Lam Y Nữ Hiệp

Chương 34: Chương 34: Hiến mưu lập kế, Trại Mạnh Thường quyết giúp Quân vương Điều động tướng binh, Mã nguyên soái hội diện Tổng trấn




Nghĩ đến cuộc phản loạn của Thuận Vương, đêm ấy nhà Vua không hề chợp mắt. Sáng hôm sau, Người dậy sớm truyền gọi Tổng thái giám vào hầu.

Từ trước tới nay, chưa bao giờ bị triệu gấp như vậy, Lý Tuyên Kinh ngạc, hồi hộp lo âu không hiểu có sự gì nguy bách. Họ Lý đoán rằng có lẽ bọn Hồng Trường Hải hành động vụng về để nhà Vua nghi ngờ chi đây nên triệu vào chất vấn. Vừa đi vừa lo, Lý Tuyên vào tới điện Khánh Hòa nhận thấy Hoàng đế đã gọn gang sửa soạn lâm triều, duy có cặp mắt sâu trũng lại như kẻ mất ngủ, đang lặng lẽ nhìn mình một cách kỳ quặc.

Lý Tuyên lo sợ, triều kiến xong khép nép đứng sang bên.

Vua lặng lẽ nhìn người bề tôi trung thành hồi lâu :

- Khanh vào cung được bao năm rồi? Còn nhớ không?

Mỗi tiếng nói là một nhát búa đập lên đầu, Lý Tuyên không hiểu càng lo sợ hơn :

- Muôn tâu, hạ thần năm nay năm mươi mốt tuổi, tính ra nhập cung vừa được ba mươi ba năm từ hồi còn Tiên đế.

Vua sẽ gật đầu :

- Tiên đế và chính Trẫm đây có bạc đãi khanh một ngày nào không?

Lý Tuyên nghĩ thầm: "Đúng Hồng Trường Hải làm bại lộ rồi!", toát mồ hôi :

- Muôn tâu, nhờ phúc ấm của tiền nhân, hạ thần rất được ưu đãi.

- Trẫm vẫn có thể trông cậy được ở lòng trung, nghĩa của khanh chớ?

- Dạ, dù Người có hạ lệnh cho nhảy vào nước, lửa, hạ thần cũng chẳng từ nan.

Lý Tuyên kín đáo nhìn, thấy Vua mỉm cười, mới tạm an tâm đôi chút.

Tiến lại gần, Vua nhìn thẳng vào mắt Lý Tuyên :

- Có một việc hết sức cơ mật, Trẫm muốn nhờ khanh hôm nay...

- Xin Người cứ dạy.

Vua hạ giọng, nói thiệt nhỏ mấy câu khiến Lý Tuyên tươi hẳn nét mặt :

- Dạ, xin Thánh thượng an tâm, thần sẽ hoàn bị việc này.

Vua dặn thêm :

- Khanh nên nhớ kỹ, trong sáu người đó, bốn người lớn hơn khanh một đầu người và hai người nhỏ chỉ đứng đến ngang tai.

- Bệ hạ có thể tin cậy được ở hạ thần.

Thấy Vua không truyền phán điều chi thêm nữa, Lý Tuyên quỳ lạy lui ra sửa soạn các thứ cần thiết, chờ sáng bạch ra khỏi Hoàng thành.

Nói về bọn Trại Mạnh Thường theo đường cũ về tới Phong Hạc lầu liền đi nghỉ, sáng hôm sau đầu giờ Tỵ mới kéo nhau đến nhà Lý Tuyên ở Thái Hòa lộ.

Họ Lý đã đứng chờ sẵn ở ngoài cổng, phì phèo hút thuốc lào.

Hồng Trường Hải nói với mọi người :

- Lão Tổng thái giám Lý Tuyên đang chờ bọn ta kia kìa. Chính người ấy đã chỉ lối cho ta nhập Hoàng cung, và có lẽ không ngờ là y có nhiệm vụ chờ đưa chúng ta vào gặp Vua trưa nay đó.

