Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 314: Chương 314: Động phòng hoa chúc




Thương Đạm Nhiên rủ mi mắt xuống, nhìn ánh nắng buổi sáng đang trải xuống dưới chân nàng, trên chân nàng đi một đôi giày cao hình cung, kiểu dáng của loại giày hình cung này làm cho chân của người đi có vẻ nhỏ hơn. Thương Đạm Nhiên không bó chân, đi loại giày hình cung này cảm thấy không thoải mái. Nàng không muốn đi, nhưng mà nhị tẩu khuyên nàng, nói rằng khách đến dự hôn lễ có rất nhiều phụ nữ, lên hay xuống kiệu đều sẽ có người nhìn chằm chằm chân nàng, hãy cứ chịu đựng một chút, để cho người khác đỡ chê cười, nói xấu nàng, vì thế Thương Đạm Nhiên đành phải đi vào.

Người vú già đang búi tóc kia, nhìn kỹ Thương Đạm Nhiên một hồi rồi nói:

-Lông mi của tiểu thư vừa dài vừa nhỏ, không cần phải trang điểm lại nữa, chỉ cần tô thêm màu đen lên là được rồi.

Tiểu tỳ nữ Vân Cầm đứng bên cạnh nói:

-Đúng vậy, lông mày của tiểu thư nhà ta rất đẹp, cái gì mà lông mày hình trăng non, lông mày nhọn chứ, tất cả đều không đẹp bằng lông mày của tiểu thư nhà chúng ta.

Khóe miệng Thương Đạm Nhiên chứa ý cười, nói:

-Vân Cẩm, đến bên đó rồi thì bớt nói linh tinh đi.

-Vâng, nô tỳ đã biết ạ.

Vân Cẩm vâng lời, rồi lè lưỡi đi ra ngoài xem nhóm vú già sắp xếp đồ hồi môn như thế nào, chợt nghĩ ra một chuyện, lại quay lại hỏi:

-Tiểu thư, quả bóng cao su để đá cầu có mang đến đấy hay không, hình như là không có chuẩn bị quả bóng mới đâu ạ.

Thương Đạm Nhiên nói:

-Ngươi cứ mang quả bóng cũ đấy theo là được rồi, để nó ở trong rương đồ đạc của ngươi đi.

Vân Cẩm “dạ” một tiếng, rồi đi nhanh ra ngoài chuẩn bị.

Búi tóc, trang điểm, nhuộm móng tay đỏ, thoa son…Từ sáng sớm sau khi tắm rửa bằng nước hoa lan xong đã bắt đầu trang điểm rồi, vậy mà đến trưa mới xong. Nhị tẩu Kỳ thị dẫn đầu nữ gia quyến nhà họ Thương đi đến, nói mấy lời chúc phúc với nàng, tặng nàng tiền lễ vật. Trong lòng Thương Đạm Nhiên hồi hộp không yên, vẫn luôn cảm thấy mình vẫn chưa chuẩn bị tốt về mọi mặt, phải suy nghĩ kỹ càng một số việc nhưng lại không có cách nào tĩnh tâm lại được để suy nghĩ, nàng sắp được gả đến Đông Trương rồi sao? Sau này sớm chiều đều được gần gũi với Trương Giới Tử ư? Vì sao luôn luôn có cảm giác không chân thực? Đúng vậy, đã một năm rồi nàng không gặp Trương Giới Tử lần nào, chỉ nghe được những tin đồn không ngớt về Giới Tử. Trương Giới Tử lật đổ nhà họ Đổng, Trương Giới Tử thi đấu với quan Giám thừa ở Quốc Tử Giám, Trương Giới Tử làm chủ Hàn Xã, còn có việc Trương Giới Tử có gút mắc với sư muội Vương Anh Tư, chuyện văn thơ của Trương Giới Tử và danh kỹ ở Kim Lăng-Vương Vi… Nhiều chuyện như vậy, mỗi người một cách nói, tạo nên một hình tượng khác của Trương Giới Tử. Trương Giới Tử đó có chút xa lạ không giống với người mà nàng quen trên núi Bạch Mã, người đã cùng nàng đá cầu, đọc sách, ăn dưa hấu. Điều này làm cho trong lòng nàng có chút bất an.

