Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 13: Chương 13: Chuẩn đoán bệnh thần kinh




Hinh kinh ngạc quay đầu lại, thấy có đến sáu bẩy người đứng đó. Đèn điện được bật sáng, Hinh nhận ra ngay Chu Mẫn, Trần Hy và thấy Lý giảng viên phụ đạo, ba người kia chắc là nhân viên phòng bảo vệ, Hinh đã gặp một trong số đó là phó phòng bảo vệ Vu Tự Dũng.

Thầy Lý nét mặt trầm tư: “Bạn Hinh thật quá dại dột, có biết làm thế này sẽ bị trường thi hành kỷ luật không?”

Hinh vốn định nói: “Tại sao mọi người lại có thể tìm đến đây ?”. Nhưng lúc này cô đã hiểu rõ cả, cô gườm gườm nhìn Chu Mẫn và Trần Hy, rồi nói với thầy Lý: “Thưa thầy, em biết là mình đã sai. Nhưng, vì em thật sự lo lắng bi kịch vụ án mưu sát 405 sẽ tái diễn. Em nghe nói vụ việc này có liên quan đến vụ án ” Nguyệt Quang xã” của trường ta ngày trước, cho nên em tìm đọc hồ sơ.”

Ông Dũng gắt gỏng: “Không ngờ ở đây lại có một nữ Sê-lốc Hôm! Các cao thủ của Sở công an đã kết luận các vụ việc kia là tự sát, nay cô lại nói khác hẳn hay sao? Nếu cô lo bi kịch đó tái diễn thật, thì trước hết cô hãy chỉnh lại tư tưởng của cô đi đã!”

Ông Dũng nói quá cay nghiệt, thầy Lý bèn nói: “Anh Dũng ạ, em Hinh tuổi đời còn trẻ, rất có khả năng tiếp thu, chúng ta nên kiên nhẫn giáo dục là chính…”

Thấy vị giảng viên mới tốt nghiệp ít lâu muốn giáo huấn mình, ông Dũng cười nhạt: “Vâng!Thầy Lý rất giỏi khoa sư phạm, mời thầy ký cho tôi một chữ vào đây. Và sáng mai, à không, ngay bây giờ xin mời thầy và cô học trò cưng của thầy cùng đến phòng bảo vệ để nói chuyện cho kỹ đã!”

Thầy Lý nhìn Hinh, rồi thở dài: “E rằng không thể! Nhà trường đã bố trí một hoạt động quan trọng trong sáng nay, cần gì thì anh cứ hỏi luôn đi.”

“Đây là bác sĩ Đằng và bác sĩ Từ, được nhà trường mời đến để giúp cô giải quyết vấn đề tâm lý… và tư tưởng. Cô đang nghĩ những gì, thì cứ nói hết với họ, chúng tôi sẽ lui ra để các vị nói chuyện cho tiện.” Ông Duy Kim Chúc, trưởng phòng quản lý sinh viên Học việnY học Lâm sàng thận trọng giới thiệu với Diệp Hinh. Ông đã nghe thầy Lý báo cáo về tình hình đêm qua: vào lúc nửa đêm, cô gái yêu kiều này đã lẻn ra khỏi ký túc xá, hai bạn nữ cùng phòng là Chu Mẫn và Trần Hy đã bám theo, thấy cô ta vào khu nhà hành chính cũ, sau đó không biết đã đi đâu. Trần Hy đành ở lại canh chừng, Chu Mẫn thì đến gặp giảng viên phụ đạo là thầy Lý – người luôn ở trong trạng thái “sẵn sàng”. Thầy Lý rất thận trọng bèn mời ba nhân viên phòng trực ban bảo vệ giúp đỡ, đi kiểm tra từng phòng trong khu nhà hành chính cũ. Nhưng đã đi khắp các phòng và phòng thí nghiệm cũ đều không thấy bóng Diệp Hinh. Nhưng Vu Tự Dũng đã ở học viện Giang Kinh lâu năm, bỗng nhớ đến tầng hầm khá rộng là địa điểm cũ của Phòng hồ sơ. Mọi người tìm đến cầu thang để xuống thấy đèn ở lối đi bật sáng, cửa vào phòng hồ sơ không khoá bèn đoán chắc Diệp Hinh đang ở trong đó.Đúng thế, Diệp Hinh đang soi đèn pin đọc một bộ hồ sơ cũ…

