MICHAEL HOLTZAPFEL: THƯ VĨNH BIỆT
Mẹ yêu quý,
Liệu mẹ có thể tha thứ cho con được không? Con không thể chịu nổi nữa. Con đi gặp Robert đây. Con không quan tâm đến mấy điều khốn khiếp mà lũ người theo đạo Thiên chúa nói về việc tự tử. Hẳn phải có một chỗ ở trên Thiên Đàng cho những người đã ở nơi mà con đã từng ở. Có thể mẹ sẽ nghĩ con không yêu mẹ vì những điều con đã làm, nhưng con yêu mẹ.
Michael của mẹ.
Người ta đã đề nghị Hans Hubermann chuyển tin tức này đến cho bà Holtzapfel. Ông đứng trên ngưỡng cửa nhà bà ấy, và hẳn là bà đã nhìn thấy nó trên gương mặt ông. Hai đứa con trai trong vòng sáu tháng.
Bầu trời buổi sáng đứng đó và tỏa ra ánh sáng chói lòa đằng sau ông, khi người đàn bà như sợi dây điện ấy lao qua. Bà vừa chạy vừa khóc nức nở đến chỗ đám người đang tụ tập ở cuối phố Thiên Đàng. Bà gọi tên Michael ít nhất là hai mươi lần, nhưng Michael đã trả lời bà rồi. Theo kẻ trộm sách, bà Holtzapfel đã ôm xác con trai mình suốt gần một giờ đồng hồ. Sau đó, bà quay lại chỗ mặt trời đang đổ nắng chói chang trên phố Thiên Đàng rồi ngồi xuống. Bà không thể đi được nữa.
Cách đó một quãng, người ta quan sát bà. Một cảnh tượng như vậy sẽ dễ chịu hơn từ một quãng xa.
Hans Hubermann ngồi xuống với bà.
Ông đặt tay lên tay bà khi bà ngã người ra đằng sau, xuống mặt đất cứng.
Ông để cho những tiếng thét của bà tràn ngập con phố.
***
Rất lâu sau đó, Hans đi cùng với bà, hết sức cẩn thận dìu bà qua cổng nhà rồi vào trong. Và dù tôi có cố gắng đến bao nhiêu lần để nhìn nhận nó theo một cách khác đi chăng nữa, tôi vẫn không thể dứt được hình ảnh ấy ra khỏi đầu mình…
Khi tôi hình dung ra cảnh tượng người đàn bà quẫn trí và người đàn ông cao lớn với đôi mắt màu bạc ấy, thì tuyết vẫn rơi trong căn bếp nhà số 31 phố Thiên Đàng.
NGƯỜI GÂY CHIẾN TRANH
Có mùi của một cỗ quan tài vừa mới đóng. Những bộ đồ màu đen. Những cái va li to đùng dưới những cặp mắt. Liesel đứng đó như những người còn lại, trên bãi cỏ. Cũng trong buổi chiều hôm đó, con bé đã đọc sách cho bà Holtzapfel nghe. Người mang giấc mơ, quyển sách yêu thích của bà ấy.
Hôm đó thực sự là một ngày bận rộn vô cùng.
NGÀY 27 THÁNG BẢY NĂM 1943
Michael Holtzapfel được chôn cất, và kẻ trộm sách đọc sách cho gia quyến nghe. Quân Đồng minh đã đánh bom Hamburg – và về việc này, thì thật là may mắn khi tôi đã khá phi thường. Không ai khác có thể mang theo gần 45.000 người trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Trong một triệu năm nữa cũng không ai làm được chuyện này.
Khi đó dân Đức đã bắt đầu phải thực sự trả giá. Hai cái đầu gối nhỏ bé sần sùi của Quốc trưởng đã bắt đầu run rẩy.
Tuy vậy, tôi sẽ vẫn không cho ông ta một cái gì đó, cái ông Quốc trưởng ấy.
Ông ta hẳn là phải có một ý chí sắt thép.
Không hề có sự giảm bớt việc tạo ra chiến tranh, và cũng không hề có sự giảm bớt trong việc hủy diệt và trừng phạt của một cơn dịch bệnh. Trong khi hầu hết những trại tập trung được lan rộng ra trên khắp châu Âu, thì có vài trại tập trung vẫn còn tồn tại trên phạm vi nước Đức.
Trong những trại tập trung ấy, rất nhiều người vẫn bị bắt phải làm việc, và phải đi.
Max Vanderburg là một người Do Thái như vậy.
PHƯƠNG CÁCH CỦA TỪ NGỮ
Nó xảy ra trong một thị trấn nhỏ thuộc khu vực trung tâm của Hitler.