Sáu người đi tới nơi. Lý Tuyên lúc đó mới hết nghi ngờ khi nhận ra bạn thiết.

Hồng Trường Hải phì cười, hỏi nhỏ :

- Khỏi cần phải dùng mật hiệu Khánh Hòa chớ?

Lý Tuyên nói :

- Lão đệ lúc nào cũng cợt đùa! Ngu huynh thừa đoán ra làù ai rồi!

Sáu người theo Lý Tuyên vào tới nhà khách, Hồng Trường Hải mới giới thiệu mọi người.

Lý Tuyên thấy người nào cũng đạo mạo cốt cách nên kính trọng, nghĩ thầm: Thiệt không ai ngờ được sáu nhân vật này đêm qua đã nhập Hoàng thành gặp Hoàng đế và nay lại sắp gặp nữa! Thế mới hiểu thiên hạ sự, không biết thế nào mà lường được!

Lý Tuyên hỏi :

- Các vị dùng điểm tâm cả rồi chớ?

Hồng Trường Hải cả cười :

- Có lẽ đại ca tưởng chúng tôi định vào hoàng cung mới ăn sao?

Lý Tuyên nghiêm nét mặt :

- Chớ gì! Hoàng đế đã hạ lệnh cho ngu huynh dung toàn người tâm phúc hầu ngự thiện trưa nay để khoản đãi quý vị đó, có cả tiệc chay.

Hồng Trường Hải chép miệng :

- Tiếc quá!...

Lý Tuyên ngạc nhiên :

- Lão đệ nói sao? Tiếc gì?

- Còn tiếc gì nữa ư? Vua ban yến mà không được uống thả cửa như ở ngoài, như vậy có đáng tiếc không?

- Lão đệ khỏi lo, Ngu huynh sẽ tâu với Hoàng đế tải trạng rượu ấy để lão đệ biểu diễn cho Người coi, cho biết rằng trong thiên hạ có dị nhân quái khách.

Nghe nói, ai nấy đầu buồn cười. Lý Tuyên mời sáu người lần lượt vào tư phòng thay y phục thái giám. Nhờ được nhà vua tinh ý nhận xét vóc dáng của người nên y phục thái giám vừa vặn như in.

Hồng Trường Hải nói :

- Đời người thiệt lắm lúc bất ngờ! Bỗng dưng hôm nay thành thái giám cả lũ! Riêng đối với Sư trưởng Thiếu Lâm tự, giá lúc này có gặp môn đồ nào chắc người ấy cũng không nhận ra sư phụ nữa!

Mọi người nhìn nhau khúc khích cười. Lý Tuyên vỗ tay Hồng Trường Hải :

- Lão đệ giỡn mãi. Ta nhập cung đi kẻo Người chờ.

Sáu người ra đi cùng Lý Tuyên qua cửa riêng vào Hoàng thành xuống đường hầm bí mật, quanh co vào tận Khánh Hòa điện.

Thường nhật, các thái giám, nội thị về tựu khá đông tại nơi đây, nhưng Lý Tuyên theo kế của Vua cho họ đặc cách nghỉ bữa đó, chỉ dung có vài người hết sức thân tín. Tiệc bày ở thực phòng từng lầu nhì, nhà Vua ngồi hút thuốc chờ. Tuy ngạc nhiên về sáu người lạ xúng sính trong y phục thái giám mà được Hoàng đế trọng vọng đãi tiệc trong cấm cung, nhưng máy người thân tín, vốn quen tánh cách im lìm phục vụ, vẫn thản nhiên như không, chẳng ai hé răng bàn tán điều gì cả.

Hành lễ bái kiến xong, sáu người được nhà Vua thân mật mời vào tiệc ngay.

Tổng thái giám Lý Tuyên tâu nhỏ mấy điều, nhà vua gật đầu mỉm cười :

- Được, khanh cứ tự nhiên lấy rượu cho Hồng đại hiệp trổ tài "thiên bôi", và chính khanh cũng phải ngồi tiếp, Trẫm còn nhờ tới khanh nhiều việc.

