Kim Cương Bất Hoại

Chương 26: Chương 26: Hộp đen bí mật trong hốc đá




Chờ lâu cũng đâm ra sốt ruột. Hàng ngày, Lý Thanh Hoa leo lên chỗ cao ngắm nhìn chung quanh. Nơi nào cao nhất là rặng Ngũ Chỉ sơn. Chàng thường lên núi, vừa ngồi xuống tịnh tâm, vừa phóng tầm mắt nhìn xuống tứ phía tìm trông, quan sát, y như một vọng canh an ninh cho những người ở dưới núi.

Mã Hóa Long và Cao Kỳ Nhất Phương cùng hai quái nhân rất ưa thú săn bắn, cung cấp thịt dã thú cho tráng đinh.

Nhất Tiếu thì coi sóc am thờ Phật và những “hũ rượu” hảo hạng quỳnh tương do Vương Nhi nấu cất.

Thời gian hạ thổ mấy hũ rượu lâu chừng vài tuần lễ. Nhưng chưa đúng kỳ hạn, Nhất Tiếu đã đào lên một hũ, một mình nếm thử với đùi nai khô. Ăn vụng, uống trộm vẫn ngon hơn là lúc đồ ăn thức uống bày bàn. Ly này cạn rót thêm ly nữa cứ thế mãi. Nhất Tiếu nếm thử cũng vơi gần nửa hũ.

Rượu ngà ngà say, sơn men bốc nóng người, chàng cởi cúc áo, phanh ngực chân nam đá chân siêu đi ra ngoài cổng sơn trang hóng gió mát.

Thích chí, Nhất Tiếu cảm khái ca bài ca Hoa Mẫu Tử một loài hoa biểu dương cho tình mẫu tử, bao nhiêu cánh bông con chung quanh hướng về bông hoa mẹ ở giữa...

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...”.

Mà đúng như vậy, từ ngày chàng thâu được thanh Đại Hoàn kim đao, Nhất Tiếu khao khát được rút kim đao tỷ thí cùng võ lâm kỳ hiệp bốn bể. Từ thuở nhỏ, Nhất Tiếu đã từng theo chân sư phụ Tịnh Hải lê gót phiêu lưu khắp chốn hải hồ, bây giờ lãng tử có cha có mẹ, nhưng bị bó mình trong khuôn khổ “phụ mẫu tại đường bất khả viễn du”.

Cha me nào cũng thương con hết. Tự nhiên không muốn đứa con xa mình, mặc dầu nó đã khôn lớn. Cha mẹ càng già, lại càng hay thương con nhỏ. Nhất Tiếu vốn chí hiếu nên hiểu rõ nghĩa: “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Thích Ca ngoài đường”. Vì vậy chàng dốc lòng thờ cha kính mẹ như thờ Phật.

Chắc Mã phu nhân cũng am hiểu tâm tính của con nên mới nuông chiều cho phép cất rượu để Nhất Tiếu thỉnh thoảng... phạm giới như vậy.

Nhất Tiếu đi được vài trăm bước xa khỏi cổng, vừa định rẽ sang đường nhỏ thì đụng phải một vị to béo hai tai nhọn nhô ra khỏi đám tóc vàng khè rủ xuống hai vai. Mắt một nhắm một mở. Bên sườn đeo một bầu rượu vĩ đại, mặc áo cà sa có trăm mụn vá, cũng chân nam đá chân siêu, đầu nghẹo tả nghẹo hữu trông tăng không ra tăng, mà tục không ra vẻ tục, nghênh ngang bước tới.

Hai vị đứng trước mặt nhau. Vị đầu đà hỏi trước :

- Anh là hòa thượng hay sa di? Đầu nhẵn bóng như bậc chân tu mà quần áo thì lại cởi banh cúc áo, phanh ngực, nham nhở như... Võ Tăng lên đồi Cảnh Dương đả hổ?

Nhất Tiếu lâu lắm mới được dịp “gây gổ”, hứ một tiếng rồi trả lời móc họng :

- Bổn sư là sa di đối với mẹ ta, còn là hòa thượng đối với anh. Thứ sư tóc vàng khè, đeo bầu rượu lớn này đúng là loại sư hổ mang một trăm phần trăm.

- Mi không được hỗn láo. Bé con mở miệng, mùi rượu hôi rình dám xưng hòa thượng với cố nội bay, không sợ ta đánh cho bể đầu bây giờ?...

Trước kia nghe câu nói đánh bể đầu, Nhất Tiếu nổi xung, phóng chưởng đánh liền, nhưng bây giờ Nhất Tiếu, tính tình thận trọng hơn trước, chỉ hất hàm hỏi :

- Đầu đà tai nhọn, đi đâu không đi lại chắn đường ta sinh sự?

