Edward lưu lại nhà nghỉ mát trong một tuần. Bà Daswood tha thiết nài ép anh ở lại lâu hơn; nhưng như thể tự hành xác, dường như anh nhất mực muốn ra đi khi cuộc vui với những người bạn của anh lên đến đỉnh điểm. Trong hai, ba ngày cuối, tinh thần anh có khá lên nhiều tuy vẫn còn dao động – càng ngày anh càng yêu mến ngôi nhà và khung cảnh – không bao giờ nói đến chia tay mà không thở dài – cho biết thời giờ của anh hoàn toàn không vướng bận – thậm chí không chắc sẽ đi đâu khi từ giã họ; nhưng dù sao anh vẫn phải đi.
Chưa bao giờ có tuần lễ nào trôi qua nhanh như thế; anh khó tin được thời gian sắp cạn. Anh nói đi nói lại điều này; anh cũng nói đến những chuyện khác, để che giấu tâm tư đảo lộn của anh và dối trá về các động thái của anh. Anh không có niềm vui nào ở Norland. Anh ghét ở lại thành phố; nhưng anh phải đi, hoặc ở Norland hoặc ở London. Anh đánh giá lòng tử tế của họ cao hơn bất kỳ điều gì khác; niềm hạnh phúc lớn lao nhất của anh là được gần bên họ. Tuy thế, anh phải từ giã họ vào cuối tuần, dù họ không muốn và anh không muốn, dù thời giờ của anh không có gì giới hạn.
Elinor cho rằng bà mẹ anh đã gây nên thái độ đáng ngạc nhiên của anh. May mắn cho cô là đã hiểu rất rõ bà mẹ anh, vốn là lý do cho mọi điều lạ kỳ về phần anh con trai. Dù cho thất vọng và bực bội, đôi khi khó chịu về thái độ mù mờ của anh, cô vẫn muốn nghĩ tốt về các động thái của anh. Tính vô tư và độ lượng như thế là do bà mẹ của cô đòi hỏi ở cô để bênh vực cho Willoughby. Tinh thần anh yếu đuối, lại không được cởi mở và nhất quán, phần lớn là vì anh thiếu khả năng tự lập, và anh biết rõ hơn mọi người về thái độ và ý định của bà Ferrars. Chuyến thăm viếng ngắn ngủi, lại khăng khăng đòi ra về, đều xuất phát từ cùng xu hướng cam chịu gông cùm, cần thiết để hoàn hoãn với bà mẹ anh. Lời phàn nàn lâu đời về bổn phận đi ngược với ý muốn, cha mẹ đi ngược với con cái, đều là nguyên nhân của tất cả. Cô sẽ vui mà được biết khi nào các khó khăn này chấm dứt, sự chống đối được nhượng bộ, – khi bà Ferrars được cải hóa và con trai bà được tự do mưu tìm hạnh phúc.
Nhưng từ các ước muốn vô vọng như thế, cô bắt buộc phải tìm an ủi trong việc phục hồi niềm tin yêu của cô về ý tình của Edward, trong hoài niệm về mỗi ánh mắt hoặc ngôn từ của anh khi lưu lại đây, và trên tất cả, trong chứng cứ của sự tôn vinh ấy mà anh thường đeo trên ngón tay anh.
-o0o-
Khi ngồi vào bàn điểm tâm sáng hôm sau, bà Daswood nói:
Edward à, tôi nghĩ anh sẽ được hạnh phúc hơn nếu anh có một nghề nghiệp để dùng thời giờ và tâm trí vào những kế hoạch và công việc. Những người bạn của anh sẽ chịu thiệt thòi, vì anh không thể dành nhiều thời gian cho họ. Nhưng (bà mỉm cười) anh sẽ có thuận lợi cụ thể theo ít nhất một phương diện: anh biết sẽ đi về đâu khi từ giã họ.