Hai vị bác sĩ tiến lại hồ hởi bắt tay Diệp Hinh. Hinh bình thản nhìn họ: bác sĩ Đằng trạc 35 tuổi, dáng người dong dỏng, khuôn mặt rạng rỡ vui tươi, đôi mắt rất có thần, đang mỉm cười rất thân thiện; bác sĩ Từ trạc tuổi đã ngoài 50, vóc người tầm thước, có phần đẫy đà, bộ tóc hơi hói, tình cảm thể hiện không mấy rõ rệt trên gương mặt. Diệp Hinh không cần hỏi cũng hiểu rằng các bác sĩ đến để giải quyết vấn đề “tư tưởng” phần nhiều là các bác sĩ tâm lý. Có lẽ họ là bác sĩ của khoa Tâm thần trong bệnh viện.

Hinh có cảm giác mình bị làm nhục: thì ra các bạn và thầy giáo đã cho rằng mình có vấn đề tâm lý thậm chí là vấn đề tinh thần. Mình chỉ muốn điều tra một giai đoạn lịch sử để tránh tái diễn bi kịch kia mà!

Liệu ai có thế tin mình đây?

Nhưng cô lại nghĩ: chính mình cũng có lúc dường như không tin ở mình nữa là.

Cô bình thản hỏi ông Kim Duy Chúc: “Thưa thầy Chúc, em nghe nói trường ta có quy định rằng, các sinh viên có vấn đề tâm lý, trước hết nên đến phòng tư vấn tâm lý của y tế trường, sau đó mới quyết định xem có cần xin bệnh viện trợ giúp hay không. Sao lại đặc biệt quan tâm đến em thế này ạ?”

Ông Chúc ngớ ra trước câu hỏi này, không phải vì chưa được nghe trả lời mà là vì sự bình tĩnh thản nhiên và tư duy mạch lạc của Hinh trong khi nói khiến ông không thể tin cô gái này thuộc nhóm “bệnh nhậ tâm thần phân liệt giai đoạn đầu”.

“Chúng tôi không nhận định rằng có vấn đề tâm lý gì cả, mà là vì gần đây nghe nói em có nhiều điểm bất thường trong sinh hoạt, với phương châm dự phòng là chính, nhà trường muốn giúp em vượt qua mọi khó khăn.” Nói đến đây, ông Chúc nhận thấy ánh mắt của Hinh khiến ông rất mất tự nhiên, ông nhấn mạnh: “Ngoài ra, em có vài biểu hiện – nói đúng ra là vi phạm nội quy nhà trường, chúng tôi rất muốn biết nguồn cơn ra sao, chứ không muốn thiếu sát sao để rồi kỷ luật một sinh viên giỏi.”

Quả nhiên Hinh hơi bị tác động, đúng là mình đã lẳng lặng đi Nghi Hưng, rồi lại mò vào phòng hồ sơ lúc đêm hôm… đều là vi phạm nội quy, nhà trường hoàn toàn có thể kỷ luật mình. Nếu mình không hợp tác thì hậu quả thật khó lường, khó mà giải mã được vụ án mưu sát 405 đã đành, mà còn mất cả cơ hội học đại học nữa. Hinh bèn nhẹ nhàng nói: “Cám ơn thầy Chúc và lãnh đạo trường đã quan tâm, em xin trình bày với hai vị để giải quyết vấn đề tư tưởng của em.”

Trong lúc Hinh nói, bác sĩ Từ Hải Đình lặng lẽ quan sát cô. Ông nhớ lại các nữ sinh của Đại học Y Giang Kinh 16 năm trước từng được ông điều trị: Tưởng Dục Hồng, Hạ Tiểu Nhã, Thẩm Vệ Thanh, Nghe Na, Thôi Lệ Ảnh… dường như đều có dáng vẻ thanh tú như cô gái đang ngồi đây, chỉ hiềm kết cục của họ đều khiến mọi người phải mãi mãi xót thương. Nghĩ đến đây ông Đình lại thấy nhói ở tim.