Rượu được vài tuần, Vua phán :

- Tiếp theo câu chuyện đêm qua, Âu Dương khanh có thể cho Trẫm hay vì lẽ gì các khanh biết được việc Vĩnh Thái (tức Thuận Vương) muốn thoán nghịch không?

Trại Mạnh Thường nói :

- Muôn tâu, sở dĩ ngu thần biết rõ việc đó là vì giới hảo hán giang hồ thường tụ tập tại tệ trang, đã có phen đụng độ với mấy nơi sơn trại liên kết với Thuận Vương.

Hồi đầu năm ngoái, tế tử của ngu thần cùng người em gái của y đã khám phá ra vụ đầu đá Kim Cương tự bên Dương Châu là chi nhánh của phản đảng Kim Lăng. Tiếp sau vụ Kim Cương tự là vụ Xích Hoa viện ở Sơn Phu. Hiện nay hai nữ tặc chạy thoát khỏi Xích Hoa viện là Tần thị và Đới Ngọc Hoàn còn ở cả trong vương phủ Kim Lăng. Ngoài ra, việc Thuận Vương tuyển tướng Tiên Phong cách đây ba năm, và trong kỳ Kỵ Mã hồi năm ngoái, vị Vương gia ấy đã công khai phô bày lực lượng Ngũ hổ tướng, mọi người đều biết.

Nói tới đây, Trại Mạnh Thường kể tường tận, việc đại chiến Kim Cương tự, hỏa thiêu Xích Hoa viên cho Vua nghe.

Nhà Vua hỏi :

- Lịnh tế, và em gái y là nhân vật thế nào, có cùng lên Yên Kinh không?

- Muôn tâu, hai người đó là Đơn Đao Chu Đức Kiệt và Lam Y nữ hiệp Chu Tú Anh, nổi danh trong giới giang hồ kiếm khách phương Bắc và hiện đang du hiệp tại Giang Nam. Cả hai cùng ở lại tệ trang.

- A! Hai vị đại hiệp ấy cùng họ Chu!

- Dạ, anh em Chu gia người Bình Dương huyện Sơn Đông và là cháu ruột của Đức Võ Thượng Nhân đây.

Vĩnh Lạc hoàng đế thấy khí sắc nhàn nhã thần tiên của Đức Võ và tướng mạo bệ vệ anh hùng của cha con Trại Mạnh Thường, vốn đã sẵn lòng quý mến, nay lại biết rõ mối dây liên lạc mật thiết của anh em Chu gia với các nhân vật siêu đẳng trong giới võ nghệ hữu danh ấy, thì rất hoan hỉ mà rằng :

- Rất tiếc vợ chồng Chu Hiệp và Lam Y không cùng khanh lên Yên Kinh cho Trẫm biết mặt. Đáng quý thay, những người không được hưởng lộc nước, cơm Vua thì lại giúp ích cho quốc gia xã hội. Trái lại, những kẻ quyền cao, chức trọng, hưởng bổng lộc của triều đình như bè lũ Thuận Vương thì chỉ là sâu mọt đục khoét, hại nước hại dân. Chuyến này Trẫm quyết loại hết bọn gian thần phản quốc!

Suy nghĩ giây lâu, Vĩnh Lạc hoàng đế hỏi :

- Các khanh là người biết rõ tình hình, vậy có mưu kế chi, khá trình bày Trẫm nghe?

Đức Võ Thượng Nhân và Chiêu Đức thiền sư nhìn Trại Mạnh Thường như có ý muốn nhường lời để thảo luận kế hoạch với nhà vua.

