Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 126: Chương 126: Thành phố Gotham (6)




Có vẻ khách sạn Huệ Xuân đã muốn kinh doanh chung với cửa hàng bán đồ ăn nhanh nhà Mỹ Đường từ lâu, đúng dịp hôm nay Mỹ Đường dẫn bạn đến cửa tìm chỗ nghỉ chân, thế là ông ta lập tức cho các cô căn phòng tốt nhất, còn giảm giá cộng thêm rất nhiều ưu đãi; lại nhân cơ hội này nói đến chuyện chính với Mỹ Đường, mới trò chuyện đó mà đã một tiếng đồng hồ trôi qua.

Từ cửa hàng đồ cổ quay về khách sạn, Mỹ Đường và chủ khách sạn Huệ Xuân vẫn chưa nói chuyện xong. Thấy cô quay về, Mỹ Đường nói với cô là vừa rồi Ceasar có gọi điện đến khách sạn, nói anh ấy sẽ trở lại trong vòng một tiếng nữa, cô muốn đi dạo chợ đêm với cô ấy, hay muốn về khách sạn nghỉ ngợi đợi anh ấy?

Mỹ Đường lo cô bị đói nên cũng không yên lòng bàn chuyện làm ăn với người ta. Hoài Chân lập tức bảo cô cũng có chuyện muốn về phòng trước, Mỹ Đường không cần phải lo cho cô.

Mỹ Đường ái ngại, nghe cô nói xong thì mỉm cười cảm kích.

Chủ khách sạn tháo hai chiếc chìa khóa đồng treo trên đinh móc xuống đưa cho cô, cô để lại một chiếc ở quầy lễ tân cho Ceasar, sau đó xoay người về phòng.

Phòng khách sạn rất lớn, tường trắng, khăn trải giường cũng màu trắng, vật dụng làm từ gỗ đào nên mang lại cảm giác cổ xưa.

Trong thời gian đợi Ceasar, cô ngồi trước bàn lật xem tờ Thời báo New York. Trên đó nào là tin quỹ Rockefeller đã ủng hộ tổng cộng bao nhiêu tiền cho hạng mục này, rồi hội nghị này quan trọng với học sinh thế nào, hội đồng đoàn thể học thuật cũng có cái nhìn ra sao trước lần này, vân vân và mây mây, không có nhiều thông tin hữu dụng lắm. Cô lại đọc mẩu tin khác, thấy có người bình luận về vở “Long Nữ” thế này: “Nội dung vở kịch cũ rích không thú vị, ánh sáng chỉ tập trung vào Hoàng Liễu Sương.”

Đọc báo xong, Hoài Chân vẫn không có chuyện gì để làm. Cô đã học thuộc lòng nội dung bản thảo rồi, bây giờ đọc lại chỉ thêm phần căng thẳng hồi hộp. Nhớ đến đoạn bình luận đó, cô lấy bình mực Ấn Độ ra, muốn viết mấy chữ lên tay nhưng lại sợ viết xấu. Vừa hay trông thấy mấy cây bút lông đặt trong giỏ tre ở trên bàn, cô bèn rút lấy một ngòi; trải giấy nháp lên bàn, dùng bút lông chấm mực.

Hồi đi học ở trường Hiệp Hòa cô vẫn dùng bút lông viết chữ, học chung với đám trẻ mười ba mười bốn tuổi nửa năm, mỗi tuần lễ có ba tiết, học lấy học để. Cuối cùng cũng có thể qua được kỳ thi môn đó, đến bây giờ cũng coi như viết được chữ Khải, miễn cưỡng vẫn có thể nhận ra. Nhưng không biết vì sao cổ tay lại không có lực, viết chữ “hồn” và “phách” nhiều lần nhưng vẫn không được đẹp. Cô viết mãi viết mãi, tới khi không còn nhận ra mấy con chữ xấu xí trên giấy, thì mới mơ mơ màng màng tựa vào cánh tay thiếp ngủ.

Cô không biết vì sao mình lại nằm ngủ trên giường, càng không biết Ceasar quay về khách sạn lúc nào.

Nghe thấy tiếng động, cô lim dim mở mắt, một nụ hôn lành lạnh rơi xuống gáy ngoài cổ áo sơ mi.

Cô lẩm bẩm, “Anh về rồi à?”

Anh ừ một tiếng, lại hỏi cô, “Có đói bụng không? Ông chủ nói em chưa ăn gì, anh đã gọi xuống quầy lễ tân gọi món rồi, lát nữa sẽ đưa đồ ăn gọi bên ngoài đến.”