Các bác sĩ nói ông có dấu hiệu bệnh động mạch vành tim, nhưng ông tự biết, cái đau này xuất phát từ đáy lòng mình.

Không thể để cô gái này lại đi vào con đường của các nữ sinh kia!

Trên đường đi đến Đại học Y Giang Kinh, ông kể những chuyện cũ với đồng nghiệp Đằng Lương Tuấn, ông Tuấn nghe xong liền phán đoán: “Có lẽ anh nên cho các nữ sinh ấy nằm viện dài ngày hơn…” Nhưng ông Đình thở dài: “Tôi lại nghĩ khác: theo tôi nên cho họ sớm ra viện.” Ông Tuấn không nói gì nữa, ông cảm thấy nói chuyện học thuật với vị bác sĩ có thâm niên này rất khó ăn ý. Gần đây cả hai vị đều nộp đơn xin công nhận chức danh cao cấp, cả hai cùng đang là ứng viên chức chủ nhiệm khoa, khó tránh khỏi sẽ có chỗ “vênh nhau”.

Khi ông Đình còn trầm tư, thì ông Tuấn đã trò chuyện với Hinh vài câu, bảo cô ngồi vào đi-văng, và ra hiệu mời ông Chức cứ lui ra. Phòng quản lý sinh viên đã mượn phòng khách của viện Y học lâm sàng để bố trí cuộc nói chuyện này. Trước khi lui ra, ông Chúc còn pha trà cho cả ba người. Chờ ông Chúc khép cửa lại, ông Tuấn mới ôn tồn nói: “Ông trưởng phòng quản lý sinh viên của các cô nói hơi quá lời, họ mời chúng tôi đến không phải là để chẩn đoán gì mà chỉ để trò chuyện với cô. Nếu cô không có vướng mắc gì về tư tưởng thì chúng tôi sẽ nói với nhà trường rằng các vị đã cường điệu sự việc. Đương nhiên, họ lo ngại, cũng không phải là không có lý.” Giọng ông Tuấn có phần nghẹn ngào. “Nghe nói gần đây cha mẹ cô đã ly hôn, cha lại vừa qua đời, đương nhiên sẽ tạo thành áp lực – bất cứ ai trong hoàn cảnh này cũng vậy.”

Hinh lại thấy nao nao thương cảm, ít hôm nay cô chạy ngược chạy xuôi, nỗi buồn về cái chết của cha lắng dịu, thực ra cũng vì cô tạm không nghĩ nhiều đó thôi. Cô gật đầu, tiếp tục nghe ông Tuấn nói:”Nghe nói, trước khi mất, cha cô có đến thăm cô?”

“Nói chính xác hơn là, sau khi cha cháu bị liệt não, thì cháu gặp lại ông. Cháu biết, nói thế này thật nực cười, nhưng cháu cũng chẳng hiểu tại sao lại thế.”

Ông Tuấn gật đầu: “Cô đừng tự trách mình, điều này có gì đáng cười đâu? Cô nhìn thấy vẫn là cô nhìn thấy, không ai có thể xì xào gì hết! Khi cha cô đến gặp thì cô đang ở đâu? Có ai khác nhìn thấy không?”

Hinh hồi tưởng lại: “Cháu nhớ rằng sau khi cháu kết thúc dẫn chương trình cuộc thi hát tự biên tự diễn, rồi ra ngoài nói chuyện với một người vừa dự thi, thì cha cháu đứng phía sau gọi cháu, cháu vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Hai cha con cháu đi dạo trong sân trường, cũng không giới thiệu ông với ai cả. Đang đi dạo , cha thấy cháu bị lạnh, ông bèn cởi chiếc áo jac-ket ra choàng lên vai cháu và để lại cho cháu luôn. Cháu cũng không hiểu tại sao…”

“Vì sao cho cô qua đời?”