Dòng chảy của nhiều sự đau đớn hơn nữa đã được bơm tràn ra, và một mảnh nhỏ của nó lúc này đã đến nơi.
Đám người Do Thái đang được dẫn đi qua những vùng ngoại ô của Munich, và một đứa bé gái tuổi vị thành niên không biết thế nào đó mà đã thực hiện một hành động không suy nghĩ, ấy là đi cùng với họ. Khi những người lính kéo con bé ra rồi ném nó xuống đất, nó lại đứng dậy. Và nó lại tiếp tục bước theo họ.
Buổi sáng hôm đó thật ấm áp.
Một ngày đẹp đẽ khác cho một cuộc diễu hành.
Những người lính cùng đám người Do Thái đã đi qua vài thị trấn, và bây giờ đang đến Molching. Có lẽ là có nhiều việc cần phải làm trong trại tập trung hơn, hay vài người tù nhân đã chết. Dù lý do là gì đi nữa, thì một toán người Do Thái mới toanh, mỏi mệt, đang được dắt đi bằng chân đến Dachau.
Như nó vẫn luôn làm thế, Liesel chạy xuống phố Munich cùng những khán giả thường lệ, họ đang đi hút về phía đám người Do Thái.
“Heil Hitler!”
Con bé có thể nghe thấy tiếng hô của người lính đầu tiên từ cuối con đường, và đi về phía anh ta qua đám đông, để đón đầu đám diễu hành. Giọng nói đã làm nó ngạc nhiên. Nó đã làm cho bầu trời bất tận biến thành một cái trần nhà ngay trên đầu của anh ta, và những lời nói dội ngược lại, rơi xuống đâu đó trên cái sàn nhà của những đôi chân Do Thái đang khập khiễng bước đi.
Những đôi mắt của họ.
Họ nhìn con đường đang chuyển động, từng người một, và khi Liesel tìm thấy một vị trí quan sát tốt, nó dừng lại và nghiên cứu đoàn người. Con bé lướt nhanh qua hết gương mặt này đến gương mặt khác, cố gắng gán ghép chúng với người Do Thái đã viết hai quyển sách Người đứng nhìn xuống và Người lay từ ngữ.
Mái tóc như lông chim, con bé nghĩ thầm.
Không, mái tóc như những cành cây mới đúng. Mái tóc của anh ấy sẽ trông như thế khi nó không được gội. Hãy tìm mái tóc nào trông như những cành cây, đôi mắt tối đen như hai đầm lầy, và một hàm râu như đang nhóm lửa.
Lạy Chúa, có quá nhiều người như thế.
Quá nhiều những đôi mắt đang hấp hối và những đôi chân lê lết trên mặt đường.
Liesel tìm kiếm Max trong đám người Do Thái, và không phải một đặc điểm nào của khuôn mặt đã giúp nó nhận ra Max Vanderburg, mà đó là biểu hiện của khuôn mặt anh – nó cũng nghiên cứu đám đông, hết sức chăm chú. Liesel cảm thấy mình ngừng lại khi nó tìm thấy gương mặt duy nhất đang nhìn thẳng vào đám khán giả Đức. Gương mặt này kiểm tra họ với một mục đích rõ ràng đến mức những người ở cả hai bên kẻ trộm sách nhận thấy điều này và chỉ trỏ về phía anh.
“Hắn ta đang nhìn cái gì vậy?” Một giọng đàn ông bên cạnh con bé nói.
Kẻ trộm sách bước xuống đường.
Chưa bao giờ một cử động lại giống như một gánh nặng với nó đến như vậy. Chưa bao giờ tiếng trái tim nó đập lại rõ ràng và vang to như vậy trong lồng ngực thiếu niên của con bé.
Con bé bước tới trước và nói, thật khẽ: “Anh ấy đang tìm tôi.”
Giọng của con bé bị kéo lê đi và rơi mất, vào bên trong. Con bé phải tìm lại nó – mò sâu xuống dưới đáy thanh quản, để học cách cất tiếng nói một lần nữa và gọi tên anh.
Max.
“Em ở đây – Max.”
Lớn hơn.
“Max, em ở đây!”
Anh đã nghe thấy tiếng con bé gọi.
MAX VANDERBURG, THÁNG TÁM NĂM 1943
Có những món tóc cứng quèo như những cành cây, đúng như Liesel nghĩ, và đôi mắt đen kịt như hai đầm lầy bước ra, vai kề vai cùng những người Do Thái khác. Khi họ đến được chỗ con bé, họ cầu xin. Hàm râu thò ra khỏi lớp da mặt anh, và miệng anh run rẩy khi anh nói ra một từ, một cái tên, một đứa bé gái. Liesel.
