Quá trình phục ma của Lưu Vân hoàn toàn chỉ là màn diễn của anh, mục đích là tạo ra ảo giác
cho Mễ Đâu khiến cô tin rằng con quái vật nhập vào người cô đã bị đuổi
ra; còn cái đơn thuốc đông y kia là thuốc cảm, hạ hỏa, trừ phong và còn
có tác dụng an thần nữa, các phòng khám đông y đều biết kê một đơn thuốc tương tự như thế chứ không có gì kỳ lạ cả. Chính Mễ Đâu nhìn thấy tận
mắt một luồng sáng trắng bắn ra khỏi người mình rồi, cô sẽ tin rằng con
ma ám trong người cô đã bị xua đuổi, cô sẽ rất yên tâm, sau đó uống
thuốc thì bệnh thực tế sẽ nhẹ dần rồi bình phục. Lưu Vân còn nói: nếu
trước đó Mễ Đâu không đi viện, thì các chuyện anh làm cũng sẽ không có
mấy tác dụng, hiệu quả thật sự là nhờ bệnh viện đã truyền dung dịch điều trị cho cô, anh chỉ hỗ trợ thêm ở khâu cuối mà thôi.
Tôi và Lưu
Vân lại trở lại bộ bàn ghế đá. Lưu Vân chỉ vào một ông già có bộ râu dài đang đứng ở chỗ không xa phía đối diện, nói: “Ông già kia khá nổi tiếng ở vùng quanh đây, người ta gọi ông là ‘thần toán[1]’, thực ra là một gã đại bịp. Ông ta luôn mang theo người một cuốn sách nhỏ, trong đó viết
đủ thứ linh tinh bát nháo, những ai làm nghề bói toán đều biết rõ. Nhưng cuốn sách của ông ta toàn là chữ viết tay, viết chữ thảo rối tinh rối
mù, những ai thật thà chủ quan, nhìn thấy sẽ tưởng là các nội dung gì đó rất cao siêu.”
[1] Giỏi bói toán như thần.
“Chắc anh Bạch đã biết mẩu chuyện vui này rồi: ngày xưa có ba anh về kinh đô dự thi,
trước khi lên đường, họ tìm gặp một thầy ‘thần toán’ ở quanh vùng để hỏi xem cả ba có hy vọng thi đỗ không. Thầy bói nhìn cả ba anh, ông ta
không nói gì hết, chỉ giơ một ngón tay lên rồi quay người bước đi. Không lâu sau đó, một trong ba anh đem lễ vật đến cảm tạ thầy bói tài ba ấy,
vì trong ba người chỉ có mình anh thi đỗ, tức là rất đúng với điều tiên
đoán của thầy. Về sau, vợ của thầy bói hỏi chồng rằng tại sao mình lại
biết sẽ có một người thi đỗ? Thầy bói mỉm cười nói rằng, tôi đâu có thể
biết một anh sẽ thi đỗ? Tôi giơ một ngón tay lên, một anh thi đỗ, thì ý
của tôi sẽ là một người đỗ đạt, nếu cả ba cũng đỗ, thì ý của tôi sẽ là
các anh cùng thi đỗ; nếu có hai anh thi đỗ, thì ý của tôi sẽ là có một
anh thi trượt.”
Lưu Vân nhấp một hụm trà rồi nói tiếp: “Mẩu
chuyện cười ấy đã khái quát về những gã thầy bói lừa đảo thời nay. Ví
dụ, ông già kia phán cho khách hàng nghe rằng ‘năm nay bác sẽ không được thuận lợi’, anh Bạch nghĩ mà xem, có mấy ai sẽ gặp thuận lợi suốt một
năm? Chúng ta chỉ cần hơi quan sát những người đi xem bói thì biết, thầy bói sẽ hỏi khách hàng “muốn xem về gì”, nếu khách nói muốn xem về nhân
duyên, thì rất có thể đường tình duyên của khách bị trục trặc: hoặc
không bén duyên với ai hoặc hôn nhân không ổn định… Sau đó thầy và khách trao đổi, thầy sẽ moi tin từ khách rồi phán ra đủ diều, khách sẽ cho
rằng thầy phán rất chuẩn.”
Những điều này tôi đương nhiên đã nghe nói cả rồi, nhưng tôi vẫn gật đầu vì phép lịch sự, sau đó mỉm cười và
hỏi Lưu Vân: “Còn anh Vân thì sao? Anh bói có chuẩn không?”
Lưu
Vân lắc đầu: “Tôi tin rằng trên đời này chẳng có nổi vài người đã thật
sự nghiên cứu sâu và nắm bắt được Dịch số. Có người khẳng định mình đã
hiểu thấu đáo rồi, e rằng người ấy chẳng khác gì kẻ rồ dại. Nói hơi
cường điệu một chút: thiên cơ không thể tiết lộ, nếu tiết lộ thì anh sẽ
bị trời khiển trách!”
Tôi gật đầu thầm nghĩ, coi như mình đã hiểu rõ phục ma là chuyện gì rồi… thì Lưu Vân lại buông ra một câu: “Nhưng
phục ma là chuyện có thật, anh có tin không?”
Tôi ngạc nhiên, im
lặng, tôi mời anh hút thuốc và tỏ ý mời anh cứ nói tiếp. Tôi rút cái bút ghi âm ra và đặt lên bàn, rồi hỏi anh: “Anh không ngại gì chứ? Tôi chỉ
vì tò mò. Lỡ tôi nghe không rõ nên muốn ghi âm để khi khác nghe lại.”
