HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT. (2)
Một
đêm mất ngủ, hồi hộp, và lo âu, với nhiều tình huống được nêu ra. Hầu hết anh
em phải ngồi, vì tình hình này đâu cho phép căng tăng móc võng để ngủ. Mệt mỏi
và có vẻ cũng đã đuối sức, vài anh em lính mới chưa quen chịu đựng cũng ngủ được
ngon lành.
Trùm
tấm nilon phủ thân người, ngồi trên một phiến đá dưới một cây bằng lăng, nước từ
trên núi vẫn chảy dưới chân, tôi không tài nào nhắm mắt được, tâm trí nghĩ miên
man…
Tình
huống ngày mai sẽ ra sao… trằn trọc mãi… có cả cảm giác sợ hãi len lỏi vào
trong suy nghĩ… gần hai mươi con người đâu phải là ít, cũng ngần ấy gia đình… tất
cả hãy còn quá trẻ… mới ngày nào hãy còn vòi vĩnh tiền mẹ dẫn bạn gái cùng lớp
đi ăn chè, thấy con gái tim đập loạn xạ, không dám nhìn thẳng mặt, con gái hỏi ú
ớ nói không ra tiếng… lắm cậu cho đến khi vào trường huấn luyện, còn là cái “đuôi
ảo” của một bóng hồng nào đó. Viết thư về nhà, phải nhờ những lão tướng kinh
nghiệm chỉ vẽ, lắm lúc dở khóc dở cười cho những câu văn ngớ ngẩn và ngây ngô… giờ
đây vẫn bình thản ngủ ngon lành như không có gì xảy ra, giữa trời mưa to nước đổ,
nơi vùng rừng sâu heo hút của vùng cực bắc Campuchia.
Nỗi
nhớ quê nhà… nhớ những đêm trời mưa, giông bão, lênh đênh trên biển. Sáng sớm,
từ trong bến nhìn ra, thấy những chiếc thúng câu thấp thoáng từ xa, bằng linh
tính của người mẹ, biết con mình về đến bến an toàn… nhìn con trai vật lộn với
sóng gió, biển cả thâu đêm… cặp mắt sâu không ngủ của mẹ,… Đêm nay giữa rừng
khuya giá lạnh, bên sự sống và sự chết chỉ là làn ranh nhỏ… lần đầu tiên, con
thấu hiểu chiều sâu nội tâm của đôi mắt mẹ ngày xưa.
Đêm
mưa ở Đắc Đoa “ta và người” trong căn nhà xe vắng lặng, bàn tay nắm truyền hơi ấm
cho nhau trên cán dù… mưa rả rích… những cơn mưa vô tình thấu hiểu lòng người…
đi tìm hơi thở khát khao và cảm nhận vòng tay của tuổi thanh xuân…
“…
Một buổi chiều sau Tết Nguyên Đán…
Hết
giờ trực, mấy chị em trong lớp cùng ngồi với nhau trước dãy nhà tập thể của Viện,
thưởng thức những miếng mứt còn lại sau Tết. Từ xa, trên khoảnh sân rộng của Viện
17, em nhìn thấy anh Dương tay quấn băng trắng toát choàng qua cổ, cùng với hai
người phụ nữ khác, tay xách nách mang đi về phía chúng em. Linh tính báo có một
điều gì đó sắp xảy ra, em chạy vào trong phòng chải vội lại mái tóc.
Hai
người phụ nữ đó… chính là mẹ anh Dương và người kia là mẹ của anh…
Anh
Dương giới thiệu… em đứng như trời trồng trước mọi người. Anh biết không? Mặt
em đỏ thẹn, tim em đập nhanh như chạy đua với thời gian, hơi thở em đứt quãng,
ước gì em có phép độn thổ, em độn thổ ngay lúc ấy. Mất bình tĩnh và run, em
quên cả việc đáp lễ chào lại. Khi thấy các bạn nhìn sang em, nghe tiếng các bạn
chào “hai bác” em mới sực nhớ, và lí nhí trong miệng chào theo. Suốt cả buổi,
tay chân em lóng ngóng không làm gì được cả, ngay cả xếp đặt mấy cái ghế mời
khách ngồi cũng không xong, các bạn em phải giúp.
Nhìn
hai người mẹ …
Một
người mẹ có con ngồi bên cạnh, tay quấn băng, và cũng một người mẹ… không có
con ngồi bên cạnh mình. Đứa con của mẹ vẫn còn đang ở một nơi xa lắm, giữa một
chiến trường khắc nghiệt và đầy gian khổ, lành ít dữ nhiều… nghĩ tới điều này
em rùng mình. Bất chợt, một điều gì đó đang dâng trào trong lòng em, muốn trào
ra khỏi lồng ngực em, nước mắt em chực muốn tuôn … sao em thấy thương mẹ vô
cùng.
Hai
người mẹ dù tính cách có khác nhau, nhưng cùng giống nhau một điều: Tình mẫu tử
thiêng liêng. Chỉ một bức điện ngắn về nhà, lặn lội gần 300 km chỉ để nhìn được
con, để biết một chút về tin của con mình.
Đêm
đó, mẹ ở lại với chúng em. Thấy đi đường xa, tuổi cao, em thúc giục mãi để mẹ
đi ngủ sớm, nhưng vẫn không chịu. Mẹ hỏi thăm mọi điều về anh, kể lại những câu
chuyện về thời niên thiếu của anh, chuyện ở quê nhà, cho đến khi Viện đổi ca trực
thứ hai lúc gần ba giờ sáng.
Khi
đưa hai bà mẹ lên xe về quê, cảm giác hụt hẫng tràn ngập tâm hồn em. Nước mắt
em không cầm được nữa, lăn dài từng hàng trên má.
Gương
mặt nhăn nheo, khắc khổ, nhân hậu. Dáng đi không còn thẳng, hấp tấp và vội vã.
Tấm thân gầy, trên vai trĩu nặng những gánh muối lên vùng cao để bán, để đưa
con tới ngôi trường danh giá nhất của tỉnh Bình Định (lời mẹ anh Dương kể).
Cũng chính người mẹ ấy, truyền lại cho con từ trong máu thịt mình sự rắn rỏi, cứng
cáp của người dân vùng biển, trước những bão táp phong ba của cuộc đời.
Trong
tâm thức em, mãi mãi còn lưu lại hình ảnh: Khi mẹ anh vẫy tay tạm biệt em nơi bến
xe, với đôi mắt đỏ hoe, đượm buồn, ẩn chứa nhũng điều mà em chưa biết...”
Một
con sóc bay bất chợt đáp vào gốc cây bằng lăng, chạy nhanh lên ngọn cây. Tôi giật
mình trở về với hoàn cảnh thực tại.
Thực
tại là ngày mai… là nhóm địch kia… là một trận đánh.