Hoa Chúc Tam khi ra tới sau thì thấy Thu Nguyệt Nga đã cầm thanh bảo
kiếm nhăm nhăm trong tay, đứng ngang một chân theo lốt chữ đinh để đợi,
nhác trông thấy uy thế rõ vẻ cân quắc anh hùng.
Chúc Tam trong lòng lấy làm cảm phục, bèn ung dung đi gần về phía trước
mặt nàng, nghiêng mình cúi chào một cái và sẽ nói lên rằng :
- Tôi Hoa Chúc Tam hôm nay cũng tự biết là mình không phải, song vâng
lời nữ anh hùng không lẽ từ chối cho đành, vậy có điều gì sơ xuất, dám
xin nữ anh hùng chỉ bảo.
Thu Nguyệt Nga thấy Hoa Chúc Tam ra dáng lễ độ ung dung như vậy; thì
trong bụng cũng tự lấy làm e ngượng, song vẫn ra dáng cứng cỏi mà nói
lên rằng :
- Tráng sĩ bất tất phải khiêm tốn như thế, người định thử tài thì xin cứ thử cho xem...
Nói dứt lời thì nàng liền giơ tay múa ngay thanh kiếm vù vù, tiếng gió
tung ra, chuyển động khắp cả cây cỏ bốn bên. Hoa Chúc Tam bèn nhảy tót
ra ngoài vòng, đứng nghiêm một chỗ, coi cho Nguyệt Nga đi nốt một bài
kiếm. Chàng thấy kiếm pháp của Nguyệt Nga rất là kín đáo, nhanh nhẹn,
không hề có một chút gì chậm chạp, hớ hênh, thì trong lòng càng lấy làm
phục, bất giác đứng ngay người ra hàng giờ đồng hồ, không hề nhúc nhích.
Một lúc lâu lâu, Nguyệt Nga múa bài kiếm xong rồi, nhảy ra đứng ở một
bên, thì Chúc Tam liền sấn vào giữa vòng, giơ hai thanh đao ra hai tay,
múa lên một lúc. Thu Nguyệt Nga cùng vợ chồng Đổng thất nương đứng
ngoài, nhìn đao pháp của Hoa Chúc Tam thì thấy chàng ta tiến lui đúng
mực, hai thanh đao múa lượn quanh chàng lúc nào cũng ngoăn ngoắt loang
loáng, tựa như hai đạo hào quang bao bọc luôn luôn, không hề lúc nào
ngơi dứt. Mãi đến quãng sau, đạo pháp càng ngày càng kín, có khi che hẳn thân chàng vào trong, chỉ còn trông thấy một đạo hào quang, chứ không
trông rõ thấy người đâu nữa.
Giờ lâu Nguyệt Nga thấy Chúc Tam múa bài đao đó sắp xong, nàng bèn đứng lùi lại mấy bước, nói to lên rằng :
- Thôi chúng ta bắt đầu vào đấu đi thôi, bất tất kềnh càng mãi nữa...
Nói đoạn nàng không đợi cho Chúc Tam xoay trở đao pháp, bèn nhảy sấn
ngay vào, tay cầm thanh bảo kiếm, dùng thế “Lão Hổ Hạ Sơn” nhắm thẳng
giữa trán Chúc Tam chém luôn một kiếm. Chúc Tam thấy vậy, vội vàng nhảy
né ra một bên để tránh, trong bụng nghĩ thầm :
- Con bé này thực là tàn nhẫn vô cùng, thoạt tiên mình vẫn nói đùa như
vậy, chứ khi nào lại nỡ đấu thực với nhau! Vả chăng Đổng huynh đã nói
rành rành như thế, đoan kết không cho lập chí hại nhau, vậy mà ai ngờ
hắn lại dùng ngay những ngón bất thình lình để đánh, có lẽ là hắn định
giết được chết ta thì mới cam lòng đây... Nếu vậy, hôm nay ta cũng phải
cho nó mấy ngón rất lợi hại, cho nó biết rõ tay ta mới được...
Hoa Chúc Tam nghĩ như vậy, bèn cũng múa ngay đôi đao lá liễu quay ngoắt
lại, xông vào đánh luôn Nguyệt Nga rất là hăng hái. Đôi bên đối địch với nhau, gươm đao xô xát, bên nào cũng đều loang loáng tiến lui, vừa chống vừa đánh rất là kín đáo nhanh nhẹn, hồi lâu mà không hề bên nào chịu
nhún bên nào.
Đổng Thiên Bảo ở ngoài thấy vậy, bất giác lấy làm thán phục, vỗ tay reo lớn lên rằng :
- Hai bên thực là “kỳ phùng địch thủ” không còn ai sợ kém ai được nữa!
Thất nương lúc đó, tuy cũng lấy làm cảm phục khen thầm, song lại e đôi
hổ chọi nhau, không khéo sẽ có một con mất mạng, nàng nhân bảo thầm cùng Thiên Bảo rằng :
- Nếu để cho đôi này thi gan với nhau mãi thì chưa biết bao giờ họ đã
chịu thôi. Vậy chi bằng ta phải can thiệp vào mà bắt họ thôi đi, không
có lỡ ra quá tay một tí, thì bấy giờ hôi làm sao kịp!
