Ông đã sớm gia nhập
Hội Nhà văn, ông từng có một người bạn cũng rất yêu văn học, người ấy
thích viết những thứ “chổi cùn rế rách” (nói đến đây, Chung Sênh cười ha hả, và còn đưa ra vài ví dụ), nhưng có một lần người ấy viết một bài
toàn là cổ văn[1], đại ý là phê bình chốn quan trường và nền chính trị
của một triều đại X, rất sắc sảo chuyên nghiệp. Tuy có một số người xì
xào rằng ông ta cóp-pi từ đâu đó, nhưng tra mãi vẫn không tìm thấy
“chứng cứ“. Ông Chung Sênh đành hỏi thẳng người ấy, ông ta bị Chung Sênh dồn ép dữ quá nên đành “khai thật” rằng trong hòm sách nhà mình có một
cuốn sách chép tay, không hiểu là sách gì, chỉ cảm thấy hay hay nên ông
ta đã chép từ đó ra, coi như để luyện chữ cho vui.
[1] Cổ văn
Trung Quốc, còn gọi là văn ngôn; ngôn ngữ cổ, súc tích, ngay người Trung Quổc thời nay cũng phải dày công học tập thì mới viết ra nổi.
Chung Sênh đến nhà ông ta xem hòm sách, và nhận ra rất nhiều cuốn sách chép
tay và một số sách chữ in. Người có trình độ sẽ nhận ra ngay đó là
“sách” thác bản[2], sao lại từ chữ trên vách đá hoặc bia đá. Khi đó ông
Chung Sênh đã tiếp xúc rất nhiều về phương diện này, nhận ra trong các
ấn bản đó ghi chép về cuộc đời của chủ nhân của một ngôi mộ, và biết
ngay những tư liệu này lấy ra từ trong một ngôi mộ nào đó.
[2] Một cách sao (can-ke) trực tiếp văn bản hoặc hoa văn đã khắc trên mặt đá, gỗ.
Thời đó Trung Quốc vừa mới cải cách mở cửa, dân đào trộm mộ đã im hơi lặng
tiếng nhiều năm thì nay họ nhìn ra cơ hội đã đến, nhân khi nhà nước có
sơ hở, họ lấy danh nghĩa này nọ để tổ chức đào trộm mộ cổ rất rầm rộ,
gây ra sự phá hoại văn vật rất nặng nề. Nhưng chưa thấy ai thích in lại
những thứ lấy được trong mộ, vì nó chỉ có thể phục vụ nghiên cứu chứ
không thể đem bán kiếm tiền.
Ông Chung Sênh cố hỏi nguyên do,
người ấy mới nói rằng những thứ này là của một người bà con, người ấy
phạm pháp, đã bị đưa đi Tân Cương để thụ án. Chung Sênh bèn tỏ ý muốn
được mượn đám sách này về xem. Người ấy khá thân với ông, lại nghĩ những thứ này chẳng đáng tiền, và chính mình cũng không biết chúng từ đâu ra, nên bằng lòng giao chúng cho ông Chung Sênh.
Chung Sênh khuân
hòm về nhà, lỡ tay đánh rơi làm sứt một góc cái hòm, rồi định đóng đinh
vá hòm lại. Nhưng ông lại phát hiện ra trong hòm có một thẻ bài bằng
đồng xanh và một cuốn sách - cuốn sách ấy chính là quyển hạ (cuốn sách
của lão Phó là quyển thượng). Nhìn thấy tấm thẻ đồng, ông Chung Sênh cảm thấy quen quen... rồi ông tra cứu tư liệu, thấy trên tấm thẻ khắc một
binh phù, phía dưới đã bị ai đó mài lại, một số chỗ bị mài nham nhở
chẳng ra sao. Còn cuốn sách thì viết về cách giải mã văn tự, hướng dẫn
nên xử lý thế này hoặc thế kia. Ông Chung Sênh xác định ngay sách này là một báu vật, bèn hỏi người bạn địa chỉ người nhà ông ta đang thụ hình,
sau đó ông lên đường đi Tân Cương.
Đến Tân Cương, ông Chung Sênh
phải mất hơn một tháng mới tìm ra người ấy (trong khi kể chuyện này,
Chung Sênh không nói ra tên của ông bạn và người nhà ông ta, nên tôi
không biết tên; sau này tôi từng hỏi lại ông Chung Sênh nhưng ông cũng
bảo là không biết). Thì ra là, vị người nhà của ông bạn đã mãn hạn tù
được ra về, không xu dính túi nên đã ở lại Tân Cương làm nhân công
chuyên hái bông cho dân địa phương. Khi gặp được, ông Chung Sênh vào đề
ngay, ông đưa cuốn sách ra. Người ấy thấy cuốn sách vẫn còn thì mừng rỡ
nâng niu rất mực, xúc động phát khóc rồi lại cười, nói rằng đời mình từ
nay có thể sống vui được rồi, ông Chung Sênh không thật hiểu ý ông ta.