Cô có cảm giác mình sắp ngủ được một thế kỷ, nhỏm mình ngồi dậy, nửa tỉnh nửa mê có phần mất hứng, “Em không đói.”

Anh đến gần, hôn nhẹ lên trán cô, bảo, “Xin lỗi em.” Rồi anh nói tiếp, “Anh vừa đi gặp cha về.”

Trong phòng chỉ bật mỗi ngọn đèn màu hồng hình quả đào mừng thọ ở trên tường, chiếu sáng đầu giường. Ceasar đến gần hôn cô, rồi lại lùi về sau một bước, ngồi trên chiếc ghế ở trước bàn. Trong phòng rất tối, anh ngồi ngay trong góc khuất, tay chân và gương mặt bị bóng tối bao trùm, bất giác khiến người khác thấy anh rất gầy.

Hoài Chân cảm thấy mình hơi quá đáng, bèn tiến gần lên trước, nửa quỳ nửa ngồi trên giường hỏi anh, “Vẫn thuận lợi cả chứ?”

“Ông ấy kể cho anh một chuyện.”

“Liên quan đến gì?”

Anh không trả lời mà nghiêng đầu đi, nhìn thấy thứ trên bàn thì bỗng bật cười.

Nhìn theo tầm mắt anh, tờ giấy trên bàn chi chít mấy chữ: Long hồn, long hồn hổ phách, hồn, hồn, hồn, phách, phách, phách,…

Ceasar đột nhiên nói, “I know this one.”

Hoài Chân tiến tới, đặt cằm lên vai anh, hỏi, “Cái nào?”

Cô cho rằng sẽ là chữ “long”.

Kết quả anh lại chỉ vào chữ “hồn”.

Hoài Chân ngạc nhiên, bởi vì chữ này rất hiếm gặp đối với người da trắng.

Anh nói tiếp, “Đọc là ‘wan’, có đúng không?”

“Wan” là phát âm của chữ Hồn.*

(*Là phát âm trong tiếng Quảng Đông, không phải tiếng Trung phổthông.)

Hoài Chân giật mình, không ngờ anh thật sự biết nó.

Anh lại bổ sung, “Còn phải thêm một chữ ‘rain’ nữa thì mới thành Vân.”*

(*Trong tiếng Quảng, chữ Hồn/魂 được kết hợp từ chữ ‘vân/云’ và ‘quỷ/鬼’; bỏ chữ ‘quỷ’ thêm chữ ‘vũ/雨’ thì sẽ thành chữ Vân/雲 mà Ceasar nói.)

“Wan” cũng là phát âm tiếng Quảng của chữ Vân.

Hoài Chân sửng sốt, sau đó bật cười: thì ra anh chỉ biết một nửa.

Nghe anh nói xong, Hoài Chân ôm vai anh nằm nhoài lên lưng, cúi thấp người xuống.

Với tư thế này, cô cầm bút viết thêm chữ “Vân” ở sau chữ Hồn, hỏi anh, “Là chữ này sao?”

Anh nói phải.

Sau đó nhận lấy bút trong tay cô, cầm như cầm bút máy, viết hai chữ “Sơn” chồng lên nhau ở sau chữ “Vân”, to gấp đôi chữ “Vân” của cô.

Hoài Chân nghiêng đầu nhìn một lúc, không chắc chắn nói, “Vân xuất, wan ceot?”

Ceasar hỏi cô, “Nó có nghĩa gì?”

“Hai chữ Trung đặt lại cạnh nhau sao?”

“Ừ.”

Hoài Chân không có quá nhiều kiến thức, lục lọi trong đầu một lúc cũng chỉ có thể tìm được hai ba câu thơ, “Em không chắc lắm, cụ thể phải xem hai chữ này đặt trong ngữ cảnh thế nào.”

Anh nói tiếp, “Đây là một cái tên.”

Cô ngẫm nghĩ, “Thanh vân xuất tụ? Vân xuất không sơn hạc tại âm?”

Anh nghe một lúc, hỏi, “Ý là?”

Hoài Chân nói, “Người Trung Quốc rất thích đặt tên từ thơ cổ, giống như các anh thích lấy tên trong các câu chuyện thần thoại hoặc thánh kinh vậy. ‘Wan ceot’ không phải là chữ, cũng không có ý nghĩa đặc biệt, nếu là lấy từ một bài thơ thì có lẽ là mượn ý cảnh của nó thôi. The clouds are coming out, like this.” (Đám mây xuất hiện, đại khái thế.)

Ceasar bật cười, ôm siết eo cô, dễ dàng bế cô ngồi lên đầu gối.

Anh lại quay đầu hôn lên môi cô, khẽ híp mắt nói, “So it is overcast.” (Cho nên đó là ngày không trăng.)

