Lạc Bước Giữa Đồng Hoa

Chương 4: Chương 4: Kế Hoạch Yêu​




Hôm sau tôi thức dậy với tâm trạng cực rối loạn. Phần do lo sợ xem có bầm mắt hay không, phần còn lại do cái tin nhắn chết người của Khải Huy.

Tôi cực kỳ không an tâm. Nếu việc bị ăn đánh lộ ra thế nào bà ngoại cũng lo lắng không yên, mà bà biết thì bố mẹ sẽ biết. Bố mẹ biết rồi sẽ bất an, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Mà ảnh hưởng tới sức khỏe sẽ không yên tâm làm việc. Một loạt các hệ lụy xảy tới thôi thúc tôi nghĩ cách đuổi khéo anh ta.

Tôi ngồi nhà tính kế mất nửa ngày. Nên làm gì đây? Tôi đi lại vài vòng chán chê rồi nằm vật ra giường, vắt tay lên trán thao thức suy nghĩ. Hay là cứ dùng chiêu phổ thông nhất: Giả vờ không có nhà, sống chết cũng không mở cửa.

Nhưng suy đi tính lại thì cách này rất khó thành công. Nếu chỉ có tôi ở nhà thì không sao, nhưng nay lại có bà ngoại nên việc thực hiện càng trở nên bất khả thi.

Thấp thỏm cả buổi trực cửa nhưng không thấy tăm hơi anh ta đâu, tôi nhẹ nhõm được phần nào. Mà kể cũng lạ, tôi là người bị hại thì sao phải lo lắng nhỉ? Đời cũng lắm điều buồn cười.

Bà ngoại muốn ra siêu thị mua ít đồ. Tôi nói đi cùng nhưng bà không cho, bà muốn đi với các cụ trong hội cao tuổi rồi sau đó sẽ tới nhà văn hóa. Bà biết tôi không có khả năng ngồi lì hàng tiếng đồng hồ nghe diễn thuyết nên nói tôi ở nhà. Tôi biết vậy cũng ngoan ngoãn nghe theo.

Bà bảo sẽ về trước 6 giờ. Thời gian còn lại tôi tha hồ tung hoành, thậm chí cho Khải Huy ăn bơ nếu anh ta dám vác xác tới.

Tôi ngồi vắt vẻo trên ghế nhai hạt dưa. Nhìn đồng hồ mới chỉ 2 giờ, thật quá chán! Người ta thì lao đầu như thiêu thân đi kiếm tiền còn tôi vẫn nằm nhà ăn bám. Phải chấn chỉnh lại mới được. Cả đời không thể chỉ dựa vào cái blog ẩm thực đó.

Vậy là tôi quyết định dành nguyên buổi chiều để lên mạng và gửi đơn xin việc tới các công ti. Nghĩ về cuộc sống trước kia cũng có rất nhiều chuyện để nói.

Lần đó, tôi may mắn trúng tuyển làm biên tập viên trong công ti ẩm phẩm. Tôi tự nhủ phải cố gắng hết mình. Dù những chuyến đi thực tế luôn gặp khó khăn, nguy hiểm. Dù không ai nhận lời, dù mọi người nói sẽ khổ nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng đi và cố gắng hoàn thành tốt. Nếu người ta dùng máy bay thì tôi chọn tàu hỏa, nếu người ta qua đêm ở khách sạn thì tôi ở nhà nghỉ giá bình dân. Trong những chuyến công tác dài ngày, tôi luôn cố gắng chi tiêu tiết kiệm, không phung phí tiền nong. Người ta nói việc gì phải làm khổ bản thân nhưng tôi mặc kệ, vẫn luôn cố gắng phấn đấu hết mình. Nhưng kết quả thì sao? Người được tin tưởng luôn không phải là tôi, người được coi trọng vẫn không phải là tôi, người công ti không nỡ đuổi việc cũng không phải là tôi. Bao nhiêu cố gắng bỏ ra đổi lại được gì chứ? Tất cả nhanh chóng kết thúc chỉ bởi một lời tố hàm hồ không bằng chứng. Rồi việc gì đến cũng phải đến, tôi bị đuổi việc, bị mấy người không biết phải trái thi nhau xâu xé.

Bao năm qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Sự việc lần đó đều do một tay Hồng Mỹ dàn dựng. Cô ta biến tôi thành kẻ ăn cắp trắng trợn, bị gán mác là phá hoại còn bản thân trở thành nữ chính đáng thương trong vở kịch tự tay biên soạn. Tôi có mắt mà không biết nhìn, bị lấy ra làm con rối thỏa mãn thú vui của người khác mà không dám kêu ca. Tôi đúng là hèn nhát, quả thực rất hèn nhát.

Nhìn những dòng xin việc chuẩn bị gửi đi, tôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Mong rằng mọi chuyện êm đẹp sẽ đến, bình yên cứ thế trôi qua tới khi núp sau nải chuối là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Đọc kỹ lại từng dòng một lần nữa rồi nhấn enter. Tôi nhìn mãi thanh ngang đang chạy đến khi xuất hiện dòng chữ “Đã gửi” mới yên tâm. Bức thư điện tử này mang theo bao ước mơ, khát vọng của tôi. Hy vọng sẽ sớm nhận được hồi âm tốt.

