Lắng Nghe Trong Gió

Chương 62: Chương 62: Hai bức thư




Thư gửi Trần Tư Tư

Vừa rồi tôi đứng trên mái nhà, nhìn về phương Nam xa xăm, nơi có mộ bố em - sư phụ của tôi, buồn lặng một tiếng đồng hồ. Tôi tin rằng, trên trời sư phụ linh thiêng, có thể nghe thấy lời tiễn biệt của tôi ở trên núi này. Tôi nói rất nhiều, rất nhiều, không thể không nói. Tôi giống như bóng ma, gọi sư phụ hết lần này đến lần khác, hết lần này đến lần khác tôi chân thành gửi lời cầu chúc, gửi tình cảm của tôi. Vì gửi đi quá nhiều, tôi cảm thấy mình trở nên nhẹ tênh như muốn bay lên. Đó là cảm giác xương tan thịt nát nhưng không đau đớn, chỉ cảm thấy thanh thản, dễ chịu. Lúc này tôi ngồi trước bàn viết, chuẩn bị viết thư cho em. Tôi dự cảm sẽ nói với em rất nhiều, nhưng nói thật, tôi không biết bao giờ em mới được đọc thư này. Chắc chắn phải chờ rất lâu. Có thể mấy năm, có thể chục năm, có thể mấy chục năm. Tôi không biết. Chỉ biết rằng bố em chưa đến ngày giải mật, em vẫn chưa thể nhận được thư này. Tức là, thư tôi viết không biết bao giờ mới gửi đi. Nhưng dù vậy, tôi vẫn viết, viết xong nhưng chưa gửi, điều ấy không phải vì tôi không lí trí, mà chính vì lí trí, ấy là tôi nói, tôi tin bí mật của bố em sẽ có ngày được công khai, nhưng chưa biết đó là ngày nào. Bí mật nào cũng chỉ trong một thời gian tương đối, nửa thế kỉ trước,chuyện người Mĩ quyết định tiêu diệt Yamamoto Isoroku, thủ phạm gây ra vụ Trân Châu cảng là một bí mật lớn, nhưng ngày nay bí mật ấy đã được đưa lên màn ảnh, mọi người cùng biết. Thời gian sẽ mở toang cánh cửa của mọi bí mật. Theo một ý nghĩa nào đó, trên đời này bí mật không bao giờ được tiết lộ là không có bí mật nào vĩnh viễn không thể tiết lộ. Nghĩ như vậy, tôi có lí do để mừng cho em. Tôi biết, biết hơn ai hết, em mong tôi nói với em tại sao những năm cuối đời bố em lại làm nhiều chuyện kì quái, sống buồn bã và đau đớn như vậy. Thư này của tôi sẽ nói với em tất cả, có điều sau khi đọc, em đừng trách tôi để em phải chờ đợi quá lâu. Đấy là lá thư phải chờ đợi thật lâu mới được gửi đi, giống như nút thắt cổ xưa, phải kiên nhẫn mới tháo gỡ nổi.

Em đã nói, có dư luận nói rằng 701 là đơn vị nghiên cứu vũ khí bí mật, thật ra không phải. Vậy là gì? Đấy là một tổ chức tình báo, chịu trách nhiệm nghe lén vô tuyến điện của nước X và chịu trách nhiệm dịch nó thành minh mã. Tổ chức tình báo như vậy nước nào cũng có, hiện tại có, trong quá khứ có, nước lớn có, nước nhỏ cũng có. Cho nên nói, bí mật của những tổ chức loại ấy thật ra là bí mật công khai, không có gì khác. Chúng tôi thường nói, biết người biết ta trăm trận trăm thắng, cái gọi là “biết người” tức là thu thập thông tin tình báo. Vị trí tình báo trong chiến tranh giống như điểm tựa của đòn bẩy, một nhà vật lí nổi tiếng từng nói, cho ông ta một điểm tựa, ông ta có thể nâng bổng trái đất lên, có thông tin tình báo chính xác, bất cứ quân đội nào cũng có thể chiến thắng trong chiến tranh. Biện pháp để lấy được tin tức tình báo chỉ có một, đấy là ăn cắp, nghe trộm, ngoài ra không còn cách nào khác. Cho tình báo viên xâm nhập vào hàng ngũ đối phương, hoặc trèo tường vượt rào cũng là một cách ăn cắp; ngồi ở nhà chặn sóng liên lạc của đối phương cũng là một cách ăn cắp. Để so sánh, cách ngồi nhà lấy trộm tin tức của đối phương là an toàn nhất, có hiệu quả nhất. Để chống trộm, ứng dụng kĩ thuật mật mã là tốt nhất,phá khóa mật mã cũng xuất phát từ đấy. Bố của em làm công việc phá khóa mật mã. Đấy là trái tim chuyển vận công tác của chúng tôi, là trái tim của trái tim.

Phá khóa mật mã tương đương với tạo dựng mật mã, nói một cách hình tượng, hai bên chơi trò trốn tìm đuổi bắt. Tạo mật mã là việc giấu kín, phá khóa mật mã là việc của chúng tôi. Bên giấu có cái bí mật riêng, bên phá có cách tìm kiếm riêng, sau hai cuộc Chiến tranh Thế giới “rửa tội”, cả hai phía đều nhanh chóng phát triển mật mã thành một môn khoa học, huy động các nhà toán học đỉnh cao của thế giới vào cuộc. Có người nói, phá khóa mật mã là sự nghiệp của một thiên tài đào xới trái tim của một thiên tài khác, là một sát thủ và đấu sĩ rất rất cao cấp. Nói một cách khác, người phá khóa mật mã là nhân tài đỉnh cao về mặt toán lí, ở những trường đại học và học viện toán học nổi tiếng, mỗi năm hễ đến mùa hè đều chào đón những con người thần bí, họ có đặc quyền tối cao, đến là nghiên cứu cả đống hồ sơ sinh viên, rồi kiếm tìm trong đó một vài sinh viên xuất sắc và đưa đi. Bốn mươi năm nay, khoa toán của đại học S. Chỉ có một người được đưa đi, đó là bố của em. Ba mươi năm sau đấy, trường của ông lại có một người ra đi, đấy là tôi. Không ai biết chúng tôi làm việc gì, kể cả bản thân chúng tôi, cho đến mấy tháng sau mới biết mình làm việc phá khóa mật mã.

