Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 24: Chương 24: Sự phản bội dịu dàng




Ngày 9 tháng 6

Hôm sau Lượng đến phòng bảo vệ giao cho phó phòng Vu Tự Dũng bức ảnh “Hiên ngang trong đêm tuần tra” đã in xong. Vừa bước vào gian chính của phòng bảo vệ, Lượng đã đảo mắt tìm khắp một lượt. Nhưng ở đây sổ sách bề bộn, anh không sao nhận ra đâu là “hồ sơ Nguyệt Quang xã”.

“Chú Dũng ạ, các bức ảnh chụp hồ sơ lần trước đã in, không nhìn thấy gì hết, vậy các chú đã xử lý ra sao?” Vì đã thân quen nên Lượng bắt chuyện với ông Dũng rất tự nhiên.

“Còn biết làm gì nữa? Kẹp vào hồ sơ, chờ 10 năm sau rồi hủy”. Ông Dũng vừa ngắm ảnh “Hiên ngang trong đêm tuần tra” vừa trả lời không mấy bận tâm.

“Thế thì chịu Diệp Hinh rồi! Kiến thức nhiếp ảnh phổ thông cũng không nắm được!”

Vừa nghe nhắc đến “Diệp Hinh”, ông Dũng ngẩng đầu: “Cậu không nhắc đến thì tôi không thể nhớ ra. Diệp Hinh thế nào rồi? Vẫn nằm viện tâm thần à? Sinh viên các cậu có biết tin tức gì không?”

Lượng thở dài: “Hinh là đồng hương của cháu, cô ấy rất giỏi giang, chẳng biết đã bị trúng tà gì. Gần đây bọn cháu đi kiến tập ở viện tâm thần, mấy hôm trước có gặp Hinh, cô ấy thực đáng thương. Người vốn đã mảnh khảnh, nay còn gầy thêm. Nghe nói ông bác sĩ rất có uy tín chuyên môn phụ trách điều trị cho Hinh bỗng dưng tự sát, thật quá lạ lùng!”

Ông Dũng ngạc nhiên: “Tôi nghe nói vị bác sĩ ấy tự sát cũng lại là nhảy lầu? Mà ông ta lại đang điều trị cho cô Hinh. Thật là kỳ dị!”

“Cháu không rõ chuyện về Diệp Hinh là thế nào, tập hồ sơ hôm đó có ý nghĩa gì? Có tác dụng hỗ trợ điều trị cho Hinh hay không?”

Ông Dũng lắc đầu: “Toàn là những thứ cũ rích mốc meo, sao lại có tác dụng hỗ trợ điều trị gì được? Cách đây ít hôm chúng tôi đã đem trả cho phòng hồ sơ rồi”.

Nghe nói thế Lượng cảm thấy vừa thất vọng lại vừa nhẹ nhõm, vì sẽ không phải có một động cơ “gây án” gì nữa. Anh chào rồi ra về, định tìm đến trạm điện thoại công cộng để nhắn tin cho Sảnh, bảo cô ta đừng nghĩ đến hồ sơ gì gì nữa. Khi đến chỗ ngoặt cầu thang, bỗng nghe có người gọi phía sau: “Anh khoan hãy đi, tôi muốn biết một số tình hình về Diệp Hinh”.

Lượng quay lại, thấy một thanh niên đứng đó. Anh ta nhìn quanh bốn phía như muốn xác định rằng không có ai ở xung quanh, rồi nói: “Tôi quen Diệp Hinh, tôi có một việc quan trọng muốn hỏi anh”.

Lượng nửa tin nửa ngờ, hỏi lại: “Anh là…”

“Tôi họ Bành, là một lái xe của trường ta, mời anh vào phòng làm việc của tôi, tôi muốn tìm hiểu vài điều về cô Hinh”.

Lượng hơi do dự, rồi gật đầu đi theo anh Bành vào phòng trực ban của lái xe.

“Vì ở gần kề phòng bảo vệ nên tôi khá quen họ, vừa nãy tôi nghe thấy anh nói chuyện với họ trong đó, anh và phó phòng Vu Tự Dũng có nhắc đến Diệp Hinh, nên tôi rất muốn hỏi anh, Diệp Hinh hiện nay thế nào rồi? Vẫn nằm viện tâm thần phải không? Cô ấy đã bình phục chưa, hoặc nói là, cô ấy có vấn đề thật hay không?”

