Khách Sạn Hoàng Tuyền

Chương 17: Q.3 - Chương 17




Rốt cuộc sắc trời tối xuống. Xung quanh Đàm phủ, ở tất cả hành lang uốn khúc, trước tất cả cửa phòng đều treo đèn lồng đỏ thắm. Ánh sáng màu đỏ soi chiếu đêm đen, cảnh trí vốn rất đẹp nhưng ở Đàm phủ lúc này lại khoác lên không khí khác thường. Tại chính đường cử hành nghi lễ, bốn cánh cửa mở rộng. Ngồi ghế chủ trì là chủ nhân đời này của Đàm gia, Đàm Quế Trung – anh cả của Đàm Dung. Hai bên là chỗ ngồi của khách quý, mỗi một vị trí đều là ghế bành dài trơn láng điêu khắc hoa cúc hoa lê. Có điều khách khứa cực ít, chỉ có vài vị ngồi thưa thớt. Phần đông đám người đều tặng quà ở trước sân rồi viện cớ rời đi. Không giống với bài vị hôn phối, mà là một cô gái mới chết thành thân với một người đàn ông còn sống, thật sự có chút dơ bẩn, không ai muốn lây nhiễm uế khí. Có thể vào hậu trường xem lễ, hoặc là bạn tri giao chân chính, hoặc là kẻ nịnh bợ vì làm ăn mà cả gan vào. Sách Mã ngồi đó, ánh mắt không ngừng tìm kiếm. Theo lý, Xuân gia và Đàm gia là thế giao, Xuân Bán Vũ phải tham gia lễ cưới ma này mới đúng. Mà người Xuân gia quả thật có đến, nhưng không phải là anh. Sách Mã mơ hồ nhận ra, người đó là anh em của gia chủ đời này, chú của Xuân Bán Vũ. Lúc này ông ta đang ngồi cứng đờ căng thẳng, hai tay hết nắm lại mở, hết mở lại nắm, hiển nhiên là sợ hãi. Ngoài sân chính điện ngồi đầy đoàn hát cổ nhạc vẻ mặt đờ đẫn và những người hầu chẳng nói câu nào. Nhìn về phía bàn thịnh yến sang trọng sắp mang lên, có thể cả đời họ chưa được ăn, nhưng bây giờ ăn không vô. “Giờ lành đã đến”. – người chủ trì nghi thức cất tiếng vang dội, đến mức mọi người hoảng hốt giật mình. Tiếp theo cổ nhạc trỗi lên. Khúc nhạc vẫn vậy nhưng nghe như nhạc tang, lộ ra cảm giác chẳng lành. Mấy chỗ lạc điệu giống như là tiếng cười to hoặc tiếng kêu thảm thiết của người phụ nữ, khiến người nghe sởn cả gai ốc. Mà tiếng nhạc quái đản này đến tận khi cô dâu chú rể xuất hiện mới đột ngột ngừng lại. Không có kiệu hoa đỏ chót, không có cưỡi ngựa dạo phố, nhưng có phần giống hôn lễ phương Tây, cô dâu và chú rể cùng nhau đi đến. Nhưng không phải là kề vai mà là một trước một sau. Cô dâu đi trước, hoặc là nói người chết đi trước. Khoảnh khắc Đàm Dung xuất hiện, không khí căng thẳng hẳn lên. Mọi người ngay cả thở mạnh cũng không dám. Suy cho cùng người đã chết cũng tự “bước” đến đây, dù thế nào đi nữa vẫn vô cùng kinh hãi. Tương Tây dẫn xác đã có từ xưa, nhưng được tiến hành trong rừng sâu núi thẳm, cả đời người bình thường cũng không nhìn thấy, chỉ nghe nói mà thôi. Cảnh tượng hiện tại này hoàn toàn lạc vào cảnh giới kỳ lạ. Âm khí, thi khí, cảm giác đến từ địa ngục trong thoáng chốc bao vây hết cả hỉ đường. Nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất của loài người đã đánh bại toàn bộ linh hồn của họ, nó co rúm lại nơi sâu nhất của cơ thể, không thể nhúc nhích. Mà đi trước cô dâu còn có một ông lão áo đen còm nhom dẫn đường. Ông ta chẳng hề cầm dụng cụ gì có thể phát ra tiếng, thậm chí thân hình nhẹ bỗng tựa như không thật. Nhưng cô dâu xác chết phía sau ông ta lại cất bước đi đều với ông ta, giống như con rối được