Khu Vui Chơi Đáng Sợ

Chương 194: Chương 194: Bàn kiếm pháp ở trấn Thương Linh (9)




Editor: Nguyetmai

Sau khi năm người đối phó với biến cố này, họ không đi tiếp về phía trước vào trong trấn mà rẽ vào một cái ngõ bên cạnh, đi được một đoạn, liền tìm đại một căn nhà đẩy cửa bước vào.

Trấn Thương Linh này tuy không lớn nhưng ít nhất nó cũng được gọi là "trấn" nên cũng không phải là nơi quá chật hẹp. Nếu không trận đấu đá vừa rồi của họ đã sớm có người vây đến xem rồi. Sau khi trấn bị bỏ hoang nhiều năm, có rất nhiều nhà lá của dân ở trong trấn bỏ trống, bên trong vừa không có người, lại không có thứ gì đáng tiền. Nếu có thể chịu đựng được những con vật như rắn rết côn trùng chuột kiến gián, thì vào trong đó kiếm một chỗ dừng chân cũng khá ổn.

Dựa vào tin tức Mạnh Cửu cung cấp, trừ chưởng môn và các đệ tử của các môn phái lớn ở trong quán trọ trong trung tâm trấn ra, những kẻ phiêu bạt giang hồ đó, hoặc người của các môn phái hạng hai hạng ba đều chỉ có thể đi tìm những ngôi nhà dân như vậy xung quanh các quán trọ để ở tạm. Đương nhiên là Mạnh Cửu và các trưởng lão Cái Bang đó không bao giờ lo lắng vấn đề này, ăn mày đã quen ngủ ngoài đường rồi.

Phong Bất Giác và mọi người là người chơi, trong phó bản họ có thể bỏ qua những nhu cầu sinh lý cơ bản như ăn uống ngủ nghỉ, họ chỉ quan tâm xem thể năng còn bao nhiêu, và khả năng tập trung của bản thân có thể duy trì được hay không là đủ.

Lúc này còn khoảng một tiếng nữa là đến lúc trời sáng, kế hoạch của Phong Bất Giác là mọi người tránh đi khoảng hai ba tiếng nữa, đợi đến bảy giờ sáng rồi lại vào quán trọ trong trấn. Tận dụng khoảng thời gian giá trị HP và thể năng có thể khôi phục tự nhiên này, nhân tiện anh sẽ nói về tình thế và đối sách sau khi trời sáng.

Do mức độ tự do trong phó bản này rất cao, cho dù về thời gian, map, nhiệm vụ đều không hạn chế gì người chơi, do đó không cần phải lo lắng sẽ bị hệ thống phán xét là game tiêu cực, mọi người có thể an tâm hồi sức.

Đương nhiên, hiệu suất của Phong Bất Giác rất cao, nửa tiếng đã có thể truyền thụ hết tất cả những điều cần thiết cho mọi người. Hai tiếng sau đó, lại biến thành chơi trò nối từ và Tiểu Thán bị Bi Linh ném đồ ăn vặt…

Trong khoảng thời gian hai tiếng người chơi trốn trong chỗ tối giết thời gian này, Sử Yên Nhiên và gã đàn ông mặt vuông đó đều không rảnh rỗi. Không bao lâu sau hai người gặp nhau tại một nơi, bắt đầu bàn bạc chi tiết về chuyện vu oan giá họa. Đúng là họ có quen biết nhau, vậy nên vừa rồi Sử Yên Nhiên chỉ thoáng nhìn từ xa đã nhận ra người đàn ông đó chính là Công Tôn Lập, Nhị đương gia của Vạn Hà Lâu.

Vị Công Tôn Lập này tuy cũng mang họ Công Tôn, nhưng hắn và Công Tôn Càn không có quan hệ huyết thống, hai người chỉ là ngẫu nhiên mang cùng một họ. Công Tôn Càn nhập môn sớm hơn Công Tôn Lập mười năm, tuổi cũng lớn hơn mười tuổi, thời niên thiếu hai người đã xưng huynh gọi đệ. Hơn nữa hai người này đều có năng khiếu học võ, giữa các đệ tử cùng lứa đều là nhân tài nổi tiếng. Bởi vậy mấy chục năm sau, họ đã trở thành hai nhân vật hàng đầu của Vạn Hà Lâu.

