Không Ô Nhiễm, Không Gây Hại

Chương 8: Chương 8: Cùng một thế giới, cùng một ước mơ của ngàn vạn nô lệ nhà cửa mơ ước... Suýt hiển linh trên người anh




Viện 110 ngõ Len kỳ thực là một tiểu khu nhà ở, có điều trong tiểu khu chỉ có một nhà lầu nên mọi người cũng gọi như vậy.

Trước đây nó là “nhà công” do đơn vị xây, kiến trúc mang đặc điểm của nhà công cũ trong quá khứ: tọa bắc triều nam (1), mỗi tầng phương bắc đều là hành lang chung hẹp dài từ đầu đông thông tới đầu tây, phương nam là một dãy mười gia đình sánh vai theo chữ Nhất (2), mọi người đều dùng chung một thang máy. Sau đó, đơn vị không còn, nhà công cũng trải qua “nhà thay nhà”___do các hộ gia đình tự nguyện mua lại, trở thành bất động sản mua bán trên thị trường.

(1) Tọa bắc triều nam: quay lưng về hướng bắc, ngoảnh mặt về hướng nam.

(2) Chữ Nhất: 一

Nhà lầu xây vào năm 1990, những đứa trẻ sinh sau năm 90 đã bắt đầu hói số lượng lớn, nhà lầu bằng tuổi đương nhiên cũng chẳng thanh xuân xinh đẹp được tới đâu. Bức tường loang lổ, lan can gỉ sét, cầu thang chật hẹp, không chỗ nào là không cũ kỹ.

Có điều tuy tuổi tác nhà lầu hơi lớn nhưng môi trường trong khu rất tốt, ít người thanh tịnh, hơn 20 năm trôi qua, cây cũng thong thả lớn lên, mùa hè đi trong viện, cảm giác mát hơn ở ngoài 5 độ. Vị trí cũng tốt, cách CBD chưa tới hai trạm xe buýt, đi bộ khoảng mười mấy phút là được, cổng lớn phía tây khu đối diện một trường mẫu giáo song ngữ, ra khỏi cổng lớn phía đông đi về trước khoảng 50 mét là một trường tiểu học công lập khá tốt được chuyển tới mấy năm trước, bới vậy khu này cũng xem như “khu trường học”, dân chúng bình thường thực sự mua không nổi.

Hiện tại, người sống trong viện này có thổ hào mua nhà vì khu trường học, có người giàu bình thường bỏ hơn vạn tiền thuê để con cái tiện đi học, cũng có “thổ dân” mất việc sau khi đơn vị cũ cải cách chế độ, chỉ còn lại căn nhà nhỏ hai gian, gộp đủ tam giáo cửu lưu.

Xe đậu trong viện có xe sang trăm vạn, cũng có xe Santana tới tuổi sắp lìa đời. Nhưng loại khu cũ kỹ này không có bãi đậu xe, nên xe sang hay xe cà tàng đều chỉ có thể tìm một góc rồi bịt lại, thống nhất để một tấm ván nhỏ chỗ bánh xe ngăn chó đái.

Dụ Lan Xuyên đến đúng lúc có người dọn nhà. Có một xe điện nhỏ bốn bánh kéo dây điện từ phòng bảo vệ ra sạc điện, chắn đường, làm xe tải của công ty dọn nhà kẹt ở cửa không vào được.

- Xe điện nhà ai ở cổng? Phiền dịch đi xíu coi!

Tài xế xe tải vừa bấm còi vừa hét, hét hồi lâu không ai đáp, ông liền bước xuống xe, rống to:

- Xe bốn bánh màu đỏ viết “Trị liệu vật lý bằng châm cứu ngải cứu tổ truyền, khuyến mãi áo liệm và vòng__hoa___” là của nhà ai? Vòng hoa khuyến mãi của nhà ai? Dịch đi xíu coi!

Dụ Lan Xuyên:

-...

Còn là phục vụ dây chuyền.

Anh không muốn chen theo xe tải nóng hầm hập, bèn dừng chân ở cổng đợi họ rời đi.

Đây là nơi hồi trẻ anh thường lưu luyến, vừa vào cổng viện có hai hàng cây hòe lớn, ở giữa là con đường nhỏ để tản bộ, lúc này hoa hòe sớm đã lụi tàn, chỉ còn lại tầng tầng tán lá ngăn ánh mặt trời chói chang giữa hạ, khiến chúng chỉ còn vài lốm đốm rơi rớt trên nền đất. Cành cây uốn khúc của cây hòe già kết ra những cái nút tang thương, toát hơi thở ẩm ướt từ màu xanh dày sẫm, mang hơi hướm tịch liêu thanh khiết không nhuốm bụi hồng trần.