Vị kia mở nốt mắt nữa, nhìn quanh một hồi rồi nói :

- Mi hỏi ta đi đâu? Ừ mà ta đi đâu nhỉ? Đây là đâu? Ta quên hết rồi. Còn mi, mi là ai. Mi có nhớ ta vừa nói gì không?

Nhất Tiếu nghe vậy, biết là đã chạm trán với một loại kỳ nhân, vừa nói xong chưa mím miệng đã quên hết cả lời mình vừa buông ra. Chàng trấn tĩnh tâm thần, nói lớn :

- Ta hỏi mi là ai? Định đi đâu?

Nhà sư tóc vàng khẽ lẩm bẩm :

- Ta là ai? Ta là ai? Quên mẹ nó mất tên rồi? Ta không biết ta là ai? Ta đi đâu? Ừ, ta đương ở đâu nhỉ?... Đã năm năm nay, ta định đi đến một nơi nhưng cứ đi một quãng đường lại quên mất mình định đi đâu? Bất thình lình mới nhớ... Ta đi, chữa... bệnh. À nhớ rồi, ta đi chữa bệnh.

Câu trả lời này vô hình chung kéo Nhất Tiếu trở lại thực trạng. Vạn Diệu sơn trang là nơi chữa bệnh cho nhân vật võ lâm, nhà cửa mới xây cất lại. Mã phu nhân là thầy thuốc và Nhất Tiếu là người làm trong viện chữa bệnh... “ế khách”. Bây giờ gặp một ông khách đầu tiên đến “mở hàng”. Vậy thì ta phải thay đổi thái độ đối với vị khách quý tới khai trương cho phòng chữa bệnh.

Nhất Tiếu vội vòng tay cung kính, vồn vã mời mọc :

- Quý đạo hữu lại chữa bệnh, chúng tôi rất hoan nghênh. Đúng đây là Vạn Diệu sơn trang. Quý đạo hữu chẳng may mắc chứng bệnh gì? Giáo đâm hay gươm chém? Nội thương hay ngoại thương? Xin cho biết để tiện bề bẩm bạch.

Thấy Nhất Tiếu lễ phép nói một tràng dài, vị đầu đà vỗ tay lên trán, gật gù cái đầu, tóc rối bù xù, nói tiếp :

- ... A! Nhớ ra rồi. Cái tên Vạn Diệu sơn trang, dài và khó nhớ quá. Mình lại không biết đọc biết viết. Đã năm năm đi tìm cái Vạn Diệu sơn trang mà lúc quên tên, lúc nhớ tên nên mất nhiều thì giờ mới tới đây. Úi chao. Cái bệnh đãng trí, hay quên tai hại thực.

Như tìm thấy giải đáp một bài toán bí hiểm. Nhất Tiếu thở dài khoan khoái nói :

- À thì ra thế. Không phải giáo đâm gươm chém gì cả. Đây chỉ là một anh sư đãng trí đi trị bệnh hay quên. Ha ha. Buồn cười đến tức ruột mất.

Vị đầu đà thấy Nhất Tiếu cười ngặt nghẽo lấy làm tức giận đáp :

- Tặc tử này lớn mật thật. Bệnh tay, bệnh chân, bệnh tâm, bệnh trí... bệnh nào chẳng là bệnh. Ta có bệnh, ta đi tìm thầy trị bệnh. Như vậy có gì đáng tức cười. Ta phải đánh chết tặc tử vì mi nhạo báng ta quá đỗi.

Nhất Tiếu nhớ tới câu Mã Hóa Long mắng hắn trước đây, khoanh tay trước ngực dõng dạc hỏi :

- Làm tăng mà phạm sát giới. Như vậy có tội với Phật hay không?

Vị đầu đà điềm nhiên đáp rằng :

- Ta làm chết người rồi ta lại “quên phắt” đi ngay. Ta có để trong tâm đâu mà mang tội. Với bệnh hoạn dễ quên không nhớ, tâm ta trống rỗng ta có thể giết cả thầy, cả bạn, cả thân quyến họ hàng và đôi khi ta quên ta giết cả “ta” cả “Phật” nữa là khác. À quên ta vừa nói gì nhỉ? Sám hối. Ta giết sao nổi đức Phật. Còn mi, ta giết lúc nào chả được.

Nói rồi vị đầu đà bịnh hoạn một tay chộp cổ Nhất Tiếu, một tay phóng chưởng đánh liền.

