- Ta nghe Mi Công gọi cô nương là Vương Quan, là có ý gì vậy?
Vương Vi đỏ bừng mặt, đáp nhẹ:
- Đó là tên thân mật của tiểu nữ tử.
Tên thân mật cũng giống như tên mụ, thường là bậc bề trên hoặc người có quan hệ thân thiết mới dùng tên thân mật.
Trương Nguyên nói:
- Vậy thì ta gọi cô nương là Vương Tu Vi nhé.
Thấy bình gốm trong tay Tiết Đồng, trong bình có cắm một cành hoa sen chưa nở, đó chính là sen tịnh đế, liền vui vẻ nói:
- Có sen tịnh đế thật ư, sắp nở rồi đó.
Vương Vi nhìn cành sen tịnh đế, rồi lại liếc mắt qua Tiết Đồng, nói:
- Tiếc là Tiết Đồng không biết, đã hái xuống mất rồi. Không biết nuôi dưỡng trong bình thì có nở được không?
Tiết Đồng nói:
- Vi Cô đừng trách nô tài, để nô tài lại đưa Vi Cô đi tìm sen tịnh đế.
Nói rồi một tay cậu ta nhấc lồng chim, một tay cầm bình sứ, nhanh nhẹn đi về về phía bờ đông.
Vương Vi đi theo sau, khi đi ngang qua Trương Nguyên, nàng mỉm cười hỏi:
- Giới Tử tướng công có cùng đi xem không? Tiết Đồng nói bên kia có một vạt hoa sen.
Trương Nguyên nói “được” rồi cùng với Mục Chân Chân theo Vương Vi, Tiết Đồng đi ven theo bờ đông của hồ.
Đi được vài trượng thì thấy gió hồ thổi tới, Trương Nguyên ngửi thấy có mùi lá sen và hoa sen. Nhờ bị đau mắt năm kia nên khứu giác và thính giác của Trương Nguyên lại nhạy bén hơn người.
Đi qua một hàng cây liễu nhưng vẫn chỉ thấy toàn lá sen, màu lá xanh biếc che kín cọng, những đóa sen trắng, sen hồng điểm xuyết giữa những tấm lá sen xanh mướt, chúng chen chúc nhau, tự lay động dù không có gió.
Tiết Đồng chỉ vào một cái cọng sen gần bờ đã bị ngắt đứt, nói:
- Vi Cô, chính là hôm qua nô tài…
Con chim lông đen trong lồng đột nhiên vươn cổ kêu lên:
- Vi Cô!
Tiết Đồng ban đầu chưa kịp định thần, nói:
- Đừng có xen vào.
Ngay sau đó nó kinh ngạc kêu lên:
- Con chim này biết nói tiếng người!
Nói rồi lại giục con chim:
- Gọi ‘Vi Cô’ lại đi.
Con chim kia lại kêu lên ‘Vi Cô’ thật, khiến cho Tiết Đồng vui sướng hoa chân múa tay, luôn miệng nói:
- Hay quá, hay quá.
Trương Nguyên nhìn kỹ con chim, nói:
- Nó giống như hắc vũ linh điểu, tục gọi là hắc lĩnh bát ca, nhưng nói được mà lại nói rõ đến như vậy thì quả là hiếm gặp, hẳn là đã được dạy dỗ thành thục rồi.
Tiết Đồng vội nói:
- Con chim này nô tài bắn được ở bên hồ, không có chủ.
Vương Vi cười nói:
- Con chim này ban đầu kêu ‘xin tha mạng’, giống như có liên quan đến vụ án mạng người vậy.
Tiết Đồng nói:
- Có khi gặp phải kẻ cướp đường, chủ nhân nó kêu to xin tha mạng nên nó học theo, nếu đã cướp của rồi thì chắc không đến nỗi giết người đâu.
Trương Nguyên liếc nhìn Tiết Đồng, thằng bé mới chục tuổi đầu mà nói năng như người từng trải vậy.
