Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 5: Chương 5




Từ sáng sớm ngày 13 tháng 12 năm 1937, nhà thờ Wilson trên thực tế đã mất đi tính trung lập. Cô Thư Quyên của tôi cùng mười lăm nữ sinh không hề nghĩ rằng khi linh mục Engman đã đón các cô từ bến sông về nhà thờ, trong khi các cô mệt rũ người lăn ra ngủ li bì thì một người lính Trung Quốc đã lén trèo qua tường và trốn trong ngôi mộ của nhà thờ. Người này là một thiếu tá hai mươi chín tuổi trung đoàn phó trung đoàn 2 sư đoàn 73 Quốc quân.(5)

Cô tôi nói với tôi rằng viên thiếu tá họ Đới là “người lính bẩm sinh”, “làm người lính vì lý tưởng chứ không phải vì miếng cơm”. Thiếu tá Đới rất khôi ngô tuấn tú, tôi tưởng tượng thế. Vì lý tưởng khiến người ta có khí chất, khí chất tạo nên vẻ đẹp đàn ông hơn cả mặt mũi. Chất đàn ông đó được đàn bà ưa chuộng, tất nhiên cô Thư Quyên của tôi, người đang khao khát được người đàn ông che chở không thể thờ ơ. Đơn vị bộ đội mà thiếu tá Đới phục vụ là sư đoàn tinh nhuệ mà Tưởng Giới Thạch dùng để tác chiến với quân Nhật ở Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch có ba sư đoàn đều tinh nhuệ như sư đoàn 73, đó là những viên ngọc trong tay ông ta. Tổng cố vấn của ba sư đoàn là tướng Falkenhausen(6), một quý tộc Đức hiền hòa, không đậm tính cách Đức. Trong một tuần hầu như đơn vị của thiếu tá Đới đã đẩy quân Nhật xuống sông Hoàng Phố.

Sẩm tối ngày 12, thiếu tá Đới còn muốn cùng nửa tiểu đoàn tử thủ tại các lô cốt trên đường Trung Sơn. Khi trời tối, rất đông quan binh chạy về phía bờ sông. Từ những câu nói theo giọng địa phương của họ, anh hiểu đại khái là: Buổi chiều, tư lệnh Đường triệu tập hội nghị sĩ quan cao cấp quyết định toàn tuyến rút lui về phía bờ sông, lệnh rút lui đã được truyền đạt một giờ đồng hồ trước đây.

Đới Đào cho rằng không thể như thế được. Nhân viên bộ đàm của anh ta không nhận được bất kỳ lệnh rút lui nào. Nếu sư đoàn tinh nhuệ của anh ta không tuân lệnh rút quân thì đội quân tạp nham nói tiếng man di làm sao có thể tự ý vứt vũ khí chôn trang bị mà rút lui?

Tiếp theo là cuộc đàm phán, chửi rủa và bắn nhau xung quanh chuyện rút và không rút. Tất nhiên, trong hồ sơ quân sự thì đó là chuyện “bắn nhầm”. Một đại đội trưởng dưới quyền Đới Đào bị đại quân rút lui xô ngã, đại đội trưởng đứng dậy nã một phát đạn vào kẻ đẩy anh ta. Binh lính được lệnh tử thủ lập tức chia rẽ làm hai, phần lớn bị làn sóng người rút lui cuốn đi. Còn lại hơn hai chục quan quân dựa vào vũ khí của mình bắt đầu nổ súng vào đại quân đang rút lui, những người đã vứt hết vũ khí. Bắn đến năm sáu phút, bên rút lui trà trộn đi lẫn vào xe tăng xe tải, tranh thủ khi đoàn xe bị lính của Đới Đào chặn lại, đám lính trèo lên xe, bị đẩy xuống, trong mấy phút đó, Đới Đào hiểu tường tận câu nói thua tan tác “không còn mảnh giáp” là thế nào. Đối với anh ta, một người lính con nhà thế gia, ngày tận số của thế giới cũng đen tối đến thế này mà thôi. Anh ta đau đớn ra lệnh ngừng bắn.

