Khoảng Trống

Chương 15: Chương 15




Những phản ứng giận dữ ban đầu của người dân Pagford nén lại thành mối bất bình kín đáo hơn nhưng không kém phần sôi sục. Người khu Fields đã làm ô nhiễm và phá hỏng cảnh quan yên bình xinh đẹp nơi đây, và cư dân địa phương quyết phải cắt cụm dân cư đó khỏi lãnh địa của mình. Nhưng mấy lần hội họp để định lại ranh giới không đi tới đâu, việc cải cách chính quyền địa phương cũng không đưa lại tác dụng gì: Khu Fields vẫn dính nhằng nhẵng vào Pagford. Những cư dân mới khác trong thị trấn nhanh chóng hiểu được rằng cứ phải tỏ ra căm ghét khu dân cư kia thì mới được lòng nhóm dân cố cựu vốn điều hành mọi thứ tại Pagford này.

Đằng đẵng hơn sáu mươi năm kể từ khi ông Aubrey Fawley trao cho Yarvil khoảng đất tai hại đó, sau hàng mấy thập kỷ kiên nhẫn bền bỉ, bàn mưu tính kế, kiến nghị này kia, sắp xếp thông tin lẫn vận động các ủy ban cấp dưới, cuối cùng nhóm phản đối dân khu Fields nhận thấy đã tới thời điểm bước ngoặt.

Cuộc suy thoái buộc chính quyền địa phương phải cắt giảm và tái cơ cấu cho hợp lý hơn. Mấy tay chóp bu trong hội đồng quận Yarvil đã đánh hơi thấy lợi thế trong cuộc bầu cử tới, vì dãy nhà còm cõi đó nhiều khả năng chỉ sống được lay lắt dưới chính sách thắt lưng buộc bụng của nhà nước, nên nếu “hốt” về thì đám dân bất mãn sẽ trở thành cử tri của họ.

Đại diện riêng của Pagford tại Yarvil là ông hội đồng quận Aubrey Fawley. Ông “Aubrey trẻ” này là con trai của cụ Aubrey bán khu Fields ngày xưa, ông thừa hưởng Dinh thự Sweetlove nhưng suốt tuần bận quản lý một ngân hàng thương mại ở tận London. Cái cách Aubrey sốt sắng với chuyện trong khu này có vẻ nhuốm màu ăn năn, như thể ông gắng bù đắp cho lỗi lầm ông bố lỡ gây ra cho thị trấn nhỏ bé này. Ông cùng vợ mình là bà Julia đứng ra tài trợ và tặng giải thưởng tại hội chợ nông nghiệp, tham gia vào tất cả các ủy ban này nọ trong vùng, và tiệc Giáng Sinh nhà ấy tổ chức hàng năm thì ai cũng mong được dự.

Howard rất lấy làm tự đắc lẫn khoái chí mỗi khi nghĩ Aubrey và lão đang sát cánh bên nhau trong công cuộc đẩy khu Fields về lại cho Yarvil, vì tuy cùng là dân kinh doanh thật, nhưng Howard phải nể vì Aubrey ở đẳng cấp khác hẳn. Cứ thử nghĩ mà xem, tối tối sau khi đóng cửa hàng là lão phải trút cái ngăn kéo cũ kỹ ra mà ngồi đếm từng xu mẻ bạc lấm trước khi bỏ cả vào két. Còn Aubrey chẳng bao giờ phải động tay đến tiền thật cả, ông ta chỉ ngồi trong ngân hàng mà ra lệnh chuyển hàng núi tiền xuyên lục địa. Ông ta làm xiếc với tiền, nhân nó lên gấp bội, rồi khi thời vận có vẻ xấu đi thì ngạo nghễ nhìn nó bốc hơi. Trong mắt Howard, từ Aubrey tỏa ra không khí thần bí truyền kỳ mà dù ngành tài chính thế giới có đổ sụp đi nữa thì vầng hào quang ấy cũng không mảy may sứt mẻ. Ông chủ hiệu thực phẩm sẵn sàng quặc ngay những kẻ nào đổ cho cánh ngân hàng như Aubrey làm đất nước rơi vào khủng hoảng thế này. Lúc mọi chuyện suôn sẻ thì có ai than vãn gì đâu, Howard luôn nghĩ thế, và vẫn coi trọng Aubrey như vị tướng quân chẳng may thọ thương trong trận chiến không dành cho người thường.

Ngược lại, khi giữ chân ủy viên hội đồng quận, Aubrey được biết mọi số liệu thống kê hay ho và kể cho Howard đủ thứ tin tức về khúc ruột thừa khó ưa của Pagford. Cả hai đều biết rõ dù chẳng thu lại lợi ích hay thấy được tiến bộ gì rõ rệt, quận vẫn đã đổ ra biết bao nhiêu tiền của công sức vào mấy con phố xơ rơ xác rác ở khu Fields, và rằng trong khu ấy chẳng ai sở hữu nổi căn nhà đang trú cả (trong khi đó phần lớn những căn nhà gạch đỏ tại khu Cantermill đã được người ta mua đứt, và được cải tạo đẹp đến khó nhận ra với bồn hoa, cổng vòm và bãi cỏ cắt tỉa gọn gàng ở sân trước); rồi thì gần hai phần ba dân khu Fields sống nhờ hoàn toàn vào trợ cấp chính phủ, và cả đống dân nghiện từng phải ra ra vào vào trung tâm cai nghiện Bellchapel.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.