Trong Vạn Hà Lâu, nếu luận võ công, Công Tôn Càn chuyên tâm tập luyện, nhưng Công Tôn Lập cũng có thành phủ*, cho nên chưởng môn sư huynh của hắn ta vĩnh viễn không sánh được với hắn. Nói ngay như chuyện của Sử Yên Nhiên và Vương Ngạo kia, Công Tôn Càn bị che mắt, nhưng Công Tôn Lập lại hiểu rất rõ. Điểm lợi hại của người này nằm ở chỗ, hắn biết, nhưng lại không nói… Hơn nữa hắn còn giả bộ như hoàn toàn không hay biết gì.

(*) Thành phủ: là một loại công lực, công lực giấu kín bên trong mà không để lộ ra ngoài.

Hắn không lấy chuyện này để uy hiếp, cũng không can thiệp vào sự phát triển của chuyện này. Nguyên tắc của Công Tôn Lập chính là bốn chữ "âm thầm đề phòng", cho nên khi gặp tình huống bất ngờ này hắn luôn có sự chuẩn bị trước. Đó chính là phong cách hành sự phòng cướp ban ngày, mới có thể khiến hắn xoay chuyển tình thế được trong thời khắc mấu chốt như ngày hôm nay.

Công Tôn Lập giúp Sử Yên Nhiên lần này, không phải là vì có quan hệ tốt với cô ta hay có mưu đồ gì với cô ta. Hắn chỉ đơn giản là vì để ý đến thể diện của Vạn Hà Lâu, không thể không ra tay. Hắn cũng hiểu rất rõ, một khi chuyện giết người bị bại lộ thì chuyện thông dâm chắc chắn cũng bị lôi ra ánh sáng. Nếu chuyện xảy ra ở chỗ khác thì cũng chẳng sao, nhưng lại xuất hiện ở đây. Bây giờ trong trấn Thương Linh còn náo nhiệt hơn cả đại hội võ lâm, chuyện xấu mặt này của Vạn Hà Lâu họ lại bị bới ra trong lúc này ở đây… Thì sau này đi đâu cũng sẽ bị ngời đời chỉ sau lưng nói "Chưởng môn phu nhân thông dâm với đệ tử". Sau này đệ tử của Vạn Hà Lâu sao còn có thể hành tẩu trên giang hồ được nữa?

Thường ngày không mấy chính nhân quân tử, hiệp nghĩa trung nhân lại có thể giúp lý không giúp người thân khi gặp phải hoàn cảnh này. Chuyện đã đến nước này, Công Tôn Lập sẽ không nói đến chân tướng hay đạo nghĩa gì đó nữa, mà cứ đẩy hết lên mấy người ngoài đó vậy. Dù sao nhìn tướng mạo đám người Phong Bất Giác cũng đều mới chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi, lại không hề quen mặt, cho dù đúng là họ có vài phần công phu, nhưng cũng chỉ là nhân vật mới đặt chân vào giang hồ. Với địa vị giang hồ là phu nhân chưởng môn của Sử Yên Nhiên và Nhị đương gia Vạn Hà Lâu của hắn, muốn gán cho năm người này tội danh giết chết Vương Ngạo chẳng qua chỉ là chuyện bé như cái đinh mà thôi.

Đêm hôm đó, Công Tôn Lập và Sử Yên Nhiên bàn bạc xong, liền đi tìm Công Tôn Càn ngay lập tức. Hai người liền nói là vô tình phát hiện Vương Ngạo ra ngoài vào ban đêm, thấy có điều bất thường nên âm thầm theo dõi. Ai ngờ đi theo được một đoạn lại phát hiện Vương Ngạo chết thảm trên phố, còn có năm người lạ mặt công phu kỳ dị ở bên cạnh thi thể hắn ta. Họ lấy hai địch năm e rằng khó giành được phần thắng, cho nên chỉ có thể quay về báo tin.