Vương Vi nói:
- Không cần suy đoán lung tung, đi tìm sen tịnh đế đi.
Tiết Đồng, Vương Vi và Mục Chân Chân ở trên bờ tìm kiếm cẩn thận trong đám hoa sen. Mắt của Trương Nguyên không được tốt, nên tay phe phẩy quạt, nhìn bâng quơ xung quanh.
Ba người tìm một hồi lâu, vẫn không thấy sen tịnh đế. Tiết Đồng vội la lên:
- Sao lại không có nhỉ, để con sang bờ bên kia xem sao.
Lúc này trời đã sáng rõ, mặt trời lộ ra từ phía đằng đông. Trương Nguyên nói:
- Đừng tìm nữa, sen tịnh đế là giống khác, có thể gặp được nhưng không thể cầu được. Lấy chút bùn hồ cho vào trong bình, đổ nước vào rồi cắm hoa, thì may ra bông sen tịnh đế này cũng có thể nở được.
Tiết Đồng y lời lấy chút bùn ở hồ cho vào đáy bình, rót vào một chút nước hồ rồi cắm bông sen tịnh đế vào. Nước trong bình tràn ra ngoài làm ướt hết cả vạt áo. Một tay nó cầm bình gốm, một tay xách lồng chìm, theo Vương Vi đi về.
Mục Chân Chân xách lấy giỏ tre, thấy Tiết Đồng không còn tay nào trống, chỉ sợ nó sảy chân làm vỡ bình gốm xanh eo cao, liền hỏi:
- Đưa tỷ cầm bình hoa cho?
Tiết Đồng lại lắc đầu nói:
- Không cần.
Thấy tiểu bàn long côn trong giỏ tre của Mục Chân Chân, nó hỏi:
- Mục tỷ tỷ luyện côn này à?
Mục Chân Chân “ừ” một tiếng.
Tiết Đồng còn muốn hỏi nữa, nhưng lại ngậm miệng, nét mặt chăm chú, một tay xách lồng chim, một tay cầm bình gốm, bước đi rất vững chắc.
Vương Vi đi ở phía trước hỏi Trương Nguyên:
- Giới Tử tướng công, tiểu nữ tử nghe nói tướng công và Yến Khách tướng công muốn đánh cược Lý Tuyết Y, hà cớ phải cầu kỳ như vậy?
Trương Nguyên nói:
- Ta nói giỡn mà thôi.
Vương Vi nghiêm túc nói:
- Giới Tử tướng công muốn gặp Lý Tuyết Y có khó gì, Lý Tuyết Y là tỷ muội với tiểu nữ tử, giỏi đàn hát, dung mạo lại đoan trang xinh đẹp. Tới Kim Lăng, tiểu nữ tử sẽ dẫn Giới Tử tướng công tới gặp, có được không?
Nói rồi nàng duyên dáng ngước nhìn Trương Nguyên không chớp mắt.
Trương Nguyên mỉm cười, nói:
- Vậy ta làm phiền rồi.
Vừa nói hắn vừa nhìn Vương Vi. Vương Vi khẽ mím môi, không nói gì. Cả hai đều không nói gì nữa, im lặng bước bên nhau, rồi đột nhiên cùng phá lên cười.
Ánh mặt trời chiếu lên đỉnh núi, ánh nắng chiếu khắp mặt đất. Vận tải đường sông lập tức náo nhiệt trở lại, thuyền bè đi lại giống như đột nhiên từ đáy sông nổi lên vậy, bận rộn qua lại không ngớt. Thị trấn Chu Gia Giác có chợ gạo lớn nhất Tùng Giang, đại đa số là thuyền buôn qua lại để buôn bán gạo.
Phạm Văn Nhược đứng ở mũi thuyền, nhìn Trương Nguyên và nữ lang Vương Vi đi tới, cười nói:
- Giới Tử hiền đệ, mới sáng sớm đã cùng hồng nhan tri kỷ đi tản bộ tâm sự đó à?
