Kẻ Trộm Sách

Chương 27: Chương 27




NHÀ KHÍ TƯỢNG HỌC: GIỮA THÁNG NĂM

Liesel mở cửa và mở miệng cùng một lúc.

Đội bóng của nó vừa đè bẹp đội của Rudy với tỉ số 6 – một trên phố Thiên Đàng, một trận thắng không tưởng. Nó phi vào bếp kể cho Bố và Mẹ tất tần tật về bàn thắng mà nó đã ghi được. Sau đó, nó lao xuống tầng hầm để thuật lại thật tỉ mỉ mọi chi tiết của bàn thắng ấy cho Max nghe. Anh đặt tờ báo xuống, lắng nghe lời nó thật chăm chú, rồi mỉm cười với con bé.

Khi câu chuyện về bàn thắng ấy đã được kể xong, có một sự im lặng dễ chịu kéo dài đến vài phút, rồi Max chậm chạp ngước nhìn lên. “Em sẽ làm cho anh việc này chứ, Liesel?”

Vẫn còn đang phấn khởi vì chiến thắng trên phố Thiên Đàng, con bé cứ nhảy nhót không ngừng giữa chững tấm phủ tránh bụi. Nó không nói gì, nhưng hành động của nó đã thể hiện rõ ràng nó sẵn lòng mang đến cho anh chính xác những gì anh cần.

“Em đã kể cho anh nghe tất cả về bàn thắng mà em ghi được,” anh nói, “nhưng anh không biết thời tiết ngày hôm nay như thế nào. Anh không biết là em ghi bàn trong một ngày mặt trời tỏa nắng, hay một ngày mà mây mù che phủ mọi vật.” Anh lùa tay vào mái tóc cụt ngủn, đôi mắt đục ngầu của anh như nài xin cái điều giản dị nhất trong mọi điều giản dị. “Em có thể lên đó và kể anh nghe xem thời tiết hôm nay thế nào không?”

Dĩ nhiên là sau đó Liesel vội vàng chạy ngược lên những bậc cấp. Nó đứng cách cánh cửa ra vào đầy những vết nhổ đã ố vài mét, rồi bắt đầu ngắm nghía, quan sát bầu trời.

Khi quay lại căn hầm, nó nói với anh.

“Bầu trời hôm nay rất trong xanh, Max ạ, và có một đám mây to tướng, nó trải dài trên trời như một sợi dây thừng vậy. Ở cuối sợi thừng dó, mặt trời vàng chóe như một cái hố…”

Ngay lúc đó, Max đã biết rằng chỉ một đứa trẻ mới có thể mang đến cho anh một bản thông báo thời tiết như vậy mà thôi. Anh vẽ lên tường một sợi dây thừng dài, được bện chặt. Ở cuối sợi dây là một mặt trời vàng chóe và ướt sũng, đến mức bạn như có thể nhào ngay vào giữa mặt trời ấy được. Trên đám mây hình dây thừng, anh vẽ hai hình người – một đứa bé gái mảnh khảnh và một người Do Thái thảm hại – họ bước đi, tay dang ra để giữ thăng bằng, về phía mặt trời ướt sũng ấy. Bên dưới bức vẽ, anh viết một dòng chữ.

š NHỮNG DÒNG CHỮ VIẾT TRÊN TƯỜNG ›CỦA MAX VANDENBURG

Hôm ấy là thứ Hai, và họ đã đi trên

một sợi dây thừng về phía Mặt trời.

VÕ SĨ QUYỀN ANH: CUỐI THÁNG NĂM

Với Max Vandenburg, chỉ có xi măng lạnh và rất nhiều thời gian dành cho anh.

Từng giờ từng phút trôi qua thật tàn nhẫn, như một thứ hình phạt.

Đứng phía trên anh trong những lúc anh tỉnh táo là bàn tay của thời gian, và nó không ngần ngại giày vò anh. Nó cười và siết chặt lấy anh, rồi để cho anh sống. Thật là một hành động tàn ác khủng khiếp khi để cho ai đó sống như thế.