Nhất Tiếu nhanh như điện giựt, né đầu giơ tay dụng chiêu “Đồng Tử Bái Quan Âm” giữ lấy nhân thân phá thế. Chưởng phong vụt quay vù trúng nhằm thân cây lớn cạnh đường đến ầm một tiếng. Nhiều tiếng răng rắc tiếp theo thân cây gãy bổ nằm ngang trên mặt đất, bụi cát mù trời.

Nhất Tiếu nổi giận sử dụng ngay Thái Công chưởng trả miếng. Vị đầu đà né tránh, lại một thân cây lớn nữa gãy làm đôi như bị sét đánh. Trong chớp mắt, hai cao thủ đã giao đấu với nhau hơn chục chiêu thượng thặng.

Hai cánh tay sắt chạm nhau rất mạnh khiến cả hai chùn gân, bắn ra phía sau nhiều thước, lảo đảo thiếu chút nữa thì cùng ngã ngồi xuống đất.

Nhất Tiếu toát mồ hôi trán, chuyển vận nội lực, hai lưỡng quyền bạch ra, cục u ở huyệt thái dương nổi lên trên như trái táo lớn, định nhảy lại nhập cuộc giao đấu đánh đòn thí mạng.

Vị đầu đà sau khi thử sức cũng kinh khiếp tài võ dũng của đối thủ nhưng hình như lại bị “đãng trí” tự nhiên quên hết cả sự đánh nhau. Hắn ngơ ngác nhìn quanh như không hiểu tại sao mình lại ngồi xẹp trên mô đất... ung dung cởi bầu rượu đưa lên miệng uống.

Nhưng bỗng nhiên y lại khạc nhổ ngụm rượu bừa bãi ra đất và chửi rủa :

- Thôi... chết cha rồi. Mình lại quên... rượu ngon không đổ vô bầu... lại đổ cả nước tương. Thiệt khổ. Thiệt khổ dữ a.

Nói rồi quẳng bầu vào bụi rậm, phủi áo đứng dậy.

Lúc đó, mọi người trong trang trại nghe tiếng huyên náo chạy ra. Mọi người không hiểu vì chuyện gì vị đầu đà với Nhất Tiếu lại đánh nhau một trận quyết liệt như vậy.

Mã phu nhân tiến lại gần nhà sư quái gở cung kính chào hỏi :

- Bạch đại sư phụ, người quý tính đại danh là gì? Có việc chi dạy bảo, xin cho biết?

Vị đầu đà vội vòng tay đáp lễ :

- Mô Phật. Bần tăng mắc bệnh trí não, xin thí chủ mách cho bần tăng ông thấy thuốc tên là... Quên mất rồi!!!

Nhất Tiếu nói với mẹ :

- Thằng cha sư khùng này đến tên nó còn không nhớ, nó còn nhớ cái khỉ khô gì nữa. Mẹ vô nhà để con đuổi cổ, tống khứ nó đi cho rồi.

Vị đầu đà lúc này nhắm mắt tả mở mắt hữu, nhìn quanh một lượt rồi ngơ ngác nói :

- Không gặp ông thấy thuốc. Bần tăng tìm nhầm nhà rồi. Thôi ta đi đây.

Nói rồi hắn xăm xăm đi thẳng vô trong Vạn Diệu sơn trang, có lẽ hắn nhầm lối đi vô là lối đi ra. Chắc chắn là hắn quên cả lối đi.

Nhất Tiếu chạy theo nói lớn :

- Thằng sư không cạo trọc lãng trí kia. Mi vô nhầm nhà rồi. Đi ra lối này.

Nhưng vị đầu đà rảo bước đi nhanh vô cùng, thẳng tuốt vô trang viện, càng ngày càng đi sâu vào khu hoa viên. Chừng tới khi mọi người chạy theo y thì thấy hắn ta đã đứng trước am thờ Phật.

Hắn lắng tai nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh từ trong ngôi Phật đường vọng ra. Hắn lẩm bẩm nói một mình :

- Đi tới chỗ nào cũng gặp chùa và chiền. Mô Phật. Phật ở cả mười phương. Đây là một ngôi chùa chứ không phải là nhà thầy thuốc. Ta phải làm lễ bái Phật mới được.

Nói rồi, hắn ngồi xếp chân bằng tròn ngay trước thềm, lôi trong bọc ra một cái mõ và một chiếc dùi cây, tay gõ mõ liên hồi miệng tụng bài Dược sư...

Nhất Tiếu và mọi người tới nơi đứng chung quanh. Nhất Tiếu nói :

- Tên trọc có tóc quái gở kia. Đây không phải là nơi gõ mõ tụng kinh làm kinh động tới bá mẫu ta. Mau đứng dậy cút đi, không ta đá cho một “cước” bây giờ.

