Bốn ngày sau, tin tức cha con Trịnh thị bị cướp giết truyền về từ huyện Chương Thủy. Ba ngày sau đó, Trịnh mẫu phải bán đi hai trăm mẫu ruộng tốt mới chuẩn bị đủ tiền để nhận lại thi thể của phu quân và con trai mình từ tay nha dịch.
Trải qua cửa ải lần này, cả gia tộc Trịnh thị có thể nói là bị tổn thương nguyên khí nặng nề, chẳng những mất hai người đàn ông trụ cột trong nhà, còn mất luôn cả hai trăm bộ khúc của gia tộc. Mà đây mới chỉ là khởi đầu cho mọi chuyện về sau thôi.
Hai trăm thanh niên trai tráng kia chết đi, người nhà họ đau thương tuyệt vọng, theo tình theo lý thì Trịnh phủ phải đền bù thiệt hại cho gia đình họ, nhưng cha con Trịnh thị cũng bị giết, Trịnh mẫu và Trịnh Mật đều hoảng sợ, chỉ muốn nắm chặt tiền trong tay, một đồng cũng sợ mất, huống chi là giao ra một khoản tiền lớn để đền bù chứ? Vì thế, qua một đêm, Trịnh phủ đã trở thành nơi hỗn loạn, gia quyến của hai trăm bộ khúc kia canh giữ, khóc lóc vật vã ở trước cửa suốt ngày suốt đêm.
Vào ngày thi thể Trịnh lão gia và Trịnh Huống được chuyển về, Cơ Tự có đến bái tế một lần. Nói cho cùng, Trịnh lão gia và Trịnh Huống gián tiếp chết trong tay nàng, nên khi đối mặt với linh đường u ám kia, dù Cơ Tự có hàng nghìn lý do để tự bào chữa đi nữa, trong lòng cũng thấy rất gượng gạo.
Đúng vậy, cha con họ mắc mưu của Cơ Tự. Hôm ấy nghe đến huyện Chương Thủy, nàng bỗng nhớ lại một sự kiện rất lớn. Vụ án huyện Chương Thủy từng náo động cả Giang Nam ngày ấy. Nguyên nhân là do dân làng phát hiện ra kim sa trong nước sông. Trong sông có kim sa thì có khả năng lớn là trên núi có mỏ vàng, tin tức ấy vô tình bị gia tộc họ Thạch hùng bá ở Kinh Châu biết được. Thế là sau khi bí mật điều tra tình hình huyện Chương Thủy, Thạch thị phái ra một hậu bối đi nhậm chức huyện lệnh huyện Chương Thủy. Tiếp theo thông qua chức huyện lệnh này mà cưỡng ép chiếm đoạt cả nghìn mẫu ruộng, bao trọn vùng núi Chương lẫn sông Chương Thủy, biến vùng đó trở thành tài sản riêng của gia tộc mình.
Trong mắt Thạch huyện lệnh, hành vi cha con Trịnh thị vừa lén lút thăm dò vừa lục soát cả khu núi chính là có ý nhăm nhe đến mỏ vàng nhà gã. Thế nên khi nghe cha con Trịnh thị nói lý do là đến tìm kiếm hang ổ bọn cướp thì càng thịnh nộ hơn. Vì gã cho rằng lý do này là cha con họ bịa đặt. Gia tộc gã đã điều tra huyện Chương Thủy lâu như vậy, lại mang theo cả nghìn quân quét sạch giặc cướp ở đây một lượt, làm sao gã không biết ở huyện Chương Thủy này còn có hang ổ lũ cướp gì nữa hay không? Sau khi giết chết cha con Trịnh thị ngay tại chỗ, gã còn sai người báo tử đến Trịnh phủ, cũng thuận tiện điều tra một phen, biết Trịnh thị không hề có lai lịch gì, mà vợ con của bọn họ cũng không biết họ đến huyện Chương Thủy để làm gì, lúc này gã mới bình tĩnh lại.
Trong trí nhớ của Cơ Tự, Thạch thị vì tư lợi đã ép bức dân làng trở thành dân lưu lạc, tiếp theo Kinh Châu lại gặp phải lũ lụt hai năm liền, dân chúng vô cùng khốn khổ. Thế là nhóm lưu dân của huyện Chương Thủy dấy lên mồi lửa, cuối cùng trở thành bạo động lan rộng khắp cả châu. Sự việc này được đặt tên là Loạn Kinh Châu, bắt nguồn từ việc Thạch thị sưu cao thuế nặng, liên lụy thêm cả mấy mươi huyện trong vùng, dẫn đến cái chết cho hàng chục vạn người.
