Ở bên chàng, theo chàng xuất chinh?
Phùng Uyển giật mình.
Nàng nghiêng đầu, ngơ ngác nhìn cảnh sắc ngoài cửa sổ, ngẫm nghĩ: Theo chàng xuất chinh ư?
Thấy Phùng Uyển do dự, Vệ Tử Dương chau mày, nhìn chằm chằm vào nàng, nói: “Nàng không muốn?”
Phùng Uyển lắc đầu.
Chuyện này không liên quan tới muốn hay không. Nàng chỉ không thể làm được mà thôi.
Từ khi trọng sinh, chỗ dựa vững chãi nhất của Phùng Uyển không phải ai khác mà chính là thiếu niên trước mắt này. Nàng đang chờ chàng trưởng thành, đang chờ chàng đủ hùng mạnh rồi sẽ dành chút chở che cho nàng. Nàng cũng không mong gì nhiều, chỉ cần bảo vệ nàng bình an, để không ai dám động vào nàng, thế là đủ rồi.
Thiếu niên trước mắt này, bây giờ lại coi trọng nàng, muốn nàng kề bên, những điều này nàng đều biết. Nhưng nàng không thể, ít nhất, bây giờ vẫn chưa thể.
. . . . . . Từ xưa tới nay, tại sao người đời đều nói cưới hỏi thì làm vợ bỏ chạy thì làm thiếp? Tại sao Gia Cát Lượng phải để Lưu Bị tới mời ba lần mới chịu rời núi? Đó là bởi vì họ đều biết, người đời chẳng bao giờ quý trọng người hay đồ vật dễ dàng có được cả.
Huống chi, người đời không biết sự đổi thay của thế gian này, nhưng nàng lại biết. Bởi vì sự hiểu biết này nên nàng đã quá rành rõi. Nếu như bốc đồng đi theo một Vệ Tử Dương chưa đủ hùng mạnh tới một nơi xa lạ, nàng sẽ ngỡ ngàng không biết phải làm sao.
. . . . . . Người đã được nếm trải cảm giác bị phản bội, nếm trải sự tổn thương đến cùng cực như nàng không có can đảm dùng tương lai và cuộc đời mình đánh cược. Ít nhất, với tính cách của Vệ Tử Dương, trước khi nàng chưa nhận thức đầy đủ, nàng không thể được ăn cả ngã về không mà đặt cược bản thân mình, đặt cược tương lai của mình.
. . . . . . Thứ gọi là hiểu biết từ kiếp trước dù sao cũng chỉ là bảo sao hay vậy, là bề ngoài nông cạn.
Vệ Tử Dương nhìn nàng chằm chằm, trầm giọng nói: “Sao không nói gì?”
Phùng Uyển ngẩng đầu lên.
Nàng ngước đôi mắt sáng ngời lên nhìn chàng, khẽ nói: “Thiếp không thể. . . . . .” Khó khăn lắm nói đến đây, tay phải của Vệ Tử Dương đã vung lên ngắt lời nàng, quát : “Không cần nói nữa.”
Chàng xoay người, nhìn đăm đăm ra ngoài, cất giọng trầm khàn: “Không nỡ xa phu chủ của nàng hả?”
Giọng nói mang đậm nỗi bất mãn và giận dữ.
Phùng Uyển nói: “Không phải vậy.” Giọng nàng nhẹ nhàng mà thùy mị, “Thiếp, không dám. . . . . .” Nàng rũ mắt, lẩm bẩm: “Thiếp chỉ là một phụ nhân yếu đuối, nếu đi theo lang quân, thiếp phải đối mặt với các công chúa điện hạ thế nào?”
Lời của nàng không nặng, nhưng Vệ Tử Dương là người thông minh, chàng biết ý của Phùng Uyển là Tứ công chúa và Ngũ điện hạ, cùng với đám quyền quý có ý đồ với chàng.
Chàng giật thót, chợt nghĩ: Với địa vị quyền thế của những người đó, thậm chí không cần lý do đã có thể đưa phụ nhân trước mắt này vào chỗ chết ngay lập tức! Chàng không thể, ít nhất bây giờ vẫn chưa thể mang nàng đi!
