Dịch: Minh Nguyệt Châu Sa
Biên: Cún Con
Dù cơ thể của Kế Duyên lắc lư không vững nhưng bộ pháp lại dần dần tăng tốc.
“Kiếp số... Kiếp số...”
Trong lúc tâm niệm quay cuồng, cả người hắn lắc lư, loạng choạng tiến lên. Kế Duyên đi như du hồn không có mục đích, đồng thời đôi mắt đau đớn kịch liệt cũng không hề có dấu hiệu giảm bớt. Ánh mắt vốn mơ hồ, bây giờ lại phủ kín thêm một lớp máu.
Tay phải Kế Duyên gắt gao che mắt lại, dường như nếu không làm vậy thì hai mắt sẽ nổ tung.
Tuy tình trạng cơ thể rất kém cỏi, nhưng trong đầu hắn lại dốc toàn lực suy nghĩ về sở học suốt hai đời của mình. Hắn khát khao tìm ra một đáp án để hiểu rõ được bàn cờ thiên địa này và cách phá giải.
Suy nghĩ trong lòng tán loạn, thân thể thì mang theo ánh mắt màu máu vô thần chạy loạn bốn phía. Ở trên đường cái của Quân Nguyên phủ, Kế Duyên lung lay đâm đầu đi tới. Trong tiềm thức, hắn chỉ muốn tìm kiếm một đồ vật, mà chính hắn cũng không biết mình đang tìm cái gì.
“Nhất định có, nhất định có...”
Bỗng nhiên, hắn phát hiện có người bán hàng rong đang bán một bộ cờ vây ven đường. Trong chốc lát, như nghĩ thông suốt, Kế Duyến trực tiếp xông lên chộp lấy bàn cờ và hộp cờ rồi chạy đi, ngay cả tiền cũng không thèm trả.
“Ai da ai da, ngươi… Cướp cờ của ta…”
Mới đầu gã bán hàng rong chán nản này gặp kẻ giật đồ, lập tức muốn la lên nhưng gã lại bị đôi mắt màu trắng xám đầy máu và bộ dáng dữ tợn của Kế Duyên dọa sợ. Vì vậy giọng nói dần nhỏ xuống, mà cũng không dám đuổi theo đoạt lại bộ cờ nữa.
“A... A... A… a...”
Hô hấp run rẩy, thần chí mơ hồ, nội tâm không ngừng lẩm bẩm một câu.
‘Ta là người đánh cờ… Ta là người đánh cờ…’
Kế Duyên lảo đảo chạy một mạch ra khỏi thành, giống như kẻ điên. Trọng tâm không vững, nhưng bước chân lại không ngừng tăng tốc. Cuối cùng, hắn gần như hóa thành tàn ảnh, chạy thẳng vào núi rừng hoang dã.
Kế Duyên liên tục phi nước đại suốt một ngày một đêm, thẳng đến lúc ra khỏi Quân Thiên phủ hơn ba trăm dặm, rồi xông vào chỗ vắng vẻ của núi Quân Nguyên. Hắn cũng chẳng màng đến bụi gai, dây leo, cây cỏ ven đường, mà cứ chạy thẳng về phía hoang vu.
Trong ngọn núi lớn, Kế Duyên chạy loạn rất lâu. Mãi cho tới khi một hang động sâu hơn hai trượng xuất hiện trong tầm mắt, hắn mới như tìm được cứu tinh, lập tức ôm bàn cờ vọt tới.
Bước chân hắn lảo đảo tiến vào hang động, tiện tay để Thanh Đằng kiếm sang bên cạnh và đặt bàn cờ hộp cờ vây xuống. Sau đó, Kế Duyên như si như say ngồi xếp bằng. Hình ảnh và cảm giác sợ hãi lúc nãy cứ ngập tràn trong đầu, dù cho hắn cố gắng thế nào cũng không xua tan đi được.
Kế Duyên mở hộp cờ vây, lấy ra một quân cờ đen và một quân cờ trắng. Trước mắt hắn đã không còn là một bàn cờ của phàm trần, mà là thiên địa đại thế tùy tâm ý chuyển. Theo tiếng rơi “lạch cạch” của một quân cờ, ý cảnh lại tung bay một lần nữa. Hắn bắt đầu chơi cờ.
Thấy được thiên địa đại biến được khắc họa, Kế Duyên tuyệt đối không thể mà cũng chẳng dám chia sẻ với bất kỳ ai.
Trực giác của hắn mách bảo, chỉ cần hắn đi một quân cờ là cả thế giới sẽ thay đổi theo. Đó chính là chuyện thâu thiên hoán nhật, định đoạt càn khôn. Một khi Kế Duyên nói ra chân ý với người khác, kết cục của hắn có lẽ còn thảm hơn Thanh Tùng Đạo Nhân lúc trước gấp bội. Hắn sợ rằng không chỉ chính bản thân hắn mà ngay cả người nghe được việc này cũng ngay lập tức trở thành tro bụi!
Áp lực to lớn như núi thái sơn đè xuống, làm cho hắn thở không nổi. Kế Duyên nhất định phải tự mình tìm ra đáp án, không thể cầu ai!