Nói đoạn bèn quay ra bọn kia, nói to lên rằng :
- Tôi xin hai bên hãy dừng tay lại, cho tôi nói một câu này đã.
Hoa Chúc Tam nghe Thất nương nói như vậy thì hiểu ý ngay, cũng muốn
ngừng tay thôi không đấu nữa. Nhưng Nguyệt Nga lúc đó máu nóng đương
hăng, tuy nghe thấy tiếng nói của Đổng thất nương, song vẫn nhơn nhơn,
không hề để ý... Đoạn rồi nàng lại dùng hết tinh thần, đem hết các môn
kiếm pháp bí hiểm xưa nay, diễn tả ra hết, cố định đánh đổ được Hoa Chúc Tam mới thôi.
Chúc Tam thấy Nguyệt Nga giở các ngọn kiếm ấy ra, thì trong bụng cũng đã thừa hiểu, biết là Nguyệt Nga lập tâm quyết định đánh mình và cũng biết là những ngọn kiếm đó đều thần diệu gớm ghê, khó lòng mà đã phá tan
ngay được. Nhân vậy chàng ta cứ cố im hơi nín tiếng, dùng hết công phu
làm nhẹ thân mình, rồi khi bay lên, khi nhảy xuống, khi tạt bên nọ, lúc
sang bên kia, để cố làm cho Nguyệt Nga đuổi theo nhọc mệt, mà không chạm được đến mình.
Rồi chỉ trong một lúc nữa, Nguyệt Nga thấy đi hết một bài kiếm dài mà
vẫn không sao dính được vào tới Chúc Tam thì bất giác lấy làm nóng lòng
sốt ruột, rồi thì bỗng dưng thò miếng phá đĩnh ra ngay.
Hoa Chúc Tam được cơ hội đó, bèn thừa thế, xắn đến, một tay bên trái giơ đao gạt đỡ thanh kiếm của Thu Nguyệt Nga, còn tay bên phải thì lách
ngay đao vào, chém ngang trên đầu Nguyệt Nga một cái, làm cho cành hoa
giấy trên đầu Nguyệt Nga bỗng rơi ngay xuống tay chàng, rồi chàng lập
tức quay ra lui lại.
Nguyệt Nga thấy Chúc Tam cướp được bông hoa của mình, thì lại càng tức
giận hăng lên, nàng không chịu lép bèn quay ngoắt ngay mình một cái,
nhảy xấn tới phía sau Chúc Tam giơ kiếm chém xuống một cái rất mạnh,
trúng vào cái lược cài tóc ở ngay bên đầu Chúc Tam, vỡ toác ra hẳn làm
đôi. Hoa Chúc Tam thấy vậy giật mình kinh hoảng, vội vàng lại cũng quay
lại toan đánh Nguyệt Nga.
Ngờ đâu chàng vừa toan quay lại, thì chợt thấy vợ chồng Đổng Thiên Bảo,
mỗi người cầm một thanh kiếm trong tay, nhảy tót ngay vào vòng, giơ
thanh kiếm ra, gạt hẳn ngay Hoa Chúc Tam cùng Nguyệt Nga, không cho lại
gần nhau được.
Đoạn rồi Đổng Thiên Bảo cười ha hả, nói to lên rằng :
- Thôi, giỏi lắm! Hai ngươi cùng giỏi cả rồi, thực xứng đáng là bậc anh
hùng tất cả. Duy có vợ chồng tôi hèn kém, đành xin chịu phép không kịp
mà thôi...
Hoa Chúc Tam nghe nói, liền cắp hai thanh đao vào nách, rồi ra dáng ung dung cười nói mà rằng :
- Tôi cũng không ngờ Thu cô nương lại qua lòng hạ cô mà dạy bảo cho tôi
kỹ càng đến thế. Từ nay tôi cũng xin bái phục tài cô không dám bỡn đùa
thế nữa!
Thu Nguyệt Nga lúc đó cũng đã hơi nguôi cơn tức, lại thấy Chúc Tam ăn
nói nhũn nhặn như vậy, thì trong bụng cũng lấy làm cảm phục nể vì, không dám nói năng chi nữa.
Đổng Thiên Bảo nhân cười đùa bảo mọi người rằng :
- Hôm nay tôi định đến đây đánh chén, thực không ngờ là lại được xem đám đánh nhau, mãi đến bây giờ mới tan, làm cho trong bụng đói ngấu quá
rồi... Vậy nói cho đúng ra thì các bác nên đền cái bụng cho tôi mới
phải.
Hoa Chúc Tam cũng tươi cười mà rằng :
- Đổng huynh dạy thế rất là đúng lý, tôi xin đền ngay lập tức bây giờ...
Nói đoạn bèn mời mọi người vào ngồi chơi trong nhà, sai người pha nước lên uống và gọi cho dọn cơm rượu lên.
Khi người nhà bưng mâm lên rồi, Thu Nguyệt Nga bỗng đứng ngay dậy cáo từ xin đi. Mọi người đều ngạc nhiên không hiểu, bèn xúm nhau vào để cố giữ lại.