Khi anh ta và viên phó quan đến bờ sông thì đã 10 giờ đêm. Từng tấc đất bãi sông đều chật kín những tấm thân tuyệt vọng đầm đìa máu, mép thuyền nào cũng bâu đầy những bàn tay tuyệt vọng. Đới Đào được viên phó quan dẫn đi chỗ này chỗ kia, nghe viên phó quan giới thiệu cấp bậc và phiên hiệu đơn vị cũng chẳng ai thèm nhường đường để đến mấy chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng. Đến 1 giờ sáng, số người muốn lên thuyền nhiều gấp mấy chục lần sức chở, những bàn tay bám vào mạn thuyền bằng sức lực vượt quá giới hạn con người vẫn cứ bám đó. Chủ thuyền bèn lấy rìu nhằm những ngón tay mà chặt.

Đới Đào chẳng muốn mất công thêm nữa.

3 giờ sáng. Lềnh bềnh trên mặt sông không chỉ có ca nô thuyền buồm mà còn cả chậu gỗ, thùng gỗ, bàn giặt(7). Con người tuyệt vọng đến mức này sẽ trở nên lẩn thẩn, cái bàn giặt mà được sử dụng để vượt Trường Giang đầy hung hiểm, để đến được bờ bên kia! Đới Đào phỏng đoán những người đầu tiên dùng cách này qua sông đã bỏ mình dưới lớp sóng cồn ngày đông tháng giá rồi. Anh ta và viên phó quan chen ngược trở lại.

Khi viên phó quan tách ra khỏi anh ta thì đã 4 giờ sáng. Bờ sông vẫn đông nghịt lính và dân thường. Một người lính chửi bới om sòm bám chặt lấy chiếc áo vá chằng vá đụp của một người dân, người này chân đi đất, mặt mũi tím tái vì rét cũng chửi bới om sòm giữ chặt chiếc áo nhất định không chịu đổi lấy chiếc áo bông quân phục ấm áp. Đới Đào mắng người lính nọ, anh này như không nghe thấy gì. Đới Đào chỉ còn năm viên đạn, giả sử anh ta không tiếc một viên thì người lính định hóa trang thành người bán hàng kia sẽ là vật hy sinh của một vụ “bắn nhầm” rồi.

Đới Đào đi mò mẫm trong ngõ nhỏ. Những ngôi nhà chưa đổ đều khóa cửa. Một ngôi nhà có vườn, nhà sập một nửa, cửa trước cháy thành than. Đới Đào bước vào, hành lang treo đầy những xâu khoai lang chưa khô hẳn. Anh ta tháo hết xuống nhét vào túi.

Dựa theo bản đồ thành phố Nam Kinh trong trí nhớ, anh ta chạy về phía đông. Bọn địch thường từ phía đông đến, nếu anh ta có thể luồn vào phía sau địch, vào những thôn làng đã bị chiếm thì có thể dựa vào hoàn cảnh đất rộng người thưa, địch ở chỗ sáng ta ở chỗ tối mà sống sót được. Ở đó sẽ tính tiếp. Làm người lính không chỉ dựa vào tri thức và kinh nghiệm mà còn phải dựa vào mệnh trời. Thiếu tá hai mươi chín tuổi là trẻ, về mệnh trời như vậy là lên nhanh so với các bạn tốt nghiệp cùng lứa ở trường quân sự Bảo Định. Anh ta nghĩ luồn vào phía sau lưng địch là mệnh trời chỉ vẽ cho mình, cho dù đó là một ý nghĩ phiêu lưu liều lĩnh.

Vào khoảng năm giờ sáng Đới Đào gặp tốp lính Nhật phá thành vào đầu tiên. Tốp nhỏ này có vẻ như vào thành kiếm ăn, nhà nào không kiếm được gì thì chúng đốt. Cứ như thế chúng tiến dần đến khu vườn Đới Đào đang ẩn nấp. Lùi mãi đến cái vườn cuối cùng, phát hiện tốp lính chỉ có bảy, tám tên, anh ta ngứa ngáy. Có thể giải quyết chúng bằng hai trái lựu đạn. Một trận có thể đánh được mà không đánh là một thằng ngu. Đới Đào sờ hai quả lựu đạn gài ở sau lưng do dự, không biết có đáng không. Một người lính phải có tri thức, có kinh nghiệm, có mệnh trời phù hộ nhưng cũng phải có tinh thần nữa. Cái máu trả hận trận đánh ở Thượng Hải bốc lên rồi.

