TÊN MỘT ĐỨA BÉ TRAI
Johann Hermann
Liesel cắn môi tự kiềm chế mình, nhưng con bé không đừng được lâu. Từ dưới sàn nhà, nó quay lại nhìn người đàn bà đang mặc áo choàng tắm rồi đặt ra một câu hỏi. “Johann Hermann,” con bé hỏi, “là ai thế ạ?”
Người đàn bà nhìn xuống cạnh nó, đâu đó kế bên đầu gối của con bé.
Liesel bỗng bối rối. “Cháu xin lỗi. Cháu không nên hỏi những điều như thế…” Con bé để cho câu nói ấy được chết cái chết của nó.
Gương mặt của người đàn bà không chút biến đổi, vậy mà làm thế nào đó bà vẫn cất lên được tiếng nói. “Giờ thì nó chẳng còn là gì trên cõi đời này nữa,” bà ta giải thích, “nó là…”
NHỮNG GHI CHÉP ĐỂ HỒI TƯỞNG
À, phải rồi, chắc chắn là tôi phải nhớ chàng trai ấy chứ.
Bầu trời hôm ấy u ám và sâu thẳm, như một vũng cát lún.
Có một chàng trai trẻ bị đóng gói trên những sợi dây kẽm gai, giống như một thằng hề khổng lồ làm từ những cái gai vậy. Tôi tháo cậu ra rồi mang đi. Lên cao khỏi mặt đất, chúng tôi cùng nhau chìm dần, đến tận đầu gối. Hôm ấy là một ngày khác, năm 1918.
“Không vì cái gì khác,” bà ấy nói, “nó đã chết vì lạnh cóng.” Bà chơi đùa với bàn tay mình một lúc, rồi lại nói câu ấy lần nữa. “Nó đã chết vì lạnh cóng, ta chắc như thế.”
Vợ ngài thị trưởng chỉ là một trong số những người giống như vậy trong cuộc đời này. Bạn đã nhìn thấy bà trước đây rồi, tôi tin chắc như thế. Trong những câu chuyện, những bài thơ, những vở kịch mà các bạn thích xem. Những người như vậy có mặt ở khắp nơi, vậy tại sao lại không phải ở đây chứ? Tại sao không phải ở trên một ngọn đồi đẹp đẽ thuộc một thị trấn nhỏ của Đức cơ chứ? Đó là một nơi rất tốt để chịu đựng nỗi đau đớn như bất cứ nơi nào khác.
Vấn đề ở đây là, Ilsa Hermann đã quyết định biến nỗi đau khổ thành chiến thắng của bà. Khi nó không chịu buông tha cho bà, bà không chống lại nó nữa. Bà đã bám víu lấy nó.
Bà đã có thể tự bắn vào đầu mình, cào cấu mình hay đắm chìm trong những hình thức tự hành xác khác, nhưng bà đã chọn cách mà hẳn bà cảm thấy rằng đó là lựa chọn yếu hèn nhất – để ít nhất cũng chống chọi được với thời tiết không lấy gì làm dễ chịu. Tất cả những gì mà Liesel biết là bà đã cầu nguyện cho những ngày hè được lạnh lẽo và ẩm ướt. Nói chung thì bà đã sống đúng nơi đúng chỗ.
Khi Liesel ra về vào ngày hôm đó, con bé đã phải nói một điều với sự khó khăn dữ dội. Nói cho dễ hiểu hơn, thì con bé đã phải vật lộn với hai từ khổng lồ ấy, chúng đã đè nằng lên đôi vai nó rồi rơi như một đôi tạ nặng nề lộn xộn xuống chân của Ilsa Hermann. Hai từ ấy đã trượt xuống dọc theo hai bên sườn khi con bé loay hoay với chúng và không thể chịu nổi sức nặng của chúng nữa. Chúng cùng nhau rơi xuống sàn nhà, to lớn, ầm ĩ, và thô kệch.
