Lá Cờ Ma

Chương 6: Chương 6: chương 6




“Ha ha, không phải là bác, ngay cả tiểu đội trưởng của phủ Tuần phủ cũng không sợ sao, thế mà bốn anh em nhà họ Tôn không cho bác sờ vào lá cờ đó, bác lại ngoan ngoãn nghe lời ạ?” Tôi cười hỏi.

“Chậc, chuyện đã qua sáu, bảy chục năm rồi, anh khích tôi phỏng có ích gì? Nói thật với anh nhé, hồi còn trẻ, tôi cũng học quyền ở võ đường mấy ngày, công phu chưa đến mức nhà nghề nhưng cũng biết võ vẽ một ít. Người cầm lá cờ đó là Tôn Tam Gia. Tôn Tam Gia không chỉ to cao vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn mà tôi vừa nhìn đã biết, Tôn Tam Gia võ nghệ siêu phàm, một gã như tôi, ông ấy chỉ tóm nhẹ đã khiến xương cốt tôi gãy răng rắc rồi ấy chứ”.

Tôi gật đầu, Tôn Điện Anh xuất thân từ con nhà võ tướng, thuộc hạ của ông ấy người nào cũng hung hãn cả, có thể giữ chức phó sư trưởng dưới trướng của ông ấy hẳn nhiên không phải nhân vật tầm thường.

Ông lão Dương Thiết đã uống cạn chén trà. Lão đứng lên rót thêm nước vào trong chén rồi tiếp tục kể chuyện năm xưa.

“Về sau, xảy ra một chuyện, mà kể từ đó, bốn anh em nhà họ Tôn thôi không cầm cờ rong ruổi khắp mọi nơi nữa. Họ chọn bốn mảnh đất rồi vẽ một vòng tròn dọc theo bốn mảnh đất đó. Họ cho mỗi hộ gia đình sinh sống trên các con phố nằm trong vòng tròn đó một nghìn đồng đại dương để chuyển ra ngoài ở. Khoảng hai năm sau, khi họ xây nhà xong, những hộ gia đình đó nếu lưu luyến nơi ở cũ có thể lại chuyển về sinh sống trong khu nhà mới xây theo quy mô lớn nhỏ ban đầu, có điều những hộ như thế mỗi hộ chỉ được nhận năm trăm đồng đại dương. Chà, năm đó khoản tiền này là một khoản kếch xù đấy. Tôi cũng là một trong những hộ gia đình được hưởng lợi năm đó. Những hộ gia đình sinh sống trên các con phố bên cạnh ao ước được như chúng tôi lắm lắm, nhưng bốn anh em nhà họ Tôn không khoanh vùng nơi định cư của họ, bọn họ biết phải làm thế nào? Sau này, khi bốn anh em nhà họ Tôn không còn, chính phủ quốc dân muốn thu hồi lại nhà ở, song trong tay chúng tôi có thỏa thuận nhà đất, thế là hai năm sau, chúng tôi chuyển về đó ở một cách thuận lợi”.

Nghe xong, tôi cảm thấy như có một đám sương mù bao phủ, lời kể vừa rồi của ông lão Dương Thiết chứa đựng biết bao nhiêu dấu chấm hỏi.

“Khoan đã bác ơi, bác nói về sau xảy ra một chuyện, là chuyện gì thế ạ?”, tôi lần theo thứ tự trong lời kể của ông lão để hỏi chuyện mơ hồ đầu tiên.

Ông lão Dương Thiết chau mày, lắc đầu đáp lời: “Thật tình là tôi không rõ chuyện đó lắm vì lúc xảy ra sự việc, tôi không có mặt ở đó, những người tận mắt chứng kiến thì không thể giải thích nổi tại sao nó lại như thế, hơn nữa người nào người nấy đều sợ hãi mất mật”.

“Không thể giải thích nổi tại sao nó lại như thế, sao có thể thế được ạ?”