Hiểu ý, Trại Mạnh Thường đáp :

- Muôn tâu, chúng ngu thần này đã đồng ý với nhau về điểm tối ư quan trọng này: Nếu Thuận Vương được tin chắc chắn Bệ hạ đã biết rõ dự tính phản loạn của y, tất thế nào cũng hưng binh tạo phản ngay, chiếm Giang Nam thiệt mau lẹ làm căn cứ địa. Đồng thời bọn lục lâm cường đạo liên kết từ trước với Kim Lăng cũng nổi dậy chiếm các huyện lỵ, Biểu trấn lúc ấy bị cô thế. Tới khi hai đạo binh miền Bắc của Nguyên soái Mã Thành Long, miền Tây nam của Đế đốc Tổng trấn Hà Thiên Thọ điều động được về đến nơi thì phản binh đã thừa thì giờ củng cố vùng rộng lớn phì nhiêu. Với số binh tướng đầy đủ ấy, chúng thừa sức chống đánh binh triều đình.

Như vậy, cuộc chiến tranh sẽ chuyển thành thế tam giác Bắc, Ba Thục và Giang Nam, gồm cả Giang Đông, Giang Tây. Tức là thế quân của Thuận Vương còn lớn hơn cả Đông Ngô thời Tam Quốc tranh hùng. Chẳng hay, Bệ hạ có đồng quan điểm với ngu thần không?

Vĩnh Lạc hoàng đế khẽ gật đầu, trầm ngâm hồi lâu :

- Có thế! Nếu Trẫm hiểu xa hơn nữa, thì khanh có ý nói là triều đình không nên khinh suất động binh hỏi tới phản Vương, e y sẽ đánh trước bắt lợi cho ta và do đó cuộc tranh chiến có thể bị kéo dài?

- Muôn tâu, đó là sự thật hiển nhiên.

- Vậy ta phải hành động thế nào?

- Theo ý chúng ngu thần, không còn gì hơn bằng cách Bệ hạ mật tuyên cho Mã nguyên soái và Hà đề đốc điều động binh tướng thành nhiều toán nhỏ, bí mật kéo vào Giang Nam, tiến sâu vào gần Kim Lăng. Một mặt, hạ lệnh binh đoàn thủy quân lục chiến theo đường bể từ Thanh Đảo bên Sơn Đông kéo xuống hải phận Giang Tô, họp với đoàn quân do Thủy sư Đề đốc Đàm Bá Phục ở Trấn Giang, mật kéo vào bao vây phía sau Kim Lăng. Với cuộc mật động này, triều đình sẽ có đủ lực lượng áp đánh phản binh ngay một khi Thuận Vương dấy loạn. Nhưng không phải là chỉ tính toán việc chủ chiến mà thôi, vì chẳng nhiều thì ít, dân chúng cũng sẽ bị hại lây. Bệ hạ nên bày đặt ra một vụ gì tỉ dụ như thi Võ trạng chẳng hạn, vời Thuận Vương đáo kinh sư giữ chức chánh giám khảo, cho vị Vương gia đó khỏi nghi ngờ và giữ luôn ở Yên Kinh không cho về Kim Lăng nữa. Đó là thế Điệu Hổ Ly Sơn. Trong trường hợp Thuận Vương cưỡng lệnh không chịu lai Kinh, Bệ hạ có thể tức tốc hạ lệnh cho các đạo quân, đã túc trực sẵn, bao vây Kim Lăng hỏi tội. Như vậy, Thuận Vương sẽ bị cô lập, mất hết liên lạc với các nơi khác, dù có mạnh đến đâu cũng không tài nào chống nổi với lực lượng hùng hậu của triều đình. Thiển kế như vậy, Bệ hạ hãy tính cùng Binh Bắc đại nguyên soái xem có thể dùng được không?

Nghe Trại Mạnh Thường thao thao bất tuyệt hiến kế, nhà Vua mặt rồng hớn hở, tấm tắc khen ngợi :

- Khanh có tài điều binh khiển tướng như thần, lược thao toàn vẹn, dáng mặt hưng quốc quân sư, Trẫm vốn trọng kẻ biền sĩ, muốn mời khanh cung nhị vị tôn sư đây chiêu nạp các hảo hán giang hồ về giúp triều đình, chẳng hay khanh nghĩ thế nào?

