Lễ Diễu Hành Phục Sinh

Chương 5: Chương 5




Sau vài năm ly dị Andrew Crawford, Emily làm việc như một thủ thư ở một văn phòng môi giới ở Phố Wall. Rồi cô lại có một công việc khác: cô tham gia vào nhóm biên tập của một tờ bán nguyệt san thương mại có tên Nhà quan sát Lĩnh vực Thực phẩm. Đó là một công việc thú vị, không đòi hỏi nhiều, viết tin và chuyên mục cho ngành công nghiệp rau xanh; thỉnh thoảng cô sáng tác tiêu đề nhanh và tốt, để khoảng cách chữ được đếm vừa vặn ngay từ lúc đầu.

BƠ CHO QUẦY BAR KHÁCH SẠN ĐẠT ĐƯỢC ĐỈNH CAO BÁN HÀNG; BƠ THỰC VẬT LỤI TÀN.

Cô nghĩ về bố mình. Luôn có một việc gì đó cần làm với một tờ tạp chí thực thụ, nó khá thú vị; ngoài ra, trường đại học đã dạy cô rằng mục đích của giáo dục nghệ thuật tự do không phải là để đào tạo mà là để tự do suy nghĩ. Nó không quan trọng là bạn có thể làm gì cho cuộc sống; mà điều quan trọng là bạn thuộc tuýp người nào. Và hầu hết thời gian cô tự nghĩ về bản thân như một người tròn trịa và có trách nhiệm. Hiện cô sống ở Chelsea, ở một nơi với những cửa sổ cao quay mặt ra một con phố yên tĩnh. Thật là dễ dàng để biến thành một căn hộ “thú vị”, nếu cô quan tâm đến những việc như vậy; dù với bất kỳ trường hợp nào nó cũng đủ rộng để tổ chức được những bữa tiệc, và cô thích tiệc. Nó cũng được sắp xếp thành một ngôi nhà nhỏ bé ấm cúng cho hai người, và trong thời gian đó có rất nhiều đàn ông. Trong vòng hai năm cô đã phải phá thai hai lần. Lần đầu là con của một người đàn ông cô không thích lắm, và vấn đề chính với đứa con thứ hai là cô không chắc chắn đó là con của ai. Sau việc phá thai lần thứ hai, cô nằm nhà không đi làm trong vòng một tuần, nằm quanh nhà một mình hoặc bước những bước đau đớn ngập ngừng dọc theo những con phố trống rỗng. Cô nghĩ đến một bác sĩ tâm lý - một vài người cô biết đã đi gặp bác sĩ tâm lý - nhưng tốn nhiều tiền quá và có thể là không xứng đáng phải làm như vậy. Ngoài ra cô còn có một suy nghĩ sáng sủa hơn. Ở trên một cái bàn thấp, vững chắc trong căn hộ của mình cô đặt một chiếc máy chữ xách tay mà bố đã cho cô như một món quà tốt nghiệp trung học và bắt đầu làm việc với bài báo của tạp chí.

NẠO THAI: QUAN ĐIỂM CỦA MỘT PHỤ NỮ

Cô thích tiêu đề thăm dò, nhưng không thể mở đầu được, hay những gì mà cô đã học được gọi là một “dẫn bài.”

Thật là đau đớn, nguy hiểm, “không đạo đức” và trái pháp luật, tuy nhiên hàng năm hơn... triệu phụ nữ đã phá thai ở Mỹ.

Nó như một tiếng chuông dẫn đường, nhưng nó làm cho cô trở thành một kiểu kích động mà bằng cách nào đó cô sẽ phải theo suốt cả bài báo.

Cô thử một “dẫn bài” khác.

Giống như những cô gái khác ở tuổi tôi, tôi luôn cho rằng nạo thai là một điều khủng khiếp - để gặp phải, nếu cuối cùng, với sự sợ hãi và run rẩy duy trì một sự xuống dốc nhấn chìm trong những vòng quay bên ngoài của địa ngục.

Nghe có vẻ khá hơn, nhưng thậm chí sau khi cô thay đổi “các cô gái” sang “phụ nữ”, cũng không làm cho cô được hài lòng. Có điều gì đó không ổn.

Cô quyết định bỏ qua lời dẫn bài và tập trung vào phần thân bài. Trong nhiều giờ cô viết rất nhiều đoạn, hút nhiều thuốc mà cô không nhận thức được là đang châm thuốc hay bỏ chúng đi. Rồi cô kết thúc chúng với một cái bút chì, những chữ sửa lại nguệch ngoạc ở lề và thỉnh thoảng ở trên đầu trang mới (Xem lại A, đoạn 3, trang 7), cảm thấy một cảm giác hung hăng khi nhận ra thiên hướng của mình. Nhưng cái đống bản thảo bừa bãi đã ở đó suốt buổi sáng chờ đợi cô, sau một giấc ngủ chập chờn; và cô phải biết rằng, với con mắt lạnh lùng của một người biên tập, nó nghe không được tốt lắm.