Nguyệt Nga có vẻ bẽn lẽn mà nói lên rằng :
- Nguyên tôi đến đây hôm nay, là vì lời ước hôm qua, chỉ cốt gặp mặt Hoa tráng sĩ và thử mấy đường quyền kiếm, thế là đủ rồi... Còn sự ăn uống,
thì tôi đây mới là khách lạ một lần, có đâu lại dám quấy nhiễu chủ nhân
như vậy?
Hoa Chúc Tam nghe nói, vỗ tay cười to lên mà rằng :
- Cô nương đã là một bậc tài giỏi hơn đời, mà sao còn giữ ý tứ lần thần
như thế? Người ta ở đời quý ở những lúc cùng nhau gặp gỡ, để đem câu tâm sự bày giãi với nhau, chứ một bữa ăn xoàng thì có thấm vào đâu mà đáng
kể. Vả cô nương với tôi, tuy mới gặp nhau một lần thứ nhất song đôi với
anh chị họ Đổng đây thì cũng là chỗ tình quen thuộc đã lâu. Vậy hôm nay
ta gặp ở đây, cũng là một việc đáng mừng vô hạn, thiết tưởng cô nương
không nên vì lẽ gì mà chối từ mới phải...
Đổng Thiên Bảo cũng lấy lời ôn tồn khuyên bảo, nhất định không cho
Nguyệt Nga ra về. Nguyệt Nga từ chối không được, bất đắc dĩ cũng phải
lưu lại ở đó với bọn Thất nương.
Chúc Hoa thấy Nguyệt Nga chịu lưu ở lại thì cũng lấy làm mừng vô hạn, bèn mời ngay mọi người ngồi vào dự tiệc.
Trong khi dự tiệc, Chúc Tam mời Thất nương cùng Thu Nguyệt Nga cùng ngồi đối diện với nhau, còn tự mình thì ngồi đối diện với Đổng Thiên Bảo để
tiếp. Đoạn rồi bốn người bắt đầu cùng nhau nói cười chè chén, cuộc rượu
rất là vui vẻ.
Khi rượu được vài tuần, Thu Nguyệt Nga nhân hỏi Hoa Chúc Tam rằng :
- Công việc tôi hành thích Liễu Như Bằng, thì ngoài tôi ra tôi tưởng
không còn một ai biết tới. Vậy vì cớ sao quan bác lại cũng biết tới, xin quan bác nói cho tôi rõ.
Hoa Chúc Tam cười mà đáp rằng :
- Câu chuyện ấy nói ra thì còn dài dòng lắm. Cô nương muốn nghe rõ, để
thư thả tôi xin thuật lại: “Nguyên có một hôm tôi đi qua nhà bác Đậu
Thập Thất, nhân tiện rẽ vào chơi nhà bác ta, thì vừa may gặp khi bác ta
đi vắng mới về. Anh em lâu ngày gặp nhau, chuyện trò rất là tương đắc.
Hồi lâu đứng dậy xin về thì anh ta cố tình khẩn khoản lưu lại và bảo tôi rằng :
- Tôi còn một việc rất cần muốn nói với anh, vậy anh hãy thong thả ở đây đừng ra đi vội...
Tôi nghe nói, nể lời anh ta cũng phải lưu lại và hỏi luôn anh ta xem có việc chi?
Anh ta nhân nói với tôi rằng :
- Tôi thấy nói Liếu Như Bằng hiện nay đổi đi nhậm chức ở hạt Quảng Tây,
mà tư trang mang theo nghe chừng trù phú vô cùng... Vậy ý tôi muốn cùng
anh đi ngay theo hắn, rồi giữa đường ta lừa cơ bóc lột lấy của để ta
chẩn cấp cho bọn dân nghèo... Vì tiền bạc của hắn toàn thị là của bất
nghĩa, bóp nặn dân gian mà có, ta để cho hắn chẳng qua lại nuông thêm
cái lòng kiêu rật của hắn mà thôi. Vậy ý bác có đồng tình thì xin cùng
đi với tôi một thể...
Tôi nghe nói cho là có lý, bèn cùng nhau ra đi, đón đường Liễu Như Bằng
theo hút những nơi hắn dừng chân để định thi hành. Rồi một buổi tối hôm
ấy, hai anh em theo đến một quãng sông kia, dò biết đích xác nơi hắn đậu thuyền rồi, hai người bèn lẳng lặng bấm nhau, tránh đi một nơi, để đợi
canh khuya rồi sẽ đến đó.
Không ngờ khi hai anh em dắt nhau tới nơi thì sịch thấy có một người con gái bay trước xuống thuyền của hắn, nhảy vào trong khoang chỉ trong
nháy mắt, rồi thấy tay xách một cái bọc nhỏ lại nhảy tót ra mà bay đi
mất.
Tôi thấy vậy, cho là người con gái đó đã hớt tay trên mất món hàng hóa
kia rồi, bèn định xông ra đuổi theo cướp lại. Đậu Thập Thất thấy tôi
hăng hái nói vậy thì giữ ngay tôi lại và bảo rằng :
- Tôi coi người con gái ấy hình như là Thu Nguyệt Nga thì phải... Cô ta
vốn có đại thù với Liễu Như Bằng, ngày nay không khéo chính là cô ta đến giết Như Bằng cũng nên... Vả chăng nếu phải là tay cướp của thì tất còn lục đục làm lâu để vơ vét cho kỳ hết của, chứ có khi nào lại nhanh như
thế được. Vậy ta thử dò xuống xem sao cái đã...