Trại Mạnh Thường vội đáp :

- Muôn tâu, hạ thần vốn là kẻ nông dân quen sống nơi điền dã, bày mưu thiết kế theo đại cương chớ không có tài đi sâu vào chi tiết như đại tướng chuyên môn. Hơn nữa, dưới trướng Mã nguyên soái và Hà đề đốc không thiếu gì nhân tài, dám mong Bệ hạ xét kỹ lượng tình cho kẻo hư đại sự. Còn việc chiêu nạp các giang hồ hảo hán về giúp triều đình, ngu thần sẽ xin hết lòng tiến cử, nhưng dù sao cũng phải dò ý họ xem có muốn xuất chánh hay không mới dám nói chắc.

Chiêu Đức thiền sư đưa mắt nhìn Đức Võ rồi nói :

- Muôn tâu Thánh hoàng, Đức Võ Thượng Nhân và bần tăng xuất gia tu hành từ lâu, quen kinh kệ nâu sòng dưa muối, không thể dự việc chinh chiến, thanh đao yên ngựa chém tướng cướp cờ, cúi xin Thánh hoàng thông cảm thể tình cho chúng bần đạo được nhờ.

Nhà Vua đặt ly rượu xuống án mà rằng :

- Các khanh không quản gian lao nguy hiểm đích thân nhập Hoàng thành trình bày cho Trẫm hay cuộc mưu phản của Thuận Vương, nay Trẫm nhờ đến các khanh giúp việc thì ai nấy đều chối từ cả là tại sao?

Thấy nhà Vua không vui Trại Mạnh Thường vội tâu :

- Bệ hạ tuyên lệnh chúng ngu thần đâu dám từ nan, song lẽ nếu chúng thần công khai theo Mã nguyên soái hành quân, tính kỹ ra sự đó có hại nhiều hơn là lợi, chi bằng Bệ hạ cho phép chúng thần được tự do hành động gián tiếp giúp tam quân, có lẽ còn hay hơn nhiều.

Liếc nhìn thấy nét mặt nhà Vua dịu lại, Trại Mạnh Thường nói tiếp :

- Tệ trang ở ngoại thị trấn Tô Châu ai ai cũng biết, Bệ hạ truyền mật lệnh bất cứ lúc nào ngu thần cũng sẵn sàng phục vụ. Hơn nữa, thần có một người bạn thâm giao họ Cao tên Thiệu Đàm tự Lãng Quân cư ngụ ngay ngoại thành Kim Lăng phía Tây môn, có thể giúp Mã nguyên soái bằng cách để chúng thần tụ tập tại Cao gia trang, phi thiềm tẩu bích vào tận Vương phủ Kim Lăng do thám, như vậy có lẽ lợi cho cuộc hành quân rất nhiều.

Nghe lời dẫn giải cực kỳ chu đáo của lão anh hùng, Vĩnh Lạc hoàng đế mặt rồng hớn hở :

- Khanh trình bày mưu kế thiệt trúng ý Trẫm. Trong thiên hạ còn có những bực hào kiệt như các khanh tận tâm giúp triều đình, chắc chắn mầm phản nghịch kia sẽ bị dập tắt. Lát nữa, Trẫm sẽ phê một đạo chiếu chỉ ban cho khanh được toàn quyền thay mặt Trẫm hành động bất cứ bằng phương diện nào, miễn sao cản được mưu phản nghịch có lợi cho Minh triều...

Trại Mạnh Thường đứng lên bái tạ lòng tin cậy của nhà Vua và thuật chuyện Chu Đức Kiệt, Lam Y nữ hiệp, Âu Dương Bích Nữ trước đã có phen vào tận Vương phủ Kim Lăng gặp Nhạc Lan Anh cho Vua nghe.

Vĩnh Lạc hoàng đế ngạc nhiên :

- A, thế ra Lan Anh Quận chúa không phải là con ruột của Thuận Vương sao?

Trại Mạnh Thường thuật luôn vụ em Thuận Vương là Chu Vĩnh Bình đã sát hại gia đình họ Nhạc chỉ vì ham luyến sắc đẹp của thân mẫu Lan Anh cho Hoàng đế tường tận.

Nhà Vua hỏi :

- Sao khanh biết rõ vụ Vĩnh Bình hại nhà họ Nhạc như vậy?