Lượng nghĩ bụng: Anh là ai mà tôi phải cho anh biết tình hình cụ thể nhi? Nhưng thấy vẻ mặt anh Bành bộc lộ sự quan tâm trân thành, và có lẽ anh ta quen Hinh thật cũng nên.

“Hiện giờ Hinh vẫn đang nằm viện, tôi là đồng hương của cô ấy và cũng là bạn thân. Tôi cho rằng có lẽ cô ấy hơi có phần không bình thường, tôi vẫn đang muốn tìm hiểu thêm xem đã xảy ra chuyện gì. Tôi rất muốn giúp đỡ Hinh”. Lượng tặc lưỡi nói thật luôn.

“Quê anh ở vùng Giang Triết thì phải?”

“Vâng”.

“Nghe giọng nói, nên tôi đoán là thế. Hồi nọ Hinh và tôi nói chuyện, cô ấy nói tiếng phổ thông rất chuẩn nên tôi không đoán ra cô ấy quê ở Giang Nam. Hiện giờ thì gay rồi: nằm viện tâm thần thì đúng là bi kịch lại tái diễn”. Anh Bành băn khoăn đi đi lại lại.

“Anh nói gì? Sao lại nói là bi kịch? Đừng nên nói thế nghe sợ chết khiếp! Anh là ai mà lại…?”

“Tôi vừa nói rồi mà: tôi là lái xe, nhưng tôi rất quan tâm đến “vụ án mưu sát 405”. Hồi nọ Hinh đến phỏng vấn phó phòng Vu Tự Dũng, muốn tìm hiểu thêm về vụ kỳ án này, tôi đã kín đáo nói chuyện riêng với Hinh. Chính vì nghe thông tin của tôi, nên Hinh mới đi Nghi Hưng. Và ngay trong chuyến đi ấy, nhân vật duy nhất may mắn sống sót trong “vụ án mưu sát 405” là Thẩm Vệ Thanh đã nhảy lầu một cách bí hiểm. Sau khi Hinh trở về chẳng được mấy hôm đã bị đưa đi viện tâm thần. Sự việc ấy khiến tôi rất bức bối, cảm thấy mình đã có một quyết định sai lầm, khiến Vệ Thanh phải chết, đồng thời tôi phải chứng kiến Hinh đi vào ngõ cụt”. Anh Bành lại nói một lượt về nguyên nhân khiến anh quan tâm đến “vụ án mưu sát 405” như vậy.

Nghe mãi nghe mãi, đôi mắt Lượng mỗi lúc một tròn xoe. Lượng bắt đầu hiểu ra tại sao Hinh cứ mải mê đi điều tra tìm hiểu về “vụ 405”, rõ ràng không phải chỉ vì những thứ “ảo giác” kia. Thấy anh Bành đầy vẻ rầu rĩ, Lượng vội nói: “Anh đừng nên nghĩ ngợi quá xa như vậy, Hinh chưa chắc đã đi vào ngõ vụt gì đâu, nghe có vẻ quá thiên về thuyết định mệnh”.

“Chẳng phải tôi định đề cao thuyết định mệnh gì cả, nhưng thật là không may, nó lại trở thành một quy luật: 405 – các cô gái từ miền Giang Nam – bệnh viện tâm thần – nhảy lầu…”

Mỗi từ mà anh Bành nói đến đều khiến Lượng thót tim. Lượng trầm ngâm: “Tôi tuy chưa hoàn toàn tán thành cách quy nạp của anh, nhưng nhìn vào tình hình của Hinh hiện giờ thì đúng là chúng ta rất nên giúp đỡ cô ấy!”

“Đúng thế! Lúc nãy thấy anh nhắc tới “hồ sơ”, tôi nghĩ ngay là anh đang muốn điều tra một cái gì đó. Có phải tôi đã có phần lan man sa đà quá không?”

Lượng vội nói: “Đâu phải thế! Đúng là tôi đang điều tra nghĩ cách giúp đỡ Hinh, nhưng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Tập hồ sơ ấy là một đầu mối gợi mở, Hinh đã đọc được một phần trong đó. Cho nên tôi muốn tìm đọc xem nó có liên quan gì đến “vụ án mưu sát 405” hay không?”

Anh Bành dừng bước, trầm ngâm trong giây lát, rồi dường như phải hạ quyết tâm, cuối cùng anh nói: “Tôi đã xem qua rồi, có vẻ như chẳng liên quan gì cả”.