“À, là như vậy, tôi cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Sự việc phát sinh đột ngột trong lúc bốn anh em nhà họ Tôn cầm lá cờ đó đi diễu phố, mọi người xung quanh kinh hồn tán đảm. Tôi có hỏi qua mấy người nhưng không ai chịu mở miệng, bởi vì họ không biết mình đang nói gì. Kể từ sau sự việc đó, bốn anh em nhà họ Tôn không bao giờ giương lá cờ đó lên nữa, à, hình như chuyện đó xảy ra tại tòa nhà ba tầng nằm giữa hiện nay đấy”.

“Bác nói bốn anh em nhà họ Tôn vẽ một vòng tròn, tức là như thế nào ạ?”, tôi tiếp tục hỏi.

“Bốn tòa nhà đó cách nhau rất xa đúng không?”

“Vâng, đúng thế ạ”.

“Vậy thì đúng rồi, những con phố nằm giữa các tòa nhà ba tầng đều nằm trong vòng tròn”.

Ông lão Dương Thiết nói không rõ ràng chút nào. Tôi phải hỏi mấy lần mới hiểu rõ cái vòng tròn đó là vòng tròn như thế nào. Tôi thật không thể nào ngờ, tôi vốn cho rằng điểm nghi vấn lớn nhất trong bức ảnh của 67 năm về trước lại tìm được lời giải theo kiểu này.

Bốn anh em nhà họ Tôn lấy tòa nhà ba tầng ở chính giữa làm tâm và khoảng cách giữa ba tòa nhà ba tầng ở bên ngoài làm bán kính vẽ một vòng tròn đánh dấu phạm vi. Tất cả những hộ gia đình nằm trong vòng tròn đó nhanh chóng chuyển ra ngoài sinh sống sau khi nhận được tiền của họ.

Tôi bất giác hít một hơi thở dài, cả một khu lớn như vậy với không ít hộ gia đình, bốn anh em nhà họ Tôn phải tốn biết bao nhiêu tiền, thảo nào mà ông lão Dương Thiết nói đó là “một khoản kếch xù”.

Mua cả một khu đất lớn như vậy chỉ để xây bốn tòa nhà, còn với những ngôi nhà mái bằng thấp nhỏ khác khi thì họ bảo xây vườn hoa, lúc lại nói là xây mấy ngôi nhà tầng, nói tóm lại, bốn anh em nhà họ Tôn thuê một đội thi công tới xúc ủi những tòa nhà mái bằng đó, tuyệt nhiên không thấy họ xây dựng công trình nào.

Như thế cũng có nghĩa là trước khi quân Nhật ném bom, những ngôi nhà quây xung quanh bốn tòa nhà ba tầng đã trở thành một đống hoang tàn. Quân xâm lược Nhật không thể thực hiện ném bom chính xác “như dao mổ” của người bác sĩ vào thời điểm đó được, cơ bản là họ không ném bom bất cứ công trình nào trong phạm vi “khu ba tầng”, có điều sau trận oanh tạc, khắp nơi ngổn ngang gạch ngói vỡ vụn nên khi nhìn vào bức ảnh đó sẽ khiến người ta tưởng lầm.

Vậy là điểm nghi vấn này giờ chuyển từ câu hỏi “Vì sao quân xâm lược Nhật không ném bom bốn tòa nhà ba tầng?” sang câu hỏi “Vì sao quân xâm lược Nhật không ném bom khu vực này?” Những câu hỏi này vẫn là một câu hỏi chưa thể tìm ra lời giải như câu hỏi trước.

“Bác ơi, ban nãy bác nói bốn anh em nhà họ Tôn không còn, nghĩa là sao hả bác?” Câu hỏi này với tôi rất quan trọng bởi lẽ tôi đã hướng sự chú ý sang bốn anh em nhà họ Tôn, nếu tìm được bốn anh em nhà họ Tôn hoặc hậu duệ của họ thì mọi việc sẽ sáng tỏ.

“Mất tích, không ai biết họ đi đâu cả. Chuyện xảy ra khoảng một tháng sau ngày quân Nhật ném bom. Về sau, người ta không cho những người không phận sự vào trong khu đất mà bốn anh em họ Tôn đã mua. Khi quân Nhật trở lại tấn công khu vực này lần nữa thì đội ngũ vẫn trở nên rối loạn. Tôi cũng không biết rốt cuộc bốn anh em họ mất tích vào lúc nào, nghe nói phủ Tuần phủ phải lập hồ sơ điều tra vụ án, phái người đi tìm nhưng không có kết quả”.