Gương mặt tuyệt mỹ của chàng chợt trở nên xanh mét, chàng vung tay, buồn buồn nói: “Ra ngoài đi.”
“Dạ.”
Phùng Uyển cúi người thi lễ, chậm rãi lui đi.
Khi nàng lùi tới cánh cánh cửa, giọng nói trầm thấp của Vệ Tử Dương truyền đến, “Sẽ có một ngày nàng không phải sợ đám người kia nữa!”
Phùng Uyển khom người đáp: “Dạ.” Nàng mỉm cười nói: “Cũng chỉ là mấy pho tượng đất mà thôi.”
Nghe thấy đánh giá của nàng, Vệ Tử Dương cười ha ha, nhướng mày, đôi mắt mị hoặc mang huyết sắc nhìn theo Phùng Uyển chậm rãi rời đi. Nhìn bóng lưng ung dung nhưng xinh đẹp, bất tri bất giác, mắt Vệ Tử Dương lấp lánh ánh cười.
Lên xe ngựa, Phùng Uyển lấy khăn tay ra, nhẹ nhàng thấm mồ hôi trên trán: Bởi vì kiếp trước đã khắc sâu ấn tượng, dù thế nào đi nữa nàng cũng không muốn Vệ Tử Dương bất mãn với mình. Vừa rồi chàng bị mình cự tuyệt nên giận dữ, bây giờ chàng không giận nữa, đối với Phùng Uyển mà nói, đây đúng là chuyện đáng để vui mừng, đáng để thở phào.
Sai ngự phu chạy tới Chu phủ ở ngoại thành phía tây, Tăng lão thúc đúng lúc ở đó. Hỏi sơ sơ, biết ông đã mua được lương thảo xe ngựa, Phùng Uyển yên tâm.
Xe ngựa mau chóng trở về Triệu phủ.
Tới ngoài Triệu phủ, Phùng Uyển vén mành lên, kinh ngạc nhìn cổng Triệu phủ.
Nàng sống ở đây quá quá lâu rồi, lâu đến mức đã trở thành thói quen, lâu đến mức khiến nàng nghĩ tới một câu nói, “Sống trong hàng cá ươn, ngửi lâu không còn thấy mùi hôi thối nữa.” (*)
* Đây là một danh ngôn của Khổng Tử. Đầy đủ: Đến nơi ở của người có phẩm hạnh tốt đẹp, như vào căn phòng tràn ngập hoa lan, ngửi lâu không còn thấy mùi thơm nữa (tức là con người đã hòa hợp với hương hoa); đến nơi ở của người không có phẩm hạnh tốt đẹp, như vào hàng cá ươn, ngửi lâu không còn thấy mùi hôi thối nữa. (tức là con người đã hòa hợp với mùi thối đó). Câu này có ý chọn bạn mà chơi, tương tự với tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
Nghĩ tới đây, Phùng Uyển thầm than một tiếng.
Xe ngựa chạy vào Triệu phủ.
Phùng Uyển chậm rãi xuống xe đã phải đối mắt với ánh nhìn tò mò của đám tỳ thiếp: Trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này, Phùng Uyển đi ngược gió mà tới Vệ phủ.
Liếc nhìn họ, Phùng Uyển chậm rãi đến gần.
Có lẽ do phong tư của nàng quá ung dung, vẻ mặt quá tự tại, khi nàng đi lướt qua Vũ nương còn nghe thấy giọng nói lanh lảnh cố đè thấp, “Giúp phu chủ làm chuyện kia mà còn nhàn rỗi thảnh thơi như vậy. . . . . .”
Tiếng nói như có như không, không cẩn thận nghe kỹ thì không thể phát hiện ra được.
Phùng Uyển không muốn tranh chấp với ả, dù sao chỉ cần mở miệng, nói thế nào cũng là chuyện xấu, nên nàng thờ ơ trở về phòng mình.