Khi một tuần nghỉ ốm của mình kết thúc, cô đi làm lại, dễ chịu với nhịp điệu xưa của một ngày tám tiếng. Vào mỗi tối và hầu hết các ngày nghỉ cô làm việc với bài báo có chủ đề nạo thai, nhưng cuối cùng cô đã xếp nó vào trong một cái hộp bìa cứng mà cô đặt tên “Hồ sơ của tôi”, và cất chiếc máy chữ đi. Cô cần cái bàn cho buổi tiệc.

Rồi đột nhiên giờ đã là năm 1955, và cô đã ba mươi tuổi.

“... Và dĩ nhiên nếu con muốn là một người dành hết thời gian cho nghề nghiệp thì cũng tốt thôi,” mẹ cô nói ở một trong những buổi tối kinh hoàng và hiếm có khi Emily đến chỗ bà để ăn tối. “Mẹ chỉ mong mẹ tìm được một nghề vừa ý khi mẹ bằng tuổi con. Đó chỉ là vì mẹ cảm thấy...”

“Đó không phải là một ‘nghề’; đó chỉ là một công việc.”

“Thật ra, dù với nhiều lý do hơn như thế thì. Đó là vì mẹ cảm thấy có thời gian cho con để - ôi, mẹ sẽ không nói ‘ổn định’; Có Chúa chứng giám mẹ chưa bao giờ ổn định; mẹ chỉ muốn nói...”

“Lại lấy chồng. Có con.”

“Thế ra chuyện đó là kỳ lạ lắm sao?

“Chẳng nhẽ con không biết một thanh niên nào mà con muốn lấy làm chồng hay sao? Sarah nói với mẹ chị con và Tony thích cậu lần trước mà con đưa đến chơi; tên cậu ta là gì nhỉ? Fred gì đó?”

“Fred Stanley.” Anh ta đã đến làm phiền ngoài sự chịu đựng của cô sau một vài tháng; cô đưa anh ta đến St.Charles chỉ vì một ý chợt nảy ra, vì anh ta quá bảnh bao. “À, mẹ biết, mẹ biết,” Pookie nói với một nụ cười chán đời, đào xới món mì spaghetti đã nguội lạnh; hiện bà đã có toàn bộ hàm là răng giả, thứ đã cải thiện phần nhiều nụ cười của bà. “Đó không phải là chuyện của mẹ.” Công việc của bà đã trở thành vấn đề thảo luận vào buổi tối đó, sau khi bà đã uống quá nhiều: đó là một lời than phiền mà Emily đã nghe nhiều lần trước đó. “Con có biết là đã hơn sáu tháng kể từ khi mẹ đến St.Charles? Sarah chưa bao giờ mời mẹ. Chưa bao giờ mời mẹ. Và nó biết là mẹ thích đến nơi đó đến như thế nào, mẹ thích dành thời gian cho bọn trẻ đến như thế nào. Mẹ gọi điện vào các ngày Chủ nhật và nó nói ‘Thế ạ, con nghĩ mẹ thích nói chuyện với bọn trẻ bây giờ’ và dĩ nhiên là mẹ thích nói chuyện với chúng, nghe giọng nói của chúng - đặc biệt là Peter, nó là đứa mẹ yêu nhất - và rồi khi bà cháu vừa kết thúc nói chuyện nó quay lại và nói ‘Pookie, sẽ tốn nhiều tiền mất, mẹ nên nghĩ về hoá đơn điện thoại.” Và mẹ nói “Không có vấn đề gì với tiền điện thoại, mẹ muốn nói chuyện với con,’ nhưng nó không bao giờ mời mẹ. Và đôi lần, rất hiếm khi chính mẹ gợi ý thì nó nói ‘Con sợ ngày nghỉ tuần tới không tiện, Pookie’. Ha. ‘Thuận tiện’...”

Có một giọt nước sốt mỳ spaghetti trên má mẹ, và Emily phải đấu tranh thôi thúc đứng dậy và cô lau nó đi.

“... Và khi mẹ nghĩ; khi mẹ nghĩ về những tuần mẹ đã ở đó khi Tony đi Hải quân và cả ba đứa đều còn dùng tã, mẹ đã nấu ăn như thế nào và lau chùi, và lò sưởi không làm việc phải đến một nửa thời gian hay máy bơm cũng vậy, và mẹ phải xách nước từ nhà chính - liệu có ai hỏi mẹ có ‘thuận tiện’ cho mẹ không?” Để nhấn mạnh vào vấn đề, bà giũ một đợt tàn thuốc thật dài một cách ngang ngược xuống sàn và uống một ngụm uýtki pha xô-đa nữa, hằn vết vân tay u buồn, “ôi, mẹ nghĩ mẹ có thể luôn gọi điện cho Geoffrey; ông ta hiểu, ông ta và Edna có thể mời mẹ, nhưng tuy vậy...”

“Sao mẹ lại không?” Emily nói, trong lúc xem đồng hồ. “Gọi điện cho Geoffrey, và có thể ông ta sẽ mời mẹ đến chơi vào một ngày nghỉ.”