Trương Nguyên cười ha hả:
- Phạm huynh tửu lượng rất khá, đêm qua đã chuốc ba huynh đệ ta say mèm. Phạm huynh, xin mời sang thuyền bên này, bọn đệ chuẩn bị lái thuyền đi Trinh Phong Lý.
Gương mặt Vương Vi tựa hoa đào, hướng về Phạm Văn Nhược thi lễ. Nàng khẽ nâng vạt áo, bước lên thuyền trước. Trương Nguyên ở trên bờ, đợi Phạm Văn Nhược cùng lên thuyền, một mặt dặn dò Lai Phúc khẩn trương vào thị trấn mua dưa, rượu và đồ nhắm.
Một khắc sau, thuyền đu ba mái chèo nhẹ nhàng lái ra khỏi kênh đào. Con thuyền nhỏ của Phạm Văn Nhược ở phía sau. Hai thuyền một lớn một nhỏ xuyên ngang qua hồ Tiết Điến, qua Cấp Thủy cảng đến Trinh Phong Lý, đường thủy chừng hai mươi dặm, một canh giờ là có thể đến nơi.
Đầu giờ thìn, hai thuyền vào đến giữa hồ. Phạm Văn Nhược, Trương Nguyên và Tông Dực Thiện đứng ở mũi thuyền ngắm cảnh non nước tươi đẹp. Gió nhè nhẹ thổi nhưng thấy bốn bề vắng lặng, sóng êm gió lạnh, mặt nước phẳng lặng. Cảnh sắc đẹp không thua kém Tây hồ ở Hàng Châu, nhưng lại vắng vẻ tĩnh mịch hơn Tây Hồ.
Tông Dực Thiện nói:
- Nước hồ Tiết Điến ngọt lành có tiếng, ta thử lấy nước hồ đun pha trà xem sao?
Trương Nguyên nói:
- Đợi đại huynh Trương Tông Tử của đệ tỉnh dậy rồi hãy pha trà. Đại huynh là bậc đại sư trà đạo, hiểu biết về chất lượng nước, loại nào hay là biết ngay.
Trương Đại, Trương Ngạc vẫn chưa tỉnh rượu, vẫn còn đang ngủ rất ngon.
Mục Chân Chân cầm một bức họa đi tới, nói:
- Thiếu gia, đây là bức tranh sen tịnh đế mà Vương cô vẽ, chẳng phải thiếu gia nói rằng muốn xem ư, tỳ nữ mượn được của Vương Vi Cô mang tới đây.
Trương Nguyên nhận lấy bức tranh, cùng Phạm Văn Nhược và Tông Dực Thiện thưởng thức. Tông Dực Thiện nói:
- Tuy không có cốt họa pháp, nhưng có phần cương trực ở màu mực đậm nhạt, có trân chuyền của Trần Mi Công rồi.
Phạm Văn Nhược hiện giờ đã biết thân phận của Tông Dực Thiện, người có thể chấp bút thay cho Đổng Kỳ Xương thì chắc chắn tu dưỡng không thấp.
Trương Nguyên hỏi:
- Dực Thiện huynh, huynh thấy thư họa của Trần Mi Công so với Đổng Huyền Tể như thế nào?
Tông Dực Thiện chần chờ một lát rồi nói:
- Sàn sàn như nhau. Mi Công thì ung dung thanh nhàn, Đổng Công thì thanh thú tươi nhuận, mỗi người một vẻ.
Trương Ngạc vừa ngáp vừa đi ra, nghe thấy bọn Trương Nguyên đang bàn luận về thư họa của Đổng Kỳ Xương liền nói:
- Giờ không ai muốn thư họa của Đổng Kỳ Xương nữa rồi, kỳ thực thư họa phần lớn là để cầu danh, ở Thiệu Hưng ta có nhiều người thư họa tốt hơn nhiều so với Đổng Kỳ Xương, chỉ có điều công danh không có, có họa tốt mấy cũng uổng phí, chỉ quanh quẩn ở quê nhà mà thôi.