Tôi nghe nói cho là có lạ, bèn cùng nhau bay ngay xuống thuyền để xem.
Khi xuống tới thuyền thì quả thấy đồ vật trong thuyền còn nguyên tất cả
mà duy cái đầu của Liễu Như Bằng thì chẳng thấy đâu. Tôi biết đích là
lời Đậu Thập Thất nói không sai, bèn vội vàng quay lên từ giã Đậu Thập
Thất, rồi đi theo người con gái lúc nãy, định tìm cho gặp mặt để bái kết một phen. Thì quả nhiên khi theo đến chỗ hàng trọ hôm nọ, đã thấy cô
nương đương hỏi khoe cùng Đổng thất nương ở đó rồi. Lúc ấy tôi đã định
vào ngay để làm quen nhưng sau tôi nghe thấy bác Thất nương lại rủ cô
nương cùng đi sang chơi mạn này, nên tôi lại lẳng lặng đi theo để trêu
các bác. Bởi thế nên mới xảy ra câu chuyện đùa ở quãng rừng đêm hôm nọ,
vậy xin các bác tha thứ lỗi cho...”
Thu Nguyệt Nga cùng mọi người nghe tới đó, đều phục Hoa Chúc Tam là có
tài minh mẫn, bèn lại cùng nhau chè chén chuyện trò rất là vui vẻ.
Hồi lâu, mọi người cũng đã chếnh choáng hơi men, thì chợt thấy Đổng
Thiên Bảo gọi Hoa Chúc Tam cùng Thu Nguyệt Nga, rồi cười nói với hai
người rằng :
- Tôi có một câu này muốn nói với hai hác, không biết rằng hai bác có ưng ý cho không?
Hoa Chúc Tam vôn tính nhanh nhảu, nghe nói như vậy, bèn nói ngay lên rằng :
- Có việc gì xin bác cứ nói, chúng tôi với các bác là chỗ anh em cả, nếu phải là việc làm được, thì khi nào chúng tôi từ chối... Bác cứ thử nói
đi xem...
Đổng Thiên Bảo đưa mắt nhìn lại hai người một lượt nữa, rồi cười sằng sặc mà nói lên rằng :
- Hiện trong bữa tiệc hôm nay, chúng ta có bốn người tất cả mà hai vợ
chồng tôi đây thì đã được gia đình yên ấm cả rồi... Duy còn hai bác thì
vẫn còn san sẻ, vả chăng hai hác cũng là tài mạo xứng đáng với nhau. Vậy vợ chồng tôi muốn làm ông tơ bà nguyệt để ghép hai bác cho thành đôi
lứa, chẳng hay...
Đổng Thiên Bảo vừa nói tới đó thì thấy Thu Nguyệt Nga đỏ bừng ngay mặt lên rồi ra dáng giận dữ nói rằng :
- Anh chàng họ Đổng này nói hay nhỉ... Tôi bảo thực anh biết, nếu anh còn nhắc lại câu chuyện ấy nữa thì anh đừng có trách tôi.
Hoa Chúc Tam nghe nói chỉ mủm mỉm cười thầm mà không nói gì. Đổng Thiên Bảo lại nói luôn rằng :
- Bác nên xét cho, tôi nói câu đó là bởi lòng thành thực của tôi. Vì tôi trông hai bác tuổi cũng xấp xỉ như nhau, mà vẻ người lại cũng phong nhã giống nhau nên tôi muốn cầu cho hai bên cùng được...
Thu Nguyệt Nga nghe tới đó không đợi cho Thiên Bảo nói hết liền đứng
phắt ngay dậy, giũ áo đến phắt một cái, quay ngoắt người ra, rồi vụt
biến đi mất. Hoa Chúc Tam thấy vậy, vội vàng đứng dậy toan đuổi theo mời lại.
Đổng thất nương gạt đi mà rằng :
- Bác đuổi theo cũng không ăn thua đâu! Cô ta vốn người nóng nảy như
người điên, hễ ai động đến một tí là cái máu bà “Thượng Ngàn” nổi ngay
lên lập tức. Bác đuổi theo bây giờ chưa chắc đã mời được hắn mà không
khéo lại sinh ra chuyện lôi thôi... Vậy nếu bác có định tâm như lời nhà
tôi vừa nói thì hãy cứ ung dung, chắc tôi có cách nói theo bằng được.
Đổng Thiên Bảo nhân cười nói mà rằng :
- Chị chàng quái lạ thế, mình vừa nói thế mà chị ta nguây nguẩy ra đi.
Tôi tưởng chị ta đã từng tu luyện có được bản lĩnh như thế thì tính nết
cũng phải hoạt bát, chứ ai ngờ còn cố chấp như bạn gái cấm cung như thế?
Đổng thất nương thở dài một tiếng mà rằng :
- Người ta là con gái chưa chồng nói thế khi nào mà người ta không thẹn. Từ rày những cách ăn nói ta cũng phải lựa dần mới được, chứ làm như thế có bận lỡ to...
