Khánh Dư Niên

Chương 106: Chương 106: Điền trang




Chiếu thư của triều đình đã sớm phát tới Đông Di Thành, nhưng Đông Di Thành chỉ khiêm tốn khéo léo trả lời, dâng lên hòm lớn vàng bạc, nhưng không chịu thừa nhận việc ở trang viện dưới Thương Sơn có quan hệ với mình– dùng mông để nghĩ cũng đoán được đây chỉ là phép đối phó, vị đại tông sư chủ nhân kiếm cư Đông Di Thành trước hàng loạt chuyện xảy ra vẫn giữ nguyên thái độ kiêu ngạo, hơn nữa, vì hàng trăm con dân xung quanh Đông Di Thành không muốn mang đến họa binh đao, nên không thể làm gì khác hơn là lặng im.

Phía Bắc tình hình đang khẩn trương, Bắc Tề âm mưu làm loạn triều chính Khánh Quốc đã có chứng cứ thực, không phải do đối phương biện giải. Cho nên binh lính biên cảnh của hai bên đều sẵn sàng ra trận, trong các quốc gia chư hầu nhỏ không thể tự kiểm soát được mình thì có phát sinh ra xung đột nhỏ, dường như một hồi chiến tranh sắp bắt đầu.

Bầu trời phương Bắc Khánh Quốc âm u mây đen bao phủ, giữa Kinh đô lại đương hè rực rỡ, mọi người tự tại thong dong, tất cả êm ả yên bình hưởng thụ hòa bình và sung túc. Phạm Nhàn cũng trong số đó, tuy lần trước trên đường Ngưu Lang cuối cùng lại giở nắm đấm ra để giải quyết, nhưng coi như đối với mình, đối với những người đã chết, mà khi xử lý chuyện này, hắn học được rất nhiều điều, mặc dù thật ra, mỗi bộ, bộ nào cũng vậy, cũng đều dựa vào sức mạnh của Giám Sát Viện, có điều nghe nói Giám Sát Viện làm việc rất có quy củ, ngoại trừ Phí Giới lão sư lúc ấy vẫn ở ngoài.

Mùa hè khó khăn đã gần đến, vụ kiện tụng của Phạm gia cùng Quách gia cuối cùng cũng đã xong, đối với rất nhiều người, vụ kiện này chỉ là chuyện nhỏ, nếu Phạm Nhàn đã trở thành Thái Thường tự Hiệp Luật Lang, coi như từ giờ về sau phải ở trong cung, đương nhiên là quý nhân, Quách gia nhỏ bé sao dám động vào người trong cung? Nên cũng đã sớm biết điều mà rút đơn kiện, Phạm Nhàn rốt cuộc cũng có thể rời kinh.

Xảy ra chuyện kinh khủng như vậy, Phạm Nhàn lại có thể lập tức rời kinh, không thể không nói là một việc lớn. Có điều hôm nay hắn lúc nào cũng mang theo rất nhiều hộ vệ, có Phạm Trạch, có cả người của Giám Sát Viện, bây giờ Phạm Nhàn đã có một thân phận bí mật – Giám Sát Viện đề ti – ngoại trừ Vương Khải Niên, khắp nơi đều tìm những khuôn mặt mới bổ sung cho hắn làm thủ hạ.

Sáng sớm hôm nay, tranh thủ lúc trời còn chưa nắng, ba vị tiểu chủ Phạm phủ chui lên xe ngựa, dưới sự bảo vệ của tiểu đội Khải Niên, đi ra ngoài kinh thành, tới trang viên Phạm tộc cách đó không xa. Chuyến này cũng không phải đi nghỉ hè, mà là tế bái.

Tại mộ địa đã sớm có người chuẩn bị hết thảy trái cây hương nến, tế phẩm các loại, Phạm Nhàn lẳng lặng nhìn tấm bia mộ còn rất mới, lòng dâng lên một cảm giác phức tạp, nhớ lại mình chết đi sống lại, cũng hơi ngơ ngẩn.

Tiền vàng bay lả tả giữa khói mù mịt, Phạm Tư Triệt chịu không nổi đã sớm quay về xe ngựa, Nhược Nhược vẫn cố nhíu mắt nán lại, nắm ống tay áo đại ca, nàng biết người nằm dưới nấm mồ này là ba hộ vệ vì bảo vệ ca ca mà mất mạng, tự trong lòng nàng luôn ghi nhớ và biết ơn. Hơn nữa, từ nhỏ nàng đã được tiếp thu những quan điểm mới của Phạm Nhàn về sự công bằng, nên không hề cho rằng tế bái hạ nhân là chuyện trái quy củ.