“À, thật ra, con đang nhìn vào đồng hồ. Được thôi, được thôi. Mẹ biết. Con phải quay trở lại với công việc và bữa tiệc, những người đàn ông của con và tất cả những gì khác mà con làm nữa. Mẹ biết. Hãy cứ đi đi.” Pookie ve vẩy điếu thuốc lá ẩm ướt xua cô đi. “Cứ đi đi,” bà nói. “Cứ đi đi; cứ chạy đi.”

Vào mùa xuân năm sau chân quản lý biên tập của tờ Nhà quan sát lĩnh vực Thực phẩm bị trống, và trong một vài ngày Emily nghĩ rằng cô có thể được thăng chức, nhưng thay vào đó họ tuyển một người đàn ông vào khoảng bốn mươi tên là Jack Flanders. Anh ta rất cao và gầy gò với bộ mặt nhạy cảm và buồn, và Emily nhận thấy cô không thể rời mắt được khỏi anh. Văn phòng của anh cách phòng của cô bằng một tấm vách ngăn bằng kính: cô có thể nhìn thấy anh nghiêm mặt qua cây bút chì hay là máy chữ, quan sát anh nói chuyện điện thoại, quan sát anh đứng dậy và đứng nhìn trân trân qua cửa sổ như thể bị lạc vào suy nghĩ (và anh không thể đang nghĩ về công việc được). Anh làm cho cô nhớ về bố, cách đây đã lâu rồi. Một lần khi anh đang nói điện thoại cô nhìn thấy khuôn mặt dài của anh một nụ cười vui sướng một cách tinh khiết đến mức như thể anh chỉ có thể đang nói chuyện với một phụ nữ, và cô cảm thấy một cơn đau ghen tức phi lý.

Anh có một cái giọng vang và sâu, và anh rất nhã nhặn. Anh luôn nói “Cảm ơn Emily,” hay là “Tốt rồi, Emily” khi cô mang đến cho anh một thứ gì đó trong phạm vi hoạt động theo trách nhiệm, một lần anh nói “Thật là một cái váy đẹp,” nhưng dường như anh không bao giờ nhìn vào mắt cô.

Vào một ngày đến hạn, khi mọi người mệt mỏi và làm việc quá sức, cô mở một phong giấy làm bằng sợi cây chuối để tìm sáu bức ảnh bóng láng, mỗi một bức ảnh giống như một chiếc hộp nông hay một cái khay làm bằng bìa cứng màu trắng xốp. Mỗi hộp là một tỉ lệ khác nhau và mỗi bức ảnh được chụp ở những góc độ khác nhau, với ánh sáng khác nhau, để nhấn vào một kiểu thiết kế tách biệt. Thông cáo báo chí đến với họ không thể thở được với những tít như “nhận thức cách mạng” và “cách tiếp cận mới táo bạo,” nhưng cô chưng cất từ những cái tít thông tin đó thành làm thế nào những lớp cắt của một miếng thịt tươi được đóng gói để bán ở siêu thị. Cô viết một câu chuyện đủ dài để lấp đầy một cột, với một phần đầu hai cột; rồi cô đánh dấu bốn trong những bức tranh dành cho những lớp cắt cột đơn, viết tiêu đề ngắn gọn cho chúng và đưa công việc hoàn thành đến cho Jack Flanders.

“Sao lại có nhiều ảnh đến thế này?” Anh ta hỏi.

“Họ chuyển đến sáu; tôi chỉ sử dụng có bốn.”

“Mm,” anh nói, nghiêm nghị. “Không hiểu tại sao họ lại không đưa bất kỳ chữ thịt nào bắt đầu bằng chữ cái M(1)? Đôi sườn lợn hay là một thứ gì đó. Hay chỉ ra bàn tay của một gã đang ôm cái hộp, vì thế cô đã có được ý tưởng về kích cỡ chưa?”

“Mm”

Anh xem xét kỹ lưỡng bốn bức ảnh một lúc lâu. Rồi anh nói “Cô có biết vài điều, Emily?” Và anh nhìn cô với việc bắt đầu cùng một nụ cười mà cô đã nhìn thấy anh thể hiện trên điện thoại vào ngày hôm đó. “Đôi khi một từ - một từ trị giá bằng hàng triệu bức ảnh.”

Sau này nhớ lại cô đã có thể đồng ý với anh rằng không hẳn đã hoàn toàn là hài hước, nhưng vào lúc đó - và có thể đó là cách anh nói - nụ cười của cô áp đảo quá. Cô không thể dừng lại; cô yếu đuối; cô phải tựa vào bàn làm việc của anh tìm sự hỗ trợ. Khi cơn cười kết thúc cô nhận thấy anh nhìn cô với khuôn mặt hạnh phúc, ngượng ngịu.

“Emily?” anh nói, “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể ra ngoài uống một ly sau khi tan sở tối nay?”

Anh đã ly dị cách đây sáu năm. Anh có hai con sống cùng với mẹ, và anh làm thơ. “Đã xuất bản chưa ạ?” cô hỏi.

“Ba lần.”

“Trên tạp chí, ý anh là?”

“Không, in sách. Ba cuốn sách.”

