Lấy Vợ Lấy Phải Thái Thượng Hoàng

Chương 62: Chương 62: Lá thư ngàn vàng




Hoàng cung là nơi ăn tươi nuốt sống con người ta, tính cách của vị hoàng tử kia không phải là kỳ quái nhất trong số những người mà Thường Kim biết, chỉ là cậu có chút thất vọng với sự qua quýt của Thường Tú: "Thế là kết thúc rồi sao? Vậy ở giữa xảy ra chuyện gì?"

Thường Tú kể đoạn đầu đặc sắc như vậy, thế mà lại cắt bớt một đoạn lớn ở giữa trực tiếp đi đến kết cục đơn giản mà thô bạo. Hoàng tử đã hạ bệ công chúa thế nào, lập kế hoạch ra sao, mấy âm mưu quỷ kế kia mới là thứ cậu muốn học kìa.

Nhưng rõ ràng là Thường Tú không có ý định bổ sung các chi tiết của câu chuyện. Dù có thoa bao nhiêu lớp phấn cũng không thể che giấu nếp nhăn và sự mệt mỏi rã rời trên mặt hắn, Thường Tú ngáp một cái rồi bắt đầu đuổi người: "Được rồi được rồi, mấy chuyện như thế ngươi chỉ cần biết kết cục là được rồi. Cần gì phải biết tường tận đoạn giữa chứ? Ta để đồ trên bàn ấy, ngươi cầm đi đi, tạp gia muốn nghỉ ngơi."

Đây là điều cấm kỵ của cha nuôi mình, cho dù không chỉ mặt gọi tên thì cũng không thể nói quá nhiều về chuyện của mấy quý nhân kia. Thường Kim hiểu rõ, cậu thu lại vẻ mất mát trên mặt rồi cầm lấy con dấu huyết ngọc Thường Tú đặt trên bàn. Sau khi cẩn thận từng li từng tí nhét nó vào tay áo cậu nói lời tạm biệt với Thường Tú: "Vậy con không quấy rầy nữa, cha nuôi nghỉ ngơi đi."

Cậu vừa dứt lời, Thường Tú lại nói: "Chờ một chút, trong tay áo ta còn một lá thư, chút nữa ngươi đưa cả hai cho bệ hạ đi. Thư nhất định phải đưa một mình, không được đưa trước mặt người ngoài, cũng không được phép mở ra."

"Cha nuôi yên tâm, đương nhiên con sẽ không mở ra." Thường Kim quay lại lấy lá thư rồi cất vào tay áo, lúc ra ngoài rón rén đóng cửa phòng Thường Tú lại.

Cậu đi rất chậm, khi đến nơi ở của Thái thượng hoàng, cánh cửa vẫn đóng im ỉm như cũ. Thường Kim dừng bước giải thích với thị vệ canh cửa: "Tạp gia đến để đưa cho bệ hạ con dấu ngài ấy cần để phê duyệt sổ sách, làm phiền hai vị thông báo một tiếng."

Lá thư kia xem ra rất quan trọng với Thái thượng hoàng, nhìn chữ viết thì chắc chắn nó không phải vấn đề quân sự khẩn cấp tám trăm dặm. Thường Tú đã dặn cậu phải chú ý, cậu liền không nhắc tới dù chỉ một lời.

Hai thị vệ thân hình vạm cỡ nhìn cậu. Gương mặt của thiếu niên trước mặt họ tuy vẫn còn vẻ non nớt, nhưng cha nuôi của cậu lại là tâm phúc của Thái thượng hoàng, bọn họ đắc tội không nổi. Một người ôn tồn nói: "Tín hầu vẫn còn ở bên trong, lúc trước bệ hạ từng lệnh cho bọn ta tuyệt đối không được để ai quấy rầy ngài, ngoại trừ đại sự quân chính*. Không phải bọn ta không thông báo, chỉ là bọn ta sợ làm phiền bê hạ, nếu vậy ngay cả công công ngài cũng bị liên lụy đó."

*Quân chính: quân sự và chính trị.

Nếu đã là ý chỉ của Thái thượng hoàng thì Thường Kim cũng không tiện làm khó hai người này. Con dấu kia dùng để đóng lên sổ sách, là đồ cá nhân đại diện cho Thái thượng hoàng, cậu cũng không thể tùy tiện giao cho hai vị gác cửa. Thường Kim đành đứng sừng sững trước cửa, chờ vị Trường Tín hầu rất được Thái thượng hoàng ưu ái bước ra.