Anh đáp:
Xin bà tin rằng từ lâu tôi đã nghĩ về việc này. Từ trước, hiện nay và có lẽ mãi mãi sau này, tôi bị bất hạnh nặng nề nếu không có công ăn việc làm, không có nghề nghiệp để giúp tôi bận rộn, hoặc để tạo cái gì đấy cho tôi như là vị thế tự lập. Nhưng không may là tính tinh tế của tôi, và tính tinh tế của những thân quyến, đã tạo cho tôi thành con người bây giờ: nhàn rỗi, vô dụng. Chúng tôi không bao giờ đồng ý với nhau khi lựa chọn nghề nghiệp cho tôi. Tôi luôn thích làm việc cho giáo hội, và hiện giờ vẫn thích. Nhưng gia đình tôi nghĩ như thế là chưa được cao trọng. Họ khuyên tôi gia nhập quân ngũ. Nhưng việc này lại quá cao trong đối với tôi. Ngành luật tạo con người phong lưu vừa phải: nhiều anh trai trẻ đã thành đạt, có phong cách rất ấn tượng trong tầng lớp thượng lưu, chạy vòng thành phố trên xe độc mã hai bánh trông rất bảnh bao. Nhưng tôi không thiết tha với nghề luật ngay cả trong môn học không mấy khó khăn này, tuy gia đình tôi chấp nhận. Còn về hải quân, binh chủng này tạo phong cách, nhưng khi nghĩ đến thì tôi đã quá tuổi. Và, cuối cùng, tôi không bị bức xúc phải có nghề nghiệp gì cả. Không cần mặc áo choàng đỏ°, tôi vẫn có thể bảnh bao và phong lưu như người vô công rỗi nghề, và một trai trẻ tuổi mười tám không sốt sắng muốn bận rộn. Vì thế, tôi theo học đại học Oxford và vẫn rảnh rỗi từ ngày ấy.
Bà Daswood nói:
Vì rảnh rỗi không tạo hạnh phúc cho anh, tôi đoán hậu quả của việc này là những người con trai của anh sẽ được giáo huấn để theo đuổi nhiều ngành nghề khác nhau, như là Columella°°.
Anh nghiêm túc:
Chúng nó sẽ được giáo huấn để càng khác với tôi càng tốt – khác về cảm nghĩ, về cách hành động, về điều kiện sống, về mọi thứ.
Này, này, Edward, đây là lời bộc phát từ tinh thần yếu kém. Anh đang trong trạng thái u uẩn, tưởng tượng rằng người nào không giống anh hẳn được hạnh phúc. Nhưng anh nên nhớ ai cũng buồn như nhau khi chia xa bạn hữu, bất luận họ ở trình độ giáo dục nào hoặc khiếu thẩm mỹ nào. Anh cần nhận ra hạnh phúc của anh. Anh không thiếu gì cả ngoại trừ kiên nhẫn – hoặc gọi theo ngôn từ lôi cuốn hơn, là hy vọng. Sẽ đến lúc mẹ anh cho anh được tự lập như anh mong mỏi; đấy là bổn phận của bà, và nó sẽ là bổn phận; chẳng bao lâu bà sẽ vui khi thấy cả tuổi trẻ của anh không bị uổng phí trong bất mãn. Một vài tháng thì uổng phí bao nhiêu?
Edward đáp:
Tôi nghĩ tôi có thể mất nhiều tháng để làm được cái gì đấy tốt cho tôi.
Tâm trạng chán nản như thế, dù bà Daswood không hiểu, khiến mọi người buồn thêm trong buổi tối chia tay đã đến gần; đặc biệt lưu lại trong cảm xúc của Elinor một ấn tượng bất an phải qua khó khăn và cần thời gian để trấn áp. Nhưng vì cô đã quyết tâm trấn áp và không muốn tỏ lộ nỗi buồn nặng nề hơn là gia đình đã sẵn buồn vì xa cách, cô không theo phương pháp mà Marianne áp dụng một cách khôn ranh trong trường hợp tương tự khi rút vào im lặng, cô đơn và nhàn rỗi. Cách thức của hai chị em khác biệt giống như mục tiêu của họ khác biệt, đều thích hợp để đạt mỗi mục tiêu.
-o0o-
Ngay sau khi anh ra khỏi nhà, Elinor ngồi vào bàn viết, tìm việc làm bận rộn cả ngày, không gợi ý cũng không né tránh ai nhắc đến tên anh, ra vẻ như chính mình chú tâm vào các công việc của gia đình. Nếu qua cách này cô không thể khuây khỏa nỗi buồn, ít nhất nỗi buồn không nặng thêm, nhờ thế bà mẹ và hai em gái không phải lo lắng về cô.