Vân Cẩm chạy vào nói:

-Tiểu thư, đội ngũ đón dâu của nhà họ Trương đến rồi, kiệu sáu người khiêng, còn có một đội hát kịch đi theo nữa, vừa hát vừa diễn, rất náo nhiệt.

Đội ngũ đón dâu vừa đến nơi, thì nhà họ Thương ở bên này liền khai tiệc. Họ hàng trong dòng họ, còn có khách khứa đến chúc mừng, cộng với đội ngũ đón dâu, bốn người một bàn tiệc, tất cả là sáu mươi bàn tiệc. Mùi rượu, mùi đò ăn thơm phức, không khí nào nhiệt vui mừng.

Đến đầu giờ Thân, nhà họ Trương ở Sơn Âm phái người đến mang quần áo nữ trang của cô dâu nửa tiếng nữa sẽ tới nơi. Người đến mang đồ đã đến, mặt trời cũng sắp lặn về phía Tây, đã đến giờ cô dâu mới phải lên đường rồi. Thương Chu Đức là người thân nhất của Thương Đạm Nhiên, nên tất nhiên phải hộ tống muội muội đến Sơn Âm rồi. Lúc lên kiệu hoa còn cần phải có Thương Chu Đức nâng lên, ngoài ra còn có ba người của nhà họ Thương đi theo nữa.

Búi tóc có gắn hạt châu, chuỗi ngọc buông rủ xuống che trước mặt, quần áo cưới đỏ tươi đẹp đẽ. Thương Đạm Nhiên khuôn mặt diễm lệ, sau khi bái lạy trước bài vị của cha mẹ, tổ tiên liền được phủ lên tấm khăn voan màu đỏ, được nhị huynh Thương Chu Đức một tay nâng dậy, một tay ôm lấy lưng. Nước mắt Thương Đạm Nhiên lập tức chảy ra, nghẹn ngào nói:

-Anh, chị dâu!

Kỳ thị vội vàng bước lên, dùng khăn lụa giúp Thương Đạm Nhiên lau nước mắt, an ủi nói:

-Đừng khóc, đừng khóc, tiểu muội đừng khóc, sẽ trôi mất son phấn đấy.

Thương Đạm Nhiên vẫn không cầm được nước mắt.

Thương Chu Đức nghĩ cha mẹ mình mất sớm, lúc đó y mới mười sáu tuổi, tiểu muội mới năm tuổi. Bây giờ tiểu muội đã mười chín tuổi rồi, phải gả cho người khác rồi, tiếc rằng cha mẹ mình không được chứng kiến ngày vui này, không thì niềm vui đã được nhân đôi!

Thương Chu Đức ôm tiểu muội Thương Đạm Nhiêm đi ra nhà ngoài, hai người vú già đưa dâu một phải một trái đi theo hầu hạ bên kiệu, một người nâng cao búi tóc và khăn voan cho Thương Đạm Nhiên, sợ khi lên kiệu búi tóc sẽ bị lệch, khăn voan sẽ tuột xuống, người kia nâng làn váy của Thương Đạm Nhiên che khuất hai chân của nàng. Cẩm Vân dẫn đầu chỉ đạo bốn nha hoàn bê của hồi môn đi phía sau kiệu, còn có hai thằng nhỏ sai vặt tầm mười hai tuổi mặc quần áo đội mũ mới đang chờ ở trong viện ở đi theo.

Trong tiếng trống, tiếng kèn rộn rã, Thương Đạm Nhiên bước vào bên trong kiệu hoa, dưới ánh tà dương buổi chiều tà kiệu được nâng lên. Thương Chu Đức đi bên cạnh kiệu, phía trước là đội hí kịch đang diễn tấu, đang diễn vở kịch “Tây sương kí”, sau đội kịch là hai mươi gánh hòm đựng của hồi môn, trên mỗi chiếc hòm đều có thắt dải lụa đỏ do nô bộc của Thương thị gánh, đoàn rước dâu kéo dài cả một đoạn đường. Ở ven đường dân chúng ở Hội Kê đứng chật ních, tấm tắc khen ngợi.