Người ấy biết Chung Sênh từ xa đến, bèn nói rằng nếu ông giúp đỡ, đưa
ông ta trở lại miền xuôi và xin việc làm, thì ông ta sẽ nói hết mọi nhẽ
cho ông biết.
Chẳng rõ lúc đó ma xui quỷ khiến hay là tại sao,
ông Chung Sênh đã chi tiền bạc nhờ các mối quan hệ để “cẩu” người này
trở về, rồi xin cho ông ta làm thợ ở một xưởng dệt. Sau khi đã hoàn tất
mọi bề, người ấy bắt đầu nói, câu đầu tiên là: “Ông Sênh à, tôi thấy ông không nên quá ư hiếu kỳ. Ông rất không nên biết về những thứ này, nhưng nếu biết thì cũng được, chỉ mong ông đừng nên thử làm kẻo sẽ gặp tai
họa.”
Chung Sênh vẫn chưa hiểu. Lúc này người ấy mới nói về
chuyện cuốn sách trường sinh bất tử, và bảo rằng từ lâu nay người đời
vẫn đồn đại và rất nhiều người vẫn đi tìm cuốn sách này nhưng nó đã bị
thất lạc trong một lần hội của họ thuê người đi áp tải thì bị cướp mất,
đến giờ vẫn chưa rõ tung tích. Nhưng đó là chuyện xảy ra từ nhiều năm
trước; nếu không có quyển hạ, thì dù đã có quyển thượng thì cũng vô ích
thôi.
Nghe đến đây, ông Chung Sênh lại càng thấy khó hiểu, tại
sao lại mọc ra hội gì thế? Người ấy cười ha hả, nói: “Gia đình tôi vài
đời đều là người của hội, tôi vốn định tiếp tục giữ kín điều bí mật này, nhưng tôi rất nể ông giúp đỡ nhiều bề nên tôi sẽ cho ông biết. Nhưng
ông phải nhớ cho, biết rồi, thì ông tuyệt đối không nên đi tìm cái gì đó hoặc đi tìm cuốn sách kia, kẻo ông sẽ là tự tìm đến cái chết.”,
Người ấy nói, cái gọi là hội mà họ tham gia, đã có từ đời Thanh; người sáng
lập ra hội, ban đầu nhằm mục đích chống nhà Thanh, khôi phục nhà Minh,
để người Hán tiếp tục cai quản đất nước, tính chất của hội na ná như
Thiên Địa Hội[3] thời đó. Nhưng nhân lực mỏng hơn, không có thanh thế
hoặc hiệu quả gì, hội viên toàn là những người có chút chữ nghĩa, nghèo
khó, tụ tập nhau ở nơi chùa miếu bộc lộ phẫn uất nguyền rủa thời thế, na ná như một số thanh niên hăng tiết vịt ngày nay chỉ suốt ngày rêu rao
trên diễn đàn rằng nên “phóng mấy quả đạn hạt nhân” là có thể bảo vệ
lãnh thổ của nước nhà.
[3] Tổ chức bang hội dân gian (bao gồm
nhiều hội nhỏ) thành lập cuối thế kỷ 17, tập hợp đoàn kết nhiều thành
phần, tiến tới khởi nghĩa chống triều đình Mãn Thanh.
Về sau,
người sáng lập ấy đã cứu một tay tiêu sư[4], tiêu sư đã nói với ông ta
rằng hoàng đế nhà Thanh nghe ai đó nói: người Mãn[5] muốn thật sự đứng
vững ở Trung nguyên thì phải tìm cách phá bỏ nhân mạch và long mạch ở
Trung nguyên, cách thức phá hủy bắt đầu từ việc ra tay đối với bách
tính: kể từ Triệu Tiền Tôn Lý Chu Ngô Trịnh Vương trở đi, cụ thể là đào
các ngôi mộ cổ của mọi dòng họ qua mọi triều đại ở Trung nguyên lên,
không được bỏ sót; dòng họ nào cũng bị đào mộ, trước hết là mộ của những người làm quan to hoặc thành đạt trong dòng họ ấy.
[4] Dân tộc
Mãn (cư trú ở đông bắc Trung Quốc) rất ít người, là một tiểu quốc, đã
đánh bại nhà Minh, lập nên triều đình nhà Thanh rồi cai trị Trung Quốc
cho đến đầu thế kỷ 20.
[5] Tám chữ mở đầu của sách “Bách gia
tính” (biên soạn lần đầu vào thời sơ Tống, rồi bổ sung dần), liệt kê các họ của người Trung Quốc (sắp đặt theo vần bằng trắc cho dễ nhớ). Chúng
ta quen nghe từ “bách tính = trăm họ” có nghĩa khái quát chỉ “toàn dân”, thực ra người Trung Quốc có đến hàng ngàn họ. “Bách gia tính” cũng là
một thứ sách giáo khoa vỡ lòng cho trẻ nhỏ thời xưa.
