Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 247: Chương 247: Trăng lưỡi liềm.




Trương Nguyên hiểu rằng lúc này đây Mục Chân Chân cần có việc gì đó để làm cho nàng phân tâm, nên nói:

- Chân Chân đi đi, nói chuyện với Vương Tu Vi một chút.

Vương Vi đưa mắt liếc xéo một cái, đột nhiên bật cười, kéo tay Mục Chân Chân vào khoang.

Trương Ngạc bước tới nói:

- Giới Tử, có phải ngươi hồ đồ rồi không, một lão Mục tốt như thế, vừa trung thành vừa biết võ nghệ, thế mà ngươi lại mang ông ta tặng cho Đỗ Tùng làm gia đinh, khiến cho Mục Chân Chân phải khóc lóc như thế. Một tổng binh bị cách chức, có cần phải lấy lòng như vậy không, nào là phúng viếng, nào là tặng gia đinh, lại còn thu nhận học trò gì gì nữa, chẳng thú vị chút nào.

Trương Nguyên cười nói:

- Tam huynh, huynh cứ lo chơi thanh sắc khuyển mã của huynh đi, đây là việc của đệ, huynh đừng nhúng tay vào, đệ có lý lẽ của đệ.

Trương Ngạc thấy vô vị thực sự, nói:

- Chả có gì hay cả, hôm qua đánh cờ vây, cờ tướng, đánh song lục với Vương Vi cô đều thua thảm hại, bây giờ ta còn chẳng dám mở lời mời nàng ấy chơi nữa là. Giới Tử, đệ đi đánh cờ mù với Vương Vi cô đi, áp đảo khí thế của nàng ta một chút.

Trương Nguyên mỉm cười hỏi:

- Tam huynh không muốn lấy lòng người đẹp nữa à?

Trương Ngạc nói:

- Chơi không lại với nàng ấy, cô gái này thông minh quá, thực ra Trương Yến Khách ta thích nữ nhân ngốc một chút, ta không thích bị nữ nhân bỡn cợt.

Y ngừng một lát, rồi lại mở to mắt lên, nói:

- Ta không tin Trương Yến Khách ta không thu phục được một nữ lang lắt léo!

Trương Nguyên nói:

- Tam huynh, huynh đừng có mà giở mấy thủ đoạn hạ lưu như cưỡng đoạt, bỏ thuốc giống Đổng Tổ Thường đấy nhé.

Trương Ngạc cả cười, mắng:

- Nói tầm bậy, Trương Yến Khách ta có khi nào làm qua mấy chuyện như vậy, ta chuẩn bị dùng tiền đập nàng ấy. Chúng ta còn đi học ở Kim Lăng đến cuối năm mới về Sơn Âm mà, ngày tháng còn dài như vậy, Vương Vi cô này không thoát khỏi lòng bàn tay của ta được đâu.

Trương Ngạc này ngàn dặm xa xôi đến Nam Kinh chẳng phải là để theo việc học, mà là theo đuổi lục triều kim phấn, với việc ăn chơi đàng điếm.

Trương Nguyên cười nói:

- Vậy tình địch của huynh sẽ không ít đâu, Ngô Hưng Mao Nguyên Nghi vừa có tài vừa có tiền vừa có thế, tính riêng mình hắn là huynh đã không đối phó được rồi.

Phạm Văn Nhược đi tới, hỏi:

- Người anh em đang nói chuyện gì vậy, cần đối phó với ai?

Trương Nguyên bật cười, thầm nghĩ:

“Mao Nguyên Nghi đúng là nằm cũng bị trúng đạn”.

Ngoài miệng nói:

- Tam huynh ta muốn chiếm được trái tim của Vương Vi cô, đang đau đầu nghĩ cách đó.

Phạm Văn Nhược bật cười ha hả, hạ giọng thật thấp nói:

- Tặng huynh một lời chân thành nhá, hãy kiên trì tới cùng. Nhan sắc của Kim Vi Cô đứng đầu Kim Lăng, đáng để đau đầu đấy.

Ba người quay trở lại vào khoang thuyền, Trương Đại dùng số nước lấy ở hồ Tiết Điện còn lại hôm qua đun một bình trà, mấy người đến ngồi bên cửa sổ, vừa thưởng trà, vừa ngắm nhìn ngư phu sông Bạch Hiện đang giăng lưới đánh cá, cùng nói về chuyện làm văn thi cử, Phạm Văn Nhược nói:

- Phất Thủy Sơn Phòng Xã bọn ta năm ngoái tiêu thụ được mấy ngàn cuốn tuyển tập bát cổ do Giới Tử hiền đệ sáng tác, bán còn chạy hơn cả bát cổ văn của Lâm An Thang Hiển Hổ, và Thường Thục Tiền Khiêm Ích. Tại hạ muốn mời Giới Tử hiền đệ giao những tác phẩm mới nhất cho phường sách Phất Thủy Sơn Phòng Xã bọn ta in ấn phát hành.

