tiếp theo của Liesel, lần này không có Rudy, cơ hội đã tự xuất hiện. Đó là một ngày con bé đi nhận đồ giặt ủi.
Vợ ngài thị trưởng mở cửa và trên tay bà ta không có cái giỏ đồ như thường lệ. Thay vào đó, bà bước tránh sang một bên rồi cử động cái cổ tay và bàn tay trắng bệch của mình để ra hiệu cho con bé bước vào.
“Cháu chỉ đến lấy đồ giặt thôi.” Máu trong người Liesel như khô đi. Có cảm giác như máu của nó đã đông lại rồi vỡ vụn. Con bé gần như đã tan thành nhiều mảnh trên mấy bậc cấp.
Sau đó, người đàn bà ấy nói với con bé từ đầu tiên. Bà vươn người tới trước, với những ngón tay lạnh ngắt, rồi nói, “Warte – Hãy đợi ở đây.” Khi đã bảo đảm là con bé đứng im, bà quay người rồi vội vàng bước trở vào trong.
“Cảm ơn Chúa.” Liesel thở phào. “Bà ta đang đi lấy nó.” Nó ở đây có nghĩa là đám đồ giặt ủi.
Dù vậy, cái mà người đàn bà mang lại thì trông chẳng giống như thế chút nào.
Khi bà đã quay lại và đứng đó với một sự vững chải và mỏng mảnh đến khó tin, bà đang ôm một chồng sách được tì vào bụng, chất cao từ chỗ rốn cho đến tận ngực. Trông bà ta thật dễ tổn thương trên cái ngưỡng cửa kỳ dị ấy. Những hàng lông mi sáng màu, cong vút và một thái độ khó nhận thấy nhất. Một lời đề nghị.
Lời đề nghị ấy là: Hãy vào mà xem.
Bà ta sẽ tra tấn mình, Liesel nhủ thầm. Bà ta sẽ mang mình vào trong, nhóm lò sưởi lên và ném mình vào đó, cùng với những quyển sách. Hoặc có thể bà ta sẽ nhốt mình trong tầng hầm và không cho mình ăn gì cả.
Dù vậy, vì vài lý do nào đó – rất có thể là sức cám dỗ của những quyển sách – con bé thấy mình đang đi vào trong nhà. Tiếng cót két do đôi giày nó tạo ra trên những tấm lót sàn bằng gỗ khiến con bé co rúm người lại, và khi nó bước trúng một vết nứt trên sàn, khiến mặt sàn phát ra tiếng rên rỉ, con bé gần như đã dừng lại. Vợ ngài thị trưởng vẫn không để ý đến nó. Bà chỉ nhìn về đằng sau một thoáng rồi lại đi tiếp, đến một cánh cửa nâu màu hạt dẻ. Lúc này gương mặt bà toát lên một vẻ gì đó như thay cho câu hỏi.
Cháu đã sẵn sàng chưa?
Liesel hơi nghển cổ lên một chút, như thể nó sẽ nhìn được từ bên trên cánh cửa đang đứng cản đường nó. Thật rõ ràng, đó là dấu hiệu bảo nó hãy mở cánh cửa đó ra.
***
“Lạy các đấng Jesus, Maria và…”
Con bé thốt câu này lên thành tiếng, những từ ngữ như được rải tung tóe vào một căn phòng tràn ngập bầu không khí lạnh lẽo và những quyển sách. Khắp nơi là sách! Trên mỗi bức tường là những chiếc kệ nhét đầy sách nhưng hết sức trật tự. Khó có thể nhìn thấy được lớp sơn tường. Chỉ có những con chữ theo phong cách và kích thước khác nhau trên gáy của những quyển sách màu đen, màu đỏ, màu xám, những quyển sách đủ màu. Đó là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà Liesel Meminger từng thấy.
Con bé nở nụ cười kinh ngạc.
Kinh ngạc khi biết rằng có một căn phòng như vậy tồn tại trên đời!
Ngay cả khi nó cố gắng lấy cẳng tay chùi sạch nụ cười ấy đi, thì lập tức con bé nhận ra rằng đó là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Nó có thể cảm thấy đôi mắt của người đàn bà nọ đang dạo chơi trên cơ thể nó, và khi nó nhìn bà ta, thì đôi mắt của bà dừng lại trên gương mặt nó.