Giữa khói mây, vài tên hộ vệ mới chỉ lặng im đứng sau lưng Phạm Nhàn, không biết có phải là do khói hóa vàng hay sao, mà mắt mấy đại hán này ai cũng đỏ hoe, đầy lạ lẫm nhìn bóng lưng đại công tử. Một lát sau, một gã hộ vệ mủi lòng khuyên nhủ:

-Công tử, người đã thành tâm tới tận đây, tâm ý của người các huynh đệ ấy hẳn đều đã biết, ở đây nhiều khói quá, có lẽ nên quay về thôn trang đi.

Hai mắt Phạm Nhàn cũng cay xè vì khói, hắn cười buồn bước lên xe ngựa. Trên xe, Tư Triệt đang ngồi im xem sách, thấy huynh muội hai người lên xe, ngồi xích vào một chút, đột nhiên khe khẽ hỏi thầm:

-Đại ca, đây có phải là phép mua nhân tâm không?

Phạm Nhàn dường như rất buồn, hắn chỉ cười mỉm không để ý đến câu hỏi của nó, chỉ xoa xoa búi tóc trên đầu nó:

-Đệ nha, dù sao cũng phải tin tưởng, trên đời này vẫn còn rất nhiều điều là chân thành, quá tuyệt tình không hẳn là chân hào kiệt…

Nhược Nhược nhẹ giọng tiếp lời:

-Liên tử như hà bất trượng phu.(1)

(Ai bảo thương người không phải là trượng phu.)

Phạm Nhàn dường như hơi bất ngờ nhìn muội muội:

-Muội…

Nàng cúi đầu giải thích:

-Ca ca, trước kia có nói với muội một lần, muội vẫn nhớ mãi.

Thấy muội muội thông minh như vậy, hắn cũng thấy vui hơn, nhẹ nhàng:

- Nhớ kỹ, đây là lời của một người họ Chu.(Lỗ Tấn)

Phạm Tư Triệt nhìn thoáng qua, lẩm bẩm:

-Ủa, lại đổi bút danh nữa sao? Mấy chục hồi sau của Thạch Đầu Ký khi nào thì đại ca lấy ra đây.

Hôm nay Phạm Nhàn thật không có tâm tình để dạy nó, nhưng nghe hai tiếng “bút danh”, cũng bất giác bực mình, nghĩ thầm giải thích với nó thật phí công.

Lúc này hắn vừa bực vừa xấu hổ, đành tiếp tục giáo huấn cậu em:

-Nhân tâm có thể mua, nhưng thứ tình cảm này phải là tự nhiên mà thành, nếu con người không có tình cảm thì khác gì quái vật? Sống trên đời mà thờ ơ bàng quan với tất cả mọi thứ, lục thân không nhận, sinh tử vô tình, thì kể cả có thành thần tiên cũng có ý nghĩa gì?

Thằng nhóc lắc đầu:

-Ca không phải thần tiên thì làm sao biết được thần tiên có tình cảm hay không!

Phạm Nhàn trả lời cực nhanh:

-Chúng ta đều không phải thần tiên, mà là người, cho nên làm người mà đối nhân xử thế như thần tiên, lại không thể trường sinh bất lão, cảm giác nhất định sẽ không xong.

Nói tới đây, bỗng dưng hắn nhớ tới Ngũ Trúc thúc, trong lòng mạnh mẽ dâng lên một cảm giác bất an và áy náy. Hắn rất lo cho tương lai của Ngũ Trúc thúc, sau này già rồi, sẽ trở thành một ông lão cô đơn – nhưng ông ấy vẫn luôn trốn trong bóng tối hành tung bí mật, Phạm Nhàn không thể tìm được.