Trong căn nhà lợp tôn – nơi hội nhiếp ảnh hoạt động, Lượng và Sảnh đang sốt ruột đợi anh Bành đến. Sự việc khá là vòng vo. Anh Bành nói với Lượng là sau khi Diệp Hinh bị phòng bảo vệ “tóm được”, anh nghe nói cô gái Diệp Hinh – từng nói chuyện với anh – đã đột nhập vào phòng hồ sơ của trường để đọc rất lâu một tập hồ sơ cũ kỹ. Anh Bành có thế ra vào phòng bảo vệ rất tự nhiên như vào phòng làm việc của mình, phần lớn anh em bảo vệ lại không phải là công an đã được huấn luyện có bài bản, ý thức cảnh giác chưa cao, nên anh Bành đã có thời cơ để “ẵm” tập “hồ sơ Nguyệt Quang xã” ra ngoài. Thấy nó quá dày, anh biết khó mà đọc hết trong một lúc, bèn tặc lưỡi bỏ tiền ra hiệu phô-tô tất cả, rồi nhanh chóng đem trả về chỗ cũ. Anh bưng chúng về nhà để đọc.

Hoàng hôn đang buông xuống, anh Bành cắp một bọc giấy tờ xuất hiện ở cửa.

Ba người không nói gì nhiều, vội giở ra luôn. Vì đã đọc hết từ lâu, nên anh Bành chỉ dặn dò vài câu, rồi bước ra ngoài hút thuốc.

Vì Hinh đã nhiều lần kể về cuốn nhật ký, nên trước tiên Sảnh và Lượng tìm bản phô-tô cuốn nhật ký, giở đọc từ đầu.

Khi Sảnh đọc đến đoạn miêu tả lễ cưới của Lăng Hoành Tố và Lạc Vĩnh Phong, có nhắc đến cái tiêu bản cơ thể thần kỳ sắp hoàn thiện, cô kêu lên: “Điều này lại chứng minh rằng đúng là Hinh đã nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn thấy, Hinh không thể bị nằm viện tâm thần gì hết mới đúng. Chúng ta phải mau tìm cách đưa Hinh ra viện”.

Lượng nói: “Nếu Hinh ra viện, rồi vẫn không tránh thoát cái ngày 16 tháng 6 thì sao?”

“Anh khỏi phải lo. Sẽ có cách thôi. Đêm hôm trước Hinh phải về ở nhà em, mẹ em đã nói rồi: hôm đó sẽ lấy xích xích chặt Hinh lại, đã đủ an toàn chưa nào?”

Lượng nhíu mày: “Nghe sao mà đáng sợ! Chẳng kém nằm bệnh viện tâm thần là mấy!”

Sảnh lầu bầu: “Nhà anh là viện tâm thần thì có!” Rồi lại tiếp tục đọc.

Sảnh đã nghe Hinh ở trong bệnh viện tâm thần kể về phần đầu của cuốn nhật ký, tuy nửa tin nửa ngờ nhưng Sảnh vẫn còn nhớ được. Khi nhìn thấy phần nhật ký viết từ ngày 23 tháng 5 năm 1967 trở đi, Sảnh hiểu rằng phần này Hinh chưa kịp đọc đến. Sảnh chăm chú đọc.

23/5/1967

Hôm nay tôi bị đưa ra Khu xét xử công khai, ở trường này, có tôi và hai sinh viên cùng trường đều có vấn đề “xuất thân” nghiêm trọng, bị đưa ra “phê đấu”; ngoài ra còn có một số sinh viên của các trường khác cũng na ná như vậy, cả thảy là 18 người. Chúng tôi bị quần chúng phê đấu gọi đùa là Thập bát La Hán. Giữa chừng cuộc xét xử, một sinh viên trong số này nhảy xuống dưới sàn, tuy không chết nhưng vỡ đầu chảy máu, và gãy chân.

Khi trở về, cặp kính của tôi bị vỡ, khắp người là nước bọt, đầu gối sưng vù vì bị quỳ quá lâu.

Có lẽ đời người ta bị làm nhục đến thế này là cùng cực chăng?