Ít nhất một lần mỗi ngày, Hans Hubermann đều bước xuống những bậc thang của tầng hầm và chia sẻ với anh một cuộc trò chuyện. Thi thoảng Rosa lại mang xuống một mẩu bánh mì khô còn thừa. Dù vậy, khi Liesel xuống, Max mới thấy mình lại quan tâm đến cuộc sống này hơn cả. Ban đầu, anh cố gắng kháng cự lại cảm giác ấy, nhưng càng ngày anh càng thấy khó khăn khi đứa bé gái xuất hiện, mỗi lần con bé lại có một bản báo cáo thời tiết mới, dù là hôm ấy có bầu trời trong xanh, có những đám mây nhàu nhĩ như giấy các-tông hay có một mặt trời chói chang như Chúa trời đang ngồi xuống sau khi đã ăn quá nhiều trong bữa tối.

Khi anh thấy cô đơn, cái cảm giác rõ ràng nhất nơi anh là sự biến mất. Tất cả quần áo của anh đều màu xám – dù ban đầu chúng có màu ấy hay không – từ quần áo của anh cho đến cái áo len, hay chiếc áo khoác rách rưới anh vẫn choàng lên người, trông nó như đang nhỏ giọt ra khỏi người anh như nước vậy. Anh vẫn thường kiểm tra xem da mình có tróc ra không, vì anh có cảm giác như đang tan rã dần.

Điều anh cần là một chuỗi những kế hoạch mới. Kế hoạch đầu tiên là tập thể dục. Anh bắt đầu với động tác hít đất, nằm áp bụng xuống sàn hầm lạnh giá, rồi sau đó tự nhấc thân người mình lên. Có cảm giác như cánh tay anh đã bị gãy gập lại ở hai bên khuỷu, và anh mường tượng ra cảnh trái tim rỉ ra khi người mình và rỏ từng giọt xuống sàn một cách thảm hại. Khi còn là một cậu trai mới lớn ở Stuttgart, mỗi lần anh có thể hít đất được đến năm mươi cái. Bây giờ ở tuổi hai mươi bốn, có thể là nhẹ hơn cân nặng bình thường của anh đến gần tám cân, anh chỉ có thể hít đất được mười lần. Sau một tuần, anh đã hoàn thành được ba lần hít đất, mỗi lần mười sáu cái và hai mươi hai lần nằm xuống rồi lại ngồi dậy. Khi làm xong những động tác này, anh sẽ ngồi dựa lưng vào bức tường hầm cùng những người bạn là mấy thùng sơn, cảm thấy mạch đang đập trong riêng mình. Anh cảm thấy cơ bắp mình nhũn ra như bánh vậy.

Có khi anh tự hỏi mình rằng có đáng không khi cứ cố sức như vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, lúc nhịp tim của anh bình thường trở lại và cơ thể anh lại có thể hoạt động, anh sẽ tắt đèn và đứng trong bóng tối của căn hầm.

Anh đã hai mươi bốn tuổi nhưng vẫn có thể hình dung ra những điều hoang đường.

“Ở góc đài màu xanh,” anh khẽ bình luận, “chúng ta sẽ có đương kim vô địch thế giới, một tuyệt tác của dòng giống Aryan – Quốc trưởng.” Anh thở và quay sang phía bên kia. “Và nơi góc đài màu đỏ, chúng ta có kẻ thách đấu mặt choắt người Do Thái – Max Vandenburg.”

Xung quanh anh, tất cả như đều trở thành hiện thực.

Ánh sáng trắng của ngọn đèn hạ thấp dần xuống, hình thành nên một võ đài quyền anh, và có một đám đông đang đứng đó rên rỉ – cái âm thanh kì diệu của rất nhiều người cùng nói một lúc. Làm sao mà mỗi người ở đó lại có nhiều thứ để nói cùng một lúc như vậy kia chứ? Bản thân cái võ đài thì thật là hoàn hảo. Những tấm vải bạt hoàn hảo, những sợi dây trông vô cùng đáng yêu. Ngay cả những sợi lơ thơ của từng sợi dây thừng được bện chặt cũng trông thật hoàn mỹ, sáng bóng lên trong ánh sáng trắng xóa, chật ních ấy. Cả căn phòng nồng nặc mùi thuốc lá và bia.