Tối đến, tôi ngồi dựa vào đầu giường. Tờ giấy trong tay tôi vàng vọt dưới ánh đèn ngay đầu giường.

Ban ngày, lúc sắp sửa ra về, tôi bảo ông lão Dương Thiết phác họa lại cho tôi hình dạng của lá cờ kì dị in trong trí nhớ ông lão. Lá cờ này gây cho ông lão ấn tượng khá sâu sắc nên chỉ loáng một cái, ông lão đã vẽ xong nó bằng thứ mực của bút bi. Ông lão chỉ vào những hoa văn trên lá cờ và nói dõng dạc như tuyên thệ: “Đúng nó đấy”.

Tất nhiên, nó không phải là quốc kì của một đất nước nào cả. Không cần quan sát kĩ nó, chỉ lướt nhìn mấy chỗ bí ẩn chạy dọc theo đường viền của nó cũng đủ biết, làm gì có lá quốc kì nào quái dị như thế? Tôi chỉ hi vọng có thể khám phá ra xuất xứ của nó từ những hoa văn phác họa trên nó. Vì tôi cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này rồi, không đến nỗi mù tịt những kí hiệu bí ẩn như người bình thường.

Nhưng tôi lại chẳng khám phá ra điều gì. Nhìn những nét vẽ vòng vèo, chệch choạc như con nòng nọc, tôi thật tình không thể liên hệ nó với bất kì một kí hiệu nào hằn in trong đầu óc tôi.

Tôi nhìn lá cờ rất lâu. Những nét vẽ vòng vèo dường như động đậy. Tôi tiện tay đặt tờ giấy lên cái tủ kê phía đầu giường ở ngay bên cạnh. Tôi biết nó chỉ là ảo giác, giống như khi ta nhìn chăm chăm vào một chữ trong thời gian dài thì ngay cả một chữ mà vốn dĩ ta có thể nhận ra dù nó bé xíu cũng trở nên xa lạ. Cái lá cờ do ông lão Dương Thiết vẽ này chẳng hấp dẫn như lá cờ mà Tôn Tam Gia giương cao trong tay như trong trí nhớ của ông.

Tôi đã mạo hiểm nhiều lần nên hiếm khi tin vào mấy chuyện kì quái, nhưng cũng dám bạo gan suy nghĩ, nếu quả có lá cờ khiến con người khiếp nhược thì câu đố bí ẩn còn lưu lại từ trận hỏa chiến ở “khu ba tầng” sẽ có lời giải đáp. Bởi lẽ, khả năng oanh tạc ở tầng không gian thấp của những chiếc máy bay ném bom năm xưa hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của phi công, song người phi công khi nhìn thấy lá cờ này lại hốt hoảng mà không dám tiếp cận mục tiêu thì vùng này sẽ được an toàn. Nếu sự việc quả diễn ra chân thực như lời ông lão Dương Thiết, đó là lá cờ ấy có thể tác động khủng khiếp tới tâm lý con người thì những gã phi công người Nhật bản lĩnh phải cao cường lắm mới không bị đâm nhào xuống đất.

Thật tuyệt! Giờ thì tôi đã tìm được lời giải cho câu đố còn lưu lại từ “khu ba tầng” nhờ vào suy nghĩ táo bạo của mình. Nhưng thế thì sao nào? Cứ cho là tôi tin vào điều đó, nhưng liệu người khác có tin như tôi? Tôi có thể viết một bài báo nhan đề “Lá cờ ma đánh tan quân Nhật” không? Tôi có thể viết như thế không? Hay tôi sẽ lập tức bị đuổi việc sau khi nộp bài viết?