Nếu con người có thể chọn lựa số phận, thẳng thắn mà nói, tôi sẽ không chọn nghề phá khóa mật mã, bởi đấy là một ngành khoa học cô đơn, âm thầm, đầy trắc trở và bóp chết nhân tính. Tôi nhớ rõ, tối hôm ấy, người của cấp trên đến đại học S. đưa tôi đi, ban đầu ngồi tàu mười mấy tiếng đồng hồ, sau đấy, tàu dừng lại ở một ga hoang vắng giữa đêm hôm khuya khoắt, không gần làng gần phố. Tiếp theo, chúng tôi lên một chiếc xe Jeep không biển số, lên xe rồi những người đưa tôi đi tỏ ra quan tâm, cho tôi uống một cốc nước. Có ma mới biết trong nước có gì, uống xong tôi ngủ một giấc, lúc tỉnh dậy, tôi đã ở trong một doanh trại yên tĩnh vắng vẻ, đấy là cơ sở bí mật chuyên huấn luyện nhân viên phá khóa mật mã. Cùng tham dự huấn luyện với tôi có năm người, trong đó có một người nữ. Tháng đầu tiên chúng tôi được huấn luyện “quên”, mục đích là để chúng tôi quên quá khứ, tháng tiếp theo là bài học bí mật, sau đấy là ba tháng huấn luyện nghiệp vụ. Suốt nửa năm bí ẩn, căng thẳng, chúng tôi lại bị bịt mắt rời nơi ấy. Cho đến lúc này tôi cũng không biết đấy là đâu, Đông, Tây, Nam, Bắc không biết, chỉ biết đấy là một khu rừng, rừng nguyên sinh.

Trong ba tháng huấn luyện nghiệp vụ cuối cùng, thường xuyên có những chuyên gia phá khóa mật mã đến giảng bài, chủ yếu truyền đạt những kiến thức chung và kinh nghiệm phá khóa mật mã. Một hôm, đồng chí phụ trách nói với chúng tôi, hôm nay đến giảng bài là một cao thủ phá khóa mật mã, tính tình ông rất kì lạ, chúng tôi chăm chú nghe giảng, không để ông nổi nóng. Quả nhiên người này làm chúng tôi thấy kì lạ, bảo là đến truyền đạt kinh nghiệm, nhưng bước vào lớp không thèm nhìn chúng tôi, cứ vậy ngồi trên bục giảng hút thuốc,coi như không có ai, ông không nói năng gì. Chúng tôi nín thở im lặng nhìn ông, thời gian từng giây trôi qua, khói thuốc mù mịt, mười phút trôi qua. Chúng tôi bắt đầu ngồi không yên, có người ho khan chừng như làm ông bừng tỉnh. Ông ngước nhìn chúng tôi, đứng dậy, đi vòng quanh chúng tôi một lượt, sau đấy trở về bục giảng cầm một viên phấn lên, hỏi chúng tôi đây là cái gì. Ông hỏi từng người, tất cả lần lượt trả lời đấy là viên phấn. Sau đấy, ông nắm viên phấn trong tay, nói như đọc thuộc lòng:

“Nếu đây là một viên phấn, chứng tỏ các anh các chị chưa phá được khóa, ngược lại nó không phải là viên phấn. Rất nhiều năm trước, tôi đã ngồi ở vị trí các anh các chị, nghe lời dạy của một vị tiền bối giải mã, ông ấy nói thế này: Trong thế giới mật mã, không có cái cho mắt thường trông thấy, mắt thường trông thấy cái gì, kết quả khẳng định không phải là nó (ông chỉ tay) anh không phải là anh, tôi không phải là tôi, cái bàn không phải là cái bàn, cái bảng không phải là cái bảng, hôm nay không phải hôm nay, ánh nắng không phải là ánh nắng. Mọi vật trên đời này là thế, cái phức tạp nhất sẽ là cái đơn giản nhất. Tôi chỉ nói những điều ấy thôi, bài học đến đây là kết thúc”.

Nói xong, ông đi thẳng ra khỏi lớp học, khiến chúng tôi không hiểu thế nào cả. Chính bài học kì quặc ấy khiến chúng tôi nhớ mãi, không thể quên mỗi động tác, mỗi lời nói của ông. Những ngày sau đó, khi chúng tôi thật sự tiếp xúc với mật mã, tôi phát hiện - càng ngày càng phát hiện - bài học ấy của ông thật ra chỉ một lời đã giải đáp được mật mã và phá khóa mật mã. Người ta nói, phá khóa mật mã là một nghề cô đơn và âm thầm, ngoài tri thức, kinh nghiệm và thiên bẩm, càng cần hơn vận may từ ngoài bầu trời, vận may là thứ tìm kiếm hoặc cầu mong đều không được, chỉ biết nghe theo số trời, cho nên cần phải học được cách nín hơi im lặng, học được cách kiên trì đợi chờ, sốt ruột vẫn phải chờ, chờ cho biển cạn đá mòn. Lí lẽ ấy nói thế nào cũng không thể so với điều ông không nói ra, sự trầm mặc khó hiểu khiến mọi người phải nhớ mãi, nhưng điều ông nói lại thật đơn giản và thấu đáo, chỉ một lời đã nói được cái đạo lí sâu xa, biến cái không trông thấy trở thành cái cụ thể ngay trước mắt, có thể trông thấy, sờ thấy.

Đấy là con người hiểu sâu sắc cái bí mật của mật mã. Người ấy chính là bố của em.