Thấm thoắt đã mười năm, nhà lầu cũ, người xưa mất, cây cũng đã lớn rồi.

Ông cả sống gần một thế kỷ, lại đi con đường khác thường, hở tí là mất liên lạc, là người thân người bạn, Dụ Lan Xuyên đã chuẩn bị tâm lý từ sớm, bây giờ cũng không quá đau thương. Chỉ là, khi anh nâng tro cốt của ông đứng ở nơi này, chợt có chút cảm giác cảnh còn người mất, tựa như một thời đại cứ thế tan thành mây khói trong lúc anh lơ đãng.

Di vật của ông cụ không nhiều, ngoại trừ chiếc xe tồi tàn sắp hỏng kia thì chỉ còn lại vật dụng hàng ngày và camera. Trong di chúc, ông bảo Dụ Lan Xuyên rửa mấy tấm ảnh cuối cùng trong máy làm tác phẩm cuối của ông, đồng thời nói rõ những đồ đạc trong túi là ông để lại cho Dụ Lan Xuyên.

Trong túi trừ di chúc thì có hai quyển sổ nhỏ, một quyển là kiếm phổ “Hàn Giang Thất Quyết” mà Dụ Lan Xuyên đã thuộc nằm lòng. Quyển còn lại anh chưa từng thấy, trong di chúc nói, đó là y bát chưởng môn phái “Hàn Giang”, ông cụ là chưởng môn thứ 136, định truyền lại cho Dụ Lan Xuyên làm chưởng môn thứ 137.

Nhưng ông cụ nói anh muốn làm hay không đều được, không sao cả, dù sao “Hàn Giang Thất Quyết” cũng không có môn đồ.

Nội dung chính của “y bát chưởng môn” được chia thành ba phần lần lượt là “môn quy” “tu vi” và “phương thuốc cổ độc môn”, đều được truyền lại từ xa xưa.

“Môn quy” tổng cộng gồm 20 điều, toàn bộ đều là chữ phồn thể cổ văn, Dụ Lan Xuyên học đại học ở học viện thương mại, sau đó lại du học nước ngoài, trong bụng toàn là mực Tây, trình độ cổ văn chỉ cỡ trung học, nhìn mà hoa cả mắt, anh lật xem kiểu cưỡi ngựa xem hoa đến trang cuối cùng thì tìm được một dòng chữ giản thể viết tay, là chữ của ông cụ.

Ông cụ biết trình độ của anh nên cố ý viết chú giải rất thông tục: “20 điều môn quy, làm được hết chỉ có thánh hiền thôi, không cần xem kỹ, phàm nhân chúng ta chỉ cần tuân thủ luật pháp quốc gia và tập tục xã hội là được.”

Phần “tu vi” là tập hợp cảm ngộ khi luyện công tập võ của các đời chưởng môn, trình độ văn hóa của các chưởng môn khác nhau, “di sản” để lại cũng đa dạng, có người thì là những câu khẩu quyết trúc trắc, có người thì là những người que huơ tay đá chân.

Phần này ông cụ viết chú giải ở trước, chú giải đậm mùi “tấm lòng rộng bao la như trời đất”: “Ông nghĩ đại khái là con xem không hiểu, xem không hiểu thì từ từ xem, từ từ xem cũng không hiểu thì dẹp luôn đi.”

Phần cuối cùng là “phương thuốc cổ độc môn”, cái này Dụ Lan Xuyên từng nghe nói, tương truyền, thời cổ các môn phái đều có những phương thuốc độc môn, trị ngoại thương, điều nội tức, giải độc___cái gì cũng có, thần thần bí bí, phương thuốc không truyền ra ngoài, thuộc về một phần truyền thừa của môn phái. Giống mấy thứ như “Sinh sinh tạo hóa đan” “Cửu chuyển linh bảo hoàn” trong tiểu thuyết võ hiệp ấy.

Dụ Lan Xuyên tò mò lật phần cuối, muốn xem xem môn phái mình có bí mật bất truyền gì, kết quả là phát hiện ông cụ dùng mực nước thoa hết mấy trang giấy này, còn dùng chữ đỏ viết “Thứ này không khoa học, có bệnh đi bệnh viện”.

Phía sau còn có ba dấu chấm than.

Chưởng môn thứ 137 nâng y bát, thưởng thức, cảm thấy khí số của bổn môn... có lẽ cũng chỉ đến vậy.

Chủ xe điện cuối cùng cũng từ từ đến, tài xế xe tải bắt đầu phàn nàn bất mãn, tiếng người kéo sự chú ý của Dụ Lan Xuyên về, anh ngẩng đầu, vẻ mặt hơi phức tạp nhìn tòa nhà lầu 11 tầng trong viện.