Tim đập thình thình, anh ta nấp trong ngôi nhà sau vườn. Ngoài cửa sổ là một cái ngõ nhỏ, cửa sổ đã được anh ta mở ra, chỉ cần hai giây là vọt ra được. Lúc này anh ta hăng lắm, cái cục hận mất thành Nam Kinh không còn nữa.

Tốp lính Nhật hiện ra. Đới Đào một tay cầm súng lục, răng cắn chốt lựu đạn, giật, đếm nhẩm đến ba, bốn, anh ta ném nhẹ ra. Anh ta muốn chút ít thuốc nổ đó không được để phí, cho nên lựu đạn phải nổ ở vị trí đích đáng nhất. Vừa ném đi anh ta lập tức né mình lao đến ô cửa sổ. Người lính chăm chỉ luyện tập đã được hưởng thành quả, anh ta vọt qua ô cửa không đến hai giây, nháy mắt đã rơi xuống chân tường.

Phải nhận rằng lính Nhật được huấn luyện cũng không tồi, hai tên không bị thương vong lập tức áp sát cửa sổ. Đạn bắn vào cây vào tường chan chát, lát sau Đới Đào phát hiện tay trái trúng đạn.

Trước mắt anh ta là một bức tường cao, ánh lửa gần đó hắt lên cây thập tự trên nóc tòa nhà sau bức tường. Anh ta nhớ ra đây là một nhà thờ Mỹ. Đới Đào lập tức quyết định leo lên cây ngô đồng vào nhà thờ, cành cây chi chít vừa chỗ đặt chân nhưng mỗi lần vươn mình thì vết thương lại tóe máu.

Leo lên mép tường anh ta thấy bảy, tám cái giá chữ thập. Đây là khu mộ, mấy cây bách và một ít cây đông thanh(8), anh ta nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ như cái miếu bèn chui nhanh vào cái cổng vòm, ngồi xuống cởi cúc áo, lấy trong túi dết ra gói cứu thương. Anh ta nắn vết thương, đoán chắc là bên trong không có đạn, thấy nhẹ người, bây giờ phải nghĩ chuyện cầm máu. Chiếc áo bông đẫm máu đã đông cứng như tấm sắt, vừa lạnh vừa nặng.

Đới Đào băng chặt vết thương, rét quá răng đánh lập cập như muốn vỡ ra. Cái miếu tây là chiếc hầm mộ nhỏ như đồ chơi làm rất tinh vi. Anh ta nghĩ chết ở đây được hưởng ân huệ của người chết vô thừa nhận.

Đến sáng, anh ta mới biết mình đã ngủ một giấc.

Anh ta nghe thấy tiếng một đám con gái léo nhéo. Tính nhẩm hôm nay là 13 tháng 12 năm 1937. Sao mà ở đây lắm con gái thế?

Trời sáng hẳn, Đới Đào quyết định ở trong ngôi mộ để dưỡng thương, có gì ăn nấy.

Anh ta trốn trong nhà thờ Wilson hai ngày, chẳng ai thấy anh ta nhưng anh ta thấy tất cả, chẳng sót một ai kể cả cô Thư Quyên của tôi và các bạn. Ban đêm cũng không hề rảnh rỗi, anh ta lặng lẽ như con mèo rừng đi thám thính khắp phần đất nhà thờ, anh ta bám bên ngoài lỗ thông hơi trên hầm của đám đàn bà Tần Hoài hàng nửa giờ, nhớ kỹ từng khuôn mặt của họ.

Mấy xâu khoai khô và bể nước rửa tội nuôi sống anh ta hai ngày. Anh ta hiểu rằng đây là ngôi nhà thờ sơn cùng thủy tận, nếu không có mớ khoai sống thì cái mạng nhặt được trước mũi súng lính Nhật cũng tiêu ma vì đói.

Chú thích:

(5) Quân đội của chính phủ Trung Hoa dân quốc, do Quốc Dân Đảng nắm giữ - ND.

(6) Alexander Ernst Alfred Hermann von Falkenhausen (1878-1966) – ND.

(7) Tấm gỗ dài rộng vài tấc có khía rãnh, thường gác trong mép chậu giặt để vò xát quần áo – ND.

(8) Một loài cây lá nhỏ, xanh cả trong mùa đông, thường được tròng làm tường ngăn vườn cảnh – ND.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.