Nửa tháng sau, tôi được phân công về Cục Giải mã của 701, bắt đầu cuộc đời phá khóa mật mã dài lâu với ông. Tôi đã nói, nếu cho lựa chọn tôi sẽ không chọn cái nghề này, nhưng trong tình huống không có sự lựa chọn, tôi đành nhận bố em làm sư phụ, sớm tối bên ông là vận may lớn nhất trong đời tôi. Nói thật, trong giới phá khóa mật mã, tôi chưa từng thấy một ai có độ nhạy phi thường đối với mật mã như thế, hình như ông có linh tính với mật mã, giống như sợi dây liên kết đứa trẻ với mẹ, có nhiều điều tương thông, khí huyết tương thông, đấy là cái siêu phàm của ông khi tiếp cận mật mã. Ông còn một điều siêu phàm khác nữa là phẩm chất kiên nhẫn khác người, càng những việc tuyệt vọng, càng làm ông không nao núng. Trí tuệ của ông và tính hoang dã ngang nhau, gắn bó với nhau, đều gấp đôi người thường. Quan sát tâm linh rộng mở và tĩnh lặng của ông, sẽ được cổ vũ nhưng lại cảm thấy bất lực.

Còn nhớ ngày đầu tiên vào bên trong bức tường đỏ, tôi được bố trí nghỉ ở căn phòng của bố em, thấy bốn bức tường ghi kín dấu x màu đen, những dấu x xếp thành hàng như bài thơ:

X x x x x

X x x x x

X x x x x x x

X x x x x x x

X x x x x x x

X x x x x x x

Nhìn vào nét đen tươi sáng hình như vừa mới viết.

Tôi hỏi đây là cái gì, bố em bảo đấy là mật mã, mật mã có liên quan đến phá khóa mật mã, ông bảo tôi thử giải. Ông thấy tôi im lặng lại giục tôi, bảo đấy là những điều tôi đã nghe ông nói. Tôi nghĩ và hiểu ngay, bởi đấy là mấy câu ông nói trong lớp học, tôi so sánh, biết ngay đấy là mấy câu:

Anh không phải là anh

Tôi không phải là tôi

Cái bàn không phải là cái bàn

Cái bảng không phải là cái bảng

Hôm nay không phải là hôm nay

Ánh nắng không phải là ánh nắng.

Mấy câu ấy ông nói trong lớp học, học viên chúng tôi vẫn nhẩm đọc, không ngờ ông lặng lẽ sống với nó. Về sau tôi biết, hàng ngày trước khi đi ngủ và sáng ngủ dậy, ông đọc mấy lần như cầu kinh. Có lúc rỗi rãi, ông viết lại, cho nên màu sắc luôn luôn mới. Được ông chỉ dẫn, tôi cũng làm theo, bốn bức tường trong phòng cũng viết như vậy, hàng ngày trước khi ngủ và sáng sớm thức dậy cũng đọc vài lần, lâu ngày tôi mới hiểu, điều ấy hết sức quan trọng đối với người phá khóa mật mã.

Có người hỏi, ai là người thích hợp tạo dựng mật mã? Câu trả lời sẽ là người điên. Em có thể tưởng tượng, nếu cứ theo suy nghĩ của người điên - tức là không có tư duy - thiết kế một bộ mật mã, không nghi ngờ gì bộ mật mã ấy sẽ không có ai phá nổi. Tại sao mật mã bây giờ có thể phá khóa, bởi người tạo mật mã không phải là người điên thật sự, mà là giả điên, cho nên không đạt đến độ vô lí. Chỉ cần tồn tại cái có lí nó sẽ có quy luật tuần hoàn, có thể tìm ra, có khóa chắc chắn sẽ mở được. Vậy ai thích hợp cho việc phá khóa mã? Tất nhiên lại là kẻ điên, bời vì người điên đối lập với người tạo mật mã. Nói cho cùng, sự nghiệp tạo và phá khóa mật mã gần với sự nghiệp của người điên, càng gần điên càng xa tâm lí người bình thường, cái họ tạo ra người thường càng khó nắm bắt, giải mã. Phá khóa mật mã cũng giống như vậy, càng gần người điên càng gần tâm lí của người tạo mật mã, càng có thể phá khóa mã. Bởi vậy, càng là người bình thường, càng khó phá khóa mã, bởi vì họ rất dễ bị mê hoặc bởi bề ngoài của mật mã. Cái chân thật của mật mã thường ẩn nấp ở phía sau, xa mười vạn tám ngàn dặm. Nếu không thoát khỏi bề ngoài, tư duy khó được mở ra, đấy là điều quan trọng đối với mật mã.

Nói ví dụ, giống như hai câu dưới đây:

Anh không phải là anh

Tôi không phải là tôi

Chúng ta giả thiết có hai bí mật.

Loại thứ nhất là:

X x x x x

X x x x x

Loại thứ hai là:

Trên trời có một ngôi sao

Dưới đất có một con người

Hoặc là bất kì một mặt chữ nào khác.

Cứ thử nghĩ, loại nào tốt hơn?

Tất nhiên là loại thứ nhất, nó tốt ở bề mặt trắng, không gian tưởng tượng không bị câu thúc. Loại sau tuy đã biết ý nghĩa của những chữ ấy là che giấu, nhưng trong quá trình bóc tách sức tưởng tượng nhiều hay ít, hoặc thế này hoặc thế khác, chắc chắn sẽ bị ý tưởng mặt chữ chi phối và hạn chế suy nghĩ. Nhưng sự cố gắng của bố em mục đích là muốn đạt đến giới hạn của loại thứ nhất, biểu đạt được ý của mặt chữ, có thể có ý hoặc vô tình thoát khỏi nó, vứt bỏ nó. Cái vô thức càng sâu, không gian tưởng tượng càng có thể tự do rộng mở, ngược lại sẽ bị hạn chế. Sự thật thì, phá khóa mật mã có giỏi hay không, trước hết phải kéo xa khoảng cách vô ý và hữu ý. Quả thật, một người bình thường có cái hữu ý triệt để đạt đến cái vô ý là không thể, chỉ có thể cố gắng tiếp cận. Mà cố gắng tiếp cận lại không phải là vô cùng tận, bởi tiếp cận đến một mức độ nào đó, cái sợi dây “hữu ý” giống như sợi tơ nhện, có thể đứt bất cứ lúc nào, đứt thì người cũng coi như xong, bỗng chốc trở thành người điên. Cho nên nói, nghề phá khóa mật mã là hồ đồ, tàn khốc, nó vừa yêu cầu phải vờ điên, cố đạt đến giới hạn của người điên, vừa yêu cầu có cái tinh thông của một nhà khoa học, nắm thật vững ranh giới giữa người thường và người điên, không được vượt quá ranh giới, quá ranh giới tất cả đều hỏng, giống như sợi tóc bóng đèn điện bị cháy. Sợi tóc đèn trước khi cháy luôn luôn loé sáng, người phá khóa mật mã giỏi chính là sợi tóc đèn lúc sáng nhất, bất cứ lúc nào cũng có thể ra đi.

