Bầu máu nóng sôi ran vũ trụ,
Lưỡi gươm sáng quắc chiếu nhân gian.
Người xưa chuyện cũ khi ôn lại,
Bao giống gian tà phải nát gan.
Cuộc đời thanh thản, nguy nan,
Trong cơn bĩ thái tuần hoàn vẫn chung.
Riêng ai hào hiệp anh hùng,
Nghìn thu gương vẫn soi cùng nước non
Vào hồi Thành Tổ nhà Minh có một viên Lại bộ thiên quan tên gọi Hoàng
Dung, người ở thôn Mai Hoa về huyện Lộ An, thuộc tỉnh Sơn Tây, là một
viên quan thanh bạch có tiếng, trong triều ai cũng ngợi khen, mà Minh
Thành Tổ cũng riêng có phần trọng đãi.
Duy có một điều đáng phàn nàn là, năm đó hai vợ chồng Hoàng Dung đều đã
50 tuổi, mà số phận muộn mằn, chưa hề sinh được một đứa con. Nhân thế
Hoàng Dung đem lòng chán nản, đối với chức tước, công danh, không một
chút gì là muốn lưu tâm nữa.
Một hôm, Hoàng Dung đi thiết triều về. Bấy giờ trời đã hơi muộn mà ông lại có vẻ chếnh choáng khác hẳn mọi hôm.
Phu nhân là Xái thị thấy vậy, liền hỏi Hoàng Dung :
- Hôm nay đại nhân ở triều có việc gì về muộn, mà lại chênh choáng hơi men như vậy?
Hoàng Dung thở dài đáp rằng :
- Hôm nay vì Tam biên tổng chế cưới vợ cho con. có mời tất cả các quan
đến uống rượu, mình cũng chiều lòng ông ta, đến một chốc, cho nên bây
giờ mới về...
Xái phu nhân nghe tới đó cũng thở dài mà rằng :
- Tôi nghe nói Tam biên Tổng chế năm nay mới ngoài 40 tuổi thế mà đã có
con trai lớn như thế. Vậy mà tôi với đại nhân năm nay đã 50 tuổi mà vẫn
còn son trẻ như đám trẻ con lắm lúc nghĩ tới, thực là buồn rầu vô hạn.
Người ta sinh ra ở đời đã đành con cái, công danh, cũng là giả cả, song
trong khi tuổi trẻ, làm ăn lật đật gian lao, nếu lúc tuổi già, không có
một người mà cậy trông khuya sớm, thì thiết nghĩ còn cảnh hiu quạnh nào
hơn.
Hoàng Dung nghe câu nói đó, gợi đến nỗi nọ đường kia, bất giác cũng tiu nghỉu nét mặt mà rằng :
- Phu nhân tưởng là một mình phu nhân nghĩ thế hay sao? Tôi xét như tôi, từ khi đem thân ra giúp vua giúp nước tới nay trên đối với xã tắc, dưới đối với nhân dân, thực là trung thành hết mực, không bao giờ vì chút
công danh, lợi lộc mà dám làm trái ngược lương tâm. Vậy mà đối với đường con cháu của mình, ông Hoàng thiên lại nỡ nhân tâm xử thế. Nghĩ đến
thực tôi cũng chán nản vô cùng! Bởi vậy có nhiều phen tôi muốn treo ấn
từ quan, trở về quê quán, cùng nhau ta vui cảnh điền viên để khuây khỏa
tuế nguyệt, còn hơn là quanh quẩn ở đây...
Xái phu nhân cũng lấy làm phải, vội bảo Hoàng Dung rằng :
- Đại nhân nghĩ thế, tôi đây cũng rất lấy làm phải. Đối với công danh,
phú quý, vợ chồng ta tưởng thế cũng đủ lắm rồi... Vả chăng trong triều
hiện nay, cứ kể cũng không lấy gì làm tốt. Tào Quan Bảo là quan to chức
lớn, bè đảng lại đông, mà tâm địa của hắn thì tồi tàn quá đáng. Chính
ngay những người chí thân với hắn, hắn còn đem lòng phản trắc, xoi mói
đến luôn, huống chi đại nhân là người trung trực, tránh sao hắn khỏi
ghét ghen. Vậy chi bằng nhân cảnh gia đình hiu quạnh, đại nhân nên xin
vua cáo chức lui về tìm cảnh điền viên, cùng gia đình tôn tộc, cùng
hưởng phong vị thiên nhiên thiết tưởng lại là hạnh phúc.
