Nam Cung Nhượng cười nói: “Sao con ta bỗng nhiên muốn đến Hoằng Văn Quán thế này? Phụ hoàng nhớ rõ ngươi là đứa không thích đọc sách nhất cơ mà.”
Nam Cung Tĩnh Nữ thấy Cát Nhã cũng mỉm cười thì vô cùng quẫn bách: “Kẻ sĩ ba ngày không gặp đều khiến người ta nhìn bằng con mắt khác, trước kia là nữ nhi chưa nhận ra sách kỳ diệu đến như vậy.”
“Tốt, con ta có tiến bộ. Trẫm đặc biệt cho phép ngươi lấy bất cứ sách nào ngươi thích về phủ.”
“Tạ phụ hoàng, nhi thần cáo lui.”
“Đi đi.”
Nam Cung Tĩnh Nữ vừa đi, Nam Cung Nhượng lập tức lộ ra một chút mệt mỏi.
Chơi đùa với Cát Nhã nửa ngày, hắn cũng đã hơi đuối sức.
Rốt cuộc thì hắn đã không còn trẻ nữa, nhưng khi trông thấy dáng vẻ đầy sức sống của Cát Nhã thì hắn vẫn có chút không cam lòng. Hắn cầm lấy khăn tay mà Tứ Cửu đưa cho, lau mồ hôi: “Hôm nay trẫm nhất định phải thắng ngươi.”
Cát Nhã mỉm cười xinh đẹp, kéo lấy tay Nam Cung Nhượng: “Bệ hạ đứng đầu thiên hạ, ta phải thắng vài lần thì mới có thể xứng đôi với người chứ?”
Nam Cung Nhượng sang sảng nở nụ cười: Tuy lễ tiết của Nhã phi hơi kém một chút, nhưng suy nghĩ lại rất thông minh.
“Bệ hạ dựa vào giường nhỏ một lát đi, để ta đấm đấm cho người.”
“Được.”
Cát Nhã dịu dàng xoa bóp bả vai cho Nam Cung Nhượng, nhẹ giọng nói: “Nghe danh không bằng gặp mặt, vị Trăn Trăn công chúa này quả nhiên là danh bất hư truyền.”
“Ồ? Cớ sao lại nói thế?”
“Bệ hạ có điều không biết, ta đã nghe qua danh hào của Trăn Trăn công chúa trước khi vào cung rất lâu. Hôm nay gặp mặt, công chúa không những tự nhiên hào phóng mà giơ tay nhấc chân đều có tư thái oai hùng, ánh mắt thì cực kỳ giống với bệ hạ. Tuy chưa nói với nhau được mấy câu, nhưng ta thật sự rất muốn kết làm bằng hữu với nàng ấy.”
Ánh mắt Nam Cung Nhượng toát ra sự từ ái: “Tĩnh Nữ lớn lên trong vòng tay của trẫm, trẫm rất ít khi dùng cung quy câu nệ nàng nên tính tình nàng cũng hoàn toàn bất đồng với những nữ nhi khác của trẫm. Ngươi thật sự có nhãn lực tốt.”
“Ta nghe nói còn có một vị công chúa trạc tuổi với ta đúng không?”
“Ồ...ngươi muốn nói tới Xu Nữ sao?”
Cát Nhã đúng lúc than nhẹ một tiếng, Nam Cung Nhượng bắt lấy bàn tay ngọc nhỏ dài của đối phương và nắm chặt ở trong tay thưởng thức: “Cớ gì thở dài?”
“Tòa cung điện bệ hạ ban cho ta chỗ nào cũng tốt, chỉ là có chút quạnh quẽ.”
“Không phải trẫm thường ở bên cạnh ngươi sao?”
“Bệ hạ là chủ nhân của thiên hạ, luôn có lúc bận rộn không xuể.”
“Mỹ nhân có ý gì?”
“Ta muốn cầu bệ hạ đồng ý với ta một việc.”
“Nói trẫm nghe xem nào.”
“Ta và Trăn Trăn công chúa nhất kiến như cố, cầu bệ hạ cho phép ta thỉnh thoảng tới chơi với nàng.”
Nam Cung Nhượng nhíu mày, trầm ngâm nói: “Tĩnh Nữ là đích nữ duy nhất của trẫm, huống hồ đã đại hôn lập phủ. Vài ngày trước đó, tẩm cung của nàng bị hoả hoạn, hồi cung cũng không có chỗ đặt chân, ngay cả trẫm cũng không nỡ dằn vặt để nàng luôn vào cung. Không bằng như vậy đi, Nhị công chúa Xu Nữ tính tình ôn hòa, tuổi lại xấp xỉ với ngươi. Nếu như trẫm không rảnh rỗi, ngươi có thể tự mình tuyên nàng vào cung với ngươi.”