Anh sống ở một trong những khu buồn tẻ, xám xịt của West Twenties, chỉ cách qua Đại lộ thứ Năm, nơi những toà nhà để ở ngẫu nhiên được ấn vào giữa những chuồng chim bồ câu, và căn hộ của anh với những gì cô tưởng tượng có thể được gọi là Spartan - không thảm, không rèm, không vô tuyến.

Sau cái đêm dễ chịu đầu tiên với nhau, khi dường như rõ ràng là người đàn ông gầy nhom, đặc biệt dài này chính là tuýp người mà cô luôn muốn, cô đi lảng vảng dọc theo giá sách của anh, mặc chiếc áo tắm của anh, cho đến khi cô đến gần ba tập mỏng với cái tên John Flanders ở gáy sách. Anh đang pha cà phê ở ngoài bếp. “Chúa ơi, Jack,” cô kêu lên. “Anh là một nhà thơ trẻ Yale.”

“À, đó là một kiểu trúng số,” anh nói. “Họ phải đưa cho ai đó hàng năm.” Nhưng sự khiêm tốn của anh không hoàn toàn nói lên sự thật: cô có thể nhận thấy anh hài lòng đến như thế nào khi cô tìm thấy cuốn sách - anh gần như chắc chắn sẽ chỉ nó cho cô nếu cô không nhận ra nó.

Cô lật nó lên và đọc to một trong những lời khen: “‘Với John Flanders, chúng ta nhận thấy một giọng thơ mới đích thực, giàu tình cảm, thông thái, và sử dụng kỹ thuật thật hoàn hảo. Hãy để cho chúng tôi hãnh diện với tài năng của anh.’ Wow.”

“À,” anh nói theo cùng một cách “tự hào rụt rè”. “Có gì ghê gớm đâu, hừ? Em có thể mang nó về nhà, nếu em thích. Thực tế thì anh thích em mang về. Cuốn sách thứ hai cũng được; có thể là không hay như cuốn thứ nhất. Vì Chúa, chỉ xin đừng nhầm lẫn với cuốn thứ ba. Nó thật tệ. Em sẽ không thể tin được nó tồi đến mức nào. Đường và sữa nhé?”

Khi họ ngồi nhấp nháp ngụm cà phê, nhìn ra ngoài tòa nhà chuồng chim bồ câu màu nâu vàng xanh, cô nói “Anh làm gì với tờ báo thương mại?”

“Phải có một công việc gì đó. Và vấn đề là nó thật dễ; anh có thể làm công việc này như một nghề tay trái và hoàn toàn quên nó khi anh về đến nhà.”

“Chẳng phải các nhà thơ hay làm việc ở trường đại học hay sao?”

“À, anh đã làm công việc đó. Anh đã làm công việc đó nhiều năm hơn anh có thể đếm. Hôn mông ông trưởng khoa, đổ mồ hôi suốt nhiệm kỳ, chống đỡ với những khuôn mặt bé nhỏ, đần độn và trang nghiêm suốt ngày và chúng ám ảnh anh suốt đêm - và phần tồi tệ nhất là kết thúc bằng việc viết thơ hàn lâm. Không, em yêu, hãy tin anh, Nhà Quan sát Lĩnh vực Thực phẩm là một công việc tốt hơn.”

“Tại sao anh không xin làm cho một... anh gọi nó là gì nhỉ? Một Guggenheim?”

“Hiểu rồi. Cả Rockefeller nữa chứ.”

“Anh có thể nói cho em biết tại sao quyển sách thứ ba lại tồi tệ không?”

“À, cả cuộc đời anh là một mớ hỗn độn. Anh vừa mới ly dị, anh uống quá nhiều; hãy tưởng tượng xem anh nghĩ anh biết những gì anh làm trong những bài thơ đó, nhưng anh không biết sự đần độn của anh từ cuốn sách thứ ba. Một thể loại khốn khổ - tự thương xót mình, bê tha, uỷ mị. Lần trước anh gặp Dudley Fitts, anh ta chỉ kịp gật đầu với anh.”

“Và bây giờ cuộc sống của anh thế nào?”

“Vẫn còn là một mớ hỗn độn, anh nghĩ thế, trừ những lúc thỉnh thoảng anh nhận ra điều đó” - anh đưa tay mình vào trong ống tay áo của chiếc áo tắm để với lấy khuỷu tay cô, chỗ anh vuốt ve như thể nó là một nơi kích thích tình dục vậy... “thỉnh thoảng, nếu bạn đi những nước cờ đúng, bạn sẽ gặp được một cô gái dễ thương.” Trong vòng một tuần họ không bao giờ tách khỏi nhau - họ dành cho nhau những đêm khi thì ở chỗ của anh, khi ở chỗ của cô - và cô không bao giờ có đủ không gian một mình để đọc được hết cuốn sách thứ nhất của anh, cho đến khi cô xin nghỉ một ngày làm vì việc đó.

Nó thật chẳng dễ chút nào. Cô đã đọc nhiều thơ đương thời ở Barnard và luôn giải nghĩa tốt nhưng cô chưa bao giờ đọc chúng với sự vui thích. Cô đọc lướt qua những bài thơ đầu tiên quá nhanh, chỉ lấy ấn tượng với những ý nghĩa; rồi cô phải quay lại và nghiên cứu từng câu để đánh giá được nó đã được viết như thế nào.