Hoàng Dung nghe mấy câu đó, như mở ruột gan, cho Xái phu nhân, tuy là
một người đàn bà, song cũng có cái kiến thức cao xa đáng mừng đáng phục. Nhân vậy, ông bèn thảo ngay một tờ từ biểu, sáng hôm sau vào dâng Thành Tổ lập tức xin cáo quan về ngay.
Minh Thành Tổ xem thấy tờ biểu của Hoàng Dung thì giật mình kinh lạ mà hỏi rằng :
- Khanh còn ít tuổi, người đương khỏe mạnh, hơn nữa lại là một bậc đại
quan rường cột của quốc gia, vậy can chi khanh vội bỏ trẫm mà đi cho
được! Hay hoặc trong triều có ai gây rối sự chi, khanh cứ nói cho trẫm
rõ, trẫm sẽ liệu kế trị ngay...
Hoàng Dung ra dáng khẩn khoản tâu rằng :
- Hạ thần dâng tờ biểu này, tự biết cũng là đắc tội. Song thực ra hạ
thần vì tuổi cao sức yếu, không thể mang nổi trọng trách triều đình. Sợ
phụ tấm lòng Thánh hoàng ủy thác. Bởi vậy bất đắc dĩ phải xin Thánh
hoàng rộng ơn cho nắm xương già, xin đem trở về cố lí, đó là hạnh phúc
của kẻ hạ thần hiện lòng ao ước đã lâu... Còn ngoài ra thực không có
điều chi cản trở...
Minh Thành Tổ nghe đoạn, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi quay ra cười bảo Hoàng Dung rằng :
- Khanh đã nói là không có điều chi cản trở, thì không có việc chi mà
vội bỏ trẫm ngay đây! Vậy khanh hãy cứ lui về giữ chức, trẫm sẽ hậu
thưởng cho khanh.
Hoàng Dung thấy vậy, biết là Thành Tổ không ưng, đành phải lạy tạ lui về đem chuyện thuật cho Xái phu nhân biết. Xái phu nhân cũng lấy làm không thích, bèn bàn định kế sách thu nhặt lấy một ít tiền nong tế nhuyễn,
viết một bài biểu để lại trong dinh rồi mang mấy tên người nhà thủ túc,
đương đêm trốn ra, quay về cố lí. Đến khi Minh Thành Tổ được tin báo
cũng lấy làm thương tiếc, song không muốn quá cưỡng một kẻ trung thần,
nên cũng ngơ đi mặc cho tự tiện.
Vợ chồng Hoàng Dung về tới nhà, từ đó cùng nhau tiêu dao ngày tháng, vui vẻ với cảnh điền viên, đem hết gia tài ra làm việc công, việc nghĩa,
khiến cho dân xóm gần xa, không ai là không đem lòng kính phục, tôn
sùng.
Rồi thấm thoát được hai năm sau thì Xái phu nhân có thai và sinh hạ một
cô con gái. Xái phu nhân có ý không vui, nói với Hoàng Dung rằng :
- Có lẽ trời cao kia cố tâm, muốn làm cho dứt mất tông tự họ Hoàng, cho
nên mới sinh con gái. Hay hoặc giả vì tôi bạc đức điều chi, cho nên trời trêu đến thế! Vậy đại nhân nên kiếm tìm một người thứ thất để sau này
sinh con nối dõi thì hơn.