Câu nói này của Trương Ngạc cũng là có hiểu biết. Triệu Tả là người Hoa Đình, bắt chước vẽ giả tranh của Thẩm Chu, bút mực cứng cáp, vẽ rất đẹp, cũng là bởi vì không có tên tuổi nên chỉ có thể vẽ thay Đổng Kỳ Xương để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Người đời thực sự hiểu rõ về thư họa không nhiều, đặc biệt là những thương nhân giàu có trưởng giả học làm sang, mua tranh chỉ nhìn người chứ không nhìn tranh, nghe nói thư họa của Đổng Kỳ Xương là vội vàng đổ xô vào, trên trăm lượng bạc cũng dám chi. Những bức họa không có danh tiếng có tốt mấy cũng không cần, Triệu Tả vẽ tranh ký tên mình thì bán không tới 1 đến 2 lượng bạc, không ký tên mà giao cho Đổng Kỳ Xương, lão viết thêm vào vài chữ, đóng dấu, là lập tức có người đến xin mua với giá trên trăm lượng bạc, sau đó Đổng Kỳ Xương trả Triệu Tả năm lượng bạc tiền vẽ thuê, Triệu Tả còn phải đội ơn lão.
Nhìn thấy bức tranh sen tịnh đế mà Vương Vi vẽ, Trương Ngạc vui vẻ nói:
- Hoa nở tình vợ chồng mặn nồng, hay! Hay! Bức tranh này bán cho ta, Chân Chân, ngươi giúp ta đi hỏi Vương Vi Cô xem bức họa này giá bao nhiêu bạc?
Mục Chân Chân đi rồi quay trở lại ngay, nói:
- Tam công tử, Vương Vi Cô nói rằng bức tranh này không bán, muốn tự mình giữ lại.
Phạm Văn Nhược cười nói:
- Vẽ lên thì là sen tịnh đế, vẽ xuống thì người thành đôi. Bức họa này đương nhiên là không tùy ý bán rồi, có lẽ ngày nào đó sẽ đem tặng cho ai đó.
Trương Đại cũng đã ngủ dậy, đi ra xem bức tranh của Vương Vi, khen bức tranh rất đẹp.
Trương Ngạc nói:
- Để đích thân ta tự đi hỏi Vương Vi Cô, nhất định phải làm cho nàng đem bức tranh này tặng cho ta.
Đi đến khoang của Vương Vi, thấy cửa khép hờ, gã đẩy cửa nhìn vào bên trong, thấy Vương Vi đang ăn cháo, liền cười hỏi:
- Vương cô nương, bức tranh vẽ sen tịnh đế của cô nương rất đẹp, có thể tặng cho ta được không?
Vương Vi buông đũa xuống, dùng khăn lụa lau lau miệng, đứng dậy cười nói:
- Tiểu nữ cùng với Yến Khách tướng công đánh cuộc, nếu Yến Khách tướng công thắng tiểu nữ tử, thì người cứ việc cầm bức tranh kia đi.
Trương Ngạc nói:
- Tốt lắm, cô nương nói đi.
Trương Ngạc vô cùng thích đánh cuộc với người khác.
Vương Vi nói:
- Tiểu nữ tử cùng đánh một ván cờ với Yến Khách công tử, nếu công tử thắng thì bức họa kia sẽ thuộc về công tử.
Buổi sáng hôm qua Trương Ngạc đã đánh hai ván cờ với Vương Vi, thua nàng cả hai ván.
Trương Ngạc trợn mắt lên nói:
- Cô nương nói vậy chẳng khác nào nói là tặng luôn cho Giới Tử đệ của ta, cô nương đánh cờ thắng sao được Giới Tử.
Vương Vi mỉm cười nói:
- Nếu là Giới Tử tướng công tới, tiểu nữ tử sẽ không đánh cuộc chơi cờ, mà sẽ đánh cuộc chơi đàn thổi tiêu, tiểu nữ tử nhất định không chịu thua đâu.