NHỮNG TỪ KHỔNG LỒ
CHÁU RẤT TIẾC
Một lần nữa, vợ ngài thị trưởng lại nhìn vào khoảng không gian bên cạnh bà. Khuôn mặt bà như một tờ giấy trắng.
“Vì cái gì?” bà hỏi, nhưng lúc đó thì thời gian đã trôi qua rồi. Con bé đã ra khỏi căn phòng. Nó đã gần đến chỗ cửa trước. Khi nghe thấy câu hỏi, Liesel ngừng lại, nhưng nó đã chọn cách không quay lại, và lặng lẽ đi ra khỏi ngôi nhà rồi bước xuống những bậc cấp. Nó ngắm nhìn một lượt quang cảnh của Molching trước khi biến mất và đắm chìm vào trong nó, và con bé đã cảm thấy hối tiếc cho vợ của ngài thị trưởng trong một thời gian tương đối dài.
Có những lúc, Liesel tự hỏi liệu nó có nên để người đàn bà ấy yên hay không, nhưng Ilsa Hermann quá lôi cuốn nó, và sức hút của những quyển sách quá mãnh liệt. Một lần, những từ ngữ đã cho thấy sự vô dụng của Liesel, nhưng giờ đây, khi con bé ngồi trên sàn nhà, vợ của ngài thị trưởng thì ngồi ở chỗ bàn làm việc của chồng bà, con bé cảm thấy trong nó có một ý thức bẩm sinh về sức mạnh của nó. Điều đó xảy ra mỗi khi nó giải thích được một từ mới hay ghép chúng lại được thành một câu hoàn chỉnh.
Nó là một đứa bé gái.
Ở nước Đức Quốc xã.
Thật là trùng hợp làm sao khi nó khám phá ra sức mạnh của những từ ngữ.
Và đó thật là một cảm giác kinh khủng làm sao (và cũng vui vẻ làm sao!) khi nhiều tháng sau đó, con bé giải phóng được nguồn sức mạnh của cái khám phá mới toanh này đúng lúc vợ của ngài thị trưởng làm nó thất vọng. Sự hối tiếc sẽ rời bỏ nó nhanh ra sao, và nó sẽ hoàn toàn biến thành một con người khác trong thời gian ngắn thế nào…
Dù vậy, vào lúc này đây, mùa hè năm 1940, con bé chỉ có thể nhìn thấy những gì đang chờ đợi nó phía trước diễn ra theo một chiều hướng duy nhất mà thôi. Nó chỉ là chứng nhân cho một người đàn bà đầy hối tiếc với một căn phòng đầy sách mà nó rất thích ghé thăm. Thế thôi. Đó là Phần Hai trong sự tồn tại của con bé vào mùa hè năm ấy.
Phần Ba, ơn Chúa, có phần nhẹ nhõm hơn một chút - ấy là những trận bóng trên phố Thiên Đàng.
Hãy để tôi giúp bạn hình dung ra một bức tranh:
Những đôi chân kéo lê trên đường.
Những tiếng thở gấp của bọn trẻ con.
Những từ ngữ được thét lên: “Đây! Đằng này cơ mà! Cứt thật!”
Tiếng bóng nảy bình bịch một cách thô tục trên đường.
***
Tất cả đều xảy ra trên phố Thiên Đàng, cũng như âm thanh của những lời xin lỗi, khi mùa hè trở nên khắc nghiệt hơn.
Những lời xin lỗi thuộc về Liesel Meminger.
Chúng được dành cho Tommy Muller.
Vào đầu tháng Bảy, cuối cùng con bé cũng thuyết phục được thằng bé rằng nó sẽ không bị giết đâu. Kể từ trận đòn mà Liesel đã giáng xuống nó từ hồi tháng Mười Một năm ngoái, Tommy vẫn sợ không dám đến gần con bé. Trong những trận bóng đá trên phố Thiên Đàng, thằng này luôn giữ một khoảng cách an toàn với Liesel. “Cậu chẳng bao giờ biết được khi nào thì nó sẽ giáng cho cậu một bạt tai đâu,” nó nói với Rudy, giọng thì thào sợ sệt.