Tuy Công Tôn Càn cảm thấy trong câu chuyện này có mấy điểm bất thường nhưng tình thế cấp bách cũng không tiện nghĩ ngợi nhiều. Ông ta lập tức dẫn hơn mười đệ tử rời khỏi quán trọ, đi theo chỉ dẫn của Sử Yên Nhiên và Công Tôn Lập đến nơi xảy ra vụ việc. Kết quả quả nhiên phát hiện xác Vương Ngạo nằm trên phố. Sau đó từ hiện trường họ phát hiện ra số lượng dấu chân và phi tiêu nằm tán loạn dưới đất, họ xác định được rằng đúng là đã từng có một màn đấu đá nhiều người ở đây.

Nhưng tình thế trước mắt họ nhất thời cũng không biết đi đâu tìm năm người đó, đành phải hậm hực thu dọn thi thể, dẹp đường hồi phủ, tính kế lâu dài.

Đám người này rời khỏi và trở về quán trọ khi trời còn chưa sáng, vừa đi vừa về, đương nhiên bị không ít người để ý. Trời còn chưa sáng, tin tức đã được truyền đi, dường như các môn phái lớn và người trong võ lâm đều nghe nói rằng… Vương Ngạo của Vạn Hà Lâu đã bị giết chết, kẻ giết hắn hình như là năm cao thủ thần bí chưa từng nghe danh trên giang hồ.



Sáng sớm ngày hôm sau, quán trọ Thương Linh.

Đầu bếp và các tiểu nhị trong quán trọ đã bận rộn từ khi trời còn chưa sáng. Đến lúc này, từng chiếc bánh bao trắng như tuyết, từng bình trà đã được pha sẵn đều đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ đợi khách khứa gọi là có thể mang lên.

Quán trọ này trong trấn Thương Linh cụ thể đã khai trương lại từ lúc nào thì ngay cả tiểu nhị ở đây cũng không rõ. Dù sao vào trung tuần tháng Bảy, mọi người nghe được tin Tạ Tam và Diệp Thừa quyết đấu truyền đến trấn, thì quán trọ này đã hoạt động bình thường trở lại rồi.

Những người trong giang hồ đó chỉ muốn thăm dò tin tức từ tiểu nhị hỏi thăm về lai lịch quán trọ thì ngay cả tiểu nhị trong quán cũng không rõ. Bởi vì tiểu nhị ở quán trọ này không biết võ công, lại không biết chuyện giang hồ gì, đều chỉ là dân thường đến từ mấy huyện thành gần đây. Có người cho họ một món bạc kha khá, và nói với họ rằng, chỉ cần làm ở đây một tháng, qua ngày rằm tháng Tám, quán trọ đóng cửa, thanh toán tiền xong, ai đi đường nấy.

Còn về chưởng quỹ của quán trọ… Thì không thường xuyên xuất hiện. Đó là một người đàn ông chưa đến bốn mươi tuổi, diện mạo ưng nhu, sắc mặt trắng bệch suốt hai mươi tư tiếng. Ban ngày gặp đều thấy như gặp quỷ, ban đêm cũng không thấy gã đâu. Nếu nói gã là do oan hồn trong trấn biến thành có khi cũng có người tin.

Nói xong về chủ nhân quán trọ, lại nói đến khách khứa trong quán trọ đó…

Thế giới võ hiệp của phó bản này, trong võ lâm phát triển hùng mạnh nhất là "nhất phủ nhị lâu tam phái tứ môn", cộng lại là mười môn phái.

Nhất phủ, là Tây An Diệp Phủ. Nhị lâu, là Vạn Hà Lâu, Bát Phương Lâu. Tam phái, là Thiếu Lâm, Nhân Võ, Tiêu Dao. Tứ môn, là Khai Phong Vô Cực Môn, Tây Vực Kim Cang Môn, Lạc Dương Chính Nghĩa Môn và Thục Trung Đường Môn.