Những bài thơ sau này giàu nghĩa hơn, dù chúng vẫn giữ lại được chất giọng thơ của Jack, và hầu như toàn bộ phần cuối của cuốn sách được dành hết cho một bài thơ dài, quá phức tạp, khó hiểu và chứa đựng những gì cô phỏng đoán là ở quá nhiều cấp độ ngữ nghĩa đến nỗi cô phải đọc nó đến ba lần. Phải đến gần 5 giờ cô mới có thể gọi cho anh ở toà báo và cô nói cuốn sách thật tuyệt.

“Thề có Chúa chứ?” Cô có thể hoàn toàn cảm nhận được niềm hân hoan trên khuôn mặt anh. “Em sẽ không trêu đùa anh chứ, Emily? Bài thơ nào em thích nhất?”

“Ôi, em thích tất cả những bài thơ của anh, Jack. Thật đấy. Để em nghĩ nào. Em thích bài có tên “Một buổi lễ kỷ niệm”, nó gần như làm em khóc.”

“Ôi,” anh nói như thất vọng. “Thật ra, đó là một bài thơ trữ tình hơi công thức, thân mật, nhưng nó không có nghĩa nhiều lắm. Thế còn bài thơ về chiến tranh thì thế nào, bài thơ có tiêu đề ‘Lựu đạn ném tay’?”

“À, vâng, cả bài đó nữa. Nó có một sự sâu cay dễ chịu.”

“Sâu cay từ đắt. Đó chính là những gì mà bài thơ đó cần đạt được. Thế còn bài thơ dài thì sao?”

“Em đang chuẩn bị nói đến bài thơ đó. Nó thật tuyệt, Jack. Nó rất, rất, rất cảm động. Nhanh lên, về nhà đi anh.”

Vào đầu mùa hè anh được mời dạy trong hai năm cho Trại viết văn ở trường Đại học Iowa của bang.

“Em có biết điều này không, em yêu?” anh nói khi họ cùng đọc bức thư. “Có thể là một sai lầm khi gạt bỏ lời đề nghị.”

“Em nghĩ rằng anh căm ghét dạy học.”

“Thật ra, với trường Iowa thì khác. Cách mà anh hiểu, “trại” sáng tác này hoàn toàn tách biệt với khoa tiếng Anh. Đó là một chương trình cao học, một loại trường chuyên nghiệp. Sinh viên được lựa chọn cẩn thận - họ không hẳn là những sinh viên, họ là những cây viết trẻ - và chỉ có “giảng dạy” là việc anh phải làm, bốn hay năm giờ một tuần gì đó. Vì ý tưởng này, xem nào, các giảng viên được yêu cầu tự làm việc của họ khi ở đó, vì thế họ sẽ cho mình nhiều thời gian. Và ý anh, vì Chúa, nếu anh không thể làm gì với cuốn sách này trong vòng hai năm thì thật sự với anh sẽ là một vấn đề.”

“Ngoài ra,” anh nói tiếp, ngượng nghịu lấy tay xoa cằm, và cô có thể nói rằng sự suy xét tiếp theo sẽ là lý lẽ đanh thép của sự tranh luận. “Ngoài ra, - ôi, anh biết điều này nghe như ngớ ngẩn, nhưng nó là một niềm vinh hạnh khi anh được mời ra đó. Điều đó không có nghĩa là ai đó không nghĩ rằng cuốn sách cuối cùng của anh đã bị chìm mãi mãi.”

“Được thôi, Jack, nhưng niềm vinh hạnh vẫn còn đó cho dù anh có nhận lời hay không. Vì thế hãy nghĩ về điều đó: liệu anh có thật sự muốn đến Iowa?”

Họ đều đang đứng rồi đi lại trên sàn nhà căn hộ anh ở, vì họ đã làm như vậy kể từ khi họ mở bức thư. Anh đi qua những cái bảng trống rỗng để đi về phía cô, vòng tay quanh cô và cúi xuống giấu mặt mình vào mái tóc cô. “Anh thật sự muốn đi,” anh nói, “nhưng anh chỉ đi với một điều kiện.”

“Điều kiện gì ạ?”

“Nếu em đi cùng anh,” anh nói khàn khàn, “ở cùng với anh, và là bạn gái của anh.” Trong tháng tám, cả hai bọn họ đều xin nghỉ việc ở Nhà quan sát Lĩnh vực Thực phẩm, và với ngày nghỉ cuối tuần cuối cùng trước khi họ đi Iowa, cô đưa anh đến St.Charles.

“... Ôi, chị thích anh ta,” Sarah nói khi cô và Emily ngồi một mình trong căn phòng bếp đầy tia nắng. “Chị thật sự rất thích anh ta - và Tony cũng như vậy, chị có thể nói như vậy.” Cô dừng lại để liếm miếng pa-tê gan vương trên ngón tay mình. “Em có biết chị nghĩ em nên làm gì không?”

“Làm gì cơ?”

“Cưới anh ta.”