Để xóa tan sự sợ hãi đó, con bé không bao giờ ngừng cố gắng để làm thằng kia cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nó thấy khá thất vọng khi đã dàn hòa thành công với Ludwig Schmeikl, nhưng với thằng Tommy Muller ngây ngô này thì nó lại bó tay. Thằng này vẫn hơi co rúm người lại mỗi khi nhìn thấy Liesel.
“Làm sao mà tớ biết được là hôm ấy cậu cười khích lệ tớ cơ chứ?” nó cứ hỏi đi hỏi lại thằng nhóc câu ấy.
Nó thậm chí còn tình nguyện làm thủ môn cho thằng kia, đến khi những đứa còn lại van nài Tommy quay về khung thành.
“Hãy quay lại đó ngay!” sau cùng một thằng tên là Harald Mollenhauer đành phải ra lệnh cho Tommy như thế. “Mày thật là vô dụng!” Việc này xảy ra sau khi Tommy đốn ngã nó lúc nó chuẩn bị ghi bàn. Lẽ ra nó đã tự cho phép mình được hưởng một quả phạt đền, nhưng oái oăm ở chỗ chúng lại chơi cùng một đội.
Liesel lại thoát được vị trí thủ môn và làm thế nào đó mà luôn kết thúc với việc kèm sát Rudy. Chúng sẽ lại truy cản, ngáng chân nhau, gọi nhau bằng đủ thứ tên gọi xấu xa. Rudy thường lên giọng bình luận, “Lần này thì nhỏ đó không thể đến gần cậu được, cái đồ lợn ngu ngốc hay gãi mông[1] ấy. Nhỏ đó không có chút hy vọng nào.” Thằng nhóc có vẻ rất thích gọi Liesel là đồ gãi mông. Đó là một trong những niềm vui của trẻ thơ.
[1] Nguyên văn tiếng Đức: Saumensh, Arschgrobbler.
Một trong những niềm vui khác, dĩ nhiên, là ăn trộm. Phần Bốn, mùa hè năm 1940.
Nói cho công bằng, thì có rất nhiều thứ đã mang Rudy và Liesel lại với nhau, nhưng chính việc ăn trộm mới gắn kết bền chặt tình bạn của hai đứa. Nó được mang đến bởi một cơ hội, và được thúc đẩy bởi một mãnh lực không thể thoát được – đó là cơn đói của Rudy. Thằng nhóc này lúc nào cũng hau háu mong kiếm được chút gì đó cho vào mồm.
Ngoài việc cái gì cũng phải phân phối ra thì gần đây công việc làm ăn của bố nó không được tốt đẹp cho lắm (mối đe dọa của các đối thủ cạnh tranh Do Thái đã không còn nữa, nhưng những khách hàng Do Thái cũng không còn nốt). Nhà Steiner đang phải thu vén chật vật để sống qua ngày. Cũng như rất nhiều khác sống ở phố Thiên Đàng của thị trấn, họ cần phải trao đổi hàng hóa. Liesel cũng có cho thằng bạn chút thức ăn, nhưng không nhiều, nhà nó cũng chẳng dư dả gì. Mẹ thường nấu món súp đậu Hà Lan – và không chỉ nấu đủ để ăn một hai lần. Bà đã nấu đủ súp đậu Hà Lan để ăn cho đến tận thứ Bảy kế tiếp. Và vào Chủ nhật, bà lại nấu một nồi súp đậu khác. Súp đậu, bánh mì, đôi khi là một nhỏ khoai tây hoặc họa hoằn lắm là một miếng thịt. Ăn hết và không đòi hỏ, không hề than phiền.
Ban đầu, hai đứa cố gắng làm nhiều trò để quên đi cái đói.