Trong lúc Cơ Tự đang luyện viết chữ trong thư phòng thì Trịnh Mật mặc áo tang xông vào gọi to: “A Tự, ngươi phải giúp ta!”, Nàng ta bất chấp nắm lấy tay áo Cơ Tự định lôi nàng đi.
Cơ Tự giật ống tay áo, bước lùi lại, nhíu mày nói: “A Mật, rốt cuộc là xảy ra chuyện gì, ngươi còn chưa nói rõ nữa.”
Trịnh Mật nổi giận, hét ầm lên: “Còn cần phải nói nữa sao? Nhà ta cả ngày bị đám dân đen kia chặn cổng, khóc lóc phiền chết đi được. Bọn họ thấy Trịnh gia ta chỉ còn mẹ góa con côi liền mở miệng đòi hỏi vô lý quá đáng. Cơ Tự ngươi vốn là người của Trịnh gia ta, xảy ra đại sự như vậy sao ngươi lại không ngó ngàng đến? Đi, ngươi đi nói với lang quân Chu gia, bảo họ ra mặt đuổi đám ruồi nhặng kia đi cho ta. Ta biết chắc chắn lang quân Chu gia sẽ đồng ý, lần trước mấy người kia kéo đến muốn mượn danh nghĩa của nhà ngươi, Chu Ngọc liền ra mặt giải quyết, lần này đến lượt nhà ta, bất cứ giá nào ngươi cũng phải xin lang quân Chu gia ra mặt giúp đỡ mới được.”
Trong tiếng quát tháo the thé của Trịnh Mật, Cơ Tự vẫn điềm nhiên: “Ta không phải người Trịnh gia.”
Trịnh Mật khẽ giật mình. Nàng ta trừng mắt nhìn Cơ Tự, dần dần biểu hiện khuôn mặt trở nên luống cuống, từ không kiên nhẫn chuyển thành hoang mang, nhưng miệng vẫn cố hét: “Lời này của ngươi là sao?”
Cơ Tự cười nhạt, nhìn thẳng vào Trịnh Mật: “Chẳng sao cả, ta chỉ phát hiện hình như ngươi đã quên mất một điều, Cơ Tự ta không hề có liên quan gì đến Trịnh phủ ngươi cả.”
Cơ Tự vừa dứt câu, mặt Trịnh Mật đã trắng bệch. Nàng ta ngơ ngác nhìn Cơ Tự một hồi, mới dịu giọng xuống, nói: “A Tự, nhà ta đã xảy ra chuyện, phụ thân và ca ca ta đều chết cả rồi, nhiều năm qua nhà ta luôn giúp đỡ ngươi, giờ ngươi khoanh tay bàng quan như vậy không sợ người khác mắng ngươi là đồ vong ân phụ nghĩa sao?”
Nghe thấy lời nói của Trịnh Mật, Cơ Tự bật cười, mà tiếng cười này của nàng lại khiến sắc mặt đang trắng bệch của Trịnh Mật chuyển thành xanh mét. Cơ Tự lùi về phía sau, ngồi xuống ghế với tư thái tao nhã, rồi ngẩng đầu nói với Trịnh Mật: “A Mật, hôm nay chúng ta nói cho rõ ràng với nhau đi.”
Ra hiệu cho nàng ta ngồi xuống, Cơ Tự chậm rãi cất lời: “A Mật, ngươi phải hiểu hai việc. Một là nhóm bộ khúc nhà ngươi chết là vì làm việc cho gia đình ngươi, nên chuyện bồi thường cho họ là đương nhiên. Chuyện như vậy, đừng bảo là nói với lang quân Chu gia, ngay cả nếu những người đó cáo trạng đến trước mặt hoàng đế cũng là họ hợp lý. Hai là, nói cho mẫu thân của ngươi biết, nể tình qua lại nhiều năm, ta sẽ đi nói với lang quân Chu gia rằng phụ thân và ca ca ngươi chết không rõ ràng...”