Lúc đó vợ chồng Thiên Bảo nghe chừng cũng đã hơi say, bèn cáo từ không
uống rượu nữa. Ba người cùng nhau ăn qua lưng cơm rồi vợ chồng Thiên Bảo đứng dậy xin phép ra về. Hoa Chúc Tam có ý muốn lưu ở lại, song ra vẻ
ngượng nghịu không dám nói ra. Mãi sau Chúc Tam đưa chân vợ chồng Đổng
Thiên Bảo ra tới cổng mới tỏ ý băn khoăn, dặn với Thiên Bảo rằng :
- Câu chuyện lúc nãy, tuy Đổng huynh thốt nhiên nói ra như thế, song
tiểu đệ thực cũng có ý muốn cho đúng được như lời. Vậy xin Đổng huynh
lưu tâm cố giúp tiểu đệ cho được thành công, tiểu đệ sẽ báo tạ...
Thiên Bảo gật đầu vâng lời, rồi cùng Thất nương bái biệt Hoa Chúc Tam ra về; khi về tới nhà cũng khoftg thấy Nguyệt Nga về đó. Hai vợ chồng
Thiên Bảo đều cho là Nguyệt Nga quá thẹn trở về quê ngay, nên hai người
cũng không tìm kiếm làm chi.
Đoạn rồi bắt đầu từ hôm sau trở đi, vợ chồng Thiên Bảo bèn lưu Hoàng Cúc Anh ở luôn trong nhà và bắt đầu dạy cho các môn võ nghệ, Cúc Anh cũng
là một bực thông minh hiếm có, vả lại cũng có gân sức hơn người chân tay lại đều nhanh nhẹn ngoan ngoãn lạ thường. Bởi thế nên mỗi khi vợ chồng
Thiên Bảo có truyền thụ ngón gì thì Cúc Anh lại luyện tập thạo giỏi được ngay không hề chút chi ngượng nghịu.
Rồi thì nửa năm trôi qua, bao nhiêu các món võ nghệ của vợ chồng Đổng
Thiên Bảo, Cúc Anh cũng đều học tập sành sỏi được cả nghiễm nhiên cũng
ra một tay bản lĩnh không vừa. Duy có một điều, cái công đào luyện vẫn
còn nông nổi, cho nên các môn võ nghệ tuy có nhẹ nhàng nhanh nhẹn, song
sức lực bền dai thì chưa sao mà theo kịp vợ chồng Đổng Thiên Bảo được.
Một hôm kia vợ chồng Thiên Bảo đương cùng Hoàng Cúc Anh cùng ngồi đàm
đạo các môn võ nghệ với nhau, thì thấy tên đày tớ già của Hoàng Cúc Anh
là Hoàng Phúc ở ngoài hất hơ hất hải chạy vào.
Cúc Anh trông thấy vội hỏi Hoàng Phúc :
- Lão có việc mà lật đật kinh hoảng như thế?
Hoàng Phúc trợn mắt thở hộc lên một hồi, rồi mới nói lên rằng :
- Tôi đương đi chơi rong ở ngoài cánh đồng, chợt thấy có một người ăn
mặc lạ lùng ra dáng khả nghi. Tôi vội vàng chạy đến vờ vịt dò hỏi anh
ta, thì thấy anh ta nói là muốn hỏi thăm vào nhà họ Đổng có một công
việc rất cần. Tôi cố gạn hỏi việc gì thì anh ta không nói và bảo tôi
rằng: “Phải đợi gặp mặt ông chủ ở Đổng gia trang rồi mới có thể nói
được...” Tôi nghe nói đã toan không đưa anh ta về đây, song lại sợ ngộ
lỡ có việc gì quan hệ cho Đổng đại gia, bởi thế nên tôi phải hứa lời đưa anh ta đi.
Đổng thất nương nghe tới đó vội ngắt lời Hoàng Phúc mà hỏi :
- Vậy hiện giờ người ta ở đâu, tại sao mà lão ra dáng hất hải kinh hoảng như vậy?
Hoàng Phúc ngó ra phía ngoài một lượt rồi nói :
- Nếu không ra thì có việc gì mà tôi phải sợ. Nhưng đằng này tôi vừa mới nhận lời dẫn đường cho anh ta thì anh ta bắt tôi trỏ ngay đúng lối
đường đi, rồi anh ta nắm lấy tay tôi, lôi đi xềnh xệch như mèo lôi con
chuột, chạy nhanh như bay như biến, làm cho tôi chỉ lê đi theo mà không
kịp bước. Cho đến khi tôi về tới đây thì đã mệt lử cả người và sợ choáng thần hồn vì hắn.
Hoàng Cúc Anh ra dáng sốt ruột lại hỏi dồn luôn :
- Nhưng bây giờ hiện người ta đâu?
Hoàng Phúc xua tay lắc đầu mà rằng :
- Cô hãy để cho tôi nói nốt: Anh ta kéo tôi về tới cổng nhà đây, thì anh ta dừng lại bảo tôi rằng: “Lão vào nói cho được ông chủ ra đây cho hỏi
có tí việc cần, nếu lão lờ mờ giả dối thì tôi đốt phá trại ngay lập tức
bây giờ”. Nói đoạn anh ta cầm tay tôi ru đi một cái làm cho tôi theo đà
lẳng đi, mãi đến khi vào đến cửa này thì tôi mới gượng lại được. Hiện
giờ có lẽ anh ta còn đứng ở đó cũng nên.