Trương Ngạc trở lại mui thuyền nói lại với đám Trương Nguyên. Phạm Văn Nhược cười nói:
- Muốn nữ lang này tặng bức tranh sen tịnh đế rất khó, trừ phi là ý trung nhân của cô, nếu không cô ta sẽ đánh cuộc với đệ về nữ công, về tài nghệ làm bếp, đệ khó mà thắng được cô ấy lắm. Giả mẫu của cô Mã Tương Lan đã qua đời, nữ lang này liền trở thành chủ nhân U Lan Quán, rất là tự do. Lần trước có một thương gia giàu có họ Uông đã nguyện trả ngàn lượng bạc để đổi lấy một đêm vui vẻ nhưng đã bị nàng từ chối.
Trương Đại nghe Chu Mặc Nông nói qua khúc trung nữ lang của Nam Kinh Cựu viện đa số là con gái ruột của tú bà. Tú bà là người rất yêu quý con, khi gặp khách tử tế đều để mặc cho họ lưu luyến, không so đo tiền bạc, nhưng nếu là hạng phàm phu, con gái không thích thì cũng để cho con gái cự tuyệt không tiếp. Nếu là giả mẫu thì đương nhiên không yêu quý được như vậy, cái gọi là ‘Mẹ yêu cái đẹp, tú bà yêu tiền’ là để chỉ giả mẫu, nhưng nghe Phạm Văn Nhược nói thì giả mẫu của Vương Vi là Mã Tương Lan lại là người si tình và có hiệp khí, ở Cựu viện được gọi là ‘Hiệp kỹ’, kể cả Mã Tương Lan chưa qua đời thì cũng sẽ không ép buộc Vương Vi.
Trương Ngạc trợn mắt lên nói:
- Những khúc trung nữ lang đó đều có mánh khóe, không có ai cậy thế bắt nạt nàng ta được?
Phạm Văn Nhược nói:
- Những khúc trung danh kỹ (kỹ nữ danh tiếng) đa số đều có kết giao với danh sĩ (người có danh vọng nhưng không làm quan), người bình thường thực sự không ức hiếp họ được. Giống như Vương Vi đây, không nói cô ấy là nữ đệ tử của Trần Mi Công, Quy An Mao công tử cũng là người bảo vệ hoa.
Trương Ngạc cau mày hỏi:
- Cái gì mà Mao công tử, Da công tử? (ý là lông công tử và da công tử).
Trương Đại nói:
- Là Quy An Mao Nguyên Nghi Mao Chỉ Sinh đó à?
Phạm Văn Nhược nói:
- Đúng vậy!
Trương Đại gật đầu nói:
- Mao Chỉ Sinh cũng là quan lại thế gia, là hậu thế của danh môn, có chút quen biết với ta. Năm ngoái khi thi hương ở Hàng Châu ta với y cùng một trường thi, y cũng thi rớt rồi. Người này thích đọc binh thư, rất có chí.
Rồi lại nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử,
Trương Ngạc hỏi Phạm Văn Nhược:
- Phạm huynh, nói như vậy thì Vương Vi Cô một lòng hướng về Mao Chỉ Sinh kia ư?
Phạm Văn Nhược cười nói:
- E là Mao Chỉ Sinh đa tình thôi, Vương Vi vẫn chưa có ý gì, Yến Khách huynh cứ cố gắng lên.
Trương Ngạc lập tức mặt mày hớn hở, nói:
- Tốt quá, tốt quá!
Gã nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, chúng ta không đánh cuộc Lý Tuyết Y nữa, đánh cuộc Vương Vi đi…Ồ, suýt chút nữa quên mất đại huynh. Đại huynh đừng có trừng mắt nhìn đệ nha, ba huynh đệ chúng ta đánh cược công bằng, ai có thể chiếm được cảm tình của Vương Vi thì hai người kia không được buồn bực tức tối, nếu không lại vì một nữ tử mà làm hỏng tình nghĩa huynh đệ thì mất hay đi.