Đối với Marianne, tư cách này trái ngược hẳn với cô, có vẻ không đáng khen lắm cũng như tư cách của cô không khiếm khuyết lắm. Cô em xác định rất dễ dàng về tư cách tự kiềm chế: với tình cảm sâu đậm thì không đáng kiềm chế. Cô không chối cãi, nhưng đỏ mặt khi công nhận, là tình cảm của chị cô đúng là trầm tĩnh. Còn về nghị lực của riêng cô, cô cho thấy chứng cứ rõ ràng là cô vẫn yêu thương và tôn trọng chị mình.
Không đóng cửa tự cô lập khỏi gia đình, hoặc bước ra khỏi nhà trong đơn độc để trốn tránh họ, hoặc nằm thao thức cả đêm để suy tưởng, vào những thời khắc khác nhau của mỗi ngày Elinor đều có thể nhàn nhã nghĩ về Edward và về thái độ của Edward trong mọi trạng thái tinh thần khác nhau – trìu mến, thương cảm, chấp nhận, chê trách, nghi ngờ. Có nhiều khoảnh khắc, khi mà, nếu không do bà mẹ hoặc hai em gái vắng mặt thì ít nhất do họ bị bận rộn, không ai nói gì với nhau, cô được đơn độc để sống với chính mình. Đương nhiên là tâm tư cô được tự do; tư tưởng cô không bị ràng buộc nơi khác. Quá khứ và hiện tại phải ở trước mặt cô, phải bắt buộc cô để tâm đến, và chiếm lĩnh hoài niệm của cô, suy tư của cô, mộng tưởng của cô.
Từ mơ mòng như thế, khi ngồi ở bàn viết một buổi sáng, không lâu sau khi Edward rời xa họ, cô bị đánh thức bởi có khách đến nhà. Cô đang ngồi một mình trong phòng. Cô nghe tiếng cánh cổng sân vườn trước nhà, hướng tầm mắt qua khung cửa sổ, nhận ra một nhóm đông người đang đi đến cửa chính. Trong số đó là Ngài John, Phu nhân Middleton và bà Jennings, nhưng còn thêm hai người khác, một đàn ông và một phụ nữ mà cô chưa quen biết. Cô đang ngồi gần cửa sổ, và ngay khi Ngài John nhận ra cô, ông tách ra khỏi nhóm người đang làm nghi lễ gõ cửa để bước qua bãi cỏ, bắt buộc cô phải mở khung cửa sổ để nói chuyện với ông, tuy chỉ có khoảng cách ngắn giữa cửa sổ và cửa chính, nên họ khó nói chuyện với nhau mà những người khi không nghe được.
Ông nói:
Này, chúng tôi dẫn đến vài người lạ. Cô thấy họ thế nào?
Suỵt! Họ nghe được.
Dù họ nghe được cũng không sao. Đấy là vợ chồng Palmer. Tôi có thể nói Charlotte xinh lắm. Cô có thể thấy cô ấy nếu nhìn hướng này.
Vì Elinor chắc chắn sẽ gặp cô này trong ít phút mà không phải sỗ sàng như thế, cô từ chối.
Marianne đâu? Cô ấy đã chạy trốn vì chúng tôi đến phải không? Tôi thấy chiếc đàn còn đang mở.
Tôi đoán cô ấy đang đi dạo.
Bà Jennings đi đến, vì không đủ kiên nhẫn đợi cánh cửa mở để kể chuyện của bà. Bà kêu với đến cửa sổ:
Có khỏe không, cháu yêu? Bà Daswood vẫn khỏe chứ? Còn các em gái cô đâu? Cái gì! Một mình! Cô sẽ lấy làm vui có một nhóm nhỏ ngồi cùng cô. Tôi dẫn anh con rể kia và con gái tôi đến gặp cô. Thử nghĩ họ thình lình đến đây! Tôi nghĩ tôi nghe tiếng xe ngựa đêm hôm qua, khi chúng tôi đang dùng trà, nhưng tôi không ngờ rằng họ đến. Tôi không nghĩ về gì khác ngoài việc Đại tá Brandon có thể đến; nên tôi nói với Ngài John, tôi chắc chắn nghe tiếng xe; có lẽ Đại tá Brandon đang đến .