Ở góc đài bên kia, Adolf Hitler đứng cùng đám tùy tùng của lão ta. Đôi cẳng chân của lão thò ra từ một tấm áo choàng màu trắng và đỏ có một chữ thập ngoặc như được in hằn lên ở mặt lưng áo. Hàng ria mép như được gắn chặt vào gương mặt lão. Những từ ngữ được thì thầm vào tai lão bởi huấn luyện viên của lão, Goebbels. Lão ta nhún nhảy, từ chân này sang chân kia, rồi lão mỉm cười. Lão ta phá lên cười to nhất khi xướng ngôn viên của võ đài liệt kê ra rất nhiều những thành tựu mà lão đã đạt được, và tất cả đều được hoan nghênh ầm ĩ bởi cái đám đông đang trầm trồ thán phục bên dưới. “Bất bại!” Gã xướng ngôn viên tuyên bố. “Trước rất nhiều tên Do Thái, và trước bất cứ mối đe dọa nào khác đến nước Đức lý tưởng! Quốc trưởng vạn tuế,” gã này kết luận, “chúng tôi chào mừng ngài!” Còn đám đông: trở nên thật cuồng loạn và lộn xộn.

Tiếp theo, khi mọi người đã ổn định lại, là đến kẻ thách đấu.

Xướng ngôn viên của võ đài chuyển sang Max, người đang đứng một mình nơi góc đài dành cho kẻ thách đấu. Không có áo choàng. Không có tùy tùng. Chỉ là một tên Do Thái trẻ tuổi với hơi thở dơ bẩn, một vuông ngực trần, một đôi tay và một đôi chân mệt mỏi. Dĩ nhiên rồi, chiếc quần cộc của anh màu xám. Anh cũng di chuyển từ chân này sang chân kia, nhưng việc này là hết sức tối thiểu để giữ gìn sức lực. Anh đã đổ rất nhiều mồ hôi trong phòng tập để có được hạng cân đúng như quy định.

“Kẻ thách đấu,” gã xướng ngôn viên ngân nga. “Đại diện cho” – gã dừng lại một chút để tạo thêm hiệu ứng nơi đám đông – “Dòng máu Do Thái.” Đám đông la ó, như lũ ma cà rồng của con người. “Cân nặng…”

Người ta không thể nghe được phần còn lại của câu nói ấy. Nó đã bị lấn át bởi những lời xỉ vả nhục mạ từ dưới khan đài và Max quan sát đối thủ của anh cởi áo choàng ra rồi bước vào giữa đài để nghe phổ biến luật và bắt tay đối thủ.

“Chúc một ngày tốt lành, ông Hitler,” Max gật đầu chào, nhưng Quốc trưởng chỉ nhe ra cho anh thấy hàm răng vàng khè của lão, rồi sau đó lại ngậm môi che nó lại.

“Thưa các quý ông,” một gã trọng tài dáng to béo vận quần đen và áo sơ-mi màu lam bắt đầu nói. Một cái nơ con bướm được gắn nơi cổ họng gã ta. “Đầu tiên và trước hết, chúng ta muốn có một trận đấu trong sạch.” Lúc này gã chỉ nói với Quốc trưởng. “Dĩ nhiên là trừ khi, thưa ngài Hitler, ngài bắt đầu thua. Nếu điều này xảy ra, tôi rất sẵn lòng làm ngơ trước bất kỳ chiến thuật quá đáng nào mà ngài muốn sử dụng để nghiền nát tên Do Thái hôi hám này vào tấm bạt kia.” Gã gật đầu, với một thái độ hết sức nhã nhặn. “Ngài rõ rồi chứ ạ?”

Lúc đó Quốc trưởng mới mở mồm nói câu đầu tiên của mình. “Rõ mười mươi rồi.”

Còn đối với Max, gã trọng tài đưa ra một lời cảnh cáo. “Phần anh, anh bạn Do Thái của ta ạ, ta sẽ rất cẩn thận trong những bước chân cả mình nếu ta là anh. Thực sự là rất cẩn thận đấy,” rồi cả hai võ sĩ quay về góc đài của mình.

Sau đó là một khoảnh khắc im lặng ngắn ngủi.

Tiếng chuông vang lên.