Trong những môn phái này, Diệp phủ là võ lâm chí tôn, đức cao vọng trọng. Chiến lực cao thủ hàng đầu, là người mạnh nhất được võ lâm công nhận. Ngoài Diệp Thừa được nhân xưng Kiếm Thần ra, "Hoa Ảnh Lục Kiếm" trong phủ cũng đều là cao thủ hàng đầu cấp chưởng môn. Ở phần trước từng nhắc đến Lạc Mai Kiếm Lộc Thanh Ninh chính là một trong sáu vị cao thủ này, đương nhiên, đêm đó cô ta đã mất tích rồi.

Còn nhị lâu, Vạn Hà Lâu và Bát Phương Lâu, đều là môn phái đang cực kỳ hưng thịnh hiện nay. Hai phái đều có tuyệt thư bí tịch lưu truyền đời đời, lần lượt là Vạn Hà thần công và Bát Phương Chí Tôn tâm pháp. Chưởng môn của họ cũng đều là cao thủ chỉ xếp sau Diệp Thừa. Phóng mắt ra khắp võ lâm, cho dù công phu không xếp được hạng mười người đầu bảng thì cũng không thể ngoài hạng ba mươi được. Do đó đệ tử môn nhân của hai phái này rất nhiều, tỷ lệ cao thủ trong lâu cũng không hề kém.

Lại nói đến tam phái, phái Võ Lâm, phái Nhân Võ, phái Tiêu Dao, lần lượt tôn sùng "phật, nho, đạo", ngoài võ nghệ ra còn truyền thụ tư tưởng. Tinh thần ba môn phái lớn này tuân theo đều có chút tư tưởng "độ nhân", cho nên có nhiều môn đồ, thu nhận đồ đệ cũng không để ý đến tư chất cao hay thấp. Dù sao thì ba phái đều là nội tình thâm hậu, võ công lại nhiều, đồ đệ có tư chất thấp thì luyện công phu thô thiển, đồ đệ tư chất cao thì luyện công phu cao thâm, võ công tuyệt học là được. Lấy ngay như võ lâm bảy mươi hai tuyệt kỹ ra nói, một người cả đời có thể luyện được một môn đã là tốt lắm rồi, tự cổ chí kim chỉ có Đạt Ma Tổ Sư tinh thông được hết bảy mươi hai môn, không ai lại đi so bì với thần tiên cả.

Tứ môn cuối cùng, coi như là hạng cuối trong các môn phái. Nhưng Vô Cực đại pháp của Vô Cực Môn, Long Tượng Bàn Nhược Công của Kim Cang Môn, Đãng Thiên Đao Pháp của Chính Nghĩa Môn, và Độc Môn Tuyệt Kỹ của Đường Môn đều là riêng một góc trời, có sở trường riêng. Trong một số tình huống đặc biệt, cho dù là võ công của Vạn Hà Lâu hay Bát Phương Lâu cũng chưa chắc đã là đối thủ của họ.

Ví dụ như Long Tượng Bàn Nhược Công, vẫn dùng thiết lập xây dựng trong tiểu thuyết Thần Điêu đại hiệp của Kim Dung "Là hộ pháp thần công mật tông tối cao vô thượng, có tổng cộng ba tầng. Tầng thứ nhất công phu vô cùng đơn giản dễ hiểu, dù là người đần độn, chỉ cần được truyền thụ, chỉ luyện một hai năm là thành. Tầng thứ hai sâu gấp đôi tầng thứ nhất, cần khoảng ba bốn năm. Tầng thứ ba lại sâu gấp đôi tầng thứ hai, cần bảy tám năm. Cứ thế gấp bội lên, càng về sau càng khó phát triển. Sau khi đến tầng thứ năm, muốn luyện sâu hơn thì cần phải trên ba mươi năm khổ công luyện tập."