Giữa câu chuyện của bà, Elinor bắt buộc phải quay đầu phía khác để chào đón những người kia trong đoàn. Phu nhân Middleton giới thiệu hai người lạ. Cùng lúc, bà Daswood và Margaret đi xuống thang lầu. Họ cùng ngồi xuống nhìn nhau, trong khi bà Jennings tiếp tục câu chuyện của bà khi đi vào hành lang, với Ngài John kế bên.
Cô vợ Palmer kém Phu nhân Middleton vài tuổi, và hoàn toàn khác về mọi phương diện. Cô thấp và béo, có khuôn mặt rất xinh, mọi nét đều lộ vẻ hài hước. Cử chỉ của cô không được phong nhã như bà chị, nhưng lôi cuốn hơn. Cô đi vào với nụ cười – mỉm cười suốt buổi thăm viếng ngoại trừ khi cất tiếng cười lớn, và mỉm cười khi ra về.
Anh chồng có nét nghiêm nghị ở tuổi hai mươi sáu hoặc hai mươi bảy, với tư thái theo thời thượng và có nhận thức hơn, nhưng không sẵn lòng lấy làm vui hoặc làm cho người khác vui. Anh bước vào phòng với vẻ tự cho mình là quan trọng, khẽ cúi đầu chào các phụ nữ mà không nói một lời, và sau khi quan sát họ cùng ngôi nhà, cầm lấy một tờ báo trên bàn và đọc liên tục suốt buổi.
Ngược lại, cô vợ Palmer có tố chất vừa lịch sự vừa vui vẻ, và ngay khi ngồi xuống cô đã buột miệng ca ngợi hành lang và mọi vật.
Này! Quả là gian phòng thú vị! Tôi chưa từng thấy ở đâu quyến rũ đến thế! Mẹ ạ, nghĩ xem, nhà đã được làm đẹp như thế nào so với lúc con ở đây! Con luôn nghĩ đây là nơi ấm cúng, mẹ ạ (quay qua nhìn bà Daswood), nhưng bà đã biến nó thành quyến rũ! Chị ạ, (nói với Phu nhân Middleton) hãy xem, mọi thứ đều hay hay thế nào ấy! Làm thế nào mà chính em cũng thích ngôi nhà như thế này! Anh Palmer, anh có thích không?
Anh Palmer không trả lời cô, thậm chí không nhướng mắt khỏi trang báo.
Cô cười:
Anh Palmer không nghe tôi nói, đôi lúc anh chẳng bao giờ nghe. Thật là lạ lùng.
Đây là điều khá mới lạ đối với bà Daswood; bà chưa quen chế giễu ai thiếu quan tâm, và không thể không lộ vẻ ngạc nhiên đối với cả hai.
Trong lúc này, bà Jennings nói oang oang, tiếp tục kể về nỗi ngạc nhiên của bà tối hôm trước khi vừa nhận ra khách đến, nói không dứt cho đến khi kể xong xuôi. Cô vợ Palmer cười thoải mái khi nghe nhắc đến sự ngạc nhiên của họ; và hai, ba lần mọi người đều đồng ý rằng đây là một ngạc nhiên vui sướng.
Nghiêng người về phía Elinor và trong giọng nói khẽ như thể không muốn cho ai khác nghe tuy họ đều ngồi quây quần trong phòng, bà Jennings thêm:
Mọi người có thể tin chúng tôi vui như thế nào; nhưng, tuy thế, tôi không thể không mong họ đừng đánh xe quá nhanh như thế, hoặc đi quãng đường xa như thế, vì họ đi vòng qua London để lo ít công việc, vì mọi người biết đấy (gật đầu trịnh trọng và chỉ về cô con gái bà), không hợp với tình trạng con gái tôi. Tôi muốn cô ấy ở nhà nghỉ ngơi sáng nay, nhưng cô đòi đi theo chúng tôi; cô ấy thiết tha muốn gặp mọi người ở đây.
Cô vợ Palmer cười, bảo cô không hề gì.
Bà Jennings tiếp:
Cô ấy sẽ phải ở cữ vào Tháng Hai.
Phu nhân Middleton không còn chịu đựng được cuộc trò chuyện như thế, vì bà cố hỏi han anh Palmer có tin gì mới trên báo hay không. Anh trả lời không có gì, rồi tiếp tục đọc.