” Bị ung thư não.”

Nghe nói thế, ông Tuấn nhướng cặp lông mày mỉm cười: “Không phải tôi nói quá lên đâu: cô là một cô gái rất cứng cỏi. Nghe nói trước khi cha cô qua đời thì cha mẹ cô đã ly hôn, mà cô vẫn dẹp được mọi tác động ấy sang một bên để thi giữa học kỳ với kết quả cao, còn được điểm tuyệt đối ở môn giải phẫu.”

Hinh thấy ông ta nhắc đến môn giải phẫu, thì cô đã hiểu ra: “Cám ơn bác đã khen, có phải bác muốn cháu nói về cái tiêu bản cơ thể đó không ạ? Cháu đã nhìn thấy, nhưng người khác thì lại không nhìn thấy nó. Vốn dĩ chính cháu cũng bắt đầu nghi ngờ, liệu có phải mình đã nhìn thấy cái tiêu bản cơ thể rất hoàn hảo ấy không. Nghe có vẻ như quá ư hão huyền.Nhưng đến nay thì cháu biết chắc chắn cháu đã thật sự nhìn thấy nó. Cái tiêu bản ấy hoàn toàn có thật!”. Hinh nhớ đến những ghi chép về tiêu bản cơ thể trong cuốn nhật ký kia, cùng với những nỗi éo le sinh li tử biệt trong đó, cô lại thấy rất xúc động.

Ông Đình nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao cô nói cái tiêu bản ấy hoàn toàn có thật?”

Hinh trả lời: “Câu chuyện này rất dài, cháu đề nghị các bác cứ đến đọc bộ hồ sơ mà đêm qua cháu đã xem!”

“Hồ sơ ấy nói về vấn đề gì?”

“Ánh trăng.”

Ông Đình hơi sững sờ: vẫn hai cái chữ này, ông rất sợ phải nghe đến nó. Những nữ sinh nhắc đến hai chữ này, đều không thoát được nỗi bất hạnh.

“Ánh trăng” là tên một nhóm văn nghệ của trường này – “Nguyệt Quang xã” – từ những năm 50 bị coi là một tổ chức phản cách mạng.”

“Tại sao cô biết?”

“Bác có nghe nói về vụ mưu sát 405 không: hầu như mỗi năm lại có một nữ sinh ở phòng 405, khu nhà 13 nhảy lầu mà chết, nhưng có một người sống sót tên là Thẩm Vệ Thanh. Chị Thanh đã kể với cháu.”

Ông Đình vẫn nhớ ra Vệ Thanh, đúng cô ta là người duy nhất may mắn sống sót trong vụ án mưu sát405 . Ông bình tĩnh trở lại: “Cô đã tìm gặp cô ấy à? Cô ấy… vẫn khỏe chứ?”

“Chị ấy… đã chết, đúng vào hôm cháu gặp chị ấy!” Hinh không nén được nữa, cô trào nước mắt.

Ông Đình nhướn người về phía trước, giọng run run: “Gì thế? Đã chết rồi? Cô ấy…cô ấy đã chết như thế nào?”

“Nhảy lầu.” Hinh khóc thút thít, không nỡ nhớ lại cái cảnh Vệ Thanh nhảy lầu.

Ông Tuấn không ngớt cau mày, không chỉ vì ông Đình và Hinh nói chuyện chẳng đâu vào đâu, mà còn vì ông thấy một bác sĩ khoa thần kinh giàu kinh nghiệm như ông Đình sao lúc này lại mất tư thế như vậy!

Ông Đình cũng nhận ra ngay, ông thầm trách phòng quản lý sinh viên đã thiếu chu đáo, không nói rõ với ông việc Diệp Hinh lén đi đến huyện Nghi Hưng. Một chuyện chết người, sao lại không tác động đến trạng thái tinh thần của Diệp Hinh được.

Ông Tuấn thấy gương mặt của ông Đình hơi giật giật, ý chừng tỏ ý có lỗi, ông bèn nắm lấy quyền chủ động để hỏi: “Cô thường hay kể lại với các bạn cùng phòng về những giấc mơ của mình, cô có thể nói cụ thể với chúng tôi đuợc không?”