Trong sân nhỏ Cư An Tiểu Các ở huyện Ninh An, lúc Kế Duyên đánh cờ với Doãn Triệu Tiên, nửa ngày có thể đánh được rất nhiều thế cờ. Nhưng giờ phút này, mỗi một quân cờ rơi xuống đều có dòng khí hư hóa trải qua vô số sự thay đổi ở ý cảnh sông núi, đặt bàn cờ thiên địa đã biến mất kia xuống bàn cờ vây trước mặt hắn. Một quân cờ đặt xuống giống như nâng một ngọn núi.
Chân hỏa trong đan lô vẫn đang cháy hừng hực. Pháp lực trong cơ thể điên cuồng vận chuyển không ngừng nghỉ vì muốn chống đỡ cho đến khi lần chơi cờ này kết thúc.
Ý thức của Kế Duyên đã không còn quan tâm tới sự biến hóa của thời gian, nhưng trên thân thể lại hiện ra rõ ràng.
Những ngôi sao chuyển động, mặt trăng lên cao, mặt trời lặn xuống, những cơn giông, mưa gió, mặt trời mọc và chiều tà…
Mặc dù lúc này cảnh và ý đặc thù, càng ngày càng chậm hơn, nhưng Kế Duyên cũng càng ngày càng gầy đi…
Một ngày một đêm.
“Ngao ô o o o ~~~~~~~~~ “
Có tiếng sói tru thê lương vang lên cách đó không xa. Không lâu sau, trong bóng đêm, một con sói cô độc bị đuổi ra khỏi đàn đang cẩn thận đến gần hang động trong núi. Nó nhìn thấy một người thân thể cứng đờ đứng ở đó.
Thân thể người nọ không nhúc nhích, vẫn đang duy trì tư thế cầm quân cờ đặt lên bàn cờ. Áo quần trên người có chút lam lũ, ở xung quanh cành khô lá rụng chất đầy.
“Gừ ~~~”
Con sói già nằm phục người xuống, cẩn thận đến gần vách động. Lúc hàm răng nanh của nó hoàn toàn lộ ra, có nước bọt nhỏ xuống.
“Ô...ô...n...g ~~~ “
Thanh Đằng kiếm đang dựa vào vách hang động kêu lên, lưỡi kiếm trượt ra khỏi vỏ gần nửa tấc. Ánh sáng lạnh lẽo toát ra từ mũi kiếm khiến con sói già như rơi vào hầm băng.
“Ô…Ô…Ô…”
Con sói già kinh hãi, hoảng hốt cực độ, cụp đuôi bỏ chạy…
…
Đại Trinh, năm Nguyên Đức thứ mười lăm, ở trường tư thục của huyện Ninh An, hôm nay không có tiếng đọc sách.
Trong lớp học, gần một nửa số học trò ở đây tuổi tác khá lớn. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt trở về nhà, thì những người còn lại rõ ràng đều có cơ hội lên lớp, được đi học ở những thư viện trong Đức Thắng phủ.
Bây giờ, trong nội đường, đứa nhỏ nhất là bảy tuổi, lớn nhất là mười sáu tuổi. Tất cả đều đang nhìn phu tử với ánh mắt sùng kính. Trong đó, có Doãn Thanh mười lăm tuổi cũng đang ngồi nghiêm chỉnh.
Doãn Triệu Tiên không nói gì, chỉ ngồi trước bàn cầm bút viết chữ. Thật lâu sau, y viết xong một trang giấy liền nhẹ nhàng thổi vài cái, khiến cho mực nước nhanh khô hơn, rồi đặt sang một bên trên bàn.
Một trang giấy trên bàn đã viết xong, y cẩn thận gấp lại, đặt vào trong một phong thư. Sau đó, y cầm bút viết: Phu tử tặng Đỗ Minh.
Sau khi viết xong, y dán kín lá thư rồi đặt sang một bên. Ở đầu bàn, một chồng thư đã cao ngất ngưỡng.
Làm xong mấy việc này, Doãn Triệu Tiên lại cầm bút, chấm một chút mực rồi lại bắt đầu viết xuống một trang giấy khác.
Hôm nay, Doãn phu tử của trường tư thục huyện Ninh An trao cho mỗi học trò một phong thư. Giống như những học sinh bỏ học trở về nhà lúc trước nhận một phong thư thì những học sinh lên lớp, học ở thư viện xa, lúc sắp đi cũng nhận một phong thư.
Cả phòng học lặng ngắt như tờ, không có bất kỳ học trò nào quấy rầy phu tử viết chữ. Tất cả cúi đầu cung kính, không có ai chụm đầu nói chuyện với ai.
Sự kỷ luật trong lớp học này xuất phát từ lòng kính trọng đối với Doãn Triệu Tiên. Hôm nay, sự uy nghiêm của phu tử không phải dùng thước nữa. Những cây thước của huyện Ninh An đã bám bụi từ lâu rồi.
Khoảng nửa canh giờ sau, Doãn Triệu Tiên mới đặt bút xuống giá đựng bút. Y chờ nét mực trên trang giấy khô đi, rồi cất kỹ vào trong bao thư.