Ngài John kêu lên:
Này, Marianne đến rồi. Bây giờ, Palmer, anh sẽ thấy một thiếu nữ đẹp kinh khủng.
Ông lập tức đi ra hành lang, mở cánh cửa chính, đích thân đưa cô vào. Ngay khi cô bước vào phòng, bà Jennings hỏi có phải cô đã đi Allenham hay không; và cô vợ Palmer cười thật thỏa thích như thể chứng tỏ mình đã hiểu. Anh Palmer chỉ ngước lên kh cô đi vào, nhìn cô một khoảnh khắc, rồi trở lại với tờ báo. Đôi mắt cô Palmer giờ đang dán lên các bức tranh treo quanh phòng. Cô đứng dậy để xem kỹ hơn.
Ồ! Những bức tranh này đẹp làm sao! Này! Trông thật thú vị! Mẹ ạ, nhìn xem, dễ thương làm sao! Con dám nói khá lôi cuốn; con có thể thưởng ngoạn mãi.
Rồi cô ngồi xuống, chẳng bao lâu quên ngay là có các bức tranh như thế treo trong phòng.
Khi Phu nhân Middleton đứng dậy để ra về, anh Palmer cũng đứng theo, buông tờ báo xuống, co dãn cơ thể và nhìn quanh mọi người.
Cô vợ anh cười:
Anh yêu, anh đã ngủ gật phải không?
Anh yêu không trả lời; và sau khi xem qua căn phòng chỉ nhận xét là mái quá dốc, trần bị oằn cong. Rồi anh cúi người chào và ra đi cùng với các người khác.
Ngài John đã khẩn thiết mời mọi người đến Barton Park ngày hôm sau. Bà Daswood không muốn dùng bữa với họ thường xuyên hơn là họ dùng bữa tại nhà nghỉ mát, nên nhất quyết từ chối cho riêng mình; riêng ba cô con gái thì tùy ý họ. Nhưng các cô không hiếu kỳ muốn biết vợ chồng Palmer ăn uống ra sao, nên nghĩ không vui thú gì với họ. Vì thế, các cô cũng muốn từ chối; thời tiết thì thất thường, có vẻ không được tốt. Nhưng Ngài John không hài lòng; ông sẽ gửi xe ngựa đi đón và họ phải đến. Phu nhân Middleton cũng thế: dù không nài ép bà mẹ, bà nài ép ba cô con gái. Bà Jennings và cô Palmer cùng tham gia khẩn khoản, tất cả dường như muốn tránh một buổi họp mặt chỉ trong phạm vi gia đình; và ba cô gái trẻ phải nhận lời.
Ngay sau khi họ ra về, Marianne than van:
Tại sao họ mời chúng ta? Tiền thuê nhà nghỉ mát này nói là thấp; nhưng ta thuê qua điều kiện ngặt nghèo nếu ta phải đi ăn với họ mỗi khi có bất kỳ ai đến chơi vơi họ, hoặc họ đến chơi với mình.
Elinor nói:
Qua những lời mời thường xuyên này, họ không có ý kém lịch sự hoặc tử tế so với những lời mời vài tuần trước. Chính họ không thay đổi nếu những buổi họp mặt của họ trở nên nhọc nhằn và nhạt nhẽo. Ta phải tìm sự thay đổi nơi khác.
Chú thích:
° Áo choàng đỏ: quân phục đặc trưng nước Anh, nên được dùng để chỉ quân nhân Anh hoặc quân đội Anh
°° Columella: điển tích này khiến ngay cả nhiều người đọc nguyên tác cũng thấy khó hiểu. Theo một giải thích, Columella là nhân vật trong một tác phẩm năm 1779 của Richard Graves, tin rằng những người con trai của ông phải có nhiều nghề để tránh nhàm chán như ông. Cũng có thể Jane Austen ám chỉ Lucius Moderatus Columella, sống vào thế kỷ 1 thuộc Tây Ban Nha bây giờ, tác giả 12 bộ sách về nhiều ngành nghề nông nghiệp: thổ nhưỡng, quản lý nước, cải tạo đất, trồng trọt, nuôi bò, ngựa, cừu, dê, gà vịt, nuôi cá, nuôi ong, quản lý trang trại…