Phùng Uyển bước vào phòng, đóng cửa lại. Nàng cười lành lạnh nghĩ: Đúng vậy, ta đúng là thảnh thơi nhàn rỗi đấy. Đừng nói bây giờ không có gì với Vệ Tử Dương, dù có gì với chàng đi nữa, ta vẫn thảnh thơi nhàn rỗi như vậy đấy!
. . . . . . Kiếp trước, nàng từng uốn nắn bản thân theo tiêu chuẩn cao nhất của hiền thê, nhưng nàng được gì chứ? Kiếp này, nàng không buông thả cũng bởi sự ràng buộc của bản tính, nhưng nếu thật sự xảy ra chuyện gì đi nữa, nàng cũng chẳng hề cảm thấy áy náy! Triệu Tuấn, y không đáng giá được nàng quý trọng!
Phùng Uyển trở về phòng, lúc thì luyện chữ, lúc thì đọc sách.
Ở thời đại này, thư tịch vô cùng trân quý, cho dù Phùng Uyển xem từng chữ trong mỗi quyển sách của mình, đọc đi đọc lại bao nhiêu lần đi nữa cũng cảm thấy không đủ, không bao giờ đủ cả.
Lúc tiếng đọc sách khẽ khàng thùy mị của Phùng Uyển vang lên, chợt có tiếng bước chân truyền đến, Phất nhi gọi: “Phu nhân?”
Phùng Uyển ‘ừm’ một tiếng.
Ngoài kia hoàn toàn im lặng.
Một lúc sau, Phất nhi cúi đầu từ từ đi tới đến trước mặt nàng. Phất nhi dập mạnh đầu, nói trong tiếng nức nở: “Phu nhân, mẫu thân của nô tỳ đã qua đời rồi.”
Thấy vẻ bi thương của Phất nhi, Phùng Uyển thở dài, giọng nói mang vẻ đồng tình thương hại còn ẩn chứa sự hờ hững: “Phất nhi đáng thương, người chết cũng đã chết rồi, cố nén bi thương.”
Nàng không mở miệng còn tốt, vừa mở miệng, Phất nhi không kiềm được nữa mà gào khóc dữ dội.
Ả gục người trước mặt Phùng Uyển, gào khóc thê lương, dường như bị câu nói của Phùng Uyển khơi dậy tất cả bi thương sầu khổ.
Ả khóc dữ dội như vậy, thảm thiết như vậy, tiếng khóc mang nỗi đau thương cùng cực không hề phòng bị, không hề che giấu, khiến Phùng Uyển trở thành người gần gũi nhất của ả.
Nghe tiếng khóc hu hu của Phất nhi, Phùng Uyển trừng mắt nhìn, hơi ngây người.
Nói thật, nàng thật sự không rõ, rốt cuộc mình có điểm nào khiến Phất nhi thật tình như vậy, có gan làm càn như vậy?
Sau khi suy nghĩ một lúc, trước mắt Phùng Uyển thoáng chốc xuất hiện mẫu thân đã mất nhiều năm của nàng. Khi đó mẫu thân bệnh đã nặng, bà nắm lấy tay nàng, không yên tâm nói: “Uyển nhi, mặc dù con rất thông minh, nhưng lại quá lương thiện. Người quân tử có thể dối họ bằng sự hữu lý (*), Uyển nhi con cũng giống như vậy. . . . . .”
* Xuất phát từ đoạn đối thoại giữa Mạnh Tử và Vạn Chương trong thiên “Vạn Chương thượng“, chương 2 sách Mạnh tử. Ông nêu thí dụ câu chuyện Tử Sản để chứng minh: Người quân tử đôi lúc cũng dễ bị lừa dối nếu kẻ lừa dối nói nghe hợp lý và hợp với đạo của họ; chứ khó lừa gạt bằng cách trái với đạo lý của họ.
Một lúc lâu sau, thấy tiếng nghẹn ngào của Phất nhi nguôi dần, Phùng Uyển mới ôn hòa lên tiếng, “Phất nhi, ngươi có muốn về nhà không?”