Diệp Hinh uể oải bước đi về phía ký túc xá. Nhớ đến những câu hỏi của hai vị bác sĩ vừa nãy, có vẻ rất lịch sự và tự nhiên, thực ra là họ đang chẩn đoán. Họ sẽ kết luận thế nào đây? Còn những chuyện gì nữa đang chờ đón cô ở phía trước?

Cô thấy tiếc vì đêm qua chưa đọc xong cuốn nhật ký và các hồ sơ khác, nên vẫn chưa rõ“Nguyệt Quang xã” có liên quan gì đến “vụ án mưu sát 405″? Đêm qua nhân viên phòng bảo vệ đã xét hỏi cô rất lâu, một nữ nhân viên đã lục soát và thu mất chiếc chìa khoá đồng và cuộn phim. Vậy là một đoạn lịch sử lại sắp bị chôn vùi. Mình phải làm gì bây giờ?

Nghĩ mãi nghĩ mãi, Hinh chợt nhận ra một điều: các câu chuyện cũ mà cuốn nhật ký nhắc đến, nhất là chuyện về “Nguyệt Quang xã”, đều xảy ra tại khu nhà giải phẫu, chuyện đã xôn xao thì những ai thường đến khu nhà này đều không thể không biết. Hinh nghĩ ngay đến ông già gù. Tuy Âu Dương Sảnh từng nói ông già ấy giải thích về ánh trăng thì toàn là râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhưng có lẽ vì ông ta cố ý từ chối nên mới ậm ừ như vậy. Nghe nhắc đến ánh trằng mặt ông ta biến sắc, rõ ràng ông ta biết rõ ít nhiều.

Hinh bèn đi tìm ông già.

Khi đang định đi về hướng khu giải phẫu, thì cô bỗng thấy là lạ… bèn ngoái đầu lại, nhận ra Chu Mẫn và Trần Hy ở phía xa xa đang đi theo cô. Cô thầm nghĩ “thật đáng ghét”, nhưng lại thấy thực ra họ cũng vì sự an toàn của cô, thì chẳng có gì đáng trách cả. Đúng là những hành động của cô gần đây khiến những người bình thường thấy khó hiểu.

Nhưng Sảnh và Tạ Tốn nữa nhất định sẽ hiểu cho cô.

Này anh chàng Tạ Tốn, nếu anh không xuất hiện nữa thì tôi sẽ cố gắng quên anh luôn!

Hinh vẫn quay về khu ký túc xá, nhưng cô đi lối cầu thang bên cạnh để lên tầng hai, rồi lại đi xuống bằng lối cầu thang ở đầu bên kia, tạo ra “chênh lệch múi giờ” với Chu Mẫn vàTrần Hy. Thế là cô dễ dàng cắt đuôi, rồi rảo bước đến khu nhà giải phẫu.

Vào rồi, cô tiến thẳng đến gian chế tác tiêu bản ở tận cùng tầng một. Cửa căn phòng nhỏ đang khép nhưng không khoá. Cô gõ cửa, không thấy động tĩnh gì bèn đẩy cửa bước vào.Căn phòng trống trải, chỉ có một chiếc bàn cơ động phục vụ giải phẫu, trên đó có vài thứ dụng cụ

Hinh vừa quay người để bước ra thì suýt nữa đâm sầm vào một người, chẳng rõ ông ta đã không một tiếng động đứng ngay sau lưng cô từ bao giờ. Nếu không phải đang là ban ngày chắc cô đã khiếp hãi kêu lên.

“Chào thầy Côn!” Đó chính là thầy giáo trẻ Chương Vân Côn dạy môn giải phẫu.

“Diệp Hinh! Tôi đứng ở cửa trông thấy bạn, nhớ rằng bạn đã nghỉ mất hai tiết học, có lẽ là bạn đến nhờ tôi phụ đạo! Nào, chúng ta lên gác ngồi!”