Lúc này tôi bỗng hiểu ra, tại sao lại có nhiều hội viên “Nguyệt Quang xã” đã không hẹn mà cùng quyết làm “ngọc nát”. Trước hết là vì họ đều quá duy mỹ, có phải đây là căn bệnh chung của những người đam mê âm nhạc cổ điển hay không? Có phải những người theo đuổi cái đẹp thường có ít khả năng chịu đựng vấp váp hoặc những đối xử bất công không? Hay là họ căn bản chưa hề thử chịu đựng xem sao? Tôi liên tưởng đến một chút kiến thức tâm lý học trước kia được học, những con người ấy – hoàn toàn giống hệt nhau – cùng chọn cách tự sát là nhảy lầu, điều này có phải là sự ám thị tập thể, là sự theo đuổi một định hướng đồng nhất không?

Tại sao lại có cái ý nghĩ này? Tôi thấy lo sơ, chẳng lẽ mình cũng nảy ra ý nghĩ giống như vậy hay sao?

Không. Tôi vẫn còn rất nâng niu cuộc sống và yêu mến những người mến yêu tôi. Từ nhỏ tôi đã thiếu tình thương của cha mẹ, cho nên tôi rất trân trọng bất cứ ai yêu mến tôi, thậm chí có thế nói -tôi sống là vì họ.

Nhưng những người như thế lại không nhiều, bác trai của tôi chưa rõ sống chết ra sao, bác gái thì đã qua đời, Y Y, Kình Tùng và.. có thể còn ai nữa?

1/6/1967

Có lẽ đây là lần viết nhật ký cuối cùng của tôi.

Một trong những nguyên nhân khiến tôi nghĩ thế, là vì kể từ ngày mai tôi bị cách ly để thẩm tra. Thực ra gần đây tôi đã bị theo dõi rất chặt cho nên lần này tôi phải ngồi trong nhà vệ sinh để viết. Tôi thường cất cuốn nhật ký này trong một gian nhỏ thường dùng để chất các dụng cụ vệ sinh, mãi trên tầng 5 của ký túc xá, ở đó có vài cái tủ cũ nát chứa các thứ lặt vặt, cùng đủ thứ vớ vẩn – từ các tờ áp-phích cho đến cái ghế gấp -những thứ chẳng bao giờ có ai đụng đến chúng.

Một nguyên nhân nữa là, tôi cảm thấy tổ điều tra đã quyết ý phải dò cho ra cái nguồn gốc của tôi và “Nguyệt Quang xã”, tôi chẳng rõ mình còn có thể chống đỡ được bao lâu nữa. Có lúc tôi nghĩ: vì sao lại thế? Vì nhà trường đã lâu không bắt được một vụ “trọng án” nào chăng? Có lẽ không phải vậy. Vì muốn tìm được một lý do để phê đấu tôi chăng? Họ không cần bất cứ lý do nào. Chỉ biết rằng tôi đã bị xét xử công khai 6 lần, phải chịu đựng vô số cú đấm đá và nước bọt.

Cách giải thích duy nhất là, có kẻ muốn bắt tôi chính thức trở thành kẻ phạm tội, rồi bỏ tù, thậm chí đem bắn. Nếu có chứng cứ rành rành, thì tôi sẽ bị xóa tên khỏi lịch sử một cách suôn sẻ.

Tôi nghĩ, mình là một thằng điên thì phải, đến giờ mà vẫn muốn lưu lại cuốn nhật ký này. Nếu là một người bình thường, thì ngay từ khi bắt đầu bị điều tra, nên đốt ngay cuốn nhật ký này đi mới đúng.

Nhưng tôi biết rõ ý định của mình là muốn ghi chép lại những ngày tháng này, muốn ghi chép lại sự trong sáng và nỗi gian nan vật vã của “Nguyệt Quang xã”; biết đâu có ngày nó được đưa ra ánh sáng, nó sẽ nhắc nhở thế hệ sau chớ mắc lại sai lầm tương tự như thế nữa.

Tôi tuy bị áp lực rất lớn, nhưng may thay vẫn có Kình Tùng thường đến thăm tôi, cùng ăn cơm với tôi ở nhà ăn, động viên tôi hãy tiếp tục gắng sức. Không thể phủ nhận rằng cho đến nay Kình Tùng vẫn là một trong những nguồn động lực mạnh mẽ đối với tôi. Tùng tốt với tôi như thế, tôi không cần phải giữ bí mật với anh về bất cứ điều gì. Và thế là tôi đã kể với Tùng về “Nguyệt Quang xã”.

