Không Có Ngày Mai

Chương 14: Chương 14




JACOB MARK nói, “Việc ấy không lý giải được về chiếc áo khoác.” Nhưng tôi nghĩ anh đã sai. Tôi cho là nó lý giải rất đúng về chiếc áo khoác. Và nó lý giải cho thực tế rằng cô đã đậu xe ở trung tâm thành phố rồi đi lên bằng tàu điện ngầm. Tôi nghĩ là cô đang tìm cách đối đầu với kẻ cô sẽ gặp từ một góc bất ngờ, chui lên từ một cái hố trên nền đất, trong tay có vũ khí, mặc toàn đồ đen, sẵn sàng đối phó với cuộc đụng độ trong bóng đêm. Có lẽ chiếc áo parka mùa đông là chiếc áo khoác đen duy nhất cô có.

Và nó cũng lý giải cho mọi thứ khác. Sự sợ hãi, cảm giác u ám. Có lẽ lầm bầm là kiểu cô luyện những lời khẩn cầu, bào chữa, tranh cãi hoặc thậm chí những lời đe dọa. Có thể việc lặp đi lặp lại những điều ấy đã khiến chúng trở nên có sức thuyết phục hơn với cô. Đáng tin hơn. Vững dạ hơn.

Jake nói, “Không thể có chuyện chị ấy đang trên đường chuyển thứ gì đó, bởi chị ấy không mang gì theo mình.”

“Có thể cô ấy đã mang gì đó,” tôi nói. “Trong đầu cô ấy. Anh đã bảo tôi rằng cô ấy có trí nhớ tuyệt vời mà. Các đơn vị, ngày tháng, biểu đồ thời gian, bất kỳ thứ gì chúng cần.”

Anh ta ngừng lại, cố tìm một lý do phản bác.

Nhưng không được.

“Thông tin mật,” Jake nói. “Bí mật quân sự. Chúa ơi, tôi không thể tin nổi.”

“Cô ấy bị sức ép, Jake.”

“Những loại bí mật nào mà một cơ quan nhân sự lại giữ cơ chứ, lại có giá trị đủ khiến người ta phải mất mạng chứ?”

Tôi không trả lời. Bởi tôi không biết. Hồi tôi còn làm việc, HRC được gọi là PERSCOM. Phòng Nhân sự, không phải Phòng Nhân lực. Tôi phục vụ suốt mười ba năm mà không khi nào nghĩ tới nó. Không một lần nào. Công việc liên quan tới giấy tờ và hồ sơ. Tất cả những thông tin đáng quan tâm nằm ở một nơi khác.

Jake ngọ nguậy trên ghế. Anh sục các ngón tay vào mái tóc chưa gội, ốp hai lòng bàn tay vào hai tai mà xoay đầu theo đúng một vòng hình ô van, như thể anh đang làm cho cổ bớt cứng, hay bộc lộ cơn khủng hoảng nào đó bên trong đang đưa anh đi đúng một vòng, trở lại câu hỏi lớn nhất.

Anh cất tiếng, “Vậy tại sao? Sao chị tôi chỉ chạy lên đấy và tự sát trước khi tới nơi chị ấy đang đến?”

Tôi ngừng một chút. Những tiếng ồn ào trong quán phát ra xung quanh chúng tôi. Tiếng giày miết kin kít trên lớp trải sàn, tiếng va chạm, cọ xát của đồ sứ, âm thanh tin tức phát ra từ các màn hình gắn cao trên tường, tiếng leng keng của chuông gọi nhân viên phục vụ.

“Cô ấy đang vi phạm pháp luật,” tôi nói. “Cô ấy phá vỡ mọi hình thức tin tưởng và những nghĩa vụ nghề nghiệp. Và chắc hẳn cô ấy đã nhìn ra một hình thức do thám nào đó. Có thể thậm chí cô ấy đã được cảnh báo. Thế nên chị anh căng thẳng, ngay từ khi cô ấy bước vào xe. Suốt chặng đường lên đây cô ấy quan sát gương chiếu hậu để theo dõi những ánh đèn đỏ. Mọi cảnh sát ở mọi điểm thu phí đều là một mối đe dọa tiềm tàng. Mỗi một tay nào mặc đồ vest mà cô ấy nhìn thấy đều có thể là nhân viên liên bang. Và trên tàu, bất kỳ kẻ nào trong chúng tôi đều có thể là những kẻ sẵn sàng tấn công cô ấy.”

Jake không nói gì.

Tôi nói, “Và rồi tôi tiếp cận cô ấy.”

“Và gì nữa?”