Lúc kiệu hoa đi qua trước chùa Hạnh Hoa, Thương Đạm Nhiên không khỏi nhớ tới Vương Anh Tư đứng ở bên trong bức tường cao kia, nghe nói cô gái Vương Anh Tư này đọc nhiều sách vở, tài giỏi hơn người, Trương Giới Tử thường xuyên đàm luận văn chương với Vương Anh Tư. Nếu như lúc trước Trương Giới Tử trên đường đến Hội Kê cầu hôn bị Hầu huyện lệnh ở Sơn Âm gọi về mà chàng quay về thật thì hiện nay người ngồi trong kiệu hoa đến Đông Trương phải là Vương Anh Tư mới đúng.

-Nhưng nếu thế thật, vậy thì ta đây sẽ ở đâu đây?

Thương Đạm Nhiên lắc đầu, chuỗi ngọc trên trán cũng lắc lư theo, chuỗi ngọc va chạm vào nhau phát ra tiếng vang thanh thúy, nàng ngay lập tức ngồi ngay ngắn lại, không một tiếng động cười cười, cảm thấy mình thật khờ. Đến lúc này rồi mà còn suy nghĩ đến những việc như thế này, chuyện đấy có gì hay đâu mà giả dụ như vậy chứ, chẳng lẽ muốn làm Trang Chu Mộng Điệp sao? (Trang Chu Mộng Điệp: là một điển tích ở Trung Quốc kể về chuyện có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa thành bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy thấy mình là Chu. Không biết có phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm, hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau, cái đó gọi là “vật hóa”.)

Không biết lại nghĩ đến cái gì đó, mặt Thương Đạm Nhiên chợt đỏ bừng, tâm tư suy nghĩ của một cô dâu mới có ai hiểu được đâu?

Đi qua cầu Việt Vương, mười hai đứa trẻ nhỏ búi tóc hai bên, mặc quần xanh, áo đỏ có buộc dây cũng màu đỏ đang vui mừng chờ ở phía đông cây cầu. Nhìn hình dáng của mười hai đứa trẻ đó, thì chúng đều tầm từ sáu đến tám tuổi, mi thanh mục tú, khuôn mặt được đánh phấn hồng giống như em bé trong bức tranh chữ Phúc ngày tết vậy. Mười hai đứa trẻ đứng ở một bên đảm nhận trọng trách đợi cho đội diễn kịch và đội ngũ gánh của hồi môn đi qua, khi nhìn thấy kiệu hoa thì lập tức vui vẻ chào đón và kêu to:

-Tân hôn đại hỉ, nhiều con nhiều phúc!

Sáu đứa trẻ con đứng ở phía bên trái của kiệu, sáu đứa đứng phía bên phải, duỗi một tay làm như đang nâng kiệu lên, giống như giúp đỡ những người phu khuôn kiệu bình thường, liên tục kêu lên:

-Tân nương tử, cháu tên là Trương Đức Xương.

-Tân nương tử, cháu tên là Phương Bá Ngu.

-Tân nương tử, cháu tên là Hoàng Tông Hi.

Một đứa trẻ có vẻ sắc sảo gọi to:

-Mợ tân nương tử, cháu tên là Lục Lý Thuần, Trương Giới Tử là cậu cháu, là cậu của cháu.

-Mợ tân nương tử, cháu là Lục Lý Khiết, cậu Trương Giới Tử cũng là cậu cháu.

Thương Chu Đức cười ha ha, nhóm khiêng kiệu và mấy người hầu đi theo đều cười không ngừng, những đứa trẻ này thật là đáng yêu.