Còn một người nữa biết tôi là người duy nhất còn sót lại của “Nguyệt Quang xã”, là Y Y. Nhưng đã lâu không thấy nàng xuất hiện.

Tôi có thể hiểu được, vì xuất thân của nàng cũng không hay mấy, lại bị Máy Kéo giám sát, bất cứ một hành động nào tiếp tục tiếp cận tôi, sẽ chẳng khác nào thiêu thân lao vào lửa. Tôi có thể cảm nhận rằng nàng vẫn đang nhớ đến tôi, đang đợi chờ ngày tái ngộ. Vì chờ đợi cái ngày ấy, tôi sẽ âm thầm chịu đựng, dù phải xa cách bao lâu, thậm chí dù bị đi tù, tôi vẫn sẽ kiên trì bám trụ như các liệt sĩ cách mạng trước kia.

Hôm nay là ngày Quốc tế thiếu nhi, khi rời chỗ tổ điều tra trở về tôi nhìn thấy các cháu ở nhà trẻ của trường đang vui chơi ca hát trên bãi cỏ xanh trước toà nhà hành chính. Chúng đều hồn nhiên vô tư lự, lòng tôi bỗng thấy xót xa. Bọn trẻ ngây thơ kia đâu phải nghĩ ngợi đến những biến đổi ghê gớm đang xảy ra với mình. Tôi cũng nhớ về những năm tháng tôi và Kình Tùng cũng vui đùa hồn nhiên vô tư như thế này.

15/6/1967

Tôi đã nuốt lời hứa với mình, tôi lại lấy cuốn nhật ký này ra. Nó vẫn được cất ở chỗ cũ, rõ ràng là không bị ai đụng đến.

Nuốt lời, không phải là có tội. Nhưng phản bội thì sao?

Hôm qua tổ điều tra bỗng nói với tôi rằng đã kết thúc điều tra, tôi có thể ra về.

Gần nửa tháng trời bị cách ly thẩm tra, hàng ngày tôi phải đối mặt với các điều tra viên, ngoài ra thì chỉ còn có những bức tường. Nếu tôi nói, đến lúc này tinh thần tôi vẫn còn lành lặn thì chắc chắn đó chỉ là tự an ủi mà thôi.

Tôi có thể ra về nhưng không có nghĩa là đã được tự do. Người của tổ điều tra nói rằng: hãy nghiêm chỉnh ở lại ký túc xá để chờ sự sắp đặt tiếp theo. Tôi ko hiểu nổi thế nghĩa là gì, bèn gặng hỏi mãi. Họ vì ngán quá nên cuối cùng họ bảo tôi rằng: đã có người cung cấp chứng cứ, chắc chắn anh là dư đảng của “Nguyệt Quang xã”. Sẽ xử lý tôi thế nào, thì tổ điều tra không quyết định được. Kể ra thì họ vẫn còn có chút tình người, họ thả tôi về, là để tôi liệu mà thu xếp, báo tin cho người nhà, bạn hữu… để rồi lên đường “ra đi không hẹn ngày trở lại”. Cho nên, về trường không phải là được tự do, tự khắc sẽ có các đồng chí cách mạng giám sát tôi. Đồng thời, họ báo lên thành phố, chờ xem sẽ quyết định bỏ tù là còn nhẹ – có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn.

Tôi đờ đẫn đứng trong phòng làm việc của tổ điều tra, đầu tôi trống rỗng, không biết mình nên có tâm trạng gì đây. Đứng ngoài nhìn vào, dường như tôi còn quyến luyến không nỡ rời cái địa ngục đã thẩm tra tôi mấy tháng nay.

Tôi đi về ký túc xá, thất thểu như người mất hồn, hầu như suốt dọc đường đã nghĩ rất nhiều nhưng đầu óc chẳng sáng ra được điều gì. Chỉ có Kinh Tùng và Y Y biết tôi từng tham gia “Nguyệt Quang xã”, nếu đúng là có người làm chứng thì chỉ có thể là một trong hai ngừơi. Tôi đã hỏi tổ điều tra “nhân chứng đó là ai” thì họ quyết không hé lộ, nói là cần phải bảo vệ các đồng chí cách mạng, nhưng lần sau phỏng vấn sẽ cho đối chất với tôi từng câu.

Liệu có phải họ chuẩn bị để vu cáo hãm hại tôi không?