Trong di vật của ông cụ, thứ quan trọng nhất, cũng khó xử lý nhất, có lẽ chính là căn nhà này.

Nhà ông cụ ở tầng 10, hai phòng ngủ, bên trong đại khái khoảng 70 mét vuông, lúc nãy Dụ Lan Xuyên đã nghe ngóng được từ chỗ môi giới nhà đất ở giao lộ là căn nhà như vậy có giá thị trường khoảng 850 vạn, chưa tính thuế.

Mấy chữ này khiến giai cấp làm công ăn lương nghe mà choáng váng đầu.

Ông cụ Dụ Hoài Đức không kết hôn, cũng không con cái, từ nhỏ cùng em trai___cũng chính là ông nội ruột Dụ Lan Xuyên sống nương tựa nhau trưởng thành, ông bà nội Dụ Lan Xuyên mấy năm trước đã lần lượt qua đời, gia đình đơn chiếc, cha anh và anh đều là con trai một.

Cha ruột Dụ Lan Xuyên là Dụ Kiến Hoa chịu đủ gông xiềng hôn nhân và gia đình, khó khăn lắm mới ly hôn, giờ như chim nhỏ sổ lồng, kiên định chủ nghĩa độc thân. Ông cả qua đời, Dụ Kiến Hoa chạy tới gặp di hài ông lần cuối, cùng giúp anh lo liệu hậu sự rồi phất tay áo bỏ đi. Còn về di vật, cha anh nói:

- Dù sao đến thế hệ này, nhà chỉ còn lại một mình con, có cái gì tương lai cũng là của con, tự con xem mà làm.

Cho nên__căn nhà này, theo lý thuyết, lẽ ra thuộc về anh.

Cùng một thế giới, cùng một ước mơ của ngàn vạn nô lệ nhà cửa mơ ước.

...Suýt hiển linh trên người anh.

Tiếc rằng đây không phải chuyện nửa sau của “Jane Eyre”, vì ông cụ có nói trong di chúc là căn nhà này không thể để lại cho con cháu mình.

Năm xưa lúc “nhà thay nhà”, muốn có được quyền tài sản nhà thì phải nộp 5 vạn tệ__tuy bây giờ nhìn lại chẳng khác cho không là bao nhưng hơn 20 năm trước, 5 vạn là một số tiền không nhỏ với đa số người.

Ông cụ sống độc thân, luôn kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, đừng nói 5 vạn, 5 ngàn ông còn không có nữa là. Số tiền mua nhà này, là do các bạn bè thập phương tứ xứ nghe nói ông khó khăn đã gom góp lại.

Ông cụ quan hệ quá tốt, từng giúp quá nhiều người, người góp tiền cho ông không biết bao nhiêu mà kể, có người nghèo khó, chỉ góp được 30-50 tệ, ngại để lại tên, cũng không có ý bảo ông trả.

Sau đó ông cụ còn chưa kịp làm rõ nên trả tiền cho ai với ai thì giá nhà trong nước và kinh tế tăng chóng mặt, căn nhà 5 vạn qua một năm tăng gấp mấy lần, sau đó tăng như phóng hỏa tiễn trong sự ngơ ngác của mọi người.

Bây giờ mà còn lôi 5 vạn năm xưa ra coi sao được.

Cho nên ông cụ Dụ Hoài Đức nói, căn nhà này tuy đứng tên ông nhưng không thể xem như tài sản riêng của ông, ông chắc chắn sẽ không bán, bạn bè võ lâm tới Yên Ninh đều có thể đến nơi này.

Nói cách khác, căn nhà suýt mang họ Dụ ở khu trường học này là “văn phòng trụ sở Yên Ninh” của võ lâm minh.

Nghĩ tới đây là tim Dụ Lan Xuyên rỉ máu___mấy thứ chả ra sao này không thể tìm một văn phòng ở ngoại thành sao?

Ngay lúc anh trưng khuôn mặt cao ngạo lạnh lùng mà lòng âm thầm bi phẫn, phía sau chợt có một cơn gió ập tới, đánh vào gáy anh, Dụ Lan Xuyên còn chìm đắm trong 800 vạn, đầu óc chưa kịp suy nghĩ, cơ thể đã tránh đi một bước theo bản năng, đồng thời nghiêng người thụt khuỷu tay ra sau. Một cây gậy nhựa trượt ra khỏi khuỷu tay anh như cá lội, theo trọng tâm dịch chuyển của anh mà quét xuống dưới sườn, Dụ Lan Xuyên lấy tay, vai và khuỷu tay làm kiếm, chỉ trong nháy mắt, một tay và cây gậy như muốn dính lấy anh kia đi được khoảng 10 chiêu, đến khi cây gậy đó suýt đụng đến hộp tro cốt của ông cả mới dừng lại.