Đổng thất nương nghe nói, ngạc nhiên mà rằng :
- Làm sao có chuyện quái lạ như thế, mà những người canh cổng nhà này không thấy ai nói chi! Hay là chúng nó đi đâu mất cả.
Đổng Thiên Bảo gạt đi mà rằng :
- Những người như thế thì đám canh cổng nhà mình làm chi được họ. Có điều mình phải ra ngay xem hạng người thế nào mới được.
Nói đoạn Thiên Bảo liền dắt sẵn khí giới phòng bị trong người rồi mới
ung dung đi ra. Đổng thất nương cùng Hoàng Cúc Anh sợ có việc gì nguy
hiểm, bèn bảo nhau cũng cầm khí giới theo ra sau nấp vào một nơi để
phòng cứu ứng.
Đổng Thiên Bảo ra gần tới cổng, trông ra phía ngoài thì thấy một người
đầu đội mũ xì mẩu, mình mặc bộ áo chẽn, sắn hai tay áo lên đến khuỷu
tay, sau lưng đeo một cái vỏ kiếm, thò ra một cái chuôi kiếm bằng ngà,
dưới mặc cái quần hơi cộc, chân giận đôi giầy gai, nét mặt ra dáng quắc
thước anh hùng.
Người đó vừa trông thấy Đổng Thiên Bảo ở trong đi ra, thì vội vàng chắp hai tay giơ lên đến ngực rồi nói :
- Thưa ngài, có phải chính ngài là Đổng tráng sĩ đó không?
Thiên Bảo thấy ngtíời ấy ra dáng lễ phép ung dung mà tay không cầm một
thứ khí giới gì, thì trong bụng cũng lấy làm yên vững, vội vàng ra dáng
lễ phép chắp tay vái chào lại mà đáp rằng :
- Vâng chính tôi là Đổng Thiên Bảo, chẳng hay ngài có việc gì dạy bảo đến tôi?
Người kia liền đi gần đến trước mặt Đổng Thiên Bảo, thò tay vào bọc rút
ra một phong thư, trông trước trông sau một lượt rồi sẽ nói với Đổng
Thiên Bảo :
- Tôi là người quen của Nguyễn Khánh Đàm ở bên Bắc Kinh... Họ Nguyễn
hiện nay bị nạn, có bức thư này nhờ tôi đem sang ngài, và dặn tôi phải
nên cẩn thận mà không cho ai biết được. Bởi thế tôi phải lập mưu gặp
được ngài rồi mới dám trao thư ấy. Vậy trong khi đường đột, có điều lầm
lỗi xin ngài tha thứ cho tôi. Tôi còn có việc phải đi ngay, còn các
chuyện kia ngài coi trong thư sẽ biết.
Đổng Thiên Bảo nghe nói, biến hẳn sắc mặt toan nắm người kia lại để hỏi
mấy câu, thì người kia vụt đã biến ngay đi mất, trông theo cũng chẳng
thấy đâu. Đổng Thiên Bảo ngơ ngẩn cúi xuống, vội vàng bóc ngay bức thư
ra xem. Bây giờ Đổng thất nương cùng Hoàng Cúc Anh đứng nắp ở trong thấy người kia đi rồi thì vội vàng chạy ra hỏi xoắn Đổng Thiên Bảo để xem
đầu cuối ra sao.
Đổng Thiên Bảo không trả lời hai người vội, chỉ chăm chăm cúi xuống sẽ đọc bức thơ:
“Kính trình Thiên Bảo Đổng huynh soi sét,
Anh em xa cách chốc đã ba thu, mỗi khi tưởng nhớ đến nhau thì trong lòng lại nóng nảy, băn khoăn vô hạn.
Tháng trước tôi nhân rảnh rỗi đã định sang tìm quý huynh để anh em đàm
đạo với nhau cho đỡ tấm lòng khát vọng. Nhưng không ngờ tai ách giữa
đường từ đâu đưa tới, bỗng dưng toàn bộ nhà tôi đều bị người ta bắt bớ
giam cầm thật là nguy hiểm! Duy một mình đệ cũng vì lênh đênh trôi dạt,
khi đó vắng nhà, cho nên riêng thoát được vòng giam trói mà thôi.
Nhưng hiện nay đệ tuy có nhà mà cũng như mất, có nước mà cũng như không, cái cảnh lẩn lút oan khiên thực không có cách nào tỏ bày ra được!
Quý huynh với đệ tuy không phải là tình xương thịt anh em, song trong
khi gặp gỡ bấy lâu, đệ vẫn tin phục quý huynh là một bậc hào hiệp thanh
cao xưa nay hiếm có. Vậy nếu quý huynh có nhủ thương đến đệ thì xin mau
mau gấp tới Bắc Kinh, chọn lúc đêm khuya tìm vào nhà đệ, cho đệ được gặp mặt mà bày tỏ những nỗi đau lòng thì thực là ân đức tái sinh, đệ cảm
phục không biết để đâu cho siết.
Mấy lời ta ôm huyết, mong quý huynh xét thấu tình cho, xin thắp hương kính đợi.