Tiếng nói của Nhất Tiếu hét lên không kém Trương Phi hét ở cầu Trường Bản, xoáy vào lỗ tai vị đầu đà ngớ ngẩn. Hắn liền nhắm mắt hữu mở mở mắt tả, ngưng tay gõ mõ, quay đầu lại, nhìn mọi người mắng rằng :

- Ta tụng kinh niệm phật, sao các ngươi không quỳ cả xuống mà lại còn to tiếng xấc láo. Ta lại quét cho một chưởng cho về chầu Diêm Vương tất cả bây giờ.

Nhất Tiếu không để vị đầu đà nói dứt lời đã tung cước, nhắm sống lưng, phóng ra một đá... làm hắn ta đánh rớt cả dùi lẫn mõ, tung vọt lên không và rơi ra cách đó hơn chục trượng.

Nhưng lúc rớt xuống, chân chấm đất, vị đầu đà vẫn đứng y nguyên tỏ ra y đã lợi dụng sức mạnh của chân đá, tung mình bay đi, không hề hấn gì.

Hai người xáp lại, giao đấu một hơi năm chục hiếp nữa. Thiệt là buồn cười, trong am thờ Phật vẫn có tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều vọng ra mà ở ngoài sân cỏ thì hai vị sư luôn miệng hò hét, tặng nhau những chưởng mạnh ghê hồn.

Nhất Tiếu đã từng học của Tịnh Hải thiền sư những chiêu tuyệt diệu hòa thêm võ công “tạp lục” tận thu của tất cả các môn phái do Mã Hóa Long tức thân phụ chàng truyền lại, nên chiêu pháp của Nhất Tiếu thay đổi luôn. Nào cú đấm “thiên cân” của phái võ Sơn Đông, cái đá song phi của bậc kiếm sĩ Nga Mi, tài điểm huyệt của Không Động, miếng móc mắt, móc hầu hóc hiểm của Thiền môn, Nhất Tiếu say mạng rượu đều đem ra phô diễn hết thảy.

Nhưng vị đầu đà cũng không kém, mắt nọ nhắm, mắt kia mở thay đổi liên hồi, đảo thân thể nhanh nhẹn hóa giải trong đường tơ kẽ tóc tránh thoát được cả.

Mỗi lần hai người nhảy tới nhảy lui, reo nặng sức áp bàn chân xuống mặt đất, làm chuyển động cả vùng y như sắp có cuộc động đất...

Càng đánh càng hăng... bên tám lạng, bên nửa cân, hai người dồn nhau đến sát cận tới những tảng đá lớn ngổn ngang ven chân núi.

Nhất Tiếu quyết định kết liễu tính mạng vị đầu đà trong một tuyệt chiêu của Thái Dương khí công chưởng và Lôi Đình Chưởng hợp lại, hai quyền nhằm hai vai địch thủ, buông ra một lúc, như vậy tránh tả, hữu thế nào cũng trúng một.

Thế mà vị đầu đà cũng kịp thu mình lộn tròn người chui phía dưới nách Nhất Tiếu thoát ra phía sau, khiến hai nắm tay Nhất Tiếu buông chưởng phóng nhằm tảng đá lớn đứng dựng như vách tường phía trước.

Binh binh hai tiếng vang lên như sấm động, tia lửa và các mảnh đá vụn bắn tung tóe tứ phía. Nhiều mảnh lớn rơi lả tả như búa lớn đập tường vôi cũ.

Nếu vị đầu đà không né tránh mau thì hai vai hắn bị vụn như cám.

Đánh trượt một lúc hai chưởng, Nhất Tiếu xiết bao tức giận, xoay người lại, lưng giáp vách tảng đá. Chàng chưa định tiếp chiêu thì thấy vị đầu đà tóc vàng khè, đầu tai nhọn nhô lên như hai sừng nhỏ, cứ cong người, ngồi chồm hổm như tư thế con ếch nhảy lùi. Mỗi cái nhảy giật lùi lại xa thêm nửa trượng.

Nhất Tiếu ngạc nhiên không hiểu quái đầu đà biểu diễn trò gì? Đó là một thế võ không sách nào dạy và Nhất Tiếu cũng chưa hề trông thấy bao giờ. Trong lúc đang phân vân ngẫm nghĩ thì đột nhiên vị đầu đà như một đầu đạn xẹt đến, nhắm giữa ngực Nhất Tiếu húc đầu vô...

Nói thì chậm, động tác mau lẹ cực điểm, Nhất Tiếu không sao tránh né được...