Lưu Vân xua tay tỏ ý không ngại gì. Anh châm thuốc, rồi nói: “Cái chuyện
gọi là hàng ma phục quỷ đã lưu truyền từ rất sớm, rất khó có thể truy
nguyên nó xuất hiện từ thời đại nào, ở địa phương nào. Bản thân tôi chưa từng đi sâu nghiên cứu, nhưng những chuyện thần thú phục ma trong họ
Lưu nhà tôi thì tôi rất tin. Vì chính mắt tôi từng nhìn thấy.”
“Chính tiên sinh đã nhìn thấy những gì?” Tôi quá háo hức nên đổi luôn cách
xưng hô với Lưu Vân. Tôi rất muốn biết anh đã nhìn thấy những sự việc
như thế nào.
“Cứ từ từ đừng vội. Tôi hiếm khi gặp một người có
thể chuyện trò. Anh nên biết, có rất ít người bằng lòng ngồi nói chuyện
lâu với tôi. Chỉ có chú em họ Lưu Siêu là một, anh Bạch lúc này là hai.
Bởi vì sau khi tôi biểu diễn trò bắt ma cho cô bạn của các anh thì có
nhiều người cho rằng tôi là một gã đại bịp giang hồ… Anh Bạch có biết gì về thần chú không?”
Tôi lắc đầu, nói: “Gần như không hiểu gì.
Tôi chỉ nhìn thấy trong phim ảnh họ lẩm bẩm ‘cấp cấp như luật lệnh… dĩ
thiên phụ chi danh’[2] gì đó, họ lạm dụng nhiều quá đến nhàm chán.”
[2] “Mau mau nghe lệnh… ta đây với danh nghĩ của thiên phụ…”
Hồi học đại học, tôi từng viết cho ‘Hội nghiên cứu các hiện tượng kỳ dị’
của nhà trường một bài rất hài hước, trong đó có nêu vài điều mà tôi
nhận thức được. Ví dụ, về thần chú, tôi cho rằng đều là chuyện người xưa khôn khéo kết hợp với hiện thực mà thôi. Vào thời đại mà nhân loại chưa phát minh ra chữ viết, một hôm trời mưa to gió lớn, sấm nổ ì ùng, có
một người đứng dưới gốc cây trú mưa. Khi đó lại có một người khác cũng
đang chạy lại để trú mưa, khi đang chạy, người ấy hắt xì hơi rất to,
ngẫu nhiên trên trời có tia sét đánh xuống trúng ngay cái cây to, người
đang trú mưa bị sét đánh chết. Người vừa hắt xì hơi chứng kiến chuyện đó bèn cho rằng: thì ra mình hắt xì hơi cũng có thể gọi sét giáng xuống!
Và thế là từ đó lưu truyền rằng tiếng hắt xì hơi có thể biến thành thần
chú để gọi sét!
Ngày nay, văn minh nhân loại đã bước vào thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, người ta đem các câu gọi là thần chú thời
cổ đại cộng với các thủ pháp nghệ thuật đưa vào trong sách báo phim ảnh
nhằm tăng thêm cảm giác thần bí, nhưng mặt khác cũng nhằm nói với công
chúng rằng thần chú lời nguyền này nọ là không có thật. Nếu người thời
nay cũng gắn kết các tình tiết ngẫu nhiên như kiểu người thời cổ, thì
rất có thể… ví dụ, một cô gái đang đứng ngoài phố gọi di động cho bạn
trai nói: “Đáng ghét thật! Chết đi!” Đúng lúc đó, một chiếc xe hơi đang
phóng nhanh và lao vào cây cột điện bên cạnh cô, thì cô ta sẽ cho rằng
câu nói “đáng ghét thật, chết đi” của mình là thần chú có thể khiến cho
xe hơi đâm vào cột điện!
Và tiếp đó là, có nhiều người muốn trả
thù ai đó, sẽ bắt chước cách thức uốn éo của cô gái này mà nguyền rủa
‘kẻ thù’ rằng “đáng ghét thật, chết đi”.
Tất nhiên không thể coi
những câu này là thần chú. Nếu có ai đó lên cơn tâm thần chỉ tay vào
người đang phóng ô tô và nguyền rủa như thế mà lại xảy ra tai nạn giao
thông, thì…
Nghe tôi diễn tả cách hiểu của mình là thế, Lưu Vân
bật cười, nói: “Anh nghĩ như vậy cũng đúng, tuy rất buồn cười. Nhưng tôi phải nói với anh rằng thần chú là có thật, tuy nhiên cũng có một điểm
giống như anh nói, tức là thần chú đều có tính chủ đích, tính chủ đích ở đây nói đến không phải là tính điều khiển.”
“Ví dụ điều anh vừa
nói về điều khiển ô tô đâm cột điện, tức là có tính chủ đích nhưng đồng
thời lại có tính điều khiển, thì không được; ‘thần chú’ này là một hành
vi ngôn ngữ đưa ra sau khi phát sinh một sự việc nhất định, rồi anh lại
làm cái việc đổi thay chính sự việc đó.”
“Cho nên, không thể có
chuyện anh lập đàn cầu mưa trong bất kỳ thời tiết nào để bắt trời phải
mưa xuống. Dù có mưa thật, thì cũng chẳng qua là vì anh đã nắm vững điều kiện thời tiết sẽ có mưa, hoặc anh nhờ ai đó biết quan sát thời tiết và cho anh biết chỉ vài hôm nữa sẽ có mưa…”