NAM CALIFORNIA
Giữa nửa đêm, người quản lý của Philippe Roussard gọi điên. “Mọi việc đã ổn cả chưa?”
Roussard ngồi trên giường, tựa đầu vào chiếc gối dựa vào tường. “Rồi”, hắn vừa trả lời vừa lấy một điếu Gitanes ra khỏi bao và châm lửa.
“Những thứ đó sẽ giết cậu đấy?”, người quản lý của hắn cảnh báo khi nghe tiếng bật lửa Zippo của Roussard đóng đánh cạch một cái và hít một hơi dài. Philippe vuốt những sợi tóc đen vướng trên mặt và trả lời, “Thật cảm động trước mối quan tâm của ông”.
Người gọi không bị cắn câu. Họ rất hay bất đồng với nhau. Nếu muốn thành công, họ phải hợp tác với nhau. Hít một hơi thở sâu, người quản lý nói, “Khi anh xong việc, sẽ có thuyền chờ. Phải nhớ không được để ai nhìn thấy anh lên chiếc thuyền đó”.
Roussard khịt mũi trả lời. Sẽ không ai nhìn thấy hắn. Chưa từng có ai nhìn thấy. Hắn giống như một con ma, một cái bóng. Thực ra, hắn giỏi đến nỗi chẳng mấy ai tin rằng hắn tồn tại. Tuy nhiên, với chính phủ Mỹ lại khác.
Cho tới lúc bị bắt, không ai nhìn thấy hắn. Không ai biết tên cũng như quốc tịch của anh ta. Những người lính Mỹ ở Iraq gọi anh ta là Juba và luôn sống thấp thỏm trong nỗi sợ hãi rằng mình sẽ là nạn nhân tiếp theo của hắn ta.
Những phát súng của hắn ta thường từ cách xa ít nhất là hai trăm mét và gần như phát nào cũng chính xác tới mức hoàn hảo. Hắn hiểu rõ những phần áo giáp trên cơ thể và biết chính xác nơi nhắm viên đạn vào, chỗ sườn hoặc ngay bên trên ngực.
Thỉnh thoảng, khi có một đội hải quân tứ mạnh, hắn ta thường dành cho mục tiêu những phát súng chính xác vào đầu. Với danh tiếng đã hạ trên một trăm người, Roussard là một anh hùng đối với những người Iraq căm thù sự chiếm đóng của người Mỹ và là một thiên thần đối với những chiến hữu đồng đạo trong phe nổi loạn.
Những người Mỹ đã săn lùng hắn gắt gao và cuối cùng, họ cũng bắt được. Hắn bị đưa tới Guantanamo và chịu đựng hàng tháng trời tra tấn ở đó. Vậy mà cách đây khoảng hơn sáu tháng, thật tuyệt, hắn bỗng nhiên thoát khỏi cảnh giam cầm. Cùng với bốn tù nhân khác, hắn ta được đưa lên một chiếc máy bay về nước. Chỉ có Roussard là biết vì sao lại có chuyện đó và ai là người giúp đỡ.
Lúc này, khi trườn thân thể cường tráng của mình vào bộ áo liền quần, trong hắn vẫn chưa mất đi cảm giác trớ trêu trước tình cảnh của mình. Người Mỹ đã đồng ý thả hắn và bốn tù nhân khác để bảo vệ các công dân của họ không bị lâm vào cảnh bị khủng bố. Ấy vậy mà giờ đây hắn lại đang ở trong lòng nước Mỹ, chuẩn bị cho một cuộc tấn công nữa.