Hoàng Dung nghe nói gạt đi mà rằng :
- Phu nhân nói thế thì là lầm lắm! Vợ chồng ta lấy nhau kể bao lâu nay,
chưa từng sinh nở bận nào. Vậy mà nay bỗng lại được một mụn con gái như
thế, biết đâu không phải là trời xanh thương đến mà đền lại tấm lòng tử
tế cho ta? Vậy thì nay chúng ta chỉ nên lưu tâm đến việc tích đức tu
nhân, để mua chuộc lòng trời, thì sau đây biết đâu ta không có phen lại
đẻ con trai, vả chăng ngày nay tuy sinh con gái, nhưng ta cứ giấu bịt
đi, không cho ai biết, ai hỏi ta cứ nói là con trai và sau này ta cũng
cho ăn mặc con trai rồi cho ra học hành, đóng góp với đời, thì phỏng kém gì mà sợ!
Phu nhân nghe nói cũng cho là phải, bèn bàn nhau đặt tên cho đứa con gái là Hoàng Cúc Anh, vì Cúc Anh sinh ra giữa độ tháng chín vào mùa hoa Cúc đương thịnh, cho nên đặt theo nghĩa đó.
Cúc Anh sinh ra đời, cũng bụ bẩm trắng trẻo, trông có dáng xinh xắn khôn ngoan. Chỉ hiềm một nỗi, vừa lọt lòng ra thì có ngay chứng dạ đề, cứ
lúc ban ngày thì còn ăn chơi dễ chịu, song hễ đến ban đêm thì lại bắt
đầu khóc lên, khi dỗ thế nào cũng không sao chịu nín. Vợ chồng Hoàng
Dung thấy vậy đã tìm hết phương sách chữa chạy, thuốc men, song vẫn
chứng nào tật ấy, làm thế nào cũng chẳng ăn thua.
Thấm thoát không bao lâu, Cúc Anh đã được lên đầy tuổi tôi. Chợt hôm đó
có một người nữ đạo sĩ đến cửa nhà Hoàng Dung khuyên giáo. Hoàng Dung
trông thấy, liền sai người lấy ra 20 đồng tiền đem ra để cúng, song nữ
đạo sĩ lắc đầu nhất định không nhận. Hoàng Dung đoán chắc đạo sĩ chê ít, bèn thân hành lấy năm lạng bạc cầm ra đưa tặng.
Nữ đạo sĩ thấy Hoàng Dung ra, thì ra vẻ lễ độ, nói với Hoàng Dung rằng :
- Tôi đến đây, không phải là cần xin tiền xin của của ngài. Nguyên vì
tôi có một đứa đồ đệ, tên là Cúc Anh, trốn tôi đi mất, tôi tìm đã mấy
tháng trời, không thấy tung tích ở đâu. Ngày nay tôi nhân qua đây thấy
nó lại ở nhà ngài, vậy tôi đến đây xin ngài để đem nó về nhà học tập.
Hoàng Dung nghe nói ngẩn người ra mà rằng :
- Đạo trưởng nói thế là nghĩa thế nào, tôi không hiểu được! Nhà tôi
không có ai là mới lạc đến đây tên như thế. Duy vợ chồng tôi mới sinh
được một đứa con trai, tôi đặt tên cho nó gọi là Cúc Anh thì có, vậy
không có lẽ, hắn lại là đồ đệ của người trốn tới đây được.
Nữ đạo sĩ nghe đoạn, cười nhạt mà rằng :
- Tôi nói thì ngài không tin, nhưng có khi nào mà chúng tôi lại dối các
ngài. Chẳng giấu gì ngài, tôi là Hà Phi tiên cô, tu đạo ở núi Linh Chi
đã lâu, và Cúc Anh cũng theo học với tôi, cũng đã lâu năm lắm rồi. Hắn
là một người học trò tôi rất yêu thích xưa nay, không hề đi đâu rời
bước. Nhưng không ngờ ngày mồng 9 tháng 9 năm ngoái đây, tôi đi dự hội
Phú Du quay về thì hắn bỗng dưng trốn thẳng xuống đây, bây giờ tôi tìm
mối thấy. Vậy chính hắn là đứa đồ đệ của tôi, mà hắn chính là con gái,
chứ đâu lại là con trai. Việc đó ngài giấu ai chứ giấu tôi thì sao cho
được... Không tin ngài cho phép tôi vào để tôi gọi hắn xem sao?