“Được rồi, tổng cộng có sáu mươi bảy lá thư. Tất cả đều đã viết xong. Một lát nữa, trường tư thục sẽ phát cho các con.”
Y bắt chước chiêu này từ hảo hữu Kế Duyên của mình, cảm thấy rất hay, dù ít dù nhiều đều có thể giúp các học trò kiên định với lý tưởng trong lòng.
Tất cả học sinh phía dưới đều nhìn Doãn Triệu Tiên. Y thấy vậy cũng có chút cảm động, liền đứng dậy cười nói.
“Tại sao phải đọc sách thánh hiền? Tất nhiên là muốn báo đáp thiên hạ. Nhưng thói đời trước mắt có muốn phổ biến đạo của thánh hiền cũng không phải dễ dàng, không phải việc mà một kẻ áo vải như ta có thể làm được.”
Doãn Triệu Tiên cầm bản chép tay “Quần Điểu Luận Nhất Thiên” lên.
“Dù sao một phu tử như ta cũng từng tham gia kỳ thi Châu đạt Ất đẳng. Lần này, ta đi thi tất nhiên có lòng tin mình sẽ tiến thêm một bước. Sau này ta có thể phát huy khát vọng trong lòng cũng tốt. Một phu tử bồi dưỡng trăm ngàn người, dạy bảo vạn vạn người làm quan!”
“Phu tử… Con nghe cha con nói quan trường rất tàn khốc, tranh giành trong triều đình chết không thấy máu…”
Trong lớp, ở chỗ ngồi phía trước, một đứa bé trai mười ba tuổi do dự một chút, sau đó mới mở miệng. Cậu là con thứ của Huyện lệnh huyện Ninh An Trần Thăng, tên là Trần Ngọc Thanh, cũng là một trong những học trò mà y rất tán thưởng.
Thật ra, hai năm qua, phu tử Doãn Triệu Tiên của huyện Ninh An khá nổi tiếng ở những huyện lân cận, thậm chí còn vang danh tới hai, ba thư viện gần đó, bởi vì y là một người thầy có phương pháp giáo dục. Nhiều học trò được y giảng dạy kết hợp với cách diễn đạt, giải thích rõ ràng. Nhờ đó, những học trò lớn tuổi đều có thể dựa vào tài học, kiến giải của bản thân để nhập học ở các thư viện.
Vì vậy, có người ở huyện khác dẫn hài tử của mình đến trường tư thục huyện Ninh An để học, làm cho số lượng học trò trong huyện nhiều hơn không ít.
Cuối năm ngoái, Trần Ngọc Thanh nghe phụ thân Trần Thăng đánh giá Doãn phu tử là một người có khát vọng cực lớn, viết nên “Quần Điểu Luận” và “Vị Tri Nghĩa”. Tuy hai cuốn này vẫn từng ngày hoàn thiện, nhưng trước mắt có thể nói chúng đều không phải những bộ sách đơn giản. Cũng bởi vì chính khí của người này quá mạnh, sau này vào chốn quan trường rất có thể bị đánh gãy.
Nghe những lời này, Trần Ngọc Thanh có chút sợ hãi, chẳng hiểu tại sao lúc này cậu không dám nói ra. Cậu chỉ sợ sau khi nói xong thì phu tử thật sự không trở về được nữa.
Tất nhiên, Doãn Triệu Tiên không thể hiểu suy nghĩ phức tạp trong đầu học trò mình, chỉ cảm nhận được sự lo lắng và không muốn mình rời đi của mọi người. Trong lòng y thấy rất ấm áp.
“Ừ, tuy phu tử ta chỉ là một kẻ thư sinh, nhưng cũng đã bàn luận về triều đình với bạn bè. Dĩ nhiên, ta cũng có hiểu biết nhất định rồi, nhưng các con cũng không cần lo lắng. Dù có cố gắng thì với học vấn của ta cũng không đủ để nằm trên bảng cáo thị đâu!”
Doãn Triệu Tiên nói đùa một câu, cũng chọc cười mấy học trò đang ngồi ở phía dưới. Chẳng qua, chỉ có những học trò nhỏ tuổi nhất mới tin như vậy, còn những hài tử khác đều chắc chắn trong lòng rằng phu tử của mình có thể thi đậu.
Doãn Triệu Tiên cầm lấy sách đặt sau lưng, nhìn ra vườn trúc ở bên ngoài lớp học. Kỳ thi Châu chín năm mới có một lần. Hôm nay y đã ba mươi sáu, không đến nỗi già, nhưng cũng không còn là thư sinh trẻ tuổi nữa rồi.
Nhưng lúc này, cảm giác lo lắng trong lòng đã vơi đi rất nhiều.
Sau khi viết hai cuốn sách, càng ngày Doãn Triệu Tiên càng cảm thấy giáo dục trồng người rất quan trọng. Nhưng nếu chỉ giảng dạy ở trường tư thục huyện thì lực lượng quá ít ỏi, hai cuốn sách cũng khó mà phổ biến ra bên ngoài được.