Hai nắm tay như bị phản ứng “phòng vệ tự nhiên” co về hộ tâm, nhưng một bàn tay vô hình đã túm lấy cổ áo Nhất Tiếu nhấc bổng chàng lên không trung y như người làm trò leo dây rút dù tự bay lên cao...

Một tiếng “ầm” vang động như Chúc Công hồi tiền sử húc đầu làm đổ cột đá dựng trời... cường lực đập vào tảng đá mạnh gấp mười lần hai chưởng của Nhất Tiếu hợp công nãy làm tia lửa xẹt tung tóe...

Tức thời tảng đá bị vỡ toác làm hai mảnh lớn. Trong bụi đá mù mịt, vị đầu đà húc đầu vô tường đá đã nằm chết giấc, dang hai tay trên mặt đất.

Lý Thanh Hoa không biết từ đâu hiện ra, nhẹ nhàng đặt Nhất Tiếu xuống đất. Nhất Tiếu lắc đầu le lưỡi luôn miệng nói rằng :

- Thằng cha “đầu sắt” này húc mạnh dữ đa. Nếu trưởng huynh không cứu em thì em thọ thương rất nặng, bị bể lồng ngực vì thằng sư hổ mang này chứ chẳng chơi.

Giữa lúc đó, từ ngoài cổng sơn trang, Mã Hóa Long tay cầm cây Cổ Độc kiếm và Cao Kỳ Nhất Phương tuốt cây Song Nhạn Thiên Linh, xách kiếm lật đật chạy vô tiếp ứng.

Mọi người thấy Nhất Tiếu vô sự đều khấp khởi vui mừng. Bụi cát tan đi, một mùi thơm ngào ngạt kỳ lạ tự giữa tảng đá lớn xông ra làm người nào ngửi thấy cũng sảng khoái tinh thần. Mọi người nhìn thấy nằm chềnh ềnh giữa đống đá vụn, một cái đẫy mây lớn trong đựng những cành cây, rễ cây, hoa, lá, trái kỳ lạ... hãy còn tươi tốt như mới hái ở trong rừng đem ra.

Vị đầu đà húc đầu quá mạnh vào đá nên nằm thẳng cẳng chết lịm.

Mã Hóa Long cũng như bị một búa bổ vào đầu, làm bật một tia sáng ra khỏi trí nhớ :

- ... Những rễ cây, lá rừng trong lẵng thuốc đó là “dược liệu” của Lão Tiên Ông bạn của Lão Thần Y cất giấu vào giữa tảng đá khoảng mấy năm trước đây. Bây giờ, ngẫu nhiên bị đầu đà húc đầu làm vỡ đá nên phát lộ ra.

Những cây “nhân sâm thành hình” trong thạch băng ngàn năm là vật quý, Mã phu nhân và Lý Thanh Hoa nhận biết ngay.

Ngoài ra còn nhiều kỳ hoa dị thảo khác trong giống như Thiên niên hà thủ ô, song lớn hơn, những cánh hoa như “tuyết liên” song trắng hơn, phục linh nhưng đen hơn, xuyên bối mẫn nhưng thơm hắc hơn... Mã phu nhân giao lẵng thuốc cho Nhất Tiếu đem vào trong am, để trên bệ đá sau tượng đức Phật. Nơi đó không có bụi bậm, cao ráo, sạch sẽ, kín đáo. Những mùi hương lạ từ lẵng thuốc phát tiết ra làm thơm mát cả Phật đường, khiến người ngoài bước vô trong thảy đều tâm hồn lâng lâng, thân thể thoải mái, dễ chịu lạ thường.

Lúc này lão đầu đà hãy còn nằm sõng sượt trên mặt đất, mặt úp sấp, hơi thở thoi thóp, khò khè... Máu từ nơi rạn nứt giữa đỉnh đầu đã bắt đầu rỉ ra đỏ lòm, làm mớ tóc vàng hoa đã biến thành màu huyết dụ. Thương hại, Mã phu nhân lấy cao “chỉ huyết” bôi vào vết thương và khiến Lý Thanh Hoa cạy răng, đổ thuốc an thần vào miệng hắn, rồi khiêng thân thể đẫy đà của hắn vào đặt nằm trong tịnh xá dành riêng cho các bệnh nhân.

Từ nay, Mã phu nhân tạm đóng vai lương y để chẩn và trị bệnh, còn nơi sơn trang hẻo lánh này lại thành nơi dưỡng đường của những cao thủ võ lâm đầy hành vi quái dị.

Cảnh yên tĩnh ở lại với nơi sơn trang. Mọi người xúm quanh hai con ngựa kéo theo sau hai cáng gỗ làm bằng cành cây phủ lá, trên đặt những thú rừng săn được buổi sớm ngày.