Hơn nữa, cứ theo trí nhớ của ông lão Dương Thiết, lá cờ ấy đã đuổi được quân Nhật, nhưng nó đơn thuần chỉ là tác dụng phụ mà thôi. Còn chuyện bốn anh em nhà họ Tôn xưa nay cầm lá cờ này, vẽ một vòng tròn đánh dấu phạm vi, yêu cầu tất cả những hộ gia đình nằm trong phạm vi ấy phải chuyển ra ngoài sinh sống chắc chắn có ý đồ riêng của họ. Họ muốn làm gì? Lá cờ trong tay họ là lá cờ như thế nào?

Chà, tắt đèn đi ngủ thôi.

Sáng hôm sau, tôi gõ cửa nhà bác Phó Tích Đệ.

Chiếc máy ghi âm của tôi vừa bật là những chuyện của năm xưa tức thì tuôn ào ào khỏi miệng bác, không ngừng nghỉ. Phụ nữ lúc nào cũng ưa dài dòng, chuyện ông lão Dương Thiết chỉ nói trong một phút thì bác Phó Tích Đệ phải mất gấp đôi thời gian để kể lại.

Trí nhớ của phụ nữ thường tốt hơn trí nhớ của đàn ông, nhất là khi bác Phó Tích Đệ nhớ về lá cờ ma đã hằn in dấu ấn cực kì sâu sắc trong kí ức của bác. Phải, tôi nghe rất rõ bác Phó Tích Đệ gọi lá cờ đó là lá cờ ma.

Từ trong lời kể của bác, tôi biết thêm rất nhiều tình tiết, chỉ có điều những tình tiết này lại không quá quan trọng đối với mục đích của tôi. Trong lúc say sưa nói, thỉnh thoảng bác lại lạc đề, ví như đang kể về lá cờ ma tự nhiên bác lại nói tới chuyện may vá thêu thùa.

“Đẹp thật, đường thêu rất sống động, rất có hồn”. Bác Phó Tích Đệ loay hoay lôi từ trong đáy hòm ra một bức thêu được thêu từ năm xưa. Làm khách nhà người ta nên dù thế nào đi nữa tôi cũng phải khen vài câu. Đường thêu khá tinh tế, thời đó, phụ nữ thường rất khéo trong chuyện may vá thêu thùa.

Nhìn gương mặt rạng rỡ như bông hoa thắm nở của bác tôi biết mình phải cố gắng hết sức kéo câu chuyện trở lại chủ đề chính. Quả tình tôi không sao hiểu nổi, rõ ràng bác đang kể một câu chuyện kì bí quái dị, đang kể về một ấn tượng sâu sắc khiến bác năm xưa hãi hùng khủng khiếp, thế mà tự dưng bác lại lạc đề?

Tôi khẽ ho một tiếng, bảo bác: “Cháu nghe nói năm đó xảy ra một chuyện khiến bốn anh em nhà họ Tôn từ đó về sau không cầm lá cờ đi diễu phố nữa, bác có ở đó lúc xảy ra chuyện không ạ?”

Tay bác đột nhiên run rẩy, chiếc khăn gấm thêu hình đôi uyên ương bay vèo xuống đất.

“Anh, anh cũng biết chuyện đó à?”

“Hôm qua, cháu tới nhà bác Dương Thiết, bác ấy có kể với cháu chuyện này, nhưng bác ấy bảo, bác ấy không có ở đó lúc xảy ra chuyện nên không kể rõ được ạ”. Tôi cúi người nhặt chiếc khăn gấm lên, nhẹ nhàng phủi hết bụi rồi đặt lên bàn trà ngay bên cạnh.

Bác Phó Tích Đệ khẽ thở dài: “Ôi, mong sao tôi cũng không ở đó”.

“Nói như thế tức là bác có mặt ở đó lúc xảy ra chuyện ạ?”, tôi mừng ra mặt.

“Tôi sống tới chừng này tuổi đầu, ngay cả lúc gặp ma đi nữa cũng không khiếp đảm như lúc đó đâu”.

Tôi giật thót tim, không lẽ người phụ nữ này đã gặp ma? Gặp ma, không ít người đã từng trải qua chuyện này, nhiều khi chỉ là tự mình dọa mình, nhưng cũng có một vài trường hợp gặp ma thật và đó là hiện tượng quái dị không thể tìm lời giải thích.