Liesel đã hoàn toàn tách khỏi đám đông và bước vào toán người Do Thái, con bé đi len lỏi qua họ cho đến khi nó nắm được tay anh bằng tay trái của mình.
Mặt anh gục xuống nó.
Nó cúi xuống ngay lúc con bé vấp ngã và người Do Thái, cái người Do Thái hư hỏng ấy, đã giúp con bé đứng dậy. Việc này đã lấy đi hết sức lực của anh.
“Em ở đây, Max,” con bé lại nói, “Em ở đây.”
“Anh thật không thể tin được…” Những từ ngữ nhỏ giọt ra từ miệng Max. “Xem em lớn chưa kìa.” Có một nỗi buồn mãnh liệt trong đôi mắt anh. Chúng sưng tấy lên. “Liesel… Họ đã bắt được anh cách đây vài tháng.” Giọng nói của anh đã bị tàn phá đi nhiều, nhưng nó vẫn tự kéo lê mình về phía con bé. “Khi anh đang trên đường tới Stuttgart.”
Từ bên trong, dòng suối người Do Thái là một thảm họa tối tăm của những cẳng chân và cánh tay. Những bộ đồng phục xơ xác như giẻ rách. Vẫn chưa có người lính nào nhìn thấy con bé cả, và Max đã cho con bé một lời cảnh cáo. “Em phải buông anh ra, Liesel.” Thậm chí anh còn cố đẩy con bé ra nữa, nhưng nó quá khỏe. Cánh tay chết đói của Max không thể thắng được nó, và con bé vẫn bước đi tiếp, giữa bầu không khí hôi hám, cái đói và sự hỗn loạn.
Sau rất nhiều bước chân, người lính đầu tiên đã nhận thấy nó.
“Này!” Hắn ta gọi vọng vào. Hắn chỉ vào nó bằng cái roi da của mình. “Này, con bé kia, mày đang làm cái gì thế? Ra khỏi đó mau!”
Khi con bé phớt lờ hắn đi, tên lính bèn dùng cánh tay của mình để tách rời đám người nhơ nhớp dinh dính ấy ra. Hắn xô họ sang một bên để có đường đi qua, rồi lù lù hiện ra phía trên con bé, trong khi Liesel vẫn cố gắng đi tiếp dù khá chật vật, và rồi con bé nhận ra vẻ mặt đang cố kìm nén điều gì đó của Max Vanderburg. Trước đây nó đã nhìn thấy anh sợ, nhưng chưa bao giờ sợ đến mức như thế này cả.
Tên lính bắt lấy nó.
Đôi tay hắn cư xử rất thô bạo với quần áo của nó.
Con bé có thể cảm thấy mấy đốt xương của những ngón tay hắn, và khớp nối ở mỗi đốt ngón tay. Chúng giật mạnh da con bé. “Ta đã nói là đi ra cơ mà!” Hắn ra lệnh cho nó, và lôi con bé sang một bên rồi quẳng nó vào bức tường của những người dân Đức đang đứng nhìn. Tiết trời đang trở nên ấm áp hơn. Mặt trời thiêu đốt gương mặt nó. Đứa bé gái nằm vật xuống một cách đau đớn, nhưng giờ nó đã lại đứng dậy. Nó đã hồi phục và chờ đợi. Nó lại bước vào.
Lần này, Liesel đi qua từ đằng sau đoàn người.
Phía trước mặt nó, nó chỉ có thể nhìn thấy những món tóc cứng quèo rất dễ nhận ra, và lại một lần nữa, nó đi về phía chúng.
Lần này, nó không vươn người ra nữa, mà đứng lại. Đâu đó bên trong nó là những linh hồn của từ ngữ. Chúng trèo ra ngoài và đứng bên cạnh con bé.
“Max,” nó gọi. Anh quay lại và nhắm mắt lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi con bé tiếp tục nói. “Có một gã đàn ông kỳ lạ, nhỏ bé,” nó nói. Hai cánh tay nó đang buông thõng xuống, nhưng hai bàn tay nó thì đang nắm chặt lại ở hai bên người nó. “Nhưng cũng có cả một người lay từ ngữ nữa.”
Một trong những người Do Thái đang trên đường đến Dachau giờ đã dừng bước.
Anh đứng hoàn toàn bất động khi những người khác thình lình đổi hướng một cách rầu rĩ ở xung quanh anh, để lại anh hoàn toàn một mình. Cặp mắt anh so le và thật đơn giản. Những từ ngữ đã được chuyển từ đứa bé gái sang người Do Thái. Chúng trèo lên người anh.