Bố của em là sư phụ giỏi nhất trong nghề phá khóa mật mã được mọi người công nhận. Ông là người cố chấp hiếm thấy, mấy chục năm ngày nào như ngày nào, không một phút nào không đặt mình trong trạng thái phá khóa cao nhất, đó cũng chính là trạng thái của sợi tóc đèn lúc sáng nhất, đấy là sự mạo hiểm điên khùng. Chỉ có người điên mới dám mạnh dạn như thế. Ông đạt đến đỉnh cao vinh quang của một người phá khóa mật mã, mặt khác điều đó cũng đặt ông bên bờ vực bất cứ lúc nào cũng “cháy mất”, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành người điên. Nói đến đây em nên hiểu tại sao bố em vào những năm cuối đời lại bị chứng bệnh ấy - chứng bệnh em cho là kì lạ - đấy là cái tất yếu xuất hiện trong số phận của ông, không có gì kì lạ. Theo tôi, cái đáng kì lạ là, ông không bị số phận hạ gục đến tận cùng, giống như sợi tóc đèn, trong bóng tối lại từ từ loé sáng.

Đấy mới thật sự là kì tích!

Nhưng với bố em, suốt cuộc đời đều là kì tích, có thêm một kì tích nữa cũng không phải là điều kì lạ.

Về “hiện tượng cờ vây” của bố em, cũng không có gì kì lạ. Từ góc độ nghề nghiệp, người làm công việc phá khóa mật mã, số phận và chơi cờ đều có mối liên hệ tự nhiên, bởi nói cho cùng, kĩ thuật mật mã và nghệ thuật chơi cờ đều là trò chơi toán học, cả hai rất gần nhau, là hai trái trên cùng một cành cây. Khi một người phá khóa mật mã rời khỏi công việc, yêu cầu ông sống trong hưởng lạc, tự nhiên ông sẽ say mê cờ, đấy là hình thức khác của nghề nghiệp, cũng là chốn về mà ông đã thiết kế từ khi lựa chọn nghề nghiệp.

Tất nhiên, so với độ sâu sắc của mật mã, cái sâu sắc bí ẩn cao nhất trên bàn cờ lại quá đơn giản. Cho nên, tài nghệ chơi cờ của bố em có thể tiến bộ một cách thần kì, chơi với ai cũng cao hơn hẳn, giống như chúng ta dùng siêu máy tính trong công việc làm máy tính gia đình, chẳng khác gì dùng dao mổ trâu để giết gà, không con gà nào là không giết được.

Tóm lại, giống như em nói, dù là cái kì quái hay bệnh tật của bố em vào những năm cuối đời đều không tách khỏi công việc bí mật của ông bên trong bức tường đỏ. Nói một cách khác, đấy là một phần trong số phận không thể thay đổi của ông kể từ sau khi làm cái nghề đặc thù này. Trên đời có nhiều nghề khác nhau, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nghề phá khóa mật mã vừa thần bí, hoang đường, mà cũng khiến con người đau xót, nó sử dụng cái tinh anh của con người, bắt cái tinh anh của con người làm cái việc của người điên, đêm ngày chìm đắm trong “anh không phải là anh, tôi không phải là tôi”, mà cái họ dồn hết tâm trí để kiếm tìm lại ở trong bóng tối, ở mặt sau của tấm kính, ở một nơi xa thẳm, nơi tận cùng của số phận...

Thư gửi Trần Tư Binh

Thư gửi cho chị Tư Tư cùng đồng thời gửi cho em, bởi anh nghĩ, cho dù anh không gửi cho em, chị Tư Tư nhận được thư cũng sẽ cho em xem. Cho nên lúc viết thư cho chị Tư Tư, anh dùng hai lớp giấy than để có ba bản thư, trong đó một bản gửi cho em (bản thứ ba sẽ giao cho lưu trữ hồ sơ của đơn vị). Em có thể xem trước thư của anh gửi cho chị Tư, như vậy em sẽ rõ ngay tại sao cho đến nay (không ai biết “đến nay” là năm nào, tháng nào) mới nhận được thư của anh. Là bởi, trong thư anh nói đến chuyện của bố em, chuyện chưa đến thời hạn giải mật. Chờ giải mật cũng giống như chờ số phận, anh tin rằng “ngày ấy” nhất định sẽ đến, nhưng “ngày ấy” là lúc nào, chỉ có trời mới biết. Có thể, em đọc thư của anh gửi chị Tư cũng đã phát hiện, thư ấy anh viết từ nửa năm trước, tại sao mãi đến lúc này mới gửi thư cho em? Tuy anh biết, em rất mong anh kể “chuyện ấy” - chuyện mà bố nói trong di chúc là chuyện gì. Nhưng anh cũng biết, anh không thể đáp ứng mong muốn của em. Cho nên, anh vẫn nghĩ mình sẽ không viết lá thư này, không ngờ, sự việc bây giờ đã thay đổi. Chính vì sự thay đổi này nên em có quyền được biết chuyện ấy.

