NGƯỜI ĐI TRÊN PHỐ
Nỗi bất hạnh bất đầu với đám đồ giặt ủi, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng.
Khi Liesel cùng Rosa Hubermann đi giao đồ giặt ủi quanh Molching, một trong những khách hàng của bà, Ernst Vogel báo cho họ biết rằng ông ta không thể tiếp tục chi trả cho viêc giặt ủi quần áo được nữa. “Tình hình là vậy,” ông ta nói như để thanh minh, “tôi có thể nói gì bây giờ? Hoàn cảnh ngày càng phức tạp. Cuộc chiến tranh khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.” Ông nhìn con bé. “Tôi tin là bà nhận được một khoản trợ cấp cho việc giữ con bé này trong nhà, phải thế không?”
Trước sự bàng hoàng của Liesel, Mẹ không nói được câu nào. Bên cạnh bà là một cái túi rỗng không.
Đi thôi, Liesel.
Điều này không phải được nói ra thành tiếng. Nó là một cú kéo mạnh bởi một bàn tay thô kệch.
Vogel gọi với theo từ bậc tam cấp cửa nhà ông ta. Ông cao chừng một thước tám và mái tóc bết bền bệt của ông lòa xòa trước trán một cách hời hợt không sức sống. “Tôi xin lỗi, bà Hubermann!”
Liesel vẫy tay chào ông ta.
Ông vẫy tay chào lại.
Mẹ quở nó.
“Đừng có chào cái Lỗ đít ấy,” bà nói. “Giờ thì nhanh chân lên “
Đêm hôm đó, khi Liesel tắm, Mẹ kỳ cọ cho nó rất mạnh tay, luôn miệng lầm bầm về cái đồ lợn Vogel nọ, và nhại lại lời ông ta nói cứ mỗi hai phút một lần. “Tôi tin là bà nhận được một khoản trợ cấp cho việc giữ con bé…” Bà kỳ cọ cho Liesel, vừa mắng nhiếc cái ngực trần trụi của nó. “Mày không đáng giá nhiều chừng ấy đâu, đồ con lợn. Mày không làm tao giàu lên tí nào đâu, biết chưa hả.”
Liesel ngồi chết lặng ở đó, nhận hết những câu nói của bà mẹ nuôi.
Chưa đầy một tuần sau sự kiện đặc biệt ấy. Rosa kéo nó vào bếp. “Được rồi, Liesel.” Bà bắt nó ngồi xuống chỗ bàn. “Vì mày dành phân nửa thời gian của mày để chới đá bóng ngoài đường, thì mày có thể có ích hơn ngoài đó. Để thay đổi.”
Liesel nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay mình. “Có chuyện gì vậy, Mẹ?”
Từ giờ trở đi mày sẽ đi giao và nhận đồ giặt ủi cho tao. Những kẻ giàu có ấy sẽ ít cắt việc chúng ta hơn nếu mày là người đứng trước mặt bọn chúng nó. Nếu chúng hỏi mày là tao đâu rồi, hãy bảo chúng nó là tao bị ốm. Và hãy tỏ ra buồn rầu khi mày nói với chúng nó như thế. Mày đủ ốm yếu xanh xao để có được sự thương cảm của bọn chúng nó.”
“Nhưng ông Vogel đâu có thương hại con.”
“À…” Bà lộ rõ vẻ bối rối. “Những người khác sẽ làm như thế. Vậy nên đừng có cãi lời tao.”
“Vâng thưa Mẹ.”
Trong một khoảnh khắc, có vẻ như mẹ nuôi nó sẽ an ủi nó, hay vỗ vào vai nó.
Nhưng bà ấy không làm những điều như vậy.
Thay vào đó, Rosa đứng dậy, chọn lấy một cái thìa gỗ và dứ dứ nó dưới mũi Liesel. Theo bà thì điều này là cần thiết. “Khi mày đi làm cái công việc này, mày phải mang đồ đến từng nơi một và mang đồ thẳng về nhà, cùng với tiền, ngay cả khi món tiền đó gần như chẳng đáng gì cả. Không được phép ghé chỗ Bố nếu thằng cha ấy có thực sự làm việc lấy một lần trong đời. Không được lêu lổng với thằng lợn Rudy Steiner ấy. Đi thẳng về nhà.”
“Vâng thưa Mẹ.”
“Và khi mày cầm túi đồ, mày phải cầm nó đúng cách. Mày không được vung vẩy nó, đánh rơi nó, làm nhàu nó hay khoác nó qua vai.”
“Vâng thưa Mẹ.”