“Lúc đó trong nhà hết muối, tôi định ra khỏi nhà mua một gói muối hạt, vừa hay gặp bốn anh em nhà họ Tôn cầm cờ lướt qua. Tôi không dám nhìn thẳng vào lá cờ ma chỉ trừ lần đầu không biết. Ngoài lão Dương Thiết không thích sống ra, chẳng ai dám cố tình nhìn lá cờ ma đó cả. Nếu không nhìn thẳng vào lá cờ ma đó thì cũng không sao, cùng lắm chỉ thấy nó u ám. Lần đó, tôi vốn không định nhìn, kết quả đi đứng thế nào mà tôi ngã phịch ra đất, khi tôi ngẩng lên nhìn thì trên phố đã vắng hoe, chẳng có ai ngoài bốn anh em nhà họ Tôn. Cái thân già này của tôi không sợ anh cười chê đâu, nói thật với anh, lúc đó tôi sợ tới nỗi són cả ra quần ấy. Mà chả cứ gì tôi, ngay cả đàn ông đi nữa, mười người thì cũng có tới bốn, năm người khiếp hãi giống tôi, thậm chí có người còn phát điên đấy”.

“Phát điên cơ ạ?”

“Có khoảng ba, bốn người và một số người nữa về sau trở nên hơi cổ quái, người như tôi cũng được gọi là bạo gan rồi đấy”.

“Nhưng rốt cuộc thì đó là chuyện gì ạ?”, nói tới đây tôi vẫn không hiểu vì sao bác Phó Tích Đệ lại bị dọa cho sợ đến mức ấy.

“Chuyện ấy thì không ai có thể giải thích rõ được, người ta chỉ cảm thấy tất cả mọi người tự nhiên đều sợ phát khiếp. Giờ hồi tưởng lại, lúc đó tôi chẳng nghe thấy gì, chẳng nhìn thấy gì hết, nhưng trong lòng bỗng dưng hoảng hốt tới cực điểm, tưởng chừng như trời sập xuống mất rồi”.

Tôi hỏi lại bác mấy lần song vẫn chỉ có một cảm giác vô cùng trừu tượng, chả trách ông lão Dương Thiết cũng không thể nói rõ được, ngay cả người trong cuộc cũng không biết vì sao mình lại sợ đến thế nữa là. Thường thì nỗi hãi hùng của con người luôn có nguyên nhân, là do họ đã nhìn hoặc nghe thấy điều gì đó khiến họ khiếp đảm, đằng này tất cả mọi người hiện diện trên con phố đó lại bị nỗi sợ hãi trực tiếp tấn công, cảm giác sợ hãi tới cực điểm bỗng dưng cồn lên trong lòng.

Lá cờ đó đúng là lá cờ ma, kì quái tới mức không thể tìm thấy dấu vết, ngay cả khi tìm thấy người trong cuộc rồi cũng không thể phá vỡ thành trì bí ẩn của nó.

Tôi lắc đầu, tự sâu trong lòng, tôi cảm thấy không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi lôi từ trong túi ra tờ giấy vẽ hình lá cờ ma mà ông lão Dương Thiết đã phác họa cho tôi, đưa cho bác Phó Tích Đệ.

“Chính là lá cờ này phải không bác?”

“Ai bảo thế, nó không giống như vậy đâu.”, tôi không ngờ bác Phó Tích Đệ lại lắc đầu quầy quậy.

“Lá cờ này là do bác Dương Thiết phác họa cho cháu mà, bác ấy còn vỗ ngực khẳng định chắc chắn là nó cơ mà”.

“Xời, lão già ấy hồ đồ còn tôi thì không nhé. Mặc dù tôi chỉ liếc nhìn lá cờ đó có một lần, nhưng đến chết tôi cũng không thể quên hình dạng của nó”. Nói rồi bác Phó Tích Đệ lật sang mặt bên kia của tờ giấy, bác lấy một chiếc bút rồi vẽ lá cờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.