***
Lần tiếp theo con bé cất tiếng, những câu hỏi như loạng choạng rơi ra từ miệng nó. Những giọt nước mắt nóng bỏng chen nhau để giành chỗ trong đôi mắt của nó, và nó sẽ không để chúng trào ra. Sẽ tốt hơn khi nó đứng đó một cách kiên quyết và đầy kiêu hãnh. Hãy để cho những từ ngữ làm tất cả công việc cần làm. “Đó có thật là em không? Người thanh niên nọ hỏi,” con bé nói. “Có phải chính từ gò má em mà anh đã gieo hạt giống không?”
Max Vanderburg vẫn đứng đó.
Anh không khuỵu xuống.
Con người, những người Do Thái, và những đám mây, tất cả đều dừng lại. Họ quan sát.
Khi đứng, ban đầu Max nhìn vào đứa bé gái, sau đó nhìn thẳng vào bầu trời bao la xanh thẳm và rất lộng lẫy. Có những thanh xà nặng nề - những tấm ván của mặt trời – đang rơi một cách ngẫu nhiên, một cách thật đẹp đẽ, xuống mặt đường. Những đám mây cúi mình xuống để nhìn ra đằng sau khi họ bắt đầu tiếp tục di chuyển. “Thật là một ngày đẹp trời,” anh nói, và giọng nói của anh đã tan vỡ thành nhiều mảnh. Một ngày tuyệt vời để chết. Một ngày tuyệt vời để chết, như thế này.
Liesel đi về phía anh. Con bé đã có đủ can đảm để vươn tay ra và ôm lấy gương mặt lởm chởm râu của anh. “Có thật là anh đấy không, Max?”
Thật là một ngày tuyệt vời cho nước Đức và cái đám đông đang chú ý của nó.
Anh để cho miệng mình hôn vào lòng bàn tay của con bé. “Phải, Liesel, là anh đây,” và anh ôm lấy bàn tay của con bé để lên mặt mình rồi khóc vào những ngón tay của nó. Anh khóc khi những tên lính đi đến và một nhóm nhỏ những người Do Thái cả gan đứng đó và quan sát.
Khi vẫn còn đứng, anh bị quật roi vào người.
“Max,” đứa bé gái òa khóc nức nở.
Sau đó, một cách im lặng, nó bị lôi ra xa.
Max.
Tay đấm Do Thái.
Từ sâu trong đáy lòng, con bé đã nói tất cả điều đó ra.
Maxi – taxi. Đó là cái tên mà bạn bè đã gọi anh ở Stuttgart khi anh đánh nhau trên đường phố, anh có nhớ không? Đó là anh – thằng bé với những nắm đấm cứng như đá, và anh nói rằng anh sẽ giáng một cú đấm vào mặt của thần chết khi hắn đến bắt anh. Có nhớ không, Max? Anh đã nói với em như thế. Em nhớ tất cả.
Có nhớ thằng người tuyết không, Max?
Có nhớ không?
Trong tầng hầm?
Có nhớ đám mây trắng với quả tim màu xám không?
Thỉnh thoảng Quốc trưởng vẫn xuống tìm anh. Ông ta nhớ anh. Cả nhà mình đều nhớ anh.
Cái roi. Cái roi.
Cái roi vẫn tiếp tục được vụt xuống từ bàn tay của tên lính. Nó quật xuống mặt của Max. Nó cắt đứt cằm anh và xé nát cổ họng anh.
Max gục xuống đất, và bây giờ thì tên lính quay sang con bé gái. Mồm hắn đang mở ra. Hắn có một hàm răng không chê vào đâu được.
Một ánh chớp đột ngột lóe lên trước mắt con bé. Nó nhớ lại cái ngày mà nó đã muốn Ilsa Hermann, hay ít nhất là bà Rosa đáng tin cậy, tát nó, nhưng không ai trong số họ chịu làm thế cả. Lần này thì con bé đã không phải thất vọng.
Ngọn roi xé một đường trên xương đòn nó và kéo dài xuống chỗ xương vai.
“Liesel!”
Con bé biết người vừa gọi nó.
Khi tên lính vung cánh tay của mình lên, con bé nhìn thấy một thằng Rudy Steiner đau đớn qua những kẽ hở chỗ đám đông. Nó đang cất tiếng gọi. Con bé có thể nhìn thấy gương mặt như đã bị tra tấn của nó, và mái tóc màu vàng của thằng bạn mình. “Liesel, ra khỏi chỗ đó ngay!”