“Vâng, thưa Mẹ.” Rosa Hubermann là một người nhại tiếng bậc thầy, và là một người rất tha thiết với việc này “Đồ con lợn, tốt hơn là mày đừng có làm thế. Tao sẽ phát hiện ra ngay nếu mày làm thế, mày biết như vậy mà phải không?”
“Vâng thưa Mẹ.”
Nói ba từ này, cũng như làm theo những gì mà nó được bảo phải làm, thường là cách tốt nhất để sống sót, và kể từ hôm đó Liesel đi trên những con phố của Molching, từ đầu phố nơi những người nghèo khổ sống, cho đến nơi những người giàu có hơn sống, nhận và giao đồ giặt ủi. Ban đầu thì đây là một công việc đơn độc, điều mà nó chưa bao giờ phàn nàn gì cả. Rốt cuộc thì, ngay lần đầu tiên nó mang cái bao đồ đi qua phố, nó đã rẽ sang phố Munich, nhìn trước ngó sau rồi con bé vung túi đồ một phát thật mạnh, thật tít – một cuộc cách mạng triệt để – rồi sau đó nó bèn kiểm tra đám đồ đạc chứa bên trong. May sao, không có chỗ nhàu nào cả. Không có vết nhăn nhúm nào cả. Chỉ có một nụ cười, và lời hứa sẽ không bao giờ vung vẩy túi lần nữa.
Nói chung, Liesel thích công việc này. Nó không được chia tiền, nhưng nó được ra khỏi nhà, và bản thân việc đi trên những con phố mà không có Mẹ bên cạnh đã là một điều mang lại cảm giác lâng lâng như trên thiên đàng rồi. Không ai chỉ ngón tay vào mặt nó hay rủa xả nó. Không ai nhìn chằm chằm vào hai mẹ con, khi Mẹ mắng mỏ nó vì đã cầm túi sai quy cách. Không gì hết ngoài sự thanh thản.
Con bé cũng bắt đầu thích thú với những người mà nó gặp:
• Nhà Plaffehurvers luôn kiểm tra thật kỹ quần áo và nói, “Ja, ja, sehr gut, sehr gut[3]” Liesel hình dung rằng bất cứ việc gì họ cũng phải làm đến hai lần.
[3] Được rồi, được rồi, tốt lắm, tốt lắm. (tiếng Đức)
• Helena Schmidt dịu dàng, đưa tiền với một cái tay cong queo vì chứng viêm khớp.
• Nhà Weigartners, chủ của con mèo hay rụng lông luôn ra mở cửa cùng họ. Goebbels bé nhỏ¸ đó là cái tên mà họ đặt cho con mèo – theo tên nhân vật được xem là cánh tay mặt của Hitler.
• Và bà Hermann, vợ của ngài Thị trưởng, bà đứng đó với mái tóc thưa như tơ và chết cóng trên bậc cửa lạnh buốt nhà mình. Luôn im lặng. Luôn chỉ có một mình. Không một từ nào, dù chỉ một lần.
Đôi lúc, Rudy đi cùng với nó.
“Cậu có bao nhiêu tiền đằng đó vậy?” Thằng bé hỏi Liesel một buổi chiều nọ. Khi ấy trời đã nhập nhoạng tối và hai đứa đang đi trên phố Thiên Đàng, đoạn vừa qua khỏi cửa hiệu tạp hóa. “Cậu đã nghe người ta nói về mụ Diller rồi phải không? Người ta nói mụ có giấu kẹo que ở đâu đó, và giá rất phải chăng.”
“Đừng có mơ tới chuyện đó.” Liesel, như thường lệ, đang nắm chặt lấy mớ tiền của nó. “Với cậu thì mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ lắm đâu – cậu đâu có phải đối mặt với mẹ tớ.”
Rudy nhún vai. “Cũng đáng để thử lắm chứ.”
Vào giữa tháng Giêng, bài tập ở trường chuyển hướng chú ý của nó sang môn viết chữ. Sau khi học những điều căn bản, mỗi học sinh sẽ phải viết hai lá thư, một lá gửi cho một người bạn và một lá gửi cho ai đó học lớp khác.
Thư của Rudy gửi cho Liesel như sau:
Gửi đồ con lợn,
Cậu vẫn vô dụng trong môn bóng đá như lần trước chúng ta chơi cùng nhau chứ? Tớ hy vọng là thế. Điều đó có nghĩa là tớ có thể chạy vượt qua cậu lần nữa như Jesse Owens ở kỳ Thế vận hội...