“Tạ bệ hạ.”
- --
Nam Cung Tĩnh Nữ bước vào Hoằng Văn Quán, đi thẳng đến nơi để sách cung lễ, lệ luật.
Nàng không ngờ sách về phương diện này lại có tới mười mấy bản, nàng lật sách nửa canh giờ mới tìm thấy chỗ mình muốn tìm.
Từ tiền triều, phò mã và công chúa phải sống ở phủ đệ của riêng mình sau khi thành hôn, nếu không có chiếu thì phò mã không được bước vào phủ đệ của công chúa.
Vào mùng một và mùng mười lăm mỗi tháng, ngày lễ hay ngày sinh thần của công chúa, phò mã muốn đến thì phải bẩm báo trước, chỉ được vào phủ bái kiến khi có công chúa chấp thuận.
Công chúa muốn chiêu hạnh phò mã thì phải treo đèn đỏ ở ngoài cửa điện trước. Tư lễ cô cô thấy đèn đỏ thì sẽ bảo gia đinh truyền phò mã vào phủ qua đêm, còn phải ghi lại số lần công chúa phủ cầm đèn, nộp cho Nội đình ty theo định kỳ.
- --
Nam Cung Tĩnh Nữ nhíu mày, tiếp tục nhìn xuống phía dưới, đoạn kế tiếp làm mặt nàng đỏ bừng.
Vào đêm trước khi phò mã và công chúa đại hôn, Nội đình ty sẽ sai một cung tì còn là xử nữ, phẩm mạo đoan chính, thân thể khỏe mạnh, tuổi tác vừa phải để cùng phò mã làm việc hòa hợp, gọi là: Thí hôn tì.
Ngày kế, thí hôn tì phải trình báo biểu hiện của phò mã đêm qua cho Nội đình ty, cũng gả làm thiếp của phò mã...
Nếu công chúa không có con, thiếp thất cần phải uống thuốc tránh thai sau khi thị tẩm, ngoài ý muốn thụ thai thì phải uống hồng hoa để phá thai.
Nếu thiếp thất có thai mà giấu giếm không báo, mẫu tử hai người đều phải chịu thủy hình; phò mã thương tình không báo thì phải chịu hai mươi đình trượng.
Đến khi công chúa sinh hạ đích tử, thiếp thất mới có thể ngưng dùng thuốc tránh thai...
Nếu đã qua tuổi bốn mươi mà công chúa vẫn không có con thì phò mã có thể xin công chúa cho phép thiếp thất thụ thai. Nếu không được cho phép, vậy thì vẫn theo cung quy.
Hoặc có thể bỏ mẹ lấy con...
Một hàng chữ nhỏ đỏ thắm được viết thêm vào chỗ cuối đoạn văn: Năm Thiên Cùng thứ hai, đế vương tự mình sửa chế độ cũ, huỷ bỏ Tư lễ cô cô và chức thí hôn tỳ.
“Năm Thiên Cùng thứ hai? Đây không phải là năm bản cung sinh ra sao?”
Niên hiệu khi Nam Cung Nhượng đăng cơ là “Thiên Cùng“. Chỉ sau khi bình định thảo nguyên, được quần thần kiến nghị đến Thái Sơn cúng tế trời đất, hắn mới sửa niên hiệu thành “Cảnh Gia“.
Nam Cung Tĩnh Nữ buông quyển sách xuống, có chút buồn bã: Thì ra là thực sự có cung quy như vậy, sau này nàng không thể gặp người nọ bất cứ lúc nào nữa...
Nhưng cũng may là phụ hoàng đã hủy bỏ chức vị Tư lễ cô cô và thí hôn tì, bằng không sau khi Tề Nhan lập phủ, chẳng phải là người nọ lúc nào cũng sẽ chung sống cùng thiếp thất sao?
Nam Cung Tĩnh Nữ bĩu môi, nàng nằm nhoài trên án thư, trong lòng âm thầm bất bình.
Vì sao các hoàng huynh có thể thường làm bạn với kiều thê mỹ quyến, nhưng đổi thành công chúa lại phiền toái như thế.
Đột nhiên, nàng thoáng nhìn thấy một kệ sách không nổi bật trong góc xó, tuy vậy mộc bài được treo trên đó thì lại rất mới.
Nàng đến gần, ba chữ “Bắc Kính Sử” ánh vào mi mắt.
Trên kệ sách đều là vài quyển sách bằng thẻ tre, chỉ có cái kệ này là đặc biệt nhất: Trên đây có chứa mai rùa và xương trâu, sách thì chỉ có một quyển.