Mất quá lâu mới có thể trả lời thì nghe có vẻ như là nói dối. Bùi Thanh Hoằng cân nhắc từ ngữ rồi trả lời câu hỏi của đối phương: "Thần cảm thấy thê tử của mình rất tốt, thần cũng không có dự định nạp thiếp. Thần ái mộ lam nhan, không thể kéo dài hương hỏa Bùi gia – đó đã là bất hiếu, thẹn với phụ mẫu. May mà phụ mẫu cảm thông, có huynh đệ kéo dài hương hỏa Bùi gia. Thần từng thề rằng, kiếp này sẽ chỉ lấy một vợ, chỉ cần một người. Thê tử của thần chưa làm chuyện gì bất lợi cho thần, nếu nạp thiếp chính là phản bội lời thề của mình, đó là bất trung. Thần không muốn và cũng sẽ không làm một người bất trung bất hiếu."

"Yêu thích nam nhân là thú vui tao nhã của Lam quốc. Với phong thái của ái khanh, ngươi muốn vợ, đương nhiên có vô số nhân vật phong lưu tự nguyện dâng hiến thân mình. Tùy tiện cưới một nam thê, ái khanh đã từng hối hận chưa?" Trên thực tế, cưới nam thê gây ra trở ngại rất lớn. Chính Bùi Thanh Hoằng, lúc trước cũng vì cưới Lan Mân mà hắn trở thành đề tài tán gẫu của cả kinh thành sau bữa ăn.

Thế giới này nghiệt ngã với nữ tử hơn nam tử rất nhiều, khoan dung với người mỹ mạo hơn người xấu xí rất nhiều. Nếu cả đời Bùi Thanh Hoằng không lập gia đình, chắc chắn sẽ để lại một giai thoại. Với thân phận, dung mạo và tài năng của hắn, có không biết bao nhiêu người thật lòng cảm mến. Với tuyệt đại đa số người, Bùi Thanh Hoằng thực sự không cần phải lấy một nam nhân làm gì.

Lưng của Bùi Thanh Hoằng lại càng thẳng hơn: "Vi thần xưa nay chưa bao giờ tham lam. Ba ngàn con sông thần chỉ chọn lấy một gáo nước, thần cưới vợ chỉ vì cảm thấy cuộc sống một mình quá mức tịch liêu, muốn tìm một người bạn mà thôi."

Thực chất, bên trong Bùi Thanh Hoằng là một nam nhân cực kỳ truyền thống. Giáo dục của Diệp thị, Bùi Diên và cả đời trước đều dạy hắn nhất định phải chung thủy với thê tử. Kiếp trước Bùi Thanh Hoằng là con trai độc nhất trong nhà, tư tưởng của cha mẹ hắn còn bảo thủ hơn cả hắn. Bùi Thanh Hoằng dùng chiến lược trì hoãn không kết hôn bởi vì hắn không muốn làm lỡ cô nương tốt nhà người ta, nhưng cũng không nói mình thích nam nhân vì sợ nhị lão không chấp nhận nổi, tinh thần sụp đổ.

Đời này hắn lấy vợ một là vì mấy bà mai kia quá phiền, phụ mẫu cũng không ngừng thúc giục, hắn cần người chặn miệng bà mai. Hai là vì Lam quốc xem việc yêu thích nam nhân như một chuyện phong nhã, phụ mẫu sẽ không bao giờ coi đồng tính luyến ái như một loại bệnh. Hơn nữa hắn cũng không phải con một, sẽ không bị ép buộc tìm nữ nhân lấy vợ sinh con. Ba là vì Bùi gia đang đứng trên đầu sóng ngọn gió, Bùi Thanh Hoằng - người con tài năng nhất của Bùi gia - cưới một nam thê có gia thế bình thường chắc chắn là tốt hơn nhiều so với việc cưới một quý nữ gia thế hiển hách.

Trong lòng Bùi Thanh Hoằng, "bạn đời" là hai từ vô cùng thiêng liêng. Giữa phu thê khó tránh khỏi cãi vã nhỏ nhặt, chỉ cần đối phương không làm chuyện gì quá đáng, không chọc hắn chán ghét, Bùi Thanh Hoằng không thể nào sinh ra ý muốn đổi người. Hơn nữa, ký ức của cuộc đời kiếp trước khiến hắn cực kỳ chán ghét loại sinh vật như tiểu tam và tra nam, do vậy hắn càng không có khả năng tự mình nạp thiếp, biến mình thành loại người mình chán ghét nhất.