Công phu môn này về mặt lý thuyết dù là người có tư chất không ra làm sao, chỉ cần làm tuần tự sẽ có thể đạt đến cảnh giới tầng thứ ba mươi, đương nhiên, người đó phải sống thọ đến hơn ba trăm tuổi…

Còn tình hình thực tế cho thấy… Tự cổ chí kim, cũng chỉ có bậc kỳ tài bất thế như Kim Luân Pháp Vương*, âm thầm khổ luyện, tiến cảnh tốc độ thần kỳ mới có thể luyện được đến tầng thứ mười. Theo như Long Tượng Bàn Nhược Kinh nói, lúc này mỗi chưởng xuất ra đều có đại lực sánh ngang với thập long thập tượng.

(*) Kim luân pháp vương (Jinlun Guoshi - 金輪國師) là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết võ hiệp "Thần điêu hiệp lữ" của nhà văn Kim Dung. Trong truyện, Kim luân pháp vương là Đệ nhất quốc sư Mông Cổ, và là nhân vật phản diện trung tâm.

Bởi vậy mới nói, võ công mạnh hay yếu không nói rõ được, có một số võ công chỉ cần cắt đi một cơ quan nào đó trên người là có thể nhanh chóng đạt đến cảnh giới nào đó. Còn có một số loại võ công dù có luyện cả đời, nhưng nếu không đủ tư chất thì vẫn không ra gì.

Trên đây là tình hình đại khái của các môn phái hạng nhất.

Còn Cái Bang… Ở trong thế giới này chỉ có thể được coi là ông trùm của các môn phái hạng hai. Mạnh Cửu đã chừng này tuổi, tuy bối phận rất cao, nhưng võ công… Có lẽ là cũng chỉ ngang với Diệp Hợi. Cũng không cần nhắc đến chuyện so sánh ông ta với Diệp Thừa hay hai vị lâu chủ. Cho dù đối với chưởng môn tam phái tứ môn, Mạnh Cửu cũng không dám nói nắm chắc được phần thắng. Còn các trưởng lão và đệ tử cốt cán trong Cái Bang, thực lực cũng có chút khác biệt với các cao thủ trong môn phái hạng nhất.

Có lẽ có người sẽ hỏi, đệ nhất đại bang của thiên hạ này, không phải cũng có tuyệt kỹ giống như Giáng Long Thập Bát Chưởng hay sao? Không sai, Giáng Long Thập Bát Chưởng, Mạnh Cửu cũng có học, nhưng đó không phải là thứ ai cũng có thể luyện được đến cảnh giới như Tiêu Phong*. Suy cho cùng vẫn là vấn đề con người, nếu từ nhỏ Tiêu Phong đã luyện Bàn Nhược Chưởng, hơn nữa nếu sống đến sáu mươi tuổi, thì có lẽ có thể đánh cho toàn bộ bang chủ Cái Bang thành tro tàn hết.

(*) Tiêu Phong hay Kiều Phong, là nhân vật chính trong ba nhân vật tiêu biểu của tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ do nhà văn Trung Quốc Kim Dung sáng tác. Tiêu Phong là một trong những đại anh hùng xuất chúng nhất trong tiểu thuyết Kim Dung.

Lại nói tới mấy bang phái hạng hai còn lại, như Điểm Thương, Nga Mi, Hoa Sơn, Không Động… mấy năm nay cũng không có nhân tài xuất chúng, có vẻ "mai một trong truyền thừa, truyền thừa trong mai một".

Còn lại chính là vài bang phái hạng ba và không được xếp hạng, Cự Kình Bang, Thanh Hải Kiếm Môn, hay các tổ chức như XX Tiêu Cục. Có thể nói đám người này là người trong giang hồ, cũng có thể nói họ là buôn lậu muối, hoặc là dân không chuyên và công ty bảo vệ… Luận về võ công, chưởng môn của họ có lẽ cũng chỉ có thể tính là tầm tầm, nhưng Bàn kiếm pháp ở trấn Thương Linh được người đời chú ý, mấy người đó đương nhiên cũng muốn chạy đến nhúng một chân vào. Giống như chỉ cần tham dự vào chuyện này thì môn phái của mình cũng coi như là được lên một cấp bậc mới. Tương lai còn có thể nói khoác với người đời: Nhớ năm xưa, khi Diệp Thừa và Tạ Tam quyết đấu ở trấn Thương Linh, ta ở bên cạnh thế này thế nọ…