Khi sắp ra khỏi tổ điều tra, thấy họ nói đến vài chi tiết về việc tôi tham gia “Nguyệt Quang xã”, thấy đều đúng cả.

Vậy tức là một trong hai người Kinh Tùng – Y Y đã khai tôi ra.

Về đến ký túc xá, Kinh Tùng biết tin vội đến ngay. Khi nhìn thấy tôi, Tùng đứng ngây người, đôi mắt Tùng đỏ hoe. Lần đầu tiên tôi trông thấy Kinh Tùng vốn cứng rắn như thép gang lại buồn như thế này. Có lẽ tại tôi nửa tháng qua chẳng buồn tắm gội, trông nhếch nhác như một kẻ lang thang. Nhưng khi Tùng bắt đầu nói thì tôi hiểu ngay tại sao Tùng lại buồn.

Tùng đã nghe nói về việc tôi đã bị khép tội.

“Cậu đã biết rồi, sao cậu còn đến gặp tôi nữa? Không sợ bị mang tiếng là “thông đồng với địch” ư?” Tôi rất xúc động bởi Tùng đã đến với tôi nhanh như thế này.

“Cậu nói gì lạ thế? Tôi đã sợ cái gì bao giờ chưa?” Kinh Tùng vẫn giữ cái tác phong hùng dũng vốn có. “Cậu có biết ai đã khai ra cậu không? Tôi thấy mấy tay ở tổ điều tra nói vanh vách đâu ra đấy, nói là có chứng cứ rành rành”.

Tôi thở dài “Chỉ có hai người biết về chuyện này”.

Tùng kinh ngạc nhìn tôi. Anh đương nhiên biết mình là một trong hai người.

Tùng đứng im nhìn tôi, rồi chợt nói “Tôi sẽ đến bệnh viện Tuyên truyền gọi Y Y lại đây, hỏi tại sao cô ta lại làm cái việc như vậy”. Rõ ràng là Kinh Tùng không phải là người đã tố giác tôi.

Chẳng lẽ là Y Y thật hay sao? Người tôi căng âm ỉ, nhói đau.

Đã rất lâu nàng không đến thăm tôi, có lẽ đã nói lên một điều gì đó.

Nhưng tôi đang nghĩ, với tính cách nóng như lửa của Tùng, chưa biết chừng cậu ấy sẽ có hành động quá mức đối với Y Y. Y Y lại đang ở dưới tầm ngắm của Máy Kéo, nhất định hắn sẽ đùng đùng chạy đến ngay.

Tôi nghiêm giọng can ngăn Tùng đừng đến bệnh viện tiền tuyến, và nói rằng tôi sẽ gọi điện để hỏi Y Y cho rõ. Tôi cảm ơn Tùng đã không tố giác tôi. Đến lúc này, Tùng trào nước mắt, ôm lấy vai tôi: “Người anh em ạ! Nếu tôi đã làm thế thật, thì thà tôi chết đi còn hơn!”.

Một câu nói đầy xúc động, đời người ta có được một người bạn như thế này, đã đủ để thấy mình sống thật không uổng phí. Nhưng điều này cũng không thay thế nổi nỗi buồn trong lòng tôi.

Kể ra thì nếu đúng là Y Y đã khai tôi ra, thì tôi cũng có thể hiểu được. Vì không đời nào tổ điều tra lại buông tha Y Y, cũng như không buông tha Kinh Tùng bấy lâu nay. Đòi hỏi một cô gái mảnh mai yếu ớt phải chịu đựng những áp lực lớn như thế, thì rất không công bằng, đúng không? Nhưng hễ nghĩ đến cái hiện thực tàn khốc này: một người con gái có chỗ đứng quan trọng nhất trong đời tôi đã giao số phận tôi vào tay tổ điều tra.

Cái gì đang chờ đợi tôi? Nỗi nhục nhã khi bị xét xử công khai, kết án tù đày thật khó lường (kể cả khả năng bị đem ra bắn bỏ), và vĩnh viễn mất Y Y.