Tiếng nghẹn ngào của Phất nhi ngừng lại.
Ả vội vàng lắc đầu, nói với giọng khàn khàn: “Phu nhân, không cần đâu ạ.”
Nói tới đây, ả lo phu nhân trách mình bạc tình, vội nói: “Dù Phất nhi có về cũng không giúp được gì. . . . . . May mà phu nhân nhân từ, Phất nhi mới dám khóc lóc như vậy.”
Ả lau nước mắt, nghe thấy tiếng tỳ thiếp đứng ngoài cửa hỏi thăm, lúng ta lúng túng nói: “Phu nhân, vừa nãy Phất nhi thật càn rỡ.”
Ngươi thật sự càn rỡ.
Phùng Uyển không muốn an ủi ả nữa, nàng bưng sữa đầu nành lên, chậm rãi nhấp một hớp, rũ mắt thầm nghĩ: Sau đó, phụ thân ngươi sẽ bị bỏ tù, còn hai vị huynh trưởng đã trưởng thành của ngươi cũng phải tiêu tiền cho đủ chuyện. Phất nhi, sầu khổ trên đời này vốn là vô cùng vô tận. Ngươi cho rằng nhận được sự trợ giúp của ta là chuyện đương nhiên sao? Trên thế gian này, không có ai giúp đỡ mới là chuyện bình thường của đời người. Ta sẽ ở đây nhìn ngươi sống khổ sống sở!
Sau một lúc im lặng, Phùng Uyển nhẹ nhàng đặt chén xuống, hờ hững nói: “Ra ngoài đi.”
. . . . . . “Dạ.”
Cho đến lúc lui xuống, Phất nhi còn trợn to đôi mắt sưng vù nhìn Phùng Uyển. Trong ánh mắt của ả vẫn còn niềm hi vọng chưa từng tắt. Có lẽ ả vẫn đang mong chờ lúc Phùng Uyển yếu lòng.
Cả buổi tối, Triệu Tuấn vẫn chưa về phủ.
Ngày hôm sau, Phùng Uyển còn ở trong phủ, chợt cảm thấy không khí có gì đó khác lạ. Nàng vội vàng lên xe ngựa ra ngoài.
Trên đường, bầu không khí căng thẳng thảm khốc bao trùm tất cả. Thỉnh thoảng có thể thấy quân tốt và tướng sĩ cầm vũ khí vội vã chạy qua.
Phùng Uyển nhìn thấy vậy thì nói: “Đến Tây Nhai.”
“Dạ.”
Ở Tây Nhai, có ba cửa hàng lương thực do Vũ nương mở. Giờ phút này, cửa hàng lương thực mở rộng cửa, chưởng quỹ và tiểu nhị canh giữ trước quầy, thi thoảng nói với nhau đôi ba lời.
Không chỉ có họ, những cửa hàng khác cũng như vậy.
Dù Đô Thành đã thái bình nhiều năm rồi, nhưng ở thời đại này, thi thoảng xảy ra chiến sự là chuyện vô cùng bình thường, không ai ngạc nhiên nữa.
Phùng Uyển ngồi trong xe ngựa dạo quanh một vòng, rồi bảo ngự phu lái xe trở về Triệu phủ.
Vừa vào phủ, nàng còn chưa xuống xe đã nghe thấy tiếng Phất nhi: “Lang chủ, phu nhân đã về rồi, phu nhân đã về rồi!”
Triệu Tuấn về phủ rồi ư?
Phùng Uyển vén rèm, xuống xe ngựa. Nàng vừa bước xuống được hai bước, Triệu Tuấn đã sải bước lao ra từ thư phòng, vọt tới trước mặt Phùng Uyển. Y đưa tay nắm lấy cổ tay nàng kéo vào thư phòng, còn trách móc: “Sao bây giờ mới về? Vừa chạy đi đâu vậy?”
Phùng Uyển biết y chỉ hỏi cho có, không trả lời.