Vân Cẩm đã chuẩn bị mang theo chín mươi chín đồng tiền được xâu trong sợi dây đỏ từ trước, trao cho mỗi đứa trẻ một chuỗi, treo lên trên cổ của bọn chúng. Lúc treo lên cổ của Lục Lý Khiết, thì Lục Lý Khiết nói với Vân Cẩm:

-Tỷ tỷ, em là Lục Lý Khiết, em cũng chỉ được một xâu tiền đồng thôi sao?

Vân Cẩm biết đây là hai đứa cháu ngoại của Trương Nguyên, nên nói nhỏ vào tai chúng:

-Sáng sớm ngày mai, em đến tân phòng của mợ tân nương tử đòi tiền lì xì nhé!

Lục Lý Khiết sáu tuổi vui mừng gật đầu, nâng đòn gánh của kiệu, bàn chân nhỏ xíu bước thật nhanh theo.

Lúc đến Phủ Học Cung thì trời đã tối đen, pháo đón dâu “lộp bộp, đùng đoàng” vang lên, pháo hoa rực rỡ, một mảng khói thuốc dày đặc bay ra, lúc này mùi thuốc pháo lại giống như một loại hương vị của sự vui mừng.

Trên mảnh đất trống rộng lớn ở giữa Đông Trương và Phủ Học Cung, có dựng lên mười cái chòi hóng mát, mỗi cái chòi che nắng bày tám bàn cỗ, những tân khách đến chúc mừng đã ngồi đầy sáu mươi bàn cỗ, đều đang trông chờ tân nương tử đến.

Trong những tân khách đến chúc mừng có Từ Thời Tiến tri phủ Thiệu Hưng và Lưu tri huyện của Sơn Âm cùng những quan lại cấp dưới, còn có những thân hào nông thôn trong vùng và những nhân vật có tiếng khác.

Có thể nói những người tai to mặt lớn của huyện Sơn Âm đều đến chúc mừng, tham gia hôn lễ còn có hơn một trăm năm mươi sinh đồ, dường như hôn lễ náo nhiệt như vậy từ trước đến nay chưa có bao giờ.

Chú rể Trương Nguyên đang sắp xếp chỗ ngồi và tiếp đón tân khách, nghe thấy tiếng pháo vang thì biết rằng kiệu hoa và đoàn đón dâu đã về, trong lòng có chút kích động, lập tức ra trước cửa nghênh đón.

Mười mấy người giúp việc ở Hàn Xã bắt đầu thắp nến trong đèn lồng, lập tức xung quanh sáng bừng lên. Những chiếc đèn lồng này đều là do Trương Đại và Trương Ngạc mang từ bên Tây Trương sang, đó là những chiếc đèn mà năm ngoái ở hội đèn lồng bên Tây Trương đã chuẩn bị để đón tiếp thái giám đến xem, đèn đủ mọi sắc màu, tụ lại cùng một chỗ cực kỳ rực rỡ.

Một cỗ yên ngựa đặt ở cạnh bức tường trước cửa, kiệu hoa dừng lại ở trước cỗ yên ngựa đó. Trương Nguyên bước lên vái lạy ba cái, lúc ngẩng đầu lên đã nhìn thấy anh vợ Thương Chu Đức dắt Thương Đạm Nhiên từ trong kiệu hoa ra, đỡ Thương Đạm Nhiên bước qua chiếc yên ngựa đó, tục này gọ là “Bình an”.

Thương Chu Đức đặt bàn tay phải của Thương Đạm Nhiên lên tay Trương Nguyên, nói:

-Trương Giới Tử, huynh giao tiểu muội của huynh cho đệ, đệ phải trân trọng nó suốt đời suốt kiếp này.

Những tập tục trong hôn lễ ở Thiệu Hưng, khi nói lời chúc phúc nguyên bản là không có nói những lời như vậy, những lời này là những lời Thương Chu Đức tự nhiên mà thốt ra.