Tôi bỗng thấy cuộc sống không còn lạc thú gì nữa. Tôi chợt thấy mình có thể hiểu về sự lựa chọn của các bạn hội viên “Nguyệt Quang xã”. Lựa chọn chấm dứt cuộc đời, vì không còn nhìn thấy hy vọng. Hoặc nói là, vì không còn niềm tin và sự nhẫn nại để chờ thấy được hy vọng. Đó cũng là tôi hôm nay. Tôi thậm chí đã bắt đầu tin rằng, có lẽ cái lời tiên đoán đáng sợ kia – cái lời tiên đoán đáng sợ mà tôi vẫn bĩu môi coi thường – đã bắt đầu ứng nghiệm vào ngay số phận tôi. Điều đáng sợ hơn nữa là, dường như tôi đang bước vào con đường của thuyết định mệnh.

Liệu có phải Y Y không hề khai tôi ra, mà là do có điều oái oăm gì khác chăng? Tôi phải hỏi Y Y xem sao, dù chỉ nghe giọng nàng nói thôi, tôi cũng áng chừng có thể cảm nhận được đã xảy ra chuyện gì. Tổ điều tra sẽ không cho tôi quá nhiều thời gian “tự do”, nếu định gặp Y Y thì tôi phải nhanh lên mới được.

Nghĩ ngợi cả đêm không sao chợp mắt được, trời vừa sáng tôi đã xuống dưới nhà, chuẩn bị đi xe buýt đến bệnh viện tiền tuyến để gặp Y Y. Nào ngờ vừa ra khỏi cổng trường thì có ngay hai người tiến lại “mời” tôi quay về. Rõ ràng là họ sợ tôi bỏ trốn. Tôi không cưỡng lại được, đành vào phòng điện thoại để gọi đến bệnh viện tiền tuyến.

Phải vòng vo mãi, phải chuyển tiếp qua qua vài phòng ban, rồi mới nghe thấy tiếng Y Y ở đầu dây bên kia. Thoạt đầu tôi không dám tin đó là giọng của Y Y, vì đầy vẻ nơm nớp, ngập ngừng định nói rồi lại thôi, và lại như nấc lên nghẹn ngào. Trực giác mách bảo tôi, có lẽ, cái điều tôi không muốn tin, đã xảy ra thật. Nhưng khi nghe thấy giọng nói Y Y đang run run, tôi đã nén lại cái câu định hỏi, rồi tôi không biết nên nói gì nữa. Để rồi Y Y lại phải hỏi tôi rất khẽ gần như không thể nghe thấy: “Anh… có khỏe không?”

Tôi biết, nam nhi chẳng nên khóc than thút thít trong cuộc điện thoại, bèn cố tỏ ra bình thản nói: “Anh vẫn khỏe”.

Đầu dây bên kia lại lặng im một hồi lâu, bỗng Y Y nói: “Em sợ…”. Nàng sợ cái gì thế? Chắc chắn lúc này Y Y đang phải chịu áp lực rất lớn, chưa biết chừng “Máy Kéo” đang đứng áp bên cạnh như muốn nuốt chửng! Tôi càng hiểu nàng hơn nữa, dù nàng đã khai tôi ra thật, thì cũng không đáng trách. Con người ta ai cũng cần phải sinh tồn, được sống sót thì mới còn có hy vọng. Không kể những người như tôi – đối với tôi, sinh tồn chỉ còn là một gánh nặng.

“Em đừng sợ. Em hãy làm chủ bản thân, anh vẫn mãi yêu em”. Tôi cảm thấy mình đã nói năng rối loạn chẳng đâu vào đâu.

Lại im lặng một lúc rất lâu. Rồi Y Y lại nói: “Chúng ta… không thể gắn bó với nhau nữa, mong anh đừng trách em”.

Điều này là thật ư? Tại sao thế? Tôi vẫn còn chưa nói gì kia mà.

“Anh biết hiện nay là lúc rất khó khăn đối với em, nhưng em biết không, lúc này cũng là lúc anh đang rất khó khăn”. Tôi có thể cảm nhận được tâm trạng nặng nề của Y Y, nhưng tôi vẫn không thể tin nàng muốn bỏ tôi, sau khi đã tố giác tôi. Tôi cũng có thể thông cảm, nhưng khó mà chấp nhận.

Tôi lại nói rất bình thản: “Y Y, em đừng buồn. Anh có thể thông cảm và cũng có thể chấp nhận. Em hãy hứa với anh một điều em phải đến đây với anh một lúc. Anh có việc rất cần nói chuyện với em, hãy coi như chúng ta gặp nhau lần cuối! Sau lần này chúng ta sẽ không còn dính dáng gì nữa, được không?”