Triệu Tuấn kéo Phùng Uyển vào thư phòng, đuổi đám tỳ thiếp chạy tới hóng chuyện, đóng cửa phòng. Y bước đến trước mặt Phùng Uyển, nghiêng người ôm lấy hai vai nàng, nhìn chòng chọc vào mắt nàng, trầm giọng nói: “Bắc Cương có chiến báo, hết thảy đều như ta dự đoán! Bệ hạ cử Vệ Tử Dương cùng hai tướng quân khác xuất chinh, cũng yêu cầu ta đi nữa.”
Bây giờ đã biến thành “Hết thảy đều như y dự đoán” rồi.
Lo âu nhìn Phùng Uyển chăm chú, Triệu Tuấn cắn răng nói: “Ta tìm đại một lý do, hai ngày nữa bệ hạ muốn hồi âm của ta rồi. . . . . . Uyển nương, nàng nói ta phải làm sao bây giờ?”
Y đi đi lại lại một lúc, xoa tay nói: “Ta chứng minh tài năng quân sự của mình cho bệ hạ và Ngũ điện hạ thấy. Bây giờ họ muốn ta đích thân ra chiến trường, muốn xem khả năng thực chiến của ta.”
Y rùng mình ớn lạnh, sắc mặt tái nhợt, mở lời: “Uyển nương, nàng nói xem ta phải làm sao bây giờ?”
Làm sao bây giờ? Phu chủ cho rằng không đương đầu với bất kỳ mối hiểm nguy nào mà có thể nhận được công lao và lời khen ngợi sao?
Thấy Phùng Uyển trầm tư, Triệu Tuấn chép miệng, không nhịn được oán giận: “Uyển nương, nàng nên khuyên ta chờ thêm chút. Nếu là góp ý sau Vệ Tử Dương, sau mấy ngày mới bẩm, vừa được bệ hạ khen ngợi, cũng không khiến bệ hạ và điện hạ kỳ vọng quá cao, không khiến đám đồng liêu nhìn ta chằm chằm.” Trò đố kỵ lần trước đã khiến y chịu khổ vì bị đặt điều, bây giờ y thực sự hơi sợ rồi.
Huống chi, đối với Triệu Tuấn mà nói, quân sự là thứ quá xa lạ, y không hề có nền tảng thuộc vấn đề này.
Phùng Uyển nhận ra sự oán giận của y, khóe miệng khẽ cong lên: Đúng vậy, ta có thể làm vậy, nhưng ta lại không muốn. Cây to đón gió, nếu phu chủ muốn ra mặt, thì phải chịu đựng tai vạ này!
Triệu Tuấn đi đi lại lại thêm mấy vòng, tới trước mặt Phùng Uyển, trầm giọng nói với nàng: “Uyển nương không ở đó, nàng không biết đâu. Khi ta vừa lên tiếng thoái thác, bệ hạ và Ngũ điện hạ thất vọng tới mức nào. Uyển nương, ta thật sự lo lắng, nếu ta quyết không đi, liệu bệ hạ và Ngũ điện hạ có. . . . . .”
Có cái gì, y lại không dám nói ra miệng.
Cắn răng, gân mặt co rút, Triệu Tuấn lại đi một vòng.
Đến lúc này, y trầm tư suy nghĩ, một lúc sau y quay về phía Phùng Uyển, ánh mắt mong mỏi, nói: “Uyển nương, nàng nói xem nếu ta ra chiến trường, ta sẽ ở trong đội quân của Vệ Tử Dương, liệu hắn có giúp ta không?” Nói tới đây, y tiến lên một bước nắm tay Phùng Uyển, nói đi nói lại: “Thế này đi, Uyển nương đi cùng ta nhé.”
Đi cùng để làm cầu nối giữa phu chủ và Vệ Tử Dương sao? Để chàng nể mặt ta mà giúp phu chủ sao?
Trong ánh mắt chờ mong của Triệu Tuấn, Phùng Uyển chậm rãi lắc đầu.
Thấy vậy, sắc mặt Triệu Tuấn lạnh đi, y vội la lên: “Sao lại không được?”