Trương Nguyên cười nói:

- Tác phẩm của ta sao dám so sánh với tác phẩm của những bậc đại tác gia về bát cổ văn như Thang Nhược Sĩ, Tiền Thọ Chi, còn kém xa lắm.

Trương Ngạc ở bên nói:

- Phạm huynh, việc xuất bản sách này không cần phiền đến huynh nữa, Hàn Xã của ta đã thành lập ra Thư Cục, sẽ trở thành thư cục lớn nhất Giang Nam, thậm chí là lớn nhất Đại Minh.

Phạm Văn Nhược ngạc nhiên.

Trương Nguyên nói:

- Thật có lỗi, việc này vẫn chưa kịp nói với Phạm huynh.

Nói đoạn đem chuyện thành lập Hàn Xã Thư Cục kể lại lần lượt với Phạm Văn Nhược.

Nếu Hàn Xã Thư Cục hưng vượng phát đạt, đương nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới thư phường của Phất Thủy Sơn Phòng xã, đương nhiên là trong lòng Phạm Văn Nhược không vui. Nhưng y cũng hiểu rằng, nếu Trương Nguyên đã thành lập Hàn Xã, thì việc mở thư cục cũng là tất yếu. Với danh vọng của Trương Nguyên hiện nay, cộng thêm với tài lực của nhà họ Trương ở Sơn Âm, thì Hàn Xã thư cục tất sẽ nhanh chóng lớn mạnh, Phất Thủy Sơn Phòng Xã sẽ không thể chống đỡ được.

Trong nhất thời, Phạm Văn Nhược cảm thấy hơi khó xử, chẳng biết nói sao cho phải?

Trương Nguyên thành khẩn nói:

- Phạm huynh, đệ có kiến nghị thế này, huynh hãy cứ thử suy xét, nếu Phạm huynh chấp thuận, đệ sẽ vui mừng khôn xiết, nếu không, đệ cũng không chút oán hận, chúng ta vẫn là bạn tốt như xưa.

Phạm Văn Nhược nói:

- Hiền đệ cứ nói.

Trước tiên, Trương Nguyên giới thiệu qua về hình thức góp vốn cổ phần của Hàn Xã thư cục, rồi sau đó nói:

- Nếu Phạm huynh chịu tham gia Hàn Xã, mọi người ở Hàn Xã đương nhiên sẽ lấy làm vinh dự lắm. Nếu thư phường của Phất Thủy Sơn Phòng xã chịu trở thành phân cục của Hàn Xã thư cục, thì sau này, những tác phẩm in ấn của Hàn Xã thư cục sẽ chia cho phân cục một phần, hai nơi đồng thời in ấn, chia ra tiêu thụ theo khu vực. Phân cục phải nộp lại một phần bảy số ngân lượng thu được trên mỗi đầu sách về tổng cục, những việc còn lại tổng cục không can thiệp. Đương nhiên, sổ sách của phân cục cũng phải làm theo kiểu sổ Long Môn và sổ Tứ Cước, như vậy mới tiện cho việc đối chiếu. Phạm huynh cứ thử suy xét xem sao, đệ có thể bảo đảm với Phạm huynh, trở thành phân cục của Hàn Xã thư cục chắc chắn sẽ thu được nhiều lợi ích hơn so với thư phường của Phất Thủy Sơn Phòng xã hiện nay. Tất cả những nhà cửa, tài sản của phân cục vẫn thuộc sở hữu của Phạm huynh như trước, không tính vào cổ phần của tổng cục. Nếu Phạm huynh cảm thấy làm phân cục phải chịu sự gò bó, thì bất cứ lúc nào cũng có thể tách ra, lấy lại danh hiệu của Phất Thủy Sơn Phòng Xã, đệ tuyệt đối sẽ không can thiệp, những điều này đều có thể lập khế ước để làm theo.