Rừng sâu không thiếu dã thú. Mã Hóa Long và Thất Tình Tú Sĩ lại là hai nhà liệp hộ tài giỏi phi thường. Hai người đã hạ hai con lợn rừng rất lớn, một nai tơ, một hươu vàng đốm trắng cặp lộc còn nhung tươi, một xâu ngỗng trời, con nào con nấy cũng mập, nặng chục cân.

Nhưng đặc biệt là khi người trong trang nhấc cành cây đầy lá ra khỏi phiến gỗ ghép thì ông chủ thuyền và gia đình các người làm công của ông đều reo to :

- Trời ơi. Bắt được nhiều lươn suối thế?

Đã lâu, những người theo nghề tổ truyền sống trên sông nước theo Mã phu nhân đến đây, họ thèm muốn tôm cá cua lươn hơn là những món sơn hào trên núi trong rừng. Họ thèm chút món ăn tanh tươi. Bây giờ thấy những con lươn lớn dài, mập vàng óng, tránh sao khỏi thích chí.

Thế là họ xúm nhau lại, mang những con lươn dài, bự vô khu nhà bếp. Họ cũng biết tài câu lươn bằng sợi cước buộc con dế nhũi câu nhử lôi được con lươn từ trong hốc bên suối ra phải là công lao lớn của anh chàng... “thất vọng vì tình”. Mã Hóa Long lão gia không thể nhẫn nại được như vậy.

Rồi bọn người cũng không quên lôi kéo chàng hỏa đầu trưởng trứ danh của sơn trang vô bếp để nhờ chàng... chỉ dẫn kỹ thuật nấu nướng sao cho món nhậu này được “lên hương” cho con tỳ con vị nhảy nhót trong bụng.

Người bàn làm món này. Kẻ bàn làm món khác. Thật là vui vẻ quá đỗi. Tiểu Bạch cũng ngồi trong đám, nàng nghe mọi người nói, cũng thích chí vỗ tay reo vang :

- Ha ha. Lươn bọc lá rừng... lươn xào bún tàu mộc nhĩ... Lươn nấu hoa chuối... ha ha! Lẩu lươn ngon hơn, ha ha!

- Vương Nhi tuyệt hảo. Đầu bếp tuyệt hảo.

Nhưng thính lực nàng rất tinh tế, giữa đám đông reo hò, nàng nghe thấy giọng phụ nữ cao niên khàn khàn, có lẽ là phụ nhân một người chân sào của ông chủ thuyền họ Vệ nào đó, càu nhàu nói nhỏ với chồng hay người quyến thuộc :

- Sao lại gọi “người ta” là đầu bếp? Con ông nguyên soái Lý Lăng,... nếu ở triều đình thì chúng ta quỳ mọp cả đám, có đâu được đùa giỡn với “công tử”, con một vị vương gia như thế này?

Giữa tiếng nhiều người reo hò, vui đùa, nàng còn nghe thanh âm khàn khàn đó kể tiếp như sau đây :

- ... Chúng ta phải nấu nướng hầu hạ “người” mới phải, sao lại bắt công tử làm món ăn cho chúng ta ăn? Chúng ta ăn thế nào xong thì thôi? Con nhà chài lưới... miễn no bụng, sống yên ổn là được rồi. Hôm nào, công tử... cũng dậy sớm, cả bà Mã phu nhân nữa. Không những đã chăm lo nhà cửa, ăn uống, đời sống gia đình con cái mình lại còn chăm lo cho cả cái cô tiểu thư... mắt bịt dải lụa trắng ngồi kia nữa? Cô ta đẹp thế mà bị đui cả hai mắt. Tội nghiệp... Công tử yêu cô ta lắm. Chẳng biết cô ta “mù tịt”, có biết gì không?...

Nghe thấy vậy, Tiểu Bạch như bị đổ vào đầu một gáo nước lạnh. Nàng xúc động tâm can. Ngồi lặng yên một giây, Tiểu Bạch mới nói nhỏ với Vương Nhi rằng :

- Anh dẫn em vô bếp. Em muốn giúp đỡ đôi chút công việc, tỉ dụ như ngồi lau đĩa, rửa bát, thái hành, ngắt rau, được không?... Tiểu Bạch muốn làm việc giúp đỡ mọi người chứ không muốn ngồi yên để nhận sự giúp đỡ của người khác.

Vốn có biệt tài “vũ bộ khinh công” do cao thủ đạo pháp ngang bậc tiên gia truyền lại, nàng thoăn thoắt đi đi lại lại trong khu nhà bếp, nhanh nhẹn hơn người sáng mắt, không vấp váp, không làm đổ vỡ.