Trương Nguyên trịnh trọng gật đầu đáp lại:

-Nhị huynh, huynh yên tâm, đệ sẽ trân trọng Đạm Nhiên suốt đời suốt kiếp này, bọn đệ sẽ sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Trên đầu Thương Đạm Nhiên che khăn voan đỏ thẫm mà trời lại tối nên không nhìn rõ mọi thứ được, chỉ cảm giác được tay phải mình được nhị huynh cầm rồi đặt lên tay của một người khác, bàn tay kia nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay nàng, nghe thấy giọng nói của Trương Nguyên vang lên, giọng nói này đã một năm nay nàng chưa nghe thấy rồi, nhưng vẫn cảm thấy quen thuộc và ấm áp như trước.

“Giọng nói của Trương lang vẫn không có gì thay đổi, trầm ổn, thong thả làm cho người nghe cảm thấy an tâm”.

Sự bất an mơ hồ lúc trước của Thương Đạm Nhiên ngay tại thời khắc này đã bay mất. Nàng đã quyết định rồi, nàng đã được gả đến Trương gia. Trương Nguyên và nàng đã cùng nắm tay nhau, nàng chính là thê tử của Trương Nguyên.

Tân khách đến chúc mừng kéo ra ngoài cửa nhìn Trương Nguyên nắm tay tân nương tử đi vào. Người chủ trì hôn lễ đang chỉ dẫn, Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên uống rượu hợp cẩn, sau đó tay dắt tay đi vào đại sảnh làm lễ. Giữa phòng có dán ba vì sao tượng trưng cho“phúc lộc thọ”, tiếng nhạc vang lên rộn rã. Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên hướng ra phía bên ngoài bái thiên địa, sau đó quay vào phía trong bái ba vì sao “phúc lộc thọ”, rồi đến hai vợ chồng giao bái.

Lúc này, Trương Thụy Dương dắt tay thê tử Lã thị đi ra, ngồi xuống chỗ ba vì sao “phúc lộ thọ”. Trương Nguyên cầm tay Thương Đạm Nhiên bái cao đường (cha mẹ). Trương mẫu Lã thị vui mừng đến nỗi cười hớn hở, kéo tay Thương Đạm Nhiên vuốt ve, cười tủm tỉm nói nhỏ gì đó với Thương Đạm Nhiên, mà Thương Đạm Nhiên đầu đội khăn voan đỏ thỉnh thoảng gật đầu nói “vâng” một tiếng. Trương mẫu Lã thị đeo một đôi vòng tay khảm ngọc đeo vào cổ tay Thương Đạm Nhiên.

Người chủ trì hát “hoa chúc thi” sau đó tiến hành nghi lễ “Tấn phúc trượng” do Trương Nhữ Lâm đóng giả làm Nam Cực Tiên Ông, dùng dây đỏ quấn quanh búi tóc cao của tân nương tử Thương Đạm Nhiên rồi nhẹ nhàng gõ xuống năm cái, miệng thì nói:

-Hòa hợp êm thấm, hiếu thảo với với bậc bề trên, ngũ tử đăng khoa.

Những lời này đều là những lời chúc phúc.

Tiệc cưới bắt đầu, Trương Nguyên dẫn Thương Đạm Nhiên đi mời rượu tân khách, mời rượu khắp mười lán tổng cộng gần tám mươi bàn tiệc. Tuy rằng rượu chỉ là rượu gạo nhẹ không đến mức uống say, nhưng đi chào hỏi gần nửa canh giờ liền, Trương Nguyên thì không sao, nhưng còn Thương Đạm Nhiên đã cảm thấy đau chân rồi. Nàng đi giày cao nên cảm thấy không thoải mái, may là Thương Đạm Nhiên không bó chân, nếu không thì chắc chắn sẽ không chống đỡ được đến bây giờ, chứ đừng nói đến việc phải đi mời rượu gần tám mươi bàn tiệc liền.

Mười hai đứa trẻ là “đồng hỉ” lúc nãy đã được dặn dò từ trước, lập tức vây quanh chú rể Trương Nguyên và cô dâu mới Thương Đạm Nhiên đẩy về phía hậu viện, đó chính là vào động phòng.

-Chú rể, cô dâu vào động phòng.