Đương nhiên, Bùi Thanh Hoằng sẽ không nói rõ những lý do này với nam nhân thân phận tôn quý trước mặt. Hắn nhìn thẳng vào khuôn mặt của đối phương với ánh mắt trong vắt không một gợn sóng, chờ y đáp lại.

Là cấp trên nhưng lại quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của cấp dưới cũng không phải chuyện gì quá kỳ quái. Thái Thúc Lan thấy, ngữ khí, ánh mắt và thần thái của đối phương đều rất bình thường. Gương mặt hắn lãnh lãnh đạm đạm, ánh mắt không mang chút hơi ấm nào, là người tính tình hướng nội. Hoàn toàn không giống người cha Tả tướng của hắn chút nào, luôn luôn mỉm cười nhẹ nhàng nhưng thực chất chính là khẩu Phật tâm xà.

Nghe lời giải thích của Bùi Thanh Hoằng, gương mặt của thanh niên anh tuấn mặc long bào hoàng kim tưởng như vẫn bình thản như cũ nhưng thực chất lại có chút thư giãn cực nhỏ. Từ trước đến nay Thái Thúc Lan gọi là hỉ nộ vô thường, tuy nhiên vẫn là loại giận nhiều vui ít. Y hoàn toàn không buồn để ý tới ánh mắt "mạo phạm" của Bùi Thanh Hoằng, giọng nói mang theo vài phần trêu chọc: "Cô gia thật không ngờ ái khanh lại là loại si tình đấy. Nếu ngươi thích thật lòng thì cô gia cũng không làm kẻ ác làm chi. Cô gia chỉ là rất muốn xem thử, không biết người có thể khiến ái khanh si mê thành dáng vẻ như thế này là nhân vật phong lưu bực nào đây? Cô gia nghe nói, có người thấy thê tử của ái khanh rất giống cô gia?"

Nghe câu trước Bùi Thanh Hoằng âm thầm thở phào nhẹ nhõm, nhưng nghe câu sau tim hắn lại lơ lửng trên không. Một vị đế vương đương nhiên không thích nghe người ngoài nói mình giống một kẻ nào đó chẳng hề liên quan, địa vị lại thấp hèn. Lan Mân là nam thê của hắn, đối với Thái thượng hoàng mà nói, sức nặng thực sự là quá thấp.

Trên mặt Bùi Thanh Hoằng vẫn là nụ cười ôn hòa, nhưng lông mày hắn vô thức nhíu lại, đôi môi khép khép mở mở nhưng chưa lên tiếng. Hắn phác họa dung mạo của Lan Mân trong đầu, nhắm hai mắt, hơi rũ đầu xuống nói: "Dung mạo thê tử của thần đương nhiên không sánh bằng nửa phần phong độ của bệ hạ. Dù vật không tốt đẹp, chỉ cần mang tâm tình yêu thích thì xấu cũng thành đẹp. Có lẽ trong mắt người khác thê tử của thần không tốt, nhưng thần cảm thấy y tốt, vì vậy nên thần lấy y."

Ai cũng hiểu đạo lý yêu ai yêu cả đường đi. Thái thượng hoàng dường như miễn cưỡng hài lòng với câu trả lời này. Im lặng nửa ngày, Thái Thúc Lan không nhắc đến Bùi gia hay nam thê Lan Mân của Bùi Thanh Hoằng nữa, thay vào đó y hỏi không ít điều liên quan đến việc ám sát cứu giá. Bùi Thanh Hoằng bày tỏ lòng trung thành hết lần này đến lần khác, dỗ dành vị Thái thượng hoàng này đến vui vẻ rồi mới lui xuống.

Bên trong hành cung có địa lao chuyên biệt để thẩm tra phạm nhân, có điều những thích khách kia đều trúng độc mất mạng, không tra được bất kỳ manh mối đặc biệt nào. Rốt cuộc bọn chúng đã hạ độc dược gì, kế hoạch mai phục là thế nào, đó là mối bận tâm của quan viên bộ Hình và Tự khanh* của Đại lý tự**, không liên quan đến hắn.