Người tiến ra đầu tiên là Quốc trưởng, với vóc người xương xẩu và đôi chân vụng về, lão chạy về phía Max và giáng cho một cú trời giáng vào giữa mặt. Đám đông rung chuyển, tiếng chuông vẫn còn ngân nga trong tai họ, và tiếng cười thỏa mãn của họ vượt qua những sợi dây dài. Mồm Hitler phả ra một hơi thở ám khói còn hai bàn tay lão thì đấm liên tiếp vào mặt Max, có vài cú trúng đích, vào môi, vào mũi, vào cằm – và Max vẫn chưa dám thoát ra khỏi góc đài của mình. Để hứng chịu những đòn trừng phạt, anh giơ tay lên để che chắn, nhưng rồi sau đó Quốc trưởng lại nhắm vào sườn, vào thận, vào phổi của anh. Ôi, đôi mắt, đôi mắt của Quốc trưởng. Chúng có màu nâu ngon lành làm sao – như đôi mắt của người Do Thái vậy – và chúng lộ rõ sự quyết tâm đến mức Max đứng ngây ra sợ chết khiếp đến một lúc, khi anh bắt gặp chúng giữa những hình ảnh nhạt nhòa của những cái găng tay đang lao tới tấp về phía anh.

Trận đấu chỉ có một hiệp duy nhất, và nó kéo dài hang nhiều giờ, và trong hầu hết thời gian thì trận đấu chẳng có thay đổi gì cả.

Quốc trưởng thụi thật lực vào cái bị bông Do Thái.

Máu Do Thái vung vãi khắp nơi.

Máu như những vệt mây màu đỏ trên nền trời trắng là tấm bạt dưới chân họ

Sau cùng, hai đầu gối của Max bắt đầu khuỵu xuốn, hai bên xương gò má của anh khẽ rên rỉ, và cái gương mặt rạng rỡ của Quốc trưởng vẫn ngời lên vẻ chế nhạo, chế nhạo cho đến khi người Do Thái kia kiệt sức, bị đánh bại và tan vỡ, rồi anh gục xuống sàn.

Ban đầu là một tiếng gầm.

Sau đó là sự im lặng.

Trọng tài bắt đầu đếm. Gã có một hàm răng rất chắc và gã có dư thừa lông mũi.

một cách chậm chạp, Max Vandenburg, tên Do Thái, đứng dậy và chỉnh lại tư thế của mình cho thẳng thớm. Giọng anh run run. Một lời mời. “Đến đây nào, Quốc trưởng,” anh nói, và lần này, khi Adolf Hitler lao vào tấn công đối thủ Do Thái của mình, Max liền bước sang một bên và đẩy lão ta vào góc đài. Anh tống cho lão bảy cú đấm, mỗi lần đều nhắm vào một thứ duy nhất.

Bộ ria mép.

Đến cú thứ bảy, anh đấm trượt. Cằm của Quốc trưởng là chỗ phải hứng chịu cú đấm này. Cùng một lúc, lão ta đổ vào dây đài rồi gục về phía trước, tiếp đất bằng đầu gối. Lần này, không có tiếng đếm nào cả. Gã trọng tài vẫn lóng ngóng ở chỗ góc đài. Khán giả như chìm xuống, vào cốc bia của họ. Vẫn ở tư thế quỳ, Quốc trưởng kiểm tra xem mình có chảy máu không và gạt tóc cho thẳng lại, từ bên phải sang bên trái. Khi lão đứng dậy được, trong tiếng reo hò cổ vũ của đám đông hàng vạn người, lão ta bước lên trước và làm một điều hết sức lạ lùng. Lão quay lưng lại tên Do Thái và tháo găng tay ra.

Đám đông bàng hoàng.

“Ông ấy bỏ cuộc rồi,” có ai đó thì thầm, nhưng chỉ một lúc sau, Adolf Hitler đã đang đứng trên những sợi dây đài, và lão đang nói với cả khán đài.

“Những người dân Đức của tôi,” lão gào to, “đêm nay, ở đây, các bạn có thể thấy được một điều, phải không?” Với bộ ngực trần, đôi mắt ngời chiến thắng, lão chỉ về phía Max. “Các bạn có thể thấy rằng cái lũ người mà chúng ta phải đối mặt là một bọn còn độc ác và mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Các bạn có thể thấy điều đó không?”

Đám đông trả lời. “Có, thưa Quốc trưởng.”