Còn những tàn binh lẻ tẻ không môn không phái, bộ phận này thực ra cũng không nhiều lắm, đến nay số cao thủ đi con đường nhỏ đi vào trong trấn cũng chỉ khoảng mười bảy mười tám người mà thôi. Những người đi đường lớn vào đều là những đại hiệp danh tiếng lẫy lừng, có giao thiệp tốt với các môn phái lớn, số người cũng chỉ khoảng ba mươi mấy người.

Đến ngày mười ba tháng tám, quán trọ đã đầy các chưởng môn và đệ tử mười phái lớn. Chỉ có số ít khách độc hành, đến từ khá sớm, lại có địa vị giang hồ, trình độ võ công cũng rất cao. Mới có thể chiếm được vài phòng trong quán trọ.

Còn người của các môn phái hạng hai ba và những nhân sĩ võ lâm túm năm tụm ba đến đều ở trong các nhà dân bỏ hoang ở xung quanh. Bây giờ các nhà dân gần đây chỉ cần trước cửa cắm một cành trúc tức là chứng tỏ đã có người ở rồi. Nếu không cắm thì xin mời tự nhiên. Dẫu sao trấn này cũng là ba không quản, chuyện mọi người thầm định với nhau liền thành quy tắc.

Nói tóm lại, tình hình hiện nay ở trấn Thương Linh cơ bản là như vậy.

Nhưng hai nhân vật chính tham gia quyết đấu lần này là Diệp Thừa và Tạ Tam đều chưa xuất hiện ở trấn này.



Hàn lộ khiết thu không, diêu sơn phân tại chúc*.

*Tạm dịch: Bầu trời thu vào tiết Hàn Lộ sạch sẽ, có thể nhìn thấy rõ những dãy núi nhấp nhô đằng xa.

Sáng sớm ngày thu ở trấn nhỏ trên núi, quả thực mang lại cho người ta cảm giác vô cùng thư thái dễ chịu.

Mỗi sáng, chưởng môn các phái (bao gồm cả người ở bên ngoài quán trọ) đều mang theo một hai tâm phúc trong môn đến tầng một quán trọ tìm một bàn ngồi xuống, uống trà ăn cơm. Bỗng nhiên giữa họ vô tình hữu ý nói chuyện dăm ba câu, bề ngoài là khách sáo, nhưng thực tế lại là thăm dò lẫn nhau.

Còn hôm nay đề tài được nói đến nhiều nhất đương nhiên là cái chết của Vương Ngạo, đệ tử Vạn Hà Lâu…

"Công Tôn lâu chủ, khi trời còn chưa sáng, ngài và các đệ tử dẫn bao nhiêu người ồn ào gì vậy?" Người hỏi là một hòa thượng mặt bóng dầu, thân hình mập mạp. Mới sáng sớm gã ta đã ôm một bình rượu, cũng không ngồi bàn mà dựa vào cạnh cầu thang lên tầng hai quán trọ, trực tiếp ngồi trên chiếu. Sắc mặt gã ta đỏ ửng, hơi ngà ngà say, áo cà sa mở rộng, chuỗi phật châu đeo trước ngực, hạt châu to bằng nắm tay.

Vị hòa thượng này tên Lỗ Sơn, tuy là đệ tử Phật môn, nhưng rõ ràng Lỗ Sơn không phải là người của Thiếu Lâm. Vị hòa thượng không ăn chay này cũng không biết đến từ ngôi miếu hoang nào, càng không biết học quyền pháp La Hán say cao thâm ở đâu, cứ thế xông pha giang hồ. Mấy chục năm nay, gã ta hành tẩu giang hồ, làm không ít việc nghĩa, cũng được tính là một đại hiệp có danh tiếng.