Rudy sẽ không thấy đói nếu chúng chơi đá bóng trên phố. Hay nếu chúng lấy xe đạp của anh chị nó và chạy đến cửa hiệu của Alex Steiner hay thăm bố của Liesel, nếu ngày hôm đó ông có việc làm, Hans Hubermann sẽ ngồi xuống với chúng và kể chuyện vui cho chúng nghe trong những tia nắng chiều cuối cùng.
Trong vài ngày, trời trở nên nóng bức, và một trò khác để làm quên đi cơn đói là tập bơi trên sông Amper. Nước sông vẫn còn hơi quá lạnh một chút, nhưng chúng vẫn đi.
“Xem nào,” Rudy dỗ ngọt con bé. “Chỉ ở đây thôi. Ở đây không sâu lắm đâu.” Liesel không thể nhìn thấy được cái hố khổng lồ mà nó đang đi vào và thế là chìm thẳng xuống đáy hố. Những cú đập chân tay kiểu bơi chó đã cứu sống con bé, mặc dù nó đã gần như chết sặc vì mấy ngụm nước nuốt phải.
“Đồ con lợn,” nó buộc tội thằng bạn mình như thế khi buông mình xuống bờ sông.
Rudy bảo đảm mình đã có một khoảng cách an toàn. Thằng bé đã nhìn thấy điều mà con bé đã làm với Ludwig Schmeikl. “Bây giờ thì cậu có thể bơi được rồi, đúng không?”
Điều này không thực sự làm con bé phấn chấn hơn khi nó rảo bước bỏ đi thẳng. Mái tóc nó dính bết vào một bên má và nước mũi nhỏ ròng ròng.
Thằng nhóc gọi với theo con bé. “Điều này có nghĩa là tớ không được hôn vì đã dạy cậu bơi có phải không?
“Đồ con lợn!”
Thằng bé mới gan góc làm sao!
Đó là điều không thể tránh khỏi!
Món súp đậu tệ hại và cơn đói của Rudy cuối cùng cũng đưa đẩy hai đứa chúng nó tới con đường trộm cắp. Nó đã truyền cảm hứng cho chúng tham gia vào một nhóm trẻ lớn hơn hay ăn trộm của mấy người nông dân. Nhóm này là những đứa chuyên ăn trộm trái cây. Sau một trận đá bóng, cả Liesel và Rudy đều học được lợi ích của việc giữ cho mắt chúng luôn mở thao láo. Lúc đang ngồi trên bậc cửa nhà Rudy, hai đứa thấy Fritz Hammer – một trong những bản sao của chúng, nhưng lớn tuổi hơn – đang ăn một quả táo. Đó là một quả táo Klar – loại táo chín vào tháng Bảy và Tám – và trông quả táo ấy thật kỳ diệu trong tay của thằng kia. Có chừng ba hay bốn quả táo như thế nữa đang phồng ra từ bên trong túi áo khoác của nó. Hai đứa lân la đến gần hơn.
“Mày lấy chỗ táo này ở đâu ra thế?” Rudy hỏi.
Ban đầu thì thằng này toét miệng cười. “Suỵt.” Sau đó nó móc túi lấy ra một quả táo và ném cho Rudy. “Chỉ nhìn thôi đấy nhé,” thằng này cảnh cáo. “Đừng có ăn đấy.”
Lần kế tiếp hai đứa nhìn thấy thằng nhóc ấy đang mặc vẫn cái áo khoác nọ, một ngày quá ấm để mặc áo khoác, chúng đã đi theo nó. Thằng này dẫn chúng lên thượng nguồn sông Amper. Chỗ đó gần nơi mà Liesel thỉnh thoảng vẫn đến tập đọc với bố nuôi nó, khi con bé mới biết đọc.
Một nhóm năm thằng nhóc, vài đứa cao lêu đêu và ốm nhom, vài đứa lùn tịt và ốm nhom, đang đứng đợi ở đó
Ở Molching thời gian đó có vài băng nhóm như vậy, có nhóm có những đứa nhóc tì chỉ mới sáu tuổi. Thủ lĩnh của bọn trẻ khốn khổ này là một gã tội phạm mười lăm tuổi khá dễ chịu tên là Arthur Berg. Gã nhìn quanh và thấy hai đứa trẻ mười một tuổi đang đứng phía sau. “Und?” gã hỏi. “Và đây là?”