*Tự khanh: chức quan đứng đầu một cơ quan Lục tự (bao gồm Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thượng bảo tự).

**Đại lý tự: cơ quan có nhiệm vụ xét lại những án nặng đã xử rồi, như án về tử tội hay tội lưu rồi gửi kết quả cuộc điều tra qua bộ Hình để đệ tâu lên vua xin quyết định.

Khi Bùi Thanh Hoằng rời đi, Thường Kim tiểu Thường công công cầm lá thư của chính hắn lướt qua Bùi Thanh Hoằng. Con dấu bị Thái thượng hoàng đặt sang một bên để Thường Kim trực tiếp đóng dấu. Vị công công giữ con dấu của Thái thượng hoàng không ở lại chuyến săn bắn mùa thu nên việc này tạm thời để Thường Kim đảm nhiệm.

Tiểu công công mi thanh mục tú đứng đó, đóng một dấu rồi lại một dấu. Lớn lên trong cung từ nhỏ, gia cảnh lại kham khổ nên không biết chữ, cậu không thể đọc và cũng chẳng quan tâm đến nội dung của tấu chương, cứ như vậy đóng dấu mau lẹ dứt khoát.

Bàn tay thanh tú của Thái thượng hoàng cầm phong thư còn nguyên vẹn sáp niêm phong hơ nhẹ trên ánh nến. Sáp từng giọt rơi xuống nơi ngọn lửa tiếp xúc qua, vừa đủ để mở nắp phong bao rút ra một lá thư nguyên vẹn.

Chữ viết tay của Bùi Thanh Hoằng khá nhỏ, tiêu đề bốn chữ cùng nội dung được trình bày ngay ngắn trên giấy. Bút pháp mạnh mẽ hữu lực, từng nét đều dứt khoát, không chồng lên nhau ngả nghiêng líu nhíu.

Khiến một người lướt qua chưa kịp đọc đã liền thấy cảnh đẹp ý vui.

Lá thư không dài, ước chừng một trăm chữ, nội dung đơn giản viết về chuyện thường nhật vài ngày qua kèm lời nhắn gửi mang thương nhớ.

"Tử Giác yêu thương,

Rừng thu có xào xạc lá phong rơi đỏ và dòng nước trong đổ từ đỉnh núi xanh biếc.

Phong cảnh trên núi rực rỡ tươi đẹp, nhưng ta xa quân hơn bảy ngày, cảnh trong mắt chỉ là một mảng tịch liêu.

Giữa cuộc đi săn xuất hiện loạn thần tặc tử mưu đồ hành thích Thánh thượng và Thượng hoàng, khiến Thượng hoàng bị thương ở chân, nhưng may thay không có gì đáng ngại. Thánh thượng đã lập tức xuống núi cùng bách quan, còn ta cùng chư vị binh sĩ đồng liêu được bệ hạ giữ lại ở hành cung để điều tra thích khách, e là chưa rõ ngày về. Hôm nay ta chưa thể hồi gia, nhưng có lẽ sẽ không để quân đợi quá một tháng đâu.

Ta vẫn khỏe, người đừng quá lo."

Thường Kim đóng dấu toàn bộ tấu chương xong xuôi cả rồi, Thái Thúc Lan mới một lần đọc xong bức thư. Thường ngày y phê duyệt tấu chương cực kỳ nhanh, nhưng tốc độ đọc bức thư này lại chậm hơn mấy lần, một chữ cũng sợ không muốn bỏ sót.

Bức thư đọc xong được gấp lại cẩn thận từng li từng tí, nhét vào bao rồi lần nữa dùng sáp niêm phong lại, chuẩn bị xong liền thần không biết quỷ không hay đánh tráo với bức thư giả trên người Bùi Thanh Dật. Đợi người đưa thư rời đi, Thái Thúc Lan liền ra lệnh: "Tiểu Kim tử, mang giấy bút lại đây." Bút son phê duyệt tấu chương đương nhiên hoàn toàn khác với bút mực dùng để viết thư. Thường Kim vâng một tiếng, nhanh chóng mang giấy bút qua, mài mực cho Thái thượng hoàng rồi ngoan ngoãn lui xuống.

Thái Thúc Lan nâng bút, hạ lên mặt giấy trắng như tuyết tám chữ.

"Phù dung hoa nở, đợi quân trở về."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.