- Sở dĩ ngu thần am tường vụ ấy là do Thượng Thái thiền sư trên Long Sơn tự ở Vân Nam, sư phụ của Nhạc Lan Anh, sư muội của Chiêu Đức đại sư đây. Hôm Lan Anh xuống núi có theo thầy cùng đi với Đức Võ Thượng Nhân về tận Kim Lăng.

Nhà Vua gật đầu, trầm ngâm hồi lâu :

- Hồi đầu năm nay, Thuận Vương dâng biểu tâu về vụ Vĩnh Bình Đề đốc Hàng Châu bị ám sát, chẳng hay khanh có biết vụ đó không?

Giấu nhẹm vụ hành động của Tam hiệp cuối năm ngoái ở Hàng Châu, Trại Mạnh Thường tâu rằng :

- Đề đốc Hàng Châu là người ham mê nữ sắc, chắc hẳn phải có nhiều kẻ thù, ngu thần nghe đồn về vụ ám sát nhưng không lấy đó làm lạ.

- Thuận Vương yêu cầu Trẫm ban hành lệnh truy nã gắt gao thủ phạm vụ ám sát Đề đốc Hàng Châu. Theo hồ sơ, hình như có ba người can vào vụ ấy.

- Muôn tâu, Thuận Vương yêu cầu gì, Bệ hạ cũng cứ phê phán theo, như vậy phản vương mới không nghi ngờ gì, mưu kế của ta dễ thành tựu hơn.

Nhà Vua suy nghĩ hồi lâu :

- Chư khanh còn việc chi khác ở Yên Kinh không?

- Thưa không, chúng ngu thần sẽ về ngay Tô Châu chờ lệnh của Bệ hạ.

- Mã nguyên soái về triều hồi cuối năm ngoái và hiện còn ở kinh đô. Trẫm sẽ tức khắc cùng y bàn định vụ Thuận Vương. Vậy trẫm yêu cầu khanh một điều.

- Xin Bệ hạ cứ truyền.

- Khanh tổ chức ngay cuộc do thám xem tình hình trong Vương phủ Kim Lăng thế nào. Sau khi điều động các binh đội, Mã Hành Long sẽ xuống Tô Châu gặp khanh liệu bề khởi sự. Như vậy được không?

- Dạ, thần xin tuân mạng.

Tiệc tan, nhà Vua phê luôn một đạo mật chỉ trao cho Trại Mạnh Thường.

Sáu người lạy tạ lui ra, theo Lý Tuyên ra khỏi Hoàng thành, về nhà tư của viên Tổng thái giám thay đổi y phục về Phong Hạc lầu. Nán lại Yên Kinh du ngoạn vài hôm, Đức Võ Thượng Nhân chia tay về Cửu Huyền sơn còn năm người thì lên đường về Tô Châu.

Sau cuộc hội đàm với Trại Mạnh Thường, Vĩnh Lạc hoàng đế tức khắc triệu Nguyên soái vào cung mật đàm về vụ Thuận Vương.

Mã Thành Long tâu :

- Chuyến này lai kinh, hạ thần có đem theo Mã Thành Hổ và Thành Báo, xin Bệ hạ thảo cho đạo mật chỉ để Thành Hổ vào Thành Đô tuyên chỉ cho Hà đề đốc điều động binh mã Tây Xuyên. Một mặt hạ thần về hành doanh tạm trao ấn kiếm cho phó soái Triệu Tấn, huy động một phần binh đội bí mật Nam tiến. Như vậy, không cần dùng tới binh mã Yên Kinh, e gian đảng thông báo cho Thuận Vương thì hư cả đại sự.

Nhà Vua ưng thuận :

- Khanh bán tính rất trúng ý Trẫm, sự trông cậy cả vào hiền khanh tự ý hoàn toàn hành động, cốt sao dập tắt được cuộc mưu phản đem lại an ninh cho dân chúng miền Giang Nam. Riêng phần Trẫm chỉ biết nhắn khanh một điều là nên liên hệ mật thiết với Trại Mạnh Thường Âu Dương Tòng Thiện. Do nhân vật ấy, khanh sẽ có sự giúp đỡ đắc lực của giới giang hồ hiệp khách.