“Cô ấy nổi giận. Susan nghĩ tôi sắp bắt giữ cô ấy. Ngay khi ấy và ngay tại đó, cuộc chơi kết thúc. Cô ấy đã ở cuối con đường. Cô ấy hành động cũng chết, không hành động cũng chết. Cô ấy không thể tiến lên, không thể lùi lại. Cô ấy đã bị cài bẫy. Bất kỳ đe dọa nào bọn chúng sử dụng nhắm vào cô ấy đều sẽ qua đi, còn cô ấy sẽ vào tù.”

“Vì sao chị tôi nghĩ anh sẽ bắt giữ chị ấy?”

“Hẳn cô ấy nghĩ tôi là cảnh sát.”

Tôi là cảnh sát, tôi đã nói thế. Tôi có thể giúp cô. Chúng ta có thể nói chuyện.

“Cô ấy hoang tưởng,” tôi nói. “Đó là điều có thể hiểu.”

“Anh không trông giống cảnh sát. Anh trông giống như thằng cầu bơ cầu bất. Khả năng cao hơn là Susan nghĩ anh tấn công chị ấy để cướp tiền lẻ.”

“Có khi cô ấy nghĩ tôi là cảnh sát chìm.”

“Anh bảo rằng chị tôi là nhân viên làm về hồ sơ. Chị ấy phải biết các cảnh sát chìm trông ra sao.”

“Jake, tôi xin lỗi, nhưng tôi đã bảo cô ấy rằng tôi là cảnh sát.”

“Sao lại thế?”

“Tôi nghĩ cô ấy là kẻ mang bom. Tôi chỉ đang cố gắng vượt qua ba giây tiếp theo mà cô ấy không phải bấm nút. Tôi sẵn sàng nói bất kỳ điều gì.”

Anh ta hỏi, “Chính xác thì anh đã nói gì?” Thế nên tôi thuật cho anh ta biết, rồi thì anh nói: “Chúa ơi, nghe như chuyện tào lao vớ vẩn về đặc vụ nội gián ấy.”

Tôi nghĩ ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói một lần nữa.

Vài phút sau đó tôi phải hứng đòn từ mọi phía. Jacob Mark trừng trừng nhìn tôi bởi tôi đã giết chị gái anh. Nữ phục vụ cáu kỉnh bởi trong thời gian chúng tôi dây dưa bằng hai ly cà phê, lẽ ra cô ta đã có thể bán được tám suất ăn sáng. Tôi lấy ra một tờ hai mươi đô nhét xuống dưới đĩa mình. Cô ta trông thấy tôi làm việc ấy. Khoản tiền giá trị bằng tiền boa từ tám suất ăn sáng nằm ngay đó. Việc ấy giải quyết được vấn đề cô phục vụ. Vấn đề Jacob Mark hóc búa hơn. Anh ta vẫn ngồi yên, im lặng, giận dữ. Hai lần tôi thấy anh liếc đi chỗ khác. Sửa soạn để chấm dứt câu chuyện. Cuối cùng anh nói: “Tôi phải đi. Tôi có việc cần làm. Tôi đã tìm ra một cách thông báo cho gia đình chị ấy.”

Tôi nói, “Gia đình à?”

“Molina, chồng cũ. Và họ có một đứa con trai, Peter. Cháu tôi.”

“Susan có con trai à?”

“Việc ấy liên quan gì đến anh?”

Chỉ số IQ của chó săn Labrador.

Tôi nói, “Jake này, chúng ta đã ngồi suốt đây nói về vũ khí, mà anh vẫn không nghĩ tới chuyện nhắc tới chuyện Susan có một đứa con trai à?”

Anh ta ngẩn ra một lúc. Rồi cất tiếng, “Nó không phải trẻ con. Cháu tôi đã hai mươi hai tuổi rồi. Giờ nó là sinh viên năm cuối ở Đại học Nam Carolina. Thằng này chơi bóng bầu dục. Nó còn to lớn hơn anh. Thằng bé không gần gũi với mẹ nó. Sau khi bố mẹ ly hôn, nó sống với bố.”

Tôi bảo, “Hãy gọi cho nó.”

“Lúc này ở California là 4 giờ sáng đấy.”

“Gọi bây giờ đi.”

“Tôi sẽ làm nó thức giấc.”

“Tôi rất hy vọng là sẽ như thế.”

“Nó cần được chuẩn bị tinh thần cho việc này.”

“Nhưng trước tiên nó phải nghe điện thoại gọi đến cái đã.”

Thế nên Jake lại lôi điện thoại di động ra, lục tìm danh bạ trong máy, tới một cái tên nằm ở khoảng cuối danh bạ thì bấm nút gọi. Theo thứ tự bảng chữ cái, tôi đoán thế. Peter ở vần P. Jake áp điện thoại vào tai và trong suốt năm hồi chuông đầu tiên trông lo lắng theo một kiểu, rồi sau hồi thứ sáu thì lại một kiểu lo lắng khác. Anh giữ máy lâu hơn một lúc nữa rồi chầm chậm hạ xuống và bảo: “Thư thoại.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.