“Ý chị là gì, ‘cưới’ anh ấy? Chị lúc nào cũng bảo em ‘cưới’ chồng, Sarah. Chị đã nói điều đó với tất cả những người đàn ông em đưa đến đây. Liệu lấy chồng có phải là câu trả lời cho mọi vấn đề không?” Sarah trông tổn thương. “Đó là câu trả lời cho một loạt các vấn đề tồi tệ.”

Và Emily gần như định nói “Làm sao mà chị biết được” nhưng cô đã kiềm chế đúng lúc. Thay vào đó, cô nói “Thật ra, để bọn em xem đã,” và họ mang những cái đĩa đựng món đồ nguội luộm thuộm ra phòng khách.

“Thật ra việc tôi tham gia là một công việc khá ảm đạm,” Jack nói, “lê bước quanh Guam với chiếc radio trên vai nhưng tôi nhớ rằng những cái đó dùng để đánh bóng những chiến binh hải quân Magnum. Tôi thường tự hỏi sẽ có những gì trên đó, một trong số đó, được trang bị máy móc xung quanh.”

“Anh nên xem những máy bay mà chúng tôi đang chế tạo ra,” Tony nói. “Những chiếc máy bay chiến đấu phản lực. Cột mình vào một trong những công việc như vậy và Cất cánh!” Anh làm ra một kiểu chào, để lòng bàn tay thẳng cắt ngang đưa xéo qua thái dương để diễn tả sự cất cánh.

“Vâng,” Jack nói. “Vâng, tôi có thể hiểu.” Khi bọn trẻ chạy vào, bị hụt hơi, Emily cố không quá phun trào tình cảm để thốt lên chúng đã lớn nhanh quá kể từ lần đến chơi trước của cô, nhưng sự phát triển thật là kỳ diệu. Tony Junior bây giờ đã mười bốn và lớn so với tuổi của mình, hoàn toàn lực lưỡng như cha cậu. Cu cậu trông thật ưa nhìn, nhưng có một cái gì đó trống rỗng trong nụ cười của cu cậu, như kiểu thừa nhận ít nhát khả năng cậu lớn lên là một sự ngu xuẩn dễ thương; và Eric, đứa bé nhất, đã lớn với vẻ ý tứ ủ rũ hơn là ngượng ngập. Chỉ có Peter, đứa ở giữa, đứa mà Pookie luôn nói là đứa cháu cưng, đã thu hút sự chú ý của cô. Nó gầy và căng thẳng như một chú chó đua vậy; nó có đôi mắt màu nâu to của mẹ, trông nó thông minh kể cả trong những lúc nhai kẹo cao su.

“Dì Emmy!” Cu cậu nói trong lúc nhai kẹo. “Dì có nhớ những Tổng thống mà dì cho con lúc con lên mười không?”

“Quà á? Quà gì cơ?”

“Không, những Tổng thống.”

Và cuối cùng cô đã nhớ. Mỗi mùa Giáng sinh cô dành hàng nhiều giờ mua đồ cho bọn trẻ; cô qua lại một cách bất đắc dĩ những quầy hàng với cái bàn chân đau của mình, hít thở không khí hỗn tạp và cãi nhau với những nhân việc chạy việc đã kiệt sức, và một năm cô quyết định với món đồ chơi mà cô chỉ có thể hy vọng sẽ là một món quà thích hợp với Peter: một hộp bìa cứng phẳng chứa những tượng bằng nhựa màu trắng của mỗi đời Tổng thống Mỹ dưới thời Eisenhower, “ôi, những ông Tổng thống,” cô nói.

“Đúng rồi. Dù sao thì con thực sự thích đồ chơi đó.”

“Ồ, thế à,” Sarah nói. “Em có biết là cu cậu làm gì không? Cu cậu sửa soạn một nơi thật rộng, giống như công viên, ở trong sân, với bãi cỏ và những lùm cây nhỏ và một con sông chảy qua, và cầu qua sông, và cu cậu đặt tất cả những ông Tổng thống ở những nơi khác nhau, cùng với mỗi một cái bệ có kích thước khác nhau. Cu cậu cho Lincoln cái bệ cao nhất vì ông là người vĩ đại nhất, và đặt những cái bệ dành cho Franklin Pierce và Millard Fillmore rất thấp - ôi, và cu cậu cho William Howard Taft một cái bệ rất rộng vì ông ta là người béo nhất, và cu cậu...”

“Được rồi, mẹ”, Peter nói.

“Không, nhưng thực sự,” cô tiếp tục nói. “Giá mà em có thể xem chúng. Và em có biết cu cậu làm gì với Truman? Trước tiên cu cậu không thể quyết định làm gì với Truman, và rồi cu cậu...”

“Anh nghĩ em gần như nói át con rồi,” Tony nói với một cái nháy mắt chỉ kịp nhận thấy với những người khách.

“Ôi,” cô nói. “Được thôi.” Và cô nhanh chóng uống một ngụm để giấu đi cái miệng của mình. Cái phong cách riêng đó không bao giờ thay đổi: mỗi khi Sarah ngượng, sau khi cô kể một câu chuyện phiếm và đợi mọi người cười, hay khi cô sợ rằng cô đã nói quá nhiều, cô sẽ tấn công cái miệng của mình như thể muốn che giấu đi sự khoả thân vậy - với Coca hay một kem que khi còn là một đứa trẻ, và hiện giờ là với rượu và thuốc lá. Có thể với những năm của những chiếc răng xiên và nhô ra, và rồi đến cái hàm đeo, đã làm cho miệng cô trở thành một phần đời dễ bị tổn thương nhất.