Mọi người đều lấy làm kinh hãi. Họ cho rằng cô gái có pháp màu kỳ lạ. Vừa rồi còn chống gậy rờ rờ, lần từng bước. Bây giờ, vẫn bịt mắt bằng dải lụa, buông tay ra cô ấy như người khỏi bệnh, tay không cần vịn ai, bước chân không ngượng nghịu, đi băng băng.

Trong nhà bếp, được thêm cô gái đẹp, mọi người làm việc càng hăng hái thêm, thực là vui sống, thực là yêu đời, thực là thân ái.

... Từ nãy, Lý Thanh Hoa vẻ mặt trầm ngâm, tay chống cằm như đương nghĩ một điều gì... chưa giải quyết xong.

Mã phu nhân hỏi con :

- Lý nhi. Có việc gì mà suy nghĩ lung vậy hả?

- Thưa mẹ. Con đương cố nhớ lại một vài điều con đã quên.

Mã phu nhân cười mà rằng :

- Có điều gì quên mà phải nhớ? Thôi, hôm nay mọi người vui vẻ, con để lúc khác hãy suy nghĩ. Lát nữa tụ tập toàn thể, mọi người trong thảo đường để có chỗ rộng rãi, cùng ăn uống chung với nhau. Ăn xong chúng ta sẽ tính chuyện.

Lý Thanh Hoa vâng lời mẫu thân, chàng đứng dậy đi vòng ra phía sau. Chợt trông thấy hai Cẩu đầu quái, cổ buộc dây “bạch ti” luồn vào tảng đá lớn, đương nằm khèo, dựa đầu lên bụng nhau mà ngủ dáng điệu nhàn hạ.

Chàng cởi dây thả lỏng cho chúng được hưởng tự do đôi chút. Chàng chỉ con lợn rừng to lớn đặt nằm sau bếp và nói :

- Đó là món ăn cho hai ngươi. Bắt chước mọi người ăn uống thanh đạm, ta cho thêm rượu cơm. Nếu tuân theo ý ta, sẽ được tự do không bị trói cổ nữa.

Hai “quái” cụp mõm nghe hiểu lời nói vẫy tai (không có đuôi) tỏ ý vui mừng, đi khiêng heo rừng ra bờ suối cạo lông làm thịt như mọi người, không trái phép.

... Trời sập tối, mọi người kéo cả vào thảo đường mới dựng lên, trải chiếu kết bằng cỏ gianh bày món ăn khói thơm nghi ngút, cùng nhau chén tạc chén thù.

Ở dưới thềm, hai quái đã ăn mặc sạch sẽ hơn, ngồi ngay ngắn trước con heo nướng cháy vàng, mỡ heo chảy ra bóng nhẫy, cầm dao sẽ từng miếng thịt lớn bỏ vô miệng nhai tóp tép, để rượu ra bát uống ừng ực, trông có vẻ văn minh tiến bộ, không còn giống “cẩu” ngoạm thịt như trước nữa.

Toán người làm công cho chủ thuyền vừa ăn vừa bàn tán :

- Có lươn lớn thì phải có cá to. Hôm nào tướng công chỉ chỗ bắt lươn cho chúng con tới tìm bắt cá... Ăn lươn nhớ cá.

Thất Tình Tú Sĩ nói :

- Đúng vậy. Nếu đi xuôi dòng suối sẽ tìm được đầm lớn hoặc hồ rộng có tôm cá. Nên đào ao nuôi cá trong trang cho các bác luôn có cá ăn.

- Cá câu được hay kéo lưới bắt lên ăn ngay mới tuyệt ngon. Săn được ngỗng trời vì vùng có nước cách đây không xa. Ngỗng rừng thịt ngon và béo hơn ngỗng nhà.

- Cho tôi xin miếng gan ngỗng... Trời! Tuyệt ngon.

- Lấy thêm hũ rượu ra đây. Uống đi, uống nữa đi để quên hết mọi sự đời.

- Sự đáng nhớ hay đáng quên?

- Như bữa hôm nay, có tiểu thư xuống làm bếp giúp, có rượu, có thịt, có ngỗng, có lươn... thì rất đáng nhớ.

- Nhưng nhớ đến nhà sư tóc vàng húc đầu vào đá thì lại... rất nên quên.

Tiểu Bạch bỗng nhiên đặt câu hỏi :

- Trong lúc đôi bên giao đấu tôi nghe “chưởng phong” biết vị đầu đà võ công vào bậc thượng thừa. Đã luyện được “thiết đầu”, lúc húc vào đá khối thì vận hết nội lực. Giá phóng thạch khối không vỡ thì cương khí sẽ đẩy mình lại phía sau, có hề hấn gì? Tôi không hiểu y biết dụng chiêu “Kim Ngưu Phá Thạch” mà lại bị bể đầu nứt sọ đến chết giấc thì thật là... khó hiểu và tức cười thực?