Trương Nguyên nói:
- Đệ không đánh cược đâu, đại huynh và tam huynh cứ cược đi.
Nói rồi hắn lệnh cho Lai Phúc bưng dưa hấu, anh đào và lê vừa mua xong ra, mọi người ở mui thuyền ăn hoa quả thay bữa sáng.
Trương Ngạc nói chuyện lớn tiếng, Vương Vi ở trong khoang thuyền nghe rõ mồn một, hừ nhẹ một tiếng, lại nghe thấy Trương Nguyên nói rằng không đánh cuộc, đôi mày thanh tú của nữ lang Vương Vi khẽ nhíu lại, lập tức cúi đầu tiếp tục ăn cháo, gắp một miếng ngó sen trắng đưa lên miệng ăn chậm rãi, lòng đầy tâm sự.
Ánh mặt trời chiếu vào cửa sổ, chiếc bình gốm eo cao màu xanh phát ra ánh sáng bóng màu xanh dịu nhẹ, hai nụ sen tịnh đế cắm trong bình đã từ từ nở, cánh hoa xòe ra, đây chính là thời điểm đẹp nhất của sen Tịnh Đế.
Diêu Thúc chấm thuốc vào cánh cho con chim Hắc Vũ Bát Ca. Con chim biết nói này có vẻ đã khá hơn rất nhiều, đang mổ kê trong lồng, mổ được mấy hạt liền vươn cổ đến một cái ống trúc nhỏ để uống nước, rất là thích chí, hiển nhiên là được nuôi dưỡng chăm sóc quen rồi, khi nghe thấy Tiết Đồng hoặc tiểu tỳ Huệ Tương gọi “Vi Cô” thì con chim này cũng gọi to “Vi Cô”, thanh âm còn đặc biệt to và rõ ràng.
Trương Đại nếm thấy nước hồ Tiết Điến ngọt liền lấy nước hồ đun để hãm trà, lát sau bưng Tùng La trà tới, mời Vương Vi cùng thưởng trà. Mọi người sau khi nếm Tùng La trà được hãm bằng nước hồ Tiết Điến thì đều khen hương trà rất tuyệt. Trương Đại bèn hỏi Vương Vi có biết đại sư trà đạo ở Kim Lăng Đào Diệp Độ là Mẫn Vấn Thủy hay không?
Vương Vi vui vẻ nói:
- Tông Tử tướng công cũng biết Vấn lão sao, tiểu nữ tử thích nhất La Giới trà của Vấn lão. Lúc ở Kim Lăng dù là ngày mưa to gió lớn cũng buộc phải đến nhà Vấn lão để thưởng trà.
Trương Đại nói:
- Bằng hữu của ta là Chu Mặc Nông thường ca ngợi với ta về trà của Vấn lão, lần này đi Kim Lăng, tất nhiên phải đến thăm hỏi Đào Diệp Độ, nghe nói Vấn lão không thích gặp người lạ, đến lúc đó nhờ Vương cô nương giới thiệu.
Vương Vi nói:
- Được thôi.
Nàng đảo mắt một cái, thấy Trương Nguyên đang lơ đãng nhíu mày, không biết đang nghĩ gì, hình như là có chuyện gì đó khó xử?
Hai chiếc thuyền một trước một sau bơi ngang qua hồ Tiết Điến, đi sâu vào Cấp Thủy cảng. Cấp Thủy cảng này thông ra sông Bạch Hiện. Phía tây sông Bạch Hiện lại thông với Thái Hồ, tức là thuyền bè có thể từ hồ Tiết Điến đến thẳng Tô Châu, không cần phải đi đường bộ tới Gia Hưng rồi lại lên thuyền ở vận hà đi Tô Châu.
Thêm nửa canh giờ nữa là đến quê hương Trinh Phong Lý của Đỗ Tùng. Trương Nguyên trong lòng do dự, không biết Đỗ Tùng có ở Trinh Phong Lý hay không? Nếu Đỗ Tùng ở Trinh Phong Lý thì hắn nên làm thế nào để lấy được lòng tin của ông ta?