Ngu đệ Nguyễn Khánh Đàm”
Đổng Thiên Bảo xem xong, biến hẳn sắc mặt nghĩ thầm trong bụng: Khánh
Đàm là một người bạn thân của ta, anh ta xưa nay vốn tính đứng đắn,
thuần cẩn, vả chăng bản lĩnh chẳng kém gì ta... Vậy không biết vì việc
gì đến nỗi xảy ra tai nạn như thế, mà sao trong thư lại không nói rõ với ta? Việc này có lẽ ta phải đi ngay sang đó một phen mới được...
Chàng nghĩ đoạn liền đem chuyện đó nói cho Đổng thất nương biết và tỏ ý
muốn đi ngay sang Bắc Kinh để xem công việc của Nguyễn Khánh Đàm. Thất
nương nghe nói cũng lấy làm khó chịu băn khoăn, bảo Đổng Thiên Bảo rằng :
- Nguyễn huynh đã có công việc xảy ra như thế, mà lại có lòng cầu cứu
đến ta, nếu ta không đi thì thực không phải là người được nữa. Nhưng có
một điều ở chốn Bắc Kinh là nơi quan quân canh giữ rất nghiêm, vả nhà
Nguyễn huynh đã bị bắt bớ như thế thì ở trong tất còn nhiều điều khuất
khúc hiểm nguy. Nay nếu một người đi sang đó, tôi e lỡ xảy việc gì thì
có điều bất tiện vậy, chi bằng để tôi cùng đi một thể có lẽ chắc chắn,
vững chãi phần hơn mà lỡ có việc gì thì chúng ta cũng sẽ còn người cứu
ứng.
Đổng Thiên Bảo nghe tới đó, vội gạt đi mà rằng :
- Làm nam nhi tung hoành bốn bể, vào sinh ra tử còn chẳng sợ chi! Huống
đây là vào Bắc Kinh, chẳng qua cũng quanh đồng đất nước nhà, dù có xảy
việc gì nguy hiểm, có lẽ sức tôi không chống cự được nổi hay sao? Vậy
việc đó cứ để tôi đi một mình cũng được. Duy nàng ở nhà thì phải siêng
năng săn sóc và phải trông bảo Cúc Anh cho rõ đến nơi đến chốn, thế là
tôi được yên tâm.
Đổng thất nương thấy vậy đành phải lẳng lặng để cho chàng đi, không dám
nói năng gì nữa. Thiên Bảo liền sửa soạn hành trang bọc vào một cái bọc
con khoát lên trên vai, ăn mặc quần áo gọn gàng, chân dận một đôi giày
gai rất nhẹ, mình dắt một con dao găm và một cây giáo câu liêm bảy đoạn, rồi săm săm lên đường về nẻo Bắc Kinh. Trong khi đi đường trải qua
những nơi danh sơn thắng cảnh, Thiên Bảo đều không dám lưu luyến chơi
xem và phải vội vã đi luôn để cho kịp việc.
Một hôm kia chàng ta đi tới Bắc Kinh, nhân bấy giờ đương lúc buổi chiều, chưa dám tìm vào nhà Nguyễn Khánh Đàm vội. Chàng bèn lửng thửng đi ra
ngoài phố, lang thang rảo khắp các nơi để xem phong cảnh. Khi đi đến một phố kia chợt thấy có một đám người rất đông đương đứng xúm xít dồn vào
một chỗ. Thiên Bảo không biết là có việc gì, bèn cũng chạy vội đến đứng
len vào đám đông người để xem.
Thoạt vào tới nơi thì chàng trông thấy ngay một cậu nhỏ vào trạc 14, 15
tuổi ăn mặc ra dáng lịch sự gọn gàng, một tay nắm một lão già râu ria
xanh tốt, còn một tay giơ quyền lên đánh thùm thụp liên hồi. Miệng cậu
bé con ấy thì lảm nhảm mắng luôn rằng :
- Mày phải biết Đào thiếu gia đây mới được... Mày đừng cậy cái thế lực
của Tào Quan Bảo mà đi đến đâu thì làm hạnh làm hại người ta đến đó.
Ngày nay đã gặp tay ta đây thì ta quyết đánh cho ngươi kỳ chết, để trừ
cái hại lớn cho hết thảy nhân dân trong chốn Bắc Kinh...
Chàng thiếu niên đó vừa nói như thế lại vừa đánh đấm luôn luôn làm cho
lão già kia cũng không thể nào mà gượng dậy được. Còn các người đứng xem quanh đó thì thảy đều tỏ ra thái độ yên vui để mặc cho cậu bé con đánh
đấm lão già, không hề ai nói năng một câu gì cả.
Đổng Thiên Bảo có ý nhìn xem lão già, thì thấy cái mũi nhòn nhọn, cái
tai mong mỏng, đầu nhỏ má hóp, mắt thì ti hí mắt lươn, cái da xám ngắt
mà nước da thâm xì chẳng khác đống bùn dưới giếng. Chàng lại nhìn người
thiếu niên kia thì thấy nét mặt sáng sủa, vạm vỡ, hai lông mi to thẳng
dựng ngược hẳn lên, hai mắt sáng quắc như hai mắt Long thần, mũi cao mà
rộng, má đỏ mà đầy, rõ ra một dáng anh hùng niên thiếu.