“Tao sắp chết đói rồi,” Rudy đáp.
“Và cậu ta rất nhanh nữa,” Liesel thêm vào.
Berg nhìn con bé. “Tao không nhớ là có hỏi ý kiến của mày.” Gã này cao cỡ tuổi một đứa vị thành niên và có một cái cổ dài ngẳng. Những đốm mụn lấm tấm mọc thành từng đám trên gương mặt gã. “Nhưng tao thích mày.” Gã này có vẻ thân mật, theo một cách rất nhanh nhảu mồm miệng của bọn trai mới lớn. “Đây có phải là đứa đã cho em mày một trận không, Anderl?” Chắc chắn là từ ngữ đã tìm được đường đi vòng ra sau lưng gã. Một trận đòn ra trò có sức mạnh hơn hẳn sự phân biệt tuổi tác.
Một thằng khác – thuộc nhóm lùn tịt và ốm nhom – với mớ tóc vàng bờm xờm và làn da tái nhợt như băng, nhìn qua. “Tao cho là vậy.”
Rudy khẳng định lại lời nó. “Đúng là con bé này đấy.”
Andy Schmeikl bước ra và săm soi con bé từ trên xuống dưới, gương mặt nó thoáng vẻ trầm ngâm trước khi mồm nó há ngoác ra cười. “Tuyệt lắm, nhóc ạ.” Thằng này thậm chí còn vỗ vỗ vào lưng con bé, để rồi vỗ phải một miếng xương vai sắc lẻm. “Tao sẽ bị ăn no đòn nếu dám làm như thế.”
Arthur đã tiến lên trước, tới chỗ Rudy. “Còn mày là thằng cứ tưởng mình là Jesse Owens có phải không?
Rudy gật đầu.
“Rõ rồi,” Arthur nói, “Chúng mày là những tên ngốc – nhưng cùng loại ngốc như chúng tao. Vào hội đi.”
Thế là chúng nhập hội
Khi chúng đến được chỗ nông trại, Liesel và Rudy được ném cho một cái bao tải. Arthur Berg thì nắm chặt lấy cái bao bố của gã. Gã đưa tay vuốt mái tóc lượn sóng của mình. “Có đứa nào trong bọn mày đã từng đi ăn trộm chưa?”
“Dĩ nhiên rồi,” Rudy khẳng định. “Như cơm bữa ấy mà.” Nghe lời thằng bé có vẻ không đáng tin cậy lắm.
Liesel thì cụ thể hơn. “Tao đã ăn trộm hai quyển sách,” và điều đó khiến Arthur phá lên cười, thành ba tiếng khụt khịt gọn lỏn. Đám mụn của gã đổi vị trí.
“Cưng không thể tọng sách vào mồm ăn mà no được, cưng ạ.”
Từ vị trí đó, cả bọn đứng thành những hàng dài méo mó và dò xét những cây táo. Arthur Berg ra lệnh. “Một,” gã nói. “Đừng để bị bắt chỗ hàng rào. Nếu chúng mày bị bắt chỗ hàng rào, thì chúng mày sẽ bị bỏ lại. Hiểu chưa?” Cả bọn cùng lúc đứa thì gật đầu, đứa thì đáp “có”. “Hai. Một đứa sẽ leo lên cây, một đứa nữa đứng dưới đất. Phải có ai đó nhặt táo.” Thằng này xoa xoa tay vào nhau. Gã đang tận hưởng điều này. “Ba. Nếu chúng mày thấy có người đến, chúng mày phải hô to đến mức người chết cũng phải đội mồ sống dậy – và tất cả chúng ta đều bỏ chạy. Richtig[2]?”
“Richtig.” Cả bọn đồng thanh.