Hinh cười có ý xin lỗi: “Em đến đây định tìm một bác kỹ thuật viên thuộc phòng nghiên cứu giảng dạy của các thầy, bác ấy gù… thầy có biết không à?”

Thầy Côn à một tiếng, rồi gật đầu: “Tức là bác Phùng, tôi biết chứ! Có lẽ bác ấy là người có thâm niên lâu nhất ở phòng nghiên cứu giảng dạy này. Tính bác ấy hơi kỳ cục một chút nhưng mọi người đều rất tôn trọng bác ấy. Bác ấy thường không đến làm vào ban ngày.Bạn có việc cần à? Nếu có thể nói với tôi, thì tôi sẽ nhắn giúp cho.”

Hinh lắc đầu: “Không cần thiết ạ. Cũng không có gì phải gấp vội. Để lần sau gặp hãy hay.”Cô cố ý lái sang chuyện khác: “Chiều nay em còn có bài thực nghiệm môn sinh lý, nên hôm nay chưa chắc có thời gian để học bù, nhưng em muốn mượn giáo trình của hai tiết vừa rồi…”

“Được, bạn lên gác với tôi.”

Muốn lên tầng hai, thì phải ra khỏi tầng một rồi lên cầu thang lộ thiên ở phía nam ngôi nhà.Lên rồi, hai người dừng trước một phòng làm việc hơi nhỏ, Vân Côn nói: “Đây rồi, vào đi!”

Hinh vẫn nhận thấy cặp mắt đầy nhiệt tình của Vân Côn sau cặp kính khá dày, cô bước vào gian phòng. Một chiếc bàn làm việc khá rộng, một giá sách và một chiếc giường gấp cơ động choán gần hết gian phòng, gần như không còn chỗ lách chân. Vân Côn tỏ ý áy náy: “Xin lỗi nhé, ở đây bừa bộn chật chội quá, lẽ ra chẳng thể tiếp khách ở đây. Bạn ngồi tạm trên giường vậy. Tôi quên chưa hỏi, bạn đã ăn cơm chưa?”

Hinh tò mò quan sát căn phòng, tuy chật chội nhưng bàn làm việc, giá sách, chiếc giường đều rất nghiêm chỉnh có trật tự. Đủ biết Vân Côn sống rất ngăn nắp, rất khớp với vẻ ngoài của anh.

Cô không ngồi, mỉm cười và nói: “Em đã ăn rồi, thầy Côn khỏi phải bận tâm. Em xin mượn cuốn giáo trình rồi về luôn thôi!”

Cô liếc nhìn chiếc khung ảnh làm bằng gỗ đượm màu thời gian đang đặt trên bàn, trong đó có tấm ảnh đen trắng của một cô gái. Hinh cũng biết lâu nay có nhiều hiệu ảnh chụp ảnh nghệ thuật đã chế tác các bức ảnh đen trắng. Cô gái có đôi mắt và cặp lông mày tuyệt đẹp, dáng vẻ cao quý thanh tao, rực rỡ bội phần.

“Đây chắc là bạn gái của thầy? Chị ấy xinh quá, và còn rất hiền dịu nữa.”

Vân Côn chăm chú nhìn tấm ảnh, rồi thở dài nói: “Tôi đâu có được cô bạn gái xinh đẹp thế này! Chỉ là cô bạn học, nay cô ấy đang ở đâu tôi cũng chẳng biết nữa. Những lúc làm việc mệt mỏi thì ngồi ngắm, bức ảnh giúp tôi tỉnh táo đầu óc.”

Hinh đoán rằng Vân Côn có ý muốn giấu, nên cô không hỏi nữa, cô cười: “Chẳng lẽ thầy ở ngay đây à?”

“Trường cũng đã bố trí nhà ở ký túc xá cho tôi, nhưng nhiều khi ngồi đọc sách quá khuy, nên lại ngại về đó, bèn ngủ lại đây”

Hinh đã hết chuyện để nói, bèn chào ra về. Nhưng cô chưa chịu về ngay, cô lại vào tầng một xem sao, thì trông thấy ông già gù đang ở trong một căn phòng thực nghiệm.

“Bác Phùng còn nhớ cháu không?”