Tôi đưa chuột tới nút START chuẩn bị tắt máy tính thì nhận được thông báo mới của Facebook. Là tin nhắn gửi đến, từ Duy Minh.

“Chị đang làm gì vậy?”

“Đang chat với mày.”

“Nói thế cũng bằng thừa. Em tới nơi rồi, bây giờ mới có thời gian nhắn tin với chị.”

“Ờ, vậy hả.”

“Tất nhiên là vậy. Mà em mới đọc báo thấy nhiều vụ yêu râu xanh xảy ra gần khu nhà mình. Chị cũng ít ra đường thôi.”

“Ôi tôi xúc động quá! Em trai biết lo lắng cho tôi cơ đấy. *chấm nước mắt*”

“Chị nói gì thế? Em lo mấy thằng đấy số chó má gặp phải chị.”

Nhìn nó đi… Ôi cái thằng…

“Mày ra ngoài xem có cái dép đang bay tới đấy.”

“Ở đâu vậy? Sao em đứng mãi chưa thấy? *cười nhe nhởn*”

“Hàng không dạo này làm ăn tèm nhèm quá, gửi có cái dép mãi chưa tới nơi.”

“Thế không nói sớm làm em đứng mỏi cả chân.”

“Muốn chết không?” Tôi nhắn lại, làm mặt ngầu.

“Muốn thì chị làm được gì?”

“Mày lại lên cơn à?”

“Ôi, sợ thế…”

“…”

“Thôi nghiêm túc. Chị bật webcam lên em nói chuyện với bà.”

Bà? Nhắc mới nhớ, từ nãy tới giờ không thấy bà đâu. Tôi ngó đồng hồ, đã 7 giờ rồi sao? Muộn vậy mà bà chưa về. Tôi nói Duy Minh hôm khác trò chuyện tiếp rồi chạy nhanh đi gọi điện thoại. Tôi nhấn số nhà văn hóa, đợi một lúc mới có người bắt máy. Tôi nhanh chóng hỏi về bà ngoại nhưng họ nói buổi diễn thuyết đã kết thúc từ lâu và ở đó không còn ai. Tôi nói cảm ơn rồi cúp điện thoại. Bà ơi là bà, bà đi đâu sao không nói cháu một tiếng?

Tôi mặc vội áo khoác rồi chạy ra ngoài, vừa bước chân ra cổng đã nhìn thấy một chiếc ô tô con đang đi tới. Đèn pha ô tô rọi sáng trưng làm tôi theo bản năng lấy tay che mặt. Nheo mắt mãi mới thấy rõ bóng dáng bà ngoại bước xuống, và người lái xe bên cạnh trông khá quen.

“Bà về muộn vậy sao không gọi cho cháu?”

“Mấy thằng nhóc con làm bà ngã ở siêu thị. Nhưng cô đừng lo, bà không sao.” Tôi ngớ người nhìn Khải Huy bước xuống với túi đồ nặng trịch trên tay.

“Bà không sao thật không?

“Ừ, may có cậu Huy giúp đỡ nếu không bà cũng không biết phải làm sao nữa.”

Bà ngoại mời Khải Huy vào nhà, anh ta mở đầu từ chối nhưng do bị mời mọc dữ quá nên cũng đồng ý. Bà đi trước dẫn đường, Khải Huy phụ trách mấy món đồ lỉnh kỉnh theo sau, cuối cùng là đến tôi. Trông thế này cứ như đang áp tải phạm nhân ấy nhỉ.

Nhìn anh ta ngồi sừng sững trong nhà là tôi biết ngay kế hoạch của mình đã phá sản trăm phần trăm. Nhân lúc bà ngoại vào bếp pha trà, tôi nhanh trí kéo Khải Huy ra ngoài. Ngó trước ngó sau không có bóng người mới dám mở lời khe khẽ.

“Anh chưa nói gì với bà tôi chứ?”

“Chuyện gì? Chuyện cô kéo tôi ra ngoài rồi giở trò mờ ám.” Anh ta làm mặt còn mờ ám hơn.

“Không phải chuyện đó. Chuyện tôi bị đánh và nợ tiền.”

“Vậy mà tôi cứ tưởng…” Thở dài. “Tôi chưa nói gì cả. Dù sao cô cũng nợ tôi nhiều thứ, cô không dễ thoát thế đâu.”

Tôi há hốc mồm rồi lại ngậm miệng. Anh ta đang nói nhăng cuội gì vậy?

Ngồi chơi một lúc thì Khải Huy xin phép ra về, bà thấy vậy cũng tiếc lắm. Tôi nhanh chân theo ra cổng. Dù gì người ta cũng có ơn với gia đình vậy nên tôi cũng cần tỏ ra là người chủ nhà hiếu khách.