Vào cuối buổi chiều, các cu cậu bắt đầu đánh vật với nhau trên sàn cho đến khi chúng va vào cái bàn nhỏ, và cha chúng nói ‘Thôi nào, các con. Chỉnh tề nào.” Đó chính là nghi thức, lời nhắc nhở vạn năng; rõ ràng đó là điều mà anh đã học được ở Hải quân.

“Không có gì cho chúng chơi ở đây cả, Tony,” Sarah nói.

“Cho chúng ra ngoài chơi vậy.”

“Không,” cô nói, “em có ý hay hơn.” Và cô quay sang Emily. “Có cái này em phải biết. Peter! Đi lên gác đi con.”

Eric vòng tay quanh ngực để chỉ rằng cậu ta không cần để ỷ là bị gạt ra ngoài, và những cậu bé lớn tuổi hơn leo lên phòng và quay trở lại với hai cây ghita rẻ tiền.

Khi chúng chắc rằng khán giả của chúng đã sẵn sàng, chúng đứng ở giữa sàn, lấp đầy ngôi nhà với những âm thanh, và với sự hiện thân của “Anh em nhà Everly”: Xin tạm biệt, tình yêu Xin tạm biệt, hạnh phúc...

Tony Junior chỉ đánh một vài dây đơn giản và hát; Peter chơi tất cả những nốt nhạc khó, và dường như cậu ta đặt cả trái tim mình vào bài hát.

“Chúng thật là những đứa trẻ tuyệt vời, Sarah,” Emily nói khi chúng đã đi ra ngoài. “Đặc biệt là Peter có một cái gì đó.”

“Chị đã nói với em là Peter muốn trở thành người như thế nào khi nó trưởng thành chưa nhỉ?”

“Gì cơ... Tổng thống á?”

“Không,” Sarah nói, như thể đó là một trong những sự lựa chọn có thể làm được. “Không, em thử đoán xem nào. Nó muốn trở thành một linh mục nhà thờ Tân giáo. Chị đưa chúng đến buổi Lễ Phục sinh ở một nhà thờ nhỏ trong thị trấn cách đây vài năm, và Peter không bao giờ không nói về nhà thờ. Hiện cu cậu yêu cầu chị đưa cậu ta đến nhà thờ vào chủ nhật hàng tuần, hoặc nếu không cu cậu sẽ đi nhờ xe.”

“Ôi, thế à,” Emily nói, “Em nghĩ rằng đó là điều cu cậu có thể phát triển nhanh hơn.”

“Sẽ không như vậy nếu chị không hiểu Peter.”

Ở bàn ăn tối, hồ hởi vì buổi chiều đã diễn ra, Peter ngắt lời người lớn với quá nhiều những lời nhận xét ngớ ngẩn đến nỗi Tony phải nhắc nhở cậu trật tự đến hai lần. Lần thứ ba, khi cậu ta đặt chiếc khăn ăn lên đầu, Sarah giả bộ ra lệnh, “Peter,” cô nói. “Trật tự nào.” Cô liếc nhìn Tony thật nhanh để xem liệu cô nói có đúng không, rồi nhìn Emily liệu xem nó có lố bịch không, và rồi cô ấn vào miệng mình một cái cốc.

“Tôi biết chị đã được phát thanh,” Jack Flanders nói với Sarah vào lúc cuối buổi tối, khi người lớn chỉ còn lại một mình trong phòng khách.

“À, không còn như vậy nữa,” cô nói, trông thật hài lòng. “Tất cả những chuyện đó đã xong rồi.” Đầu những năm 50 cô làm việc như “xướng ngôn viên trên đài” ở chương trình các bà nội trợ vào mỗi sáng thứ bảy ở một đài địa phương ở hạt Suffolk - Emily được nghe kể về chuyện này một lần, và nghĩ rằng chị mình đã làm rất tốt - nhưng chương trình đã dừng lại sau mười tám tháng. “Đó chỉ là một đài nhỏ của địa phương,” Sarah giải thích, “nhưng chị rất thích - đặc biệt là viết kịch bản. Chị thích viết.”

Và thế là dẫn đến một chủ đề mà rõ ràng là cô muốn đưa nó ra để nói hàng giờ liền: cô đang viết một cuốn sách. Một trong những cụ kị của Geoffrey Wilson về phía mẹ của ông ta, một người New York có tên là George Fall, đã là một tình nguyện viên của miền Tây. Cùng với một nhóm khác người miền Đông ông đã giúp khai hoang và định cư phần của những gì mà hiện nay là Montana. ít người biết về George Fall, nhưng ông đã viết nhiều thư về nhà trong những chuyến thám hiểm của ông, một trong những cháu trai của ông đã sao chép lại thành hình thức của một cuốn sách mỏng có bìa mềm, được in mật, một bản sao của cuốn sách này đã trở thành tài sản của Geoffrey Wilson.