Nói đoạn Hà Phi tiên cô liền xăm xăm chạy vào tới cửa trong thì vừa hay
thấy Cúc Anh lẫm chẫm chạy chơi ở đó. Hà Phi tiên cô trông thấy giơ tay
vẫy Cúc Anh một cái rồi quay ngắt đi ra. Ngờ đâu Cúc Anh đương chơi,
trông thấy Hà Phi vẫy gọi thì bỗng ra vẻ vui mừng hớn hở, rồi vội vàng
tập tễnh chạy ton ra cổng đi theo Hà Phi và cũng vẫy vẫy, tỏ ý muốn gọi
ẵm cho đi theo.
Hà Phi tiên cô thấy vậy, cười bảo Hoàng Dung rằng :
- Hoàng đại nhân, ngài thử coi xem, có phải đích xác hay tôi nói dối.
Hoàng Dung thấy vậy đã lấy làm kỳ, lại thấy người kia biết đến tên họ
của mình thì càng lấy làm quái lạ, ngơ ngẩn không biết trả lời ra sao.
Chợt thấy Hà Phi tiên cô lại hỏi lên rằng :
- Đại nhân thử ngẫm mà xem, đêm nào hắn cũng khóc lóc, đó là hắn muốn về với tôi, mà chưa về được đây thôi.
Hoàng Dung nghe tới câu đó, lại càng ngạc nhiên kinh lạ, đoán chắc là
người nhà lại có kẻ nào đem tin tỏ lộ ra ngoài, cho nên người ta mới
biết. Hà Phi tiên cô thấy Hoàng Dung nghi nghi hoặc hoặc, bèn nói lên
rằng :
- Thôi đại nhân bất tất nghi ngờ chi nữa, đại nhân đã có ý tiếc hắn,
muốn lưu lại đây, thì thôi tôi cũng chiều lòng, để cho hắn làm con ngài
cũng được. Ngài với hắn chẳng qua cũng có duyên nợ từ xưa, tôi bất tất
bắt về chi nữa! Duy tôi có thanh bảo kiếm này, nguyên là của hắn ta, tôi giữ ở nhà vô dụng, vậy tôi trao đây để ngài cất đi cho hắn thì hơn.
Nói tới đó, bèn lần cởi thanh kiêm đeo ở lưng đưa ra, và bảo Hoàng Dung rằng :
- Thanh kiếm này gọi là thanh kiếm “Ngũ Hành Xuyên Tâm” ta cho hắn từ
trước kia, vậy ngài nên cất đi cẩn thận cho hắn, sau hắn sẽ dùng...
Hoàng Dung cầm thanh kiếm, thấy ngoài có một vỏ rất dầy, đoạn rút ra để
thử, song cố dùng hết sức cũng không sao rút nổi ra được.
Hà Phi tiên cô mỉm cười mà rằng :
- Cái này đại nhân rút làm sao nổi, tất phải sau này tự tay hắn rút thì
mới ăn thua. Đại nhân cứ cất cẩn thận một nơi là được. Duy tôi có mấy
câu này chữa chứng khóc đêm của hắn, xin đại nhân cho bút giấy ra để tôi biên lại cho ngài.
Hoàng Dung mừng rỡ vô cùng, vội vàng ra dáng cung kính, mời ngay Hà Phi
tiên cô vào chơi và sai lấy giấy bút đưa ra. Tiên cô cầm lấy, viết thoăn thoắt một lúc xong ngay, đưa cho Hoàng Dung và dặn rằng :
- Ngài cứ đem cái giấy này đốt cháy ra tro, rồi hòa tro ấy vào nước lả
đun sôi, để nguội cho uống, chắc là hắn khỏi được ngay. Con bé này ngày
sau sự nghiệp còn to, chưa biết tới đâu là hạn lượng, đại nhân nên cẩn
thận chăm nom cho nó, sau sẽ được nhờ. Rồi sau đây hai năm, bần đạo sẽ
lại tới đây, tặng ngài một cậu con trai, bây giờ thì ngài không còn ngại lo chi nữa. Thôi, bây giờ xin tạm biệt ngài...