Ông Phùng chậm chậm quay người lại, nheo mắt. Nhận ra Diệp Hinh, mắt ông bỗng trợn tròn có vẻ như rất sợ hãi: “Cô…tại sao cô lại đến đây?”

“Học kỳ này cháu học môn giải phẫu, nên sẽ phải thường xuyên vào đây. Lúc này chẳng phải sau 12 giờ đêm, cháu có sai gì đâu ạ?”

Ông Phùng lạnh lùng hỏi: “Vậy thì cô muốn gì?”

“Cháu muốn hỏi thăm bác một chuyện, bác có nghe nói về ánh trăng không?”

Đôi mắt ông Phùng mở càng to hơn, nhưng ông lập tức lại tỏ ra rất thờ ơ: “Tôi chua từng nghe nói về ánh trăng gì cả, nhưng tôi nhớ là cô đã từng thấy tôi xử lý tử thi dưới ánh trăng. Tôi mong cô chẳng nên quá hứng thú đối với ánh trăng .”

“Thực ra cháu đã biết cả rồi, bác chẳng cần phải giấu cháu!”

“Cô biết về cái gì?” Ông Phùng có phần bối rối, nhìn chằm chằm vào Diệp Hinh.

Hinh nói rõ ràng từng tiếng một: “Cháu đã biết về ” Nguyệt Quang xã”, cũng biết rằng“Nguyệt Quang xã” có liên quan đến “vụ án mưu sát 405″. Trước đây chúng cháu chưa nói cho bác biết: chúng cháu đều đang ở phòng 405 là nơi hầu như năm nào cũng có người chết!”

Ông Phùng run run, vô số sự việc và ý niệm xa xưa lướt nhanh trong đôi mắt đục mờ của ông. Nhưng rồi ông lại đưa mắt nhìn xuống, nói chậm rãi: “Tôi chưa bao giờ nghe nói về“Nguyệt Quang xã”, cô khỏi cần mệt óc đoán mò làm gì nữa!”

“Nhưng lần trước bác đã…”

“Thôi nào! Tôi còn rất nhiều việc phải làm, cô hãy về mà làm các việc của mình đi!” Ông Phùng bỗng thô bạo nhắt lời Hinh.

“Cháu còn có thể lại đến gặp bác được không ạ?” Trông Hinh thật đáng ái ngại. Ông Phùng đã quay mặt đi nhưng vẫn có thể nhận thấy cái bướu ở lưng ông đang rung rung.

“Không!… Hãy để cho tôi có ít thời gian đã. Nhưng dù sao cô cũng không được đến đây tìm tôi vào ban đêm.”

Kết thúc buổi học thực nghiệm giải phẫu, Diệp Hinh đi một mình ra khỏi phòng thực nghiệm. Cô vẩn vơ cảm thấy các bạn đều nhìn cô bằng ánh mắt khang khác, thậm chí còn nghe thấy họ lầm rầm bàn tán, cô mường tượng thấy họ còn giơ tay chỉ trỏ này khác…Trên đường trở về, không ai đi cùng, cô cũng không muốn có ai đi cùng, để tận hưởng sự im lặng tối đa. Có lẽ mình nên ngủ một giấc thật đẫy, rồi tỉnh lại sẽ nhận ra rằng tất cả chỉ là một giấc mơ không mấy ngọt ngào…

Nhưng rõ ràng đây không phải là nằm mơ. Khi bước ra khỏi phòng thực nghiệm, Hinh đã có cảm giác Chu Mẫn và Trần Hy đang đi theo mình.

“Diệp Hinh!” Thấp thoáng bóng một nữ sinh đang ở phía lùm cây, Hinh nhận ra ngay đó là một bạn sinh viên học lớp trên của trường. Cô ta đi đến nơi và nhanh nhẹn đặt vào tay Hinh một phong thư, nói khẽ: “Mau mở ra xem đi!” Rồi quay ngoắt đi luôn.