Phùng Uyển khẽ nói: “Phu chủ, chàng quên tính cách của Vệ Tử Dương rồi.” Nàng nhắc nhở y, “Vệ Tử Dương là người dám cãi lời bệ hạ, dám giơ tay tát Đại công chúa.”
Vừa dứt lời, Triệu Tuấn như rơi vào nước lạnh. Y lui về phía sau một bước, lạnh mặt cả giận nói: “Cái này không được cái kia cũng không được, vậy phải làm sao?”
Tức giận nhìn Phùng Uyển chằm chằm, y quát: “Nàng phải cho ta một giải pháp!”
Phùng Uyển biết y cáu vậy chỉ vì chột dạ, y chỉ muốn mượn cơ hội này để phát tiết.
Rũ mi, Phùng Uyển chìm vào trầm tư.
Thấy nàng trầm tư, Triệu Tuấn lại tràn đầy hi vọng.
Trong ánh nhìn trông mong của y, Phùng Uyển lắc đầu, khốn khổ nói: “Thiếp, thiếp cũng không biết phải làm thế nào cho phải.”
Lời vừa dứt, mặt Triệu Tuấn trắng bệch. Y lui về phía sau một bước, rồi lại bước quẩn quanh. Y chống hai tay lên bàn, đứng ngẩn ngưởi.
Một hồi lâu, y lại cất giọng khàn khàn, “Uyển nương nàng cố nghĩ đi, cố gắng nghĩ kỹ hơn đi. Nàng biết không? Bệ hạ đã hứa với ta, nếu trận này ta lập công sẽ phong ta làm quan tứ phẩm. Ta làm quan tứ phẩm, Uyển nương cũng có thể vươn thẳng người rồi, có gặp Tứ cô tử, nàng cũng không phải ăn nói khép nép nữa. Đúng rồi, không chỉ thăng quan, Ngũ điện hạ nói, lúc đó ngài sẽ tặng ta nhà cửa, một xe vàng, còn thưởng thêm vài mỹ nhân nữa. . . . . .”
Nói tới đây, y đột nhiên nhớ tới Phùng Uyển chưa chắc đã cảm thấy hứng thú với mỹ nhân nên vội im bặt.
Hứa hẹn thật nhiều, xem ra bệ hạ và Ngũ điện hạ kỳ vọng ở y rất cao.
Phùng Uyển lạnh lùng cười một tiếng, ngẫm nghĩ: Đáng tiếc, ta giúp phu chủ thăng quan phát tài, kết quả phu chủ ở lầu cao ôm mỹ nhân, còn ta lại không có gì cả.
Triệu Tuấn thành khẩn nói tới đây, tự nhận lời nói của mình có đủ sức hấp dẫn, liền quay đầu lại nhìn Phùng Uyển.
Vừa quay đầu, thứ đập vào mắt y chính dáng vẻ Phùng Uyển hai tay xoắn góc áo, không biết phải làm sao.
Thấy nàng như vậy, Triệu Tuấn vừa tức tối vừa sốt ruột, lại còn cáu kỉnh. Y nhìn nàng chằm chằm, đang lúc chuẩn bị trách mắng, Phùng Uyển cất giọng yếu ớt, hơi run rẩy, “Nhưng, phu chủ, thiếp cũng chỉ biết được tin này từ chỗ Vệ Tử Dương. Một phụ nhân như thiếp, sao có thể hiểu những chuyện triều đình, binh gia như thế này?”
Nàng hốt hoảng, mặt trắng bệch, nước mắt lưng tròng, mở to mắt nhìn Triệu Tuấn, vẻ mặt bất an nhưng vẫn ẩn chưa nét cao quý.
Thấy nàng như vậy, Triệu Tuấn ngẩn ra, lập tức thầm nghĩ: Nàng ta nhớ truyền lại ình tin tức quan trọng như vậy đã đáng khen rồi. Không thể ép nàng, nếu làm nàng sợ hãi về sau có tin gì không nói với ta nữa, như vậy thật sự không ổn.