Dụ Lan Xuyên chật vật đẩy kính mắt, lúc này mới nhìn rõ, kẻ bệnh thần kinh rỗi hơi lấy gậy chọc anh chính là một ông lão.

Trên cánh tay ông lão quấn băng đỏ, tay ông cầm cây gậy nhựa màu xanh lục, trên áo sơ mi trắng giặt rất sạch là vài miếng vá thời thượng, ông đeo đôi kính lão đồi mồi.

Ông lão cúi đầu, ánh mắt xuyên qua cặp kính lão nhìn hộp tro cốt rồi lại nhìn Dụ Lan Xuyên, cười:

- Anh Dụ, cháu trai bảo bối đưa anh về rồi! Tiểu Xuyên đã lớn ngần này, lúc nãy nhìn từ xa, ông Dương suýt nhận không ra.

Dụ Lan Xuyên ngẩn người, kiềm chế tính tình, nhìn kỹ lại mới nhớ, ông Dương này hình như ở tầng 6, thân nhất với ông cụ nhà anh, trước đây thường cùng nhau câu cá.

Ông Dương kẹp gậy nhựa vào dưới cánh tay, không thấy rõ ông làm gì, giống như ông chỉ vươn tay nhẹ nhàng, thế mà đã lấy được hộp tro cốt.

Dụ Lan Xuyên:

- A...

- Tới nhà rồi, con trai, để ta tiễn anh ấy một đoạn.

Ông Dương khoát tay với anh, vẻ mặt có chút cô đơn:

- Phù Lương Nguyệt, Hàn Giang Tuyết, Đường Tiền Yến, Xuyên Lâm Phong... ngũ tuyệt năm xưa, kẻ đi người mất, đến bây giờ chỉ còn lại một lão già chưa chết là ta thôi.

Ngũ tuyệt? Mới bốn thôi mà?

Dụ Lan Xuyên hoảng hồn nhìn bóng lưng lảo đảo của ông lão, sợ ông làm rớt ông cả__vì nghe nói không biết đếm hình như là một trong những triệu chứng ngớ ngẩn tuổi già.

- Không người nối nghiệp, Tiểu Xuyên nhà anh còn có chút tiền đồ, có thể tiếp được mấy gậy của em, những người khác... haiz, đều là thứ gì ấy!

Ông Dương nói dông dông dài dài với hộp tro cốt:

- Đại hội võ lâm ba năm một lần, giờ anh đi rồi, năm nay mọi người tới Yến Ninh biết chạy tới chỗ ai đây?

Ông Dương nhớ ra gì đó, quay đầu hỏi Dụ Lan Xuyên:

- Đúng rồi, thất quyết kiếm của Tiểu Xuyên luyện tới tầng mấy rồi?

Dụ Lan Xuyên đầu óc mơ hồ:

-...Tiêu chuẩn xét bậc là gì ạ?

Bảng tiêu chuẩn?

Ông Dương nghe xong, thở dài nặng nề___chồn sinh chuột, thế hệ sau chẳng bằng thế hệ trước.

Ông Dương than thở, xách chuột to Dụ Lan Xuyên vào thang máy, có người đang đợi sẵn bên trong, Dụ Lan Xuyên liếc mắt qua, chợt sững sờ:

- Là cô?

Cam Khanh thực không tìm được nhà, hết cách, đành mặt dày nuốt lời mình đã nói, mặt mày xám xịt tới nhà thân thích ông chủ Mạnh cầu thu nhận. Vì muốn gây ấn tượng tốt cho bà cụ nên hôm nay cô cố ý sửa soạn, lục ra bộ váy duy nhất trừ “đồ công sở”, cẩn thận chải đầu, vén tóc ra sau tai, lộ ra vầng trán và ngũ quan sáng sủa, trông rất ra dáng.

Cô vốn định “lẳng lặng vào thôn, không bắn súng”, cố sức khiêm tốn biết điều, nào ngờ còn chưa lên lầu liền đụng phải hai vị này, đúng là xúi quẩy.

Ánh mắt Cam Khanh bay nhanh qua cây gậy nhựa trên tay ông Dương rồi không dám nhìn nhiều, nở nụ cười rất dịu dàng mất tự nhiên với Dụ Lan Xuyên.

Lúc cô cười lộ khóe môi nhọn, không biết vì sao Dụ Lan Xuyên cứ có cảm giác quen thuộc kỳ lạ như ngày đó trong hẻm sau ao lầy, không khỏi nhìn cô thêm mấy lần, khó hiểu hỏi:

- Cô cũng sống ở đây à?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.