“Đó là một sản phẩm thật quyến rũ,”

Sarah nói. “Dĩ nhiên, nó hơi khó đọc - nó được viết theo cách viết cổ, kỳ lạ, và phải sử dụng trí tưởng tượng để điền vào chỗ trống - nhưng tất cả tài liệu còn đó. Chị suy nghĩ là phải có ai đó làm gì với cuốn sách này; người đó có thể sẽ là chị.”

Ôi, công trình vẫn còn trong giai đoạn đầu, cô khẳng định, như thể để làm giảm thiểu sự ghen tị của họ; cô làm ra một đề cương phác thảo, kết thúc phần giới thiệu và viết nháp phần đầu của chương mở đầu, nhưng chương này vẫn cần phải làm thêm. Cô thậm chí chưa có tiêu đề cho chương này, mặc dầu cô đang nghĩ có thể đặt tên là Người Mỹ của George Fall, và cô phải mất nhiều công với việc nghiên cứu ở thư viện theo từng giai đoạn mà cô viết. Cuốn sách có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng cô yêu thích công việc này - và đó là một cảm giác tuyệt vời, một cảm giác như lại đang được làm một việc gì đó.

“Mm,” Emily nói. “Em có thể tưởng tượng ra được rồi.”

“Có thể sẽ phải tốn một chút tiền vào đó,” Tony nói, cười mỉm. “Đó thật là một cảm giác tuyệt vời.”

Sarah trông ngượng nghịu, và rồi bất chợt trở nên táo bạo. “Mọi người có muốn nghe phần Giới thiệu không?” cô hỏi. “Không phải lúc nào tôi cũng có một cơ hội là có hai độc giả là hai nhà văn thực thụ. Anh à!” cô nói với chồng, “Sao anh không giúp em tiếp rượu cho mọi người, và rồi em sẽ đọc cho mọi người phần Giới thiệu.”

Với đôi giày được cởi ra và mắt cá chân quặp vào mông, cầm bản thảo run run trên tay và cho phép giọng mình lấp đầy âm sắc cho một giảng đường nhỏ bé, Sarah bắt đầu đọc to.

Phần Giới thiệu nói về những lá thư của George Fall đã được bảo quản như thế nào, và nói về phần cơ bản của cuốn sách ra sao. Ở phần mở đầu giới thiệu qua về những chuyến lưu hành của ông, điền ngày tháng và địa điểm, và thậm chí nghe thật là trôi chảy: Emily đã ngạc nhiên sao các câu viết lại được trôi chảy đến như thế; nhưng không những thế, kịch bản của chương trình trên đài của Sarah còn làm cho cô ngạc nhiên nữa.

Tony trông buồn ngủ trong lúc nghe đọc - chắc hẳn anh đã được nghe từ trước rồi - và nụ cười nhìn xuống độ lượng của anh, khi anh nhìn chằm chằm vào cái ly của mình, dường như muốn nói rằng cái công việc này đã mang lại niềm vui cho người phụ nữ bé nhỏ này, tốt bụng và giỏi giang. Sarah đã đến phần kết: “George Fall với nhiều phương diện là một người đàn ông cao quý, nhưng ông không phải là duy nhất. Cùng thời với ông còn có những người khác nữa giống như ông - những người quan tâm, những người từ bỏ sự an nhàn và an toàn để đương đầu với một sự hoang vu, tiêu điều, để đối diện với những điều kỳ lạ dường như là tuyệt vọng, để chiến thắng một lục địa. Ở chính cảm giác thật này, cuốn sách của George Fall là câu chuyện của người Mỹ.”

Cô đặt bản thảo xuống, lại trông thật ngượng nghịu, uống một ngụm uýtki và nước thật lâu.

“Thật là tuyệt vời, Sarah,” Emily nói. “Thật sự tuyệt vời.” Và Jack nói một vài từ lịch sự để chứng tỏ anh hoàn toàn đồng ý. “Thật ra, có thể cần phải chỉnh sửa,” Sarah nói, “nhưng đó chỉ là những ý chính.”

“... Chị em thật ngọt ngào,” Jack Flanders nói khi anh và Emily trên tàu về nhà. “Và thật sự là cô ấy viết tốt; chẳng phải anh vừa nói vậy sao?”

“Chẳng phải em cũng vừa nói như vậy sao. Em biết là chị ấy viết tốt. Dẫu sao, em không thể đừng được suy nghĩ là sao chị ấy lại buồn chán và mềm yếu đến như vậy. Chị ấy vẫn luôn là người có hình ảnh đẹp nhất mà em đã từng biết.”

“À, thật ra điều đó xảy ra với tất cả những phụ nữ đang phát triển,” anh nói. “Vì vậy anh thích chữ M mượt mà. Không, nhưng anh hiểu những gì em nói về anh rể em; anh ta thuộc loại cục mịch.”

“Em luôn có cảm giác đau đầu kinh khủng khi em ra khỏi đó,” Emily nói. “Em không biết tại sao, nhưng cảm giác đó không bao giờ sai. Anh có thể bóp gáy cho em một lát được không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.