Hinh vẫn bước đều như lúc nãy, và thận trọng mở phong bì. Bên trong là một tờ giấy được xé vội từ một cuốn sổ tay. Chỉ thấy viết mấy dòng chữ:

“Chúng tôi vừa kiến tập ở bệnh viện tâm thần, nghe thấy có bác sĩ nói chuyện riêng rằng nhà trường đang bàn về việc đưa em đi nằm viện tâm thần. Đã có hai bác sĩ tiếp xúc với em, và đưa ra kết luận không mấy có lợi cho em, rằng cần khẩn trương đưa em vào nằm viện. Mong em hãy có sự chuẩn bị, nếu có thể không đi, thì đừng đi.”

Chữ ký là của Du Thư Lượng.

Tuy đã lường trước, nhưng Hinh vẫn không ngờ nhà trường và bệnh viện lại nhanh chóng đưa ra quyết định như thế. Cô vừa lo sợ vừa tức giận, nhưng cũng lại thấy vui vui.

Tức giận là vì các thầy và các chuyên gia ở bệnh viện đã không tìm hiểu thêm về cô, chỉ xét hiện tượng bề ngoài rồi kết luận cô có vấn đề thần kinh; thấy vui là vì Du Thư Lượng vẫn tin ở sự tỉnh táo của cô – thậm chí anh đã mạnh dạn khuyên cô ” nếu có thế không đi, thì đừng đi”. Kiến thức thông thường giúp cô hiểu rằng một người khoẻ mạnh phải sống giữa đám bệnh nhân tâm thần thì chỉ có hại mà thôi.

Một người khỏe mạnh như cô, tại sao phải từ bỏ nhà trường đầy sức sống để đến ở với đám bệnh nhân tâm thần?

Nhưng cô nên chuẩn bị thế nào để tránh được cái nạn này?

Cô bỗng thấy lòng trống trải vô cùng, càng cố suy tính thì lại càng thấy đau đầu. Cô thấy thấp thỏm không yên. Đây chẳng phải lần đầu tiên cô thấy đau đầu. Chẳng lẽ mình cần được bác sĩ giúp đỡ thật hay sao?

Nhưng nhất thiết không thể là bác sĩ khoa thần kinh!

Đầu đau kinh khủng. Hinh bước chậm rãi rồi tựa vào hàng cột bên đường vẫn dùng để treo áp-phích, hít thở thật mạnh, nhưng óc cô vẫn cố hết sức để suy nghĩ.

Và chỉ nghĩ đến hai chữ “bỏ trốn”.

Trốn khỏi trường, trốn về nhà. Nếu sống với mẹ, thì mình sẽ nói là để dường bệnh, chắc nhà trường cũng sẽ phải yên tâm.

Nhưng lúc này trốn về nhà đâu có dễ. Chu Mẫn và Trần Hy bám sát mình như bóng với hình, họ sẽ đi theo ra ga, sẽ dùng mọi cách để ngăn cản mình.

Và dù có về đến nhà, thì chắc mẹ cũng lại nghe theo đề nghị của bác sĩ để đưa mình vào nằm viện.

Nhưng dù sao thì bây giờ cũng không thể quay lại ký túc xá, về đó khác nào chui đầu vào rọ. Trường đã quyết định phải đưa mình đi viện, chưa biết chừng đang có người chờ ở ký túc xá để “áp giải” mình!

Nhưng cô vẫn cứ bước về hướng ký túc xá, cô không muốn để lộ ra hiện tượng gì bất thường để Chu Mẫn và Trần Hy nghi ngờ. Sắp đến gần khu ký túc xã, cô đưa mắt nhìn, cô như hít phải làn gió mạnh: một xe buýt mi-ni màu trắng đang đỗ ở sân trước khu nhà 13 mà cô ở. Chắc là người ta đang chờ để đưa cô đi viện.

Kể cũng hay, các thầy còn để cho mình học nốt bài thực nghiệm, chắc vì sợ rằng sau khi tan lớp mà lôi mình đi, sẽ gây nên cảnh ầm ỹ náo loạn, thì không hay.

Bây giờ chỉ còn cách lợi dụng cơ hội cuối cùng để thoát khỏi cảnh ngộ đang chờ cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.