Khi Xơ Maria phát hiện ra lá thư này, bà ta hỏi thằng bé một câu, rất hòa nhã.
ĐỀ NGHỊ CỦA XƠ MARIA
“Cậu có hứng thú ra thăm hành lang không, cậu Steiner?”
Chả cần phải nói, Rudy từ chối, thế là lá thư ấy bị xé và thằng bé phải viết lại. Lần này, lá thư được viết cho ai đó tên là Liesel và hỏi xem sở thích của cô ta là gì.
Ở nhà, khi đang hoàn thành một lá thư cho phần bài tập về nhà, Liesel đã quyết định rằng viết thư cho Rudy hay một đồ con lợn nào khác quả thực là một việc làm kỳ quặc. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi con bé viết trong tầng hầm, nó nói chuyện với Bố, người lại đang sơn bức tường.
Cả ông lẫn mùi sơn hăng hắc quay lại. “Was wuistzr?” Đó là loại tiếng Đức thô lỗ nhất mà một người có thể nói được, nhưng câu này được nói ra trong một bầu không khí của sự thoải mái hoàn toàn, “Ơi, cái gì?”
“Con có thể viết một lá thư cho mẹ được không?”
Một khoảng lặng.
“Con muốn viết thư cho bà ấy để làm gì? Con phải đương đầu với bà ta mỗi ngày kia mà.” Bố đang schmunzelling – có nghĩa là nở một nụ cười ranh mãnh. “Chuyện đó chưa đủ tệ hay sao?”
“Không phải Mẹ ở đây đâu.” Con bé nuốt nước bọt.
“Ồ.” Bố quay mặt lại bức tường và tiếp tục sơn “Chắc là được, bố đoán thế. Con có thể gửi nó cho cái bà gì ấy — người đã mang con đến đây mà lâu lâu lại ghé thăm — cái bà của trại trẻ mồ côi ấy.”
“Bà Heinrich.”
“Đúng rồi. Hãy gửi nó cho bà ấy. Có thể bà ấy sẽ chuyển được thư đến cho mẹ con.” Ngay cả lúc đó, giọng của Bố nghe chẳng thuyết phục chút nào, như thể thực ra ông chẳng bảo cho nó cái gì hết. Tin tức về mẹ nó cũng hiếm khi xuất hiện trên môi của bà Heinrich trong những chuyến ghé thăm ngắn ngủi của bà ta.
Thay vì hỏi bố xem có việc gì, Liesel lại bắt đầu viết ngay lấp tức, chọn cách lờ đi một linh tính đang dâng lên rất nhanh trong lòng nó. Nó đã mất ba giờ đồng hồ và sáu bản nháp đã hoàn chỉnh lá thư. Trong thư, nó kể cho mẹ nghe tất cả về Molching, về bố nuôi của nó và cây đàn xếp của ông, cái cung cách lạ lùng nhưng chân thật của Rudy Steiner. và những thành tích của Rosa Hubermann. Con bé cũng không quên giải thích cho mẹ rằng nó cảm thấy tự hào thế nào khi giờ đây nó đã có thể đọc và viết một chút. Ngày hôm sau, con bé gửi lá thư ở chỗ cửa hàng của bà Diller với một con tem thuổng từ ngăn kéo nhà bếp. Và nó bắt đầu chờ đợi.
Cái đêm nó viết lá thư, con bé loáng thoáng nghe thấy một cuộc nói chuyện giữa Hans và Rosa.
“Con bé làm gì mà viết thư cho mẹ nó vậy?” Tiếng Mẹ đang nói. Giọng của bà bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên, và đầy vẻ quan tâm. Như bạn có thể hình dung, điều này làm con bé vô cùng lo lắng. Nó thích nghe thấy hai người cãi nhau hơn. Nó khó có thể tự tin được khi nghe người lớn thì thầm với nhau.
“Nó đã hỏi tôi,” Bố trả lời, “ và tôi không thể từ chối nó được. Làm sao mà tôi làm thế được?”
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph “ Lại tiếng Mẹ thì thầm. “Tốt hơn là nó nên quên bà ấy đi. Ai mà biết được là bà ấy đang ở đâu? Ai mà biết được là người ta đã làm gì bà ấy?”
Trên giường, Liesel vòng tay tự ôm lấy mình thật chặt. Con bé cuộn người lại như một quả bóng.
Nó nghĩ về mẹ ruột của nó và lặp lại những câu hỏi của Rosa Hubermann.
Mẹ ở đâu?
Người ta đã làm gì Mẹ?
Và một lần cho mãi về sau, trên thực tế, thì người ta ở đây là ai cơ chứ?