[2] Đúng không? (tiếng Đức)
HAI KẺ LẦN ĐẦU TRỘM TÁO ĐANG THÌ THẦM
“Liesel – cậu có chắc không đấy?”
Cậu vẫn muốn làm chuyện này chứ?”
“Nhìn cái hàng rào kẽm gai kìa Rudy, nó cao quá.”
“Không, không, nghe này, cậu phải ném cái bao tải qua trước. Hiểu không? Giống như chúng nó ấy.”
“Được rồi.”
“Vậy thì tiến lên nào!”
“Tớ không thể!” Lưỡng lự một chút. “Rudy, tớ…”
“Nhúc nhích đi, đồ con lợn!”
Thằng bé đẩy nó về phía hàng rào, ném cái bao tải rỗng lên đám kẽm gai rồi hai đứa trèo qua, chạy về phía những đứa khác. Rudy leo lên cây gần nhất và bắt đầu ném táo xuống. Liesel đứng dưới, cho mấy quả táo vào bao. Đến khi bao đã đầy thì lại có một vấn đề khác.
“Làm sao trèo qua hàng rào bây giờ đây?”
Chúng có được câu trả lời khi thấy Arthur Berg đang trèo gần trụ hàng rào hết mức có thể. “Dây kẽm ở chỗ đó chắc hơn,” Rudy chỉ tay. Thằng bé ném cái bao tải sang phía bên kia của hàng rào, bắt Liesel leo qua trước, rồi nhảy xuống cạnh con bé ở bên kia, cùng với đám trái cây từ trong bao đổ ộc ra.
Bên cạnh chúng, đôi cẳng chân dài lêu nghêu của Arthur Berg đang đứng nhìn một cách thích thú.
“Không tệ,” giọng nói từ phía trên vọng xuống. “Không tệ chút nào.”
Khi chúng quay lại được chỗ bờ sông, giấu mình giữa những thân cây, gã này lấy cái bao tải và đưa cho Liesel và Rudy hơn chục quả táo.
“Tốt lắm,” là câu bình luận cuối cùng của gã về việc này.
Buổi chiều hôm đó, trước khi chúng quay về nhà, Liesel và Rudy đã ngốn sạch mỗi đứa sáu quả táo chỉ trong vòng có nửa giờ đồng hồ. Ban đầu chúng thấy rất thích thú với suy nghĩ chia sẻ những quả táo này cho người nhà của mình, nhưng có một mối nguy hiểm khá lớn trong hành động này. Chúng không thích thú gì lắm với viễn cảnh sẽ phải giải thích xem những quả táo này từ đâu mà có. Thậm chí Liesel còn nghĩ rằng nó có thể sẽ thoát tội nếu kể cho Bố nghe, nhưng con bé không muốn ông nghĩ rằng ông có một tên tội phạm bị ấn vào tay mình. Thế là nó ăn sạch chỗ táo.
Ở chỗ bờ sông mà con bé đã học bơi, từng quả táo được ngốn sạch. Vì không quen với một thứ xa xỉ như vậy, hai đứa bé biết rằng có thể chúng sẽ phát ốm.
Dù sao đi nữa thì chúng vẫn ăn.
“Đồ con lợn!” Tối hôm ấy Mẹ lại mắng nó. “Sao mày nôn nhiều thế hử?”
“Có thể đó là vì món súp đậu,” Liesel nói.
“Đúng đấy,” Bố nói vọng xuống. Ông lại đang ngồi chỗ cửa sổ. “Hẳn thế rồi. Đến tôi cũng cảm thấy sắp phát ốm lên vì cái món ấy đây này.”
“Có ai hỏi ông đâu hử, đồ lợn?” Bà nhanh chóng quay lại để đối mặt với con lợn đang nôn ọe. “Sao nào? Cái gì thế? Cái gì vậy hả con lợn hôi hám kia?”
Nhưng Liesel không nói gì cả.
Những quả táo, con bé hạnh phúc nghĩ thầm. Những quả táo, và con bé lại nôn thêm một lần nữa, để được may mắn.