Bởi vì tò mò, Nam Cung Tĩnh Nữ rút quyển sách hơi mỏng kia ra. Quyển sách này tên là Bắc Kính.
Quyển sách này được viết vào năm Cảnh Gia thứ hai, phần lớn nội dung đều do tiên Tiết độ sứ Cửu Châu Ngạch Nhật Hòa tự thuật, được sử quan ký lục lại.
Chế độ và phong tục hoàn toàn khác biệt ở bắc Kính Quốc đã gợi lên sự hứng thú của Nam Cung Tĩnh Nữ, làm nàng xem đến say mê.
Bởi vì năm đó Ngạch Nhật Hòa có oán hận sâu nặng với Xanh Lê bộ, ngoài ra còn có Nam Cung Nhượng bày mưu đặt kế, nên bộ tộc lớn mạnh nhất thảo nguyên đã trở thành một bộ lạc nơi mà giặc cướp tụ tập dưới ngòi bút của sử quan.
Nam Cung Tĩnh Nữ không khỏi nhíu mày: “Tô Hách Ba Lỗ này làm việc thật đúng là không biết rào trước đón sau, đoạt đồng cỏ của người khác mà còn đuổi theo không bỏ...”
Trang sách thay đổi, ghi rằng: Ngạch Nhật Hòa bị buộc đến bất đắc dĩ, vì thế hắn dẫn theo ái nữ và hậu lễ đến Xanh Lê bộ hòa thân trong đại hội thịnh điển.
Hắn muốn gả minh châu thảo nguyên Nạp Cổ Tư Cát Nhã cho Khất Nhan A Cổ Lạp, thế nhưng lại bị Tô Hách Ba Lỗ cự tuyệt, hai bộ ngang nhau bắt đầu tuyên chiến...
Nam Cung Tĩnh Nữ bĩu môi: Người bị từ chối hòa thân như Cát Nhã thật sự không xứng vào cung làm phi.
Trang sách lại lần nữa lay động, mặt sau ghi chép lời kể của Lục Quyền, Đinh Nghi và các triều thần tham chiến khác.
Nam Cung Tĩnh Nữ đã biết kết cục, nàng muốn khép lại trang sách nhưng ma xui quỷ khiến thế nào mà vẫn tiếp tục đọc...
Bên trong ghi lại mãnh hổ thảo nguyên bất kham không chịu nổi một kích như thế nào, cũng như miêu tả cảnh đại quân tập kết và hùng binh triều đình cùng nhau đối kháng kẻ địch.
Chỉ sau mấy đợt tấn công, đám người ô hợp này liền tan rã, chạy trốn tứ tán.
Thái uý Lục Quyền tọa trấn đại doanh, mệnh Đinh Nghi suất lĩnh mười vạn đại quân, để Ngạch Nhật Hòa dẫn đường giết tới vương trướng của Xanh Lê bộ.
Bộ tộc của Khất Nhan Tô Hách Ba Lỗ đều bỏ chủ chạy trốn, cả đại doanh không đủ một ngàn người ở lại cố thủ. Có thể thấy Tô Hách Ba Lỗ không được lòng dân...
Nam Cung Tĩnh Nữ nhíu mày, nếu vị thủ lĩnh địch quốc này bất kham như trong sách nói, vậy thì khi đại quân triều đình đến đã phải diệt sạch bọn họ nhanh chóng rồi chứ?
Nhưng vì sao trận chiến mười vạn đối đầu với một ngàn lại kéo dài suốt một ngày?
Mang theo nghi hoặc, Nam Cung Tĩnh Nữ lại lần nữa lật sách, nhưng cảnh chiến tranh vốn nên được miêu tả kỹ càng lại bị sử quan sơ lược...
Chỉ viết Đinh Nghi suất quân sát nhập lều lớn, chặt bỏ đầu của thủ lĩnh Xanh Lê bộ, lập được công đầu.
Khả đôn của Xanh Lê bộ cùng vong phu cộng phó hoàng tuyền...
Một xác ba mạng?
Nam Cung Tĩnh Nữ nhìn chằm chằm bốn chữ này, cảm giác ớn lạnh lan đi khắp người.
Một xác ba mạng... Nếu như chưa sinh, sao sử quan lại biết được nàng đang mang thai song sinh?
Nam Cung Tĩnh Nữ bưng kín miệng mình. Tưởng tượng đến cảnh có người mổ bụng vị nữ tử kia, nàng liền cảm thấy sởn tóc gáy.
Bất luận là người lập công đầu là Đinh Nghi, hoặc là người có oán hận thâm hậu với Xanh Lê bộ là Ngạch Nhật Hòa, đối đãi với một nữ tử đang mang thai như thế đúng là mất nhân tính!