"Hừ… Lỗ hòa thượng, chẳng lẽ ngươi say rồi nên nghe lầm rồi ư?" Công Tôn Càn lạnh giọng hừ một tiếng, không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận.

Bản lĩnh hiểu rõ mà còn giả vờ hồ đồ của vị hòa thượng say Lỗ Sơn đó người trong giang hồ đều biết cả. Người thường không tiện mở lời, Lỗ Sơn muốn nói thì nói, dù sao chỉ cần gã ta bày ra dáng vẻ say khướt đó thì không sợ đắc tội ai cả. Nếu như đối phương nổi giận thật thì hòa thượng liền nói là mình say nên ăn nói linh tinh, xin lỗi một cái, đôi bên hòa nhau.

"Ồ? Chẳng lẽ là hòa thượng ta nằm mơ sao? Không đúng mà… Ở trong mơ sao ta lại ngửi thấy mùi máu tanh nhỉ?" Lỗ Sơn giả bộ hỏi tiếp.

"Nói không chừng là cái mũi của hòa thượng ngươi cũng bị rượu làm cho say hỏng luôn rồi chăng?" Sử Yên Nhiên đang ngồi bên cạnh Công Tôn Càn, thấy vậy liền quay đầu lại, tức giận nói một câu.

"Công Tôn lâu chủ, nhưng ta cũng nghe thấy tiếng động đó." Lúc này một người đàn ông cao gầy chừng bốn năm mươi tuổi chen miệng vào cười nói: "Chẳng lẽ nửa đêm canh ba ông đưa các đồ đệ lên núi đi săn hay sao? He he… Vậy thứ săn được xem ra cũng nặng mùi đấy nhỉ!"

Người này là Quý Thông, lâu chủ Bát Phương Lâu, trước đó đã có ân oán với Công Tôn Càn, cho nên lúc này buông lời châm chọc cũng là chuyện bình thường.

Đêm qua đúng là Công Tôn Càn đã không chôn thi thể Vương Ngạo, mà cho đệ tử dùng chiếu bọc lại, mang về quán trọ. Hiện nay thi thể đang được đặt trong một gian phòng họ thuê, do hai đệ tử canh gác. Còn thứ mùi đó… Ông ta đã dùng thứ thuốc đặc biệt để xử lý, trong thời gian một ngày một đêm, tạm thời sẽ chặn lại được mùi thối của xác chết.

"Ha ha ha… Mũi của Quý lâu chủ thính thật đấy." Công Tôn Càn cũng không chịu tỏ ra yếu kém, vừa ngầm mắng người, vừa bật cười.

Công Tôn Lập, Sử Yên Nhiên, cùng hai đệ tử khác ngồi bên cạnh ông ta cũng vô cùng phối hợp bật cười theo, dường như đề tài này rất buồn cười vậy.

"Hừ!" Quý Thông đập bàn, "Chỗ đó không lau sạch nên dùng để miệng đánh rắm đấy à?"

"Ông nói cái gì!"

"Ha ha ha…" Quý Thông cũng cười lớn: "Công Tôn lâu chủ, đồ đệ chết rồi mà còn không mang chôn, ông chưa tìm được hung thủ đúng không? He he… Quý Thông ta cũng được coi là người có chút quen biết, chi bằng để ta giúp đỡ xem thử thi thể, để tiện cho các ông tìm được kẻ thù."

"Hừ… Ý tốt của Quý lâu chủ ta xin ghi nhận." Công Tôn Càn hừ lạnh nói: "Ta cũng không phải là ngày đầu tiên xông pha giang hồ, không dám làm phiền ông!"

Hai người này đấu võ mồm với nhau, chưởng môn các môn phái khác và nhân sĩ võ lâm ở xung quanh lại lặng lẽ hóng hớt.

Đúng lúc này ở cửa lớn quán trọ có mấy bóng người xuất hiện, thì ra là Phong Bất Giác và các đồng đội, cứ thế từ cửa lớn đi vào…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.