Bấy giờ Trịnh Mật kích động đứng bật dậy, Cơ Tự lại ra hiệu cho nàng ta ngồi xuống, mới lạnh lùng nói tiếp: “Nhưng với chuyện này, ta có một yêu cầu. Ngươi đi nói với mẫu thân ngươi trả lại hai lá thư giả kia cho ta.” Sau đó nàng đứng lên, “Về phủ đi, nhớ phải chuyển lời lại với mẫu thân ngươi không sót một chữ đấy.”
Trịnh Mật cắn môi nhìn Cơ Tự hồi lâu, cuối cùng nghiến răng, quay người chạy ra ngoài. Quả như Cơ Tự suy đoán, chưa đến một canh giờ, Trịnh Mật liền chạy đến đưa lại cho Cơ Tự hai lá thư giả kia. Cũng khó trách tại sao Trịnh phu nhân lại chịu thỏa hiệp dễ dàng như vậy. Đối với bà ta, mối thù chết chồng và con quan trọng hơn tất cả. Hai là trong nhà hiện giờ không có lấy một nam nhân, giữ lại hai lá thư giả kia thì có ích gì? Dù cho có với lên được vinh hoa phú quý, người đắc lợi cũng không phải mẹ góa con côi bọn họ.
Cơ Tự nói rất giữ lời, hôm ấy nàng lập tức đi tìm nhóm Chu Ngọc, mượn cớ là nghe được lời đồn đại nên nói chuyện xảy ra ở huyện Chương Thủy cho họ nghe. Tấu chương về việc huyện Chương Thủy có mỏ vàng là tin tức long trời lở đất, kinh động cả triều đình, thậm chí mấy sĩ tộc cũng phải động tâm. Chưa đến nửa tháng sau, triều đình đã phái người đến điều tra hết cả vùng Kinh Châu.
Bất cứ việc gì, một khi được phơi bày dưới ánh sáng thì mọi hắc ám sẽ trở thành tro bụi. Cả gia tộc Thạch thị mặc dù giàu có nhất vùng, thủ đoạn tàn nhẫn, nhưng so ra trong đám người quyền quý chân chính thì cũng chỉ là một gia tộc hạ đẳng mà thôi. Tất cả mọi việc lớn nhỏ ở huyện Chương Thủy nhanh chóng bị phanh phui. Mấy ngày sau, triều đình ra phán quyết: Gia tộc Thạch thị vì tư lợi cá nhân suýt đã dấy lên cảnh dân nổi can qua, nên phải bị tru di cả nhà, tịch thu gia sản. Còn cha con Trịnh thị bị Thạch huyện lệnh giết hại được triều đình minh oan, còn đền bù cho một khoản. Kể cả hai trăm bộ khúc kia cũng được triều đình bồi thường cho mỗi mạng một vài lượng vàng.
Về phần mỏ vàng ở huyện Chương Thủy đã điều tra ra được thực ra vàng cũng không có bao nhiêu, nhưng vùng này lại nhiều ruộng đất màu mỡ, cuối cùng nhà mẹ đẻ của Thái hậu ra tay, biến cả huyện trở thành trang viên tư sản của mình. Còn tất cả dân làng trong huyện đều được trả tiền xứng đáng, trở thành tá điền trong trang viên của họ. Sau khi tin tức này truyền ra, những lưu dân bên ngoài liền rối rít chạy về quê. Phải biết rằng, thời đại này một người dân tự do làm sao bằng một tá điền cho gia đình quyền quý, thực lực hùng hậu, sẵn sàng lo cho họ áo cơm chứ? Thế nên, việc nhà mẹ đẻ Thái hậu ra tay mua lại ruộng đất, bất kể là trên hay dưới đều hoan hỉ vui mừng.
Cuối cùng, huynh đệ Chu thị được ca tụng dù ra ngoài du ngoạn vẫn không quên quốc kế dân sinh, đúng là nức tiếng hiền thần. Về phần Cơ Tự chịu ra mặt vì nhà mẹ nuôi cũng được người người khen ngợi là tính tình thiện lương, dù mẹ con Trịnh thị ngang ngược, nhưng dưới áp lực của dư luận cũng phải gọi Cơ Tự một tiếng ân nhân. Cả câu chuyện kết cục đến đây thật sự có thể coi là an hòa vui vẻ.