Hai hôm trước, ông Vương, Cục trưởng trên Tổng cục về kiểm tra công tác, ông ấy đã gặp anh, nói rất nhiều chuyện liên quan đến bố em, ông còn nhắc đến “chuyện ấy”. Lúc ấy anh ngớ ra, “chuyện ấy” hoàn toàn là bí mật của anh và bố em, không hiểu sao ông Vương lại biết? Thì ra bố em viết di chúc cho anh xong, đến hôm sau trước khi ông mất, ông lại dùng chút hơi sức cuối cùng nói thẳng với tổ chức. Bởi sự việc có liên quan đến bí mật phá khóa mật mã, trước lúc nói ra không ai biết, cho nên em không thể biết. Lúc ấy, chỉ có ông Vương có mặt, ông kể lại, bố em nói xong “chuyện ấy”, giống như đã hoàn tất mọi việc trong đời, bảo đi là đi, thậm chí suýt nữa mọi người không kịp cáo biệt ông.

Kính thưa sư phụ, kính thưa sư phụ! Xin đừng, xin đừng, xin sư phụ đừng nói đến “chuyện ấy”. Tại sao sư phụ không tin con? Xin sư phụ nghe con nói, những điều sư phụ nghĩ và nói ra đều không phải là sự thật, nói ra chỉ làm con buồn. Con rất buồn...

Lúc này anh rất, rất muốn nói với em về “chuyện ấy”, vì anh nghĩ tuy bố em đã nói ra sự thật, bản di chúc gửi cho anh cũng đã thành tờ giấy loại, hơn nữa điều đó không phải là sự thật, anh phải cải chính.

Binh, hãy đọc thư của anh gửi cho chị Tư, có thể em đã biết, bố em là một chuyên gia phá khóa mật mã, đó là công việc thần bí và âm thầm, giày vò tinh anh của nhân loại đến chết đi sống lại. Có thể nói, bố của em gặp may hết lần này đến lần khác, giữa bố em và mật mã, kẻ bị giày vò đến chết không phải bố em mà là mật mã. Trong đời ông phá được bảy bộ mật mã trung cấp, ba bộ mật mã cao cấp hoặc chuẩn cao cấp, đấy là điều hiếm thấy trong giới phá khóa mật mã. Nếu có giải Nobel về phá khóa mật mã, thì bố của em sẽ là người được giải, thậm chí có thể lập được cú đúp cũng nên.

Mùa hè năm 1973 anh về làm việc ở 701, lúc ấy bố em đã phá được một bộ mật mã chuẩn cao cấp, sáu bộ mật mã trung cấp, vì thế ông đã có thành tích to lớn, nhưng khi phá khóa mật mã Sa mạc số Một ông như một người tù, giam mình trong phòng suốt ngày. Mật mã Sa mạc số Một gọi tắt là mật mã Lửa, là bộ mật mã cao cấp nhất thế giới sử dụng cho ba thứ quân hồi những năm 60 của thế kỉ trước của nước X. Lúc mới đưa vào sử dụng, rất nhiều chuyên gia quân sự trên thế giới đều dự đoán trong thế kỉ XX không ai có thể phá được khóa mật mã này, không phá được là chuyện bình thường, phá được mới là chuyện không bình thường. Bố em trong ba năm vẫn chưa tìm ra đầu mối, những lời dự đoán kia không phải là không có cơ sở. Anh vẫn nhớ, lần đầu tiên bố em nói chuyện với anh, ông bảo ông đang phá khóa một bộ mật mã ma quỷ, nếu anh sợ ma quỷ thì đừng theo ông. Mười năm sau, anh hối hận vì hồi ấy đã không tin lời ông, bởi trong mười năm ấy anh đã nỗ lực gấp đôi, thậm chí nằm mơ cũng nghĩ đến mật mã, nhưng mật mã luôn luôn bí mật, nó ở bên kia núi. Có lúc anh nghĩ, anh và bố em không như nhau, trong hầu bao của bố em đã có đủ vinh quang để hưởng cả đời, cho dù trận này có thua thì suốt đời ông đã thắng. Còn anh vẫn là một người vô danh tiểu tốt, mất mười năm mới có một trận đánh sơ sài và cuồng vọng. Rõ ràng, nếu trận ấy thua, anh sẽ thua cả cuộc đời. Nhưng mười năm sau suy nghĩ tìm tòi những vấn đề ấy là quá muộn, như lời của bố em: Đấy không phải là thông minh mà là ngu xuẩn. Được sự cổ vũ của bố em, những lo lắng cho số phận của anh trở thành sự bực tức và dã tâm. Có một hôm, anh lặng lẽ đem chăn đệm lên phòng Giải mã, bố em thấy liền ném cho anh chìa khóa phòng của ông, bảo anh đưa chăn đệm của ông lên luôn. Tức là anh chuẩn bị bất chấp tất cả, liều một phen, chơi trận cuối cùng.

Sau đấy anh và bố em cùng ăn cùng ngủ, hình bóng không rời. Bố em vẫn mê tín, ông cho rằng đến nửa đêm sẽ là nửa người nửa ma, vừa có khí chất của người, vừa có linh hồn của ma, rất dễ có linh cảm, cho nên trong một thời gian dài ông có thói quen ngủ sớm dậy sớm, đi ngủ từ 8 giờ tối, 1, 2 giờ sáng lại dậy, đi dạo một lúc, sau đấy bắt đầu làm việc. Như vậy thời gian làm việc và nghỉ ngơi của anh và bố em lệch nhau, bởi vậy anh phát hiện được bí mật của bố em: Lúc ngủ hay nói mê.