“Kế hoạch của cô tới đâu rồi?” Khải Huy không vội lên xe, quay lại hỏi một câu khiến tôi đơ mất mấy giây mới hiểu ra nghĩa.

“Nhanh chóng kiếm tiền trả anh.”

“Vậy à. Tôi cũng có kế hoạch rồi.”

“…”

“Kế hoạch…”

Xuất xong câu trần thuật, cả người anh ta lọt thỏm vào chiếc xe sang trọng rồi phóng đi khỏi tầm mắt. Ngoài trời lá vẫn rơi, mô tô vẫn phóng qua và tôi đứng đó với mớ cảm xúc hỗn hoạn.

Anh ta vừa nói gì nhỉ?



Mấy ngày sau, cuộc sống của tôi trôi qua với gam màu xám chủ đạo. Tẻ nhạt, buồn chán không có gì đáng nói. Mấy bà, mấy mẹ hàng xóm ăn no không có việc gì làm bắt đầu quay sang dò hỏi vấn đề tình cảm. Mỗi lần tôi ló mặt ra đường là họ lại nhăm nhe hỏi có bạn trai chưa, có để ý ai không, nếu không họ giúp đỡ.

Mấy bà thím này toàn lo bò trắng răng. Mặc dù thấy rất phiền nhưng tôi vẫn phải cố trưng ra bộ mặt vui vẻ, dẫu sao thì họ cũng là hàng xóm lâu năm, cũng gọi là có quen biết.

Họ hàng ở quê muốn gửi cho gia đình tôi vài món đồ và cần người xuống lấy. Tôi nói sao không gửi bưu điện cho nhanh nhưng các dì bảo đây là đồ quý cần trao tận tay. Hơn nữa lâu rồi không gặp con mẹ Xuân, không biết đã lớn ra sao nên cũng muốn tôi về. Chung quy lại là tôi phải về, một công đôi việc luôn.

Sáng sớm hôm sau tôi khăn gói bắt xe về quê. Từ trung tâm thành phố đến đó mất khoảng ba giờ đi đường.

Miền quê vẫn thanh bình, giản dị như xưa. Tôi đứng trên đê, cố gắng căng bụng to hít lấy từng luồng không khí trong lành mà lâu lắm rồi mới được tận hưởng lại. Tôi phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay trải màu xanh ngắt. Phía xa xa, từng đàn chim trắng nối đuôi nhau sải cánh bay lượn dưới bầu trời rộng lớn. Mọi thứ như một cuộn băng tua chậm trong đầu, đưa tôi trở về tuổi thơ với bao hồi ức tươi đẹp.

Tôi kéo vali trên con đường bê tông đổ mới. Nắng vẫn trải mình lên từng nhánh cây ngọn cỏ. Những bụi cỏ lau cao quá gối từ từ rẽ lối khi bước chân ai tới gần. Thỉnh thoảng, tôi thấy mấy chiếc xe cải tiến của các bác nông dân đi ngược trở xuống. Trông khung cảnh vùng quê buổi sớm mới yên bình làm sao!

Về tới cổng làng, lũ trẻ nhỏ thấy tôi đã chạy thật nhanh tới. Tôi lấy trong túi xách ra một gói kẹo rồi chia cho từng đứa. Bọn trẻ cảm ơn rối rít, tôi nhìn mà không ngậm được cười.

Buổi trưa ăn cơm, các dì các cậu thay nhau hỏi thăm về bà ngoại, về bố mẹ. Tôi nói mọi người đều khỏe mạnh, còn Duy Minh đã sang Pháp học tập. Mọi người biết vậy đều vui mừng lắm. Nhưng không hiểu sao trọng tâm bữa ăn lại hỏi về vấn đề tình cảm của tôi. Sao chuyện muốn tránh mà nó cứ ầm ầm kéo tới nhỉ?

Tôi trả lời đại khái là chưa có. Dì Thanh thấy thế mừng ra mặt. Dì hỏi nếu cần dì sẽ giới thiệu một vài người quen, gia cảnh khá giả, công việc ổn định, tương lai ngời sáng. Dì nhìn tôi lại thương cảm cho bố mẹ. Mấy đứa bằng tuổi đều lấy vợ lấy chồng, con cái đề huề hết rồi, duy còn mình tôi vẫn chăn đơn gối chiếc. Tôi thì lại không nghĩ vậy: Bằng tuổi tôi cũng có mấy đứa đi gặp Diêm Vương rồi, lẽ nào tôi cũng phải đi theo?

Chuyện tình cảm không thể nói muốn là muốn ngay được. Có duyên có số ắt sẽ vồ lấy nhau, hãy cứ để thuận theo tự nhiên.

Tôi ở chơi thêm ngày rồi bắt chuyến xe chiều muộn về thành phố. Trước khi đi, dì Thanh đưa cho một chiếc hộp được gói ghém cẩn thận, dặn tôi phải giữ gìn và đưa tận tay cho bà. Tôi nhét chiếc hộp nhỏ dưới đáy túi, in lại mảnh quê thanh bình trong tim rồi lên xe trở về thành phố với bao xô bồ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.