Đầu giờ tỵ, ánh nắng bỏng rát, hai chiếc thuyền đã tới Trinh Phong Lý. Thuyền đu ba mái chèo không thể nào vào được trong bến nhỏ của thị trấn, đành phải neo ở bến ngoài thị trấn. Trương Nguyên, Trương Đại và Trương Ngạc đổi sang ngồi thuyền nhỏ của Phạm Văn Nhược. Trương Nguyên kêu cha con Mục Kính Nham và Mục Chân Chân cùng sang thuyền nhỏ này. Mục Chân Chân biết thiếu gia muốn đưa cha nàng đến gặp Đỗ tổng binh, cha nàng có lẽ rất nhanh sẽ đi phương Bắc, trong lòng Mục Chân Chân bắt đầu cảm thấy buồn.
Phạm Văn Nhược dẫn đám Trương Nguyên tới Đông Giao ở Trinh Phong Lý gặp Vương Hoán Như trước. Đỗ Tùng có một người cháu là học trò của Vương Hoán Như, Trương Nguyên và Đỗ gia vốn chưa hề quen biết, đương nhiên không nên tùy tiện đến nhà, phải hỏi thăm Vương Hoán Như về tình hình của Đỗ gia trước đã rồi tính sau.
Chiếc thuyền nhỏ đi qua lòng kênh quanh co ở Trinh Phong Lý, chỗ nào cũng có cầu đá, kênh rạch ngang dọc, liễu xanh rủ bóng gần chạm mặt nước. Trương Nguyên dựa vào trí nhớ lờ mờ mới biết Trinh Phong Lý quả nhiên chính là Chu Trang. Chu Trang lúc này là vùng sông nước đẹp đẽ, đặc biệt là nước, khác xa với cảnh đục ngầu ô nhiễm bốn trăm năm sau.
Vương Hoán Như khoảng ngoài bốn mươi tuổi, thân hình to béo, dưới cằm để râu ba chỏm, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt, giống như Mỹ Nhiễm công vậy. Năm ngoái Vương Hoán Như cùng với Phạm Văn Nhược đã gặp Trương Nguyên ở Thanh Phổ, rất khâm phục tài làm văn chế nghệ của Trương Nguyên. Việc đánh đổ Hoa Đình Đổng thị mới đây lan truyền rộng rãi, Vương Hoán Như nghe nói Trương Nguyên là chủ mưu, càng lấy làm kinh ngạc.
Lúc này Phạm Văn Nhược dẫn Trương Nguyên đột ngột tới thăm, y không khỏi cảm thấy bất ngờ, vội đón khách vào ngồi trong sảnh. Hàn huyên xong, Trương Nguyên bèn nói ý đồ đến đây của mình. Vương Hoán Như nói:
- Đỗ tổng binh đã về rồi, cuối tháng trước về Trinh Phong Lý, giới thiệu người tòng quân có khó gì, tại hạ sẽ dẫn Trương công tử đến Đỗ phủ gặp Đỗ tổng binh. Tuy nhiên huynh của Đỗ tổng binh vẫn chưa mai táng, bây giờ đến đó phải lấy danh nghĩa đến phúng viếng mới được.
Trương Nguyên nghe nói Đỗ Tùng đang ở Trinh Phong Lý thì thở phào, chắp tay nói:
- Vậy thì làm phiền Vương huynh rồi!
Côn Sơn có tập tục, khách phúng viếng không đến sau giờ ngọ, nói là không may mắn, không biết có điển cố gì. Giờ đã là giờ ngọ, không tiện đến Đỗ phủ nữa rồi. Vương Hoán Như lập tức bày tiệc khoản đãi Phạm Văn Nhược và đoàn huynh đệ Trương thị. Cơm xong họ ngồi thưởng trà nói chuyện phiếm trong cái chòi ở hậu viên. Line]>