Nói mê là nói mê, nói lảm nhảm, giống như con vẹt học nói, rất khó hiểu. Nhưng thỉnh thoảng cũng hiểu đôi chỗ, chỉ cần nghe hiểu được là anh nhận ra lời ông nói đều có liên quan đến mật mã. Điều ấy chứng tỏ, trong giấc mơ ông vẫn nghĩ đến việc phá khóa mật mã. Có lúc ông nói mê nghe rất rõ, thậm chí còn rõ hơn cả lúc nói ban ngày, tuy nói ra những điều kì dị nhưng rất quý. Có một hôm, trong mơ ông gọi tên anh, sau đấy rời rác nói ra những suy nghĩ rất quái đản, nói rất cụ thể, có lí có lẽ, giống như đang giảng bài. Anh cảm thấy bố em nói toàn những điều kỳ quặc, nhưng lại có cái đặc biệt. Lấy một ví dụ, bây giờ giả thiết bí mật của mật mãLửa là một bảo bối ở nơi rất xa, chúng ta muốn tìm ra nơi ấy, trước tiên phải lựa chọn đi đường bộ hay đường thủy hoặc đường khác. Lúc ấy anh và bố em đang đứng trước một bãi đá lởm chởm, rộng lớn, không thấy nước, cho nên loại trừ việc đi đường thủy. Đi đường bộ anh và bố của em thử mấy hướng, kết quả đều rơi vào ngõ cụt, không biết đang ở đâu. Không thấy đường thủy, đường bộ cũng không thoát, bố em trong mơ nói với anh, dưới lớp đá kia là một dòng sông, chúng ta thử đi đường thủy xem sao. Anh cảm thấy câu nói thật kì lạ nhưng lại có giá trị, cứ thử xem, cho dù sai thì trong lòng ông đã có hình ảnh của anh. Bởi vậy hôm sau, khi anh xác nhận những lời nói mê của ông không có ấn tượng gì, và xem nó là quan điểm của mình, vừa nói ra liền được ông đánh giá cao.

Xin nhớ, đấy là sự bắt đầu của những thần kì và phức tạp sau này, là tiền đề để anh “lấy cắp” tư tưởng của ông.

Em sẽ không thể ngờ, không ai có thể ngờ, khi anh và bố của em thử nhưng không thể tin nổi, hai người đứng trên bãi đá lộn xộn dưới đó quả nhiên có một dòng sông, có thể đưa hai người đi tìm cái nơi xa xôi trong tưởng tượng kia. Vậy là chúng tôi chuẩn bị xuất phát, thật không thể hiểu nổi, cái mà anh mất mười năm không có cách nào tìm đến, cuối cùng rơi xuống một cách ngẫu nhiên.

Đấy là bước quan trọng trong việc phá khóa mật mã Lửa, có được bước ấy coi như thành công một nửa. Tiếp theo, còn hai vấn đề quan trọng không thể bỏ qua: Thứ nhất, chọn nơi lên bờ; thứ hai, lên bờ rồi sẽ tìm ở trong nhà hay tìm ở ngoài trời. Tất nhiên anh nói thế chỉ là ví dụ, mọi ví dụ đều không thật, nhưng không ví dụ như thế anh biết nói thế nào? Nếu cứ nói rõ, không những em không hiểu mà còn vĩnh viễn không trông thấy. Nếu anh nói cụ thể quá trình phá khóa mật mã Lửa, có thể thư này khó được giải mật để đến tay em.

Trên đây đã nói đến “hai vấn đề” một khi đã giải quyết, anh và bố em có thể đẩy nhanh tiến trình, phá mã ngay trong chớp mắt. Nhưng phải làm thế nào để giải quyết hai vấn đề trên? Anh lại đặt hy vọng ở những lời nói trong mơ của ông, như vậy có vớ vẩn quá không? Vớ vẩn thì vớ vẩn, vì anh không thể nghĩ ra bất cứ giải pháp nào tốt hơn. Vậy là, từ đấy về sau, anh chú ý thu thập những lời nói mê của ông, hễ nghe được gì, cho dù có liên quan đến mật mã Lửa hay không anh đều ghi lại, suy đoán tỉ mỉ những gì có thể có linh cảm trong đó. Nhưng nói thật, trong lòng anh không tin sẽ phát sinh chuyện thần kỳ gì nữa, là bởi sự việc quá kỳ lạ, xuất hiện chỉ một lần cũng đủ khác thường lắm rồi, đâu dám mong có lần thứ hai. Ảo tưởng cũng không dám. Nhưng sự việc tưởng chừng quyết tâm thần kì đến cùng. Mỗi lần anh và bố em đến thời điểm phải lựa chọn, bố em đều kịp thời chỉ điểm cho anh bằng hình thức nói mê, cho anh mạch suy nghĩ, cho anh linh cảm, cho anh sức mạnh và pháp bảo xuất kì chiến thắng, cho anh từng bước từng bước thần kì đến điểm cuối của mật mã Lửa. Trong tăm tối, anh cảm thấy mình đang từng bước biến thành bố em, ít nói năng, tình cảm kì lạ, có lúc có con ruồi theo từ nhà ăn về bay bay trước mặt, cũng khiến anh cảm thấy thân thiết vô cùng, tiếng vo ve của nó như đang thổ lộ với anh những bí mật bên ngoài bầu trời. Cứ như vậy hai năm sau, giống như một giấc mơ, anh và bố em đã phá được mật mãLửa, lập nên một trang kì tích trong lịch sử phá khóa mật mã của loài người. Lúc này anh nghĩ, nếu ngay từ đầu anh ở chung với bố em, chú ý nghe những lời nói mê của ông, có thể đã phá được khóa mật mã Lửa từ lâu; nếu anh có thể hiểu mọi điều ông nói trong lúc ngủ, có khi thời gian phá khóa mật mã còn nhanh hơn. Thậm chí anh nghĩ, tuy phá khóa mật mã Lửa là việc khó nhất trên đời, nhưng nếu có thể giải mật được những lời nói mê của ông, mọi việc có thể đã dễ dàng hơn. Người làm cái nghề này đều biết, phá khóa mật mã không thể phá trong tình huống bình thường, mà từ trong vô tình, trong âm thầm bất ngờ, không biết tại sao. Cái buồn của phá khóa mật mã là ở đấy, cái thần kì của những người phá khóa mật mã cũng ở đấy. Nhưng mật mã Lửa ma sai quỷ khiến, có thể đã sáng tạo nên một kỉ lục thần bí mới trong giới phá khóa mật mã thần bí.