Xe ngựa dần dần rời xa mộ địa, dọc theo điền trang, đi qua một bờ ruộng có hơi trúc trắc, tới một thôn trang. Xe ngựa vừa ra khỏi điền trang, một người ở thôn trang dưới sườn núi đã sớm tới đây đón. Ở đây không phải chỉ có tá điền, còn có một ít gia đình của Phạm tộc, ở kinh đô phồn hoa đắt đỏ không lưu lại nổi, không thể làm gì khác hơn là rời tới nông trang gần đó. Có điều bọn họ không có ruộng, lại không thể không để ý tới mặt mũi hạ mình làm tá điền trồng trọt giao tô. Ti Nam bá tước mặc dù không phải người có thể bỏ tiền ra làm từ thiện cưu mang hết thảy, nhưng cũng không thể đang tâm nhìn họ chết đói, nên những người này sẽ giúp Phạm phủ coi sóc nông trang, để ý một số chuyện vụ ở đây, mỗi tháng cũng sẽ có một khoản tiền chăm lo gia đình.

Nói tới cũng lạ, Phạm Kiến trước tới giờ chưa một lần nói đưa Phạm Nhàn về tế tổ tông, chuyện này hắn cũng chẳng quan tâm, chỉ có chút nghi vấn không thể giải đáp. Nhưng lúc này ở kinh đô, cũng đã chẳng ai coi Phạm Nhàn là con tư sinh mà miệt thị nữa, còn Phạm tộc, họ lại càng biết, nếu sau này Phạm tộc muốn vinh hoa phú quý thì cũng nên dựa vào vị thiếu gia đẹp trai này đi, phá lệ mà kính cẩn.

Nhận chén trà từ tay trưởng lão, uống một hơi cạn sạch, lại hướng bốn phía gật đầu, Phạm Nhàn được mọi người dẫn tới một tiểu viện phía tây. Đây là sân của Đằng Tử Kinh, vừa vào hậu viện đã thấy gã ở đó, đúng quy củ ngồi chờ trong viện, gã nhìn Phạm Nhàn có vẻ khó xử:

- Thiếu gia, tôi muốn ra ngoài đó đón, nhưng Hầu Tam Nhi không cho.

Phạm Nhàn không khách khí với hắn, vào trong nhà chính giải thích:

-Đừng trách Hầu Tam Nhi, là ta bảo hắn đó. Hầu Tam Nhi là một hộ vệ gần đây mới được chuyển về Phạm phủ, lúc trước nhập điền trang ở trạm kế tiếp.

Phạm Nhàn phúc hậu nhìn Đằng Tử Kinh:

- Cái chân dạo này thế nào rồi?

Gã cười ha hả:

-Không có việc gì, đã hoạt động được rồi, đại khái mấy ngày nữa có thể quay về Kinh.

-Cứ dưỡng thương ở đây mãi cũng không tiện, không bằng cứ về thẳng kinh đô mà dưỡng thương.

Đang nói chuyện, vợ Đằng Tử Kinh đột nhiên tiến ra bái kiến chủ nhân, Nhược Nhược ở bên cạnh thưởng tiền, rồi lôi kéo bà vợ hơn năm mươi của gã và hài tử đi ra, để lại hai nam nhân trong phòng.

Phạm Tư Triệt vẫn còn tính toán sổ sách, khi Đằng Tử Kinh thỉnh an cũng chỉ ừ một tiếng, Phạm Nhàn không thể không liếc đệ đệ, nghe Đằng Tử Kinh giải thích:

-Trước tiên cứ ở trong thôn trang đã, dù sao vợ con vẫn ở đây, lành thương rồi tất nhiên sẽ về kinh với công tử.

Tới hôm nay hai người coi như đã đồng sinh đồng tử, câu chuyện cũng tự nhiên hơn rất nhiều, Phạm Nhàn gật đầu tán thưởng:

-Có vợ nằm ở đầu giường sưởi ấm, ngươi cũng rất biết hưởng thụ đấy!

Đằng Tử Kinh cười ha hả:

-Hiện giờ trời nóng, đầu giường đặt gần lò sưởi thế, đúng là khí hỏa hơi vượng.

Không khí ở Đạm Châu tốt vô cùng, đông ấm hè mát, không ai phải dùng kháng sưởi ấm, vào tới kinh cũng là lúc tiết xuân, Phạm Nhàn vẫn chưa có cơ hội thử ngủ trên kháng. Giờ nghe mấy lời này, xoa bóp nhẹ cái kháng (giường lò của người phương Bắc Trung Quốc) dưới hạ thân một chút, nhận ra rất dễ chịu, hơi đảo mắt, hắn thầm nghĩ sau khi thành hôn, nếu muốn ở Thương Sơn nhất định phải kiếm một cái kháng.