Bấy giờ người thiếu niên đánh lão già đã chán chê rồi, thì mới thấy có
một người chạy vào kéo người thiếu niên ấy ra mà bảo rằng :
- Thôi cậu đánh thế cũng đủ rồi, phen này chắc là nó cũng phải chừa, không còn khi nào nó lại dám giở trò như thế nữa.
Người thiếu niên tuy nghe nói như vậy, song vẫn còn hặm hực, tức tối,
những toan sấn đến đánh nữa không thôi. Duy lão già kia thì lúc đó đã bò lê bò càng chẳng khác chi con gà nhảy vào nồi nước nóng, mà quần áo thì nhiều chỗ đã rách soạc ra cả. Mọi người thấy chàng thiếu niên còn toan
sấn đến đánh nữa nên vội vàng xúm vào bảo lão già dậy và giục đi tránh
cho mau.
Lão già ra dáng đau đớn ê chề, gượng mãi mới đứng lên được, song còn quay lại nói với mấy câu rằng :
- Được lắm, ngươi đánh ta khá lắm! Nhưng thế nào ta cũng có phen trả nợ
được ngươi, cho dẫu nhà ngươi có tài thánh tài thần, ta truyền cho cũng
không thể trốn đi đâu được.
Nói dứt mấy câu ấy thì lão già tập tà tập tễnh chạy vội ra đi. Bấy giờ
người thiếu niên kia thấy lão già đã đi rồi, mới quay ra gọi to lên rằng :
- Người nhà của ta đâu? Mang ngựa lại đây...
Chàng nói dứt lời, thì thấy phía ngoài có tiếng người dạ lên, rồi kế đó
thấy có một người dắt một con ngựa vằn đi vào. Chàng thiếu niên liền
nhảy lên mình ngựa, dật cương ra oai một cái, thì con ngựa chạy vút ngay đi, tiếng nhạc kêu lên soang soảng.
Khi chàng thiếu niên đi rồi, thì trong đám đông người đó mới thấy nhỏ to bàn tán với nhau.
Đổng Thiên Bảo lắng nghe thì thấy có người nói rằng :
- Ngày hôm nay lão Bao Nhân Cùng bị một trận đòn thật là đáng kiếp. Xưa
nay chúng ta bị nó quấy nhiễu làm hại không biết bao nhiêu mà kể, nhưng
không khi nào chúng ta lại dám hé miệng nói ra. Hôm nay vớ được Đào công tử, đánh cho một trận như thế, thực chúng ta lấy làm hả dạ vô cùng...
Người ấy nói tới đó, thì lại thấy có một người nữa nói tiếp lên rằng :
- Nhưng lão Bao Nhân Cùng bị trận đòn này, thì thế nào nó cũng sinh sự
lôi thôi chứ không chịu im đi được... Vậy các anh đừng thấy thế mà đã
vội mừng cho Đào công tử đâu! Cứ theo ý tôi thì lại lo cho Đào công tử,
không khéo phen này thế nào cũng lại bị nguy với nó chứ không chơi...
Thiên Bảo thấy họ bàn tán với nhau như vậy thì trong bụng khẩm nẩm nghĩ
thầm: “Theo lời họ nói thì cái thằng già này tất là một đứa đại gian đại ác, xưa nay thường cậy thần thế mà hà hiếp những người lương thiện đã
nhiều. Vậy ta đã đến đây và đã nghe biết câu chuyện như thế thì chi cho
bằng ta thử hỏi rõ xem nó là ai, để tối hôm nay ta sẽ kết liễu nó đi mà
trừ giúp cái hại cho cả miền này, như thế mới là khoái hoạt...” Thiên
Bảo nghĩ như vậy, nhân quay ra tìm một người già cả, rồi ra dáng lễ phép mà hỏi rằng :
- Thưa cụ, cái ông già vừa rồi là người từ đâu, làm sao bị một người thiếu niên đánh cho như thế mà lại không dám nói gì?
Bây giờ có một vài người ít tuổi lảng vảng đứng đây nghe thấy Thiên Bảo
hỏi ông già như vậy thì nét mặt ra dáng kinh sợ nói ngay lên rằng :
- Cái ông này mới hiếu sự chứ...! Ông đi đâu có công việc gì, thì ông cứ việc mà đi, can chi ông phải hỏi đến câu chuyện người ta?
Thiên Bảo lại ra dáng ung dung, lễ phép mà nói lên rằng :
- Đã đành tôi hỏi thì cũng chẳng làm gì, nhưng vì tôi vừa mới qua đây
không biết ra sao, thì trong bụng không khỏi bồn chồn nghi lạ... Bởi thế tôi muốn hỏi biết đầu đuôi cho trong bụng khỏi áy náy mà thôi, chứ có
gì là quan hệ.
Ông già lúc nãy nghe hỏi, nhân nhìn vào mặt Đổng Thiên Bảo một lượt rồi sẽ cười cười gật gật mà rằng :
- Ông muốn nghe chuyện, thì ông đi theo tôi mấy bước, rồi tôi sẽ thuật cho mà nghe.
Nói đoạn ông già lửng thửng quay gót ra đi. Thiên Bảo liền hớn hở theo sau để nghe xem ông thuật chuyện ra sao.