Nhóm trẻ con vui vẻ kêu lên, đồng thời ra sức đẩy làm cho Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên đều có chút nghiêng ngả lảo đảo, vội nói:

-Đừng đẩy quá nhanh, đi chậm thôi.

Thương Đạm Nhiên không kìm nổi bật cười ra tiếng.

Phòng của cô dâu chú rể được bố trí ở tầng hai Tây lầu. Lúc này cả tầng lầu đều được giăng đèn kết hoa, ánh đèn chiếu sáng rực. Đám trẻ “đồng hỉ” vui mừng đẩy cô dâu chú rể lên lầu, rồi từ phía sau chạy vọt lên phía trước lao vào phòng. Đợi đến khi Trương Nguyên nắm tay Thương Đạm Nhiên bước vào phòng, thì đám trẻ đã sớm leo lên chiếc giường khảm trai mạ vàng, lăn lộn trên mặt giường rộng lớn vui đùa ầm ĩ, chen chúc nhau thành một đống rồi.

Trương Nguyên nhìn thấy Hoàng Tông Hi sáu tuổi cũng đùa nghịch rất vui vẻ, không khỏi mỉm cười, đứa trẻ Hoàng Tông Hi này bình thường nhìn qua có vẻ rất bình ổn, ít nói.

Náo loạn động phòng một trận xong, mười hai đứa trẻ này bị Vân Cẩm và bốn nha đầu khác túm lấy kéo ra ngoài. Vợ chồng hai cụ già đóng vai Lộc Tinh và Phúc Tinh đó mời chú rể Trương Nguyên và cô dâu Thương Đạm Nhiên ngồi ở cạnh giường, đưa cho hai người bảy viên bánh trôi nước nhỏ, cái này gọi là “thất tử bảo đoàn viên” (bảy viên bánh tượng trưng cho sự đoàn viên).

Một người đem hai sợi dây buộc thắt lưng màu đỏ dài ngắn như nhau đưa cho Trương Nguyên. Trương Nguyên khều khăn voan trên đầu Thương Đạm Nhiên xuống, rồi ném lên nóc giường, hai cụ già lập tức nhanh nhẹn buông rèm cửa xuống và rời khỏi phòng, đồng thời khóa cửa bên ngoài lại.

Trương Nguyên vừa dùng cam giá (một cây gậy dùng để lật khăn đội đầu của cô dâu) khều khăn voan đỏ che mặt và vòng hoa đội đầu (hay còn gọi là mũ phượng) của Thương Đạm Nhiên xuống, còn chưa kịp ngắm nhìn dung nhan của Đạm Nhiên thì ánh sáng vụt tắt, xung quanh tối sầm lại, màn lụa đỏ ở hai bên thành giường được buông xuống, hai cụ già nhanh chóng lui ra, nghe thấy tiếng kim loại va chạm vào nhau, cửa bị khóa lại từ bên ngoài.

Trương Nguyên ngạc nhiên, hắn không biết vòn có cái phong tục này, khóa trái cửa là có ý gì đây?

Lúc quay sang nhìn Thương Đạm Nhiên, thấy nàng dùng một tay vén chuỗi ngọc trên trán lên, mắt ánh lên sự trong suốt, dịu dàng nhìn hắn. Vẻ mặt vừa xấu hổ vừa vui mừng, sắc mặt rạng rỡ giống như ánh trăng, lông mày màu đen thẫm, môi màu hồng nhuận.

Trương Nguyên mỉm cười nói:

-Ồ, hóa ra là họ sợ tân nương tử chạy trốn, cho nên mới khóa trái cửa lại.

Thương Đạm Nhiên vốn muốn nói là “sợ chú rể chạy trốn”, nhưng lại xấu hổ nói:

-Sao phải chạy trốn chứ.

Trương Nguyên ngồi xuống bên cạnh Thương Đạm Nhiên, cầm tay nàng muốn nói chuyện với nàng nhưng lại nghe thấy tiếng bước chân ngắn bước trên hành lang, sau đó vang lên tiếng gõ cửa, một giọng nói vang lên:

-Trương thế thúc, tân nương tử xin mở cửa ra.

Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên ngơ ngác nhìn nhau, lại nghe được thanh âm của Vân Cẩm và mấy người tỳ nữ kia:

-Hả, đứa trẻ “hỉ

đồng” này quay lại đây làm gì vậy!

-Đừng gõ cửa, đừng gõ cửa.

Thanh âm của đứa trẻ kia lại vang lên:

-Tiền lì xì của em bị rơi ở trong phòng rồi, là bị rơi khi náo động phòng lúc nãy đấy ạ.

Trương Nguyên nghe ra đây là giọng nói của Hoàng Tông Hi. Đứa trẻ này thật là to gan, một mình quay trở lại tìm tiền lì xì, vội hỏi:

-Tông Hi chờ một chút, thúc thúc sẽ tìm hộ cháu.

Hoàng Tông Hi đứng ngoài cửa đáp:

-Làm phiền Thế thúc rồi.

Thương Đạm Nhiên tháo chuỗi ngọc trên trán xuống, cùng Trương Nguyên tìm xâu tiền lì xì ở trên mặt giường lớn, rất nhanh đã nhìn thấy xâu tiền đỏ ở bên cạnh gối. Trương Nguyên đưa xâu tiền mừng qua khe cửa, Hoàng Tông Hi luôn miệng nói cảm ơn:

-Đa tạ Thế thúc, đa tạ Thế thúc!

Sau đó hết sức vui mừng đi xuống lầu. Trương Nguyên nghe thấy tiếng của hai cụ già nói rằng:

-Cho người xuống dưới lầu trông coi, không được cho bọn nhỏ lên lên đây quấy rầy tân lang tân nương động phòng nữa.

Hành lang yên tĩnh trở lại, Trương Nguyên quay trở về giường cưới, màn lụa đỏ buông xuống, hắn vén trướng lên đi vào. Thương Đạm Nhiên đã ngồi ngay ngắn ở thành giường, búi tóc cao ngất, áo cưới đỏ tươi diễm lệ, mắt ngọc mày ngài, ngượng ngùng động lòng người. Trương Nguyên kéo tay nàng nói:

-Đạm Nhiên, để ta ngắm nàng kỹ một chút nhé!

Nhẹ nhàng kéo một cái, Thương Đạm Nhiên liền uyển chuyển đứng lên, váy cưới đỏ được thêu dệt rất tinh xảo, giản dị nhưng vẫn quý phái. Bộ quấn áo cưới này đã tồn tại từ thời nhà Hán, kiểu dáng ôm sát thân mình. Cô gái nào dáng người thanh tú, thướt tha, mềm mại mặc vào thì càng xinh đẹp mỹ lệ hơn.

Trương Nguyên nói:

-Đạm Nhiên thật đẹp, một năm nay vóc người cũng cao lớn lên không ít.

Thương Đạm Nhiên không kìm nổi khẽ cười, nhẹ nhàng cử động bàn chân, vươn bàn chân phải ra khỏi gấu váy, nói:

-Cao hơn là do thiếp đi giày cao đấy.

Lại nói:

-Trương lang mới thật sự cao hơn rất nhiều.

Trương Nguyên vừa nhìn thấy đôi giày cao kia, vội đỡ Thương Đạm Nhiên ngồi xuống, nói:

-Đi đôi giày này chắc không dễ chịu chút nào phải không?

Thương Đạm Nhiên nói:

-Không sao.

Trương Nguyên nói:

-Cởi giày ra, lên giường đi.

Hai gò má Thương Đạm Nhiên ửng hồng, cúi thấp đầu đáp một tiếng, cởi giày lên giường, ngồi sát vào bên trong, vừa thẹn thùng lại vừa lo lắng, không dám ngẩng đầu. Nghe thấy tiếng động, Trương Nguyên cũng đã lên giường, Thương Đạm Nhiên ngẩng đầu nhìn một chút, lại vội vàng cúi đầu xuống, tim đập thình thịch.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.