Lúc chiến thắng cũng là lúc rơi vào khó khăn. Vừa thoát khỏi sự trói buộc của mật mã Lửa, một sự trói buộc khác lại trói buộc anh và bố em, đấy là vương miện đội trên đầu ai? Sự việc này nói ra không đơn giản hơn mật mã Lửa, lòng chân thật và lương tâm của anh và bố của em gây nên phức tạp, cả hai người đều nhấn mạnh với tổ chức: Cộng sự đã lập công đầu, đề nghị thường công cho cộng sự của tôi. Giữa anh và bố em, không ai cướp công ai, không ai ích kỉ hại người, không làm chuyện thất đức. Điều này thì anh tuyệt đối tin tưởng ở bố em và tin ở bản thân. Anh đã nói, bố em nói mê lần đầu cho anh linh cảm, anh không nói thật với bố em là bởi lòng háo danh, nhưng mấy lần sau không chỉ như vậy, anh lo nếu nói thật ông sẽ không trao giấc mơ cho anh nữa. Điều này hoàn toàn có thể, vì ông là con người vô tâm, nhưng một khi anh nói ra, cái vô tình sẽ biến thành hữu ý. Có nhiều sự việc không thể cầu mong, cầu mong sẽ biến thành mê tín. Chính vì như vậy anh không dám nói ra những bí mật khi ông nói mê. Nhưng anh đã nghĩ, nếu một ngày nào đó anh và ông phá được mật mã Lửa, nhất định anh sẽ nói với ông. Cho nên, sau khi mật mã Lửa bị phá, khi bố của em chúc mừng anh, anh đã nói rõ với ông. Anh nói với mục đích để ông cảm thấy hạnh phúc khi đón nhận thắng lợi, cũng để chứng minh điều anh vừa nói. Anh khẳng định không nói không phải vì anh muốn cướp công.

Nhưng bố em không tin lời anh nói, kể cả việc đưa những ghi chép lời ông nói mê ra ông cũng không tin, ông nói điều ấy chưa đủ chứng minh. Tóm lại, anh giải thích thế nào ông cũng không chịu hiểu, cho rằng anh đang an ủi ông, là sự khiêm nhường kính trọng ông. Đương nhiên, sự thật này nói ra cũng khó tin, người bình thường cũng thấy khó tin. Những ngày sau đấy, anh cứ ân hận ngay lúc bấy giờ không nói với ông về những lời nói mê đó, nếu ghi âm thì không phải giải thích vòng vo nữa. Máy ghi âm rất dễ có, chắc ông cũng nghĩ như vậy, cho rằng nếu có như vậy nhất định anh sẽ ghi âm, nhưng anh lại không có máy ghi âm. Sự việc mỗi lúc một khác, lúc ấy đâu biết sẽ có ngày hai người nhường nhau vinh quang? Nhưng nhường nhau còn hơn tranh giành, em thấy có đúng không?

Không, sự việc không đơn giản như thế.

Sự việc lên đến lãnh đạo, ghi vào báo cáo nên càng phức tạp. Lần đầu tiên báo cáo, bố em đọc thấy không có tên anh, ông lập tức sửa chữa, khoanh tên mình lại đồng thời thêm tên anh vào. Về sau đến lượt anh xem báo cáo, anh xóa cái vòng tròn khoanh tên ông, xóa cả tên anh. Lần thứ hai duyệt báo cáo, ông thay đổi thứ tự tên hai người, ghi tên ông sau tên anh, anh xem, không do dự gạch tên anh. Có thể các cấp trên thấy anh rất kiên quyết, càng tin rằng ông đã đề cao anh là vì tình cảm và quan tâm đến học trò. Nói một cách khác, hai người nhường công cho nhau, nhưng cấp trên có đủ lí do tin rằng, anh nhường là đúng sự thật, còn ông là giả, là ông muốn trả ơn anh. Nhưng vinh quang đâu phải là chuyện tư tình? Dù có tư tình thì lẽ nào cấp trên không nghi ngờ gì? Cho nên, bản báo cáo đã qua mấy lần sửa chữa, cuối cũng trở về với tình trạng ban đầu: chỗ quan trọng không có tên anh. Đấy là yêu cầu của tổ chức, mà cũng hợp tình hợp lí. Anh là tiểu tốt vô danh đâu dám với sao trên trời? Nhiều lắm cũng chỉ là trợ thủ cho sư phụ, cho dù có chút công lao ghi vào bảng vàng danh dự của sư phụ cũng là lẽ đương nhiên, đâu dám đòi ngang hàng với sư phụ. Có thể đấy là tâm lí cấp trên, về cơ bản cũng là thái độ của anh. Sự thật cuối cùng cũng được làm rõ, anh không có điều gì bất bình, bất mãn, càng không oán trách gì. Anh cảm thấy sự việc nên như thế, trong lòng cũng rất chân thành vui mừng cho ông.

Nhưng bố em vì thế mà chịu sức ép tâm lí, cảm thấy đã cướp công của anh, có lỗi đối với anh. Lúc đầu ông còn cố gắng thay đổi tình hình, tìm lãnh đạo để yêu cầu khen thưởng lại, chia đều vinh quang. Nhưng chuyện đâu có dễ? Nói một câu khó nghe, cho dù cấp trên biết đã khen thưởng nhầm, nhưng đến lúc này cũng đành để vậy, hơn nữa lãnh đạo không nhận ra họ đã nhầm. Anh không phàn nàn gì về việc ấy. Suy nghĩ ấy hoàn toàn đúng. Việc đúng thì cần phải chấp hành, cần tuyên truyền rộng rãi cho mọi người cùng biết. Như vậy mọi vinh quang sẽ như thủy triều, con sóng nọ cao hơn con sóng kia xô đến, danh tiếng anh hùng như gió cuộn, vọng đến từng góc nhỏ. Không ngờ, càng như thế, tâm lí của ông càng không yên. Có thể nói thế này, bắt đầu là sự đồng tình với anh, cho nên ông tỏ ra không bằng lòng, nhưng về sau càng nặng nề, càng khó nói, tưởng như anh nắm được những chuyện không trong sáng của ông, sợ tâm lí anh không cân bằng sẽ nói ra những điều uẩn khúc. Khỏi phải nói, anh càng làm ông buồn hơn, chẳng hóa ra để mọi người và cấp trên cười chê? Sự việc vốn tốt đẹp về sau trở nên không ra gì, khiến cho bố em khó xử, cảm thấy có lỗi với anh, đối với cấp trên ông sợ sẽ xảy ra chuyện lớn, gây khó xử với mọi người. Cho dù anh đã cố gắng, kể cả việc đốt những ghi chép lời nói mê của ông ngay trước mặt ông (không nghi ngờ gì nữa, đấy là vũ khí để anh tấn công ông), nhưng mọi cố gắng của anh đều không thể chữa khỏi bệnh tim của ông. Tất nhiên, về lí thuyết, đốt bản gốc cũng không loại trừ được sự tồn tại bí mật của bản sao, dù anh cứ khăng khăng phủ nhận, liệu có thể bảo đảm được không? Điều này không phải anh nói ông không tin anh, mà ông cho rằng sự việc đã lừa dối nhiều người. Dù là lừa dối người khác, nhưng tình cảm của anh có thể bị rạn nứt, thậm chí biến ông thành kẻ thù, rồi cả hai sẽ mất hết. Cho nên, về sau ông cố gắng bù đắp lại cho anh, mặt khác cố xoa dịu anh, nhắc nhở thậm chí khẩn cầu anh giữ kín “chuyện ấy”, để nó biến mất trong bụng anh, kể cả trước lúc qua đời ông còn dặn lại điều đó.