Hoài Chân nhìn anh một lúc, đột nhiên một ý nghĩ vụt qua, hỏi anh, “Whose name is it?” (Tên ai vậy?)

Vẻ mặt buồn rầu, lông mi hơi động, một lúc sau anh mới nói, “It’s mine.” (Của anh.)

Vân Xuất, Vân Xuất, mặc dù rất ít gặp, nhưng lại rất dễ nghe.

Hoài Chân hỏi anh, “Who named you?”

Anh đáp, “My mom.”

Bất chợt tim Hoài Chân dừng nửa nhịp, trong chốc lát tắt tiếng.

Ceasar lại nhìn cô bật cười, như đang khích lệ cô hỏi tiếp vấn đề này.

Cô không xác định nói, “So she is…”

Anh tiếp lời, “A Chinese woman.”

Trong một khoảnh khắc, cô không biết rốt cuộc nên chúc mừng anh hay an ủi anh trước.

“Một ngày không trăng… Đúng là rất giống anh, đúng không?” Anh hỏi ý kiến của cô.

Quan sát nét mặt phiền muộn lại trời sinh hồn nhiên đó một lúc, Hoài Chân lập tức bị những lời này chọc cười.

Anh nhéo mũi cô, “Cười cái gì?”

Cô nghiêm túc hỏi anh, “Anh có thích cái tên này không?”

Anh gật đầu.

Hoài Chân đưa tay cầm lấy bút lông, chấm mực Ấn Độ rồi đưa cho anh, nói, “Anh viết chữ này cho em được không?”

Sau đó cô điều chỉnh tư thế trong ngực anh, cởi hai nút áo sơ mi ra, để lộ vùng vai bên trái và xương quai xanh. Cô chỉ vào vị trí xương quai xanh, nói với anh, “Wan, em muốn viết chữ đó vào đây.”

Bả vai gầy gò trần truồng lộ ra, da thịt trắng như tuyết, mơ hồ có thể nhìn thấy mạch máu màu xanh nhạt.

Ceasar do dự.

Cô giải thích, “Đây là xăm Henna, có thể giữ được hai tuần. Làm từ dầu thực vật và thuốc nhuộm thực vật, con gái Ấn Độ dùng nó để vẽ hoa văn lên người, dùng để trừ tà.”

Anh từ chối, “Không được… Anh không viết được chữ Trung.”

Cô nói, “Anh có thể chỉ viết phần bên dưới chữ ‘Vũ’, vì nó cũng là ‘Vân’ mà.”

Anh nhìn bả vai trắng như tuyết của cô, lắc đầu cười bảo, “Để anh thử xem… Viết hỏng cũng đừng giận đấy.”

Hoài Chân nhìn anh vụng về cầm bút, cúi đầu cẩn thận luyện trên giấy mấy lần, thứ tự nét bút không đúng, viết vừa nhanh lại vừa to, nhưng cô không có ý định muốn sửa lại.

Vì để anh thả lỏng, cô thuận tay cầm tờ báo lên đọc một lần.

Rốt cuộc Ceasar cũng đặt bút xuống, viết một cách vô cùng cẩn thận, cũng không biết có phải năm nét bút viết trong vòng mười phút không. Từ góc độ của Hoài Chân thì chỉ nhìn thấy được vầng trán đầy đặn và sống mũi thẳng tắp của anh, Ceasar căng thẳng tới mức đổ đầy mồ hôi.

Trên tay nhồn nhột, không khỏi làm anh gặp khó khăn liên tục, cô cố gắng nín cười không nhúc nhích.

Cuối cùng cũng viết xong nét cuối cùng, Ceasar khẽ ngẩng đầu, nhìn vai trái cô ảo não thở dài.

“Xấu quá.” Anh nói.

Hoài Chân bước xuống khỏi đùi anh, chạy đến trước gương xem chữ.

Rất nhỏ, trông như hoa văn tròn tròn, có điều dù nhìn thế nào cô cũng cảm thấy rất đẹp.

Cô nhón chân, quay đầu lại trước gương, chỉ vào chữ này mà nói với anh, “Em thích lắm.”

Rốt cuộc Ceasar cũng mỉm cười.

Đúng lúc này tiếng gõ cửa vang lên, thức ăn gọi bên ngoài đã được đưa đến. Ceasar đứng dậy, trước khi mở cửa còn nhắc cô, “Mặc áo lại vào đi.”

Cô chớp mắt xoay người lại, đợi mực khô mới cài lại nút áo.

Ceasar vuốt giấy nháp, đặt hộp đồ ăn lên bàn rồi mở ra, mùi canh hầm xương lập tức bốc lên.