giật dây, ông lão làm cái gì, cô dâu làm cái đó. Chỉ là động tác của cô ta cứng ngoắc quái dị, đầu gối không cong lên, chậm chạp đi về phía trước. Bịch, bịch, bịch, bước chân nặng nề. Khăn voan đỏ trên mặt lay động, muốn rơi không rơi, lòng người thấp thỏm. Sách Mã kinh hãi nhìn đại vu sư, không biết ông ta dùng pháp thuật cao cường gì. Cô ép buộc ánh mắt mình nhìn vào người cô dâu, mới phát hiện có một hạt châu khâu đính ở vạt áo trước của thi thể Đàm Dung. Không biết làm bằng vật liệu gì, nhưng lại rung rung cực nhẹ, ăn khớp với tiếng kêu gọi của đại vu sư phía trước. Không biết sao Sách Mã đột nhiên cảm thấy đại vu sư này không phải là vu sư giao tiếp với thần linh, xem bói, trị bệnh, tạo phúc cho dân tộc. Mà là loại tu truyền tà thuật, sau khi chết sẽ xuống địa ngục. Dường như cảm giác được ánh mắt của cô, đại vu sư dừng lại, cô dâu xác chết phía sau cũng không cử động tiếp nữa. Một người một thi cứ thế khẽ nghiêng đầu lại, nhìn về phía Sách Mã. Mà khi họ dừng bước, chú rể phía sau vẫn đi về phía trước. Lúc này tất cả mọi người đều phát hiện dáng đi của chú rể cũng không bình thường. Không giống cương thi, dù sao trong thời gian ngắn Đàm Quế Trung không tìm được người đàn ông nào mới chết để tổ chức cưới ma, cũng không thể tùy tiện đưa đại người nào hôn phối cho em gái mình. Nhưng người đàn ông này cúi đầu, tâm trí như bị u mê, đờ đẫn thực hiện nghi thức thành thân. “Tiếp tục đi”. – tiếng nói mệt mỏi của Đàm Quế Trung vang lên. Đại vu sư cười một tiếng, tiếp tục đi về phía trước. Nhưng hất cằm với Sách Mã, giống như ra hiệu. Đang lúc này thì chuyện kỳ lạ xảy ra. Chú rể giống như khúc gỗ tựa như cảm thấy gì đó, ngẩng đầu lên. Sách Mã suýt nữa hoảng hốt kêu lên, người đã bật dậy. Chú rể, chú rể chính là Xuân Bán Vũ. Trên người chú rể mặc bộ áo bào màu đỏ, ánh mắt tìm kiếm trong trống rỗng mờ mịt. Trong khoảnh khắc giao với ánh mắt Sách Mã, anh như khôi phục lại thanh tỉnh trong chốc lát, vùng vẫy đi về phía cô. “Tôi nói tiếp tục”. – Đàm Quế Trung hét lớn một tiếng, khiến người ta sợ đến mức tim gan đều giật thót. “Đây là sao?” – Sách Mã không nhịn được kêu lên. Đồng thời Xuân Bán Vũ đưa tay ra, chỉ thiếu vài bước là có thể nắm lấy cô. “Tiếp tục”. – tiếng Đàm Quế Trung cao lên ba độ. Dáng vóc đại vu sư vô cùng nhỏ thó, cao tầm đứa trẻ mười một, mười hai tuổi. Cho nên ông phải dơ tay lên lấy lá bùa đang dán tại bên hông Xuân Bán Vũ. Lá bùa kia không phải bằng giấy, dường như là da động vật nào đó, nhăn nhúm tanh tưởi, nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Vẻ mặt Xuân Bán Vũ càng lúc càng tỉnh táo nhưng hành động càng lúc càng khó khăn, như bị vây trong nước, dù có cố gắng thế nào cũng không thể ngoi lên khỏi mặt nước được. Sau đó đại vu sư chỉ vào Sách Mã một cái. Cô chỉ cảm thấy một âm lực truyền đến, kìm chặt cô trên ghế, không đứng lên được, hơn nữa không thể thốt ra tiếng. Cô muốn cứu anh. Nhưng cô không cứu anh được. Trong màn nước mắt mơ hồ, trong nỗi đau thấu tim, cô trơ mắt nhìn Xuân Bán Vũ lại trở về đờ đẫn, nhìn anh máy móc làm lễ, hoàn thành nghi thức cưới ma với Đàm Dung. Anh không muốn. Anh bị ép buộc. Cô