Ôi, có gì cần nói thêm nữa? Lòng tốt của anh đã phản tác dụng. Trong mọi ngóc ngách của lương tâm, tất cả trở nên phức tạp, rối loạn. Anh ân hận ngay lúc đầu không ghi âm lời nói mê của ông, với lại, nếu biết trước, lúc ấy đứng trước vinh quang anh cũng không đẩy đi đẩy lại. Nhưng như anh đã nói, sự việc mỗi lúc một khác, hồi ấy anh làm như vậy là xuất phát từ sự tôn trọng sự thật, xuất phát từ lòng kính trọng ông, anh không phải là người không cần vinh quang. Bởi kính trọng ông, cảm thấy mình làm như thế là cướp công ông, anh không thể chịu nổi. Không thể ngờ sự việc trở nên như thế, và cũng khiến anh không chịu đựng nổi về mặt tâm lí. Nhưng tất cả, tất cả, những điều anh muốn nói, không phải anh và bố em làm nên chuyện, mà là những vị cấp trên bị thế tục làm hỏng trái tim gây nên. Có lúc, anh nhớ ông từng nói mật mã không đáng sợ, đáng sợ là cái ngoài mật mã, tức là ra khỏi bức tường đỏ không có cách nào để sống khỏe mạnh bình thường, ông ra khỏi phòng giải mã để giải mã thế giới bên ngoài, giải mã tư tưởng, ý nghĩ, việc làm của con người bên ngoài. Đấy là sự giày vò, khó khăn, không yên lòng đối với ông, đấy mới là mật mã thật sự, anh thấy không có mật mã nào khiến ông không yên tâm. Về sau, ông trở về bên trong bức tường đỏ, thật ra là để phá khóa mật mã. Lần này ông phá khóa mật mã Sa mạc số Hai, còn gọi là mật mã Đạm, là mật mã chuẩn bị thay thế mật mã Lửa.

Mật mã Đạm chuẩn bị thay thế mật mã Lửa, mật mã Lửa dùng hai chục năm, về cơ bản nó đã bị lộ, cho dù đối phương biết chúng tôi đã phá được mật mã Lửa cũng không còn tác dụng. Là bởi lúc ấy đối phương đã nghiên cứu thành công mật mã Ánh dương 111, trong tình hình đó, dù đối phương biết chúng tôi đã phá được mật mã Lửa, nhưng dù quyết định thay đổi mật mã họ cũng sẽ không dùng mật mã Đạm cùng hệ với mật mã Lửa. “Ông anh” đã bị phá còn mong chờ gì ở vận may của “chú em”. Tức là, lúc bấy giờ, khả năng đối phương sử dụng mật mã Đạm không còn tồn tại, cho nên phá nó cũng bằng không. Nhưng tại sao vẫn giao cho ông? Theo lời ông Vương, Cục trưởng nói, chỉ để tìm cho ông một việc làm. Lúc ấy em biết rồi đấy, nếu cứ để kéo dài, bệnh tình của ông mỗi ngày một nặng, sẽ đến một lúc nào đó vô phương cứu chữa. Ông Vương nói với anh, ông lo cho bố em nên mới đưa ra kế sách ấy, để bố em phá khóa mật mã Đạm, mục đích là để bố em say sưa công việc, không cho bệnh tật ma quái quật ngã. Nói một cách khác, tổ chức dùng mật mã để nuôi ông, loại trừ khả năng gây bệnh đối với ông, để ông có những ngày an nhàn cuối đời. Nhưng người tính không bằng trời tính, niềm vui phá được khóa mật mã Đạm gây nên cơn đau tim độc ác cướp đi sinh mệnh ông. Từ ngày vào lại bức tường đỏ cho đến khi phá được khóa mật mã Đạm, ông chỉ mất hơn một trăm ngày. Tất nhiên cũng do đã có kinh nghiệm phá khóa mật mã Lửa rồi, mặt khác cũng chứng minh ông là cao thủ trong nghề phá khóa mật mã.

Ôi, sống vì mật mã, chết vì mật mã, đấy là điều ứng với cuộc đời bố em, đúng đến độ hoàn mĩ, nếu nói không hoàn mĩ thì là, đến lúc chết ông vẫn không giải được mật mã của chính bản thân: mật mã “chuyện ấy”. Mật mã ấy chính là chuyện anh nói nhưng ông không tin. Cho nên, lúc này đây, anh mong linh hồn ông ở trên trời đọc được bức thư này, như vậy có thể ông sẽ tin, như vậy linh hồn ông không băn khoăn hổ thẹn với chuyện không có thật đó nữa. Nhưng bất luận thế nào em cũng không nên để chị Tư đọc thư này, nếu như vậy chị ấy sẽ thấy thêm một nỗi buồn của bố, điều đó làm tăng thêm nỗi buồn cho chị ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.