Mã Hóa Long :

- Có lẽ tại hắn luyện võ theo “tà giáo” nên khi húc vô tảng đá, không ngờ có linh dược dấu kín ở trong cả chục năm. Linh khí kỵ tà khí nên đầu đà càng húc mạnh, càng tiêu hao nội lực bị thọ thương.

Nhất Tiếu cãi lại :

- Không phải vậy đâu. Chẳng có gì “chính”, chẳng có gì “tà” cả. Theo ý con, thằng chả bỗng chốc nó nhớ, bỗng chốc nó quên phắt đi. Lúc nó định húc đầu vào ngực con, nó vận hết khí lên cái đầu sắt. Chừng tới khi đã phóng đầu hắn tới thì trong chớp mắt... anh con đã nhấc bổng con lên cao. Nó không nhìn thấy “mục tiêu tấn công” của nó nữa. Nó đãng trí quên là sau lưng con còn tảng đá. Nó quên “tiếp tục” vận khí nên lúc đầu nó đụng phải tảng đá... nó bị bể đầu. Chắc trước đây, nó hay hăng tiết vịt “húc” mạnh lắm. Húc mạnh nhiều thì long óc, nên đâm ra lãng trí, lúc nhớ lúc quên. Đương quên lại nhớ, đương nhớ bỗng quên cho nên mới xảy ra như vậy.

Mọi người nghe Nhất Tiếu nói có lý, cười ồ tán thưởng câu nói nhiều... ý vị.

Lý Thanh Hoa trêu cợt Tiểu Bạch bằng cách hỏi Vương Nhi :

- Còn Vương đệ ăn cái... “tát” yêu... hôm nọ, còn “nhớ” hay quên?

Vương Nhi và Tiểu Bạch có vẻ mắc cỡ cúi gầm mặt xuống.

Lúc này Mã phu nhân mới hỏi :

- Còn Lý nhi hồi chiều ngồi tay chống cằm, ngẫm nghĩ việc chi vậy? Hay nghĩ không có ai... “tát” mình?

Lý Thanh Hoa không cười, trầm ngâm nghĩ ngợi giây lâu, rồi mới nói lẩm bẩm một mình :

- Đúng rồi! Nhớ ra rồi!... Trước kia lão dị nhân giấu lẵng thuốc vào giữa tảng đá, ông ta có cầm cây gậy trúc khua động trong một hốc đá, moi lấy lên một hộp gỗ sơn màu đen hình chữ nhật... trông giống như cái tráp thuốc của mọi lang y. Sau đó, lão dị nhân có đọc có viết trên giấy những gì rồi lại bỏ vô trong lỗ hốc đá. Không biết mẹ có nhớ như vậy không?

Mã Hóa Long và Mã phu nhân như ở trong giấc mơ mới tỉnh ngơ ngẩn không biết đáp sao?

Ông đánh rớt đôi đũa cầm trên tay lúc nào không biết. Ông nói lớn :

- Phải rồi. Đã lâu quá mình quên khuấy đi mất. Lão dị nhân có lấy một tráp gỗ trong hốc đá ra, có viết giấy bỏ vô trong lỗ hổng. Nhưng bây giờ, biết đâu mà tìm?

Mã phu nhân cũng than thở :

- Đã mấy năm qua, biết bao “vật đổi sao dời”. Tìm được tờ giấy đó là cả một công phu. Trong giấy viết gì? Chắc có nhiều điều liên quan đến lẵng dược liệu kia, rất là bổ ích cho ta lắm... Nhưng bây giờ đã tối trời, chưa cần phải tìm cấp tốc. Để tới sáng mai, chúng ta sẽ ra phía sau, gần chân núi tìm xem hốc đá ở đâu? Lão dị nhân là bậc siêu phàm, ông đã nghĩ ra sự cất giấu dược liệu vào giữa tảng đá thì lúc bỏ phong thư vô hốc đá, ông đã có định kiến ký hiệu chứ không sai?

Mọi người đương nói chuyện với nhau trong thảo đường thì có tiếng người lạ la hét ở ngoài cổng sơn trang.

Nhất Tiếu lanh lẹ phóng mình chạy ra trước coi xem sao?

Mã Hóa Long cũng bực tức, đặt bát rượu còn đầy xuống chiếu, miệng nối :

- Không ổn. Lại có việc không an rồi...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.