hiểu, cô hiểu được. Nhưng cô thật sự không có cách. Nhưng mà tại sao? Tại sao phải như vậy? Xuân gia cũng là vọng tộc, không cần thiết bán con cháu của mình. Vốn tưởng rằng người đàn ông sống cưới người chết nhất định do cuộc sống bức bách, trong nhà chắc là nghèo đến rớt mồng tơi. Nhưng vì sao là Xuân Bán Vũ, đại thiếu gia của Xuân gia? Là vọng tộc, càng để ý đến tử vi và số mệnh hơn, Xuân gia không sợ phá hủy căn cơ sao? Sách Mã không biết xem hết buổi hôn lễ ngắn ngủi kia bằng cách nào, lúc cơ thể khôi phục tự do, cô chỉ đờ đẫn. Không có cách nào cứu nữa, anh đã cưới… xác chết Đàm Dung rồi. Lúc làm lễ, chú rể và cô dâu quỳ lạy trời đất, cha mẹ, cảm ơn khách khứa, tình cảnh đó khiếp sợ khôn tả. Bụp một tiếng, ánh sáng trắng lóe lên, thậm chí Đàm Quế Trung tự mình dùng máy ảnh Tây Dương kiểu mới nhất, chụp tấm ảnh chung cho “đôi vợ chồng” mới. Sau đó, tuy Đàm Quế Trung không hề vui mừng chút nào, nhưng lại thở phào một hơi nhẹ nhõm. Như thể nhẹ nhõm vì hoàn thành tâm nguyện của em gái vậy. “Tại sao các người làm vậy?” – Sau khi chú rể và cô dâu rời khỏi lễ đường, Sách Mã phẫn nộ tìm Xuân Đào, chú của Xuân Bán Vũ. “Tôi biết Bán Vũ thích cô”. – mặt Xuân Đào trắng bệch, thẳng thắn – “Nhưng cô không giúp đỡ được cho Xuân gia. Nhìn từ bên ngoài Xuân gia vẫn là vọng tộc Tây Nam, trên thực tế chỉ là cái vỏ rỗng. Ngay cả tiền du học của Bán Vũ cũng do Đàm gia bỏ ra. Vì không thể để Xuân gia sụp đổ, nó phải chịu hi sinh”. “Anh ấy không muốn. Các người không thể ép buộc anh ấy”. – Sách Mã chỉ cảm thấy trái tim như bị nướng trên lửa, vừa đau vừa cháy khét. “Chính vì nó không muốn nên mới mời đại vu sư kia làm hương mê hồn nó, bắt buộc nó thành thân”. – Xuân Đào cười khẩy – “Đàm gia cho Xuân gia một số tiền lớn, đủ để Xuân gia trở mình, nó không nên cự tuyệt. Vả lại, Đàm Dung từ nhỏ đã si mê nó, tâm nguyện lớn nhất là gả cho nó. Người chết là lớn nhất, ngay cả nguyện vọng này nó cũng không thỏa mãn cho người ta, dù sao là nó không tốt”. “Cả vú lấp miệng em”. “Cô nói cái gì cũng được. Thật ra thì chỉ cưới người chết thôi, cũng đâu thể làm vợ chồng thật”. – Xuân Đào nói rất vô tình – “Nó có một cuộc hôn nhân như vậy, sau này người chịu gả cho nó sẽ rất ít, không phải có lợi cho cô sao?” Sách Mã giận đến mức không thốt nên lời. Cô không vì gì khác, lại càng không vì mình. Nhưng cô hiểu lòng tự ái và tính kiêu ngạo của Xuân Bán Vũ, khi biết chuyện này nhất định sẽ khiến anh vô cùng khó chịu, cô đau lòng cho anh. Đau lòng vì anh bị người nhà mình hãm hại, bị định đoạt như con rối, cưới người chết, còn là người mình không yêu. Tâm trạng cô rối loạn, cũng không để ý cuộc nói chuyện của mình và Xuân Đào bị người khác nghe thấy. Sau khi tỉnh táo lại cô lặng lẽ đi vòng ra hậu viện, muốn biết sau khi kết thúc buổi lễ Xuân Bán Vũ bị đẩy đến nơi nào, có để anh về nhà hay không, mê hồn hương có được giải hay không. Đêm đã khuya, không khí âm u lạnh lẽo giăng khắp nơi, trong tình hình này, lúc trong nhà có một cô dâu ma, không ai dám đi lung tung ở hậu viện. Vì vậy, Sách Mã không lưu ý đến khi cô bước vào nơi đặt linh cữu Đàm Dung, một bóng đen vừa mới rời