Cái gọi là có thể tự do rút ra, chẳng qua chỉ là nói cho có vậy thôi, kiểu như chừa lại một cánh cửa vậy thôi, chứ nếu lợi ích thu được của phân cục vượt qua con số của Phất Thủy Sơn Phòng thư phường, thì Phạm Văn Nhược sao lại có chuyện rút ra. Hơn nữa, tổng cục khống chế nguồn bản thảo, phân cục sẽ phải hình thành quan hệ phụ thuộc với tổng cục, đến lúc đó, Phạm Văn Nhược dù có muốn lập lại sự nghiệp cũng không được, sẽ hết sức khó khăn. Những điều này Trương Nguyên đều đã tính toán cả, còn Phạm Văn Nhược thì hiển nhiên là chẳng thể nghĩ xa được đến vậy, cũng giống như Dương Thạch Hương, Phạm Văn Nhược cũng muốn mượn sách của Trương Nguyên để thu lợi cho quầy sách của mình. Đến nay Dương Thạch Hương đã nhập cổ phần vào Hàn Xã thư cục, lúc này Phạm Văn Nhược đang hết sức phân vân, việc này không phải chuyện nhỏ, không thể quyết định vội vàng được, y nói:

- Xin hiền đệ để ngu huynh suy nghĩ thêm vài ngày.

Trương Nguyên mỉm cười nói:

- Không sao, Phạm huynh cứ suy nghĩ cho kỹ, trở về Tô Châu bàn bạc với bạn bè người thân thêm một chút cũng được. Việc này thành hay không thì chúng ta vẫn là bạn.

Phạm Văn Nhược nói:

- Được, thành hay không, chúng ta vẫn là bạn tốt.

Thời này, sông Bạch Hiện có thể thông sang Thái Hồ, từ sông Bạch Hiện hướng theo hướng Tây Hối có thể đến sông Ngô Tùng, rồi từ đó đi ngược dòng lên đến đầu nguồn của sông Ngô Tùng chính là Thái Hồ. Mà Tô Châu phủ lại nằm ngay bên bờ Thái Hồ.

Ngày hôm đó thuyền đi được ba mươi dặm, đến chập tối thì cập bến vào bờ đông hồ Đồng Lý. Trương Nguyên ở đời sau từng đi du lịch đến Đồng Lý cổ trấn, Thối Tư Viên ở đây rất nổi tiếng, nhưng thời này đương nhiên là chưa có Thối Tư Viên, nó được xây dựng vào cuối thời nhà Thanh.

Ba anh em nhà họ Trương, cùng với Phạm Văn Nhược, Tông Dực Thiện và mọi người lên một quán rượu trong trấn dùng cơm tối. Chủ tớ Vương Vi vẫn ăn cháo, nữ lang này vào mùa hè ngày ba bữa đều ăn cháo, những lúc khác thì ăn chút dưa hoặc trái cây, hết sức thanh đạm.

Mục Chân Chân cũng ở lại trên thuyền, không theo Trương Nguyên lên bờ, ăn tạm chút bánh trái Trinh Phong Lý mà Đỗ Định Phương gửi biếu, nhưng tâm tư bần thần, chẳng thể nuốt nổi. Thiếu nữ đọa dân này suốt cả ngày đều không nói năng gì mấy, Vương Vi và tiểu tỳ Huệ Tương nghĩ mọi cách để nói chuyện với nàng, nàng cũng chỉ cười cười, cũng chẳng buồn tiếp lời.

Mặt trời đã ngả về tây, hoàng hôn bao trùm bốn bề, những con chim nước lúc trước còn bay liệng trên mặt hồ, giờ đây cũng đã bay về tổ, mười mấy dặm xung quanh hồ Đồng Lý trở nên yên tĩnh hẳn, một cảm giác sâu thẳm thâm trầm bao phủ. Thiếu nữ đọa dân Mục Chân Chân đứng trên mui thuyền, ngẩn ngơ nhìn mặt hồ, thầm nghĩ:

“Giờ này cha đang làm gì?”.

Nhân lúc sắc trời còn chưa tối hắn, tiểu tỳ Huệ Tương tranh thủ tắm rửa cho Hắc Vũ Bát Ca, vết thương ở cánh chim hầu như đã lành hẳn. Con chim này rất thích được tắm, còn nữa, bất kể là Tiết Đồng hay Huệ Tương dạy cho nó nói, nó đều không chịu học, chỉ có Vương Vi dạy cho nó nói, thì nó với chịu học theo. Huệ Tương cười nói:

- Con chim này cũng biết là giọng nói của nữ lang nhà ta rất hay cơ đấy.

Trời dần chuyển tối, một vành trăng mờ nhạt đã ló dạng nơi chân trời, mùng ba tháng sáu, đã có để nhìn thấy trăng lưỡi liềm rồi. Chiếc lồng chim được treo trên cột buồm nơi mui thuyền, chim đang phơi lông vũ, Vương Vi và Mục Chân Chân nói chuyện câu chăng câu chớ, chừng đến giờ Tuất canh ba, nghe thấy tiếng của Trương Nguyên từ trên bến vọng xuống, Vương Vi thầm nghĩ:

- Hôm nay bọn họ uống rượu sao lại về sớm thế?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.