Nếu thủ lĩnh địch quốc đã chết, vì sao còn phải đối xử với gia quyến hắn như thế?
Ngón tay Nam Cung Tĩnh Nữ phát run, nàng lật sang trang khác.
Sau đó Ngạch Nhật Hòa lại cùng đại quân của mình nhanh chóng bình định Duy Khả bộ, Duy Khả bộ gần như không hề chống cự, tất cả bọn họ đều thành tù binh...
Sau khi bình định thảo nguyên, Ngạch Nhật Hòa mang theo bản đồ Cửu Châu vào cung diện thánh. Hắn từng cực lực chủ trương triều đình tiếp tục phái binh tróc nã dư nghiệt vương tộc Xanh Lê bộ.
Bọn họ là đôi nhi nữ của Khất Nhan Tô Hách Ba Lỗ: Vương tử Khất Nhan A Cổ Lạp tám tuổi, công chúa Khất Nhan Nặc Mẫn năm tuổi.
Thánh thượng lấy “nhóc con miệng còn hôi sữa, không đáng sợ hãi” bác bỏ thỉnh cầu của Ngạch Nhật Hòa, sau đó điều phái thợ thủ công đến bắc Cửu Châu tu sửa thành trì.
Ở trang cuối cùng của Bắc Kính, một dòng chữ mới đã được thêm vào.
“Cuộc chiến Thanh Di” được ký lục rất kỹ càng, ghi rõ Khất Nhan A Cổ Lạp làm thế nào giết chết tiên Tiết độ sứ bắc Cửu Châu, lại làm thế nào dung túng binh lính của mình giết hại bá tánh vô tội.
Đoạn cuối cùng viết như thế này:
Thánh thượng nghe vậy thì vô cùng đau đớn, than thở: Hoạ hôm nay là lỗi do trẫm ngày xưa khoan dung, tiện nô man di khó mà giáo hóa.
Vì bảo toàn sự bình an của bá tánh Cửu Châu, lập tức hạ lệnh cả nước quét sạch tiện nô dị tộc.
Nhi tử của Nạp Cổ Tư Ngạch Nhật Hòa là A Nỗ Kim, dâng lên bào muội để tỏ lòng trung thành.
Vào năm Cảnh Gia thứ chín, thương phụ thân hắn có công mật báo, thánh thượng sách phong Nạp Cổ Tư Cát Nhã làm Chiêu nghi, ban hào: Nhã.
Nam Cung Tĩnh Nữ nhìn chăm chú vào nửa chỗ trống của trang cuối quyển sách Bắc Kính, thật lâu sau vẫn không nói gì.
Quyển sách mỏng này là quyển sách nặng nề nhất mà nàng từng đọc từ khi chào đời tới nay.
Có lẽ là vì có liên quan đến Cát Nhã, cho nên ấn tượng của Nam Cung Tĩnh Nữ đối với Ngạch Nhật Hòa cũng không tốt lắm.
Cho nên nàng hoài nghi, thậm chí là mâu thuẫn cảm xúc.
Vì thế khi nhìn thấy nội dung mặt sau, nàng không những không xem bọn họ là kẻ địch, mà ngược lại cảm thấy thực bi tráng.
Tuy rằng người dị tộc giết hại năm mươi vạn bá tánh vô tội lệnh người giận sôi, nhưng khi nàng đọc đến đoạn Khất Nhan A Cổ Lạp bị trúng mấy mũi tên mà không ngã, máu tươi nhiễm hồng chiến mã mà vẫn xung phong liều chết, chém đầu Ngạch Nhật Hòa ở trước mặt ngàn vạn người thì nàng vô cùng chấn động.
Nàng thật sự không thể tin phụ thân của người này sẽ là “hạng người chuột đầu hai đoan, thất tín bội nghĩa” mà Ngạch Nhật Hòa miêu tả.
Nam Cung Tĩnh Nữ lại lần nữa dời mắt đến năm chữ “Khất Nhan A Cổ Lạp“. Nàng nâng ngón tay lên, nhẹ nhàng vuốt ve hai chữ “Khất Nhan“.
Có lẽ là vì dòng họ này đồng âm với tên người nọ... [1]
[1] Trong tiếng Trung, Khất Nhan đồng âm với Tề Nhan, đọc là Qi Yan.
Chỉ cần nghĩ đến Tề Nhan, trong lòng nàng sẽ chảy xuôi một dòng nước ấm áp. Nàng yêu người nọ đến nỗi yêu ai yêu cả đường đi, thậm chí còn bắt đầu có chút thương hại cho vương tử địch quốc.
Nam Cung Tĩnh Nữ cầm lòng không đậu mà cong cong khóe miệng, ba ngày không gặp không biết người nọ có khỏe không?