Hoài Chân oa lên, “Canh khoai tây cà rốt hầm xương và rau muống xào!”

Anh cười, ngoắc tay nói, “Mau lại đây.”

Hoài Chân đi chân trần chạy đến cạnh anh.

Ceasar kéo ghế gỗ ra cho cô ngồi xuống, còn mình ngồi trên giường sau lưng cô, nghe cô vừa ăn vừa khen, “Hộp cơm này còn ngon hơn tiệm ăn ở San Francisco mà em với chị hay đến nữa đó!”

Ceasar nói, “Anh có hỏi Mỹ Đường rồi.”

Hoài Chân đã đói lắm rồi, chưa tới mười phút đã đánh chén xong nửa bát canh, lúc này mới sực nhớ hỏi Ceasar, “Anh ăn rồi hả?”

Anh gật đầu.

Cũng đúng, cha con lâu ngày không gặp, tất phải ăn một bữa tối chứ.

Cô nghĩ ngợi rồi nói, “Vừa nãy em thấy thông tin đám cưới của Andre với Catherine ở máy bán báo tự động.”

Ceasar bất ngờ, sau đó còn nói chúc mừng bọn họ.

Cô ngạc nhiên, “Anh không biết sao?”

Anh nói, “Không ai báo cho anh biết cả. Có lẽ bọn họ cũng biết nên mời anh đến tham dự hôn lễ với thân phận gì.”

Hoài Chân nói, “Chắc là cha anh không muốn làm anh phân tâm thôi.”

Anh đáp có lẽ là thế.

Hoài Chân còn nói, “Em có chuyện muốn bàn bạc với anh.”

Anh hỏi là gì.

Cô nói, “Em thấy ở cửa hàng đồ cổ dưới lầu có một chiếc ‘Cannon’ nhái kiểu của Paris, năm 1887, chỉ mất mười lăm đô.”

Ceasar ngẫm nghĩ, “Anh biết một nhà bán đấu giá rất tốt, chỉ cần bỏ ra ít phí đại lý là xong, ở bang Washington, ngày mai kết thúc xong xuôi, chúng ta có thể đến hỏi thử.”

Cô vui vẻ hẳn lên.

Ăn no rồi, cô còn muốn nói gì đó với Ceasar, nhưng vừa quay đầu thì đột nhiên thấy anh cũng đang nhìn mình, ánh mắt dịu dàng trìu mến.

Nhất thời Hoài Chân quên mất mình muốn nói gì, dùng khăn giấy lau miệng, hỏi anh, “Anh vẫn nhìn em như thế nãy giờ à?”

Anh nói, “Em cũng viết cho anh mấy chữ được không?”

Cô hỏi anh muốn viết chữ gì.

Anh nói, “Anh không biết nhiều về chữ Hán lắm.”

Hoài? Chân? Xuất? Hình như chữ nào nghe cũng ngớ ngẩn.

Cô đỡ lưng ghế trầm tư, sau đó hỏi anh, “Viết ở đâu?”

Ceasar nằm ngửa trên giường, nghe cô hỏi thế thì lập tức trở mình, chỉ ra sau cổ.

Cô dùng giọng rất không thỏa mãn nói, “Được.”

Sau gáy không phải là vị trí lý tưởng cô muốn viết.

Ceasar cười, “Em muốn viết ở đâu?”

Cô dùng bút lông chấm mực, chột dạ nói lớn, “I don’t know!”

Dứt lời, cô nhảy lên giường ngồi bên hông anh, rất không thục nữ kéo cổ áo anh xuống.

Ceasar khẽ thốt lên, anh nằm trên cánh tay, nheo mắt cười nói, “Em đang bất mãn.”

Cô nói, “Đúng thế.”

Anh nói, “Có lẽ để hôm khác vậy.”

Cô hỏi, “Hôm khác là hôm nào?”

Cô đưa đầu đến trên xương vai anh, từ tốn viết xuống dưới cổ một chữ mà cô vừa luyện rất nhiều lần ban nãy.

Rồi cô ngẩng đầu quan sát, cũng không tệ chút nào.

Cô bước xuống khỏi người anh, vỗ vai anh nói xong rồi.

Ceasar đứng dậy, đưa lưng về phía tủ gương, liếc nhìn chữ kia, “Đây là chữ gì?”

Hoài Chân đáp, “Gwai.”

Anh lặp lại, “Quỷ?”

Cô gật đầu.

Cô bước xuống giường, đứng sóng vai với anh trước gương, “The combination of Wan and Gwai is Wan. Wan means Soul.”

Anh không hiểu.