Có nhiều sự im lặng hơn là Liesel tưởng. Sự im lặng ấy được nới rộng ra như một sợi dây cao su, đang chờ bị phá vỡ, bị cắt đứt. Đứa bé gái là người phá tan bầu không khí im lặng ấy.
“Cháu có thể chứ?”
Những từ này đứng đó, giữa hàng mẫu đất trơ trụi, lát sàn gỗ. Những quyển sách như cách xa nhiều dặm.
Người đàn bà nọ gật đầu.
Được, cháu có thể.
Căn phòng cứ đều đặn co rút lại, cho đến khi kẻ trộm sách có thể chạm vào những chiếc kệ chỉ với vài bước ngắn. Nó lướt mu bàn tay của mình dọc theo hàng kệ đầu tiên, lắng nghe tiếng móng tay quẹt lạo xạo trên gáy của từng quyển sách. Âm thanh ấy nghe như một thứ nhạc cụ, hay như một thứ công cụ để ghi chép lại những bước chân đang chạy. Nó dùng cả hai tay. Nó đua chúng. Kệ này nối tiếp kệ khác. Và nó cười. Giọng cười của con bé lan rộng ra, vút cao trong cổ họng nó, và cuối cùng, khi nó dừng lại và đứng ngay giữa căn phòng, con bé đã dành ra nhiều phút đồng hồ để nhìn từ những chiếc kệ cho đến những ngón tay của nó rồi lại nhìn trở lại những hàng kệ, cứ thế.
Nó đã chạm vào bao nhiêu quyển sách?
Nó đã cảm thấy bao nhiêu quyển sách?
Con bé lại đi một vòng và lặp lại hành động ấy một lần nữa, lần này chậm hơn rất nhiều, tay nó để xuôi, cho lòng bàn tay nó cảm nhận được từng quyển sách một. Nó có cảm giác như một phép màu, như cái đẹp, như những tia sáng chiếu xuống từ một ngọn đèn treo. Có vài lần con bé đã gần như rút một quyển sách ra mà không dám. Chúng quá hoàn hảo.
Con bé lại nhìn thấy người đàn bà một lần nữa, bên trái nó, đang đứng cạnh một cái bàn lớn, vẫn bê một chồng sách trước bụng. Bà ta đứng đó với một niềm hân hoan khó hiểu. Một nụ cười như đã tê liệt trên môi bà.
“Bà có muốn cháu…?”
Liesel không nói hết câu hỏi nhưng thực ra đã làm cái việc mà nó đang đề nghị, con bé đi tới và nhẹ nhàng đỡ những quyển sách từ tay của người đàn bà nọ. Sau đó nó đặt chúng vào những chỗ trống trên kệ sách, bên cạnh cánh cửa sổ mở hé. Hơi lạnh bên ngoài đang ùa vào.
Trong một khoảnh khắc, con bé nghĩ đến chuyện khép cửa lại, nhưng rồi lại thôi. Đây không phải là nhà của nó, và trạng thái này không nên bị xáo trộn.Thay vào đó, nó quay lại chỗ người đàn bà đang đứng đằng sau nó, người mà nụ cười giờ đây trông như một vết bầm tím trên mặt, và những cánh tay mảnh khảnh đang buông thỏng xuống. Như những cánh tay con gái.
Giờ thì sao đây?
Một sự ngượng ngùng ùa vào căn phòng, và Liesel liếc nhìn qua lần cuối cùng những bức tường đầy sách. Những từ ngữ cứ cựa quậy không yên trong miệng nó, nhưng chúng được nói ra rất nhanh, hối hả. “Cháu nên đi thì hơn.”
Phải đến lần cố gắng thứ ba con bé mới rời đi được.
Con bé đợi ở hành lang trong vài phút, nhưng người phụ nữ không ra theo nó, và khi Liesel quay lại nhìn chỗ lối vào căn phòng, nó thấy bà đang ngồi trên mặt bàn, mắt nhìn trừng trừng vào một quyển sách. Con bé quyết định không làm phiền bà ta nữa. Ở chỗ hành lang, nó nhặt giỏ đồ giặt ủi lên.