Nghĩ tới đây, y dằn nỗi hoảng loạn trong lòng, thở dài một tiếng, phất tay nói: “Được rồi được rồi, cũng biết hỏi nàng cũng như không.” Liếc thấy nước mắt của Phùng Uyển, y nhẫn nại an ủi: “Nàng cũng đừng để trong lòng, chuyện này ta còn phải nghĩ thêm.”
Phùng Uyển cúi đầu đáp: “Dạ.”
“Còn không mau ra ngoài?”
“Dạ.”
Phùng Uyển đi ra, đám tỳ thiếp túm tụm bên ngoài. Thấy nàng xuống bậc thang, mọi người vây tới.
Mi nương đi đầu tiên, nàng lo lắng nhìn vào bên trong, khẽ hỏi: “Phu nhân, có phải phu chủ đã xảy ra chuyện gì không?”
Phùng Uyển ngẩng đầu lên.
Nhìn vẻ mặt lo lắng của đám tỳ thiếp, Phùng Uyển lắc đầu, hờ hững nói: “Không xảy ra việc gì cả, phu chủ rất ổn.”
“Phu chủ không sao thật chứ?”
Mi nương vội hỏi.
Nhưng lần này, rõ ràng Phùng Uyển không muốn trả lời, nàng đẩy đám tỳ thiếp ra, đi về phòng mình.
Tối nay, Triệu Tuấn đi tới đi lui trong thư phòng, lẩm bẩm mãi. Mi nương, Vũ nương, Quyên nhi đưa điểm tâm vào ba lần, tiếng mắng vang lên ba lần.
Nhìn ánh đèn dầu trong phòng Triệu Tuấn, Phùng Uyển ung dung ngồi trên giường rót một chén rượu ình.
Vừa chậm rãi nhấp rượu, vừa nghiêng đầu thưởng thức ngọn đèn trong thư phòng cùng với tiếng chửi rủa và đánh đập vang lên bất chợt.
Thời gian lẳng lặng trôi đi, hệt như người đang lo sốt vó trong thư phòng, Phùng Uyển không hề biết mệt.
Nàng tự tại thưởng thức.
Triệu Tuấn mong một bước lên trời, y không muốn vứt bỏ chức quan tứ phẩm, tiền tài và mỹ nhân, nhưng y lại không có khả năng đó! Y thật sự không có bản lĩnh, cũng không có can đảm ra chiến trường. Từ chối thì sao? Cũng vì không nỡ, nên bây giờ mới lâm vào thế bí.
Con người đều như vậy. Rõ ràng không có được, nếu có thể dập tắt ý niệm thì còn có thể thanh thản. Nhưng cho y hi vọng như vậy, rồi lại để y phải trơ mắt buông tay, nỗi khổ muốn mà không có được này đã đủ khiến y khốn đốn rồi.
Như vậy mới phải, như vậy mới là thứ nàng muốn. Nếu không phải biết thừa sẽ như vậy, sao nàng có thể cho y biết tin tức quan trọng như thế chứ?
Triệu Tuấn một đêm không ngủ, đến nửa đêm còn có thể nghe thấy tiếng y chửi rủa.
Ngày hôm sau, Triệu Tuấn viện cớ ngã bệnh không lên triều. Một đêm không ngủ, mắt y tràn đầy tia máu, đôi môi cũng khô nứt, tính tình lại càng hung dữ. Hai thiếp thất sáng sớm đi lấy lòng vào cửa đã phải khóc lóc chạy ra.
Tới buổi trưa, y còn lo âu hơn nữa. Suy nghĩ đắn đo rất nhiều, Triệu Tuấn vẫn cảm thấy Uyển nương sẽ nghĩ ra cách chu toàn hơn mình, liền gọi nàng vào thư phòng.
Y không ép nàng nữa, chỉ van xin nàng suy nghĩ thật kỹ, rồi phiền não đi đi lại lại, đưa mắt nhìn Phùng Uyển mãi, chỉ mong nàng đột nhiên nảy ra ý nghĩ nào đó.