Nói đoạn Hà phi liền đứng dậy cáo từ đi ra. Vợ chồng Hoàng Dung cảm tạ
lưu mời không được, đành phải cùng nhau tiễn chân ra cổng, khi ra tới
cổng, chưa kịp vái tay để chào, thì thấy Hà Phi tiên cô quay người một
cái, rời vụt biến ngay mất không còn trông thấy bóng vía ở đâu. Hai
người thấy vậy đều ngớ ngẩn kinh lạ, cho là một bậc người tiên xuất
hiện, bèn cùng nhau quay vào đốt mảnh giấy lúc nãy, lấy tro hòa cho Cúc
Anh uống, thì quả nhiên từ tối hôm ấy trở đi Cúc Anh im bặt không khóc,
làm cho vợ chồng Hoàng Dung hớn hở vui mừng không biết để đâu cho hết.
Hai năm sau, Cúc Anh lên 4 tuổi, thì Hoàng Dung bắt đầu dạy cho đọc
sách. Cúc Anh trước còn đọc chữ nào nhớ ngay chữ ấy, rồi sau đọc quyển
nào thuộc ngay quyển nấy, không hề quên sót một chữ nhỏ nào. Hoàng Dung
thấy vậy vui mừng vô hạn, lại càng chăm chỉ dạy bảo Cúc Anh, còn thanh
kiếm của tiên cô trao cho thì vẫn luôn luôn cho để ở cạnh Cúc Anh, không hề lúc nào là rời chỗ khác.
Rồi trong năm đó, Xái phu nhân lại sinh hạ được người con trai, đúng như lời Hà Phi tiên cô đã nói, và cũng sinh đúng vào ngày mồng 7 tháng 9
như hồi Cúc Anh sinh trước. Hoàng Dung nhân thế, bèn đặt tên cho con
trai gọi là Cửu Anh và lấy tên tự gọi là Húc Thăng. Rồi từ đó hai vợ
chồng được hưởng cái cảnh gia đình yên ấm, trai gái đề huề, trong mấy
năm trời thực là hạnh phúc.
Không ngờ cảnh gia đình đẹp đẽ ấy chỉ trong vài năm thì bỗng biến đi
khác hẳn. Vì khi Cửu Anh mới được 2 tuổi thì Hoàng Dung bị bạo bệnh,
được ba ngày thì mất.
Bấy giờ có người cháu họ xa là Hoàng Đắc Cương, thấy Xái phu nhân là đàn bà, mà Cúc Anh cùng Cửu Anh đều còn thơ ấu, bèn đến lôi thôi sinh sự
tranh chiếm gia tài. Xái Phu nhân thấy Đắc Cương hành động vô lý, nhất
định cự tuyệt không nghe. Ngờ đâu Đắc Cương cậy thế sức khỏe, nhân lúc
cãi cọ lôi thôi, bèn đâm cho Xái thị một cái trúng vào chỗ phạm, Xái thị cũng ngã ra chết nốt.
Đắc Cương tuy vậy cũng chưa hả lòng, lại còn sấn đến toan giết cả Cúc Anh và Cửu Anh cho tuyệt hẳn tích sau này.
Nhà Hoàng Dung có tên lão bộc tên là Hoàng Phúc, thấy sự thế nguy cấp
đến nơi, nghĩ chừng không sao chống nổi Hoàng Đắc Cương, bất đắc dĩ phải van lạy Đắc Cương tha cho và ẵm cả hai kẻ, lẻn quay ra mang được thanh
gươm đi trốn.
Đắc Cương thấy bọn này trốn rồi, bèn mua hai cỗ áo quan khốn nạn về vùi
lấp qua loa hai vợ chồng Hoàng Dung cho xong chuyện, rồi một mình chễm
chệ chiếm giữ hết cả gia tư điền địa, không còn chia sẻ cho ai. Những
người trong thôn Hoàng Hoa có kẻ biết Đắc Cương là một tay bợm bãi nguy
hiểm, nên không ai dám dây đến hắn làm chi.