Nghe đến đây tôi bỗng nghĩ rằng, thằng cha đã đưa ra ý tưởng này, chắc hồi bé đi học hắn đã từng bị thầy giáo bắt học thuộc lòng cuốn “Bách gia tính” nên
hắn bị ám ảnh từ lâu...
Người tiêu sư kia nói anh ta đã đi theo
một số tổ chức chống Thanh và nhiều lần kín đáo can ngăn. Nhưng binh lực của nhà Thanh quá mạnh, không thể địch nổi họ; nếu đấu trí, phần lớn
các nghĩa sĩ chống Thanh đều là con nhà võ thì cũng không sánh nổi các
tướng lĩnh nhà Thanh được đào tạo bài bản. Lúc này, người sáng lập hội
bèn nghĩ ra một cách: sẽ tung tin khắp nơi rằng ông có được một cuốn
sách gọi là Thiên thư, sách này ghi phương pháp để đạt được trường sinh
bất tử, nhằm khiến cho triều đình chú ý, tiếp đó ông sẽ cho người đi tìm mộ cổ và kho báu, tìm thấy rồi sẽ đánh dấu vị trí mộ và kho báu, tiếp
tục tung tin trên giang hồ... Nhưng thời đó người của hội toàn là các
văn nhân nửa mùa sức trói gà không chặt, cho nên người tiêu sư bèn nói
phương pháp ấy cho các tổ chức chống Thanh khác biết để mọi người cùng
thực thi. Sau đó người tiêu sư ấy đã đứng ra chỉ huy, liên kết các tổ
chức đó lại, thậm chí liên kết cả với một số người trong vương triều
Triều Tiên, cùng bắt đầu thực thi một công trình to lớn. Thực tế là,
người biết rõ cuốn Thiên thư ấy là thật hay giả, chỉ có người sáng lập
hội, người tiêu sư và một nhân vật bí hiểm khác biết. Nhân vật bí hiểm
đó là ai, và các thế hệ trước của người ấy, cũng không được nói rõ; ngay họ tên của người sáng lập hội và người tiêu sư, cũng không được ghi
lại.
Bọn họ đã tốn rất nhiều năm tháng để xác định vị trí các
ngôi mộ cổ và một số nơi có kho báu đã tìm thấy, viết thành một cuốn
sách, chính là cuốn Thiên thư. Sách đã cài đặt vô số “cạm bẫy”, chia làm hai quyển thượng và hạ; quyển thượng ghi địa điểm, quyển hạ ghi cách
tìm tòi hóa giải và cài vào nó một binh phù. Chỉ hiềm, các địa chỉ đã
khai thác ra được, toàn là địa chỉ giả; điều bí mật lớn nhất trong đó
là, từ tất cả các ngôi mộ cổ và địa điểm có kho báu, mỗi chỗ họ đã lấy
ra một thứ rồi cất ở một nơi mà họ cho là an toàn. Sau đó họ đánh dấu
trên từng thứ nói trên vị trí đã sưu tầm được nó. “Chìa khóa” để mở cái
nơi an toàn ấy chính là cái binh phù bằng đồng xanh. Cho nên, dù có lấy
được cả hai quyển sách thượng và hạ rồi tìm hiểu được nội dung thì cũng
vô ích. Mặt khác, họ lại “cài bẫy” trường sinh bất tử, nếu anh làm theo
cách trong sách nói thì anh chỉ có chết mà thôi. Vì cuốn sách này vốn
dùng để đánh lừa người Mãn, cho nên người ta cố ý dùng không ít chữ Mãn
để thể hiện, cộng với phong thủy học của người Hán nữa, tập hợp thành
“cạm bẫy trong cạm bẫy”, người Mãn muốn hiểu được thì phải tìm nhờ người Hán. Và dù nhờ được người Hán, thì gã người Hán ấy phải là nô tài của
người Mãn rồi, làm nô tài cho người Mãn thì chỉ là đi đến chỗ chết: bởi
lẽ, khi anh giải mã ra được, thì sẽ rất nguy, vì các địa điểm tìm ra đều là ở vách đá cheo leo hoặc là ở nơi rừng sâu đầy dã thú. Phần sau cuốn
sách, là nói về phương pháp trường sinh bất tử. Quyển hạ viết về cách
giải mã phương thuốc ghi trong quyển thượng, tất cả toàn là viết bừa,
nếu anh thử áp dụng thì anh chết luôn. Thậm chí nó còn ghi rằng anh muốn thành tiên cũng được, anh phải trải qua năm kiếp, lần lượt là đao chém, lửa thiêu, chôn sống, sét đánh, dìm xuống nước. Nếu có thể độ qua cả
năm kiếp thì... xin chúc mừng anh đã được thành tiên!
Nghe đến
đây, tôi thầm nghĩ các vị tiền bối ấy cũng thật quá đáng, có điều, trên
đời này có những kẻ ngốc nhẹ dạ cả tin đến thế không? Nhưng rõ ràng là
gã khờ Vương Cường và gã đại ngốc Dương Sạn đã thử làm rồi!