Lần này, nó đi tránh chỗ gây đau nhức trên những tấm ván lót sàn, đến hết chiều dài của hành lang, ngắm nghía bức tường bên trái. Khi nó khép cánh cửa sau lưng lại, một tiếng loảng xoảng của kim loại đồng vọng đến tai nó, và với đám đồ giặt ủi bên cạnh, con bé vuốt ve những thớ gỗ. “Đi nào,” nó nói.
Ban đầu, con bé đi về nhà trong tình trạng mụ mẫm.
Trải nghiệm kỳ dị với căn phòng đầy sách và người đàn bà thảng thốt, cõi lòng tan nát nọ cứ rảo bước đi bên cạnh con bé. Con bé có thể nhìn thấy chúng trên những ngôi nhà, như một vở kịch vậy. Có thể nó cũng tương tự như cách mà Bố đã khám phá về quyển sách Mein Kampf của ông. Dù nhìn nơi đâu, Liesel cũng vẫn thấy vợ của ngài thị trưởng với chồng sách trong tay bà ta. Quanh những góc phố, con bé có thể nghe thấy âm thanh đôi tay nó lướt đi trên những quyển sách, quấy rầy những cái kệ sách. Con bé nhìn thấy ô cửa sổ mở hé, một ngọn đèn treo tỏa ra ánh sáng dễ chịu, và nó thấy mình bỏ đi, mà không có lấy được một lời cảm ơn.
Không lâu sau, tâm trạng bình thản của nó biến thành sự khó chịu và tự trách mình. Nó bắt đầu quở mắng chính bản thân nó.
“Mày đã chẳng nói gì cả.” Nó lắc đầu quầy quậy, giữa những bước chân vội vã. “Không một lời chào tạm biệt. Không một lời cảm ơn. Không được lấy một câu rằng đó là cảnh tượng đẹp nhật mà cháu từng thấy. Không gì cả!” Hẳn rồi, nó là một kẻ trộm sách, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không biết cách cư xử thế nào cho phải. Điều đó không có nghĩa là con bé không biết cư xử.
Con bé đi bộ trong nhiều phút đồng hồ, đánh vật với sự do dự.
Đến phố Munich, thì tình trạng này chấm dứt.
Ngay lúc nó nhìn thấy tấm biển hiệu đề STEINER-SCHNEIDERMEISTER, con bé quay người lại và chạy đi.
Lần này, không có sự do dự nào nữa.
Nó đấm thùm thụp lên cánh cửa, tiếng vọng của tay đấm bằng đồng như xuyên qua gỗ.
“Scheisse![1]”
[1] Cứt thật! (tiếng Đức)
Đó không phải là vợ của ông thị trưởng mà là chính ông thị trưởng đang đứng trước mặt nó. Trong lúc vội vã, Liesel đã không chú ý thấy chiếc xe hơi đang đậu trên vệ đường, trước cổng nhà.
Với hàm ria mép và bộ đồ đen, người đàn ông nói. “Cháu cần gì?”
Liesel chẳng thể nói được gì cả. Vẫn chưa thể. Con bé cúi gập người xuống, hụt hơi, và may mắn thay, người đàn bà nọ bước ra khi con bé đã phục hồi được ít nhất là một phần sức lực. Ilsa Hermann đứng sau chồng bà ta, nép sang một bên.
“Cháu quên mất,” Liesel nói. Con bé nhấc cái túi lên và hướng về phía người vợ của ngài thị trưởng. Mặc cho hơi thở còn đứt quăng, nó nhồi nhét những từ ngữ qua khoảng trống nơi cửa ra vào – giữa ông thị trưởng và khung cửa – đến người đàn bà. Vì những nhịp thở đứt quãng ấy mà những từ ngữ cũng được phát ra đứt quãng vài từ một lần. “Cháu quên mất…Ý cháu là, cháu chỉ, muốn,” con bé nói, “cảm ơn bà.”
Vợ ngài thị trưởng lại tự làm mình thâm tím. Bà tiến về phía trước để đứng bên cạnh chồng mình, uể oải gật đầu, chờ đợi, rồi đóng cửa lại.
Liesel phải mất cỡ chừng một phút mới quay đi được
Nó mỉm cười ở chỗ những bậc cấp.