Kẻ trộm sách đã không đi ra.
Con bé nhắm mắt lại và bắt được cái vệt roi cháy bỏng tiếp theo, và một vệt roi khác, cho đến khi thân thể của nó đổ xuống mặt đường ấm áp. Nó làm cho má con bé nóng lên.
Có thêm những từ ngữ nữa đến, lần này là từ phía tên lính.
“Steh auf[1].”
[1] Đứng lên (Tiếng Đức)
Cái câu nói ngắn gọn ấy không được hướng đến đứa bé gái, mà là dành cho người Do Thái. Nó được nói thêm cho cụ thể. “Đứng lên, đồ lỗ đít dơ bẩn, đồ chó má Do Thái, đứng lên, đứng lên ngay…”
***
Max nhấc thân người mình thẳng đứng lên.
Chỉ một cái chống đẩy nữa thôi, Max.
Chỉ một cái chống đẩy trên sàn hầm lạnh lẽo nữa thôi, Max.
Đôi chân của anh di chuyển.
Chúng lê đi và anh lại bước tiếp.
Hai chân anh so le với nhau, và đôi tay anh vuốt lên những dấu vết của ngọn roi, để làm dịu đi cơn buốt nhói. Khi anh thử quay đầu lại để tìm Liesel, thì bàn tay của những tên lính đã đặt lên đôi vai đẫm máu của anh và đẩy anh bước tiếp.
Thằng bé chạy đến. Hai cẳng chân khẳng khiu của nó ngồi thụp xuống, rồi nó quay sang bên trái rồi cất tiếng gọi.
“Tommy, ra đây và giúp tớ một tay nào. Chúng ta phải đỡ cậu ấy dậy. Tommy, nhanh lên!” Thằng bé xốc nách kẻ trộm sách đứng dậy. “Liesel, coi nào, cậu phải ra khỏi con đường này!”
Khi đã có thể đứng được, con bé nhìn những gương mặt người Đức bàng hoàng và như đã đông lại thành đá, tươi rói như vừa được lấy ra khỏi bọc. Dưới chân họ, con bé cho phép mình đổ gục xuống, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi. Một chỗ da bị xước đã tạo nên dấu ấn ở một bên má nó, nơi nó đã đập mặt xuống đất. Mạch của nó như sôi lên, đốt nóng cả trong lẫn ngoài.
Ở cuối con đường, con bé có thể nhìn thấy những bàn chân và gót chân đang nhòe nhoẹt dần của những người Do Thái cuối cùng trong đoàn người đang đi ấy.
Mặt nó đang rát và một cơn đau nhức dai dẳng nơi tay và chân nó – một sự tê cóng vừa khiến nó đau đớn vừa làm nó mỏi mệt.
Nó đứng đó.
Một cách bướng bỉnh, nó bắt đầu đi và sau đó là chạy xuống phố Munich, để đuổi kịp những bước chân cuối cùng của Max Vanderburg.
“Liesel, cậu đang làm gì thế?”
Nó vùng thoát khỏi cái nắm giữ của những lời nói từ Rudy và lờ đi những người đang đứng nhìn ở hai bên nó. Hầu hết bọn họ đều câm lặng. Đó là những pho tượng với những quả tim đang đập. Hay có thể là những người đứng xem ở đoạn cuối của một cuộc thi chạy đường dài. Liesel lại hét to lên và không được nghe thấy. Mái tóc đang ở trong mắt nó. “Max, làm ơn đi.”
Sau khoảng ba mươi mét, khi một tên lính quay lại, đứa bé gái đã bị vật ngã. Những bàn tay giữ chặt lấy nó từ đằng sau, và thằng bạn hàng xóm của nó đè nó xuống mặt đất, đầu gối nó chạm đất trước tiên. Thằng nhóc nhận lấy tất cả những cú đấm của con bé như thể chúng là những món quà. Hai bàn tay và khuỷu tay xương xẩu của nó được chấp nhận với không gì khác ngoài vài tiếng rên rỉ ngắn. Thằng nhóc nhận liên tục từng bãi nước bọt và nước mắt dầm dề như thể chúng trông thật đáng yêu trên gương mặt nó. Tuy vậy, quan trọng hơn cả, nó đã có thể giữ chặt con bé dưới đất.
Trên phố Munich, một thằng bé và một con bé quấn lấy nhau.
Chúng xoắn vào nhau và trơ trọi trên mặt đường.
Chúng cùng nhau nhìn những con người biến mất. Chúng nhìn họ tan rã, như những bánh xà phòng chuyển động trong bầu không khí ẩm ướt.