Đắn đo rất lâu, Y Y mới nói: “không thể ạ…”

“Tại sao thế?”

“Em sợ…”

“Yêu cầu của anh không có gì gọi là quá đáng, anh chỉ muốn gặp em một lần. Em coi như vào thăm tù nhân để an ủi hoặc thậm chí là để đấu tranh – gọi là gì cũng được. Chỉ một lần này thôi. Hoặc, em bảo một đồng chí cách mạng đang đứng bên cạnh em đi kèm cũng được. Chỉ một lần này thôi”. Tôi muốn gặp, để nhìn vào mắt nàng và hỏi có phải nàng đã tố giác tôi không? Sau đó sẽ nói: bất kể là thế nào tôi vẫn yêu nàng. Mọi việc nàng đã làm, tôi tuy khó mà chấp nhận nhưng đều có thể thông cảm.

Thực ra tôi có thể không cần phải hỏi một câu nào, bởi lẽ đã không còn mấy ý nghĩa nữa rồi. Tôi chỉ muốn gặp nàng trước khi tôi ra đi, dù sao nàng cũng là người tôi yêu nhất trong đời.

“Hãy để em nghĩ xem đã…” Giọng chần chừ của nàng như xé nát cõi lòng tôi. Đây đâu phải là Y Y thân quen của tôi.

Tôi nài nỉ: “Tối nay dù thế nào em cũng phải đến, anh sẽ đợi em đến tận nửa đêm”.

Lại im lặng rất lâu. Văng vẳng thấy tiếng khóc thút thít của Y Y. Rồi bỗng nhiên dập máy. Liệu Y Y có đến không?

Câu trả lời do dự của nàng trong điện thoại như đã đập tan hoàn toàn mảnh vỡ còn sót của giấc mộng đẹp của tôi. Trong vở ôpêra “Rigoretto” của Véc đi có bài hát “Đàn bà hay tráo trở” vốn bị coi là thành kiến đối với phái nữ, nhưng biết đâu lại hàm chứa châm ngôn trong đó?

Tôi không tin. Tôi chỉ biết rằng, nếu Y Y có thể đến với tôi đêm nay, chứng tỏ trong trái tim nàng vẫn có tôi. Ngắm khuôn mặt sáng trong của nàng, tôi sẽ có can đảm để vững vàng tiếp tục sống. Nhưng nếu nàng không đến thì sao?

Tôi cũng đã sắp xếp xong cả rồi.

Đến đây, cuốn nhật ký bỗng nhiên dừng lại. Sảnh nhìn lại dòng chữ ghi mở đầu đoạn cuối cùng, chính là ngày 15 tháng 6. Sảnh lim dim mắt suy nghĩ, rồi bỗng nhảy bật dậy kêu lên: “Anh Bành, anh Lượng ơi! Hai an hãy cùng em đi tìm một người. Tối nay nhất định chúng ta sẽ tìm ra được một đáp án”.

Sau một hồi gõ cửa gấp gáp, cánh cửa hơi hé ra. Ánh đèn ngoài sân giúp ông Phùng nhìn rõ Âu Dương Sảnh mặc bộ váy áo màu trắng đang đứng một mình ngoài cổng. Ông thầm kêu trời, rồi nói: “Lại là cô? Tối thế này lại còn đến đây, cô không nghĩ gì đến an toàn hay sao?” Ông vừa nói vừa mở cửa, lúc này ông mới nhận ra bên cạnh Sảnh còn có hai người nữa.

Sảnh không phân bua gì nữa, lách ngay vào căn nhà nhỏ của chủ nhân, bước thẳng đến chiếc bàn nhỏ kê bên cửa sổ, chỉ vào chiếc máy quay đĩa, hỏi: “Cháu muốn phiền bác Phùng cho chúng cháu biết: chiếc máy hát này ở đâu ra?”

Ông Phùng chợt sững người: “Cô… hỏi để làm gì?”

Sảnh cười nhạt: “Bác kín miệng ghê thật đấy! Bác cứ muốn cháu nói thẳng ra à?”. Sảnh bỗng xoay chiếc máy hát 180 độ. Lượng và anh Bành bước lại gần ngó nhìn. Thấy trên vỏ gỗ của chiếc máy hát có khắc một chữ “Tiêu”.

Ông Phùng thở dài, bước lùi lại, ngồi trên ghế sô pha: “Thì ra các vị đều đã biết cả rồi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.