“Các bạn có thấy được rằng kẻ thù này đã tìm ra phương cách của nó – những phương cách hèn hạ của nó – để đâm xuyên qua tấm giáp sắt phòng thủ của chúng ta, và rõ ràng là, tôi không thể đứng đây một mình và đánh lại hắn?” những lời nói của lão như hữu hình. Chúng rơi lả tả ra từ miệng lão như những món trang sức. “Hãy nhìn hắn mà xem! Nhìn cho kỹ vào.” Họ nhìn. Nhìn vào Max Vandenburg đẫm máu. “Khi chúng ta nói, hắn đã tìm được đường vào khu bạn sống. Hắn đang chuyển vào sống ở nhà bên cạnh. Hắn phá hoại bạn với gia đình hắn và hắn đang chuẩn bị đuổi bạn ra khỏi nhà. Chính hắn –” Hitler liếc nhìn anh một lúc, với vẻ kinh tởm. “Hắn sẽ nhanh chóng làm chủ bạn, cho đến khi hắn không còn đứng ở chỗ quầy tạp hóa của bạn nữa, mà là ngồi ra đằng sau, hút cái tẩu của hắn. Trước khi bạn biết được điều này, bạn sẽ phải làm việc cho hắn với mức lương bèo bọt nhất, trong khi hắn thì khó có thể bước đi được vì túi tiền của hắn đã quá nặng. Liệu các bạn có thể chỉ đơn giản là đứng đó và để cho hắn làm điều này hay không? Liệu các bạn có đứng yên như những nhà lãnh đạo của các bạn đã làm trong quá khứ, khi họ cống nạp đất đai của các bạn cho người khác, khi họ bán đất nước của các bạn với giá vài chữ ký không? Liệu bạn có đứng đó, bất lực hay không? Hay là” – và bây giờ lão bước lên một sợi dây đài nữa – “các bạn sẽ trèo lên võ đài này và chiến đấu cùng tôi?”

Max rung lên. Nỗi kinh hoàng lắp bắp trong dạ dày anh

Adolf kết liễu anh. “Liệu các bạn có lên đây để chúng ta có thể cùng nhau đánh bại kẻ thù này hay không?”

Trong tầng hầm của nhà số 33 đường Thiên Đàng, Max Vandenburg có thể cảm thấy những nắm đấm của cả một đất nước đang giáng vào mình. Từng người một trèo lên võ đài và đánh gục anh. Họ khiến máu anh phải đổ. Họ bắt anh phải chịu đựng. Hàng triệu người bọn họ – cho đến một lần cuối cùng, khi anh tự mình đứng lên được.

Anh nhìn người tiếp theo trèo qua sợi dây đài. Đó là một đứa bé gái, và khi nó chầm chậm bước trên tấm bạt, anh nhận thấy một dòng nước mắt chảy dài bên má trái của nó. Trong bàn tay phải của nó là một tờ báo.

“Ô chữ,” con bé nhẹ nhàng nói, “vẫn còn trống,” và con bé đưa nó cho anh.

Bóng tối.

Không gì khác ngoài bóng tối lúc này.

Chỉ có căn hầm. Chỉ có người Do Thái.

MỘT GIẤC MƠ MỚI: VÀI ĐÊM SAU ĐÓ

Đó là buổi chiều. Liesel bước xuống những bậc cấp tầng hầm. Max đang tập hít đất.

Con bé quan sát một lúc, không cho anh biết, và sau đó nó đến gần rồi ngồi xuống bên cạnh anh. Max ngồi dậy và dựa vào tường. “Anh đã nói với em,” anh hỏi con bé, “rằng gần đây anh đã có một giấc mơ mới chưa nhỉ?”

Liesel chuyển tư thế một chút, để nhìn thấy mặt anh.

“Nhưng anh mơ thấy giấc mơ này khi thức.” Anh dịch người đến chỗ ngọn đèn dầu không tỏa ra ánh sáng. “Có đôi khi anh bật đèn lên. Rồi sau đó anh đứng đây và chờ đợi.

“Đợi cái gì kia?”

Max chỉnh lại nó. “Không phải đợi cái gì. Mà là đợi ai.”

Trong vài phút, Liesel không nói gì cả. Đây là một trong những buổi trò chuyện đòi hỏi phải có một chút thời gian trước khi những câu thoại được trao đổi qua lại. “Anh đợi ai vậy?”