- Mai đây theo kế của Tòng Thiện, Trẫm sẽ vời khanh và Trần Chí Hòa hội đàm dự tính tổ chức kỳ thi Võ trạng nguyên, cốt dụ Thuận Vương về Kinh làm chánh giám khảo theo kế "Điệu Hổ Ly Sơn", vậy khanh khá liệu lời để họ Trần không nghi ngờ. Nếu Thuận Vương trúng kế, binh đội của y sẽ như rắn không đầu, không cần đánh cũng phải tan, khanh chỉ huy động bao vây một trận nhỏ là bắt được toàn thể tặc tướng. Khanh nghĩ sao?

- Muôn tâu Thánh thượng, Trại Mạnh Thường hiến kế quả rất hợp thời, vậy xin cứ y đó thực hành là hơn cả. Ngoài ra, ngu thần nhất tâm hành động, mong bệ hạ tin tưởng, chớ lo nghĩ hao tổn tinh thần.

Nhà Vua đẹp lòng, phê một đạo chỉ cho Mã Thành Hổ mật truyền Hà Thiên Thọ theo đúng kế hoạch của Mã nguyên soái huy động binh tướng bao vây Kim Lăng.

Hai hôm sau, sau khi Vĩnh Lạc hoàng đế lâm triều, trao việc tổ chức cuộc thi Võ trạng cho Thái sư Chí Hóa, Mã nguyên soái biên riêng một phong thơ gởi Mã Thành Hổ cho Hà Thiên Thọ dặn rằng :

- Con tức tốc phi mã đem đạo mật chỉ và phong thơ này cho Hà đề đốc. Con thừa hiểu tánh chất cấp tốc và bí mật của công tác quân vụ này. Nói riêng với Hà bá phụ sẽ hội đàm cùng ta ở Âu Dương trang bên Tô Châu. Ai đến trước cứ việc ở đó chờ. Trong khi hành trình, dù gặp sự gì con cũng phải nén tâm tránh cho khỏi lỡ hạn kỳ. Chớ vi phạm quân luật nghe?

Mã Thành Hổ nhất định tuân lời :

- Thưa phụ thân, đến Thành Đô rồi con trở về Kinh phục lệnh?

- Không, con theo Hà bá phụ đi Tô Châu chờ ta xuống đó. Trở về Kinh làm chi cho mất công!

Mã Thành Hổ đi khỏi, Nguyên soái phê luôn một soái lệnh và biên một phong thơ nữa gọi thứ nam là Mã Thành Báo mà rằng :

- Trái với dự tính huy động binh đội thủy chiến Thanh Đảo, con lãnh trọng trách cầm soái lệnh và phong thơ này xuống thẳng Trấn Giang gặp Thủy sư Đề đốc Đàm Bá Phục trình bày mọi sự. Sau đó, con cùng Đàm Bá Phục đi Tô Châu tìm Âu Dương trang ở ngoại thành và chờ ta, không được trì trễ.

Mã Thành Báo đi khỏi. Nguyên soái đi kiệu sang phủ Thái sư thản nhiên bàn định về kỳ hội thí Võ trạng, và từ biệt về Đại bản doanh viện lẽ chọn binh tướng về Kinh khảo võ.

Trần Chí Hòa dù gian ngoan đến đâu cũng không thể ngờ được rằng Hoàng đế bày mưu bắt Thuận Vương, nên biên biên mật thơ khuyên Thuận Vương nên lai Kinh để nhà Vua tin tưởng thêm và sau cuộc khảo thí sẽ lựa ngày dấy binh.

Cuộc điều động ba đạo quân tinh nhuệ, Đại bản doanh Mã nguyên soái, Thành Đô và Thủy sư lục chiến Trấn Giang được thi hành thập phần hoàn hảo trong vòng bí mật. Đạo quân nào cũng chia ra từng tốp nhỏ rải rác đóng trong các khu rừng quanh địa giới Kim Lăng. Các tướng lãnh chỉ huy đều vận thường phục kéo đến Âu Dương trang tụ họp.