đi. Đứng ở ngoài cửa, cô nghe thấy một âm thanh, rì rầm, giống như rất nhiều người đồng thời nói khẽ với tốc độ cực nhanh, lại như phát ra từ trong không khí nặng nề, vô cùng âm u. Nhưng nghĩ đến tung tích Xuân Bán Vũ không rõ, cô đành cắn răng đi vào phòng trong hậu viện. Kết cấu một sáng hai tối, đối diện cửa phòng sáng, tuy tất cả vật dụng đều đầy đủ, nhưng khiến người ta có cảm giác trống trải. Phòng phía Tây tối đen như mực, như thể không có ánh sáng nào soi đến. Mà phòng ngủ phía Đông lại thắp nến đỏ đèn dầu khắp nơi, bởi vì trong căn phòng treo đầy màn đỏ, nên cả phòng rực rỡ quái dị. Dường như trong phòng ngủ không có ai, chiếc giường cưới Bạt Bộ buông tấm màn đỏ dày cộm, vẫn không nhúc nhích. Trên chiếc bàn trà gỗ lim chạm nổi, bày một tấm phù điêu bằng gỗ. Giường Bạt Bộ: còn gọi là giường Bát Bộ là chiếc giường khung có tấm trụ nâng đỡ, có thể buông rũ màn, ngoài giường có một gian gỗ nho nhỏ. Tạo hình của nó giống như một căn phòng thu nhỏ. Sách Mã nhìn một cái, sắc mặt đỏ lên, sau đó chuyển sang màu trắng bệch. Tấm phù điêu kia mang hình ảnh nam nữ giao hoan ôm ấp, điêu khắc vô cùng tỉ mỉ. Ngay cả vẻ mặt tựa như vui sướng tựa như đau đớn của cặp nam nữ đều cực kỳ sinh động. Trên người nữ thì dính máu trên trán, trên người nam thì dính không ít lông tóc. Bối cảnh là cá chép lội trên dưới ánh trăng. Nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông kia cực kỳ giống Xuân Bán Vũ, còn người phụ nữ là Đàm Dung. Hồn ơi mau đến bên ta. Nhân lúc đêm khuya yên lặng, cùng ngủ với ta. Rốt cuộc Sách Mã nghe được câu thần chú này trong tiếng rù rì mơ hồ phát ra từ tấm phù điêu không biết tên kia. Tiếng nói kia không ra nam cũng chẳng ra nữ, già nua khác thường. Có người làm phép, bí pháp cổ xưa của dân tộc thiểu số. Sách Mã lập tức hiểu ra. Đàm Dung đại tiểu thư chết rồi mà vẫn lấy chồng còn chưa nói, lại còn muốn cùng giường chung gối với đàn ông, động phòng hoa chúc, làm vợ chồng chính thức. Nhưng mà cô ta đã chết. Bất kể luyến tiếc thế nào đi nữa, bất kể rất muốn cho cô ta hạnh phúc thế nào đi nữa, cô ta đã chết rồi! Như vậy, đây là nguyện vọng của bản thân cô ta hay là Đàm Quế Trung thương em gái đến mức điên cuồng và không lý trí, làm ra chuyện tà ác và kinh tởm như thế. Cô không biết thần chú này, nhưng từng nghe nói, nó là chú thuật dụ dỗ người khác phái giao hợp vào đêm trăng tròn. Phần lớn trường hợp là mất linh nghiệm, sau đó trở thành lời cầu nguyện của thanh niên nam nữ trong núi, hoặc là trò chơi, không có ai xem là thật. Nhưng nếu như vào tay của một vu sư cao tay, thì nó có ý nghĩa khác hẳn. Nếu một bên nam nữ còn là người chết, quả thật được gọi là tà thuật rồi, thế nên tuyệt đối cấm vu sư, vu nữ sử dụng. Là ai gan to đến mức vi phạm lệnh cấm sử dụng tà thuật? Người như vậy sẽ chịu cái chết thảm khốc, bị trời phạt. Ngoài ra, người con trai trong tấm phù điêu có mặt mũi giống Xuân Bán Vũ, nếu như trên phù điêu dán lông tóc của anh, như vậy anh nhất định sẽ trúng chiêu. Trong lòng căng thẳng, Sách Mã cắn răng, bước từng bước đến bên giường, giật phắt màn trướng ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.