Max đáp mà không nhúc nhích. “Quốc trưởng.” Anh có vẻ rất nghiêm túc. “Đó là lý do vì sao anh đang luyện tập.”

“Ý anh là những cái hít đất ban nãy á?”

“Đúng rồi.” Anh bước đến chỗ cầu thang làm bằng bê tông. “Mỗi đêm, anh đều đợi trong bóng tối và Quốc trưởng sẽ đi xuống những bậc thang này. Lão sẽ đi xuống, rồi thì lão ta và anh, bọn anh sẽ đánh nhau suốt nhiều giờ liền.”

Lúc này thì Liesel đã đứng dậy. “Thế ai thắng?”

Ban đầu, anh định trả lời là không ai thắng cả, nhưng sau đó anh nhận thấy những thùng sơn, mấy tấm phủ che bụi và chồng báo ngày càng cao dần ở bên ngoài tầm mắt của anh. Anh nhìn những từ ngữ, đám mây dài và những dáng người trên tường.

“Anh thắng,” anh nói.

Cứ như thể anh đã mở lòng bàn tay con bé ra, đưa cho nó những từ ngữ rồi đóng bàn tay ấy lại vậy.

Dưới lòng đất, tại Munich, ở nước Đức, có hai con người đang đứng và trò chuyện với nhau trong một căn hầm. Việc này nghe như đoạn đầu của một trò đùa.

“Có một người Do Thái và một người Đức đang đứng trong một căn hầm, có phải không?...”

Tuy nhiên việc này lại chẳng phải là một trò đùa.

NHỮNG NGƯỜI THỢ SƠN: ĐẦU THÁNG SÁU

Một kế hoạch của Max là phần còn lại của quyển Mein Kampf. Mỗi trang sách được nhẹ nhàng xé ra rồi được trải lên sàn để được quét một lớp sơn. Sau đó trang sách ấy được phơi lên cho khô và đến lượt mặt sau của nó lại được quét một lớp sơn khác. Một ngày nọ, khi Liesel xuống đến tầng hầm sau khi đi học về, con bé nhìn thấy Max, Rosa và bố nuôi nó, tất cả đều đang sơn những trang sách khác nhau. Rất nhiều trang đã được phơi trên sợi dây được kéo dài ra với những cái kẹp, cũng giống như những gì họ đã làm cho quyển Người đứng nhìn xuống.

Cả ba người đều nhìn lên và nói.

“Chào Liesel.”

“Cọ sơn đây, Liesel.”

“Đến lúc rồi, Đồ con lợn. Mày đi đâu mà lâu thế hứ?”

Khi bắt đầu sơn, Liesel đã nghĩ đến việc Max Vandenburg đánh nhau với Quốc trưởng, đúng như cái cách mà anh đã giải thích với nó.

š NHỮNG NHỠN ẢNH DƯỚI TẦNG HẦM, THÁNG SÁU NĂM 1942 ›

Những cú đấm được tung ra, đám đông trèo ra khỏi bốn bức tường. Max và Quốc trưởng đánh nhau để sống sót, cả anh và lão đều nẩy ra khỏi cầu thang. Có máu trên bộ râu mép của Quốc trưởng, cũng như trên thái dương bên phải của lão. “Đến đây nào, Quốc trưởng,” người Do Thái nói. Anh vẫy lão đến gần. “Đến đây nào, Quốc trưởng.”

Khi những nhỡn ảnh này tan biến và con bé sơn xong trang sách đầu tiên của mình, Bố bèn nháy mắt với nó. Mẹ thì quở mắng nó vì đã sơn lem ra ngoài. Max kiểm tra từng trang sách một, có thể anh đang nhìn cái mà anh đã có kế hoạch tạo ra trên những trang sách ấy. Nhiều tháng sau, anh cũng sẽ lại sơn lên bìa của quyển sách và cho nó một nhan đề mới, nhan đề này được đặt theo một trong những câu chuyện mà anh sẽ viết và vẽ minh họa bên trong nó.

Chiều hôm đó, trong căn hầm bí mật bên dưới nhà số 33 phố Thiên Đàng, gia đình Hubermann, Liesel Meminger và Max Vandenburg đang chuẩn bị những trang sách cho quyển Người lay từ ngữ.

Cảm giác được làm một thợ sơn thật là tuyệt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.