Đằng tử Kinh nào biết đầu thiếu gia thoáng cái đã bay đến tận tuyết sơn tháng mười trời đông giá rét:

-Công tử, ngồi đây chờ một chút tôi đi kiếm chút trái cây, trong thôn cũng không có gì ăn được, hơn nữa nếu trễ một canh giờ nữa, quay về kinh quá muộn sẽ không qua được cửa thành.

Phạm Nhàn cười khoát tay:

-Chỉ cần báo qua với cha ta thôi, hôm nay ba huynh muội ta sẽ ở lại đây mai mới quay về. Mấy tháng nay chỉ cắm cúi ở trong kinh, khó có được một cơ hội thanh tĩnh một chút, mặc dù không sám ở lâu, nhưng chỉ có một buổi tối, ngươi không nên từ chối mới phải.

Nghe vậy Đằng Tử Kinh mới biết hắn muốn ở lại qua đêm, vội vội vàng vàng chạy đi sai vợ chuẩn bị phòng khách nước nóng vân vân. Sinh hoạt ở điền trang tuy không giàu có, nhưng đông người, vừa nghe Phạm Nhàn muốn ở lại đây qua đêm, hơn mười lão bà bà chạy đi chuẩn bị, không bao lâu mọi thứ đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Phạm Nhàn tiến tới nói nhỏ vào tai Tử Kinh:

-Mấy người đi theo ta, phiền ngươi thu xếp cho họ.

----------oOo----------

======

Chú Thích:

(1) Bài thơ Đáp Khách Tiếu của Lỗ Tấn

答客誚

無情未必真豪傑,

憐子如何不丈夫?

知否興風狂嘯者,

回眸時看小於菟?

Vô tình vị tất chân hào kiệt,

Liên tử như hà bất trượng phu?

Tri phủ hưng phong cuồng khiếu giả,

Hồi mâu thì khán tiểu ư thố?

Vô tình chưa hẳn là hào kiệt

Ai bảo thương con không trượng phu?

Kìa chúa sơn lâm gầm nổi gió

Chẳng nhìn âu yếm cọp con ru? (Dịch: Phan Văn Các)

- Ẩn tiểu sử tác giả

Lỗ Tấn 鲁迅 (1881-1936), danh nhân văn hoá thế giới, tên thật là Chu Thụ Nhân 周树人, tự Dự Tài 豫才, quê huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Lỗ Tấn sinh trong một gia đình quan lại đã sa sút. Cha của ông là Chu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy. Bà đã sớm có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của Lỗ Tấn qua vệc bà kể cho ông nghe nhiều truyện cổ dân gian. Lỗ Tấn là bút danh ông lấy từ họ mẹ. Năm 1899, ông đến Nam Kinh theo học ở Thủy sư học đường (trường đào tạo nhân viên hàng hải). Hai năm sau, ông thi vào trường Khoáng lộ học đường (đào tạo kỹ sư mỏ địa chất). Năm 1902, Lỗ Tấn du học Nhật Bản, tại đây ông tham gia Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của người Trung Quốc. Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành y ở trường Đại học Tiên Đài. Năm 1906, ông thôi học và bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học châu Âu như thơ Puskin, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Jules Verne. Năm 1909, vì hoàn cảnh gia đình, Lỗ Tấn trở về Trung Quốc. Ông dạy ở trường trung học Thiệu Hưng và có làm hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng một thời gian. Từ 1920 đến 1925, Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh và Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1926, ông tới Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và làm việc tại trường Đại học Hạ Môn. Đầu năm 1927, Lỗ Tấn đến Quảng Châu, làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa văn của trường Đại học Trung Sơn. Tháng 10 năm 1927, ông rời Quảng Châu tới Thượng Hải và ở lại đây đến lúc qua đời (1936).

Ở Việt Nam, Lỗ Tấn được đông đảo bạn đọc đón nhận và hầu hết các tác phẩm chủ yếu của ông đã được dịch ra tiếng Việt (truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn). Riêng về thơ, toàn bộ 75 bài của ông cũng đã được giới thiệu và dịch ở Việt Nam.

Tác phẩm:

- Gào thét (truyện ngắn)

- Bàng hoàng (truyện ngắn)

- AQ chính truyện (truyện ngắn)

- Cỏ dại(thơ văn xuôi, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2006)

- Thơ Lỗ Tấn (Phí Trọng Hậu, Phan Văn Các giới thiệu, dịch và chú giải)

- Chuyện cũ viết lại (tạp văn)

- Tạp văn Lỗ Tấn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.