Cô nói, “Chữ này không đọc là ‘Vân’, đọc là ‘Hồn’, hồn trong linh hồn.”

Ceasar liếc nhìn hai chữ trong gương, chậm rãi nói, “Anh nghĩ anh đã hiểu ý em rồi.”

Mực thực vật dần khô, hai người vào phòng tắm rửa nó đi, nhân tiện tắm luôn.

Hoài Chân tắm xong trước, mặc đồ ngủ chui vào trong chăn, đã sắp mười giờ rồi.

Cô chỉ để lại mỗi một ngọn đèn, Ceasar nhanh chóng ra khỏi phòng tắm, mang theo mùi đàn hương ấm áp, từ phía sau kéo cô vào lòng.

Hoài Chân đột nhiên nghĩ tới điều gì đó, “Em vẫn chưa hỏi anh, ‘Vân Xuất’ mang họ gì, Muh, Cea?”

Anh vùi mặt vào đầu vai cô, nhẹ nhàng đáp, “Phó.”

Cô hỏi, “Mẹ anh mang họ Phó hả?”

Anh ừ một tiếng.

Phó Vân Xuất.

Hoài Chân nhẩm theo một lần, “Tên dễ nghe quá… Nhất định bà ấy đã đọc rất nhiều sách.”

Anh đột nhiên bật cười, nói, “Bà ấy chưa từng đọc sách.”

Hoài Chân hồ nghi.

Còn chưa kịp hỏi gì, thì cô dần cảm thấy đầu vai nóng lên.

Hoài Chân đưa tay mò lấy bàn tay đặt trên bụng mình, nắm chặt tay anh không nói gì.

Mười giờ tối là thời điểm phố người Hoa náo nhiệt nhất. Ánh đèn từ đèn lồng và quầy bán đồ ăn nhẹ lọt qua tấm rèm bằng vải lanh màu ngọc lam chiếu vào bên trong, tiếng người ồn ào huyên náo được cánh cửa hạ xuống một âm lượng, nghe mông lung mơ hồ lại độc nhất, như thể có người xếp mười chiếc radio phát ra âm thanh rôm rả ở ngoài ban công. Cảnh huyên náo ban đêm càng khiến thế giới trong phòng trở nên vô cùng yên tĩnh.

Cái tên này có lai lịch khá đơn giản. Ceasar đã sớm biết từ lâu.

Chỉ là trong chớp mắt đó, chợt anh nhớ lại lúc Harold nói ra những lời này, trên mặt ông là nụ cười bất đắc dĩ.

Câu chuyện kia đã được phủ bụi quá lâu, cũng vì đã quá lâu và không chân thật, nên mới trở thành chuyện nhỏ nhặt không đáng kể. Có người định dùng cách thức ghép nối khác để làm biến dạng hình dáng ban đầu của nó, nhưng khi hợp mọi dấu vết vỡ vụn lại thì vẫn có thể lần ra dáng hình.

Giống như những lần Arthur cùng bạn cũ nhắc đến phương Đông – chiến lợi phẩm của mình, thì bọn họ sẽ luôn nhắc tới đàn bà phương Đông. Trong mắt họ, một người đàn bà châu Á chỉ có thể là chiến lợi phẩm thu nạp từ trong tay kẻ thất bại. Bọn họ có thể đến từ tay người tình da trắng của mình, nhiều nhất chỉ có thể có một hoặc hai đứa con ngoài giá thú của người đó. Thuộc địa Nam Dương chưa bao giờ thiếu phụ nữ phải chịu hy sinh và các đứa con của mình. Hương Cảng ở Viễn Đông lại có quá nhiều đứa trẻ bị vứt bỏ, không có bất cứ thứ gì để biết được cha mẹ mình là ai.

A Đàn cũng là một trong số đó.

“Bà ấy không biết chữ, không có tên họ đầy đủ, chỉ biết mẹ mình mang họ Phó. Nên khi cha bảo bà ấy đặt cho con một cái tên tiếng Trung, bà ấy đã phải vắt óc suy nghĩ suốt nửa năm. Cho đến sáng sớm mùa đông khi con ra đời. Đó là một ngày mùa đông trời đẹp hiếm thấy, mặt trời ban trưa sáng rực, mây xuất hiện… Đây chính là cái tên bà ấy chọn cho con, gọi là Vân Xuất.”

__

Qin: Chương này beta thì nhanh nhưng suy nghĩ phải chú thích thế nào cho dễ hiểu mà lại ngắn gọn, kết quả mất gần 30′ mới xong. @[email protected] Hy vọng mọi người không bị lẫn lộn giữa chữ Hồn với Vân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.