Hà Thiên Thọ đem theo Ngọc Kỳ Lân, Hà Thiên Tường, Trại Nguyên Bá Hà Thiên Khánh. Đàm Bá Phục đem theo thứ nam là Lãng Lý Giao Đàm Bá Tuấn cùng đi với Hoa Ban Báo Mã Thành Báo. Mã Thành Long đem theo tam nữ Phi Vân Yến Mã Kim Loan. Ngoài họ Âu Dương ra, không một ai ngờ được rằng các người mới đến là những nhân vật cao cấp cầm đầu binh đội toàn quốc của Minh triều. Trái lại, ai cũng tưởng đấy là các hào kiệt giang hồ đến thăm lão anh hùng Trại Mạnh Thường.

Khi mọi người tề tựu đông đủ cả thì Tam hiệp Chu Đức Kiệt, Lam Y và Âu Dương Bích Nữ đi Kim Lăng liên lạc với Nhạc Lan Anh thăm dò tin tức Trại Mạnh Thường nói với Mã Thành Long :

- Tôi hẹn với Tam hiệp chờ ở Cao gia trang ngoại thành Kim Lăng, vậy mời quý vị xuống đó cho tiện việc chỉ huy.

Mã Thành Long nói :

- Xuống tới Cao gia trang thăm tin tức xong tôi phải trở về Yên Kinh ngay. Hiện thời, lệnh khảo thí đã được ban bố đi mọi nơi trong toàn quốc. Võ trường được sửa soạn gần hoàn thành, nếu vắng tôi e Trần Chí Hòa sanh nghi, cản không để Thuận Vương lai kinh chăng. Vậy tôi thảo sẵn kế hoạch đây, nếu Thuận Vương nghi ngờ hay bất cứ vì lẽ gì huy động binh tướng, thì ba vị nhân huynh Hà, Đàm, Âu Dương cứ tiến quân vây thành. Trong trường hợp phản Vương vô tình lai kinh bị triều đình giữ lại mà quân tướng của y tạo loạn thì điều cần nhất là không cho chúng chạy thoát. Nghe đâu toán bọn phản nghịch đều là những tay phi hành đại đạo, chúng có thể vượt thành đơn thân đào tẩu. Bắt được hết nội bọn mới thỏa lòng.

Hà Thiên Thọ nói :

- Chúng biết phi thiềm tẩu bích, ta cũng sẽ dung thuật đó trị lại. Quân vây khắp bốn mặt thành muốn thoát không phải dễ dàng. Hơn nữa, ta còn có sự giúp đỡ của Âu Dương lão huynh đây, nhân huynh chớ quá lo.

Mã Thành Long hỏi Trại Mạnh Thường :

- Nghe Thánh thượng nói Âu Dương huynh có quen biết nơi trang trại ngoại thành Kim Lăng, rất thuận tiện cho việc tụ họp của chúng ta phải không?

Trại Mạnh Thường gật đầu :

- Đó là Cao gia trang. Hôm Chu Đức Kiệt, Lam Y và Bích Nữ xuống Kim Lăng liên lạc với Nhạc Lan Anh, tôi đã có nhắn với Cao trang chủ rồi. Hiện Tam hiệp chờ chúng ta ở đó, và có lẽ có cả một vị anh hùng khác nữa.

- Ai vậy?

- Kim Đao Quan Long, dòng dõi Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường, ở Quan gia bảo bên Mã Thạch cương.

Mã nguyên soái nói với mọi người :

- Ngày mai chúng ta khởi hành sớm ngày nào hay ngày ấy.

Trại Mạnh Thường dặn phu nhân xem công việc nhà, đem theo Cái Thiên Ô Vân Tòng Cát và Thần Mã Truy Phong Tòng Đức.

Người nào cũng đem theo khí giới sở trường phòng lúc ra quân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.